Từ Kinh Châu tới Giang Đông, đi bằng đường bộ hết sức bất tiện, có nhiều đoạn đường ít ai lui tới, bị núi cao và rừng rậm ngăn trở, chỉ có vùng nằm gần thành thị mới xuất hiện một đoạn quan đạo, hơn nữa thành trì phương nam phần lớn xây dựng gần nước, có thể men theo thủy lộ mà xuất hành.
Vô số sông hồ tụ hội lại với nhau, tạo thành một con đường thủy lộ huyết mạch rộng rãi nối liền hai miền đông tây, đây chính là Trường Giang.
Kinh Châu chịu ảnh hưởng của chiến tranh, thuyền trên mặt sông Trường Giang không thấy nhiều, nhưng sau khi đi qua Sài Tang, thuyền đi trên sông đã nhiều lên rõ rệt, trên sông có thể tùy ý thấy được đoàn thuyền xếp thành hàng mà đi, thuyền chở khách viễn hành có ba cột buồm, gần bờ sông, thuyền đánh cá nho nhỏ nhiều không đếm xuể.
Lúc này đã là thượng tuần tháng tám, một đoàn gồm mười chiến thuyền trên mặt sông đang rẻ sóng đi tới, xuôi theo dòng nước mà đi về hướng đông, đoàn thuyền này chính là đoàn thuyền của Lưu Bị đi Giang Lăng đến, nhận lời mời của Tôn Quyền, Lưu Bị đến tham gia tiệc mừng tuổi của Tôn lão phu nhân.
Tôn lão phu nhân là muội muội của mẫu thân Tôn Quyền, cũng cùng được gả cho Tôn Kiên, trước giờ ở Giang Đông được gọi là Tôn nhị phu nhân, năm Kiến An thứ bảy, mẫu thân của Tôn Quyền lâm bệnh qua đời, trong lúc trăn trối đã lệnh cho Tôn Quyền chăm sóc dì giúp mẹ, Tôn Quyền ghi nhớ lời trăn trối của người mẹ đã mất, tôn Tôn nhị phu nhân làm quốc mẫu, từ đấy gọi là Tôn lão phu nhân.
Năm nay Tôn lão phu nhân đã bốn mươi bảy tuổi, chiếu theo phong tục Giang Đông, dưới sáu mươi tuổi, chẵn năm hay chẵn chục đều làm tiệc mừng tuổi.
Tuy Tôn Quyền vô cùng hiếu thảo, nhưng về phương diện khác y lại nghiêm ngặt thi hành chính sách tiết kiệm, cho nên dưới tình huống bình thường, cũng sẽ không vì mẫu thân được bốn mươi bảy tuổi mà đặc biệt tổ chức yến tiệc, nhưng lần này vì để cho Lưu Bị một cái cớ để đến Giang Đông, Tôn Quyền ngoại lệ tổ chức tiệc mừng thọ.
Đoàn thuyền của Lưu Bị sớm đã qua Vu Hồ, đang bơi nhanh về hướng Đan Đồ, ở thời Tam Quốc, Giang Nam vẫn còn chưa được hoàn toàn khai phá, đương nhiên sẽ không có Đại Vận Hà (được xây dựng bởi nhà Tùy, các bạn từng đọc Tùy Đường chắc sẽ biết), chỉ có thể xuống thuyền ở Đan Đồ, đi theo đường bộ qua Khúc A, Tỳ Lăng, Vô Tích để đến Giang Đô của Đông Ngô.
Kỳ thực cũng có một thủy lộ, chính là tại Vu Hồ tiến vào Lật Thủy, đi qua Lật Dương, Dương Tiễn tiến vào Thái Hồ xuyên qua Thái Hồ cũng có thể đến Đông Ngô, nhưng Lật Thủy chỉ có thuyền nhỏ năm trăm thạch mới có thể đi qua, mà chiến thuyền ngàn thạch của Lưu Bị không cách nào đi qua, đoàn người bọn họ đành đi đường bộ từ Đan Đồ.
Trong lầu hai của thuyền, Lưu Bị ngồi trước cửa sổ, say mê ngắm phong cảnh ven bờ, ngồi đối diện y là Bàng Thống, sứ giả Giang Đông là Bộ Chất đang ở con thuyền phía sau.
Lần này đi Đông Ngô, Lưu Bị giao hết quyền hành quân sự cho Gia Cát Lượng, mà không giao cho Quan Vũ, điều này làm cho trên dưới trong quân cảm thấy vô cùng kinh ngạc, Gia Cát Lượng đầu nhập vào chỗ Lưu Bị chưa đến một tháng, Lưu Bị liền giao binh quyền cho y, điều này làm cho rất nhiều người bất mãn, ngay cả Quan Vũ và Trương Phi cũng oán thán.
Bàng Thống cũng là một trong những người cảm thấy bất mãn, tuy trên danh nghĩa y là phó quân sư, nhưng lại không có thực quyền gì, còn lâu mới bằng Gia Cát Lượng được Lưu Bị trọng dụng, trên thực tế y chỉ là một phụ tá.
Trong lòng Bàng Thống hiểu rất rõ, sở dĩ Lưu Bị không mang theo Gia Cát Lượng đi Giang Đông, mục đích chủ yếu là vì để cho y có cơ hội một mình chấp chưởng đại quyền, thành lập uy vọng, mà bản thân mình thì không có cơ hội này, điều đó làm Bàng Thống trong lòng vừa ghen tỵ, vừa bất mãn.
Dọc đường y không ngừng nhắc nhở Lưu Bị, kinh nghiệm của Gia Cát Lượng không đủ, nhược bằng quân đội Tương Dương ồ ạt tấn công xuống phía nam, e rằng Gia Cát Lượng đảm đương không nổi trọng trách, hy vọng Lưu Bị có thể thay đổi chủ ý, truyền lệnh cho Quan Vũ làm chủ tướng, đối với lời nhắc nhở thiện ý không ngừng của y, Lưu Bị cũng chỉ cười trừ.
- Lần này đến Giang Đông, trên danh nghĩa là chúng ta đến mừng thọ, trên thực tế là phải tranh thủ ủng hộ của Giang Đông, cùng Giang Đông thành lập một quan hệ đồng minh, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu, bước đầu chính là phải để Giang Đông thừa nhận Kỳ công tử làm Kinh Châu mục.
Lưu Bị chậm rãi cùng Bàng Thống thương lượng về mục đích của chuyến đi này, đây đã là lần trao đổi thứ hai rồi, Bàng Thống đã định liệu trước, y trầm ngâm một hồi rồi nói:
- Lần này Tôn Quyền mời chúng ta đến Đông Ngô, phần lớn do sự cố gắng của phe Trương Chiêu, bọn họ rất rõ là muốn lợi dụng cơ hội Lưu Cảnh Thăng bệnh chết, giành lấy lợi ích từ Kinh Châu, có chút hàm ý xa thân gần đánh, thuộc hạ cảm thấy Giang Đông muốn hợp tác cùng chúng ta đối phó với Lưu Cảnh, thế thì quận Trường Sa chính là nơi đứng mũi chịu sào.
Lưu Bị lại lắc lắc đầu nói:
- Nhưng Khổng Minh lại không cho rằng như vậy.
Lưu bị mở miệng Khổng Minh, khép miệng cũng Khổng Minh, khiến Bàng Thống rất ghen ghét, hôm nay y vừa mới đưa ra một đề nghị, liền bị Lưu Bị bác bỏ bởi vì không giống với ý kiến của Khổng Minh, làm Bàng Thống trong lòng phẫn hận, nhưng y lại không dám biểu lộ ra, đành phải cười khan một tiếng, hỏi:
- Vậy ý Khổng Minh là như thế nào?
- Khổng Minh cho rằng, đó chẳng qua chỉ là ý nghĩ của Trương Chiêu, chưa hẳn là ý của Tôn Quyền, kỳ thực chúng ta cũng chỉ là một quân cờ của Tôn Quyền, bị Tôn Quyền dùng để đối phó Lưu Cảnh, Tôn Quyền vẫn là muốn kết mình cũng Lưu Cảnh, nhưng y muốn đạt được lợi ích lớn hơn nữa, cho nên mời chúng ta đi Đông Ngô, đối với chúng ta mà nói, phải lợi dụng cơ hội lần này, trăm phương ngàn kế cản trở Tôn Quyền kết minh cùng Lưu Cảnh, chỉ cần phá vỡ đàm phán của Lưu Cảnh và Tôn Quyền, thế thì cơ hội của chúng ta đã đến rồi, cho nên lần này đến Đông Ngô, tin tức nhanh nhạy là việc đầu tiên phải giải quyết.
Bàng Thống á khẩu không trả lời được, một lúc sau liền chuyển chủ đề:
- Nghe nói Hoàng thúc và Trương Chiêu từng có giao tình. Điều này có thật không?
Lưu Bị gật gật đầu cười nói:
- Lúc ở Từ Châu, chúng ta đã quen biết nhau, quả thật có giao tình, Đào Châu Mục lâm bệnh qua đời, cũng là ta đi mời Trương Tử Bố khắc bia mộ cho Đào Châu mục, lần này Trương Tử Bố ủng hộ Giang Lăng, có lẽ duyên cớ là vì một chút tình xưa nghĩa cũ kia, nhưng quan trọng nhất vẫn là lợi ích, ba phần Kinh Châu, là để cho Giang Đông nhìn thấy lợi ích trong đó.
Bàng Thống trầm mặc một lúc, nói:
- Thuộc hạ hơi lo bọn họ sẽ gây bất lợi cho Hoàng thúc, chúng ta đi chuyến này khá là mạo hiểm.
Lưu Bị cười ha hả một tiếng, nói:
- Danh vọng của Lưu Bị ta vang khắp thiên hạ, Tôn Quyền há dám làm hại ta? Sỹ Nguyên lo lắng quá rồi.
- Tuy nói như vậy, nhưng cũng nên mang theo một viên tướng võ nghệ cao cường, thuộc hạ thấy Tử Long cũng không tồi, sao Hoàng thúc không dẫn y theo?
Nhắc đến Triệu Vân, mặt Lưu Bị lập tức trầm xuống, cách đây không lâu y nghe nói Lưu Cảnh có phái người đến Vũ Lăng thăm hỏi Triệu Vân, còn giao một lá thư và tặng một số đặc sản Tương Dương, không ngờ Triệu Vân lại vui vẻ nhận lấy.
Hơn nữa thư đọc xong lập tức mang đi đốt, rốt cuộc trong thư đã viết cái gì, mà lại không để người khác thấy? Điều càng làm cho Lưu Bị căm tức, chính là Triệu Vân đã hồi âm, mà còn viết đầy hai trang giấy.
Y cho rằng ở nơi hẻo lánh như Vũ Lăng, thì mình sẽ không biết sao? Nếu Triệu Vân không thẹn với lương tâm, hà cớ gì lại không giao bức thư cho mình xem qua?
Mặc dù Bàng Thống và Gia Cát Lượng nhiều lần khuyên mình nên trọng dụng Triệu Vân, nhưng bọn họ đâu biết rằng Triệu Vân và Lưu Cảnh có một mối quan hệ không tầm thường.
Mà Lưu Bị y thì lại rất rõ ràng, đã qua nhiều năm như vậy, Triệu Vân vẫn không chịu dứt bỏ tình nghĩa với Lưu Cảnh, Lưu Bị từ lâu đã thấy vô cùng thất vọng đối với Triệu Vân rồi.
Tuy Bàng Thống biết giao tình của Triệu Vân và Lưu Cảnh không tồi, nhưng y không biết rõ ngọn nguồn trong đó, mà lúc này thấy sắc mặt âm trầm của Lưu Bị, y liền không dám hỏi thêm về Triệu Vân một câu nào nữa.
Lúc này, một tên binh sỹ chạy tới bẩm báo:
- Khởi bẩm Hoàng thúc, một chiếc thuyền lớn của Giang Đông đang từ phía trước đi tới, người trên thuyền muốn gặp Hoàng thúc!
Lưu Bị hơi ngẩn ra, y đứng dậy bước nhanh đến đầu thuyền, đoàn thuyền đã dừng lại, chỉ thấy trên một chiếc thuyền lớn đối diện có một văn sỹ hơn ba mươi tuổi, thân hình cao lớn, đầu đội mão, thân mặc trường bào màu trắng, đứng trên đầu thuyền phong cách tao nhã, y ôm quyền mỉm cười, nói:
- Tại hạ Gia Cát Cẩn, phụng mệnh Ngô Hầu đến đón tiếp Hoàng thúc!
..
Đông Ngô, cung Ngô Vương, Trương Chiêu bước chân vội vàng, xuyên qua một hành lang dài, đi đến thư phòng của Ngô Hầu Tôn Quyền, Trương Chiêu đã ngoài năm mươi tuổi, râu tóc đã hơi bạc, thân hình ông cao lớn, tướng mạo thanh thoát, áo mão uy nghiêm, cảm thấy có chút cốt cách phi phàm.
Trường Chiêu là danh sỹ Từ Châu, vì tránh chiến loạn mà chạy đến Giang Đông, bắt đầu được Tôn Sách thu dụng, lúc Tôn Quyền kế vị lại có công trợ giúp, rất được Tôn Quyền coi trọng.
Trương Chiêu đảm nhiệm chức Trưởng sử Giang Đông, chủ quản chính vụ, trên thực tế chẳng thua gì chức Thừa tướng, được công nhận là nhân vật số hai ở Giang Đông, cũng là thủ lĩnh phái Đông Bắc Giang Đông.
Trong lần nội loạn Kinh Châu này, Trương Chiêu chủ trương ủng hộ Lưu Kỳ ở Giang Lăng, một mặt y cho rằng trong vòng mấy năm Tào Tháo khó có thể xuôi nam, nên nhân cơ hội này mà thống nhất phương nam.
Mặt khác Lưu Kỳ nhu nhược, có thể lợi dụng y làm con rối để thâu tóm Kinh Châu, còn về giao tình cố nhân với Lưu Bị ở trong lòng Trương Chiêu đã sớm bị lợi ích của Giang Đông thay thế.
Trong thư phòng của Tôn Quyền, Tôn Quyền cũng đang ở cùng với Chu Du, Trình Phổ thương lượng quân vụ, trong ba nhà ở Kinh Châu, Chu Du chủ trương ủng hộ Lưu Cảnh, mặc dù ba năm trước bọn họ thảm bại ở Sài Tang, giờ lại kết minh cùng Lưu Cảnh, là nhân vật số một trong quân đội, Chu Du cũng cảm thấy nhục nhã, nhưng vì đại cục, Chu Du vẫn hết sức ủng hộ kết minh cùng Lưu Cảnh.
Chu Du và Trương Chiêu đều là thần tử được tiên phụ phó thác trọng trách, về thanh danh và quan hệ quan trường, Chu Du cũng không thua Trương Chiêu, nhưng Chu lại bị Trình Phổ đại diện cho phe lão tướng chống đối, khiến cho y chỉ có thể làm nhân vật số ba tại Giang Đông.
Trong phe phái Giang Đông, Chu Du là thủ lĩnh của phái thiếu tráng, bên cạnh y tụ tập rất nhiều nhân tài Giang Đông, tuổi trẻ tài cao.
Sự tranh giành Kinh Châu lần này của Chu Du và Trương Chiêu, đều xuất phát từ một chuyện, đó là vì lợi ích của Giang Đông.
Nhưng phương án cụ thể của họ lại khác nhau, Trương Chiêu chủ trương thống nhất phương nam trước, rồi mới toàn lực kháng Tào, mà Chu Du lại cho rằng quân Tào sắp ồ ạt xuôi nam, bọn họ không còn thời gian để thống nhất phương nam nữa, hiện tại chỉ có thể liên hiệp cùng Lưu Cảnh chống Tào, đại nghiệp thống nhất phương nam chỉ có thể bàn lại sau.
Mặc dù cách nghĩ của Chu Du thực tế hơn, nhưng về phía quân đội lại gặp sự phản đối kiên quyết của Trình Phổ, Hàn Đương và các lão tướng, bọn họ không thể quên được nỗi nhục năm đó ở Sài Tang, không muốn làm đồng minh với Lưu Cảnh.
Từ lúc Tôn Quyền và Lưu Cảnh giảng hòa, bọn người Trinh Phổ đã cực lục phản đối, bây giờ nói đến kết minh, thái độ của bọn họ còn kiên định hơn.
Mà trong nội bộ Giang Đông, phương án của Trương Chiêu lại chiếm được đa số sự ủng hộ, điều này khiến cho Tôn Quyền dù thiên về phương án của Chu Du cũng cảm thấy vô cùng khó xử. Hôm nay y gọi Chu Du và Trình Phổ đến, chính là muốn thống nhất ý kiến của hai người.
- Xin Ngô Hầu thứ cho thần nói thẳng!
Trình Phổ thái độ vô cùng kiên quyết nói:
- Nếu như không có sự lựa chọn khác, vì lợi ích của Giang Đông, thần có thể quên nỗi nhục Sài Tang năm đó, ủng hộ kết minh cùng Lưu Cảnh, nhưng hiện tại chúng ta vẫn còn một sự lựa chọn, hoàn toàn có thể liên minh với Giang Lăng, cùng nhau san bằng Giang Hạ và Tương Dương, nâng đỡ Lưu Kỳ lên làm con rối, chống lại Tào Tháo, đánh bại quân Tào, Kinh Châu cũng trở thành vật trong tay chúng ta, rồi lại thuận theo Trường Giang công phá Ba Thục, đế nghiệp Giang Đông đã thành.
- Trình công nghĩ sự tình quá đơn giản rồi!
Chu Du nén sự phản cảm đối với Trình Phổ xuống, miễn cưỡng cười nói:
- Trình Tướng quân đâu phải là chưa thấy qua sức chiến đấu của quân Giang Hạ, nghe nói mấy năm gần đây bọn họ lại bồi dưỡng được một đội kỵ binh hùng mạnh, Trình công cho rằng có thể chiến thắng được họ dễ dàng vậy sao?
Trình Phổ không khiêm tốn như Chu Du, ông là lão tướng đã qua ba đời chúa, khai quốc công thần, về lai lịch đứng đầu Giang Đông, ngoại trừ trước mặt Tôn Quyền thì còn có chút thái độ của thần tử, còn lại ông không để kẻ nào trong mắt, Chu Du lại là thế hệ hậu sinh của ông, nên giọng điệu của ông khi nói với Chu Du vô cùng ngạo mạn.
- Chu Tướng quân đừng quên, chúng ta bây giờ đã khác xưa, chúng ta có mười vạn đại quân tinh nhuệ, mấy ngàn chiến thuyền, sẵn sàng chiến đấu trong ba năm, ta không tin Giang Hạ sẽ là đối thủ của chúng ta, hơn nữa lần trước là vì hắn dùng dầu hỏa ngoài dự đoán của chúng ta, chúng ta vẫn còn khinh thường Lưu Cảnh hắn, lần này nếu toàn lực ứng phó, tuyệt sẽ không giẫm lên vết xe đổ lần nữa, Chu Tướng quân quá coi thường bản thân rồi.
Chu Du cùng cười nhạt nói:
- Chỉ sợ nghiệp lớn chưa thành, ngược lại còn lưỡng bại câu thương, không không để cho Tào Tháo chiếm được lợi thế.
- Ha Ha! Chu Hộ quân suy nghĩ quá nhiều rồi.
Tiếng cười của Trương Chiêu từ cửa vọng vào, bóng dáng co lớn của Trương Chiêu đã xuất hiện ở cửa.