https://truyensachay.net

Bởi Vì Ta Thuộc Về Nhau

Chương 17

Trước Sau

đầu dòng
- Nào, uống đi - Hùng đưa chén lên - Quên chuyện lúc nãy đi.

- Không phải cậu đến để bắt tớ sao? Sao lại rủ tớ đi ăn sáng? - Phan ngồi yên trên ghế, bát cháo lòng của anh vẫn còn nguyên.

- Đừng có dở hơi thế. Tối qua khi ông về rồi, bọn tôi đã đến bệnh viện ngay khi nhận được tin có tai nạn. Ngày xưa khi tụi mình học cùng lớp, tôi vẫn thường tranh cãi với Vũ, nhưng tôi vẫn rất quý cậu ấy. Ai ngờ ... - Hùng thở dài - Rạng sáng nay khi tôi vừa về tới nhà, chưa kịp chợp mắt thì có điện thoại báo của hàng xóm nhà ông. Tôi vội chạy đến chỗ ông luôn. Cũng may là còn kịp ...

- Chỉ là mấy cậu thanh niên choai choai, có gì đáng lo đâu?

- Bọn choai choai mới đáng lo đấy ông ạ. Bọn đấy mới liều lĩnh và lỗ mãng. Nhưng sao bọn chúng lại nói là ông đã giết Vũ nhỉ? Mọi nhân chứng mà bọn tôi có đều nói rằng đó chỉ là một tai nạn, và chứng cứ trên đường cũng cho thấy điều đó.

- Có lẽ họ nghĩ tớ đã gây ra tai nạn cho Vũ - Phan tư lự, rồi tự lẩm bẩm một mình - Nhưng chính vì mình mà Vũ mới bị như vậy, vì mình hết.

- Ông đang lảm nhảm cái gì đấy? Đáng ra tôi phải mời ông lên đồn, đừng hiểu nhầm, chỉ là mời ông lên để hợp tác điều tra thôi. Liệu ông... ông còn nhớ gì về chiếc xe đã gây ra tai nạn không? Bọn tôi cần thêm thông tin để điều tra.

Người thanh niên đã không còn sức để rên rỉ nữa, anh đang lịm dần đi. Phan hốt hoảng bỏ mặc chiếc xe của mình đổ ầm xuống đường, anh lao tới khi nhận ra đó chính là Vũ. Mặt Vũ bê bết máu, ánh mắt đã dại đi, anh chỉ còn thoi thóp. Hoảng loạn, Phan nhìn quanh, con đường vắng tanh, cũng chẳng hi vọng gì còn có ai chạy xe trên đường giữa đêm khuya lạnh lẽo trong thị trấn miền núi thưa người này. Bệnh viện huyện chỉ cách đây khoảng hơn một cây số, vẫn biết sẽ rất nguy hiểm cho Vũ nếu cứ vác anh chạy trên đường bởi có thể sẽ làm cho những vết gãy xương của anh càng thêm trầm trọng. Nhưng không thể đợi cho đến khi có ai đó giúp đỡ, tình trạng của Vũ đã quá nguy kịch rồi. Phan bế xốc Vũ lên bằng một sức mạnh đến chính anh cũng không thể ngờ tới. Vừa hùng hục chạy trong đêm, Phan vừa gào lên thảm thiết, cầu mong Vũ đừng đầu hàng, anh thề sẽ làm mọi cách có thể để cứu giúp Vũ, và ông trời cũng sẽ đứng về phía anh, anh biết điều đó mà. "Cố lên, anh không được phép bỏ cuộc, nghe em nói gì không? Anh phải cố lên, rồi anh sẽ không sao đâu" - Phan gào lên trong tiếng mưa rơi, tiếng ếch nhái, tiếng côn trùng ra rích, và tiếng gọi hồn của con chim Lợn - Anh cố lên, Vũ ơi"!

Đêm mưa nuốt chửng lấy tiếng kêu gào của Phan. Tiếng con chim Lợn kêu lên đắc thắng.

Phan đạp tung cánh cửa cổng đang khép của bệnh viện, sồng sộc ôm Vũ chạy hướng về phòng cấp cứu trong khi ông bảo vệ già bấm số gọi bác sỹ trực ban. Người thanh niên đang bất tỉnh vừa được đưa vào có cái gì đó rất quen thuộc, dường như ông đã gặp anh ta rất nhiều lần rồi thì phải? Người đã bế anh vào chạy nhanh quá, ông không nhận được ra anh ta là ai? Nhưng ông thấy quen lắm, là ai ấy nhỉ?

Rất nhanh chóng, bác sỹ trực đã có mặt ở phòng cấp cứu, ông hoảng hốt khi nhận ra đó là Vũ, con trai của Giám đốc bệnh viện. Tình trạng của Vũ rất nguy kịch, người thanh niên lạ mặt đưa Vũ vào đang bóp bóng Ambu để trợ thở với vẻ rất thuần thục. Anh ta đang gào lên những lời động viên Vũ, với vẻ rất đau khổ và lo lắng. Nhưng ông vẫn phải yêu cầu anh ra ngoài thôi, vì cô y tá cũng vừa tới và quy định của phòng cấp cứu không cho phép sự có mặt của người lạ. Phan vặc lại phản đối, anh gọi tên người bác sỹ để ông nhận ra anh là em họ của Vũ, và anh cũng là bác sỹ. Trong lúc đang nước sôi lửa bỏng thế này, biết đâu anh sẽ giúp được một điều gì đó? Không có thời gian để tranh luận, ông bác sỹ già đành mặc kệ Phan ở đó cùng với sự bướng bỉnh của anh, ông đang bận chú tâm vào người thanh niên đang nằm bất tỉnh trước mặt mình. Trong khi đó, người y tá đã hoàn tất việc đặt nội khí quản và đính các điện cực của Monitor theo dõi bệnh nhân lên người Vũ. Có thể cô đã quên, vẫn chưa bật công tắc hoạt động máy, vì các chỉ số của máy vẫn nằm ở các "điểm chết", còn sóng điện tim thì chỉ như là một sợi chỉ ai đó vắt ngang trên màn hình.

Hai mươi phút trôi qua trong im lặng, ông bác sỹ hối hả sử dụng mọi cách để níu kéo Vũ ở lại với cuộc sống. Thi thoảng, chỉ có tiếng ra lệnh của ông cho cô y tá vang lên phá tan sự tĩnh lặng và áp lực khủng khiếp trong phòng. Nhưng rồi, ông thở dài, chiếc ống nghe lạnh lùng rơi xuống ngực, hai cánh tay ông buông thõng xuống, ánh mắt thất vọng, đau đớn và bất lực của ông còn tàn độc hơi bất kỳ một lời kết án tử hình nào khác của tòa án. Chưa thể tin được những điều vừa đọc được trong mắt ông, Phan giật lấy chiếc tai nghe, tự mình khám cho Vũ. Phải có một sự nhầm lẫn nào đó, gã lang băm chó chết này phải bị đuổi về hưu sớm mới phải chứ? Nhất định là ông ta đã nhầm lẫn rồi.

- Tôi xin lỗi, nhưng chúng ta không thể làm gì hơn. - Giọng ông bác sỹ hẫng xuống, buồn bã và bất lực - Anh ấy đã đi rồi.

- Không thể nào - Phan hét lên, nắm lấy cổ áo Blouse của ông mà lắc mạnh - ông đã làm gì đâu? Ông phải làm gì đi chứ? Hãy mổ cho anh ấy, hãy dùng máy sốc tim, hãy làm bất cứ điều gì ông có thể, tôi van ông. Anh ấy chưa chết, hoặc chỉ là chết lâm sàng thôi. Đôi khi máy móc cũng nhầm lẫn mà, ông phải làm cái gì đó đi. Ông làm đi !!!

- Anh nghe tôi này, tim anh ấy đã ngừng đập, đồng tử giãn, và không còn mạch. Anh ấy đã mất qúa nhiều máu, anh ấy có thể còn bị chấn thương sọ não, và não của anh ấy đã chết. Tôi rất tiếc.

- Ông tiếc thì làm được gì? Không! Ông vừa nói là có thể thôi mà? Vậy là còn hi vọng. Ông chưa hết sức, phải mổ, phải hút máu đọng trong não, làm quái quỷ gì cũng được, ông làm đi. Xin ông, nếu ông không làm, tôi sẽ làm.

- Anh phải nghe tôi, anh ấy đã đi rồi, và chúng ta không thể mổ một xác chết, chúng ta không được phép, hãy để cho anh ấy yên. Điều cuối cùng chúng ta có thể làm, là hãy gọi điện báo cho bố mẹ anh ấy. Họ cần phải biết chuyện này ngay.

- Vứt mẹ nó cái quy tắc của các ông vào sọt rác - Phan thét vào mặt ông bác sỹ - hoặc nếu các ông sợ, cứ viết giấy đi, tôi sẽ ký, tôi sẽ chịu hết trách nhiệm.

- Muộn rồi, tôi rất tiếc. Tôi hiểu là anh rất đau lòng, cả chúng tôi cũng vậy, nhưng chúng ta không làm được gì khác, xin hãy để cho anh ấy được yên.

- Ông kệ mẹ tôi, tôi sẽ thức anh ấy dậy, tôi sẽ làm được. Máy sốc tim, đưa tôi máy sốc tim.

- Nhưng không có một chút tín hiệu của sự rung thất nào cả? - Cô y tá rụt rè đưa ra ý kiến - Thậm chí chúng ta không có một tín hiệu nào để đưa ra một tiên lượng lạc quan cho tình trạng của anh ấy.

- Cứ làm như anh ấy nói - Ông bác sỹ lưỡng lự một chút rồi ra lệnh cho cô y tá trong tiếng thở dài - tất cả mọi điều.

Dòng điện khiến 350mA nhấc bổng người Vũ lên không trung rồi thả bịch xuống giường, chiếc Monitor vẫn bướng bỉnh không đưa ra một chỉ số nào chứng tỏ những điện cực của chúng được gắn lên một cơ thể sống. Không nản lòng, Phan hét lên gần như lạc cả giọng để ra lệnh cho cô y tá phải nhanh chóng nạp điện. "360, nạp". Một cú giật, không ăn thua. "Không, mẹ kiếp, 380, khoan, cho tôi 400". Lại một cú giật nữa, nhưng vẫn không có gì mới. Phan lại hét lên, cô y tá lặng lẽ làm theo lệnh, không quên làu bàu trọng miệng, "anh điên rồi". Phan xoa xoa hai điện cực vào nhau, áp vào ngực Vũ, thêm một cú giật mạnh nữa khiến anh lại nẩy người lên rồi tiếp tục rơi xuống. Màn hình Monitor vẫn ngoan cố bảo vệ chính kiến của mình, chỗ thể hiện sóng nhịp tim chỉ là một đường thẳng nằm ngang lạnh lẽo. Phan đổ gục xuống, hai tay anh đấm bùm bụp xuống người Vũ, khiến ông bác sỹ và cô y tá phải vất vả lắm mới cản lại được. Một lúc sau thì ông bác sỹ bỏ ra ngoài để gọi điện cho ông Hiếu. Lúc sau nữa thì ông vẫy cô ý tá, lúc đó vẫn đang an ủi Phan trong phòng, hỏi cô có biết số máy bàn nhà ông Hiếu không, vì ông đã tắt máy di động của mình.

Còn lại một mình với Vũ, Phan nấc lên, anh muốn khóc nhưng những giọt nước mắt không chịu trào ra, mà cứ chảy ngược vào trong. Phan gào lên gọi tên Vũ nhưng anh không thể gọi thành tiếng, dù chỉ là hai tiếng "Vũ ơi".

Im lặng, chỉ có tiếng đáp lại từ phía những con chim Lợn...

Yên lặng đứng bên cửa bếp, bà Hòa buồn bã ngắm nhìn bóng dáng cô con gái đang cặm cụi rửa bát, lầm lũi, ngơ ngẩn và lặng lẽ. Những chiếc bát đĩa không biết đã được rửa bao nhiêu lần? Chúng sạch bong và láng bóng. Nhưng có lẽ Thảo cho rằng như thế vẫn là chưa đủ, cô vẫn tiếp tục cho chúng vào bồn rửa và xả nước. Bà Hòa lặng lẽ thở dài, chuyện của Phan và Vũ là một cú đánh quá mạnh vào tâm hồn mỏng manh, yếu ớt và nhạy cảm của Thảo. Một cú sốc mà không biết đến bao giờ cô mới có thể quên đi được? Bà tiến đến phía sau lưng cô, khẽ vuốt tóc cô, âu yếm: - Cứ để bát đũa đấy, mẹ sẽ cất nó vào chạn bếp cho. Con không thấy là chúng sắp bong hết lớp men sứ bên ngoài ra rồi à? Con đã rửa chúng bảy, tám lần rồi đấy.

- Mẹ!

- Nếu con muốn khóc, đừng có cố nín, cứ khóc cho thoải mái con ạ.

- Anh ấy không làm vậy, anh Phan không bao giờ làm thế.

- Mẹ chưa từng nghi ngờ điều ấy. Người được con gái của mẹ yêu, tất nhiên là một người tốt, không bao giờ là kẻ cố ý làm hại người khác. Nhất là anh trai của nó.

- Nhưng ... - Thảo ngập ngừng rồi khóc nấc lên - Nhưng mà, họ nói ...

- Mặc kệ họ, con gái ạ. Con phải có niềm tin vào người con yêu chứ? Tốt nhất là con nên gặp Phan. Nó cần con lúc này.

- Con biết, nhưng ...

- Thôi nào - Bà nhẹ nhàng đưa tay lau nước mắt trên mặt Thảo - Nín khóc và đi ra cù lao đi, trước khi cậu ấy nhuộm đỏ nó bằng những sợi dây của cậu ấy. Con đã tắt di động của mình à?

- Anh ấy đang ở cù lao ư? - Thảo thốt mừng rỡ, nhưng lẫn vào đó là một chút băn khoăn và kinh ngạc - Nhưng, sao mẹ biết về những sợi dây?

- Mẹ đã "lớn lên" cùng con cơ mà? Nếu ngay cả những điều nhỏ nhặt ấy mà cũng không biết, thì liệu mẹ có thể xứng là mẹ của con không?

- Cảm ơn mẹ - Thảo ôm lấy bà Hòa, tận hưởng niềm hạnh phúc không trọn vẹn trong nỗi đau khôn cùng khi bà cũng ôm lấy cô và vuốt nhẹ lên mái tóc. Rồi bà đẩy cô ra - đi đi con, đừng để cậu ấy chờ, cậu ấy cần con.

Thảo chạy vội ra cửa, rồi khựng lại khi bà Hòa gọi với theo bảo cô phải đi cửa sau, bởi nếu Ba cô bắt gặp, thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra? Thảo cảm ơn bà một lần nữa rồi vội vã chạy ra phía bờ sông. Phía xa xa, trên cành ổi già, một sợi dây màu đỏ đang bay phất phới, sợi dây hiệu của Phan.

Thảo ghé thuyền vào cù lao, cô đứng sững lại, thậm chí không nhớ tới việc phải buộc thuyền vào cầu tàu. Cô xót xa nhìn người thanh niên trẻ tuổi đang ngồi gục đầu dựa lưng vào gốc cây ổi già. Mái tóc bù xù như vừa ngủ dậy, gương mặt thiểu não, ủ rũ, chán nản của anh hằn lên những nét gì đó như uất nghẹn và đau khổ. Những giọt nước mắt lặng lẽ tràn trên mi cô khi cô nhìn thấy Phan khốn khổ và đau đớn như vậy. Thảo bước lại gần anh, lặng lẽ không nói một lời, cô ôm lấy anh vào lòng, hi vọng tình yêu và sự cảm thông của cô có thể giúp được anh an lòng đôi chút.

Không muốn làm phiền hai con người đang đau khổ, chú bé nhặt củi trên cù lao lặng lẽ đi về phía bên kia tảng đá, biến mất sau những tán cây Roi đang xao xác trong gió lạnh.

Phan vùi đầu vào lòng Thảo, như một đứa trẻ ấm ức lâu ngày mới có dịp bùng phát, anh nấc lên, khóc nức nở.

Không kìm nén được lòng mình, cô cũng khóc!

"Yêu một ai đó nghĩa là khi ta luôn sẵn sàng ở bên cạnh, chở che, cảm thông, và chia sẻ với người đó dù cho có phải chống lại cả thế giới".

Sương đêm đã rơi ướt đẫm trên tóc Hạnh khi cô cứ ngồi mãi ngoài sân trong tiếng gió gào rít trên đầu. Hạnh đã ngồi đó từ lâu, lặng lẽ như một bóng ma mà không biết rằng phía sau cửa sổ, người mẹ nuôi của mình đang nhìn cô với ánh mắt thương cảm và xót xa. Bà lắc đầu thở dài, không hiểu vì sao ông trời lại nỡ đối xử tệ bạc với một người con gái hiền lành, đáng thương như Hạnh? Đáng lẽ hạnh phúc phải luôn mỉm cười với những người như cô mới đúng chứ? Liệu còn ai nữa xứng đáng được hưởng điều đó hơn cô con gái nuôi của bà đây? Bà lại lắc đầu thở dài, chẳng phải ông trời vẫn luôn luôn bất công với những người tốt hay sao?

Những tấm ảnh nhỏ xíu trong điện thoại vẫn chạy tới chạy lui mãi theo từng nhịp bấm của Hạnh, cùng với nó, những ký ức hạnh phúc ngắn ngủi lại hiện về. Sắp tới Noel rồi, lời hứa ra biển mùa đông của cả bốn vậy là không thể thành hiện thực. Giờ đây, chỉ có Hạnh là đang ở biển, biển mùa đông thật đẹp nhưng sao thê lương, ảm đạm quá. Hạnh vẫn thả hồn vào những tấm ảnh Việt đã chụp khi họ đi picnic ở bãi sông Hồng. Đây là cảnh Thảo và Phan đang hì hục đẩy xe lên bờ đê, dù chiếc xe rất nặng, nhưng Thảo vẫn kịp buông tay, ra dấu chữ V chiến thắng với nụ cười rất tươi khiến chiếc xe gần như bị đổ làm Phan la lên oai oái. Đây là cảnh Việt đã chộp được khi cô đang mải ngắm nhìn những chiếc tàu chở cát trên sông, ánh mắt mơ màng xa xăm và gió thổi mạnh khiến tóc cô bay lõa xõa. Đây là cảnh cả bốn người đang nâng ly được chụp bằng chức năng chụp tự động của máy. Và đây nữa, tấm hình Việt đang phô hàm răng trắng đều với hai mắt nhắm tít lại như một đứa trẻ khi chụp chung với cô. Không biết vì sao? Nhưng cô thực sự thích điệu bộ đó của Việt, nó khiến anh trông như một đứa trẻ thật hồn nhiên. Rồi đây, và đây nữa, mỗi tấm ảnh cứ như một lưỡi dao cứa vào tim cô đau nhói. Tất cả đã tuội khỏi tay cô thật rồi, Hạnh thở dài, đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời cô, nhưng cũng là quãng thời gian thật ngắn ngủi. Có lẽ cô sẽ chẳng bao giờ còn có thể gặp lại những con người thân thương đó nữa.

Khi người ta biết rằng mình sắp mất đi những điều vô cùng quý giá thì sự nuối tiếc lại được nhân lên gấp bội.

***

Mãi đắm chìm trong sự tiếc nuối hạnh phúc đã quá xa vời của mình, Hạnh không hề biết rằng người mẹ nuôi của mình đã đến ngồi bên cạnh cô tự lúc nào? Bà khoác lên người cô tấm áo khoác dày, lắc đầu thở dài một lần nữa rồi cũng ngồi lặng yên nhìn ra khu vườn trước mặt. Sương muối đã làm héo úa những tán lá cây Xoài cổ thụ mà ngày xưa, phải khó khăn lắm chồng bà mới trồng được. Xoài là thứ cây rất khỏe, vậy mà cái giá lạnh của sương muối và những cơn gió biển cứ thổi mải miết đêm ngày vẫn khiến cho lá của chúng bị héo úa đi. Thời tiết ở vùng biển miền trung này luôn nổi tiếng là cực kỳ khắc nghiệt. Dù vậy, hai người phụ nữ cô đơn đang ngồi dưới tán lá cây Xoài thì vẫn đang dần cảm thấy ấm áp, ấm áp bởi sự đồng cảm và sẻ chia:

- Con vào ngủ đi, khuya lắm rồi. Chỗ mực mà con mua cho bạn, làm thế nào để con gửi cho cậu ấy? Không phải là con đang muốn trốn tránh cậu ấy hay sao?

- Anh ấy thích ăn mực nướng, mẹ ạ.

Hạnh lẩm bẩm, sương đã dần rơi nặng hạt hơn, những chiếc lá Xoài đã ướt đẫm nước, bắt đầu nhỏ những giọt sương lớn xuống sân.
alt
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc