https://truyensachay.net

Báu Vật Của Đời

Chương 24

Trước Sau

đầu dòng
Nước sông Thuồng Luồng dâng cao. Từ trên giường nhà tôi nhìn qua cửa sổ sau nhà, có thể nhìn thấy nước lũ ngang mặt đê, cuồn cuộn chảy về đồng. Các binh sĩ của trung đoàn 17 thuộc Trung đội 8 đứng quay mặt ra sông đang bàn tán về chuyện gì đó. Trong sân, mẹ đang chuẩn bị nướng bánh. Sa Tảo Hoa giúp mẹ nhóm lò. Củi bị ẩm, ngọn lửa vàng vọt, khói nồng nặc, che khuất cả ánh nắng.

Tư Mã Lương cùng với mùi hăng hắc của cây hòe bước vào nhà. Mùi hắc của cây hòe khiến chúng tôi phấn chấn lên. Nó nói:

- Chúng định giải bố cháu và dì Sáu lên quân khu. Chồng dì Ba và bọn lính đang kết bè, chuẩn bị vượt sông.

- Lương này. - Mẹ từ ngoài sân nói vào - Cháu dẫn cậu và dì út lên đê, bảo họ đừng sang vội, để bà ra tiễn.

Nước sông đục ngầu, cuốn theo rơm rạ, rác rưởi, dây khoai lang, xác súc vật, giữa dòng còn có cả một cây lớn. Cây cầu bị Tư Mã Khố đốt cháy ba khúc đã bị cuốn, chỉ còn dòng nước cuồn cuộn với tiếng réo ào ào chứng minh nó đã từng tồn tại. Những lùm cây trên thân đê đã bị nhận chìm đôi chỗ, chỉ còn vài cành ló lên mặt nước.

Mặt sông rộng mênh mông, từng dàn hải âu màu xám đuổi theo bọt sóng, chốc chốc lại bắt được một con cá nhỏ. Bên kia bờ sông chỉ còn như một sợi chí, bập bềnh trên sóng nước lóa mắt. Nước chỉ còn cách mặt đê vài đốt ngón tay, đôi chỗ cái lưỡi màu vàng của nó đã liếm mặt đê thành rãnh nhỏ, róc rách chảy vào trong đồng.

Khi chúng tôi lên tới mặt đê, thằng câm Tôn Bất Ngôn đang đái xuống sông, bộ máy sinh dục của hắn to quá cỡ, nước đái vàng khè, chảy tong tỏng xuống mặt nước. Trông thấy chúng tôi, hắn mỉm cười thân mật, móc túi lấy ra chiếc còi làm bằng vỏ đạn, thổi lên ríu rít những tiếng chim, tiếng trầm của họa mi, tiếng líu ríu của vàng anh, tiếng nức nở của bách linh. Tiếng chim quyến rũ, khuôn mặt có vết bớt của hắn tỏ ra đôi chút dịu dàng. Thổi đã rồi, hắn vẩy cho hết nước bọt trong còi, đưa cho tôi, miệng ú ớ ý tứ rất rõ, hắn tặng tôi chiếc còi. Tôi lùi lại, khiếp đảm nhìn hắn. Chị Tám nấp sau Tư Mã Lương, bàn tay trắng nhợt túm chặt cánh tay của nó. Bộ mặt nhà ngươi khi vung đao chém người, ta không bao giờ quên? Đồ quỉ? Hắn lại đưa chiếc còi cho tôi, miệng ú ớ tỏ ra bồn chồn không yên. Tôi lùi thì hắn tiến. Tư Mã Lương nói nhỏ sau lưng tôi:

- Đừng lấy cậu ạ, cái còi của thằng câm là để gọi ma, khi nào chiêu hồn ngoài nghĩa trang thì người ta thổi?

- Âu, âu! - Thằng câm giận dữ nhét chiếc còi vào tay tôi rồi đi tới chỗ những người đang kết bè.

Tư Mã Lương giằng lấy cái còi, xem rất kỹ dưới nắng xem có gì bí mật không. Nó bảo tôi:

- Cậu ạ, cháu là linh miêu, không thuộc con nào trong mười hai con giáp, chẳng ma nào hại nổi cháu! Để cháu giữ cái còi này hộ cậu!

Nói xong, nó bỏ cái còi vào túi quần. Nó mặc chiếc quần xanh chỉ ngắn đến đầu gối, phía trên cạp may thêm rất nhiều túi, to có nhỏ có, kín có hở có. Trong túi nó đụng rất nhiều thứ kỳ quặc, viên đá đổi màu dưới ánh trăng, lưỡi cưa nhỏ có thể cưa đứt mẩu gạch, hạt hạnh các cỡ, lại còn có đôi chân chim sẻ, xương đầu một con ếch. Lại có cả răng người, có cái là của nó rụng, có cái là của chị Tám, có cái là của tôi. Mẹ thường ném răng rụng của tôi qua mái nhà, nhưng nó vẫn đi nhặt về. Răng chị Tám thì chị để trên bậu cửa sổ, nó đến nhặt bỏ túi. Tìm một cái răng trong đám cỏ um tùm và đầy rác rưởi sau nhà đâu phải dễ? Nhưng Tư Mã Lương bảo tôi:

- Nếu mình có ý định tìm kiếm vật gì đó thì nó sẽ nhảy ra trước mặt.

Bây giờ trong túi của nó có thêm một chiếc còi gọi ma cho bộ sưu tập. Tôi đi đôi guốc mộc - mẹ nói nó là quà tặng của mục sư Malôa cho Thọ Hỉ. Chị Tám không có giày. Tư Mã Lương đi chân đất. Chúng tôi đến gần những người đang làm bè.

Hơn mười binh sĩ của trung đoàn 17 như lũ kiến khuân mồi, khênh cây gỗ thông nặng đi trong ngõ. Trên phố có tiếng lắc rắc, tháp canh của Tư Mã Đình đang bị dỡ. Tôn Bất Ngôn là thủ lĩnh cả đám binh sĩ, hắn chỉ huy họ ghép các cây gỗ thông lại với nhau, rồi dùng dây thép liên kết lại. Ông già Tôn Long là thợ mộc nổi tiếng trong vùng, đảm nhiệm cố vấn kỹ thuật. Tôn Bất Ngôn đang nổi cáu với ông già, nhảy chồm chồm như con hắc tinh tinh, miệng sùi bọt. Ông già Long đứng nghiêm, tay buông thõng một cách chịu đựng, tay trái cầm đanh móc, tay phải cầm búa. Hai đầu gội đầy những vết sẹo của ông chụm lại, bóng gân xanh nổei lên to tướng ở bắp chân. Ông đi guốc, đôi guốc ông tự làm lấy khi tạc tượng Chúa Giêsu còn thừa một đoạn gỗ táo, theo lời khuyên của mục sư Malôa.

Lúc này, một vệ binh cưỡi xe đạp, khoác tiểu liên trên lưng, từ phía ngõ đi tới. Đến chân đê, anh ta dựa xe, khom người đi lên. Anh ta bị thụt một chân xuống lỗ chuột đồng, khi rút chân lên, cái lỗ đùn lên toàn là nước đục. Tư Mã Lương bảo:

- Xem kìa, đê sắp vỡ rồi!

Anh vệ binh cũng kêu lên:

- Nguy rồi, ở đây có một lỗ hổng?

Các binh sĩ trung đoàn 17 nhốn nháo cả lên, bỏ dở công việc đang làm, chạy xuống xem cái lổ hổng đùn nước. Trên mặt Tôn Bất Ngôn lộ vẻ kinh hoàng ít khi thấy ở hắn. Hắn nhìn dòng sông cuồn cuộn, cao hơn nóc nhà cao nhất trong thôn. Hắn cởi yên đao quẳng xuống mặt đê, cởi vội áo, quần dài, chỉ mặc chiếc quần đùi, rồi hắn ú ớ với bọn lính. Đám lính ngẩn người ra nhìn hắn như gà nuôi lấy thịt. Một tên lông mày rậm hỏi Tôn Bất Ngôn:

- Anh bảo sao, bảo chúng tôi xuống nước hả?

Thằng Câm nhảy tới trước mặt anh lính túm lấy ngực áo anh ta xoắn đứt các cúc áo. Trong lúc khẩn cấp ấy, Thằng Câm buột miệng nói ra được một tiếng:

- Cởi!

Ông già Tôn Long nhìn cái lỗ hổng rồi lại nhìn cái xoáy nước phía ngoài đê, nói:

- Thưa các ông, đây là cái hang chuột, bên trong còn to hơn cái chum, vị thủ lĩnh bảo các ông cởi quần áo phụ với ông ta lấp lỗ hổng, vậy các ông cứ cởi ra, chùng chình là vô phương cứu chữa. Ông già cởi chiếc áo vá chằng vá đụp ra quẳng xuống trước mặt Thằng Câm. Các binh sĩ vội vàng cởi quần áo.

Một chú lính trẻ chỉ cởi áo khoác ngoài, không cởi quần dài. Thằng Câm nổi giận, lại gầm lên cái từ ban nãy: - Cởi!

Chó cùng dứt giậu, mèo cùng trèo cây, thỏ cùng cắn người, Thằng Câm cùng thì nói thành tiếng 'Cởi, cởi, cởi!, cứ thế mà gầm lên.

Chú lính trẻ run rẩy:

- Thưa tiểu đội trưởng, em không mặc quần đùi!

Thằng Câm nhặt thanh đao lên kề vào gáy chú lính, quay ngược sống đao gõ hai cái. Tên lính mặt vàng như nghệ, lắp bắp nói:

- Ông câm ơi, em xin cởi, xin cởi mà!

Chú lính cúi xuống tháo xà cạp, cởi quần, phơi ra cái bụng trắng hếu và con chim bé tí mới mọc lông. Chú lính xấu hổ lấy tay che nó lại. Thằng Câm tiến đến định bắt tên lính cưỡi xe đạp cởi quần áo, tên này nhảy vội lên xe, chỉ hai cái ấn là phóng như bay xuống chân đê, hắn vừa đạp vừa kêu to:

- Vỡ đê rồi! Vỡ đê rồi!

Thằng Câm xếp quần áo thành đống, lấy xà cạp buộc lại. Ông già Long kéo đổ dàn biển đậu dưới chân đê, bó cọc dàn cùng với dây biển đậu thành từng bó. Các binh sĩ giúp ông vác lên mặt đê. Thằng Câm ôm bọc quần áo định nhảy xuống nước. Ông già chỉ cái xoáy nước rồi lục lọi trong hòm đồ nghề của ông, lấy ra cái chai mật lợn màu xanh, mở nút, mùi rượu xộc lên. Ông già đưa chai rượu cho Thằng Câm, hắn ngửa cổ uống cạn rồi giơ ngón tay cái biểu dương ông già, hét to:

- Cởi!

Hắn nói Cởi trường hợp này có nghĩa là tốt, những người có mặt ai cũng hiểu như thế. Thằng Câm ôm bọc quần áo nhảy xuống nước. Mặt nước dãn ra. Cái lỗ hổng bên ngoài đê giờ đây đã to bằng cái cổ con ngựa, dòng nước hung hãn chui vào trong lỗ, rồi vọt ra phía ngõ trong đê, chảy thành một dòng sông nhỏ nước đục ngầu đã tràn tới cổng nhà tôi. So với con đê Thuồng Luồng cao ngất đằng sau, nhà cửa trong thôn chỉ như đồ chơi của trẻ con. Thằng Câm vừa xuống nước đã biến mất. Chỗ hắn lặn xuống là cái xoáy đầy bọt và rơm rác. Những con hải âu láu cá bay lượn trên cao. Cặp mắt tinh tường bằng hạt đậu đen của chúng chú mục vào chỗ Thằng Câm lặn xuống như chờ đợi điều gì đó. Tôi trông rõ cái miệng đỏ lòm và cặp chân đen sì dưới cái bụng trắng của chúng.

Chúng tôi sốt ruột nhìn mặt nước. Một vật như quả dưa hấu đen sì đảo một cái trên mặt nước rồi lại chìm nghỉm nhưng lại xuất hiện rất nhanh ở phía trước. Một vật như con ếch khô khổng lồ đạp chân đúng kiểu bơi của ếch, bơi chéo vào bờ. Khi đến chỗ nước tương đối lặng sát thân đê, hai chân lại đạp tạo nên những ngấn nước rất đẹp. Các binh sĩ trung đoàn 17 căng mắt để nhìn, cổ vươn ra. Do tất cả đều cởi trần, nên trông giống những phạm nhân đang chờ hành quyết. Quần lót của họ chẳng khác quần lót của Thằng Câm vải cứng như tôn lá. Chú lính cởi truồng hai tay ôm lấy bộ tam sự, cũng vươn cổ nhìn xuống nước. Ông già Tôn Long thì nhìn lỗ hổng trong đê. Nhân dịp này Tư Mã Lương lén gại thử vào lưỡi dao của Thằng Câm, sắc như nước, chém đầu như bổ dưa.

- Tốt rồi, bịt được rồi - Ông già Tôn Long kêu to.

Nước chảy chậm dần qua cái lỗ hổng, sức nước giảm đi nhiều, từ chỗ chảy ồ ồ chỉ còn róc rách. Thằng Câm vọt lên khỏi mặt nước như một con cá quả khổng lồ, đám hải âu hoảng sợ vọt lên cao. Hắn dùng bàn tay hộ pháp vuốt nước trên mặt, nhổ phì phì đất cát trong miệng ra. Ông già Tôn gọi binh lính quẳng các bó biển đậu xuống sông. Thằng Câm túm lấy từng bó dìm xuống rồi nhô người lên một cái, quẫy hai chân lặn theo. Lần này thì thời gian dưới nước tương đối ngắn, hắn đã ngoi lên lấy hơi. Ông già Tôn Long đưa xuống một cành cây dài định kéo hắn lên, nhưng hắn xua tay, lại lặn xuống. Tiếng thanh la dồn dập trong thôn. Tiếng thanh la chưa dứt đã vang lên tiếng hô khẩu lệnh, từng đội vác súng từ các ngõ chạy lên mặt đê. Lỗ Lập Nhân và đội bảo vệ của anh ta chạy từ ngõ nhà tôi lên. Vừa lên đến nơi, anh ta hỏi:

- Vỡ chỗ nào?

Ông già Long nói với Lỗ Lập Nhân:

- Thưa trưởng quan, may mà có ông Tôn, nếu không, làm mồi cho ba ba!

Lỗ Lập Nhân nói:

- Nhân dân làm mồi cho ba ba thì chúng tôi cũng làm mồi cho cua cái!

Anh ta bước tới chỗ Thằng Câm, giơ ngón tay cái biểu dương hắn. Thằng Câm toàn thân nổi da gà, môi dính bùn, nhìn Lỗ Lập Nhân cười hềnh hệch.

Lỗ Lập Nhân ra lệnh cho các binh sĩ đào đất gia cố thân đê. Công việc ghép bè tiếp tục tiến hành, nhất định đến trưa phải đưa được tù binh sang sông. Đội áp giải của quân khu sẽ tiếp ứng ở bờ sông bên kia. Những binh sĩ không có quần áo thay thì về chỗ trú quân nghỉ ngơi. Những binh sĩ được biểu dương càng hăng hái, thề chết hoàn thành nhiệm vụ. Lỗ Lập Nhân lệnh cho cần vụ chạy về đoàn bộ lấy một cái quần cho chú lính trẻ thay. Lỗ Lập Nhân cười hì hì, nói với chú lính trẻ:

- Chỉ toàn lông tơ, chứ đã đủ lông đâu mà xấu hổ?

Trong khi liên tiếp ra hàng loạt mệnh lệnh, Lỗ Lập Nhân còn tranh thủ hỏi tôi:

- Mẹ có khỏe không? Thắng Lợi có ngoan không?

Tư Mã Lương kéo tay tôi, tôi không hiểu ý của nó, nó bảo Lỗ Lập Nhân:

- Bà ngoại yêu cầu được tiễn bố cháu, bác đợi bà ngoại ra hãy sang sông!

Ông già Tôn Long tinh thần phấn chấn, chỉ trong nửa tiếng đồng hồ đã ghép xong chiếc bè rộng mười mấy mét vuông. Không có bơi chèo, ông già đề nghị thay thế bằng xẻng, dùng những chiếc mai gỗ càng tốt. Thế là Lỗ Lập Nhân lại ra lệnh đi lấy xẻng.

- Cháu về bảo với bà ngoại - Lỗ Lập Nhân nói với Tư Mã Lương - Ta chấp thuận yêu cầu của bà!

Anh ta giơ tay xem đồng hồ, nói:

- Các cháu có thể về được rồi!

Nhưng chúng tôi không về vì đã trông thấy mẹ khoác trên tay một cái làn trên phủ vuông vải trắng, tay xách bình nước trà, bước ra khỏi cổng. Sau lưng mẹ là Sa Tảo Hoa. Nó ôm trong tay một bó hành sống. Đi sau bó hành là chị em sinh đôi Tư Mã Phượng và Tư Mã Hoàng; sau Phượng và Hoàng là hai con trai của Thằng Câm, anh em sinh đôi: Câm-lớn, Câm-bé; sau Câm-lớn, Câm-bé là Lỗ Thắng Lợi vừa lẫm chẫm biết đi; sau Lỗ Thắng Lợi là chị Lai Đệ trát bự son phấn. Cái đội ngũ ấy đi rất chậm.

Hai đứa con gái sinh đôi thì chăm chú nhìn các dàn biển đậu xen kẽ với hoa khiên ngưu, chúng đang tìm bắt chuồn chuồn, bươm bướm và những cái xác ve sầu. Hai đứa con trai sinh đôi thì mắt như dán vào các cây hai bên ngõ, những cây hòe, cây liễu và những cây dâu thân có màu vàng nhạt, chúng tìm những con sên, thức ăn rất ngon mà chúng ưa thích. Lỗ Thắng Lợi thì tìm những chỗ có nước mà bước vào. Nó dẫm trên nước lép nhép, những tiếng cười ngây thơ vang lên khắp ngõ. Dáng đi đoan trang của chị Lai Đệ cho tôi biết rằng thái độ của chị rất trịnh trọng, mặc dù ở trên đê, chúng tôi không thể nhìn rõ nét mặt chị, mà chỉ nhìn thấy xanh đỏ lòe loẹt trên mặt chị.

Lỗ Lập Nhân cầm lấy chiếc ống nhòm trên cổ một vệ binh, nhìn sang bờ bên kia, một cán bộ dưới quyền đứng bên anh ta sốt ruột hỏi:

- Đã đến chưa?

Lỗ Lập Nhân tiếp tục quan sát, nói:

- Chưa, chẳng có ma nào cả, chỉ có mỗi con quạ đang mổ phân!

- Liệu có chuyện gì chăng? - Người cán bộ lo lắng.

- Không có chuyện gì đâu - Lỗ nói - Đội áp giải của quân khu toàn là những tay súng cừ khôi, bán đảo Sơn Đông không có ai là đối thủ?

Cán bộ kia nói:

- Quả có vậy. Khi tôi tập huấn trên quân khu, đội áp giải tù binh có biểu diễn cho xem. Tôi phục nhất là cái môn chọc thủng gạch của họ. Anh nghĩ coi, viên gạch rắn là thế mà họ chỉ dùng một ngón tay khoan ngay một lỗ xuyên qua, ngay cả mũi khoan cũng không nhanh bằng. Họ định giết ai thì chỉ một ngón tay là chọc thủng một lỗ, không cần đến vũ khí. Đoàn trưởng, nghe tin một số cán bộ sẽ chuyển ngành sang tổ chúc chính quyền...

- Đến rồi! - Lỗ Lập Nhân nói - Báo cho tiểu đội thông tin, phát tín hiệu cho bên kia!

Một binh sĩ tầm vóc nhỏ bé nhanh nhẹn giơ khẩu súng lục nòng to kỳ lạ chĩa lên khoảng không trên sông bắn một phát. Một quả cầu lửa màu vàng bay vọt lên không trung, đứng lại một thoáng rồi xì ra một làn khói trắng, kéo theo một tiếng nổ, rơi xuống giữa lòng sông. Khi quả cầu lửa rơi xuống, một con hải âu đảo cánh định đớp, nhưng nó kêu lên một tiếng lảnh lói, lảng ra xa. Bờ bên kia, một đám người nhỏ li ti đang đứng, sóng nước rập rờn khiến tôi nghĩ rằng họ đang đứng trên mặt nước chứ không phải trên mặt đê.

- Đổi tín hiệu! - Lỗ Lập Nhân nói.

Chú lính lấy ngọn cờ đỏ giắt bên người, buộc vào cành liễu mà ông già Long quẳng dưới đất. Chú ta phất ngọn cờ đỏ với bờ bên kia, bờ bên kia vọng lại tiếng hoan hô.

- Tốt rồi! - Lỗ Lập Nhân đeo ống nhòm vào cổ, quay sang lệnh cho người cán bộ dưới quyền: - Tham mưu Tiền, chạy về bảo Tham mưu trưởng Đỗ giải tù binh ra!

Người cán bộ chạy đi.

Lỗ Lập Nhân nhảy lên bè, ra sức dẫm mạnh để thử độ bền. Anh ta hỏi ông già Tôn Long:

- Ra đến giữa sông, bè không vỡ chứ?

Ông già Tôn Long nói:

- Xin thượng quan yên tâm, năm Dân quốc thứ mười, cái bè đưa dân biểu Triệu qua sông, chính là do tôi ghép.

Lỗ Lập Nhân nói:

- Hôm nay ta phải đưa một tên phạm nhân do thượng cấp chỉ đích danh, không thể để xảy ra bất cứ sơ suất nào.

- Thủ trưởng yên tâm, nếu bè vỡ thì cứ chặt chín ngón tay của tôi đi!

Lỗ Lập Nhân nói:

- Không nhất thiết phải như thế, nếu bè vỡ thì có chặt cả mười ngón tay của tôi cũng vô dụng.

Mẹ dẫn đội ngũ của mẹ trèo lên mặt đê. Lỗ Lập Nhân chạy tới đón, rất khách sáo:

- Bà ơi, bà đợi một lát, họ ra ngay bây giờ!

Anh ta cúi xuống làm thân với Lỗ Thắng Lợi, nhưng nó sợ, khóc toáng lên. Lỗ Lập Nhân lúng túng sửa lại dây kính thay cho gọng, nói:

- Con bế này, ngay cả bố đẻ nó cũng không nhận ra!

Mẹ thở dài:

- Rể! Năm nay, các anh cứ quần nhau như vậy biết khi nào mới thôi?

Lỗ Lập Nhân đã có chủ ý, nói:

- Bà mẹ yên tâm, lâu là ba năm, chóng là hai năm, mẹ có thể sống trong hòa bình rồi!

Mẹ nói:

- Tôi là đàn bà, lẽ ra không nên nhiều lời, liệu anh có tha cho họ không? Nói gì thì nói, các anh là anh em cọc chèo với nhau.

Lỗ Lập Nhân cười:

- Nhạc mẫu ơi, tôi không có quyền, ai bảo mẹ chiêu mộ những chàng rể không yên phận ấy làm gì?

Nói xong, anh ta lại cười. Tiếng cười của Lỗ Lập Nhân làm dịu bớt không khí trang nghiêm trên đê.

Mẹ bảo:

- Anh nói với quan trên của anh, tha cho họ.

Lỗ Lập Nhân nói:

- Gieo gió gặt bão, trồng tật lê thì đừng sợ gai đâm vào tay. Mẹ vợ ơi xin mẹ đừng bận tâm làm gì!

Các vệ binh áp giải Tư Mã Khố, Bác-bít và Niệm Đệ từ ngõ lên đê. Tư Mã Khố bị trói giật cánh khuỷu bằng thừng. Bác-bít thì hai tay bị trói ra phía trước bằng một đoạn xà cạp. Niệm Đệ không bị trói. Một vệ binh bước tới ngáng đường bị Tư Mã Khố nhổ nước bọt vào mặt, quát:

- Tránh ra, để ta từ biệt người nhà của ta!

Lỗ Lập Nhân bắt tay làm loa nói to về phía ngõ:

- Tư lệnh Tư Mã, đừng vào đấy nữa. Họ ở cả đây rồi?

Tư Mã Khố làm như không nghe tiếng cứ ưỡn ngực bước vào nhà tôi, theo sau là Bác-bít và Niệm Đệ. Họ loay hoay trong sân nhà tôi rất lâu. Lỗ Lập Nhân chốc chốc lại xem đồng hồ. Bờ bên kia đội áp giải liên tục phất cờ hồng, đánh tín hiệu sang bên này. Thông tin viên bên này cũng phất cờ, đánh tín hiệu trả lời. Động tác của họ luôn thay đổi, chúng tỏ nghiệp vụ rất thành thạo.

Bọn Tư Mã Khố rồi cũng ra khỏi nhà tôi, trèo rất nhanh lên mặt đê. Lỗ Lập Nhân hạ lệnh:

- Cho bè hạ thủy! Mười mấy tên lính hè nhau bẩy chiếc bè xuống nước. Mặt nước chấn động mạnh, chiếc bè chìm xuống rồi từ từ nổi lên. Nước ven bờ chảy chậm, chỉ làm cho bè dập dềnh. Mấy binh sĩ níu chặt dây neo bè bằng vải xà cạp phòng chiếc bè bị nước cuốn đi. Lỗ Lập Nhân nói:

- Tư lệnh Tư Mã, ông Bác-bít, quân đội chúng tôi chí nhân chí nghĩa, thể tất tình người nên mới cho phép các ông chia tay với người nhà, mong các ông gặp phiên phiến thôi!

Tư Mã Khố, Bác-bít, chị Niệm Đệ đi tới trước mặt chúng tôi. Tư Mã Khố mặt mày vui vẻ, Bác-bít đầy vẻ lo âu. Chị Niệm Đệ nét mặt nặng nề và trang nghiêm như một kẻ tử vì đạo. Lỗ Lập Nhân nói khẽ:

- Dì Sáu, dì có thể ở lại. Chị Niệm Đệ lắc đầu tỏ ý nhất quyết đi cùng chồng.

Mẹ bỏ vuông vải dậy làn ra. Sa Tảo Hoa đưa tới một củ hành đã lột vỏ. Mẹ bẻ củ hành làm hai, gói trong một miếng bánh bột mì trắng, sau đó lấy từ trong làn một bát tương ớt, đưa cho Tư Mã Lương, bảo:

- Lương, bê cái bát này! Tư Mã Lương đón cái bát, ngẩn nhìn mẹ. Mẹ nói:

- Đừng nhìn bà, hãy nhìn cha cháu đi!

ánh mắt của Tư Mã Lương chuyến sang Tư Mã Khố. Tư Mã Khố cúi nhìn đứa con trai khỏe mạnh, đen như củ súng, một thoáng buồn lướt trên khuôn mặt chữ điền xưa nay chưa hề biết thế nào là buồn tủi. Anh ta nhích vai một cái có lẽ định giơ tay xoa đầu đứa con. Tư Mã Lương mở miệng gọi khẽ:

- Bố ơi!

Tư Mã Khố chớp chớp cặp mắt có con ngươi vàng, đẩy nước mắt xuống khoang mũi và họng. Anh ta đá nhẹ vào mông Tư Mã Lương, nói:

- Con yêu, hãy nhớ rằng, dòng họ nhà Tư Mã chúng ta không ai chết trên giường, con cũng phải như thế.

Tư Mã Lương hỏi:

- Bố ơi, liệu họ có bắn bố không?

Tư Mã Khố liếc nhìn dòng sông đục ngầu, nói:

- Bố thua thiệt vì bố giữ chữ nhân. Con nên nhớ rằng muốn làm kẻ ác thì phải lòng lim dạ sứa, giết người không ghê tay? Muốn làm người thiện thì đi đường cũng tránh dẫm phải kiến. Tuyệt đối không nên làm con dơi, chim không ra chim, thú không phải thú. Con nhớ chưa?

Tư Mã Lương cắn môi, nghiêm trang gật đầu.

Mẹ đưa chiếc bánh đã cuốn hành cho chị Lai Đệ. Chị cầm lấy, ngẩn người nhìn mẹ. Mẹ bảo:

- Con đút cho anh ấy ăn! Chị ngượng, chị chưa quên cái đêm hai người cuồng hoan cách đây ba hôm, chắc hẳn thế, vì cái ngượng của chị là ngượng trong hạnh phúc. Mẹ nhìn chị, lại nhìn Tư Mã Khố, ánh mắt mẹ như con thoi, móc hai người lại với nhau. Sự giao lưu băng ánh mắt giữa hai người còn nhiều hơn nói ngàn vạn lời! Chị Lai Đệ cởi bỏ áo khoác màu đen, bên trong chị mặc áo chẽn màu hồng, quần hồng viền đăng ten, đôi giày thêu hoa cũng màu hồng, thân hình yểu điệu, khuôn mặt thanh tú. Tư Mã Khố chữa khỏi cho chị chứng khùng, nhưng chị lại rơi vào bệnh tương tư. Chị vẫn đẹp, một phụ nữ góa chồng đầy quyến rũ. Tư Mã Khố đắm đuối nhìn chị, nói:

- Chị cố gắng giữ gìn nhé!

Chị Lai Đệ nói một câu chẳng ăn nhập vào đâu:

- Anh là mũi khoan kim cương, hắn là cây gỗ mục! Chị đến trước mặt Tư Mã Khố, chấm miếng bánh vào bát tương ớt trong tay Tư Mã Lương, để tiếng khỏi rớt, chị múa cổ tay hai ba vòng rồi đưa đến trước miệng Tư Mã Khố. Như một con ngựa, Tư Mã Khố hất đầu lên một cái, rồi cúi xuống há miệng cắn một miếng. Anh ta nhai một cách khó nhọc, phồng hai má vì đầy thức ăn, hai giọt nước mắt to tướng lăn trên má. Anh ta vươn cổ ra nuốt đánh ục, miệng hít hà:

- Hành cay đến là cay!

Mẹ đưa cho tôi một chiếc bánh, đưa cho chị Tám một chiếc, lại đưa cho chị Sáu một chiếc, tất cả đã quấn hành. Mẹ bảo:

- Kim Đồng, con đút cho chồng chị Sáu. Ngọc Nữ, con đút cho chị Sáu.

Tôi bắt chước chị Lai Đệ, chấm bánh trong bát tương ớt của Tư Mã Lương, rồi đưa đến trước miệng Bác-bít. Bác-bít trễ môi trông rất khó coi, ghé răng cắn một tí bánh, những giọt nước mắt long lanh rơi lã chã. anh ta cúi xuống, ghé miệng còn dính tương ớt lên trán tôi hôn một cái rõ kêu. Rồi anh đi tới bên mẹ, tôi đoán là anh định ôm hôn mẹ, nhưng tay bị trói, đành phải cúi xuống hôn vào trán mẹ, môi dẩu ra như con dê bứt lá cây. Anh nói:

- Mẹ ơi, con không bao giờ quên mẹ!

Chị Tám mò mẫm đến trước mặt Tư Mã Lương để chấm bánh. Tư Mã Lương giúp chị. Chị cầm bánh băng hai tay, trán bóng như mai cua, mắt sâu thăm thẳm, mũi cao miệng rộng, đôi môi chúm chím như nụ hoa hồng. Chị Tám mà xưa nay vẫn bị tôi rẻ rúng thật đáng thương. Chị thì thào:

- Chị Sáu ăn đi!...

Chị Sáu nước mắt như suối, ôm chị Tám nức nở:

- Cô em tội nghiệp của chị...

Tư Mã Khố đã ăn hết một cái bánh. Lỗ Lập Nhân trước sau vẫn đứng bên, quay mặt ra ngoài sông nhìn sang bờ bên kia. Lúc này, anh ta quay lại nói:

- Thôi, xin mời lên bè!

Tư Mã Khố nói:

- Không được, tôi chưa ăn xong. Xưa kia mỗi khi quan phủ chém phạm nhân đều cho ăn no rồi mới chém. Trung đoàn 17 các anh là trung đoàn nhân nghĩa, chắc hẳn phải cho tôi ăn một bữa no chứ? Huống hồ đây là bữa bánh do mẹ vợ chúng ta làm.

Lỗ Lập Nhân nhìn đồng hồ nói:

- Thôi được, ông cứ ăn cho căng bụng. Tôi cho ngài Bác-bít sang trước.

Thằng Câm và sáu binh sĩ tay cầm xẻng gỗ làm bơi chèo, thận trọng bước lên bè. Chiếc bè dập dềnh, chao đảo choán nước rất nhiều, nước tràn trên mặt bè. Hai binh sĩ giữ dây neo, ngửa người ra sau để ghìm chiếc bè lại.

Lỗ Lập Nhân lo lắng, hỏi ông già Tôn:

- Cụ ơi, thêm hai người nữa được không?

Ông già đáp:

- Hầy, theo lão thì nên bớt đi hai người chèo. Lỗ Lập Ngôn ra lệnh:

- Hàn hói, Phan Vĩnh Vượng, hai người lên bờ!

Hàn và Phan chống xẻng nhảy ra khỏi bè. Chiếc bè chòng chành, người trên bè đứng không vững, suýt ngã xuống nước. Thằng Câm cởi trần, chỉ mặc mỗi quần đùi cứng như mo nang, gầm lên:

- Cởi, cởi, cởi!

Từ hôm ấy trở đi, hắn không à uôm nữa.

- Được chưa? Lỗ Lập Nhân hỏi ông già Tôn.

Ông già đáp:

- Được rồi!

Ông cầm lấy chiếc xẻng trong tay một binh sĩ, nói:

- Quí quân nhân nghĩa khiến lão rất phục! Năm Dân quốc thứ Mười, lão đã từng đưa một vị nghị sĩ qua sông. Nếu trưởng quan không chê thì lão đem thân trâu ngựa ra giúp!

Lỗ Lập Nhân xúc động nói:

- Cụ ơi, đây là điều tôi muốn nhờ nhưng ngại chưa dám mở miệng. Cụ mà điều khiển thì coi như yên tâm. Ai có rượu đấy không?

Lính cần vụ chạy tới, đưa cho Lỗ Lập Nhân chiếc bi đông bẹp dúm. Anh ta xoay nút mở ra, ghé mũi ngửi, nói:

- Rượu cao Lương chính hiệu! Cụ ơi, tôi đại diện cho thủ trưởng quân khu mời cụ một chén.

Anh ta hai tay cầm bi đông đưa cho ông già Tôn. Ông già cũng xúc động, phủi bụi trên cánh tay đón lấy bi đông rượu, òng ọc một hơi mười mấy ngụm rồi đưa trả bi đông cho Lỗ Lập Nhân. Ông quệt mép bằng mu bàn tay, từ mặt đỏ đến cổ, từ cổ đỏ đến ngực.

- Thưa trưởng quan, uống rượu này của trưởng quan, trái tim tôi đã gắn với trưởng quan rồi!

Lỗ Lập Nhân vừa cười vừa nói:

- Đâu chỉ có trái tim? Mà là gan liền gan, phổi liền phổi, ruột liền ruột.

Ông già ứa nước mắt, nhảy vọt lên cuối bè một cách vững vàng. Chiếc bè khẽ chòng chành. Lỗ Lập Nhân gật đầu tán thưởng.

Lỗ Lập Nhân đến trước mặt Bác-bít nhìn hai tay bị trói của anh ta, cười gượng:

- Tội cho ông quá, ông Bác-bít, ông được Chủ nhiệm Hòa Trọng thuộc Tư lệnh quân khu chỉ đích danh, chắc chắn ông sẽ được đối xử đúng nghi lễ.

Bác-bít giơ hai tay lên:

- Có nghi lễ này không?

Lỗ Lập Nhân thản nhiên nói:

- Đây cũng là một nghi lễ, mong ông bỏ quá cho. Xin mời, ông Bác-bít!

Bác-bít nhìn chúng tôi một thoáng, dùng ánh mắt để từ biệt. Rồi anh bước những bước dài, leo lên bè. Chiếc bè chòng chành rất dữ khiến anh ta loạng choạng đứng không vững. Ông già Tôn dùng chiếc mai gỗ chống đít anh ta cho khỏi ngã.

Chị Niệm Đệ cũng bắt chước Bác-bít, vụng về hôn trán tôi rồi hôn trán chị Tám. Chị giơ những ngón tay thanh mảnh gỡ những lọn tóc rối như búi sợi của chị Tám, than thở:

- Em yêu, trời sẽ phù hộ em!

Rồi chị gật đầu với mẹ và lũ trẻ lau nhau đứng sau lưng mẹ, quay lại bước lên bè. Lỗ Lập Nhân lại khuyên:

- Dì Sáu, dì không nhất thiết phải đi!

Niệm Đệ ôn tồn nói:

- Anh rể, tục ngữ có câu cán cân đâu quả cân đấy, chồng không thể rời vợ, anh và chị Năm chẳng phải như hình với bóng đó sao?

Lỗ Lập Nhân nói:

- Tôi là tôi muốn điều tốt cho dì. Thôi, để cho dì được toại nguyện, mời lên bè!

Tư Mã Khố làm bộ đã no, nói: - No rồi! Xin cảm ơn mẹ? Cảm ơn chị Cả, cảm ơn các em Kim Đồng Ngọc Nữ? Cảm ơn con, con đã bê bát tương ớt cho bố? Phượng ơi, Hoàng ơi, hãy nghe lời bà ngoại và bác Cả. Có gì khó khăn thì đi gặp dì Năm. Dì đang gặp vận đỏ, còn bố các con thì đang trong vận đen. Cậu Kim Đồng, hay ăn chóng lớn nhá. Khi còn sống, chị Hai rất yêu em, chị thường nói với anh rằng, em sẽ nên người! Em đừng phụ lòng chị Hai nhá?

Tôi thấy sống mũi cay cay trước những lời của anh. Chiếc bè đã cặp bờ, ngồi giữa bè là một tiểu đầu mục gân bắp cuồn cuộn. Anh ta nhẹ nhàng nhảy xuống, giơ tay chào Lỗ Lập Nhân theo điều lệnh. Lỗ Lập Nhân cũng chào lại rất khách sáo, rồi hai người nhiệt liệt bắt tay nhau, xem ra họ là bạn cũ. Người kia nói:

- Lão Lỗ, trận này thắng ròn rã, tư lệnh Phùng rất vui, chính ủy Lệ cũng biết tin rồi!

Anh ta lấy từ xắc cốt đeo bên người một phong thư đưa cho Lỗ Lập Nhân. Lỗ cầm lấy bức thư, nhét khẩu súng lục mạ bạc vào xắc cốt của anh ta, nói:

- Chiến lợi phẩm đấy, đem về cho con Vu nó chơi!

- Tôi thay mặt con nhỏ cảm ơn anh. - Tiểu đầu mục nói.

Lỗ Lập Nhân chìa tay nói với người kia:

- Đưa đây!

Người kia ngẩn ra, hỏi:

- Đưa gì cơ?

Lỗ Lập Nhân nói:

- Giải tù binh của tôi đi thì phải cho tôi cái giấy biên nhận chứ!

Người kia lấy giấy bút trong xà cột ra, viết vội mấy dòng rồi đưa cho Lỗ Lập Nhân:

- Huynh anh chắc lép quá!

Lỗ Lập Nhân cười:

- Con khỉ Tôn Ngộ Không có ranh mãnh đến mấy cũng không qua được bàn tay Đức Phật Như Lai!

Người kia nói:

- Vậy thì tôi là con khỉ Tôn Ngộ Không hay sao?

Lỗ Lập Nhân nói:

- Chính tôi là con khỉ!

Hai người thụi nhau một cái rồi cười ha hả. Người kia nói nhỏ:

- Lão Lỗ, nghe nói anh thu được một bộ máy chiếu phim? Quân khu đã biết rồi!

Lỗ Lập Nhân nói:

- Tai các anh dài thật. Về thưa lại với thủ trưởng quân khu là đợi nước rút, tôi sẽ cho người đưa lên!

Tư Mã Khố rủa thầm: - Mẹ nó, ki cóp cho cọp nó xơi!

Người kia tỏ vẻ khó chịu, hỏi:

- Anh nói gì vậy?

Tư Mã Khố nói:

- Chẳng nói gì cả!

Người kia nói:

- Nếu tôi đoán không lầm, thì anh chính là Tư Mã Khố khét tiếng gần xa, là Tư lệnh Chi đội Tư Mã.

Tư Mã Khố nói: - Chính tôi!

Người kia nói:

- Ông Tư lệnh này, dọc đường chúng tôi sẽ chăm sóc ông chu đáo, mong ông phối hợp với chúng tôi cho tốt, chúng tôi rất không muốn khiêng xác ông về quân khu!

Tư Mã Khố cười:

- Không dám, đội áp giải các ông toàn là những tay súng cừ khôi, tôi không muốn làm tấm bia sống cho các ông!

Người kia nói:

- Đúng là hảo hán! Vậy nhé, đoàn trưởng Lỗ. Nào, mời Tư lệnh lên bè!

Tư Mã Khố thận trọng bước lên bè, thận trọng ngồi xuống giữa. Tiểu đầu mục trong đội áp giải bắt tay Lỗ Lập Nhân rồi lên bè. Anh ta ngồi phía cuối, đối diện với Tư Mã Khố, tay đặt trên báng súng ở thắt lưng. Tư Mã Khố nói:

- Ông không cần phải cẩn thận đến như thế, tôi hai tay bị trói, nhảy xuống sông chỉ có mà chết đuối! Ông ngồi gần tôi một tí, khi bè chòng chành giữ tôi khỏi lăn xuống nước.

Người kia không làm theo lời Tư Mã Khố, chỉ giục đám lính:

- Chèo mau lên?

Cả nhà tôi đứng tụm lại một chỗ, giấu kín một điều bí mật, nóng lòng chờ đợi kết cục.

Chiếc bè rời bờ, nước lên rất thuận. Hai binh sĩ kéo bè chạy ngược theo bờ sông, vừa chạy vừa thả từng vòng dây neo trên cánh tay.

Bè ra đến giữa sông, nước chảy rất mạnh, mép bè sóng ngầu bọt. Ông già Tôn hô nhịp cho các binh sĩ gò lưng mà chèo, những con hải âu bay rất thấp trên đầu họ. Đến đoạn nước xiết, chiếc bè chòng chành dữ đội, ông già Tôn bật ngửa văng xuống nước. Tiểu đầu mục lóng ngóng đứng lên định rút súng ra thì Tư Mã Khố cựa đứt tung dây trói, chồm lên anh ta như hổ vồ mồi. Hai người lăn xuống dòng nước chảy xiết giữa lòng sông. Thằng Câm và những binh sĩ trên bè cuống cả lên, lần lượt nhảy xuống nước. Chiếc bè như một con cá khống lồ, vùn vụt lao về phía hạ lưu.

Tất cả những chuyện đó gần như xảy ra cùng một lúc.

Đến khi Lỗ Lập Nhân và các binh sĩ trên bờ có phản ứng thì trên bè đã không còn ai.

- Bắn chết hắn đi! - Lỗ Lập Nhân ra lệnh dứt khoát. Giữa dòng nước đục ngầu, thỉnh thoảng một cái đầu nhô lên, nhưng các binh sĩ không thể nhận ra đầu nào là của Tư Mã Khố nên không dám nổ súng. Tất cả có chín người rớt xuống nước, mỗi lần có đầu nhô lên, khả năng đó là đầu Tư Mã Khố chỉ là một phần chín, chưa nói gì đến nước chảy xiết như thế, bắn trúng là rất khó. Tư Mã Khố đã trốn thoát, đó là điều chắc chắn? Anh ta sinh ra và lớn lên bên sông Thuồng Luồng, bơi lội như rái cá, lặn dưới nước mười phút mới cần ló đầu lên lấy hơi. Huống hồ anh ta vừa đánh một bữa căng bụng. Lỗ Lập Nhân tái mặt, mắt tối sầm, nhìn từng người chúng tôi. Tư Mã Lương vẫn bê bát tương ớt trên tay, làm bộ khiếp hãi, nép vào chân mẹ.

Mẹ không nói câu nào, bế Thắng Lợi trên tay đi xuống chân đê, chúng tôi líu ríu đi theo.

Mấy hôm sau chúng tôi nghe tin chỉ có ông già Tôn và Thằng Câm là bơi được vào bờ, những người khác mất tích, nếu còn sống thì không thấy người, nếu đã chết thì không thấy xác, nhưng tất cả mọi người đều hiểu rằng Tư Mã Khố đã trốn thoát, dứt khoát anh ta không chết đuối, những người khác hiển nhiên là chết cả, trong đó có anh chàng tiểu đầu mục áp giải tù binh.

alt
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc