https://truyensachay.net

Bình Minh Và Hoàng Hôn

Chương 10: Con hận lý trí của mình

Trước Sau

đầu dòng
Chỉ An bỏ đi, hệt như một con diều đã đứt dây, từ bấy giờ bặt vô âm tín, Cố Duy Trinh cũng lo lắng tìm kiếm, thế nhưng những vụ tìm kiếm người thân thế này quá nhiều, báo tin ở sở cảnh sát cũng hệt như đá ném ao bèo, trên báo cũng có đợt đăng thông tin tìm người, nhưng cuối cùng vẫn chẳng có tin tức gì. Những người quen biếy Cố Duy Trinh đa phần cũng không hề hay biết nội tình, chỉ biết rằng qua có một đêm, hai chị em sinh đôi mơn mởn của nhà họ Cố, một cô mắt không còn ánh sáng, một cô mất tăm mất tích, những lời đồn đại thốt nhiên bung ra. Có điều trong ấn tượng của mọi người Chỉ An là đứa có tính cách hoang đàng, việc gì cũng có gan làm, chỗ nào cũng dám xông vào,một đứa con gái như vậy, nếu có hành động nào không an phận, dù có làm người ta bất ngờ đến đâu, thì nghĩ cho kĩ càng, cũng chẳng đáng ngạc nhiên chút nào. Thế nên người ta càng tập trung vào thương xót cho Chỉ Di, một người con gái ngoan ngoãn, đáng yêu, vậy mà vì một tai nạn trên trời rơi xuống, vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng, thực là một việc tàn khốc không gì sánh nổi. Người tài xế của chiếc xe gây tai nạn ngày hôm ấy cũng đã bị tìm ra mà không vấp phải trục trặc gì,đó là người làm thuê tạm thời của một chợ bán buôn, hằng ngày đúng giờ chạy xe hai lượt giao hàng đến bếp ăn trường học, người đàn ông trung niên thật thà chất phác, bình thường cũng tận tâm với công việc, có điều thói quen uống rượu lúc ăn cơm, vì việc này mà đã bị chủ thuê trách phạt nhiều lần, tối hôm ấy ông uống hơi quá đà, đến chỗ ngoặt của đoạn rẽ trong trường học thì không khống chế được tốc độ xe, kết quả gây ra tai nạn khủng khiếp. Sau khi xảy ra chuyện, ông ta cũng hoảng hốt chẳng kém ai, thế nhưng không đào thoát khỏi hiện trường, mà chỉ đỡ đần cùng Kỉ Đình và Chỉ An đợi xe cứu thương và cảnh sát tới, sau đó thì bị tạm giữ. Nhà họ Cố đương nhiên oán hận ông ta đến tận xương tủy, chỉ vì một phút sơ sểnh của ông ta mà Chỉ Di một đời tàn tật, khiến cho gia đình họ trải qua cơn nguy biến chấn động.Sau khi Chỉ Di tỉnh lại không lâu, các cơ quan chức năng đã có kết quả đánh giá về vụ tai nạn giao thông đó, người lái xe này điều khiển xe sau khi uống rượu, gây trọng thương cho người khác phải gánh phần trách nhiệm chủ yếu trong vụ tai nạn, chịu phán quyết bồi thường cho người bị hại một trăm năm mươi nghìn nhân dân tệ, nếu không có khả năng bồi thường sẽ phải chịu án tù ba năm. Gia quyến của người lái xe này chỉ có hai bố mẹ già cùng một cặp con thơ, vợ cũng không có công ăn việc làm, ông ta là trụ cột chính trong gia đình, ngộ nhỡ ông ta phải ngồi tù, cả gia đình này sẽ không biết bám víu vào đâu. Thế nhưng, một trăm năm mươi nhân dân tệ đối với gia đình này chẳng khác gì một con số to bằng trời. Bà vợ phải bán vội căn nhà trên thành phố cùng toàn bộ đồ dùng vật dụng đáng tiền trong nhà, bố mẹ già dưới quê cũng bán tống bán tháo ruộng vườn, vay mượn khắp nơi nhưng rốt cuộc vẫn chỉ gom được hơn một trăm nghìn, không đào đâu thêm một xu nào nữa. Thêm vào đó, sau khi gây tai nạn, người lái xe cũng lập tức bị người bán buôn ở chợ đuổi việc. Giữa cảnh tuyệt vọng chất chồng, người vợ lôi kéo hai đứa con trai bé dại tức tốc tìm đến bệnh viện nơi Chỉ Di đang nằm. Khi ấy Chỉ Di mới vừa được đưa ra phòng chăm sóc đặc biệt, Cố Duy Trinh và Uông Phàm chặn người đàn bà ấy ở ngoài phòng bệnh, bà ta khóc lóc van vỉ hai vợ chồng Cố Duy Trinh tha thứ, kể lể tình cảnh khốn quẫn của gia đình ,dăm lần bảy lượt nài nỉ họ thư thư cho năm mươi nghìn tệ còn thiếu, chỉ cần ông chồng thoát khỏi cái họa tù ngục, cả nhà họ bất kể khổ sở đến đâu, cũng nhất định trả hết số tiền còn lại kia. Vợ chồng Cố Duy Trinh đâu phải kiểu người máu lạnh, thế nhưng đứa con gái yêu thương nhất giờ đây vẫn còn thoi thóp yếu ớt nằm trên giường bệnh cách đó có một cánh cửa, đang chờ đợi phía trước cô có lẽ là quãng đời mù mịt vĩnh viễn không có một chút ánh sáng, tất cả những đau thương này đều do sơ sểnh sau men rượu của tay lái xe, khiến cho hai vợ chồng họ không cách nào nguôi ngoai cơn oán hận. Vậy nên lúc ấy, người đàn bà ấy cứ khóc lóc thở than, Uông Phàm cũng rơi lệ, sau rốt, bà chỉ nói với người đàn bà kia rằng: “Tôi không cần biết các người có trả được hết khoản tiền còn thiếu không, bởi vì bao nhiêu tiền cũng không đổi lại được đôi mắt của con tôi, nó mười tám tuổi, sơ sểnh nhất thời của chồng chị đã hủy hoại một đời của con gái tôi!Chị bảo nhà chúng tôi từ bi với nhà chị, thế nhưng ai từ bi với chúng tôi kia chứ? Chẳng qua cũng chỉ là ba năm ngồi tù, chứ nói thật với chị, tôi chỉ hận một nỗi anh ta không ngồi tù cả đời luôn!”. Lời nói của Uông Phàm khiến người đàn bà kia tuyệt vọng hoàn toàn, không biết phải làm sao, chỉ đành khóc lóc thêm một trận, rồi đành cam phận quay về. Đến lúc hai vợ chồng Cố Duy Trinh quay trở vào phòng bệnh, Chỉ Di vẫn nhắm mắt trên giường, có vẻ như đang ngủ say, thế nhưng chiếc áo gối đã ướt đầm một bên. Chiều tối hôm ấy, Cố Duy Trinh và Uông Phàm đang lui cui trước giường Chỉ Di, cô gái bấy lâu nay vẫn im ắng ít lời bỗng nhiên mở miệng mà nói rằng, “Thôi bỏ đi, mẹ ạ”. Lúc đó Uông Phàm nhất thời chưa nắm được ý tứ câu nói không đầu không cuối này của con gái, bà sững sờ một hồi, rồi mới phản ứng lại được, việc ngày hôm nay con đều nghe thấy hết à?” Chỉ Di không đáp lời mẹ, chỉ bảo, “Cứ cho là người ta ngồi tù cả đời thì đã sao chứ? Chỉ An có quay về được không? Mắt của con có nhìn thấy lại ánh sáng được không? Mẹ à, căm hận ông ta có làm chúng ta dễ chịu hơn chút nào đâu”.Cô bị thương nặng chưa phục hồi, giọng nói vẫn còn hổn hển yếu ớt, thế nhưng từng từ từng chữ đều rành rọt, rõ ràng. Cố Duy Trinh với Uông Phàm đều im lặng không nói năng gì, Chỉ Di dường như chẳng còn sức mà nói tiếp, nhưng trên khuôn mặt vẫn hiện rõ vẻ van nài. Vợ chồng Cố Duy Trinh trông thấy dáng vẻ của con gái, vừa xót xa vừa đau đớn, “Chỉ Di, cái con nhỏ này, việc gì cũng nghĩ cho người khác, ai nghĩ cho con đây chứ?” Uông Phàm cầm tay con gái lắc đầu. Chỉ Di bèn lật tay lại, rờ rẫm nắm lấy tay mẹ “Con có bố mẹ ở bên mà. Có oán hận họ cũng chẳng ích gì, thôi thì cứ coi như tích phúc cho con vậy…” Chỉ Di đã nói đến nước này, Uông Phàm chẳng còn biết nói gì thêm nữa, mắt bà đỏ hoe. Lúc này Cố Duy Trinh nãy giờ im lặng giờ mới cất lời, “Nếu đã như thế thì làm theo ý con nó đi. Tay lái xe ấy cũng day dứt không yên, thôi bỏ đi vậy, việc gì phải nghĩ ngợi nhiều, việc đã xảy ra không thể cứu vãn, Chỉ Di còn trẻ, con đường về sau còn dài, tốt hơn hết là vợ chồng mình nên chuẩn bị cho tương lai của con”. Sau khi bàn tính như vậy,ngay tối hôm ấy, Cố Duy Trinh gọi điện thoại luôn cho người tài xế, phía bên kia đầu dây như gặp đại xá,cảm kích không thể nào tả xiết. Tận bốn năm sau đó, gia đình họ mới trả hết khoản tiền còn thiếu, nhưng vì cảm kích tấm lòng bao dung của nhà họ Cố, nên mỗi lần tết nhất lễ lạt họ đều gọi điện hoặc đích thân đến tận nhà thăm viếng, vợ chồng Cố Duy Trinh cũng chẳng có lòng dạ nào mà tiếp nhận sự cảm ơn ấy, mặt mũi lúc nào cũng lạnh nhạt, Chỉ Di cũng không bao giờ xuất đầu lộ diện trước gia đình đó, đối với cô, lãng quên quá khứ, tập trung vào việc sau này mới là điều quan trọng nhất. Sau khi Chỉ Di từ bệnh viện về nhà, đôi mắt không còn như cũ, chân tay cũng bị thương, nên sau đó là cả quá trình dài lê thê mệt mỏi để phục hồi sức khỏe và thích nghivới việc không còn nhìn thấy. Uông Phàm là bác sỹ trong trường học, dưới sự chăm sóc của mẹ, tình trạng ban đầu của Chỉ Di tuy không ổn, nhưng dần dà cũng phục hồi như cũ, Kỉ Đình cũng sắp xếp thời gian lui tới bầu bạn bên Chỉ Di . Đối với những người mù, mù lòa ở tuổi trưởng thành đau đớn khổ sở hơn rất nhiều so với mù lòa từ thuở tấm bé, bởi những người lớn này đã nhìn thấy cả thế gian muôn màu muôn vẻ, vậy nên với họ, thật chẳng có gì tàn khốc hơn với việc phải đối diện với bóng tối âm u. Có lúc Uông Phàm không biết trong lòng Chỉ Di nghĩ thế nào nữa, bởi vì trước nay cô chưa từng kêu ca than vãn, sau khoảng thời gian im lặng chẳng nói chẳng rằng dài dằng dặc ấy, dường như cô đã lặng lẽ chấp nhận sự thật này. Biến cố cùng thương tật từ trên trời rơi xuống khiến cô chỉ qua một đêm đã trưởng thành lên nhiều, không ai ngờ nổi, cô gái Chỉ Di bấy lâu nay hiền lành yếu đuối giờ đây lại có thể kiên cường như thế, đến cả Uông Phàm cũng tự nhận mình không bì nổi. Những ngày tháng đầu tiên là gian nan nhất, Chỉ Di đã tốt nghiệp cấp ba, thế nhưng con đường đại học phía trước cũng đành bỏ đi, cô phải chứng kiến cảnh bạn bè học cùng từ tấm bé lũ lượt bước vào đại học này đại học kia. Cố Duy Trinh với Uông Phàm luôn cố gắng né tránh nhắc đến việc này trước mặt Chỉ Di. Trước thái độ dè chừng từng li của bố mẹ, Chỉ Di đương nhiên cảm nhận được ít nhiều, cô khẽ cười bảo với bố mẹ, thực ra nói về học hành, trước nay cô không phải đứa có năng khiếu gì cho lắm, còn việc theo học cao lên nữa, cô vẫn không mong mỏi nhiều như bố mẹ vẫn nghĩ. Việc khiến cô đau đớn hơn tất cả là từ bây giờ, cô buộc phải bắt đầu làm quen với thế giới hoàn toàn tối tăm, hồi phục sức khỏe, dò dẫm đi lại, xác định phương hướng giữa bóng đêm rồi học cách dùng tai và đôi bàn tay để thay thế cho đôi mắt…Lúc đầu, cô không ngừng vấp ngã, cho dù là ở ngay căn nhà cô đã sinh sống mười tám năm trời, trước đây cô cứ ngỡ đó là chốn nhắm mắt vẫn có thể đi đứng được nhhư thường, vậy mà lúc thực sự không nhìn thấy nữa, nó bỗng hóa thành rừng rậm, một thân một mình sao đi lại khó khăn đến thế. Mấy lần Chỉ Di bị ngã, mình mẩy thâm tím hết cả, nhưng vì sợ bố mẹ lo lắng nên cô luôn nghiến răng chịu đau, không hé miệng kêu than gì, thế nhưng Uông Phàm vẫn luôn nhìn vào vết tích đổ vỡ của các thứ đồ đạc mà biết chuyện gì đã xảy ra, vạch quần áo của con gái, trông thấy các vết bầm tím, lòng dạ bà đau đớn khôn xiết, thế nhưng rốt cuộc, Chỉ Di lại là người an ủi vỗ về mẹ. Từ đó trở đi, Uông Phàm áp dụng gợi ý của Kỉ Đình, tất cả những thứ không cần thiết trong nhà đều nhất loạt dẹp bỏ, những thứ đồ gia dụng đơn giản, hay dùng đến cơ bản còn lại những món dạng trơn tròn mềm mại, những góc cạnh cũng dùng xốp hay vải bọc lại, cố gắng hết sức để Chỉ Di đi lại trong nhà được thuận tiện nhất, cho dù có vấp ngã cũng không bị thương quá nặng. Như Chỉ Di nói, cô là một cô gái khá ngốc, nhưng sau khi nếm trải khổ sở hơn người khác đôi chút, dần dà cũng sẽ có ngày thích ứng được tất thảy.Nửa năm sau khi ra viện, cô bắt đầu có thể tự mình di chuyển trong nhà, còn sinh hoạt về cơ bản cũng có thể lo liệu được, Cố Duy Trinh mời một giáo viên dạy chữ nổi về cho con gái, một phụ nữ ngoại tứ tuần, giàu kinh nghiệm, tính tình cũng nền nã. Chiều nào bà ta cũng đến nhà dạy cho Chỉ Di, Chỉ Di cũng học cách dùng đôi tay thay cho đôi mắt để tiễp xúc với con chữ. Lúc này, cô nhất thiết không để mẹ phải liên tục xin nghỉ ở nhà để chăm sóc cho mình nữa.Thấy con gái cương quyết như thế, Uông Phàm không biết làm thế nào đành quay lại làm việc như bình thường, cũng may đúng như lời Chỉ Di đã hứa hẹn, cô đã học cách tự chăm sóc mình, một thân một mình nhưng vẫn yên ổn vô sự. Dạo này, người thường xuyên bầu bạn bên Chỉ Di lại chính là Kỉ Đình, hai nhà vốn rất gần nhau,vô cùng thân thiết, Kỉ Đình lại là sinh viên y khoa, ngoài thời gian học tập sinh hoạt bình thường, phần lớn thời gian rảnh rỗi cậu đều ở bên cạnh và chăm sóc Chỉ Di. Hồi đầu Cố Duy Trinh cũngcảm thấy hơi áy náy vì thấy phiền cho Kỉ Đình quá, tận đến một hôm, Uông Phàmkéo chồng lại chỗ bậu cửa thư phòng, rồi im lặng ra hiệu cho chồng xem hai đứa đang lui cui học chữ nổi. Chỉ Di ngồi bên cạnh Kỉ Đình,nụ cười nhẹ nhàng, nhẹ nhõm mà ngọt ngào, gương mặt ốm bệnh lâu ngày lại tràn trề khí sắc, dáng vẻ vui tươi như thế cho dù là khi có bố mẹ ở bên cung không sánh nổi, nỗi lòng người con gái đã hiển hiện rõ ràng. Lúc này Cố Duy Trinh mới thốt nhiên hiểu ra. Hoàng hôn buông xuống, Kỉ đình cùng Chỉ Di lại dạo bước trên con đường nhỏ trong trường mà thời thơ bé mà bọn họ đã từng đi biết bao nhiêu lần, Cố Chỉ Di ở tuổi hai mươi đã có thể dùng cây gậy dò đường đi lại thoải mái trên lối về quen thuộc, hai người họ chẳng trò chuyện gì nhiều, thi thoảng đến chỗ đường xá không được tốt lắm, Kỉ Đình lại kéo tay Chỉ Di rất tự nhiên, Chỉ Di cũng yên tâm đi theo hương mà Kỉ Đình dẫn dắt, vượt qua đoạn đó rồi, anh mới thả tay ra, hai người lại tiếp tục kề vai sánh bước, cả hai quấn quýt tựa hồ một cặp song sinh. Đôi lúc, Kỉ Đình cảm thấy có lẽ kiếp trước anh đã quen biết với Chỉ Di, thế nên những lúc bên cạnh cô, anh mới có vẻ tự nhiên và thân thiết đến vậy, điều này cũng lý giải cho việc ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy cô khóc, anh đã thấy hết sức đau lòng. Anh cảm thấy đương nhiên mình phải chăm sóc cho người con gái này, cô là người bạn thân nhất từ tấm bé của anhlà em gái anhtrước nay anh luôn quả quyết là phải chăm chút, bảo vệ cô cẩn thận, những lời nói đầu tiên giữa hai đứa trẻ không ngờ đã thành lời thề nguyện. Anh không muốn suy xét xem sự tận tụy nàycủa anh có bao hàm cả những nguyên cớ khác không, sự việc xảy ra tối hôm ấy, anh không làm sai, cũng chưa từng hối hận, thế nhưng từ đó cảm giác tội lỗi cùng nỗi áy náy cứ liên tục giày vò anh. Mải suy nghĩ mông lung, anh chẳng để ý gì đến vũng nước mưa trên đường, anh đi né qua nó theo bản năng, rồi mới sực nhớ ra Chỉ Di chẳng nhìn thấy được, đến lúc mở miệng định nhắc, cô đã đạp trúng vũng nước rồi. Nước làm ướt hết giày cô, vấy bẩn lên cả vạt váy sáng màu, đến lúc cô phản ứng, khẽ kêu lên kinh ngạc, Kỉ Đình mới lật đật nắm tay cô dẫn ra xa khỏi vũng nước, nhìn thấy chiếc váy bị vấy bẩn của Chỉ Di, anh vừa thấy có lỗi vừa thấy tiếc, Chỉ Di lắc đầu bảo không sao. “Không nhìn thấy gì cũng có cái hay, chỗ nào cũng dám xông vào”, cô cười nói. Kỉ Đình ngồi xuống, dùng khăn giấy lau vết bẩn trên vạt váy của Chỉ Di, nghe cô nói câu ấy, anh ngẩng đầu lên mỉm cười, anh biết cô không nhìn thấy nụ cười của anh, nhưng anh luôn nghĩ rằng cô có thể cảm nhận được nó, trước đây cô vẫn luôn thấu hiêu người khác. Có người đi ngang qua, trông thấy hai người một ngồi một đứng nhìn nhau mỉm cười như thế, bất thần nổi hứng “Nhìn đôi trẻ này,…”. Chỉ Di mặt mũi thoắt ửng hồng, “Dì Chu đấy ạ?” Giờ đây về cơ bản cô có thể nghe tiếng mà nhận ra người, thậm chí với người thân quen thì chỉ bước chân là đủ. “Chỉ Di ơi cái anh Kỉ Đình này khá lắm nhé, từ lúc hai đứa còn bé gì đã thấy hai đứa xứng đôi vừa lứa lắm rồi”. Dì Chu nhìn đôi trai gái trước mặt mình đầy thiện ý, bà thật lòng quý mến Chỉ Di. Kỉ Đình cũng nhận ra dì Chu, mẹ của Trần Lang, ở ngay gần nhà anh, bà là phó chủ tịch công đoàn trường, làm công tác nữ công ở trường tự quản. Anh nhổm dậy: “Dì Chu cứ đùa tụi cháu. Chỉ Di, giày em lấm lem hết cả rồi, chúng mình về thôi!”. “Cháu chào dì” Chỉ Di ngoan ngoãn tạm biệt dì Chu, sau đó theo Kỉ Đình về nhà. “Con về đi” Dì Chu cũng mỉm cười, đột nhiên như thể nhớ ra việc gì đó, liền nói theo bóng Kỉ Đình, “À, phải rồi Kỉ đình ơi, Trần Lang nhà gì mấy hôm trước về nhà nghỉ ngơi, tụi con là bạn học chung cấp ba còn gì, lúc nào rảnh qua nhà dì chơi nhé”. Kỉ Đình đi thêm vài bước mới quay lại mỉm cười với dì Chu “Vâng ạ, khi nào có thời gian nhất định cháu sẽ qua đó chơi”. Trần Lang-nếu như dì Chu không nhắc đến có lẽ chỉ là một cái tên xa xôi từ kiếp trước, Kỉ Đình không phải người giao thiệp rộng cho lắm, rất nhiều bạn học ngày xưa dần dà đã thưa nhặt quan hệ, thảng hoặc lắm anh chàng Lưu Lý Lâm tự xưng là ông trùm tình báo mới nghe ngóng được chỗ nọ chỗ kia về tung tích cua các bạn, những người cùng khóa với anh về cơ bản đã tốt nghiệp đại học, chỉ trừ một số ít cũng học y như anh. Anh vẫn nhớ Lưu Lý Lâm từng nói là Trần Lang tốt nghiệp xong đã trở về miền nam, đang làm việc ở thành phố G cách chỗ bọn họ không xa. Lưu Lý Lâm bấy nay vẫn không ưa Trần Lang, thế nhưng lúc nhắc đến anh ta, khôn thể không thẽ thọt thêm rằng, “Cái thằng Trần Lang ấy không hiểu sao tốt nghiệp xong lại thành ông nọ bà kia thế nhỉ…”.Trông thấy mặt mũi Kỉ Đình chẳng tỏ vẻ gì, Lưu Lý Lâm bèn bồi thêm một câu, “À, mà cậu còn nhớ Trần Lang không đấy? Chính là cái thằng hồi cấp ba vẽ vời, chơi bóng đều khá đấy, tự coi mình là bảnh chọe, lừa phỉnh biết bao con gái nhà người ta…”. Kỉ Đình không nói gì, nhưng thực ra anh vẫn nhớ con người này, anh sẽ vĩnh viễn không bao giờ quên, vào thời khoảnh khắc hoàng hôn ấy, gã trai mười tám tuổi là anh đứng ở một góc khuất sáng, nhìn bóng dáng Trần Lang và người con gái ấy ôm ấp nhau, trong lòng dâng lên thứ cảm giác chưa từng nếm trải bao giờ, trong đó lẫn lộn cả đắng xót, cả đau đớn, cả khinh bỉ, căm hận, thất vọng, thứ cảm giác lan tràn không sao nói lên lời, rất lâu sau đó, anh mới biết rằng, hóa ra đó gọi là ghen. Đưa Chỉ Di về nhà rồi, Kỉ Đình mới quay lại nhà mình. KỉBồi Văn với Từ Thục Vân đều đang ở nhà, thấy con trai về, Từ Thục Vân hỏi: “Con đưa Chỉ Di ra ngoài à?” “Vâng ạ”.Kỉ Đình gật đầu rồi bước thẳng vào phòng. Vợ chồng Từ Thục Vân đưa mắt nhìn nhau, hai năm trở lại đây, bọn họ càng lúc càng không hiểu đứa con trai rứt ruột đẻ ra của mình, nói thật lòng, Kỉ Đình vẫngiống như hồi bé, học hành ưu tú, cư xử nhã nhặn, lễ phép lịch sự, mặt nào cũng không có gì để chê, bên ngoài không biết có bao nhiêu người ngưỡng mộ cậu con trai giỏi giang mà hiểu biết của họ, thế nhưng chỉ có người làm cha làm mẹ mới hiểu, đằng sau nụ cười của anh có một khoảng lặng không ai nhìn thấy được, anh càng chỉn chu, hoàn hảo, người ta càng không biết anh đang nghĩ gì. Nếu như Kỉ Đình của hai năm về trước chỉ có một chút nổi loạn sau vẻ khiêm nhường, khép kín, thì bây giờ, anh cần mẫn, tỉ mỉ làm theo một hướng chính xác, như kiểu lòng dạ đã nguội lạnh, chán chường hết thảy. Vợ chồng Kỉ Bồi Văn rốt cuộc không biết đã xảy ra chuyện gì, thế nhưng cũng lờ mờ đoán được rằng việc ấy có dính dáng đến chị em nhà họ Cố, suy cho cùng buổi tối hôm ấy, Kỉ Đình tận mắt chứng kiến vụ tai nạn ấy, rồi sau đó, Chỉ An bỏ đi, Chỉ Di bị mù, kể từ đó trở đi, anh chưa từng cởi mở lòng dạ mình bao giờ. “Kỉ Đình, đợi đã, bố có chuyện này muốn nói với con” Kỉ Bồi Văn gọi giật con trai lại, lúc Kỉ Đình ngoái đầu lại, ông bố đang đập đập vào chỗ ngồi cạnh mình trên sofa. Kỉ Đình nghe lời, ngồi xuống cạnh cha anh, rồi thuận tay nhấc cái ấm đất nung trong bộ đồ uống trà lên, lấy nước sôi tráng ấm, rồi rót trà cho cả hai cha con. “Bố, có việc gì thế?”Anh nâng chén trà của mình lên. “Cũng chẳng có chuyện gì đâu, chỉ tại lâu lắm bố không trò chuyện gì với con thôi, dạo này ở trường thế nào rồi con?” “Ổn cả ạ, nghe thầy Tiền bảo bọn con sắp chuẩn bị đến bệnh viện thực tập lần đầu tiên rồi” “Thật à, thế thì hay quá.Lần trước bố gặp thầy Tiền, thầy khen con lắm, bảo là con rất khá,về sau nhất định có tương lai. Có lẽ lựa chọn ban đầu của con là đúng đắn, con giỏi lắm, không hổ danh là con trai của Kỉ Bồi Văn” Kỉ Đình nghe bố nói liền mỉm cười, thực ra trong lòng không hề mảy may vui sướng. Phần mào đầu của Kỉ Bồi Văn đã xong, lúc này không biết phải tiếp tục chủ đề như thế nào nữa, không khí bỗng nhiên chùng hẳn xuống, chỉ nghe thấy tiếng trà được rót ra chén. “Phải rồi, em nhớ ra là vừa làm ít đồ ngọt, để em đi lấy cho bố con anh ăn.” Từ Thục Vân nhổm người dậy nói, rồi nhanh chân bước vào bếp. Kỉ Bồi Văn nhìn Kỉ Đình đang loay hoay với chén trà, thời gian trôi nhanh thật, con trai đã hai mươi ba tuổi, nó càng lúc càng giống mẹ hơn, mặt mũi thanh tú mà hiền hòa, lại mang hơi hướm sách vở của nhà ngoại vốn có truyền thống học hành nức tiếng, duy chỉ có đôi mắt là giống bố, đen thẫm sâu thẳm, không thể nhìn ra là vui hay buồn. “Hôm kia bố với chú Cố có ăn cơm với nhau, lúc nói chuyện chú ấy khen con lắm, bảo là, cả nhà chú gì đều quý mến con”, Kỉ Bồi Văn thong thả nói. Kỉ Đình liếc nhìn bố, khóe miệng lộ rõ nét cưòi, “Từ hồi con còn bé, chú dì đều đối xử với con rất tốt mà”. “À phải, thì bố với chú Cố bấy lâu nay quan hệ vẫn rất khăng khít, chú cũng rất quan tâm đến nhà mình, bây giờ chú lại cảm kích việc con chăm sóc cho em Chỉ Di, còn nói là có con bầu bạn bên cạnh em, chú và dì Uông Phàm thấy nhẹ lòng hơn nhiều.” “Con chăm sóc em Chỉ Di, chỉ vì em nó là đứa con gái xứng đáng được yêu thương, hơn nữa tụi con còn lớn lên cùng nhau, thân thiết hơn cả anh em ruột, chú Cố như thế cũng quá thật khách khí quá” Trà trong tách của Kỉ Đình đã nguội anh từ tốn đổ ra khay,rồi lại rót đầy. Kỉ Bồi Văn gật đầu tỏ vẻ đã hiểu, “Chỉ Di đúng là một đứa con gái ngoan...” Kỉ Đình bật cười, anh siết chặt lấy chén trà nóng giãy trong tay mình, “Bố ạ, bố định nói gì với con, bố cứ nói thẳng đi ạ” “Bố định bảo là Chỉ Di tuy không nhìn thấy gì, nhưng xảy ra chuyện này, đúng chẳng ai mong cả,” Kỉ Bồi Văn trầm ngâm một lát rồi nói tiếp, “Gia đình ta cũng không phải nhà thiên kiến gì, nếu con thực lòng thấy em nó tốt..” “Bố, bố mẹ nghĩ quá rồi đấy ạ”Kỉ đình rất hiếm khi chủ động cắt ngang lời người lớn, giọng của anh không lớn nhưng lại nhuốm chút lạnh lùng. Suốt bao nhiêu năm nay, rất nhiều người xung quanh anh đã mặc định anh với Chỉ Di là một đôi không phải bàn cãi gì, sau khi Chỉ Di không nhìn thấy gì nữa, anh chăm chút tỉ mẩn cho cô,hết thảy mọi người đều cho là như vậy. Đối với việc này, anh trước sau đều im ắng chẳng nói năng gì, bởi anh biết rõ tâm tư của Chỉ Di đối với mình,anh không muốn phải biện bạch này kia, một phần không muốn làm tổn thương đền lòng tự trọng của Chỉ Di, một phần vì nghĩ chẳng liên can gì đến người khác, không nhất thiết phải phân bua giải thích trước mặt những người không cần thiết. Quan trọng hơn là, anh biết rằng có một số việc dù không nói ra nhưng Chỉ Di đều hiểu rõ. Nghe câu nói của Kỉ Đình, Kỉ Bồi Văn thoáng vẻ kinh ngạc “Con với Chỉ Di...” “Chỉ Di cũng giống như người thân của con vậy, con rất quý em ấy, cũng rất hối hận là buổi tối hôm ấy đã không để tâm cẩn thận đến em, vì chuyện này mà con nguyện làm hết sức để giú em ấy được thoải mái vui vẻ, nhưng có những thứ đến ngay bản thân con cũng không có, vậy thì làm sao con trao tặng cho em ấy được. Thêm nữa, con cũng không nghĩ rằng trao tặng cho em ấy một cuộc hôn nhân để chăm sóc em ấy cả đời là một việc hay ho gì, ngược lại, như vậy, đối với em ấy lại không công bằng” Kỉ Đình nhấp một ngụm trà, vị Thiết Quan Âm thơm nồng mà đắng đót sao thân quen đến kì lạ, khiến anh nhớ đến buổi trưa hôm nọ, anh ôm chặt người con gái kia trong vòng tay mình, hơi thở nóng bỏng của cô phả vào cổ anh, ngọt ngào mà tuyệt vọng. Kỉ Bồi Văn không ngời mọi sự lại như thế này, ông ngần ngừ “Chỉ Di là đứa con gái rất tốt, thêm nữa hai đứa ở bên cạnh nhau chẳng phải rất vui hay sao, con bé đâu phải không hợp với con”. “Chỉ Di là một người con gái rất, rất tốt. Thế nhưng,..” Kỉ Đình đột ngột chuyển đề tài “Bố, bố đã từng yêu bao giờ chưa ạ?” Kỉ Bồi Văn ngẩn ra một hồi, ông im lặng nhấp trà, nóng quá, sau đó ông ngó về phía nhà bếp, “Tất nhiên rồi, có mấy ai thời trai trẻ chẳng yêu lần nào,thế nhưng tình yêu của bố..., Kỉ Đình, đôi lúc con người ta có nhiều dục vọng lắm, những dục vọng ấy cứ như là thuốc độc vậy,trông thì có vẻ đẹp đẽ ngọt ngào, nhưng uống vào là mất mạng như chơi, lúc ấy cần đến lí trí của chúng ta kiềm chế lại, bố cảm thấy vì bố có lí trí, con là con trai của bố, con cũng nên…” Kỉ Đình buông chén trà xuống, “Vâng, con là con trai của bố, nhưng con hận lí trí của mình!”.

alt
Cố Ý Mê Hoặc (Sắc)
Ngôn tình Sắc, Sủng, Đô Thị
Công Nhân Nhập Cư Và Nữ Sinh Viên
Ngôn tình Sắc, Sủng, Nam Cường
Âm Mưu Từ Lâu
Ngôn tình Sắc, Sủng
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc