Tôn Kiệt nhìn thấy người đẹp mỗi ngày nấu cơm cho mình, kinh hãi quá chừng, kêu lên một tiếng : "úy !", khiến người đẹp ở trong nhà biết có người nhòm ngó, tức thì biến mất. Tôn Kiệt xuống thang, mở cửa vào nhà, thấy có nồi cơm đang nấu, nửa sống nửa chín.
Thường ngày, số gạo trong nhà chỉ tích chứa đủ ăn chừng ba bốn ngày, hôm nay thùng gạo lại đầy ắp gạo trắng. Ngoài ra còn thấy có thêm các loại thịt gà, thịt cá ướp muối, để trong trạn. Tôn Kiệt đành nấu lại nồi cơm cho chín, làm thức ăn, ăn uống no nê.
Nhân thức ăn có sẵn, tới nói với ông chủ, xin nghỉ hai ngày, có ý ở nhà, chờ đợi người đẹp tới. Nào ngờ người đẹp biết chàng không đi làm, chẳng tới nấu cơm tối giùm nữa. Biết chàng không đi làm, nàng sợ chàng không có tiền chi dụng, lén mang về cho chàng nhiều ngân lượng, đủ xài trong vài năm. Tôn Kiệt vừa mừng vừa kinh ngạc, nghĩ chuyện lấy số bạc đó mở một tiệm tạp hóa nho nhỏ, kiếm tiền sinh sống. Chủ ý định rồi, Tôn Kiệt tới nói với ông chủ, xin nghỉ hẳn. Ông chủ lấy làm lạ, hỏi lý do. Tôn Kiệt vốn người trung hậu, không biết giấu giếm, cứ đem tình thật kể lại. Chủ nhân là một ông lão ngoài sáu mươi, tính nết rất tốt, nghe vậy mới nói :
- Người anh gặp có lẽ là một vị tiên nào đó. Nhất định trước đây anh đã làm một việc gì rất tốt, như cứu tính mạng cho cô ấy chẳng hạn, nên cô ta tới đền ơn anh.
- Tiểu nhân quá nghèo khổ, làm gì đủ sức làm được việc tốt ?
- Việc tốt không nhất thiết phải có tiền bạc mới làm được.
Anh đã không nghe ra, tạm thời hãy bỏ qua, đừng để ý tới cô ấy nữa. Nhưng thần tiên trên trời, vị tất anh đã có cơ may gặp gỡ, hoặc giả đó là tinh của hoa cỏ, điểu thú, đã từng chịu ơn anh cứu cho nên tới báo đáp. Nếu quả như thế, anh hãy lấy cơm cháy giã nát, vê thành những viên nho nhỏ. Đợi khi cô ta tới, anh hãy đột ngột xuất hiện, giữ chặt lấy cô, nhét cơm cháy vào miệng, bắt nuốt đi. Như thế, cô ta sẽ không khác gì người sống 1 , anh sẽ hỏi rõ nguyên nhân, cùng cô thành thân, tương lai sẽ tốt đẹp vô hạn.
Tôn Kiệt lĩnh giáo, trở lại nhà, nghiêm chỉnh ngồi chờ một đêm, giả ngủ để đợi sáng. Lúc trời tang tảng sáng, bèn len lén tiến vào nhà bếp, quả thấy người đẹp đứng quay lưng ra ngoài, và đang thái rau. Tôn Kiệt làm theo lời ông chủ dặn bảo, đột ngột xông tới, giữ chặt lấy cô gái, đưa tay phải ra nhét cơm cháy vào miệng nàng, đợi nàng nuốt xong mới buông tay ra. Bỗng người đẹp mở miệng nói :
- Lang quân hãy buông tay ra, thiếp đã nhận hương hỏa, không thể trốn đi được nữa. Để từ từ thiếp sẽ nói rõ cho lang quân biết !
Tôn Kiệt biết nàng không nói gạt, buông cả hai tay. Người đẹp thẹn thùng, đưa tay áo lau miệng, nhìn Tôn Kiệt. Tôn Kiệt cũng nhận ra việc làm mới rồi là không tốt, chắp tay vái, miệng nở một nụ cười, nói :
- Xin hỏi nương tử, trước nay đối với tiểu tử có mối quan hệ gì? Tiểu tử là một kẻ nghèo khổ, chưa hề làm được điều gì tốt cho nương tử, tại sao nàng lại thương tưởng như thế ? Tiểu tử thật tình chẳng yên lòng chút nào, mong nương tử nói rõ cho biết.
Người đẹp mỉm cười, nói :
- Thiếp có nỗi khổ tâm, không muốn để lang quân biết rõ sự tình của thiếp. Không ngờ có kẻ dài lưỡi, dạy cho chàng kế hiểm độc này. Điều mà chàng muốn biết, thiếp lại không dám bẩm báo e rằng một khi biết được chuyện của thiếp, chàng lại đem lòng ghét sợ, coi như rắn rết. Kết quả là thiếp muốn báo đáp ơn chàng lại không thể được.
Tôn Kiệt nghe vậy, khảng khái nói :
- Nương tử nói quá lời. Tiểu tử tuy chỉ là một anh chàng nghèo khổ nơi thôn xóm, nhưng cũng không đến nỗi quá nhát gan, thấy gì cũng sợ. Nương tử đối đãi tử tế thế này, ắt là tiểu tử đã có chút công lao với nàng, mà thật tình nhớ không ra. Người ta thường nói: "Không công lao mà hường lộc, ắt là tổn thọ", xin nương tử nghĩ lại, nói rõ cho tiểu tử biết, để được yên lòng.
Người đẹp mỉm cười, nói :
- Tôn quan nhân đúng là người trung hậu, thật thà. Chẳng giấu gì chàng, trong thâm tâm thiếp cũng thường muốn nói rõ cho chàng biết, nhưng lại sợ một khi chàng biết sự thật ắt không khỏi kinh hãi, khiến thiếp không toại nguyện ước muốn đền ơn. Sở dĩ thiếp phải che giấu, là để đợi chàng được thiếp phụng dưỡng vài năm, ắt biết thiếp không có ý hại chàng, lúc đó thiếp mới dám trần tình đầu đuôi. Nào ngờ chưa đầy một tháng, chàng đã phát hiện, bắt giữ thiếp, há chẳng phải tại duyên số đôi ta sao ?
- Nương tử không nên quá đắn đo như thế. Tiểu tử không đến nỗi quá nhát gan đâu. Giả sử nương tử đúng là yêu ma, quỉ quái, nhân thọ chút ơn nhỏ của tiểu tử, mà tới đáp đền, tiểu tử cũng không đến nỗi khiếp sợ, lăn ra mà chết. Tôn Kiệt ta há phải tượng đất người bù nhìn, mà không nhận rõ nương tử quyết không vì có ý hại ta mà tới đây ?
Người đẹp cúi đầu suy nghĩ hồi lâu, mới ngửng đầu lên, cười bẽn lẽn, hỏi :
- Lang quân coi em là ma, là quỉ, hay là sơn tinh, thủy quái ?
Tôn Kiệt không cần suy nghĩ, nói ngay :
Nương tử là người nhà trời, nếu không phải thần tiên chăng nữa, cũng vượt xa người phàm trần. Nếu nói tới yêu ma, quỉ quái, tất nhiên trên đời cũng có, nhưng chỉ sợ biến được ra người tài mạo như nương tử, cũng vị tất đã biến được ra người nhân ái như nàng :
- Người đẹp nghe vậy, bất giác cười ròn :
- Lang quản thật khéo nói ! Vậy mà người ta cứ bảo chàng không biết nói năng, thế mới kỳ !
- Hoặc giả đó là điều người ta thường nói "Phúc đáp tâm linh!" 2 chăng ?
- Nói thực với lang quân, thiếp đúng là không phải loài người ! Mà người tiên lại cao quá, thiếp chẳng dám mạo nhận. Yêu quỉ thì quá hung ác, tiện thiếp chẳng dám dây vào với chúng. Lang quân thử nhớ lại coi, lúc tôn phu nhân còn sống, có từng cứu tính mạng cho con vật nào không ? Lúc tôn phu nhân lâm chung có nói câu than tiếc nào không ?
Tôn Kiệt suy nghĩ một hồi, nói :
- Tôi nhớ ra rồi ! Vợ tôi chỉ tiếc một điều là không sinh nở, lúc lâm chung nhắc tới chuyện đó. Vậy mà tôi không nghĩ tới !
Người đẹp gật đầu nói :
- Đúng là như thế. Vậy thiếp xin tỏ thật nỗi lòng. Thiếp để ý đã lâu, thấy vợ chồng chàng nhân ái, thịnh đức, làm ơn không mong người trả. Thiếp họ La, tên Viên, nhà ở bên bờ sông Hoài, thời nước lũ bị sóng lớn cuốn đi, tới nhà của chàng. Lúc nước rút đi rồi, thiếp mắc cạn, không rời khỏi nhà chàng được, đội ơn tôn phu nhân thương xót, nuôi dưỡng. Sau này, gặp lúc lệnh đường mắc bệnh, nói sảng, suýt nữa thiếp không bảo tồn được tính mạng. Lại may mắn nhờ ơn tôn phu nhân bày kế chu toàn cho, kiếm thứ thay thế, mới giữ được mạng sống nhỏ bé. Sau này lại được vợ chồng chàng đưa ra khỏi nhà, đem phóng sinh. Ơn đức đó quá lớn lao, không sao kể xiết. Không ngờ tôn phu nhân hiền đức như thế mà chẳng được sống lâu. Thiếp nghe tin, mới quyết tâm đền ơn. Nhân vì không phải loài người, lại thẹn thùng, không thể tự làm mai cho mình, nên trước hãy lo việc nội trợ cho chàng, đợi vài năm sau, được chàng tin yêu, sẽ tìm dịp trần tình. Dè đâu chưa được một tháng, đã được cùng chàng sum họp, há chẳng phải quá may mắn ư? Đã đến nước này, mong chàng đừng thấy dị loại mà ghét bỏ, cho thiếp được hầu hạ bên cạnh, thì hân hạnh cho thiếp. Thiếp tuy bất tài cũng không vì sinh hoạt để lụy đến chàng.
Tôn Kiệt nghe hết chuyện, mới hiểu ra nàng là con ốc nhồi đã được phóng sinh. Lúc đầu không khỏi kinh ngạc, chừng nghe tiếng nàng nói dịu dàng, thấy dễ thương. Sau lại nhớ tới mấy ngày qua nàng đã ân cần phục dịch, đâm ra cảm mến, mới nói :
- Nương tử là người nhà trời, hà tất phải nói giọng e dè như thế? Chuyện mấy ngày qua đều là do vô tâm mà ra. Nay nương tử đã có ý tốt tiểu tử hà tất còn phải nhiều lời ?
La Viên cười, bảo :
- Chúng ta đã hiểu nhau, còn khách sáo làm chi ? Nhưng có một việc, phải cần đến chàng giúp đỡ.
- Đã là vợ chồng, hai người như một, có điều gì mà không thể đáp ứng ?
- Chuyện thiếp nói đây cũng không nghiêm trọng gì. Chỉ vì thiếp tu hành quá nông cạn, nên dẫu cơ thể biến thành hình người, cũng chưa thể rời khỏi vỏ xác. Phải hai mươi năm sau, thụ hưởng hương khói khá nhiều, dần dần mới có thể vất bỏ vỏ xác, hóa thành hình người hoàn toàn. Đêm mai, vào giờ tí, chàng hãy tới bờ sông phía Tây, nhặt chiếc vỏ của thiếp mang về, bỏ vào trong một chum lớn, đổ nước sạch mà ngâm, mỗi tháng thay nước một lần. Lại nên đặt chum nước ở một chỗ bí mật, nhất định không được để cho người ngoài được biết. Việc này vô cùng khẩn yếu, chàng có đáp ứng được không ?
- Việc đó quá dễ, có gì mà không làm nổi ?
La Viên tươi cười, làm cho xong công việc dở dang, rồi mới ra đi.
Tôn Kiệt sợ để lỡ việc, ngồi đợi cho tới giờ tí, mới vội vã ra bờ sông phía Tây tìm kiếm, quả nhiên tìm được con ốc nhồi lớn mà chàng và Lưu thị đem phóng sinh, vẫn còn ở chỗ bờ sông. Chàng mừng rỡ mang về nhà, theo như lời La Viên chỉ dẫn, bố trí xong xuôi mới đi ngủ.
Lúc trời tảng sáng, nghe dưới bếp có tiếng người trò chuyện, Tôn Kiệt lấy làm lạ, ngồi dậy, xuống coi. Thì ra La Viên dẫn về hai cô nha hoàn nhỏ tuổi, và đang chỉ dẫn cho hai cô pha trà, làm cơm, nấu canh. Thấy Tôn Kiệt tới, La Viên ngỏ lời tạ ơn, và bảo hai cô nha hoàn tới trước mặt chàng cúi chào. Nàng nói :
- Hai con bé này còn nhỏ tuổi, nhưng làm việc giỏi lắm.
Từ đó, La Viên ở luôn trong nhà họ Tôn, cùng Tôn Kiệt thành vợ thành chồng. Nhà họ Tôn trước kia chẳng có món gì, dần dà khấm khá, đường y thực không phải lo nghĩ tới. Tôn Kiệt không phải đi làm mướn nữa, lại còn mở được một cửa hàng bán gạo ngoài chợ. Việc giao dịch hoàn toàn nghe lời La Viên, luôn luôn được thắng lợi. Chưa đầy hai năm, đã trở thành một nhà giầu có.
Tôn Kiệt lại vốn tính nhân từ, thích bố thí cho người nghèo. Hễ Có ai gặp khó khăn, tới nhờ cậy, chàng giúp đỡ liền. Người ta gọi Tôn Kiệt là Tôn thiện nhân, gọi La Viên là "Quan âm sống ".
Nhưng có một điều khiến hai vợ chồng chưa được hài lòng là lấy nhau đã hơn mười năm, La Viên vẫn chưa sinh nở lần nào. Tôn Kiệt thường chau mày, buông lời than thở :
- Anh thường tự hỏi mình xưa nay chưa từng làm việc gì thất đức, tế nạn cứu nguy chẳng dám kể công, tại sao Trời Già không cho vợ chồng ta một mụn con, để nối dòng hương hỏa ? Hay là ta đã làm điều gì tổn âm đức, mà ta chưa biết chăng ?
La Viên chỉ biết tìm lời an ủi, nói chàng tuổi chưa cao, tinh lực chưa suy, lại lập tâm làm việc thiện, ắt trời ban phúc, không đến nỗi tuyệt tự đâu.
La Viên nói vậy để an ủi chồng, nhưng lời nàng quả thật không sai chút nào : làm lành thì trời thương, làm ác thì trời phạt. ông Trời đang dự tính, sẽ đợi một cơ hội, sai các tiên quan đem tới cho vợ chồng Tôn Kiệt một người con thật giỏi dang.