https://truyensachay.net

Bánh Mì Thơm Cà Phê Đắng

Chương 5

Trước Sau

đầu dòng
Paris ẩm thực Có một câu nói vui truyền miệng của dân châu u: thế giới là thiên đường nếu tất cả cảnh sát là người Anh, đầu bếp là người Pháp, thợ máy là người Đức, người tình là người Ý và tất cả mọi thứ được sắp đặt bởi người Thụy Sĩ.

Ngược lại, thế giới là địa ngục khi tất cả cảnh sát là người Đức, thợ máy là người Pháp, người tình là người Thụy Sĩ, đầu bếp là người Anh và tất cả mọi thứ được sắp đặt bởi người Ý.

Đang sống và học tập ở Anh, tuy không đến nỗi phải than vãn về những món ăn của các đầu bếp Ănglê nhưng vốn có “tâm hồn ăn uống” và vốn mê đồ ăn Pháp, nhân nghỉ lễ Phục sinh tôi làm một chuyến qua Paris ngay để ăn uống thỏa chí một tuần.

Văn hóa ẩm thực VN ảnh hưởng rất nhiều từ người Pháp, dễ thấy nhất qua thói quen uống cà phê buổi sáng (trong những tấm postcard Paris bán cho du khách trên đường phố, bên cạnh những tấm ảnh chụp tháp Eiffel, Khải Hoàn môn, sông Seine… có những tấm ảnh chỉ chụp những tách cà phê bốc khói nghi ngút).

Dân Paris trước khi đi làm thường uống cafe express - cà phê đen có hoặc không có đường trong tách nhỏ, cafe au lait - cà phê pha thật nhiều sữa nóng uống trong những tách lớn, có khi to bằng chén ăn cơm, và cafe crème - thức uống đặc trưng Pháp với cà phê pha kem sủi bọt nâu thơm lừng.

Trong khi người Anh ăn rất nhiều vào buổi sáng với thịt heo muối, trứng ốpla, xúc xích, bánh sandwich nướng..., người Pháp ăn sáng nhẹ, thường là bánh mì baguette, giống y bánh mì VN nhưng nhỏ và dài, kẹp xà lách, thịt jambon và bơ. Khác với những gì ta thường nghĩ, dân Paris không ăn bánh sừng trâu (croissant) mỗi sáng mà chỉ dành cho những ngày cuối tuần.

Buổi sáng trên hai đường phố Rue de Seine và Rue de Guci ở khu phố Latinh phía nam Paris vốn nổi tiếng với những hàng ăn rất ngon, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là hàng bánh mì lề đường mà tôi chưa thấy ở đâu ngoài VN. Người bán thoăn thoắt xẻ bánh mì, kẹp thịt, nhồi rau, nhưng thay vì có chút nước tương hoặc muối tiêu thì bánh mì thịt kiểu Pháp có sốt mayonaise béo ngậy.

Khi phát hiện xe gà quay với hàng dãy gà béo núc, quay đều, tươm mỡ vàng ươm, tỏa mùi thơm phưng phức; tôi chọn mua bánh mì kẹp gà quay rồi cùng Daniel đi bộ đến vườn Luxembourg gần đó làm một buổi picnic nho nhỏ.

Những miếng bánh giòn tan, đậm đà làm tôi nhớ quá VN.

Hôm sau tôi gọi điện cho Benjamin. Khi Ben còn vác balô du lịch Sài Gòn hồi năm ngoái, anh được tôi dẫn đi ăn phở tái nạm gầu gân ở quận 1. Ben làm một mạch hết tô phở to đùng rồi uống một hơi hết ly sinh tố xoài, khen hết lời “Ngon quá! Ngon quá!”. Để đáp lễ, Ben hẹn buổi tối sẽ dẫn chúng tôi tới một quán ăn Pháp chính gốc mà theo lời anh “khách du lịch không biết được đâu nhe”.

Quán ăn Ben dẫn chúng tôi đến mãi 12g khuya mới có bàn trống. Đó là nhà hàng nằm trên một góc phố nhỏ, chật hẹp với những bộ bàn ghế gỗ trải khăn nhựa carô (lại một điểm giống VN nữa). Thực đơn viết bằng phấn trắng trên bảng đen cũ kỹ, treo trên những bức tường ám khói và không có bản tiếng Anh như khu khách du lịch dọc sông Seine.

Chúng tôi chọn món khoai tây chiên sơ trên trải những lát jambon cru- thịt heo không nấu chín mà xông khói đỏ au thơm lừng, béo ngậy và thơm mùi phó mát Pháp lẫn nấm tươi. Sau bữa ăn no căng bụng, tôi vẫn chọn món tráng miệng bánh gatô kiểu xứ Basque vàng ruộm, thơm mùi hạnh nhân. Khi bánh xèo VN được biết đến nhiều trên thế giới, rất nhiều người cho là bánh xèo bắt nguồn từ bánh crêpe. Bánh crêpe Pháp cũng làm bằng bột pha nước, tráng mỏng trên khuôn cho tới khi ngả vàng, kẹp nhân ngọt (đường, bơ, kem, bơ đậu phộng) hoặc nhân mặn (trứng, jambon, hải sản). Bánh crêpe nhân bơ mặn ở Pháp thành thật mà nói không thể ngon bằng bánh xèo nhân tôm kẹp rau sống chấm nước mắm chua ngọt mẹ tôi làm.

Paris còn nổi tiếng về những món ăn từ hải sản tươi từ Brittany và Provence chở về. Chợ hải sản Paris là một bữa tiệc về hình ảnh, màu sắc, mùi vị của đủ chủng loại cá tươi, tôm hùm béo núc, cua lớn bằng hai bàn tay, sò điệp đỏ au, hàu xù xì gai xám, mực nang trắng phau... Chúng tôi đến đây đúng tuần lễ ẩm thực sò, những quán ăn Paris đua nhau đưa sò làm món ăn trong ngày (plat du jour). Trong khi hải sản ở Anh mắc như vàng theo đúng nghĩa đen thì một thố sò đầy ngồn ngộn trong một quán ăn gần nhà thờ Đức Bà giá chỉ 8 euro (khoảng 160.000 đồng), rất rẻ so với vật giá châu u. Những con sò Địa Trung Hải tươi rói, đầy ắp thịt, được hấp rượu vang trắng, hành tây và rau mùi xắt nhuyễn, thơm lừng, nhấm nháp với rượu Bordeaux trắng thật đúng điệu.

Không chỉ ẩm thực VN chịu ảnh hưởng của Pháp mà ngược lại ẩm thực Pháp cũng du nhập rất nhiều món ăn Việt. Sách du lịch Lonely planet viết về VN nhiều nhất trong phần viết về ẩm thực nước ngoài ở Paris. Người Pháp đưa món chả giò và phở bò vào thực đơn nhiều nhà hàng truyền thống Pháp với cái tên le nem và le pho, cũng như người Anh lấy càri n Độ làm một trong những món truyền thống Anh vậy.

Còn món bánh tráng cuốn tôm luộc, bún tươi và rau thơm ăn kèm nước chấm tương tự những quán lề đường gần hồ Con Rùa trước đây cũng nằm trong những quán ăn sang trọng Paris với cái tên rất “kêu” rouleux du printemps (nem cuốn mùa xuân).

Đến lúc tạm biệt thủ đô Pháp, tôi đã thật sự tiếc nuối vì không đủ thời gian để nếm thử tất cả những món ăn Pháp nổi tiếng thế giới như foie gras, pâté du tête (món patê rất giống giò thủ VN), phó mát camembert (rất nặng mùi nhưng khi đã ăn được rồi rất dễ ghiền như người Việt mê ăn sầu riêng vậy), súp hành mà một phóng viên người Mỹ từng so với phở VN, và tất nhiên, rượu vang Pháp đủ mùi vị chủng loại từng làm say đắm không biết bao nhiêu người.

Đến Paris với hành lý nhẹ hẫng, tôi về lại Anh với một vali nặng trĩu những rượu vang, phó mát, bơ, jambon, xúc xích, hải sản đóng hộp, dầu ôliu nguyên chất, viên súp... làm quà cho bạn và cho mình. Và trong khi gà gật ngủ chờ chuyến bay, tôi mơ thấy hai giáo sư ở trường đổi đề tài hai bài luận sắp đến hạn tôi phải nộp: không phải về nghiên cứu thị trường và quản lý nhân sự nữa mà về ẩm thực Paris! 6. Đi uống cà phê - Ngô Thị Giáng Uyên Những ngày học cấp hai, tôi thường rất khoái được mẹ chở đi chợ cách nhà bốn cây số để hí hửng cầm tờ tiền mới được cho, chạy một mạch tới quầy nước đối diện hàng vải, gọi một ly cà phê sữa mịn màng. Rồi tôi thích thú dùng muỗng khuấy đá bào (thường chiếm tỉ lệ áp đảo trong ly) cho cà phê trộn sữa Ông Thọ sủi bọt lên, nhấm nháp thứ thức uống vừa đắng, vừa ngọt, vừa béo ngậy thơm lừng. Ai thấy cũng bảo mẹ tôi "Sao nó còn nhỏ mà cho nó uống cà phê dữ vậy?", nhưng mẹ tôi cười "Kệ, nó thích cứ để nó uống".

Có lẽ cũng vì những ngày "nó thích cứ để nó uống" đó mà bây giờ đi đâu tôi cũng lân la muốn biết cà phê xứ đó ra sao, có khi sợ mất ngủ không dám uống cà phê cũng vào quán gọi món khác, nhìn không khí quán và người qua lại.

Khi còn đi học ở Anh, nhà tôi ở có một anh bạn người Ailen tên Paddy. Anh chàng này khá luộm thuộm và hay làm hai đứa con gái trong nhà là Janette và tôi cằn nhằn, nhưng thỉnh thoảng anh lại chịu khó làm cà phê kiểu Ailen (Irish cfee) cho cả nhà uống nên chúng tôi ít khi giận anh được lâu, nhất là từ khi biết được Irish cfee là món cà phê rất mắc tiền mà chỉ những quán tương đối sang mới có.

Tờ Telegraph gọi đây là "thức uống mịn như nhung và dễ chịu, làm ta hồi phục cả sức khỏe lẫn tinh thần". Làm Irish cfee rất công phu, phải dùng nước nóng rửa ly thủy tinh có chân, lau khô, rót rượu whiskey vào, phải là những loại whiskey "chân chính" của Ailen như Bushmills hay Tyrconnell, thêm một muỗng đường nâu, khuấy đều cho tan đường, lấy diêm châm lửa đốt rượu vài giây để giảm độ cồn trong rượu và cân bằng hương vị giữa cồn và caffeine, đúng là "nghề chơi cũng lắm công phu". Rót đầy cà phê thật nóng và đậm đặc cách miệng ly đúng 1cm, chờ một lúc để hỗn hợp rượu và cà phê hòa lẫn vào nhau mới cho kem tươi (whipped cream) trắng muốt lên trên, không khuấy nữa vì bí quyết uống Irish cfee là nhấm nháp cà phê nóng xuyên qua lớp kem lạnh.

Tuyệt vời nhất là chui vào chăn vừa đọc báo vừa uống món cà phê làm ta chếnh choáng này vào những ngày mưa lạnh và sương mù giăng kín khắp nơi. Bởi vậy lâu lâu tìm hoài không thấy cái dĩa yêu thích nhất trong bếp và biết ngay "thủ phạm" Paddy ăn xong chưa rửa, Jannette và tôi cũng vui vẻ đi kiếm dĩa khác, không càu nhàu chút nào.

Mê tìm hiểu về cà phê nên sang Pháp, tôi như cá gặp nước.

Trong một cuốn sách tôi đọc, dù không phải dân tộc đầu tiên uống cà phê nhưng người Pháp đã có không ít cải tiến cho thứ nước uống đã được nâng lên tầm văn hóa này, như việc cho thêm đường vào cà phê vào đời vua Louis XIV.

Cuối thế kỷ 17, việc uống cà phê pha sữa trở nên phổ biến khi một bác sĩ người Pháp khuyên nên dùng café au lait (cà phê sữa) để cải thiện sức khỏe. Có đến Pháp mới thấy dân tình uống cà phê "dữ dội" đến mức nào. Sáng sớm, trong những quán cà phê hè phố hay những tiệm ăn Paris, dân văn phòng ai nấy cũng nâng tách cà phê, có thể là café au lait to tướng như chén ăn cơm, gồm một nửa cà phê một nửa sữa tươi nóng bốc khói nghi ngút, mờ cả mắt kiếng, café serré đậm đặc vì chỉ có một nửa lượng nước so với cà phê đen thông thường, hay café crème màu nâu có kem thơm và béo, uống một hơi rồi tất tả đứng dậy xách cặp chạy ra bến tàu điện ngầm.

Nhưng phần lớn thời gian, người Pháp thích ngồi rề rà trong quán nhâm nhi cà phê với mấy viên sôcôla đen hay kẹo truffle mềm, thư giãn và tán dóc, y như ở Việt Nam.

Những lần rề rà "nhập gia tùy tục" ở những quán cà phê Paris, tôi thích gọi un noisette, món cà phê giống espresso nhưng có pha ít kem hay sữa, đơn giản chỉ vì thích được nghe người phục vụ hỏi lại "Un noisette?" bằng thứ giọng mũi rất đáng yêu của người địa phương.

2g khuya một ngày Paris cuối tuần đẹp trời, sau một bữa ăn no nê, trong khi chúng tôi nhấm nháp tráng miệng, anh bạn người Pháp tên Ben gọi một tách cà phê. Thấy tôi tròn mắt nhìn, anh khoát tay: "Không có cà phê tôi... không ngủ được". Khi được hỏi sao lạ đời quá vậy, Ben cười "Ở đây ai cũng vậy hết mà!". Quán đông, mãi nửa tiếng sau, anh chàng phục vụ mới mang cà phê lại, bị cằn nhằn, anh này chỉ nhún vai, cái nhún vai đặc trưng kiểu Gôloa, với hai vai kéo lên tận mang tai và hai bàn tay ngửa ra, ý nói "Tôi không biết. Không phải tại tôi". (Nếu bạn muốn thấy cái nhún vai tương tự, hãy để ý Thiery Henry lúc bị trọng tài thổi phạt khi đá cho Arsenal). Nhưng tách cà phê sóng sánh thơm phức kia chắc ngon lắm nên Ben không nhăn nhó nữa, vả lại những anh chàng và cô nàng phục vụ người Paris vẫn nổi tiếng thế giới vì sự đỏng đảnh.

Tôi trải qua ba tháng uống trà thay cà phê ở xứ sương mù trước khi đến Ý, "kỳ phùng địch thủ" của Pháp trong việc chiếm trái tim dân ghiền cà phê. Quả thật, ở quốc gia xinh đẹp này việc uống cà phê được xem như một môn nghệ thuật. Espresso bạn uống ở khách sạn năm sao nơi khác có thể được người pha chế lừng danh pha từ máy espresso loại xịn, nhưng tôi mạo muội nói không thể sánh bằng espresso đậm đặc, đắng và thơm trong tách nhỏ xíu uống tại một trong những torrefazione bên một cây cầu gỗ với những ngôi nhà kiểu Phục hưng, do một cô nàng người địa phương tóc đen, mắt cũng đen láy, pha rồi bưng ra kèm một câu chúc uống ngon miệng bằng tiếng Ý du dương.

alt
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc