https://truyensachay.net

Độc Sủng Ngốc Hậu

Chương 44 - Thơ Tiên Tri (1)

Trước Sau

đầu dòng
Đời trước Tần Dục có thể lật đổ Tiêu Quý Phi và Tần Diệu, thậm chí khiến cho Tần Diệu không thể không tự sát trong thiên lao, những chuyện này phải kể đến công lao của Thanh Vân đạo trưởng – người mà Vĩnh Thành đế tin tưởng nhất.

Từ khi Vĩnh Thành đế gặp Thanh Vân đạo trưởng, chỉ sau một thời gian ngắn hắn đã có được sự tin tưởng của Vĩnh Thành đế, hơn nữa còn được phong làm quốc sư, chuyển vào trong hoàng cung ở.

Lại nói, Thanh Vân đạo trưởng này cũng có chút bản lĩnh, không những có thể luyện ra đan dược giúp thân thể Vĩnh Thành đế chuyển biến tốt hơn, mà còn có thể đưa ra nhiều sáng kiến hay giúp Vĩnh Thành đế xử lý chính vụ.

Vĩnh Thành đế càng ngày càng nể trọng hắn, một thời gian sau đã đến mức hắn nói gì cũng nghe.

Trong lúc đó Tần Dục luôn bị chèn ép, nhưng hắn nhịn! Thậm chí hắn còn chủ động từ bỏ rất nhiều quyền lợi trong tay để Tiêu Quý Phi lơi lỏng cảnh giác với mình. Tần Diệu thì hoàn toàn ngược lại.

Nghe Thanh Vân đạo trưởng nói Tần Diệu là quý nhân của Vĩnh Thành đế, trên người có long khí,Vĩnh Thành đế liền xem Tần Diệu là người thừa kế của mình. Thậm chí ông còn từng có ý sẽ thoái vị, làm Thái Thượng Hoàng tu đạo hưởng thụ hoan lạc, để Tần Diệu sớm được đăng cơ.

Sau khi biết được chuyện này, Tần Dục biết cơ hội của mình đã tới.

Thanh Vân đạo trưởng này là người của Tiêu Quý phi, việc này hắn đã sớm đoán được. Trừ việc đó ra, hắn còn biết thêm một chuyện, chính là đan dược của Thanh Vân đạo trưởng không những không thể làm Vĩnh Thành đế trường sinh bất tử, mà ngược lại còn khiến ông sớm bỏ mạng.

Nhưng hắn không nói gì cả.

Lúc ấy Chiêu Dương đã chết, sau khi hắn và Triệu Hoàng hậu bí mật bàn bạc, hắn quyết định giúp đỡ Thanh Vân đạo trưởng che giấu chuyện này. Chẳng những vậy, còn xúi giục Thanh Vân đạo trưởng tăng công hiệu hiện tại của thuốc thêm một ít.

Đến khi thân thể Vĩnh Thành đế đã vô cùng suy yếu, trong lòng ông mới dâng lên sự nghi ngờ, Tần Dục đã sớm dặn dò người ở ngự thiện phòng động tay động chân, dẫn ra đan độc trong cơ thể Vĩnh Thành đế.

Vĩnh Thành đế liên tục thổ huyết, thậm chí là không dậy nổi khỏi giường, muốn tin cũng khó mà tin nổi lời của Thanh Vân đạo trưởng, hộc máu chỉ là phun những thứ ô uế trong thân thể ra , cuối cùng cũng triệu ngự y đến.

Ngự y chẩn Vĩnh Thành đế chỉ còn sống được mấy ngày.

Đúng lúc này Tần Dục lại tiến cung thỉnh an, đem chứng cứ chứng minh Thanh Vân đạo trưởng có quan hệ mật thiết với Tiêu Quý phi giao lại cho Vĩnh Thành đế. Hơn nữa còn cung cấp thêm một vài chứng cứ chứng minh Tần Diệu có liên hệ với các tướng lĩnh trong quân doanh.

Vĩnh Thành đế tiếp tục thổ huyết, rơi vào hôn mê. Chờ khi tỉnh lại lập tức ban chết cho Tiêu Quý phi, biếm Tần Diệu làm thứ dân rồi giải vào thiên lao.

Vĩnh Thành đế triệu rất nhiều ngự y nhưng không thể trị hết bệnh, cho nên sai người dụng hình với Tần Diệu.

Lúc đó quyền kiểm soát hoàng cung đã rơi vào tay Tần Dục, Tần Dục bèn sai người đánh gãy hai chân và thắt lưng của Tần Diệu…… Tần Diệu căn bản không chịu nổi những khổ sở như vậy, tất nhiên sẽ tự sát.

Chỉ qua hai ngày, Vĩnh Thành đế cũng qua đời.

Lúc đó Tần Dục không biết có nhiều việc Tần Nhạc cũng nhúng tay vào nên không đối phó với hắn ta, chỉ lo nâng đỡ Tần Diễn đăng cơ, còn mình làm Nhiếp Chính Vương.

Thật ra việc Tiêu Quý phi dùng Thanh Vân đạo trưởng là một nước cờ hay, chỉ tiếc là không đúng thời cơ, hành vi gây sóng gió trong triều của bọn họ đã khiến mình đắc tội với không ít người.

Tần Diệu thay đổi thống lĩnh cấm vệ quân, vốn tưởng rằng mình có thể khống chế cấm vệ quân trong tay, lỡ như Vĩnh Thành đế phát hiện ra điều bất thường thì hắn ta cũng có thể khống chế được hoàng cung, lại không biết từ lâu Phó thống lĩnh cấm vệ quân đã không vừa mắt với bọn họ…

Khi Phó thống lĩnh giết thống lĩnh, y còn đem chứng cứ chứng minh thống lĩnh và Tiêu Quý phi liên hệ với nhau, có ý đồ mưu phản giao hết cho Tần Dục. Lúc này Tiêu Quý phi và Tần Diệu xem như xong đời.

Tần Dục có thể lên làm Nhiếp Chính Vương, công lao của nhóm cấm vệ quân đó không nhỏ, dù như vậy nhưng Tần Dục vẫn không đánh giá cao bọn họ.

Hắn vĩnh viễn không quên được cảnh một đám cấm vệ quân chạy vắt giò lên cổ vì bị người Nhung truy đuổi, thật ra thì cũng có vài người vì bị hại chết thê nhi, quyết định cầm đại đao cột vào đầu gậy trúc, chém chết vài người Nhung.

-----

“Thọ Hỉ, mài mực.” Tần Dục nói.

Thọ Hỉ trải giấy ra cho Tần Dục rồi quay sang mài mực. Lúc này Tần Dục không dùng tay phải mà vươn tay trái ra lấy.

So với tay phải, khi nhỏ Tần Dục thích dùng tay trái hơn, chỉ là không giống mọi người nên sau đó buộc phải dùng tay phải.

Trước đây hắn chưa từng muốn học cách dùng tay trái viết chữ, cũng không có thời gian. Nhưng lúc Chiêu Dương qua đời, hắn bị Tần Diệu và Thanh Vân đạo trưởng chèn ép, thậm chí vì tương khắc với Vĩnh Thành đế mà bị cấm túc ở trong phủ, khi đó nhàn hạ không có việc làm mới bắt đầu học cách dùng tay trái viết chữ.

Sau đó Tần Diễn giam lỏng hắn trong phủ Đoan Vương, để làm cho mình quên đi cảm giác đói khát nên hắn ngày ngày cầm bút lông luyện chữ, thậm chí học được cách viết hai tay cùng một lúc.

Chữ hắn viết bằng tay trái không đẹp mấy nhưng cũng rất có khí thế. Tần Dục cầm bút trầm ngâm một lúc mới múa bút vẩy mực lên giấy.

Lập hạ tinh vũ thiên, thành Tây hồng kiều đoạn.

Tây Ninh truyền hỉ tấn, Thái Hồ tường thụy lai.

Thái Sơn cự thạch lạc, Trung Nguyên vô vũ tích.

Một hạn hạn tam thu, hoàng phi thảo mộc suy. [1]

[1] Dịch nghĩa:

Vào ngày hạ trời quang mây nhưng lại có mưa, hồng kiều (*) ở thành Tây vô cớ gãy.

Tây Ninh truyền tin vui về, Thái Hồ báo điềm lành tới.

Núi Thái Sơn bị sạt lở đá, vùng Trung Nguyên trời không đổ mưa.

Đợt hạn hán này kéo dài tận ba năm, nạn châu chấu khiến cỏ cây chết dần.

(*) Chữ kiều (橋) này có nghĩa là cây cầu, mình giữ nguyên cho xuôi câu thơ, ở những chương sau nếu có nhắc tới thì vẫn là Hồng kiều nhé.

Viết xong bài thơ, khi Tần Dục vung tay lên, tuyệt bút lại viết xuống bốn chữ “Thái Bình đạo nhân” lên giấy.

Tần Dục không có ý định tìm một người khác giả mạo giống như cách làm của Tiêu Quý phi, hắn chỉ hy vọng lợi dụng chuyện quỷ thần để báo trước một vài tai hoạ cho bá tánh biết.

Nếu để bá tánh biết nạn hạn hán kéo dài suốt ba năm, mọi người sẽ tích trữ thêm chút lương thực, đến lúc đó có lẽ sẽ giảm bớt được số người chết đói.

Đương nhiên, hắn làm như vậy chủ yếu vẫn hy vọng triều đình có thể chuẩn bị trước, đảm bảo an nguy cho bá tánh Trung Nguyên.

Tần Dục viết xong thì an tĩnh nhìn bài thơ trên giấy. Thơ này hắn thấy được, mà Thọ Hỉ đứng bên cạnh mài mực cho hắn đương nhiên cũng thấy được.

Thọ Hỉ không biết nhiều mặt chữ lắm, học thức cũng kém, nhưng bài thơ trước mắt không dùng điển cố [2] gì, cho nên hắn cũng có thể hiểu được ý tứ của bài thơ, này……

[2]Chú thích thêm cho những bạn chưa biết: Điển cố nghĩa là những tích truyện xưa (cũng gọi là điển tích); thường là kể về các tấm gương hiếu thảo, anh hùng liệt sĩ, các tấm gương đạo đức, hoặc những truyện có tính triết lý nhân văn trong lịch sử, những câu thơ, văn kinh điển trong các tác phẩm văn học có trước (thường là của Trung Quốc). – Nguồn: Wikipedia.

Vương gia viết bài thơ này rốt cuộc có ý gì? Thành Tây thật sự có Hồng kiều, mấy nơi Tây Ninh, Thái Hồ, Thái Sơn này đúng thật có tồn tại, theo như ý bài thơ này, hình như những nơi này sẽ xảy ra chuyện gì đó?

Mặt Thọ Hỉ đầy vẻ khó hiểu, Tần Dục biết chắc những chuyện hắn viết sẽ xảy ra.

Ngày lập hạ năm nay[3], trong kinh thành mặt trời lên cao nhưng vẫn đổ mưa. Cũng cùng ngày đó Hồng kiều ở thành Tây sẽ gãy.

[3] Lập hạ thường bắt đầu vào khoảng ngày 5 hay 6 tháng 5 dương lịch khi Mặt trời ở xích kinh 45° (kinh độ Mặt trời bằng 45°).

Hồng kiều là một cây cầu rất lớn được làm bằng gỗ, vô cùng xinh đẹp. Bên ngoài nhìn qua khá là kiên cố, nhưng không ai biết thật ra bên trong đã bị vô số con mối ăn đến mục rỗng rồi.

Cũng trong tương lai…… Tây Ninh đại thắng, tin vui truyền đến kinh thành, Vĩnh Thành đế vui vẻ thăng quan tiến chức cho tướng lĩnh Tây Bắc – Lý Sùng An. Sau đó, phía Thái Hồ lại báo về điềm lành, làm Vĩnh Thành đế càng thêm cao hứng.

Nhưng trong khi mọi người ở kinh thành đều rất cao hứng thì Trung Nguyên lại gặp phải nạn hạn hán……

Tần Dục nhìn bài thơ trên tay một lần, đốt nó đi, lúc này mới nhìn về phía Thọ Hỉ: “Việc này là cơ mật.”

Thọ Hỉ lập tức quỳ rạp xuống đất: “Vương gia, dù nô tài có chết cũng sẽ không tiết lộ nửa lời cho người khác biết.”

“Ta tin tưởng ngươi.” Tần Dục nói.

Thọ Hỉ vì được Tần Dục tín nhiệm mà mặt mày tỏa sáng, kích động không thôi. Lúc này Tần Dục lại nói: “Tìm hai thợ khắc chữ thủ công miệng kín tới, người nhà của họ cũng phải khống chế cho kín miệng.”

Rất nhiều người giàu đều có xưởng in ấn của riêng mình, cũng có thợ khắc chữ thủ công, thi thoảng sẽ cùng vài người trong nhà viết thơ ca văn tập rồi in ấn ra, mà Đoan Vương phủ cũng có một nơi như vậy.

Tần Dục không thích viết văn làm thơ, trước kia căn bản không cần dùng đến bọn họ, nhưng hiện tại rất cần bọn họ giúp mình làm việc.

Thơ chỉ cho một người xem thì không có hiệu quả, hắn muốn phát tán ra ngoài cho nhiều người biết tới.

“Vương gia, chuyện này cần phải chờ mấy ngày.” Thọ Hỉ nói, hiện tại bọn họ đang ở chùa Tần An nên không tiện tìm người.

“Không sao, việc này không vội.” Tần Dục đáp, chỉ cần làm xong chuyện này trước khi lập hạ là được.

Tần Dục còn đang tính toán xem làm cách nào để “Thái Bình đạo nhân” vang danh thiên hạ thì đã tới giờ ăn cơm.

Hắn theo thường lệ ăn cơm cùng Lục Di Ninh, mà hôm nay trên bàn ngoại trừ cơm chay trong chùa thì còn có một chén thuốc đen tuyền.

“Tần Dục, ngươi uống đi!” Lục Di Ninh đẩy chén thuốc kia đến trước mặt Tần Dục.

Vừa rồi Lục Di Ninh không có tới thư phòng tìm hắn, thì ra là đi sắc thuốc. Tần Dục cười cười, bưng chén thuốc lên uống một hơi cạn sạch.

Đoàn người của bọn họ đến chùa Tần An tổng cộng bốn ngày, ngoại trừ ngày đầu tiên bận chuyện bên ngoài thì ba ngày còn lại Tần Dục đều ở cạnh Lục Di Ninh.

Hắn tìm vài thị vệ dùng một cái kiệu nhỏ bằng trúc để nâng mình lên, cùng với Lục Di Ninh đi dạo xung quanh chùa Tần An. Cuối cùng thật sự đã tìm được vài loại thảo dược nghe nói là có lợi cho hắn, sau đó hằng ngày hắn đều uống mấy chén thuốc có hương vị rất kỳ lạ.

Vừa uống thuốc vừa tắm bằng thảo dược, Tần Dục cảm thấy trên người mình toàn mùi thuốc.

-----

Bốn ngày sau, Vĩnh Thành đế vốn yêu thích ngắm cảnh hưởng lạc không muốn ở lại chùa nữa, trực tiếp hạ lệnh xuống núi, mọi người liền thu thập đồ đạc rồi đi xuống theo con đường đã đi lên.

Đều nói lên núi lên thì dễ, xuống núi mới khó, nhưng thực tế khi bọn họ xuống núi thì tương đối nhẹ nhàng hơn rất nhiều, chỉ là người ngồi trên kiệu khi nhìn xuống chân núi sẽ cảm thấy hơi đáng sợ.

“Vương gia, Hoàng Thượng hạ lệnh vào đình ở lưng chừng núi nghỉ ngơi trong chốc lát.” Có thái giám đến bên cạnh Tần Dục bẩm báo.

Cái đình này nằm tại sườn núi chùa Tần An, nghe nói Thái Tổ Hoàng đế đã gặp được một vị hòa thượng có thể chữa khỏi ốm đau trên người tại nơi này.

Đoàn người dừng lại trước đình nơi lưng chừng núi, có người uống nước ăn vặt, có tôi tớ hầu hạ chủ nhân thay y phục trong kiệu. Lúc mà mọi người đang vội vàng thì một thanh âm vang dội đột nhiên từ xa truyền đến, người nọ đang niệm Đạo Đức Kinh.

“Là ai?” Thị vệ đề phòng nhìn về phía âm thanh truyền đến, núi Tần An này đã bị thị vệ bao vây, theo lý là không nên có người xuất hiện ở đây mới phải.

Dưới ánh mắt phòng bị của bọn thị vệ, một đạo nhân hạc phát đồng nhan [4], cốt cách như tiên đột nhiên từ trong rừng đi ra. Núi rừng cỏ cây tươi tốt nhưng mỗi một bước chân của hắn đều vô cùng vững chắc.

[4] Hạc phát đồng nhan (鶴發童顏): tóc bạc mặt hồng hào; già nhưng vẫn tráng kiện.

Người này đột nhiên xuất hiện, khoảnh khắc nhìn thấy hắn, trong lòng mọi người đều xuất hiện hai chữ “Cao nhân”.

Tần Dục kinh ngạc nhướng mày, người này… Là Thanh Vân đạo trưởng vốn dĩ hai năm sau mới xuất hiện.
alt
Trúc Mã Bá Đạo Cưới Trước Yêu Sau
Ngôn tình Sắc, Sủng, Đô Thị
Đàn Anh Cứ Muốn Tôi
Sắc, Sủng, Nữ Cường, Nam Cường
Hắn Như Lửa
Ngôn tình Sắc, Sủng, Tổng Tài
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc