Tốc độ sinh trưởng của tằm rất nhanh, từ một biến thành hai, hai biến thành bốn, cuối cùng xếp chồng lên nhau thành tám tầng.
Nong tằm để trong phòng nhỏ cạnh phòng cô, Chu Tiểu Vân đi ra đi vào không dám nhìn. Con tằm hồi bé rất đáng yêu, đến khi trưởng thành nhìn thấy ghê. Cuộc đời này cô sợ nhất những con mềm mềm không xương. Rắn, giun, cá trạch, sâu lông… đều là kính nhi viễn chi (Bề ngoài tỏ ra kính nể, tôn trọng một đối tượng nào đó, nhưng trên thực tế không muốn tiếp cận, gần gũi với đối tượng đó; hoặc thường dùng trong các trường hợp mỉa mai, châm biếm khi mình không muốn tiếp cận với một đối tượng nào đó).
Tuy không thích nhưng lần nào rải lá dâu Chu Tiểu Vân đều kiên trì đi .
Chờ đến khi tằm nhả tơ kết kén, người một nhà lại lu bù tết thân lúa.
Công việc này dễ làm mà cũng dễ học. Chẳng qua là trong đống cỏ khô buộc thêm ít thân lúa, dùng dây ni lông trắng buộc thành một bó, đặt trên nong tằm, các bé tằm sẽ tự động bò lên trên kết kén. Mỹ miều gọi là “Lên núi” .
Triệu Ngọc Trân một mình làm không xuể, Chu Quốc Cường không ra khỏi nhà phụ giúp. Mắt thấy tằm sắp bước vào thời kì ngủ đông, động tác phải nhanh lên. Chu Tiểu Vân tất nhiên là góp một tay, ngay cả Đại Bảo và Tiểu Bảo cũng được huy động.
Đến khi số tằm leo núi hết, cả nhà mới thở phào nhẹ nhõm. Mấy ngày sau, trên bó lúa chi chít kén tằm. Giống như được một vụ mùa lúa bội thu, gương mặt hai vơ chồng rạng rỡ.
Cả nhà già trẻ ra quân, gỡ kén tằm ra, bỏ vào rá, mang ra bến bán.
Từng túi lớn chất đầy xe ba bánh đựng kén tằm vừa mới thu hoạch đi bán, thực sự là một khoản thu không nhỏ!
Đương nhiên cũng có người đến tận nhà thu mua, giá so với đi bán thấp hơn một ít. Chu Quốc Cường ỷ có xe ba bánh thà rằng đi hơn mười dặm, cực một chút lại bán được hơn mười giác.
Bán xong kén tằm, trong nhà còn một ít phôi kén tằm không bán được, trực tiếp bóc ra lấy nhộng nấu ăn, là món ăn ngon hiếm có!
Chu Quốc Cường thích nhất món này, chuẩn bị một bình rượu vừa uống vừa nhắm. Đại Bảo và Tiểu Bảo cũng ăn thơm nức, Chu Tiểu Vân nhìn thấy đã không muốn ăn nên không ăn miếng nào.
Lá dâu phần lớn dùng hết, lúc này cây dâu bắt đầu kết quả, một chùm dâu căng mọng, đến khi chuyển thành màu đỏ tím là đã chín, ăn một miếng chua chua ngọt ngọt rất ngon. Dân quê hay gọi đó là dâu dại.
Bọn nhỏ rất thích đi hái dâu dại, thường thường chưa chín hẳn, mới nửa xanh nửa hồng đã hái xuống ăn, chua đến mức ê răng. Đến khi quả chín hẳn, vị khác hẳn, ngon ngọt, không thua gì trái cây nhập khẩu.
Hay ở chỗ là nhà nào cũng có cây dâu, đâu đâu cũng thấy dâu dại, muốn ăn bao nhiêu hái bấy nhiêu.
Đại Bảo từ lúc quả chưa chín đã bắt đầu ăn, ăn đến khi dâu chín mọng, há miệng răng lưỡi hồng hết cả. Tiểu Bảo giống y Đại Bảo, hai anh em cùng với Hải ở sát vách đi ra đi vào, ăn đến căng bụng mới trở về.
Chờ dâu chín thành thục, không đợi người đến hái đã tự động rơi xuống đất, tiếc quá.
Chu Tiểu Vân huy động Đại Bảo và Tiểu Bảo giúp cô nhặt dâu dại, nhặt đầy giỏ rồi mang đi bán cho người chuyên môn thu mua dâu dại . Người bán hàng rong đi thu mua cố định khoảng thời gian này ngày nào cũng đến thôn bọn họ. Giá không cao, một giỏ dâu dại chỉ mấy phân tiền.
Nhưng mà, số tiền kia đối với bọn nhỏ mà nói không hề ít. Lợi dụng thời gian rảnh nhặt mấy giỏ là có thể bán được vài giác, tiền bán để mua ít đồ ăn vặt hoặc đồ chơi mà mình thích.
Vì thế, lúc này, không ít trẻ con đều mang theo làn nhặt dâu dại, rơi trên mặt đất cũng nhặt được, tối đa nửa tiếng có thể nhặt đầy. Đáng tiếc, quãng thời gian tươi đẹp quá ngắn, khoảng mười ngày, dâu dại đều chín hết, rơi đầy trên mặt đất, bắt đầu nát.
Chu Tiểu Vân đếm số tiền thu được cười hớn hở, thực sự là khoản thu đáng kể! Cô chưa từng quên trong đó có công lao của Đại Bảo và Tiểu Bảo, đặc biệt mua một ít đồ ăn vặt cho hai anh em, hai người ăn rất vui vẻ. Không ai đề cập đến việc đòi cô đưa tiền công trong đó.
Trên người Chu Tiểu Vân vẫn còn tiền. Mua bút nước và sáp màu chỉ tốn ba nguyên, bình thường lại tích cóp thêm tiền tiêu vặt, trên người cô có tám chín nguyên, lần này có thêm khoản thu từ bán dâu, hầu bao lại dày thêm.
Chu Tiểu Vân đi chợ mua một con lợn đất béo mập, làm bằng thạch cao, màu trắng, mặt trên khoét một lỗ để nhét tiền, nhét thì dễ chứ lấy ra rất khó. Chỉ có đập vỡ lợn mới lấy được tiền. Cô đút hết số tiền mình có vào lợn, để lại một hai nguyên tiêu vặt.
Tiền tiêu vặt Triệu Ngọc Trân cho rất ít, trừ khi mua vở và bút máy mới cần tiêu đến tiền.
Chu Tiểu Vân biết tính tiết kiệm của mẹ, bình thường trừ lúc mua văn phòng phẩm rất ít khi mở miệng xin tiền, may mà cô không thích ăn quà, ít ăn vặt đi cũng nhịn được.
Đại Bảo không giống vậy, suốt ngày nghĩ cách xin tiền mẹ. Hôm nay mua bút chì, ngày kia muốn mua thước kẻ hay mua cục tẩy, mỗi ngày lý do đòi tiền không giống nhau lại vô cùng chính đáng. Có lúc là thực sự cần mua có khi là muốn thoả mãn cái bụng.
Triệu Ngọc Trân biết rõ Đại Bảo không biết chi tiêu hợp lý, lại không thể vì hai, ba giác tiền ngày nào cũng đánh mắng con được!
Cũng may Đại Bảo tương đối thức thời, xin số tiền trong phạm vi chấp nhận được của mẹ. Đừng đùa, xin hơn sẽ bị đánh ngay, điểm ấy Đại Bảo hiểu rất rõ. Tiểu Bảo và Nhị Nha suốt ngày ở nhà muốn mua gì Triệu Ngọc Trân sẽ tự mình đi mua, cơ hội dùng tiền tương đương bằng không.
Chu Tiểu Vân có “kho báu nhỏ” của chính mình, ít khi xin tiền.
Có lúc Triệu Ngọc Trân thấy Đại Bảo mỗi ngày lẽo đẽo theo mình xin tiền mà đồng dạng là học sinh, Chu Tiểu Vân mười ngày tám ngày không xin một đồng, trong lòng cũng cảm thấy lạ. Chủ động hỏi Chu Tiểu Vân: “Đại Nha, bút chì con dùng hết chưa?”
Chu Tiểu Vân đáp: “Còn một đoạn ạ, có thể dùng hai ngày.”
Triệu Ngọc Trân trợn mắt nhìn Đại Bảo, bút chì nó dùng hai ngày hết một cây, y như vừa viết vừa ăn vậy.
Triệu Ngọc Trân chủ động đưa cho cô năm giác tiền tiêu vặt, khiến Đại Bảo hô to “Không công bằng”, bị Triệu Ngọc Trân mắng một trận: “Ngày nào con chẳng xin tiền, xem em con đấy. Nếu một tuần con không xin tiền mẹ cũng cho con.”