https://truyensachay.net

Bão Đồng

Chương 10

Trước Sau

đầu dòng
Nhưng cũng không có gì là khó hiểu, vì con người ở giữa trần gian, lại cũng người trần mắt thịt với nhau cả, chứ đâu phải chuyện mò kim đáy biển mà không hiểu.

Cải lâu lắm mới ăn bữa cá gỏi, lạ mồm ngon miệng, lại thêm có tý quốc lủi vào nữa, đúng là vừa no vừa say. Cơm nước xong, Cải vào giường Điền trong buồng ngả lưng. Cái giường hôm nào hai người thức suốt đêm, nghe Điền kể đoạn trường dẫn đến cái án kỷ luật lưu đảng tới tận bây giờ Điền vẫn còn đeo như đeo đá, rồi thình lình nghe tiếng kêu như cháy làng ở ngoài bờ đầm. Khi Điền và Cải hớt hải chạy ra đến ngõ thì gặp Viên đang đi về. Trời tối, hai ông anh chẳng ai nhìn rõ mặt cô em cắt không còn hạt máu. Nhưng khi nghe ông anh hỏi cái gì ở ngoài đó mà ầm ĩ thế? thì Viên lại tinh bơ, cứ như thể cái sự ầm ĩ ấy không phải do mình là thủ phạm gây ra, Viên bảo, họ đuổi trộm vào đầm sen ấy mà. Cải vào giường Điền trong buồng ngả lưng, định chỉ chợp mắt một tý rồi dậy, sang Phương Trì xem cái việc ông Mải nói anh em Thuật và Lận đang giữa kỳ giáp hạt lại rở rói ra xây sinh phần thực hư ra sao. Nhưng cơm no rượu say làm Cải ngủ chẳng biết giời đâu đất đâu. Khi choàng dậy thì trời chiều tháng tư, mặt trời đã đổ bóng khóm tre ngoài cổng nhà ông Mải xuống già nửa cái sân gạch. Túc mới lúc cơm rượu xong còn nằm ngay ra chiếc chiếu dưới đất, ngáy như kéo bễ, giờ Cải vừa đi vừa dụi mắt từ trong buồng ra đã không thấy bóng vía đâu. Ông Mải đang ngồi bên cái bàn uống nước, dáng vừa hút xong điếu thuốc, tay còn cầm chiếc se điếu đặt trên bát. Thấy Cải ra, ông cụ ngẩng lên bảo:

- Sao anh không nghỉ đi tý nữa.

- Con nghỉ thế đủ rồi.

- Túc nó nói anh dậy thì bảo anh ở đây chơi. Tối sang ăn bữa cơm rau mắm với vợ chồng, con cái nhà nó.

- Gớm, mới lúc trưa vừa ngồi với nhau xong, đã vẽ vời. Ông nói hộ con gửi lời cảm ơn. Con phải về huyện, tối nay có cuộc họp.

- Ừ, có họp thì phải về. Chứ không, ở được thì vui cho vợ chồng nó.

- Nhà anh ấy có chuyện gì vui, hả ông?

- Kể với người khác cũng chẳng là gì, nhưng với những người hoàn cảnh như vợ chồng nó thì cũng là vui rồi. Chả là đứa con gái đầu lòng năm nay đã hăm mốt tuổi, lớn ngộc nghệch mà đi thoát ly không đâu nhận. Ở nhà chồng con thì chẳng ai thèm lấy con nhà nghèo rớt mồng tơi, lại nghề ngỗng không, quanh năm mặt bán đất lưng bán giời. Giờ không biết nhờ vả ai, lại chạy vào được xí nghiệp gạch ngói huyện. Rõ khổ, cũng là cái chân vác đất, mà ở nhà làm nông dân vác đất thì bị coi là thấp hèn, còn đi thoát ly làm công nhân vác đất thì được coi là danh giá!

Cải bỗng thấy nhói đau nơi lồng ngực. Cứ đà này ruộng đồng không biết còn những người nào gắn bó một nắng hai sương, khi thanh niên nam nữ cứ mười tám, đôi mươi, thậm chí mới mười lăm, mười bảy đã chỉ chực đi khỏi làng, làm bất cứ việc gì, dù là bê đá, vác đất, hót rác, đổ thùng vệ sinh, miễn được gọi là công nhân thì thế nào cũng đi bằng được. Ông Mải thoáng nhìn nét mặt Cải in hằn nỗi lo âu, liền cầm tách nước rót ra chén, đặt trước mặt Cải, bảo:

- Anh uống chén nước cho nóng này.

- Ông để con xin.

Cải hai tay bưng chén nước đặt lên môi. Am trà mới pha, rót nước đầu, hương vị còn nồng nhưng thơm, một mùi thơm dìu dịu. Cải uống xong chén nước, đứng dậy vào trong buồng, lục đống sách vở của Điền lấy một tờ giấy trắng, gấp làm phong bì. Lát sau quay ra, đưa ông Mải:

- Ông nói với vợ chồng anh Túc hộ con. Vì tối nay có cuộc họp, con không thể ở lại dự bữa cơm gia đình liên hoan tiễn cháu đi làm xí nghiệp được. Con gửi mừng anh chị và cháu mấy đồng, ông đưa giúp con.

- Anh cẩn thận quá. Gửi lời thì nói, gửi gói thì mở, tôi sẽ đưa tận tay vợ chồng bố Túc và nói đúng như lời anh vừa dặn.

- Dạ, con nhờ ông.

Khi Cải ở nhà ông Mải dắt xe ra thì khóm tre ngoài cổng đã đổ bóng rợp gần hết cái sân gạch. Cuối tháng tư trời nắng nóng nhưng không khí ẩm ướt, chứ không khô lồng như vào kỳ gió tây. Đồng đã vào cữ lúa chiêm hoe hoe vàng, nhưng vừa qua cơn gió lốc dễ ngang với trận bão mạnh cấp tám, cấp chín nên lá tướp khô nỏ, bông cời trắng phơ như cờ lông công trên cánh đồng. Nhìn màu lúa, biết chắc vụ thất bát, cùng cái đói kém đang rập rình mọi nhà. Cải đạp xe chầm chậm qua cánh đồng, rồi rẽ lối ngã ba ra đường trục chạy dọc xã Tiên Trung. Từ xa đã thấy lố nhố chỗ đầu làng Phương Trì đám người lúi húi kẻ cuốc, người đào, người gánh, kẻ vác… Người gánh đi lững thững, người khênh lẵng nhẵng như lôi như đẩy nhau đi, còn những người vác thì lệch một bên vai bước tấp tểnh như người què. Đúng là những người làm việc thổ mộc giữa kỳ giáp hạt, chưa đến mức đói vang mắt, nhưng cũng không thể bảo họ là những người ăn no vác nặng. Cải đạp xe đi trên đường cái, nhìn ngớp ra chỗ người đang làm. Hình như đang vượt nền hay sao, thấy rất đông tay mai, tay cuốc như kiêu đào ao hồ lấy đất cát dâng nền. Cải đi qua chỉ nhìn ngớp ra, chứ không dừng xe. Nhưng mới đi qua được một quãng, bỗng nghe tiếng người gọi:

- Bác Cải ơi, bác Cải!

Cải dừng xe, quay lại. Lận từ chỗ đám người khuân vác đất hớt hải chạy ra đường cái, vừa nói vừa thở, nhưng đã đổi cách xưng hô:

- Bí thư mới xuống ạ. Mời bí thư vào nhà bác Thuật em đây uống chén nước đã. Rồi bí thư có chỉ thị gì thì em với bác Thuật em xin lĩnh hội luôn, chứ cụ Sa, chắc bí thư cũng biết rồi, còn yếu lắm, đã làm việc được đâu. Mọi công việc của đảng uỷ, chính quyền giờ chỉ mỗi bác Thuật em giải quyết thôi ạ.

Cải làm như không biết cái chỗ đám người đông đông kia là thế nào, vừa dong xe đi sóng hàng với Lận, vừa hỏi:

- Hợp tác xã định xây dựng công trình gì ở đấy, mà chủ nhiệm lại phải ra tận nơi trực tiếp chỉ đạo thế?

Lận đang đi chợt như bước hẫng, tụt lại vài nhịp chân. Cải thấy thế cũng bước chậm lại, chờ Lận lên kịp mới lại nói, như để Lận đỡ ngượng:

- Chắc là mới tạo mặt bằng, chứ cũng chưa có ý định xây dựng công trình gì hả? Thế là phải. Giữa lúc đói kém, rở rói ra làm gì cho bàn dân thiên hạ eo xèo. Hẩng tập trung lo cho dân qua kỳ giáp hạt đi đã!

- Dạ, dạ dạ…!

Lận chỉ há hốc mồm, bật ra rặt một từ ấy. Bởi Lận, và cả ông anh túc trí đa mưu nữa, có lẽ cũng chưa tính tới cái nước pháo chọc nách bất ngờ này. Thế nên, Lận chỉ ư hừ mong rút ngắn quãng đường từ chỗ cây đa đầu làng về tới nhà ông anh. Một khi tới nhà rồi thì mọi việc ứng phó thế nào đã có ông anh Thuật chèo chống, đâu vào đấy hết. Thế mới không lo thất thố điều gì. Không những không lo thất thố, mà thực, cũng không còn cách gì hơn, bởi một việc đại sự như xây dựng công trình sinh phần gia tộc, cái đầu củ chuối của Lận làm sao có thể tính hết mọi kẽ, mà chả ư hừ cho qua chuyện. Cải cũng nghĩ câu nói của mình làm Lận khó bắt lời, liền lảng sang chuyện khác, với cách xưng hô cởi mở, thân tình hơn:

- Dưới này các cậu cử những ai đi mua sắn?

Quả nhiên, Lận đã có phần thanh thoát, liến láu:

- Chúng em cử ba người, do anh Điền làm trưởng đoàn. Đi cũng được mươi hôm rồi, nhưng chưa thấy tin tức gì. Hôm qua bên Tiên Tiến cũng đi Bắc Cạn mua sắn về, bác Thuật em cho người sang hỏi, họ bảo không gặp đoàn Tiên Trung đâu.

Cải nghe bỗng thấy lo lo, vội hỏi:

- Trong ba người đi, có ai thông thuộc đất Bắc Cạn, hay có quen biết ai ở trên ấy không?

- Có thì chỉ có bác Liểu, cũng một hai lần cửa hàng mua bán đi miền ngược mua sắn về bán cho dân. Chứ anh Điền chắc là chưa lên đấy bao giờ.

Hai người vừa chuyện, vừa không nén được sự mong ngóng đợi chờ. Nhưng đã đến lối ngõ vào nhà Thuật. Trong khi Lận săng sái bước qua cánh cổng gỗ vào sân oang oang gọi ông anh trưởng, thì Cải dừng xe trước hai bức tường cổng xây cao to như cổng làng, bên trên cuốn hình bán nguyệt, hai bên đắp hai con rồng châu đầu nhìn vào, không biết là mặt trời hay bông sen, trái bưởi mà chỉ thấy rực lên màu đỏ thẫm màu tiết đỉa. Cải đang ngước nhìn hai con rồng chầu, đoán già đoán non, thì nghe tiếng bước chân lịch bịch trên sân gạch và tiếng người nói, giọng rin rít như bật hơi qua kẽ răng:

- Thật chả mấy khi rồng đến nhà tôm thế này. Mời bí thư vào trong nhà. Chú

Lận, dong xe đạp của bác Cải vào nhà ngang cho khỏi nắng. Ôi giời, anh em các ông gặp nhau ở đâu mà quý hoá thế này!

Thuật vừa nói vừa săng sái dẫn Cải vào nhà. Có lẽ từ khi về huyện, mãi hôm nay Cải mới có dịp bước chân qua cổng nhà chủ tịch xã Tiên Trung.

Quả như lời đồn. Dinh cơ nhà Thuật khang trang, bề thế vào loại nhất nhì huyện này, chứ không khác. Không xây kiểu nhà tầng leo trèo mỏi chân, lại mùa màng được hạt thóc, củ khoai khuân lên vác xuống đú chết, nhà Thuật làm đặc kiểu các cụ ngày xưa, nhà hình gọng bừa, hay như ngày nay các nhà kiến trúc sính chữ vẫn nói là hình chữ u. Giữa là nhà trên quay hướng nam, rộng năm gian, hai đầu đông tây là hai cái buồng làm phòng ngủ kín đáo và ấm cúng. Gian chính giữa là bàn thờ gia tộc, bên ngoài, thay vào chỗ ngày xưa các cụ thường kê bộ sập gụ nổi màu mận, thì nay kê bộ bàn ghế sa lông đóng bằng loại gỗ lát nổi vân hoa, mà bạn đọc đã thấy khi Thuật ngồi chờ vợ đi sang gọi Lận vào để bàn việc thả Điền và ông Tinh, cùng mấy người làng Phương Lưu, đang bị Lận bắt gian ngoài trụ sở xã. Hai gian bên thì, một phía tây kê chiếc giường ba xà, còn phía đông kê chiếc bàn quay mặt ra cửa sổ ngoài vồng và đặt một chiếc ghế tựa, hẳn là chỗ để Thuật đọc tài liệu, báo chí và ký giấy tờ mỗi khi có người đến tận nhà xin chủ tịch xã chữ ký đơn từ gì chăng. Còn nhà dưới, nối với nhà trên theo hình gọng bừa, là hai dẫy nhà ngang, phía tay phải, nhìn từ nhà trên xuống, một gian buồng theo đúng nghĩa của nó để thóc gạo, hòm xiểng, ra khoá vào mở, người ngoài không thể tự tiện dòm dỏ; tiếp đến là gian dành cho con cái nghỉ ngơi, cũng khá rộng và thoáng mát. Dẫy nhà ngang phía tay trái làm bếp núc, đặt cối xay thóc, giã gạo và đê vật dụng làm lụng trong nhà, ngoài đồng. Ngôi nhà xây đặc kiểu ngày xưa, mà ngày nay các nhà kiến trúc, đã tân kỳ lại hay hoài cổ, vẫn gọi là biệt thự cổ, nghe vừa sang lại vừa có vẻ sành chơi. Xung quanh nhà, từ ngõ vào sân, từ sân ra cầu ao, rồi ra vồng, đều xây gạch hết các lối đi. Đúng như ông Mải nói với Cải hôm đầu tiên anh xuống chơi, sau ngày về nhận chức bí thư huyện, nhà Thuật không còn một lối đi nào không xây, dễ chánh Bậc giàu nhất xã này ngày xưa cũng không có dinh cơ xây khắp trong nhà ngoài sân, vườn vồng như nhà chủ tịch Thuật bây giờ. Bên ngoài, cách một cái sân lát toàn gạch vuông đỏ au là bức tường hoa chạy đối diện với nhà trên, cũng chia làm năm gian tường theo năm gian nhà, hai gian bên đắp nổi mỗi gian một hình hoa thị to như cái chiếu, còn gian chính giữa đắp chữ thọ có hai cuốn thư hai bên. Sau bức tường hoa là một hàng cau cũng đủ năm cây, không biết có phải giống cau Nhân Lý mà mới thấp thè thẹ đã ôm bụng chửa đẫy đà trên bẹ tàu thế kia. Ngoài bức tường hoa và hàng cau là đến cái ao, không to, chỉ chừng già nửa sào, chạy hình chữ nhật dọc theo với bức tường hoa và ngôi nhà, nên từ trong nhìn ra hay từ ngoài nhìn vào, cả ba công trình ấy đều hài hoà, ăn nhập vào nhau, tôn thêm vẻ đẹp cho nhau.

Sau khi dẫn Cải vào trong nhà, kéo ghế mời bí thư ngồi, Thuật gọi em trai vào cửa buồng nói thầm gì đó, chỉ thấy Lận nghe xong, quay ra chào, bác Cải ở chơi với bác Thuật em nhá, em có việc chạy nhoáng đi đằng này một tý. Còn Thuật cũng xin phép anh, tôi đi dội qua mấy gáo nước, vừa ở chỗ làm về, quần áo lấm hết cả.

Còn lại một mình, Cải ngồi ngắm dinh cơ nhà Thuật mà thầm suy nghĩ mung lung. Đây là lần đầu tiên Cải đến nhà Thuật, và cũng là nhà Phượng, chị chủ tịch uỷ ban xã Tiên Trung trú mưa với anh trong chiếc lều giữa đồng không mông quạnh đêm nào. Cải lần đầu đến nhà Thuật, nhưng những lời đồn về ngôi nhà này, con người kia, một người đàn ông căn cơ và nhiều tham vọng, cũng là một người đàn ông độc đoán, gia trưởng và đa nghi đến nhẫn tâm, thì hôm nay Cải mới thấy hiển hiện ra ngay trước mắt, in đậm từ cách bài trí trong nhà đến tường hoa, ao vồng. Còn trước đây, Cải cũng có nghe, nhưng vốn là người không thích nghe hơi nồi chõ, nên thường nghe đâu bỏ đấy, không mấy đê tâm. Nhung cũng có một chuyện nghe đã lâu, dễ đến hơn chục năm, nhưng mỗi khi có dịp gặp lại bóng dáng của nó như hôm nay, lại làm Cải bỗng dưng nhớ lại…

***

Trong một lần đến công tác ở huyện đội, chỗ quen biết cũ, cơm chiều xong, Cải hỏi mượn chiếc xe đạp của cơ quan xuống Tiên Trung thăm người quen. Minh, huyện đội phó, cũng người Tiên Trung, từng gắn bó với Cải thời gian đơn vị pháo cao xạ của anh về đón lõng máy bay Mỹ ở mấy xã ven sông, thấy Cải hỏi trực ban mượn xe, Minh đoán già đoán non, rồi thẳng thắn bảo: “Anh lấy xe đi đâu, chứ xuống Tiên Trung thì tốt nhất là không nên xuống nữa, anh Cải ạ!”. Rồi Minh kéo Cải ra bờ kênh, trước cửa cơ quan huyện đội, hai người lính, hai người đàn ông thủ thỉ với nhau đến tận khuya về một người đàn bà và người đàn ông thứ ba. Người đàn bà ấy là Phượng. Còn người đàn ông thứ ba bấy giờ cũng là một người lính, ấy là Thuật, chồng Phượng, chủ tịch xã Tiên Trung bây giờ.

Cải nghe Minh kể, ban đầu không thể tin, hay lòng trung thực và sự bao dung làm anh không thể tin một người đàn ông, một người lính từng đối mặt với mũi tên hòn đạn, lại có thể làm một việc đốn mạt đến như vậy. Nhưng khi nghe Minh bảo, lúc đầu nghe nhà em nói em cũng không tin, đã cưới cheo thành vợ thành chồng rồi còn làm thế, liệu ăn đời ở kiếp với nhau có thật sự tin yêu nhau đến đầu bạc răng long? Nhưng sau nghe mẹ em, cũng là chỗ chị em thúc bá với mẹ chị Phượng, rồi bao nhiêu người làng trong, xóm ngoài thì thào cũng giống như nhà em kể, thì em mới thật sự tin. Cải nghe, bỗng như chết lặng mươi giây, rồi mới nhìn Minh hỏi gạn lần nữa: “Dẫu tay Thuật có đốn mạt như thế chăng nữa, thì ai người ta lại mang kể ra ngoài, mà xóm láng lại nghe được cơ chứ?”. Ối giời, ông nói thế quá bằng bảo tôi bịa ra chuyện để hù doạ ông từ nãy đến giờ. Mà thôi, ông thích đi thăm em Phượng dưới Tiên Trung thì cứ đi, lấy hẳn cái xe Pha-vơ-rít của tôi mà đi cho oách, tội gì lấy cái xe đạp công tàng tàng ấy. Nhưng tôi dặn trước, nếu xảy ra chuyện gì, chớ có bảo ở huyện đội xuống nhá, kẻo mang tiếng huyện đội quyết thắng chúng tôi đấy. Bấy giờ, Cải mới nửa tin nửa ngờ, thốt ra cái câu làm anh từ nãy đến giờ vẫn chưa tin là Minh kể câu chuyện có thật trăm phần trăm: “Chẳng lẽ cô ấy lại trống trải đến nỗi mang chuyện chăn gối của vợ chồng ra ngoài kể!”. Hơ hớ hớ, đúng là ông anh yêu bà chị Phượng xã em thật rồi. Thế mà lại cứ bảo do hoàn cảnh đưa đẩy, chứ thực, tớ với Phượng chưa có tý ty gì gọi là đi quá tình đồng chí nghĩa đồng bào! Nhưng thế cũng không oan, gió mưa tầm tã mà cởi hết áo xống con người ta ra, để phơi bộ ngực trần, với hai trái bưởi trắng nõn nà, lại cao to rắn chắc như hai ngọn thiên thai, nhẽ nào về cô ấy chả cảm sốt 40 độ C là còn nhẹ đấy. Thế nên chẳng cứ ông Thuật, vào hoàn cảnh em đêm tân hôn em cũng phải “kiểm tra” xem có còn nguyên vẹn, hay sứt mẻ mất rồi. Nhưng em làm khác, làm có chuẩn bị, làm không để ai biết, kể cả vợ, chứ không bị động để đến lúc lột hết của người ta ra, mới cuống cà kê đi tìm đồ trắng. Nghe cứ như chuyện hài, mà lại là thật, bao nhiêu người kể lại đều thật như thế, mà anh còn không tin thì tuỳ.

Đám cưới của Thuật và Phượng rất đơn giản, vì Thuật trước khi chuyển quân vào khu Bốn được về thăm nhà mấy ngày, bố Thuật lại đang ốm thập tử nhất sinh, muốn nhân việc con trai về phép cưới chạy tang, kẻo nhỡ có thế nào lại phải chờ sau ba năm đoạn tang mới cưới dâu được, ở nhà quê thường là vậy, giá không làm gì thì chẳng làm sao, nhưng đã có việc rở rói ra là y như rằng lời ra tiếng vào, thôi thì hay dở, tốt xấu cứ tuồn tuột lôi ra, như thể mọi cái đều nhỡn tiền. Và cái việc Phượng đi giao ban với Cải về trú mưa đêm trong chiếc lều giữa đổng không mông quạnh, tưởng rơi vào quên lãng từ bao giở bao giờ, bỗng lại được khơi dậy qua cái miệng của mấy bà dòng dòng ngồi lê mách lẻo. Mẹ Thuật, và cả ông bố đang ốm thập tử nhất sinh, cũng biết chuyện ấy từ lâu, nhưng chẳng ai để tai, vì cái sự nam nữ làm việc với nhau đi đêm về hôm cũng là lẽ thường. Còn như việc người ta đồn thổi kia, thực cũng chẳng ai mục sở thị, chỉ suy bụng ta ra bụng người cả thôi. Nhưng bây giờ con trai về cưới vợ lại rộ lên, cứ như cái sự ấy đã nhỡn tiền. Thuật một mặt cũng tin lời bố mẹ, rằng thiên hạ chỉ đồn thổi lên thế thôi, chứ làm gì có chuyện chủ tịch xã lại ăn nằm với chỉ huy trưởng đơn vị pháo cao xạ. Mặt khác, những ngày Thuật đi vắng, Phượng đi lại chăm sóc bố mẹ và các chị, các em Thuật không khác gì nàng dâu trong nhà, nên không thể chỉ vì lời đồn mà nỡ nuốt lời thề hẹn với nhau được. Chung quy lại cả nhà đều muốn Thuật cưới Phượng trước ngày trở lại đơn vị, cho trong ấm ngoài êm, nhất là những người trong dòng tộc Phạm Khắc lại càng mong họ có nàng dâu đứng đầu cả hàng xã. Thuật ngoài mặt cũng thuận theo gia đình và họ tộc, nhưng trong lòng vẫn còn nỗi ấm ức chưa biết giãi bày cùng ai, mà thực ra, có giãi bày cũng không ai có thể trả lời được trót lọt, trừ một người duy nhất, là Phượng.

Nhưng Phượng cũng không thể trả lời được trót lọt, hay đúng hơn, Phượng có giãi bày thế chứ giãi bày nữa, Thuật cũng không tin, trừ khi…

Đêm tân hôn qua đi được già nửa, nghĩa là, lúc ấy gà đã gáy canh tư, vào khoảng ba bốn giờ sáng. Thuật thôi không căn vặn, tra hỏi gì nữa, liền chuyển sang giọng ngon ngọt, nỉ non như hát hay, làm Phượng cũng thấy nguôi nguôi lòng tự ái, không nỡ từ chối chồng làm cái việc của bất cứ đôi vợ chồng nào cũng làm trong đêm tân hôn. Phượng ngồi dậy đưa tay cởi hàng cúc chiếc áo ngoài, rồi tuột cả chiếc áo khỏi tấm thân rắn chắc với làn da đang hừng hực như bốc lửa, để cẩn thận vào đầu giường phía trong. Cùng lúc, Thuật cũng cởi áo ngoài, chỉ còn chiếc may ô màu xanh lá cây trên người và một mùi mồ hôi dầu bốc ra ngai ngái, rồi nhẹ nhàng tụt quần dài. Tưởng thế là chỉ còn trong gang tấc, hai người sẽ quấn lấy nhau. Phượng đưa tay ra sau lưng, cởi nhanh chiếc áo con, để phơi ra bộ ngực ngồn ngộn với hai bầu vú cương cứng, tưởng chừng chỉ hơi có làn da tay người đàn ông động vào là Phượng đã có thể mền nhũn ra như sứa, để mặc sự vần vò xoa nắn, hôn hít ngấu nghiến thế nào là tuỳ ở người đàn ông. Thế nhưng, khi Phượng từ từ nằm xuống, thì bỗng thấy Thuật tụt nhanh khỏi giường, rồi không cần xỏ chân vào chiếc dép cao su đen có đủ quai hậu vẫn nằm ngay ngắn dưới đất, chỉ cần ngồi trên giường thò chân xuống là thấy ngay, cứ thế bậm bịch bước nhanh ra nhà ngoài. Có tiếng Thuật hỏi nhỏ: “Nhà có miếng vải trắng, hay vải màn nào không, hả mẹ?”. Bà cụ ậm à ậm ừ, rồi như ngồi dậy: “Cha bố anh, chứ làm sao phải thế!”. Thuật nói như gắt: “Mẹ mặc con! Có hay không thì bảo, không con…”. Bà mẹ vừa giận, lại vừa thương con, thương cả nàng dâu, nhưng không muốn đêm hôm ầm ĩ bên ngoài nghe thấy người ta cười, liền lập cập dậy, lần tìm cái bị cói vẫn để góc giường phía trong, rờ rẫm một lúc mới lấy được miếng vải màn vừa đúng mỗi chiều chỉ một gang tay, đưa cho con trai. Thuật cầm mảnh vải màn trở vào buồng. Phượng đã mặc lại sống áo tự lúc nào, đang nằm nghiêng người quay mặt vào tường. Thuật nhẹ nhàng đặt mình xuống giường, nhẹ lay vai mấy lần Phượng cũng không bắt lời, không quay lại. Phượng nằm im, bất động. Chỉ có hơi thở gấp gáp, dồn lên dồn xuống, phập phồng nơi vùng ngực là có thể đoán Phượng đang bực bội, giận hờn lắm lắm. Nhưng chết nỗi, Phượng có bực bội, giận hờn thế, chứ nữa, cũng không thể làm gì hơn là sự ngoan ngoãn chịu đựng. Bởi Phượng không những là gái, mà hiện còn là chủ tịch xã, không được để bất cứ điều tiếng không hay nào về sự không chung thuỷ, không hy sinh hết thảy cho người chồng đang còn trong quân ngũ, rằng vợ bộ đội mà ăn ở hai lòng, chồng đi xa ở nhà trai trên gái dưới. Cái tiếng ấy lớn lao lắm, xấu xa lắm, bất cứ một người vợ có chồng đi xa nào mà mắc phải, khi người khác biết cũng có thể chết đi được, chứ đừng nói đến chồng biết. Thế nhưng, đằng này, thề có giời, cái đêm giông gió trong chiếc lều giữa đồng ấy, khi bàn tay Cải đặt vào những chiếc cúc áo trên người Phượng, thì đúng là Phượng có chủ động đưa tay ra giúp anh cởi nhanh hàng khuy áo, và sau đó là tụt hẳn chiếc áo màu cỏ ra. Nhưng giời ạ, đúng cái lúc anh ấy đổ ập lên người em, thì em nhớ đến anh, với lời dặn như vang ngân từng tiếng một: “Giữ cho anh, em nhé!”, thế là em bật ngồi dậy. Đã nói đến như vậy mà anh vẫn không nghe, vẫn còn nghi ngờ em thì thôi đành, em có nhục cũng là nhục với anh, chỉ em và anh biết, nhưng với em cũng hoàn toàn thanh thản, bởi anh làm như thế chỉ thêm chứng minh rằng em hoàn toàn trinh nguyên, hoàn toàn chung thuỷ với anh thôi. Đừng nói năng gì nữa, anh cứ làm tất cả những gì anh muốn, để ngày mai anh lên đường trở lại đơn vị không còn buồn phiền, suy nghĩ gì về em. Còn em, cũng rất muốn để anh thấy em chung thuỷ với anh đến mức nào…

Sớm hôm sau, như bất cứ nàng dâu mới nào ở làng, Phượng dậy nấu cơm khi mọi người trong nhà còn đang ngủ. Nhưng khi Phượng mới đẩy được đúng hai đun rạ vào bếp lửa, Thuật đã tất tả xuống, ngồi xà bên cạnh, hì hì cười: “Em bỏ quá cho anh. Không hiểu sao anh lại nhỏ nhen, ích kỷ thế không biết. Nhưng mà, cũng tại mấy cái đứa nó xui…”. Thuật vừa nói đến đấy thì bà mẹ bê cái điếu xuống đến cửa bếp, mắng té tát: “Cha bố anh, to đầu mà dại. Đêm tân hôn chúng nó xui về thử vợ, chứ xui bỏ vợ nằm một mình, đi ngủ nhà hàng xóm cũng đi à!”. Thật không cái dại nào giống cái dại nào. Nhưng suy cho cùng, cái sự ghen tuông cũng chẳng riêng của người nào, nên Phượng cũng dễ bỏ qua cho ông chồng đa nghi. Hơn nữa, sau đêm tân hôn, Thuật cũng chỉ ở nhà được đúng hai ngày nữa. Chỉ có điều lạ, là cái việc Thuật kiểm tra vợ kín đáo là thế, mà mấy ngày sau đã bay ra khắp làng trên xóm dưới, với những lời thêu dệt được nâng lên thành bài học kinh nghiệm cho bất cứ cô gái nào có người yêu đi xa phải cẩn thận giữ gìn, không nhỡ khi về nó lại kiểm tra như lão Thuật thì khốn…

***

Cải như đang chìm vào câu chuyện Minh kể cách đây hàng chục năm, bỗng nghe tiếng người hỏi mà như chào:

- Nhà em đi đâu, mà bác xuống chơi từ bao giờ, lại để bác ngồi một mình thế? Cải quay nhìn ra sân. Phượng, đúng Phượng rồi! Đã mười mấy năm bây giờ mới gặp. Phượng già đi nhiều. Dáng người vẫn cao, nhưng sức vóc có đẫy ra. Cái lưng vẫn mang hình con số tám, thắt đáy lưng ong, nhưng dáng đi nặng nề, chứ không nhẹ và nẩy như ngày còn trẻ. Các cụ nói không sai, gái ba mươi tuổi đã toan về già, huống hồ Phượng kém Cải có hai tuổi, năm nay bốn nhăm rồi còn gì. Cải đứng dậy đi ra cửa:

- Có anh Thuật ở nhà đấy. Chị đi chợ hay đi đâu về mà cắp thúng gì nặng thế?

- Em chạy ra chợ chiều mưa tý thức ăn. Bác về xã họp, tiện thể ghé nhà chơi với chúng em, hay ở huyện xuống đấy ạ?

- Từ ngày về huyện cũng chưa có dịp thăm nhà anh chị, hôm nay xuống chơi cụ Mải, nhân thể ra thăm.

Phượng đặt cái thúng bên trong có mấy mớ rau muống, một mớ cá trắm cỏ chừng mươi con và một miếng thịt nửa nạc nửa mỡ lên hiên, nói:

- Ối giời, thật là quý hoá, mấy khi rồng lại đến nhà tôm thế này!

- Chị cứ nói thế! Chẳng biết ai là rồng, ai là tôm đây.

Đứng là từ ngày về huyện, đây là lần đầu Cải bước chân vào nhà vợ chồng Thuật, và cũng là lần đầu sau bao năm xa cách, chị chủ tịch xã Tiên Trung và anh đại uý pháo cao xạ mới lại gặp nhau. Không phải hoàn toàn vô tình mà Thuật chỉ tắm táp qua loa và thay mỗi bộ quần áo lại ở trong nhà tắm lâu vậy, bởi một người như Thuật sao chả biết giờ này vợ đi chợ sắp về. Thuật chùng chình trong nhà tắm, nhưng đôi tai nhỏ như tai chuột vẫn dỏng lên nghe hết mọi lời qua tiếng lại giữa hai người. Cũng chẳng thấy có gì cấn cá, mới tập tễnh bước ra, đi thẳng lên nhà trên, hai tay vuốt vuốt mái tóc đã không còn tý nước nào dính với nhau nữa:

- Thôi, không là rồng, cũng chẳng là tôm, chúng ta là đồng chí, là bạn hữu của nhau, anh Cải nhỉ. Anh em chúng tôi ở dưới xã có gì không nên không phải, anh cứ thẳng thắn góp ý kiến, anh nhá!

Cải đã quay lại ngồi xuống chiếc ghế sa lông dài:

- Anh Thuật chưa biết tính tôi, vì công việc, tôi lúc nào cũng thẳng thắn, chân tình với mọi người. Chẳng tin…

Suýt nữa Cải buột miệng nói: “Chẳng tin anh cứ hỏi Phượng”, nhưng kịp dừng lại.

Thuật ngồi xuống đúng chiếc ghế sa lông vẫn dành cho trưởng gia, với tay lấy chiếc ấm, rồi cứ ngồi yên trên ghế, nhoài tay đổ đám bã chè đã thâm xì trong ấm ra cái cái thùng sắt tây, nguyên là thùng múc nước giếng, đặt cạnh chân bàn. Chờ cho Thuật pha xong ấm trà, Cải mới cất tiếng hỏi:

- Tiên Trung đợt này có bao nhiêu hộ đăng ký mua sắn?

- Báo cáo bí thư, cũng khoảng hơn trăm hộ. Đông nhất là bên Phương La, với bên Phương Trì cũng có vài chục hộ. Còn Phương Trà với Phương Lưu không có mấy, chỉ mỗi làng mươi hộ thôi.

- Hơn trăm hộ cũng là nhiều đấy chứ. Nhưng anh Thuật này, có khi nào anh nghĩ vì sao cũng trong một xã, một hợp tác xã, mà làng này, đội này xã viên đủ thóc ăn, ít ra là không bị những ngày giáp hạt đe doạ; còn làng kia, đội kia lại có hộ thiếu ăn, có khi còn bị đứt bữa triền miên. Như vụ giáp hạt này, tuần trước tôi nghe phản ảnh, dưới Tiên Trung dẫu không bị ảnh hưởng nặng nề của trận gió lốc, nhưng cũng có tới bảy mươi sáu hộ không còn thóc ăn, thường xuyên bị đứt bữa. Vậy là do đâu? Ruộng đất xấu, cày cấy không gặp thời, xã viên chây lười, hay cách quản khoán của chúng ta đang có vấn đề gây trở ngại cho phát triển sản xuất. Có khi nào anh nghĩ đến điều đó chưa, hả anh Thuật? Không, tôi hỏi anh với tư cách là người lo cho bát cơm manh áo của vợ con mình, với tinh thần của người đảng viên chịu trách nhiệm trước đảng, trước dân thôi.

Mới cách đây mươi phút, khi Lận dẫn Cải vào nhà Thuật, ngay cả khi Phượng cắp thúng đi chợ về, hai người chào hỏi, chuyện trò có phần cởi mở. Rồi lúc Thuật ở nhà tắm lên nhà trên hỏi han thân thiện, Cải cũng chưa khi nào nghĩ mình lại có những lời như dốc bầu tâm sự ra với Thuật, một người đàn ông mà có lúc, nhất là cái tối ngồi với Minh bên bờ kênh trước cửa huyện đội, thật tình, Cải đã coi Thuật như một tình địch. Thế nhưng, những ngày này, bất cứ ở đâu, vào lúc nào, hễ động tới đời sống của dân no đói, túng bấn ra sao trong cái tháng giáp hạt này, là Cải lại thấy nôn nao dội về những ý nghĩ như anh vừa dốc ra với Thuật. Trong khi Cải nói, Thuật ngồi trầm ngâm, hai tay ấp lên như ôm lấy ấm trà vừa pha. Khi Cải dừng lời, Thuật mới như bất chợt nhớ, hai tay buông ra, xoa xoa vào nhau, giây lát mới cầm chiếc ấm rót nước ra hai cái chén con để trong khay. Một lát, Thuật hai tay bưng chén nước đặt trước mặt Cải, trịnh trọng:

- Mời anh uống nước đi. - Anh cứ để tôi tự nhiên.

Cải đón chén nước trà nóng đặt lên môi. Thuật cũng cầm chén nước tớp một hớp, rồi đặt xuống. Không khí căn nhà như trầm hẳn. Nghe rõ tiếng vợ Thuật nói với một bà trung niên, chắc là đến giúp việc cơm nước cho đám thợ, ở ngoài cầu ao: “Đúng cái ông Cải pháo cao xạ ngày xưa đấy. Nhưng bây giờ về làm bí thư huyện ta rồi, chứ có ở trên tính nữa đâu”. Thuật vẫn ngồi xoay xoay chén trà, không uống, cũng không đặt vào khay, mà cứ xoay tròn chiếc chén trong tay như một trò tiêu khiển thời gian. Lúc lâu, Thuật mới chậm rãi:

- Ruộng đất ở đây không xấu đâu, anh ạ. Còn lười, ở đâu dân chây lười tôi chưa biết, chứ dân Tiên Trung, cả ba làng và một xóm trại, từ ngày xửa ngày xưa đã có tiếng là dân căn cơ, cần mẫn lắm rồi. Còn bảo cày cấy không gặp thời cũng không phải, vì từ cơn bão số bảy dạo tháng tám năm nọ tàn phá không kém bom huỷ diệt B52, đến nay cũng đã ba năm, mới lại có cơn gió lốc dữ dội vừa rồi. Thế nên, còn điều thứ tư anh vừa nói, ừ, cách quản khoán…

Thuật đang nói bỗng ngừng bặt. Quay nhìn ra ngoài sân. Vợ Thuật đang bậm bạch bước nhanh từ ngoài cầu ao vào, tay còn cầm con dao phay mới thái thịt xong, vừa nói vừa huơ huơ con dao lên, trông đến khiếp:

- Này này, ông có thôi đi không! Lảm nhảm quản khoán cái chết tiệt gì thế?

Sảy chân còn gượng được, chứ sẩy miệng là không gượng được nữa đâu. Ếch chết tại miệng, ông không nhớ cái vụ chú Điền năm trước hay sao, mà còn…?

Nhưng cả hai người đàn ông, một là chồng, một có thời là người yêu vụng nhớ thầm Phượng, đang ngồi, giật thót mình, bật cả dậy. Cải vội lên tiếng, gọi đúng cái tên một thời nồng cháy yêu thương:

- Kìa, Phượng!

Chỉ có thế, Phượng đã dừng lời. Con dao phay trên tay Phượng đang huơ lên bỗng rơi xoảng xuống nền sân gạch. Nghe tiếng kim khí kêu trên nền gạch sắc lạnh đến rợn người, Cải và Thuật gần như cùng lúc vội đứng sững. Nhưng rồi rất nhanh, cả hai người đàn ông đều lao đến một người đàn bà đang gục xuống sân, ho xù xụ từng cơn theo nhịp thở dốc. Phượng trong một giây căng thẳng thần kinh đến tột độ, bởi phải đứng giữa sự lựa chọn một bên là chồng, với sinh mạng chính trị đang gánh nặng trên vai, một bên là người tình xưa nghĩa cũ, giờ đang chèo chống con thuyền của cả huyện. Phượng ngồi gục xuống sân, thở dốc, nhưng khi Thuật và Cải ra đến nơi, thì lại đưa tay ra hiệu không sao đâu, cứ để mặc tôi tự dậy được. Quả nhiên, chỉ giây lát sau cơn ho rũ rượi, Phượng khạc nhổ mấy cái, lại tự mình đứng dậy, cầm dao đi ra cầu ao. Hai người đàn ông trở vào trong nhà, nhưng có lẽ cả hai đều nghĩ đến người đàn bà đang tất tưởi đi ra cầu ao kia, không ai muốn tiếp tục câu chuyện ban nãy còn bỏ dở, hay đúng hơn, cũng không còn kịp có thời gian mà tiếp tục.

Bởi ngay lúc ấy, ngoài đường có tiếng rùng rùng như có đoàn người chuyển động gấp gáp, xen lẫn tiếng gọi hỏi đến lạc cả giọng. Không còn nghe ra tiếng đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, lại càng không thể phân biệt người hỏi, người nói là ai nữa. Cả Thuật và Cải, rồi Phượng và chị Đà, tên người đàn bà đang ngồi làm cá ngoài bể nước với Phượng, đều như cùng một lúc nhào ra phía cổng. Nhung mới được mấy bước đã thấy hai chiếc xe đạp đâm sầm vào sân. Người đi trước còn thiếu vất bịch cái xe xuống sân gạch, nói mất cả giọng:

- Báo cáo chủ tịch, nguy rồi! Hành lang tầng hai dẫy phòng học mới xây tự nhiên đổ sập xuống…

Mới nghe đến đấy, Thuật vội thét hỏi:

- Có cháu nào việc gì không?

Gần như cùng lúc, Phượng cũng vội giật một bên cánh tay người đàn ông vừa chạy đến, nói mà như hỏi, giọng gấp gáp:

- Không ai làm sao chứ, chú Kha?

Người vất bịch chiếc xe đạp xuống sân ấy là thầy giáo Kha, phó hiệu trưởng trường cấp hai xã, em con cô con cậu với Thuật, cũng là người được uỷ ban xã uỷ nhiệm làm đại diện bên A công trình xây dựng dẫy phòng học hai tầng bằng quỹ UNICEF viện trợ cho huyện, rồi huyện phân bổ cho xã, mà hôm đầu tiên sau ngày về công tác ở huyện, Cải xuống thăm nhà, ông Mải đã nói với anh rằng, sao công trình trên cho xây hai tầng với ba phòng học, mà xã lại cắt đi, chỉ xây hai phòng học, vậy còn vật liệu của một phòng học nữa mang đi đâu? Nhưng Cải mới thoáng nghĩ đến thế, đã nghe tiếng người đàn ông Phượng vừa gọi là Kha, nói hốt hoảng:

- May lúc ấy không phải giờ ra chơi. Chỉ có hai cháu đi ra ngoài vệ sinh, khi quay về không may đúng lúc trần hành lang sập. Một cháu bị sượt qua mặt xuống vai, nhưng nặng nhất là một cháu bị cái xà rơi vào đầu…

- Con nhà ai? - Thuật không kìm được, vội hỏi gắt.

Nhưng Kha vẫn líu cả lưỡi, chưa thể mở được mồm ngay để trả lời ông anh về đằng mẹ. Giữa lúc đó Phượng như có linh tính, hay điềm gở ngầm mách bà bác dâu, cũng là bà mẹ nuôi, Phượng trừng trừng nhìn Kha, hỏi dồn:

- Có phải thằng Lâm, học lớp cô Loan không?

Thuật cũng tiếp lời, như quát:

- Đúng không?

- Dạ, báo cáo…

Thuật vội gắt:

- Còn báo cáo báo mèo cái gì nữa. Nói ngay đi, có đúng thằng Lâm bị nặng nhất không? Đã đưa nó đi bệnh viện chưa?

- Dạ, mới đưa ra trạm y tế xã thôi ạ!

- Nhưng ngoài trạm y tế xã chỉ có mỗi bà hộ sinh, chứ không thấy y tá, y sĩ đâu. Mấy thầy cô giáo còn đang chia nhau đi tìm. - Người đàn ông đến cùng Kha còn đủ bình tĩnh dựng chiếc xe đạp vào tường nhà ngang, rồi mới quay ra nói câu đó là thầy giáo Tuân. Nghe Tuân nói, Thuật cuống quýt, bảo vợ:

- Cô ra chỗ làm, bảo chú Lận cho thợ nghỉ, rồi bảo chú ấy đèo lên thẳng bệnh viện. Tôi ra trạm y tế cho người đưa thằng bé đi ngay. Nhớ dặn chú Lận đừng cho thím ấy biết vội, kẻo lại ầm cả lên thì chẳng ra sao.

alt
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc