Sau nghìn hô vạn hoán, A Ly rốt cục cũng thành con chồn hương mẹ (*).
(*) có giải thích về tên mụ của A Ly ở chương 2.
A Ly:..... Không phải bạn nói là mình bị vô sinh sao?!
Dung Khả: =___= Mình chỉ suy đoán, đoán mò chút thôi mà. Hơn nữa suốt kiếp đầu tiên bạn cũng có đẻ được đâu!
A Ly suy nghĩ một chút, suốt kiếp đầu tiên bản thân đã ngập lụt trong sự hồ đồ, đến tột cùng cô đã ăn phải bao nhiêu thứ mà người ta lén bỏ vào, e rằng có muốn biết cô cũng đã không thể tìm hiểu được nữa.
Lúc tiểu Thái tử chào đời, cậu đã mũm mĩm y như heo con, A Ly cảm thấy cái tên A Đồn (heo con) này rất có hình tượng. Nhưng Tư Mã Dục tuyệt đối không cho con mình dẫm vào vết xe đổ của cha nó, mỗi lần nói ra tên mụ là mọi người phải cố gắng nhịn cười. Anh suy nghĩ mất một lúc lâu, rồi quyết định gọi cậu là Khuyển Tử (chó con).
Tiểu Thái tử: T__T...... Hai người đủ rồi!
Vẫn là Thái Hậu không nhịn được nữa, mới bảo gọi là Bát Nhã (là trí tuệ trong kinh Phật) —- từ khi thăng chức thành Thái hậu, bà bắt đầu tín Phật, người khác tín Phật thì thắp hương lạy Bồ Tát rồi chép sách kinh, còn khi bà tín Phật thì chỉ đi học Phạn ngữ (tiếng Ấn Độ cổ) để dịch kinh thư, thử nghĩ mà xem người mới nhập môn mà đạt đến trình độ như vậy, A Ly không khỏi cảm thán đây chính là cảnh giới. Có thể để cho tiểu Thái tử gần gũi với bà nội thông tuệ nhường ấy, còn gì A Ly tốt hơn. Danh tự của Thái tử cứ thế được định đoạt.
Có con trai rồi, Tư Mã Dục vui vẻ lên nhiều. Từ khi Thái tử phun nước bọt phì phèo, anh liền mỗi ngày kiên trì trò chuyện với cậu mất nửa canh giờ, anh kiên quyết muốn bồi dưỡng cho con trai gần gũi với bên nội hơn, để chặt đứt tình cảm mẹ con đơm hoa kết trái. Tiểu Thái tử bị cha đoạt mất đồ chơi thì nhăn mặt, đối với hành động khiều tay khiều chân chỉ còn cách quẫy đạp né tránh, rồi dùng vẻ mặt cau có “Đừng lộn xộn” nhìn anh. Chỉ có điều, thằng nhóc này có tính cách giống hệt A Ly, thích nghe giảng đạo lý. Những lúc đó, Thái hậu đều nhịn không được muốn quăng cái trống lắc vào mặt Tư Mã Dục, cậu nhóc lại còn kiên trì không khóc không nháo cũng không động tay động chân, ra vẻ tràn đầy thương hại nhìn Tư Mã Dục. Nghĩ thầm cũng thật đáng thương, mất mặt đến độ đó, người làm mẹ như bà sao có thể quản được nữa chứ?
Thái hậu sâu sắc bày tỏ: con có thể hiểu chuyện bằng một nửa cháu nội đã là tốt rồi......
Thật ra thì Tư Mã Dục có một phần mong đợi nho nhỏ mà người khác không biết.
Anh cảm thấy hai người họ đã có con trai rồi, đại khái A Ly sẽ không nỡ hóa phượng hoàng bay đi. Cho dù cô có muốn vứt bỏ anh, để anh không biến thành chó dại đi cắn người lung tung, tốt xấu gì cũng đã có thêm thằng con trai đứng cùng chiến tuyến với anh, có thể sử dụng nó một cách ôn hòa để ép A Ly suy nghĩ lại. Cho dù đến cuối cùng cô vẫn phải đi, thì ít nhất cô không thể mang con trai theo được, cho đau lòng chết cô luôn, để cô cả đời không thể yên ổn mà sống được! Hơn nữa, đợi đến khi con trai trưởng thành và anh cũng sắp gần đất xa trời, anh sẽ tố cáo tất cả cho nó biết, năm đó A Ly đã giả dối, đã lợi dụng anh thế nào, rồi lại tàn nhẫn vứt bỏ anh ra sao.
Đáng tiếc là, Thái tử vẫn kiên định mở rộng mục tiêu sống hướng về phe phái của mẹ — hết cách, ai bảo trong mắt con nít, mẹ cho nó bú sữa dễ thương hơn nhiều so với người cha đem đồ chơi đến.
Tư Mã Dục cuống quýt cả lên, bắt đầu cùng Thái tử tranh đoạt A Ly. Thái tử cũng rất là gan dạ, đại đa số thời gian chỉ cần cậu không đói bụng đều sẽ bỏ mặc Tư Mã Dục qua một bên. Dù sao thì chỉ cần mẹ cậu không lọt ra khỏi tầm mắt cậu là được.
Thái tử không giống A Ly ở chỗ chính là tính cách cậu tương đối hấp tấp. Lúc mới biết đứng đã bắt đầu nôn nóng, nhiều khi đi còn chưa ổn đã loay hoay muốn chạy. Lần nào cũng đều té lên té xuống, qua hôm sau đã dễ dàng bị chim hoặc bướm dọc đường dụ đuổi theo.
Cậu không thích khóc, một tuổi vẫn chưa biết nói. Có một dạo Tư Mã Dục sốt ruột muốn chứng minh cậu không bị câm. Ngày nào cũng mang một món đồ chơi khác nhau đến dụ dỗ, “Cha, cha...... Gọi cha đi nào.”
Rốt cục Thái hậu nhìn không nổi nữa, “Chính con cũng mất một tuổi rưỡi mới biết gọi đó.”
“Sao con lại có thể ngu ngốc đến cỡ đó được!” Tư Mã Dục không muốn chấp nhận sự thật, “Nhi tử à, gọi cha nào, gọi đi gọi đi. Con không gọi sẽ không cho con đồ chơi, cũng không để a nương cho bú sữa nữa đó!”
Thái tử bình thản phun vài vệt nước bọt vào mặt anh, quay đầu lại tìm vú của mẹ để bú.
A Ly: “Kêu một tiếng cha đi nào.”
Thái tử chớp chớp đôi mắt xếch long lanh, vô tội quay đầu lại, “Chi.....” (cu cậu nói ngọng ^^).
Tư Mã Dục cảm thấy rất hết sức hài lòng mãn nguyện.
Đến lúc Thái tử có thể chạy mà không ngã nữa, cậu bắt đầu thể hiện năng lực giao tiếp. Các chị gái của Tư Mã Dục cũng rất yêu thương cậu, mỗi lần cậu ra ngoài đi bộ một vòng, mọi người đều ôm bao nhiêu đồ chơi cùng các loại đồ ăn vặt chỉ đợi lúc cậu có hơi khó chịu là dâng hiến hết cho Thái tử, song chưa từng có lễ vật nào lấy lòng được cậu nhóc này. Thường thường lúc lần đầu gặp mặt, cậu sẽ đuổi các cu cậu anh em họ, các chị em họ sợ chạy tán loạn ra khỏi cửa, có đứa nhát gan còn bị cậu đuổi đến bật khóc, nhưng chỉ một lát sau thì cả đám nhóc con đó lại tụm lại lần nữa, cùng chơi đùa với cậu.
“Thật là đỡ lo hẳn.” Thái hậu bảo, “Hài tử thế này có nuôi mười đứa cũng không cực, phải chi A Mang cũng như thế thì ta đâu phải khổ.”
Tư Mã dục:..... này!
Lúc tiểu Thái tử lên bảy bắt đầu học chữ, Tư Mã Dục do dự mãi giữa hai người là Tạ Liên và Lư Hiên, cuối cùng quyết định chọn Thẩm Điền Tử làm Thái Phó cho con trai anh.
So sánh thì học vấn của Thẩm Điền Tử cao hơn Vương Diễm một chút, tính cách cũng trầm ổn đứng đắn, là thầy tốt bạn hiền. Quan trọng hơn là —- từ nhỏ đến lớn anh ta đều rất an toàn! Thời đại này mẫu quyền vẫn tương đối lớn, làm Thái Phó cho Thái tử khó tránh khỏi sẽ có cơ hội tiếp xúc với mẹ của Thái tử.
A Ly cũng rất hài lòng với Thẩm Điền Tử. Xem như cô đã nhận ra rằng con trai của cô dù vừa nhìn vào là trầm mặc chững chạc, nhưng vốn vẫn là con trai của Tư Mã Dục. Ranh ma vô cùng, cứ im im ỉm ỉm mà hành hạ hết người này tới người kia, so với Tư Mã Dục còn khiến người ta đau đầu hơn! Đang cần một người chính nhân quân tử như Thẩm Thẩm Điền Tử dùng năng lượng vốn có để cảm hóa một chút.
Có thể để Tạ Liên phụ trách dạy dỗ cũng tốt, nhưng Tạ Liên mỗi năm phải ra ngoài rất nhiều, e rằng sẽ bất lợi nếu vừa lúc con trai mình bắt đầu dốc lòng cầu học.
Theo lẽ đương nhiên, khi tiểu Thái tử lên chín tuổi thì bắt đầu biết tán tỉnh các cô nhóc tóc búi bánh bao. Chẳng qua là, bên cạnh cậu không chỉ có các mỹ nhân mưa bụi Giang Nam, mà còn có cô bé như quả ớt cay đến từ Giang Bắc. Sau khi thua cược bị người ta đến cửa ép cưới hai lần, rốt cuộc cậu mới chịu yên ổn, bắt đầu an tâm dốc lòng cầu học.
Lúc mười bốn tuổi, triều thần bắt đầu quan tâm chọn Thái tử phi cho cậu. Tư Mã Dục và A Ly bàn bạc vài lần, anh muốn chọn một trong bốn gia tộc ở phương Bắc. A Ly hỏi ý kiến của cậu, tiểu Thái tử tỏ vẻ: Chỉ cần không phải là cái cô yêu tinh cưỡi ngựa đỏ nhà Thôi gia là được.
A Ly quyết định đợi thêm hai năm nữa. Mười bốn tuổi vẫn còn quá nhỏ, chẳng những chưa thể có trách nhiệm với bản thân mình, nói không chừng thích hay không thích ai còn chưa thể phân biệt rõ. Bệnh này cũng có thể là do gia truyền.
Đến khi tiểu Thái tử mười bảy tuổi, A Ly và Thôi Sâm trở thành thân gia.
Trong đêm tân hôn, đáng lẽ ra vợ chồng son phải động phòng thì lại cầm binh khí mà đánh nhau. Có điều cuối cùng hình như là con trai của cô thắng, còn mượn cơ hội đó xác lập quyền chủ đạo trong nhà. Tuy thế, bọn trẻ vẫn xảy ra cãi lộn này nọ, còn đánh nhau ầm ĩ nữa.
A Ly đã hỏi con dâu thử xem đến tột cùng là vì sao chúng lại cãi nhau mãi thế. Cô cảm thấy đã qua thời gian khá lâu rồi mà ngày nào cũng gây lộn được với nhau cũng là một loại bản lãnh. Đổi lại cô thì đã sớm đế người kia cuốn gói chạy đi khuất mắt cho rồi.
Cô con dâu thì mượn cơ hội kể lể: “Hơn nửa tháng nay con đã cố gắng theo người học nấu ăn lắm đấy chứ, lần lựa mãi mới có can đảm làm chút điểm tâm sáng cho chàng ăn, chàng chỉ vừa cắn một miếng liền nhổ ra, còn hỏi ‘Sao khó ăn thế này?’! Con có biết kiềm chế lắm cũng không nổi nữa, chàng lại còn muốn quản lý con, người nói xem, có phải chàng quá đáng với con không chứ!”
A Ly:...... À có một chút xíu.
“Đó cũng chưa thấm vào đâu,” con dâu nói tiếp, “Ngày thứ hai con lại lấy sách dạy nấu ăn ra làm điểm tâm sáng cho chàng ăn, vậy mà chàng ăn rồi còn than thở khó ăn thế này thế kia, bảo sau này không nên làm tiếp nữa! Bảo con không có thiên phú, đừng nên làm mấy món khó ăn vậy cho chàng nữa...... T__T”
A Ly: Được rồi được rồi, cô đã rõ hết rồi. Đó chính là thú vui nơi khuê phòng của chúng, cô xen vào nữa thì chính là ngu ngốc!
Cuộc sống cứ thế trôi qua thập toàn thập mỹ.
Điều duy nhất không như ý chính là, hằng năm vào lễ giao thừa, Tư Mã Dục đều hỏi cô, “Kiếp sau nàng có còn quay lại tìm ta nữa không?”
Lần nào A Ly cũng không biết nên trả lời ra sao. Kiếp sau là khái niệm gì cô còn chưa rõ..... Mà nếu nói có thể lại tìm Tư Mã Dục thì nên bảo sao, người ở kiếp sau chưa chắc đã giống người của kiếp này.
Lễ trừ tịch lúc tiểu Thái tử mười chín tuổi, Tư Mã Dục lại hỏi vấn đề này, và A Ly cũng không thể trả lời.
Tư Mã Dục thở dài, nói: “Được rồi, không cần trả lời.” Sau đó vừa lúc A Ly thở phào nhẹ nhõm, anh chêm thêm một câu, “Nàng không đến tìm ta, vậy thì ta đi tìm nàng là được chứ gì.”
.
.
.
Vĩ thanh của vĩ thanh.
Vào một ngày nào đó ở hiện tại, Tư Mã Dục bỗng nhiên đứng trước mặt A Ly, trong tay cầm theo hai chú cọp làm từ bùn.
“Thi lại là chuyện quái gì thế? Tuyến tình cảm Tạ Liên là chuyện khỉ gió gì?? Thay đổi nam chính là chuyện gì đây hả? Chẳng lẽ quấn lấy tôi suốt ba kiếp, chính là vì để cô thi đậu cuộc thi này sao?!”
A Ly:...... 0__0|||
“Sao anh lại ở đây được chứ......” Không đúng, “Không phải như anh nghĩ đâu...... Anh nghe tôi giải thích đi mà!!!”