https://truyensachay.net

Cuộc Liên Hôn Sai Lầm

Chương 65: 65: Chuyện Xưa

Trước Sau

đầu dòng


Minh Hoàng đọc lại bức thư lần nữa để xác định Thụy Khanh của anh không dại dột quyên sinh.

Có lẽ cô chỉ rời đi, đến một nơi nào đó tìm sự bình yên trong tâm hồn.

Chỉ cần anh kiên trì sẽ tìm thấy cô.

Nghĩ đến điều này khiến tinh thần anh được an ủi đôi chút.

Sự ác cảm dành cho ông bà Hưng cũng vơi bớt phân nửa.
"Như vậy Thụy Khanh đi đâu đó, chẳng phải nghĩ quẩn.

Chúng ta cùng nhau tìm em ấy về.

Con sẽ liên lạc với mấy người bạn.

Chúng ta đăng tin trên báo đài, tivi, tất cả cách kênh thông tin đại chúng.

Hy vọng sẽ tìm thấy Thụy Khanh sớm." Giọng anh lúc này vẫn còn khàn vì xúc động.
Bà Hưng lại không lạc quan, bà vẫn đang khóc mùi mẫn.

Hơn ai hết bà hiểu Thụy Khanh đã tuyệt vọng với tình cảm gia đình.

Con bé sẽ không quay về, sẽ không để bà gặp lại con lần nữa.
"Thụy Khanh không quay lại nữa đâu." Giọng bà Hưng tang thương.
Ông Hưng hiểu vợ mình nói đúng.

Sự đối xử lạnh nhạt của ông bà đã làm con gái chết tâm.
"Sao cô nói thế? Con sẽ tìm Thụy Khanh về." Minh Hoàng đầy quyết tâm.
Bà Hưng lắc đầu, nước mắt lăn dài trên má, giọng bà uất nghẹn khổ đau: "Bởi vì cô đã gi3t chết tâm hồn con bé bằng sự độc ác vô cảm của mình."
Rồi bà như chìm đắm trong sự hối hận ăn năn.

Quá khứ không vui giữa hai mẹ con lần lượt hiện lên trong tâm trí.

Bà cảm thấy thống khổ khi nhớ lại những điều tệ hại mình đã làm với con, để bây giờ con phải lựa chọn ra đi.

Bà mở miệng nói ra chuyện xưa, cũng để tự định tội những bất công mình đã đối xử với con.
* * *
Bé Thụy Khanh ba tuổi ngồi chơi cùng em gái ở trước sân.

Lúc này ba đã đến công ty, mẹ và người giúp việc làm gì đó trong nhà.

Hai chị em đang chơi vui vẻ, bất thình lình em gái ôm ngực rồi ngã ra đất.

Thụy Khanh ôm em khóc thét lên:
"Mẹ ơi em chết rồi, mẹ ơi, mẹ ơi!"
Ở trong nhà, mẹ và người giúp việc chạy ra, nhìn thấy cô bé xinh xắn mặc chiếc đầm công chúa, tóc được thắt hai bím trước ngực đang ôm đứa bé giống y hệt, mặt mũi tím tái, nửa nằm nửa ngồi trên nền đất.
Nước mắt người mẹ chảy ra, lật đật bồng con gái đang xỉu trên tay.

Bé còn lại vẫn còn ngồi dưới đất khóc thút thít.

Người mẹ vì lo lắng cho bệnh tình đứa con nằm trong lòng, nên thiếu kiên nhẫn với cô bé đang khóc:
"Thụy Khanh nín ngay."
Người mẹ hét lên rồi giục người làm gọi cho chồng, và vội vã bồng con đến bệnh viện.

Từ lúc sinh ra, bé con của chị đã bị tim bẩm sinh.

Nhìn con mặt mũi xanh tái ở trong ngực, chị không ngăn được giọt nước mắt lăn dài trên má.
Người làm ở nhà giữ Thụy Khanh.

Cô bé rất hiểu chuyện, biết mẹ mang em đi bệnh viện nên không khóc không nháo, để mẹ yên tâm lo cho em.

Bé ở nhà cũng biết cầu nguyện cho em mau hết bệnh.

Người giúp việc thấy bé con ngoan ngoãn ngồi một chỗ rất hài lòng và yên tâm làm việc khác.
Một lúc sau, người mẹ gọi về bảo chị đem đồ đến bệnh viện gấp.

Lúc đó rối ren, chị chỉ lo mang đồ chủ dặn vào bệnh viện, quên hẳn đứa bé đang ngồi ngoan ngoãn trong góc nhà.
Ra khỏi cửa rồi chị mới nhớ Thụy Khanh.

Không tiện quay lại nên chị dự tính đưa đồ rồi về ngay với bé.


Tiếc rằng chị không về được vì phải giúp người mẹ lo cho bé con đang nằm trên giường bệnh.

Ba bé vẫn chưa đến được vì đang đi công tác ngoại thành.
Hai người bối rối tạm thời quên mất đứa bé ở nhà.

Thụy Khanh ngồi một góc trong nhà, không nháo không quậy phá.

Có điều chờ hoài không thấy người lớn quay lại.

Mẹ dặn phải ngoan ngoãn, nhưng giờ đã trễ mà không ai quay lại cho bé ăn.

Bé đói nên tuột xuống ghế salon, đi loanh hoanh trong nhà tìm đồ ăn.

Tiếc rằng tìm hoài không thấy gì có thể ăn được.
Chỗ mẹ hay để bánh cho hai chị em giờ chẳng thấy.

Bé đi vào bếp, đứng cạnh tủ lạnh muốn tự mình mở tủ, nhưng còn quá nhỏ, tay không với tới nắm cửa tủ lạnh.

Bé bị cơn đói hành hạ, thế là tìm ghế đứng lên.

Nhưng cái ghế rất chông chênh, bé vất vả vẫn không giữ được thăng bằng nên té ngã, trán đập mạnh xuống đất vinh dự sưng lên một cục.
Bé rất đau, ngồi khóc một mình cho đến khi chỉ còn tiếng thút thít nho nhỏ.

Lúc này trời bên ngoài cũng đã tối.

Bé vô cùng đói bụng, bóng tối bao trùm cả căn nhà khiến bé vô cùng sợ hãi.

Bản năng làm bé co lại, ngồi sát một góc bếp, váy trùm kín chân, đầu gục xuống gối, co ro một mình.
Cơn đói và nỗi sợ hãi bao quanh Thụy Khanh.

Cảm giác đau đớn trên đầu cũng không thuyên giảm.

Bé ngồi khóc cho đến khi mệt mỏi, đói lả trượt cả người xuống nền gạch.

Lúc người làm về bật đèn thấy một thân ảnh nho nhỏ nằm co ro trong góc bếp.
Chị vội vàng ẵm bé lên, nhìn thấy vầng trán sưng vù, máu bầm tụ lại một chỗ xanh tím trên làn da trắng nỏn của bé, đau lòng không chịu nổi.

Khi nãy chị nhớ ra mình sơ ý để bé ở nhà và muốn quay về ngay nhưng mẹ bé vì lo cho cô bé ở bệnh viện, nhiều vấn đề phát sinh nên chị phải nán lại phụ giúp.

Đến khi ba bé tới bệnh viện, người mẹ mới an tâm để chị quay về.
Thật tình chị cảm thấy khó hiểu người mẹ này.

Sao chị ta chỉ lo lắng cho đứa trẻ ở bệnh viện, bé gái ở nhà cũng đang nguy hiểm, còn nhỏ mà phải ở nhà một mình.

Chị muốn tranh thủ chạy về nhưng cứ bị người mẹ quấn lấy, chẳng cách nào thoát ra được.
Giờ ẵm bé trên tay chị thấy xót xa.

Bé vẫn đang ngủ vùi trong lòng chị.

Có lẽ đói bụng lắm rồi.

Chị thức bé con dậy để cho bé ăn.

Vừa thấy chị, bé con mếu máo ôm chị chặt cứng: "Dì ơi, con sợ lắm.

Trời tối rồi."
Nghe mấy lời này tự nhiên chị thấy xót.

Trẻ con đứa nào cũng dễ thương.

Cô bé trước mặt trắng trẻo xinh xắn lại ngoan ngoãn, hỏi ai nhìn mà không yêu.
"Thụy Khanh không sợ, dì về với con rồi nè." Chị dỗ dành trấn an bé.
"Dì ơi, con đói bụng, khát nước nữa.

Con muốn mẹ, mẹ của con đâu hả dì?"
"Thụy Khanh ngoan! Mẹ phải chăm em trong viện.

Thụy Khanh thương em đừng mè nheo, để mẹ lo cho em nhé."
"Dạ! Con ngoan, không khóc nữa, để mẹ lo cho em."
Bé con hiểu chuyện như người lớn, dù trên mặt đầy nước mắt nhưng vẫn ráng quật cường quẹt nước mắt.

Biểu cảm muốn khóc mà phải nén lại, trông vừa tội nghiệp vừa buồn cười.

"Giờ dì cho con uống sữa trước, rồi dì hâm cháo cho con ăn.

Ăn xong rồi dì tắm cho Thụy Khanh nhé."
Bé con ngoan ngoãn phối hợp, dù đói nhưng không nháo, im lặng uống sữa và đợi cháo.

Sau đó chị đút muỗng nào, bé con đều ăn rất sạch sẽ, rồi tắm rửa đi ngủ.

Có điều Thụy Khanh cũng như bao đứa trẻ khác, buổi tối đều thích rúc vào lòng mẹ tìm hơi ấm.

Tiếc rằng mẹ của bé không gọi cuộc điện thoại nào về nhà.

Bé nhớ mẹ, khóc một lúc mệt mỏi liền thiếp đi, vòng tay ôm chị người làm chặt cứng, cố tìm cảm giác an toàn.
Mấy ngày sau đó em gái được xuất viện, ba mẹ mang em về nhà.

Vừa thấy mẹ ở cửa, Thụy Khanh chạy nhanh đến ôm chân mẹ, nhưng mẹ chỉ chú ý em gái đang được ba ẵm trên tay.

Thụy Khanh cũng muốn được mẹ bế, nhưng mẹ đã đẩy bé ra: "Thụy Khanh đừng ồn, để mẹ lo cho em.

Em mới khỏe, Thụy Khanh như vậy là không ngoan."
Khuôn mặt trẻ con bụ bẫm của Thụy Khanh tèm lem nước mắt, giọng bé nức nở: "Con nhớ mẹ, mẹ ẵm con với, mẹ ơi hức hức.."
Chị người làm không đành lòng, chạy đến bế Thụy Khanh dỗ dành: "Thụy Khanh ngoan đừng khóc, ba mẹ bận chăm em.

Tới đây dì lấy sữa cho con uống nha.

Dì làm đồ ăn ngon cho Thụy Khanh nữa."
Thụy Khanh tủi thân nhưng biết em gái bệnh, ba mẹ phải lo cho em, bé không được làm phiền ba mẹ.

Thế nên bé theo chị người làm, vừa đi vừa ngoái đầu nhìn lại, nước mắt rơi đầy trên mặt.
Năm Thụy Khanh đi học mẫu giáo.

Mẹ bảo học cùng lớp với em gái phải để ý em, không được để bạn xô em, phải bảo vệ em.

Cho nên Thụy Khanh cả ngày chỉ căng mắt giữ em như gà mẹ giữ con.
Mỗi khi có ai muốn giành đồ chơi của em, Thụy Khanh sẽ hung hăng chắn trước mặt em gái, dọa mấy bé gái khác sợ khóc thét.

Thậm chí bé trai nào đến gần em gái cũng bị Thụy Khanh đẩy ra.
Cho nên lúc ở nhà trẻ, mấy bạn khác dù muốn chơi với hai bạn song sinh xinh xắn đáng yêu này nhưng chẳng dám đến gần, vì Thụy Khanh rất hung dữ, đụng đến sẽ bị xô ra ngay.

Ăn đau vài lần sẽ học khôn, nên chỉ dám đứng xa xa ngó hai chị em họ chơi với nhau.
Thụy Khanh ở trường nổi tiếng hung dữ, nhưng nhờ vậy em gái có thể bình yên không bị các bạn tổn hại.

Em gái quá yếu, lẽ ra ba mẹ không muốn cho em đi học, sợ có bạn không cẩn thận làm em ngã, bệnh tim của em sẽ tái phát.

Nhưng Thụy Khanh phải đi học và em gái đòi theo, nên mẹ phải chiều em.
Suốt thời gian ở trường, Thụy Khanh như người hùng, luôn bảo vệ em.

Các cô giáo thường thấy cảnh một bé gái mặt mũi xinh xắn, mặc đầm công chúa nhưng cứ cố tình gồng lên như hổ báo mỗi khi ai đến gần em gái mình.
Nhìn hung hăng như vậy nhưng trong mắt các cô, bé vẫn đáng yêu.

Cho nên dù mang tiếng hung dữ nhưng các cô vẫn chọn bé vào đội múa.

Thật ra em gái cũng xinh xắn, có điều sức khỏe kém, nên các cô không dám chọn.
Các cô giáo nói với phụ huynh cho Thụy Khanh vào đội múa.

Ba mẹ đồng ý cho bé tham gia, bé vô cùng háo hức.

Em gái nghe chị gái được vào đội múa cũng đòi theo, tiếc là không đủ sức khỏe.

Dù khuôn mặt đáng yêu nhưng lại xanh xao thiếu sức sống, các cô sợ mấy bé khác đụng trúng lại sinh chuyện nên từ chối.
Mẹ bé cũng không muốn cho con gái vào đội hình.

Em gái không hiểu mè nheo sao chị được múa mà mình không được chọn, cuối cùng mẹ phải rút tên Thụy Khanh ra khỏi đội múa.

Thụy Khanh sau bao nhiêu ngày háo hức cuối cùng không thể như ý nguyện, buồn bã khóc rất nhiều.
Mẹ an ủi rằng em ra đời sau nên mang nhiều bệnh tật, Thụy Khanh thương em thì đừng vào đội múa một mình, bỏ em ở lại.

Trong bộ não non nớt của bé bắt đầu hình thành suy nghĩ rằng mình đã giành ra đời trước, nên em mới chịu bệnh tật thay cho mình.


Bé cần phải bảo vệ em, thương em nhiều hơn nữa.
Cho nên về sau người ta thường bắt gặp hình ảnh cặp song sinh như hình với bóng.

Một người yếu đuối, một người mạnh mẽ, luôn bảo vệ em gái.

Điểm để phân biệt sự khác nhau giữa hai chị em là cô chị sẽ luôn ở phía trước che chở và nhường nhịn em mình vô điều kiện.
Do sức khỏe yếu kém, em gái có lúc không thể đến lớp.

Thụy Khanh sẽ được dì giúp việc đưa đi học, học cả phần của em.

Đôi lúc dì bị kẹt ở bệnh viện, bé sẽ bị bỏ quên ở trường.
Bé còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện, sẽ không khóc không nháo vì biết mọi người bận lo cho em.

Đôi lúc tủi thân bé có mít ướt một chút, rồi cũng ngoan ngoãn ngồi im một góc chờ người nhà đến đón.
Lúc đầu các cô thấy gia đình đón trễ cũng rất bực mình vì phải ở lại trông bé.

Nhưng thời gian sau các cô nhận ra bé ngoan ngoãn hiểu chuyện, ít khóc nhè, lại xinh xắn đáng yêu, thế là tự nguyện ở chơi với bé.
Tổng kết học kỳ, Thụy Khanh sẽ có nhiều bông hoa hơn em gái vì bé không nghỉ học.

Như bao đứa trẻ khác, bé hí hửng mang ra khoe với mẹ.

Em gái khóc sướt mướt phân bì chị có nhiều bông hoa hơn.

Thế là Thụy Khanh không do dự gỡ bông hoa của mình ra dán cho em.
Vì là bé khỏe bé ngoan, cho nên đến mùa trung thu, Thụy Khanh được các cô chọn rước đèn và thưởng bánh trung thu.

Em gái lại khóc lóc, muốn rước đèn cùng chị.

Kết quả là Thụy Khanh sẽ nhường em, bánh trung thu cũng tặng hết cho em, còn ngoan ngoãn dỗ em nín khóc.
Em gái bị bệnh, buổi tối mẹ thường ôm ấp em, ba cũng sẽ nâng niu em.

Thụy Khanh cũng thích được ba mẹ yêu thương vỗ về, ôm ngủ nhưng tiếc là không có chỗ cho bé chen vào.
Quỹ thời gian của ba mẹ đều dành hết cho em.

Mỗi khi Thụy Khanh tủi thân, chỉ khóc một lúc rồi mệt mỏi ngủ vùi.

Trong lòng bất giác đã hình thành tính cách hy sinh cho em.
Năm Thụy Khanh học tiểu học.

Vì không thể tách rời nên hai chị em được xếp vào cùng một lớp.

Thụy Khanh ngồi cùng em.

Cô giáo chủ nhiệm rất thích Thụy Khanh thông minh, trội hơn nhiều so với em gái.

Cô rất muốn chọn bé làm lớp trưởng, nhưng cớ gì em gái cũng muốn làm?
Cơ thể em yếu đuối ai cũng biết, cô giáo đâu thể giao nhiệm vụ.

Cuối cùng Thụy Khanh không thể làm lớp trưởng, mẹ nói làm lớp trưởng sẽ không có thời gian chăm em, sợ em bị các bạn ăn hiếp.

Bị phụ huynh bé ép chọn lớp trưởng khác, cô giáo đành thở dài tiếc nuối.
Thụy Khanh mặt mũi sáng sủa này đúng như nhận định của cô giáo chủ nhiệm, bé cực kỳ thông minh.

Cô cho bài toán nào, bé cũng giơ bảng trước tiên.

Nhưng về sau không hiểu chuyện gì, bé không chủ động nữa, đợi em làm xong mới chịu nâng bảng của mình lên.

Cô giáo làm sao biết được em gái vì không muốn thua chị, đã về khóc lóc với mẹ.
Chị thường được cô giáo khen, em gái cũng muốn được cô khen.

Cho nên chị phải đợi em, không được hoàn thành trước em nữa.

Thụy Khanh rất uất ức, sao bé có đáp án trước mà không được giơ bảng đầu tiên.

Mẹ nói như vậy là giúp em, bé đành phải nghe lời mẹ.

Trong lòng rất buồn nhưng bị mặc định là giúp em nên bé bằng lòng.
Em gái thường hay bệnh, một năm sẽ có vài lần vào bệnh viện, tất nhiên không thể hoàn thành chương trình học.

Thụy Khanh sẽ gồng mình làm bài cho em.

Lúc đầu cô giáo chủ nhiệm nhận ra bài làm của hai chị em có nét chữ giống nhau, nên phàn nàn với phụ huynh.
Ba mẹ giải thích với cô chủ nhiệm rằng Thụy Khanh chỉ viết giúp em gái.

Người làm bài vẫn là em gái.

Chỉ tại mệt mỏi quá nên em gái không viết nổi.

Ba mẹ nói như vậy, cô giáo chủ nhiệm cũng không tiện nói gì, chỉ có thể bảo lần sau nên để các bé tự viết bài của mình.
Ở trong lớp, mỗi lần kiểm tra toán hay chính tả, Thụy Khanh đều làm trội hơn em, điểm đương nhiên sẽ cao hơn em.

Thế nên mỗi lần cô trả kết quả kiểm tra, em gái sẽ về nhà khóc lóc với mẹ.


Thụy Khanh sẽ được mẹ bảo rằng phải nhường em.
Cho nên lần sau có kiểm tra Thụy Khanh sẽ chờ em làm cùng.

Làm xong chỗ nào sẽ viết phụ em.

Thời gian sau này, mẹ đã tập cho hai chị em cùng một nét chữ.

Thụy Khanh bắt đầu kiêm thêm vai trò mới là làm luôn phần bài tập của em gái.
Thế nhưng không phải chuyện nào Thụy Khanh cũng có thể giúp em.

Với năm học vỡ lòng lớp một, nét chữ của trẻ con được luyện cùng một nét có thể giống giống nhau, cho nên Thụy Khanh gồng cho phần em, chẳng có sự bất thường.

Điểm số của hai chị em đều sàn sàn nhau.
Sang năm lớp hai, bây giờ đã lớn hơn, nét chữ sẽ khác đi.

Mỗi bé đều có nét riêng của mình, Thụy Khanh không thể tiếp tục làm bài giúp em.

Bài toán nào khó, bé giải trước rồi em gái sẽ tự chép.

Ngoại trừ một số trường hợp cần sự khéo tay như làm thủ công, bé không thể gồng cho em được nữa.

Vả lại ở trước mặt thầy cô, không thể sao chép, nên điểm của bé đương nhiên sẽ cao hơn em gái.
Thụy Khanh được ba mẹ dạy không nên lấn át em.

Nếu làm thủ công ở nhà, bài nào đẹp nhất sẽ để tên Trúc Khanh.

Dù sao vẫn còn trẻ con nên đôi lúc Thụy Khanh rất buồn bực.

Có một lần vào mùa trung thu, bài tập về nhà của các bé là làm đèn trung thu.

Thụy Khanh và Trúc Khanh mỗi người tự làm đèn của mình.
Thụy Khanh khéo tay, đèn của bé đương nhiên sẽ đẹp hơn đèn của em gái.

Trúc Khanh yếu ớt lại thiếu kiên nhẫn, đèn của em mãi vẫn chưa ra hình dạng.

Mẹ bắt đầu lao vào giúp em hoàn thành.

Nhưng giấy màu dán đi dán lại đã nhăn, dù có sự trợ giúp của người lớn, thì hình dáng đèn của Trúc Khanh dù đẹp hơn nhưng giấy màu nhăn nhúm nhìn không bắt mắt.
Em gái khóc lóc, muốn đèn của chị gái.

Thế là mẹ bảo Thụy Khanh nhường đèn của mình cho em, nhưng lần này bé không đồng ý.

Theo lời bé thì bé đã cố gắng làm ra chiếc đèn thật đẹp, bé không muốn nhường cho em lần này.

Mẹ đã giận dữ với bé, mẹ nói bé không biết thương em.

Cuối cùng bé đành phải lấy đèn của mình cho em.
Trung thu trẻ con đều háo hức chơi đèn lồ ng, Thụy Khanh cũng không ngoại lệ.

Tiếc rằng đèn lồ ng đổi từ em gái quá nhăn nhúm, bé không cam lòng, bé cũng muốn có một chiếc đèn thật đẹp.

Thế nên thay vì lên giường ngủ để mai đi học sớm, bé gỡ giấy màu cũ ra, rồi lấy giấy màu mới tỉ mỉ dán lại.

Kết quả chiếc đèn cũng đẹp như ý bé.
Sáng hôm sau khi mẹ đưa hai chị em đến trường.

Lúc ngồi trong xe cùng mẹ và em gái, Thụy Khanh giữ đèn của mình cẩn thẩn, sợ giấy bên ngoài bị rách.

Em gái nhìn thấy đèn của chị đẹp hơn, lại nằng nặc đòi đổi.

Lần này Thụy Khanh khư khư ôm đèn của mình, nhất quyết không chịu đổi.
Mẹ thấy em gái khóc thảm thiết, sợ bệnh tình của em có vấn đề, vậy là nghiêm khắc giáo huấn Thụy Khanh làm chị mà không biết thương em.

Hai đèn đều đẹp như nhau, em thích thì bé nên nhường em.

Bé vô cùng uất ức.

Rõ ràng tối hôm qua, bé đã nhường em cái đẹp nhất.

Chiếc đèn hiện tại là do công sức của bé ngồi làm lại, sao lại phải nhường cho em?
Bé không cam lòng.

Chẳng phải mình bé cảm thấy bất công, chú tài xế ngồi phía trước cũng âm thầm phê phán cách hành xử vô lý của mẹ.

Vì sao lại thiếu công bằng, thương con gái nhỏ nhưng lại ép uổng con gái lớn.

Không sợ lòng bé bất mãn, rồi sẽ hình thành sự chống đối sao?
Đúng là Thụy Khanh rất uất ức khi bị mẹ xử ép nhưng dù sao cũng còn trẻ con, bé chỉ buồn một lúc rồi thôi.

Tuy bé không chống đối mẹ nhưng lòng đã bắt đầu hình thành suy nghĩ rằng dù có cố gắng làm tốt bao nhiêu, thì sau đó thành quả của bé sẽ phải nhường lại cho em..
(Còn tiếp).


alt
(Cao H) Ngon ngọt nước
Ngôn tình Sắc, Sủng, Tổng Tài
Tán Tỉnh Chàng Cảnh Sát Hình Sự
Sắc, Sủng, Nữ Cường
Chỉ Mê Đội Trưởng Đội Bóng Rổ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Nữ Cường
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc