https://truyensachay.net

Búp Bê Bắc Kinh

Chương 19: ANH LÀ NGƯỜI BẠN DUY NHẤT

Trước Sau

đầu dòng
Tôi nhìn đồng hồ khi ra khỏi giường vào một buổi sáng: Đã một phút quá mười một giờ. Những ngày vừa qua tôi ngủ mụpp lạ lùng, và cơn đau trong bụng khiến tôi gập cả người. “Bạn” tôi đã chậm mất mười ngày và tôi thấy sợ. Tôi có gặp rắc rối không? Cau có, tôi xỏ chân vào đôi dép đi trong nhà đã sờn và đi vào toilet, nơi mà như có phép màu, tôi trông thấy vài cái đốm đỏ trên quần lót.

Tôi cần nói chuyện với ai đó, bất kể là ai. Tôi quay số của Mã Lệ, nhưng có trả lời. T thỉnh thoảng lại gọi, nhưng chúng tôi không nói quá năm phút, chỉ là để biết tin nhau. “Anh sống với mẹ, cha anh chết lâu rồi. Điều đó khiến anh trở nên mạnh mẽ. Anh bỏ học lúc mười lăm tuổi và vào nhà máy làm việc, ở đó anh phải vác thang, thay bóng điện, nối đường dây, mặc quần áo bảo hộ, sửa biến thế và thay cầu chì. Trong ngày anh còn đọc Kafka và Những bông hoa u sầu đang nở.”

“Em nói đúng, anh không biết em, và em không biết anh. Anh chấp nhận thực tế là chúng mình không tương xứng. Nhưng anh chẳng quan tâm, anh vẫn muốn xem mọi sự sẽ ra sao.”

Anh bảo từ giờ anh gọi tôi là “Tình yêu” (Love), vì đó là cái từ nói lên tình cảm của anh đối với tôi, và đó cũng là tên của Courtney Love, một người mà tôi thích. Tôi bảo tôi sẽ gọi anh là “Bạc Hà”, như trong kẹo bạc hà.

Tôi hy vọng Bạc Hà sẽ gọi cho tôi hàng ngày. Điều đó làm tôi thấy vui, cho tôi cảm giác yên ổn, dù nó có ít ỏi thế nào chăng nữa. Hãy bỏ mặc con người vào trong một môi trường mà họ không thích, họ không thể nào tránh khỏi tuyệt vọng; họ khát khao một cơ hội để giãi bày tình cảm của mình. Đó là điều tôi có thể hiểu.

***

Chiều hôm đó tôi cùng với G tới Tây Đơn. Tôi cầm tay cậu. Tôi biết chúng tôi là một đôi rất đẹp, dù chẳng có tiền nhưng chúng tôi cảm thấy thanh thản về nhau và phấn chấn. Ngay cả người trên phố cũng nhìn chúng tôi thân thiện.

Chúng tôi gọi cho guitarist Tiểu Hải, hỏi xem chiều đó anh có rỗi không vì chúng tôi định tới Tân Nhai Khẩu mua cái loa bass. Anh bảo đang chuẩn bị tới phòng tập ở Nghĩa Đại Lý, thế là chúng tôi nhất trí sẽ gặp nhau nơi đó.

Tôi không biết tại sao con đường từ Tây Đơn tới Nghĩa Đại Lý lại tiêu điều đến vậy. Bây giờ là mùa đông, ánh nắng ken dầy và lá cây phủ đầy mặt đất, như chất chứa trong mình bao nhiêu cảm xúc.

Tới đầu hẻm chúng tôi đã nghe thấy tiếng trống. Họ đang tập. Tiểu Hải đã cắt bộ tóc dài, trông giống một người bình thường, như một sinh viên đại học điển hình. Có lẽ đó là điều anh muốn. “Chào, Xuân Thụ.” Anh chào tôi. Tôi nhớ lại cái mùa đông mà anh vừa thi đậu đại học, anh và tôi đã làm cuộc đi chơi tới tận Đại học Lâm nghiệp. Trên một quả đồi, chúng tôi hát những bài hát yêu thích, và anh cứ gục gục đầu trong khi bập bùng gẩy guitar, mái tóc dài che cả mắt khiến anh có cái vẻ bướng bỉnh, u sầu. Đó mới là thực của Tiểu Hải, cảm giác của tôi lúc đó là thế. Tôi kéo mình ra khỏi ký ức và mỉm cười. “Tiểu Hải…”

***

Chủ nhật đó, tôi và G hẹn nhau đi mua sắm và tôi nhận ra đã lâu mình mới được hưởng khí trời trong lành của mùa đông. Tôi mua vài tạp chí thời trang từ một hiệu sách, nhưng không khỏi nghĩ rằng càng ngày càng có ít sách Trung Quốc đáng xem.

G muốn đi xem phim lúc 5 giờ 30. Cậu đạp cái xe xuống phố cùng tôi, đúng vừa lúc mặt trời bắt đầu lặn, và từ trên ngọn núi, nó tỏa một quầng sáng màu da cam lên Tháp Đồng hồ và Tháp Cổ, trong khi Tháp Truyền hình Trung tâm xa xa như được bọc trong sương mù. Tôi ngắm nhìn, đầu tựa vào lưng G.

Tới rạp, chúng tôi mới biết bộ phim là Ngọa Hổ Tàng Long. G mua hai lon nước trà xanh, hương vị mới. Vị ngọt của nó làm tôi thư giãn.

Lúc hết phim, dòng người tràn ra khỏi rạp. Tôi có một cảm giác hưng phấn, đợi chờ khó hiểu. Trời lạnh như cắt. Mặt trăng to đến nỗi trông như không có thật. Và sáng nữa, như thể nó biết chúng tôi đang nhìn.

***

Tôi có hai người anh họ, Lý Ba và Lý Quang. Họ đều trong quân đội. Con đường tốt nhất để thoát khỏi làng quê, nếu không vào được đại học và có một công việc tử tế, là vào bộ đội. Đó là cách cha tôi đưa chúng tôi lên thành phố, dần dần từng bước. Anh họ tôi Lý Quang hơi có bệnh và phải vào bệnh viện, gia đình phải tốn nhiều tiền của, khiến cha mẹ tôi đôi lúc phàn nàn sau lưng anh. Nhưng Lý Quang và tôi rất hợp nhau. Anh vào phòng tôi, và tôi kể cho anh rằng mình sắp đi Chợ Sách, rằng mẹ đã bảo tôi đi với anh vì cùng đường. Thoạt đầu tôi muốn anh thả tôi ở ga tàu điện ngầm, tôi có thể đi tàu tới Cung Văn hóa Lao động, nhưng trong taxi tôi đổi ý định vì muốn đi với anh – chúng tôi không gặp nhau đã lâu.

Chúng tôi không chuyện trò trong xe. Taxi lướt nhanh qua Bảo tàng Lưc lượng Vũ trang với cái cổng chào của McDonald bắc ngang qua phố, qua Trung tâm Mua sắm Tràng An, nơi có cây cối sum suê xanh tốt, qua cái bảng hiệu tại Bách Thịnh có ghi khẩu hiệu “Tổ quốc Muôn năm”, qua Tháp Đồng hồ. Khi Lý Quang ra khỏi taxi, anh trả tiền tài xế, rồi khi tôi chẳng để ý gì, anh nhét 100 tệ vào túi quần tôi. Tôi giữ lại. Chúng tôi lúc nào cũng thiếu tiền.

Tôi hỏi người lái taxi, “Anh nghĩ sao, tự mình gắng sức hay là đi trên vai người khác, thế nào là hơn?”

Anh tài xế bảo, “Cố mà tự mình, đương nhiên rồi.”

“Nhưng như thế mất nhiều thời gian, và đó là con đường khổ ải.”

Anh lái xe ngừng một lúc, rồi nói, “Nhưng cô đã lựa chọn như thế, nếu đạt tới mục đích là cô đã lựa chọn đúng.”

Anh ta nói đúng, tôi thật là ngu.

Trở về nhà, G gọi điện cho tôi, hỏi tôi đã ở đâu buổi chiều, vì sao tôi không liên lạc với cậu? Giọng cậu lo sợ, và tôi thấy mình tệ hại, thấy ghét mình vì thậm chí còn nghĩ tới những kẻ khác. Tôi không muốn phản bội G, đó là điều tôi cự kỳ không muốn. Tôi ngồi xuống sàn, không thể nghĩ được điều gì khác ngoài việc tôi yêu cậu và không muốn mất cậu…

Tôi tha thiết nhớ lại cái mùa hè lúc nào cũng ở bên G, tôi đạp xe tới trường cậu hàng chiều để gặp cậu ra sao. Khi đó tóc tôi màu đỏ, cây cối xanh mát ở hai bên đường. Giờ thì tất cả những thứ đó đã xa quá, cái thời tươi đẹp khi tôi mười sáu, sự phấn khích trong những năm nổi loạn của tôi. Tôi có thể làm gì để trở lại thời gian đẹp đẽ đó?

Đừng nói cùng tôi

Che mắt anh đi

Anh có bối rối

Khi em ngồi vào lòng?

Sao anh bận lòng?

Sợ em chăng? Có yêu em chăng?

Ai đó từng bảo

Sắc đẹp chỉ thoáng qua

Nhưng tôi muốn thấy lá rơi

Hãy đừng bảo tôi rằng tôi đây từng trẻ

Bảo rằng tôi vẫn trẻ trung

Tôi chưa từng thấy mặt trời khuất núi

Phủ bóng lên rừng hoang

Nơi bắt đầu mưa rơi

Gió với ngày hôm qua biến mất

Và tôi thà sống trong mộng tưởng

Nếu gặp em hôm nay

Anh có nhận ra em?

Đó là ngày thứ Ba, ngày tôi phải gặp G. Nhưng tôi đến muộn, vì một khi đã nói chuyện trên điện thọai với Bạc Hà là tôi không dừng được nữa.

Trong tàu điện, tôi điên tiết lên, và khuôn mặt tôi biểu lộ điều đó.

Ra khỏi ga, tôi thấy G ngồi trên một chiếc ghế băng nhìn tôi, điếu thuốc trong tay. Tôi từ từ tiến lại, cậu ném điếu thuốc đi, vòng tay ôm tôi, và, giống như một diễn viên trong một bộ phim sến hay truyền hình ướt át, cậu gắn vào môi tôi một cái hôn. “Anh nghĩ có lẽ em không đến.” Tôi cười. “Anh sẽ khóc nếu em lừa dối anh…” Cậu đang đùa, dĩ nhiên rồi, nhưng có những giọt nước mắt thật trong mắt cậu.

“Mình xin lỗi,” tôi nói, “Lẽ ra mình không nên đến muộn.”

Như thường lệ, chúng tôi tới cửa hàng đĩa nhạc và video, rồi tới cửa hiệu Converse để xem những đôi giày, máy nghe CD và kính râm mới nhất của họ. Khi trông thấy bộ đồ tắm, G quay sang tôi bảo, “Mình đang có một cảm giác hư đốn.” Tôi cười to.

Tôi nhặt một quyển sổ nhỏ màu xanh, và G ra trả tiền trong khi tôi xuống tầng dạo quanh quầy mỹ phẩm. Có vô số thứ mà tôi muốn mua, một vài lọ dầu bóng móng mới nhất của ZA, bột thơm, chì kẻ mắt trắng hiệu Red Earth, chải mi màu, phấn nền loãng của L’Oreal, vốn rẻ và ẩm hơn những hãng khác nên không cần phải làm ẩm mặt trước khi đánh vào. Rồi còn son môi của Revlon ColorStay, bởi từ lâu tôi chỉ dùng son rất nhạt. Tôi cũng có thể chẳng dùng tí son môi nào trong trường hợp đó và tiết kiệm được tiền.

Tôi nghe bài “Say Forever” của Go Go & Me Me trên đường về. Tôi đã nghe bài hát của cái ban nhạc anh chị em với những cái tên kỳ dị vào năm trước, rồi xem video bài đó trên Kênh 5; lá đỏ, những khuôn mặt nhợt nhạt, những cái nhìn bất lực trong mắt họ, đường phố với đèn đường, một cái piano, những cái váy dài và một con ngựa gỗ lắc lư trong đêm – tất cả có vẻ rất tang thương. Từ khi có được album đó tôi cứ nghe suốt.

***

Mười bảy tuổi. Tôi khổ sở bất lực vì không thể viết ra những câu văn đẹp đẽ, vì không thấu hiểu được nỗi sầu tinh tế, và không níu kéo được thời gian cứ vùn vụt trôi qua.

Tôi bảo G mình có một cái lỗ trong tim.

Cậu cười và hỏi có thể nút nó lại không?

Tôi không đáp lời cậu. Tôi không biết.

Sau cùng, tôi muốn nói không ai có thể nút được cái lỗ trong tim tôi, nó đã mất, nó đơn côi.

Những năm mười bảy của tôi đã trôi qua như vậy. Ngày lại ngày tôi bò trên bàn viết tiểu thuyết, hiểu rằng tôi phải hy sinh ngày hôm nay cho ngày mai. Tôi muốn thay đổi số phận mình. Cha mẹ tôi chẳng hề quan tâm tới tương lai hay lý tưởng của tôi. Họ chỉ muốn biết tôi có trở lại trường, hay nếu không được, thì kiếm được việc làm tử tế. Họ không cho tôi tiền, không cho gọi điện thoại, tôi không có quần áo đẹp, không điện thoại di động, tôi phải hoàn toàn tự lập. Đôi khi tôi ngẩng lên từ đống sách và nhìn ra ngoài cửa sổ, ngắm mảnh trời xanh bên kia những tòa nhà cao tầng và thầm nghĩ đây là thời điểm lý tưởng để dạo chơi ở Tây Đơn, ngắm làn sương nhẹ bay trong không khí, trẻ con bán hoa, và những ánh đèn đường rọi một quầng sáng vàng mê hoặc lên các đôi yêu nhau.

Nhưng tôi đã trở thành một doanh nhân, và đầu tư vào chính tôi. Tôi muốn có ô tô, một ngôi nhà kiểu phương Tây. Bạc Hà đã đúng khi bảo, “Em chỉ tự lừa dối khi nghĩ rằng mình không phải lớn lên.”

Đó là ngày 15 tháng Mười một năm 2000 và Bạc Hà đang ở bên ngoài Siêu thị Bách Thịnh, anh gọi cho tôi hỏi xem tôi thích loại sô-cô-la nào.

“Anh sẽ vào hỏi người bán kẹo xem loại nào đắt nhất và bảo rằng, ‘Tôi lấy cái này.’”

Bạc Hà lớn lên vào những năm 80 và đôi khi điều đó bộc lộ ra.

Thực tế anh có một quá khứ khác thường. Anh mới mười lăm khi bỏ học, cái tuổi tương đương với lớp dưới ở bậc trung học, giống như tôi. Anh vác thang trong nhà máy và thường mất hàng vài giờ đạp xe để mua được băng nhạc rock. Anh viết mục điểm tin âm nhạc cho tờ Báo của Bạn trong một năm. Một thời gian dài sau đó, trong một số báo năm 1998 của tờ Đời sống âm nhạc, tôi có xem “Hồ sơ Người hâm mộ” của anh, trong đó anh tả mình như một fan của Oasis và Blur. Anh bảo anh mười bảy và dùng tên thật. Lúc đó tôi đang mê ban nhạc Trung Quốc Bàn Cổ như điếu đổ, cho nên ném tờ báo đi. Sau đó anh làm những công việc lặt vặt liên quan đến nhạc cho Đài Truyền hình Bắc Kinh và một vài chỗ khác. Năm mười tám tuổi anh chơi trong một ban; họ sống cùng nhau, túng tiền nên đành cầm cự với hai bữa cơm rang mỗi ngày. Cuối cùng anh rời ban nhạc, thấy rằng làm tay trống không có tương lai vì “xã hội không cần những kẻ hippi nữa.” Anh đi làm biên tập cho một trang web về âm nhạc cho đến khi nó phá sản như vô số thứ khác khi cái bong bóng xà phòng kinh tế vỡ tung. Anh bảo thời gian làm thêm cho Gen X là thời kỳ ảm đạm, kém cỏi nhất của anh. Nhưng tới lúc đó thì anh đã thành anh chàng trẻ nhất trong “Bốn Anh hào Âm nhạc Thủ đô”, một người điểm nhạc có “quyền lực”, cũng không phải không có danh vọng.

Anh có vẻ là một tay cơ hội tháo vát, dạng “xã hội cần có gì là ta có nấy” điển hình. Nhưng như thế không có nghĩa bảo anh không có tài. Cha mẹ anh, những người chẳng có nền tảng gì về âm nhạc, không giúp gì được anh và cũng sẽ không giúp nếu họ có thể. Tôi thèm muốn và ngưỡng mộ cái khả năng của anh trong việc chịu đựng gian khổ, sống cuộc đời tằn tiện, cũng như trong việc đánh giá người khác thông qua ngôn từ và biểu hiện của người ta. Tôi đoán bạn sẽ bảo sự nhạy cảm của anh không phải là cảm xúc, mà xuất phát từ năng lực quan sát xã hội, một dạng lịch lãm trải đời.

***

Ngày tiếp theo, Bạc Hà gửi kẹo đến theo đường bưu phẩm nhanh. Nó tới trong buổi chiều, ngay sau khi tôi vừa đi giày để chạy. Một cái phong bì lớn trong có ba món, gồm hai gói kẹo, một cái đề-can, một bức ảnh bằng một in-sơ của anh.

Tôi thấy choáng váng.

Tôi thấy choáng váng, vì cái gì? Vì tình yêu hay một thôi thúc kỳ dị nào đó?

Tôi không dám dán cái đề-can hay ăn sô-cô-la, sợ rằng Bạc Hà sẽ quyết định lấy lại và tôi phải bóc đề-can ra khỏi cây guitar và ra ngoài mua kẹo khác.

Tấm ảnh một in-sơ nhỏ xíu của anh, được cài vào một mảnh giấy, sự tương phản làm khuôn mặt hốc hác của anh thêm nhợt nhạt, với mái tóc rủ thấp xuống trán, cùng một thoáng điên rồ trong đôi mắt. Nó được chụp vào năm 1997, chẳng giống những gì tôi vẫn hình dung, nhưng cũng không nói được chính xác có gì là khác. Có lẽ nó phải như thế.

Tim tôi trĩu nặng sau khi đọc thư của anh, và dù biết Bạc Hà muốn tôi gọi cho anh ngay sau khi nhận được, tôi vẫn muốn ở một mình, tôi muốn yên lặng. Có cái gì đó xiết chặt tim tôi, làm tôi không thở được. Tôi xuống nhà và đi chạy.

Tôi đã làm gì để có được món quà này? Bạc Hà là một con người thực tế, người sẽ chờ sự có đi có lại cho việc đầu tư của anh. Tôi có thể cho anh cái anh muốn? Tôi có những hoài nghi. Có lẽ tôi đã không muốn biết câu trả lời cho câu hỏi của chính mình.

Ở trong sảnh, tôi phát hiện ra một lá thư gửi cho mình.

Với nét chữ gọn gàng, cẩn thận, có dấu mang tên cái trường hướng nghiệp, tôi đã biết đó là của ai.

Cô ấy đã trả lời thư tôi.

Gửi Gia Phù,

Chào, cậu thân mến. Mình thấy nhớ cậu. Cậu có ổn không? Những ngày này cậu đang làm gì? Cậu bảo sắp chuyển tới Tây Tam Kỳ, vậy sao chưa đi? Mình đoán cậu đang làm thủ tục thôi học. Cậu cũng chưa bảo rằng cậu không muốn kết thúc việc học phải không? Thế thì tại sao lại nghỉ? Một ngày nào đó có lẽ cậu lại đi học chăng?

Mình nhớ tới cái giấc mơ ngắn ngủi nhất của mình, chỉ vài giây thôi. Trong đó mình với cậu đi trên hai con đường riêng rẽ, lúc đó thấy lạ lùng là đã mơ như thế, và mình không tin. Mình đã nhẹ cả người khi đó chỉ là giấc mơ, nhưng ai mà biết trước được một ngày kia nó có trở thành hiện thực? Chúng mình gần đây ít liên lạc với nhau, như thế thật đáng xấu hổ. Ở lớp mọi việc vẫn thế, ngoại trừ như có gì đó đã mất đi.

Trời trở lạnh rồi, đừng quên mặc ấm. Đây là mùa yêu thích của cậu nên có lẽ chẳng còn thấy lạnh nữa chăng?

Thế nhé, chúc cậu những giấc mơ đẹp!

Vương Tuệ

14.11.2000

Tôi viết lại cho cô để hỏi tình hình, và bảo cô tôi muốn mượn quyển sổ trong đó chúng tôi đã chuyện trò cùng nhau trong và ngoài giờ học, tôi định lấy tư liệu để viết tiểu thuyết. Tôi bảo cô có thể gửi cho tôi hay hẹn thời gian gặp, tôi sẽ tới chỗ cô.

Khi Vương Tuệ trả lời, tôi ngạc nhiên thấy cô từ chối không trả quyển sổ chúng tôi trao đổi ở trường. “Cậu nói rằng một ngày cậu sẽ thành thương nhân, có nghĩa sẽ chôn vùi tình cảm của cậu… Nếu cậu như thế với bản thân thì còn đối xử với mình và các bạn ra sao? Mình vẫn đọc thư cậu rất lâu, và mình nghĩ chúng mình không còn là bạn bè nữa. Khi có thời gian, mình sẽ đốt quyển sổ đó. Cậu có biết mọi người nói gì về cậu sau khi cậu bỏ học không?”

Tôi ném thư của cô vào trong ngăn kéo, không muốn giải thích gì thêm.

Cuối cùng tôi lại quyết định nhuộm tóc. Trước tôi đã nhuộm đen, giờ màu đen đã hơi bợt đi, để lộ màu đỏ lỗ chỗ. Cái tôi muốn là một màu vàng thuần khiết, màu của Madonna, màu bạch kim của Courtney Love. Nhưng người thợ tóc nói tóc tôi sẽ không chịu nổi nhiều lần tẩy như thế, vì tôi đã tẩy vài lần rồi cho nên lần này dễ hỏng tóc. Chị ta bảo vài hôm trước có một cô gái đã tẩy tóc tới tám lần trong tiệm của chị để nó được trắng hoàn toàn. Tôi nghĩ lần tới tôi sẽ nhuộm màu đó, ngay cả khi phải tẩy tóc tới mười hai lần.

Lát sau, khi chúng tôi ở Ngã Năm đợi xe buýt về nhà, những bông tuyết nhẹ bắt đầu rơi. “Này, tuyết rơi này!” Tôi phấn khích. Đó là một ngày đẹp trời. Một vẻ ngoài đẹp đẽ ẩn giấu biết bao cơ hội.

G không thích mái tóc mới của tôi. Điều đó khiến tôi ngạc nhiên, vì cậu đã rất thích tôi nhuộm tóc. Trên xe buýt cậu gọi tôi là người “chuộng hình thức”. “Tóc đen thì có sao đâu?” cậu nói. “Lòe loẹt thật.”

“Hình thức là nội dung,” tôi nói.

Thật lòng tôi cũng không biết bố mẹ sẽ nghĩ sao khi thấy mái tóc vàng của tôi, có lẽ họ lại hóa điên lần nữa, có lẽ… có lẽ họ đang cần thêm sự kích động. Tôi đã hai lần nhuộm tóc, lần này chắc họ sẽ nhảy dựng lên, nhưng tôi biết rằng nếu cứ nhuộm mãi thì họ cũng phải quen đi.

Mọi chuyện diễn ra đúng như tôi trông đợi. Tôi ngủ tới trưa ngày hôm sau, bị thức giấc tới vài lần vì những tiếng động khác nhau. Tôi nghe thấy tiếng tivi, tiếng người nói chuyện. Họ chưa thấy mái tóc mới của tôi. Ban đầu tôi định chờ họ đi rồi mới ra khỏi phòng, nhưng tôi phải vào toilet. Tôi gắng nhịn, rồi lấy cái mũ chùm vào đầu, xuyên qua phòng khách để ra nhà tắm. Khi đi ngang cha mẹ, tôi thấy họ chằm chằm nhìn tôi một lượt, rồi quay mặt đi. Khi tôi rời toilet về phòng, mẹ tôi gõ cửa. “Tại sao con lại nhuộm tóc?” bà lo lắng hỏi. “Sao con nghĩ màu vàng thì đẹp?” Rồi bà chằm chằm nhìn vào đôi lông mày tỉa tót của tôi. “Với lại, con đã làm gì lông mày của con vậy? A…” Bà chỉ tay vào tôi . “Con, con…” Không thể nói nữa, bà quay mình bỏ đi. Hoàn toàn lãnh đạm, tôi nhìn mình trong gương. Xinh đẹp như hoa, đồng bóng và rẻ tiền, đó là cái hiệu quả tôi đang tìm kiếm, tôi hoàn toàn hài lòng với vẻ ngoài mới của mình. Ai cũng biết tôi, nhưng chẳng ai biết hết được tôi, chẳng ai thực sự hiểu tôi.

***

Thái độ những người trong nhà trở nên tồi tệ trước mái tóc mới của tôi. Phần lớn thời gian họ coi như không có tôi, hay lại trừng trừng nhìn tôi, và tôi phải đội mũ mỗi khi ra khỏi nhà, ngay cả khi chỉ để xuống dưới tầng lấy thư. Họ tỏ ra rõ ràng là không muốn thấy tôi nói chuyện điện thoại, và nếu có ai gọi đến trong lúc tôi ở trong phòng, họ liền bảo tôi không có nhà và cúp máy. Đến mười giờ là họ rút điện thoại ra, nên tôi phải ra ngoài nếu muốn gọi đi đâu. Và vì không có thẻ điện thoại, tôi lại phải nhớ số của máy điện thoại trả tiền, nhét vào ba hào và bảo bên kia gọi lại cho tôi theo số đó. Thật là cực hình. Trong khi tuyết rơi trong không khí và băng giá trên mặt đất – tôi đã phải liên lạc với bạn bè như thế đó.

Viết cuốn tiểu thuyết của tôi hàng ngày là một cách trốn tránh khỏi thực tại và mang lại cho bản thân chút hy vọng. Nhưng tất cả vẫn mông lung…

Chỉ nghĩ tới tương lai là tôi thấy tuyệt vọng.

Cô bạn là Mã Lệ gọi điện cho tôi, bảo rằng cô đã trông thấy Lý Kỳ tại Nhà sách Nghệ thuật tuần trước, và anh ta trông trẻ hơn tôi tưởng, loại người thấp bé. Tôi có thể hình dung ra anh ta, chàng nhà thơ xinh xắn chết tiệt có bộ mặt nhợt và thân hình dơ xương, mặc toàn đồ da đen, ra vẻ có điều gì để nói nhưng kìm lại, làm bạn cảm thấy dễ chịu khi tưởng tượng ra chuyện đó với anh ta. Mã Lệ đã tới chỗ anh ta và bảo, “Anh có biết Xuân Thụ không?” Lý Kỳ trông bối rối, lúng túng. Cô bảo anh ta đã hỏi cô về số máy hiện giờ của tôi, và, chẳng cần tỏ ra lịch sự, cô đáp, “Anh có biết G không? Anh lấy số máy ở chỗ G ấy.” Với cái nhìn sửng sốt, Lý Kỳ bảo được. Câu chuyện của họ đã kết thúc như thế.

***

Tôi gặp nhà văn Trương Đông Húc tại một cửa hàng đĩa nhạc và video ở cổng Tây Đơn. Như thường lệ, tôi lại đến muộn. Anh ta đang đứng trong gió lạnh, cầm một bình sơn phun, và cau mày khi thấy tôi. “Xin lỗi!” tôi nói. “Em chuyên môn đến muộn.” Tôi nhìn đồng hồ, đã gần bảy giờ.

“Đi đâu bây giờ?” anh hỏi.

“Đi phun vài hình đi.” Tôi leo lên chiếc xe đạp Công chúa màu hồng của anh ta, và chúng tôi đi. Gió khá mạnh, và ai đó hét với anh ta trên đường, ai đó tôi nhận ra nhưng không biết rõ. Tôi ghét đụng phải những người không quen mấy, những người luôn hỏi giờ này G ở đâu. Làm sao mà tôi biết được? Tôi bảo. Cái vẻ ngụ ý cùng nụ cười ta đây đã hiểu của họ làm tôi ghét nhất.

Chúng tôi tới một chỗ gần nhà anh, nơi trên tường và mặt đất đầy những đám đổ vỡ lộn xộn, có một cây bách vươn thẳng lên. Nơi đó chỉ cách khu dân cư có vài chục mét, nên chốc chốc có người công nhân đi qua và nhìn chúng tôi với cái nhìn lạ lùng. Đó là tất cả những gì biến nơi đây thành chốn lý tưởng cho việc vẽ lên tường. Anh phun từ “Cút mẹ mày đi!” bằng một lối chữ bay bướm lên tường. “Đến lượt em,” anh bảo.

Tôi cười và cầm cái bình phun, hơi phấn khích và lo lắng, không rõ mình muốn gì. “Em viết gì đây?” Tôi hỏi.

“Sao không phun đè lên cái của anh vừa rồi?” Thế là tôi làm. Anh bảo phun bốn lần sẽ cho kết quả đẹp nhất. Tôi bắt đầu cảm nhận được, thế là tôi phun “Tôi ghét anh!” Trương lùi lại ngắm công trình của tôi. Tôi bước ra chỗ tường trắng và viết những chữ tên tôi, “XT” bằng những nét phóng khoáng bên dưới. Tôi bắt đầu thấy mê món vẽ tường này. Tôi phun chữ “Cái Lỗ” và “Tôi yêu Courtney.” Anh bảo ai nhìn thấy “Cái Lỗ” (Hole) của tôi cũng sẽ tưởng đó là “Nóng bỏng.” (Hot) Chúng tôi dùng hết cái bình trước khi viết trọn từ “Sex Pistols” mà chỉ viết được chữ “SEX.”

“Giờ ta đi đâu?” Tôi hỏi anh.

“Chưa rõ. Lần tới chúng mình sẽ đến vẽ ở Ngã Năm và Tam Lý Thôn,” anh nói.

“Trường em thì sao? Em ghét cái chỗ đó lắm, đảm bảo với anh em sẽ viết ‘Cút mẹ mày đi!’ lên trước bục khán đài.”

***

Về sau G gọi điện hỏi có phải tôi đi chơi với người khác? “Cậu không thể phản bội mình,” cậu bảo. Ôi G, em có bao giờ phản bội lại anh.

Khi tình là đích thực, nó ngấm vào xương tủy, đến khi biển cạn đá mòn, đến chết mới thôi. Có phải kẻ đa tình là kẻ giết người khác?

Khi tình là đích thực, nó không dừng không hết, đôi lúc làm đau lòng người, nhưng cũng đau lòng mình. Đa phần nó làm đau chính ta.

Cổ Long, Đa tình kiếm khách Vô tình kiếm

Tôi nhận được một cú điện thoại từ biên tập viên phần giải trí của tạp chí Gen X, muốn tôi đi phỏng vấn một nhóm chơi rock dưới đường ngầm. Anh ta còn nói thêm rằng hài lòng về những gì tôi đã viết cho số gần đây nhất, tôi đồng ý suy nghĩ về đề nghị của anh ta, dù việc đưa tin giải trí thì đã từ lâu rồi tôi không còn hứng thú.

Tôi luyện cho mình thói quen làm việc với máy tính vào ban đêm, nhưng khi bố tôi vắng nhà thì không được, vì máy tính để trong phòng em tôi và nó phải đến trường vào buổi sáng. Thứ nữa, viết những gì riêng tư trong phòng ai đó thì chẳng tự nhiên cũng như an tòan. Nhiều lần tôi đòi mang máy tính vào phòng tôi, nhưng họ luôn từ chối, chẳng cần lý do, đơn giản là không được. Tôi bế tắc. Tôi cần máy tính để làm việc, em tôi chỉ dùng nó để chơi game, tôi không thể hiểu sao họ không thấy sự khác nhau về nhu cầu đó. Giải thích duy nhất là họ chẳng còn quan tâm mấy đến tôi, không thể ít hơn nữa. Và tôi chẳng làm gì được. Những gì xảy ra với họ vẫn còn lẩn quất trong đầu tôi, một đống những thứ hỗn độn không thể gỡ cho ra.

***

“Sắp tới Giáng sinh rồi,” G ủ rũ nói.

Cây thông Giáng sinh đã được dựng lên trước cửa ra vào Siêu thị Bách Thịnh, những dãy đèn nhấp nháy nhưng cái nhìn của chúng tôi cứ phiêu diêu ra phía nền trời xanh bên kia đám cây với những ánh đèn mờ dần đi. Giáng sinh, một kỳ nghỉ lạnh giá, trên thực tế lại được người Trung Quốc yêu thích, bởi nó cho họ cái cớ để hội hè hoan lạc. G và tôi ngồi trước những cái cây, chẳng có tương lai nào để trò chuyện, chẳng phấn khích, cũng chẳng mục tiêu để cùng chia sẻ… cô đơn, trống rỗng.

***

Một kỳ nghỉ cuối tuần khác.

Từ trong giường, tôi nghe thấy tiếng điện thoại, nếu là của tôi thì chắc là Bạc Hà, vì G thường gọi muộn hơn. Ai đó trả lời trong phòng khách, nhưng rồi không thấy gì. “Của con phải không?” Tôi kêu lên. Lát sau có tiếng: “Điện thoại này!” Nếu tôi không kêu, ai đó nghe điện thoại sẽ bảo tôi không có nhà. Trước họ đã làm thế. Tôi bước ra trong bộ đồ ngủ, và họ đang ngồi trên ghế sofa xem tivi, chỉ cách điện thoại vài tấc. Khốn kiếp, có còn tí riêng tư nào ở đây? Tôi cầm ống nghe, cảm thấy hơi lúng túng, quả đúng là Bạc Hà. Anh bảo anh đang ở Chợ Sách, vừa mới mua một quyển của Trương Đông Húc. “Có lẽ chiều nay em sẽ tới Chợ Sách một mình,” tôi nói. Tôi chưa bao giờ thực sự mặt đối mặt với Bạc Hà cả.

Một lúc sau G gọi. Tôi hỏi cậu chiều hôm đó mấy giờ gặp nhau, nhưng cậu bảo còn phải đến chỗ mẹ lấy tiền, nên không hẹn giờ được. Câu trả lời lảng tránh của cậu khiến tôi u ám. Chắc chắn tôi không muốn giam mình cả ngày trong nhà, gần đây viết nhiều quá tôi đã thấy chóng mặt. Thế là tôi gọi cho Mã Lệ và hẹn gặp cô ở ngoài Chợ Sách.

Tôi lại đến muộn, lúc nào cũng vậy, Tây Đơn đang nhộn nhịp. “Giờ ai là Bạc Hà đây?” Tôi tự hỏi. Có phải kia không? Tôi có cái cảm giác kỳ dị là anh đang ở chỗ tối còn tôi ở ngoài ánh sáng, và anh đang cười vào sự non nớt và yếu ớt của tôi. Ấn tượng đó lập tức được bổ sung bằng cái cảm giác rằng Bạc Hà có thể là bất kỳ người nào trong số những người xung quanh tôi, dù chẳng biết là ai.

Chợ Sách chật cứng, và tôi tự nhủ không biết những người đó có thực sự thích đọc, hay chỉ vào để tránh rét? Bình thường, tôi luôn tránh những nơi tầm thường như Chợ Sách, và vừa bước vào tôi đã thấy muốn quay mình trở ra. Mã Lệ cũng thấy thế.

***

Tôi lại nhắn tin cho G. Lúc đó là ba giờ, và tôi đứng đó, đôi mắt mở to trong khi thời gian trôi qua. Khí hậu khiến cho giọng nói của chúng tôi trở nên lạnh lẽo, chậm chạp, và tôi cười rời rạc. Trong khi chờ điện thoại của G, tôi cứ ngắm cái lưng của một cậu thanh niên. Mái tóc dài đẹp đẽ và cái quần jean bó sát của cậu trông rất tuyệt, nhưng so với Nhật Bản và Triều Tiên thì tôi thích phong cách Âu Mỹ hơn, nhất là những người Anh – sạch sẽ, tươi mát, sành điệu.

Đột nhiên tôi cảm thấy trái tim mình trở nên vô cùng mỏng manh, yếu ớt. Tôi thực sự muốn tôi và G trở lại quan hệ như xưa. Tôi không muốn tiền tài danh vọng, tôi nghĩ tôi có thể từ bỏ tất cả những thứ đó. Nhưng vì những lý do lạ lùng nào đó, chúng cứ tắc lại trong đầu tôi, không chịu bỏ đi.

Cuối cùng G gọi. “Mình đang ở Siêu thị Trung Hữu, khi nào cậu đến?” Tôi hỏi.

“Bảy rưỡi.”

“Tại sao?” Tôi kinh ngạc. “Sao lại muộn vậy? Em không đợi được, anh yêu, bây giờ hãy đến đi.” Tôi gần như van xin.

“Cậu đi cùng Mã Lệ phải không? Vậy cậu có khối thì giờ mua sắm.”

“Anh có coi thời gian bên nhau có nghĩa lý gì không? Thời gian là vàng, và nếu giờ anh không đến thì đừng đến nữa.”

“Được.”

Sau khi gác máy, tôi đứng đó như vừa đánh mất cái gì. Có chuyện gì vậy? Như kẻ chết đuối vớ lấy cái cọc, tôi gọi điện cho Bạc Hà, và bảo rằng tôi chán nản ra sao, anh nói gì đó, nhưng tất cả nghe nghèn nghẹt, mơ hồ, như thể anh nói từ lòng đất. Cuối cùng, tôi gọi số nhắn tin của G. Bảy rưỡi, ở Trung Hữu, tầng trệt, KFC.

Cái hình biểu tượng của hư vô mà chúng tôi vẽ trên cửa sổ của KFC Trung Hữu vẫn còn thấy rõ.

Trong khi đợi, tôi và Mã Lệ viết gì đó vào phần còn trống của cái thông báo trong thang máy tầng một. Tôi không mang theo bút, dù đã có lần nói: Một nhà văn ra khỏi nhà không bút thì có khác gì cô gái ra khỏi nhà không áo quần. Chúng tôi đành dùng bút kẻ lông mày. Mã Lệ viết, “Hãy lấy nhau đi, Bồng Bồng.” Bồng Bồng là bạn cùng lớp phổ thông của cô. Tôi viết: “Yêu và Bạc Hà.” Khi tôi viết xong, đột nhiên thấy trong tim đau nhói. “Mọi thứ đã khác.”

“Ai khác?” Mã Lệ hỏi.

“Mình,” tôi đáp. “Thật mai mỉa, khốn kiếp. Nhưng mình tiếc cho mọi thứ, thấy buồn quá!”

Sự đam mê từng bùng lên trong tôi đã lụi tàn, thành ra nhạo báng và phá hoại, và tôi không làm gì được. Tôi cảm thấy như không bao giờ tìm lại được những tình cảm thầm lặng, được sẻ chia. Ngọn gió đã bỏ tôi lại phía sau. Tôi vẫn bước về phía trước, nhưng không thể không ngoái đầu nhìn lại, nhỏ những giọt nước mắt lặng lẽ, ôm ấp ký ức của những gì đã qua. Tôi nhớ đến bài hát “Nhìn lại” của Bàn Cổ:

Tôi có một trái tim không đáy

Con thuyền tôi bị rò

Thuyền tôi sắp chìm

Ai còn sức mạnh vươn lên

Còn bao năm ta sống trong tuổi trẻ

Tôi bước tới

Còn quay lại nhìn.

G đến đúng bảy rưỡi. Cậu giải thích rằng chiều hôm đó gọi cho tôi từ chỗ của mẹ nên phải giữ miệng, rằng bảy rưỡi mới đến được vì đã hứa ghé cửa hàng mua một cái đĩa CD cho người bạn.

Tôi không nói gì, nhưng tha thứ cho cậu.

***

“Sao chiều nay em không đi được?” Bạc Hà hỏi. Đó là lần đầu tiên anh rủ tôi đi chơi, nhưng tôi đã đồng ý đi mua sắm với G. Dù biết rằng sẽ lại qua một ngày buồn chán, phí phạm thời gian, nhưng tôi còn nói gì được?

Tôi bảo anh rằng tôi phải gác máy. Vào một ngày khác, chắc chắn tôi sẽ nói “Chào”, chứ không gì khác. Đó là một từ tình cảm nhất, thiết thực nhất trong từ vựng của tôi. Nó có thể là lịch lãm, cương quyết, lạnh lùng hay tuyệt vọng. Khi tôi dùng nó với Bạc Hà, nó có nghĩa là sự từ chối, một thái độ quý tộc, một cái kết đầy ý nghĩa. Có lẽ tôi biết thời khắc duy nhất tôi kiểm soát được tình hình là khi nói lời chào tạm biệt.

***

G gọi vào thứ Hai hỏi xem tôi có tới được không, vì cha mẹ cậu đi vắng. Đó là một đêm thứ Hai trăng sáng, mát mẻ, ẩm ướt.

Căn phòng của cậu mới thân thiết làm sao, vẫn cái mùi tươi mát mà đã bao lâu tôi khám phá ra trên cơ thể cậu. Làm thế nào mà tôi lại chịu mất nó? Chúng tôi ôm nhau thật chặt, hai thân mình thanh mảnh, trẻ trung, và tôi nghĩ tới việc sẽ nhớ cậu xiết bao. Tôi cảm nhận được những xúc cảm sâu sắc trong vòng tay cậu xiết chặt, và muốn hét lên: Vì cơ thể này, vì làn da này, tôi vui lòng từ bỏ tất cả! Có Trời biết rằng tôi muốn qua đêm cùng cậu, không chỉ là một giờ, cũng như tôi khao khát sự thấu hiểu tận cùng của đôi bên, không chỉ là tình dục.

Chủ nghĩa duy vật đã bảo: Vật chất có trước, tinh thần có sau.

Vật chất là nền tảng.

Hình thức là cốt tủy.

Tôi mười bảy tuổi khi cuối cùng hiểu ra điều đó. Giờ tôi hồi tưởng lại và có thể dùng nó để chế nhạo hay làm vơi bớt nỗi buồn của riêng tôi. Và, biết được cái lý rồi nhưng tôi lại không thể bảo được lòng mình, vì khi ở với G, tôi hạnh phúc đến độ trong túi chỉ ít tiền hoặc không có gì cả, tôi vẫn giàu có không tưởng được.

Bạn có giữ lấy khoảnh khắc hiện tại và vứt mọi e dè vào trong gió, hay dựa vào sức mạnh của mình mà giành lấy thành công, là thứ thắng lợi duy nhất mà bạn có thể hãnh diện? Làm thế nào một người bình thường biết được đâu là con đường đúng?

Phải có điều gì trên đời này còn quan trọng hơn chân lý; quan trọng hơn cảm xúc; quan trọng hơn tiền bạc; quan trọng hơn chính cuộc đời.

Điều đó là gì vậy?

alt
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc