Dọc đường đi, trong lòng tôi nóng như nung như đốt, chỉ sợ mình về chậm một bước, chỉ sợ Tây Lương cũng bị Lí Thừa Ngân thảm sát giống như lũ chúng từng làm với Đột Quyết. Tôi và A Độ gấp rút lên đường ngay trong gió tuyết, cả chặng đường trải qua bao nhiêu cơ cực, cuối cùng đã chạm mặt Vương thành Tây Lương.
Thấy thành quách vẫn trong cảnh bình yên vô sự, tôi bất giác thở phào nhẹ nhõm. Cổng thành vẫn mở toang như thường lệ, tiết trời sắp vào đông, đội buôn thưa dần, lính gác co mình dưới tấm áo da dê, núp trong cổng tò vò đánh giấc gà gật. Tôi và A Độ âm thầm tiến vào Vương thành.
Trong tiết se lạnh của đêm cuối thu, cung điện hiển hiện trong nét thân thương mà trang nghiêm, tôi không đánh động lính gác, mà tiến thẳng vào vương cung qua lối cổng nhỏ. Vương cung của Tây Lương thực ra chỉ có vài ngàn quân canh giữ, phòng thủ lại rất lỏng lẻo, suy cho cùng, Tây Lương chẳng gây thù địch với bất kì ai, khách vãng lai toàn là dân buôn bán. Nói đến Vương cung, thực chất canh phòng còn chẳng nghiêm ngặt bằng phủ đô hộ An Tây. Trước đây, tôi thường lén ra khỏi vương cung bằng đằng cửa nhỏ, ở ngoài chơi chán rồi lại về lối ấy, chưa một lần bị bại lộ.
Cả tòa cung điện dường như chìm trong giấc ngủ say, tôi dẫn A Độ về phòng mình, bên trong lặng như tờ, tịch không bóng người. Tiết trời buốt lạnh, A Độ cóng đến độ mặt mày trắng bệch, tôi lấy một tấm áo da choàng cho A Độ, ủng đi nhiều cũng mòn, thủng lỗ hở cả ngón chân. Tôi lại tìm 2 đôi ủng mới để đi, giờ thì ấm rồi nhé.
Tôi chạy men theo hành lang về phía tẩm điện của mẹ, chỉ mong sớm được gặp mẹ.
Đằng tẩm điện không châm đèn, nhưng trong cung có đốt lò, nỉ trải sàn cũng đặt đến vài chậu sưởi to, tôi trông cha đang ngồi trước lò sưởi, dường như người đang cúi đầu.
Tôi khe khẽ gọi: “Cha ơi.”
Bóng lưng cha giật thót, cha từ từ quay lại, nhìn tôi, mắt cha đỏ quạch: “Con gái, con đã bỏ đi nơi nao?”
Trước kia, tôi chưa từng chứng kiến cha mình dưới dáng vẻ này, vành mắt tôi thế mà đã cay cay, dễ chừng bao nhiêu tủi thân trong lòng bấy lâu nay đều vỡ òa chực theo khóe mắt mà tuôn. Tôi kéo tay áo cha hỏi: “Cha ơi, mẹ đâu ạ?”
Mắt cha chỉ càng hoen đỏ, tiếng người nghèn nghẹn phát ra từ mũi, cha bảo: “Con gái ơi, mau chạy đi, con mau trốn đi.”
Tôi ngớ người nhìn cha, A Độ đã bật dậy tuốt đao. Bốn bề bỗng nhiên dậy đèn, vô số lính cầm đèn lồng bó đuốc xộc vào, kẻ dẫn đầu nom rất quen mặt, gã chính là sứ thần mà Trung Nguyên phái đến Tây Lương cầu thân, giờ đây gã vênh váo ra vẻ ta đây, như 1 con gà trống hiếu thắng thủng thẳng từng bước tiến vào. Gã nhìn cha tôi, cũng chẳng buồn quỳ xuống vái chào, mà hống hách bảo rằng: “Tây Lương vương, Công Chúa đã về đây rồi, đương nhiên đã đến lúc phải thực thị hôn ước giữa hai nước, giờ thì ngài không thể kiếm cớ đùn đẩy được nữa rồi.”
Chợt nước mắt trên gương mặt cha nhỏ dài, đấy là lần đầu tiên tôi thấy cha mình khóc, bỗng nhiên tôi rùng mình, thoắt cái cha tuốt đao bên thắt lưng, chỉ thẳng vào lũ người Trung Nguyên, giọng khàn khàn âm u, cha bảo: “Lũ Trung Nguyên này, con ơi, con nhìn bọn Trung Nguyên này đi, chính chúng nó đã dồn mẹ con vào chỗ chết. Chính chúng nó ép Tây Lương chúng ta, bắt ta phải giao mẹ con cho chúng, mẹ con không cam tâm chịu nhục, bà ấy đã dùng đao tự vẫn ngay chính trong vương cung này. Lũ chúng nó… lũ chúng nó còn dám xộc vào vương cung, mục sở thị bằng được xác mẹ con chúng nó mới thỏa lòng….Lũ hung thủ bọn nó! Chính tay chúng nó đã sát hại mẹ con…”
Giọng cha dường như một lời nguyền rủa rì rầm, vo vo vang vọng giữa chốn vương cung, còn tôi thì như bị giáng cho một cú nặng nề, thụt lùi về phía sau. Cha rạch má chính mình, máu tươi đầm đìa khuôn mặt, người vung đao về về phía sứ tiết Trung Nguyên đang đứng. Thế người dũng mãnh như sư tử, lũ Trung Nguyên ấy vội vàng tản ra bốn phía, một tiếng động nghẹn thở vang lên, đầu gã sứ thần đã bị người chém rụng. Cha gạt đao, thở dốc nặng trĩu, binh lính Trung nguyên đã thắt vòng vây hãm, có kẻ gào: “Tây Lương vương, ngài giết sứ thần Trung Nguyên, chẳng lẽ định tạo phản sao?”
Mẹ! Mẹ tôi! Tôi bươn bả suốt muôn ngàn đắng cay trở về đây, thế mà không thể gặp đượcmẹ nữa rồi..
Toàn thân run rẩy, tôi chỉ lũ chúng, rít giọng quát: “Lí Thừa Ngân đâu? Hắn đâu? Hắn trốn đâu rồi?”
Không một kẻ nào cho tôi câu trả lời, có kẻ bước ra từ đám người, nom ăn vận có vẻ như tướng quân Trung Nguyên. Gã nhìn tôi, nói: “Bẩm Công Chúa, Tây Lương vương trong lúc thần trí không ổn định đã ngộ sát sứ tiết Trung Nguyên, đợi đến lúc yết kiến điện hạ, thần sẽ bẩm báo lên người nhằm làm sáng tỏ sự việc. Mong Công Chúa giữ thái độ bình tĩnh, tránh làm ảnh hưởng đến thể diện hai nước.”
Tôi nhận ra gã tướng quân này, lúc đuổi theo tôi và A Độ trên thảo nguyên, chính gã đã tước đao khỏi tay A Độ, hơn nữa còn bắt tôi về doanh trại của đại quân Trung Nguyên. Võ công của gã hẳn rất cao siêu, chắc chắn tôi và gã không phải đối thủ. Lần trước tôi trốn được khỏi đại doanh Trung Nguyên cũng bởi có sư phụ, giờ vắng mặt sư phụ, ai có thể cứu tôi đây?
Tôi nói: “Ta muốn gặp Lí Thừa Ngân.”
Gã tướng quân Trung Nguyên đáp rằng: “Tây Lương vương đã hứa gả Công Chúa cho Thái Tử điện hạ, nhằm kết mối thâm giao giữa hai nước. Mà Thái Tử điện hại cũng có thành ý, đích thân người hạ giá đến Tây Vực rước Công Chúa về. Rồi sẽ đến lúc Công Chúa được yết kiến Điện hạ thôi, hà tất phải nhất thời nôn nóng?”
Tôi trơ mắt căm tức nhìn toán binh lính đang siết chặt vòng vây, cha vung đao ngang dọc, song cuối cùng vẫn bị chúng chế ngự. Vương cung xảy ra chuyện lớn là thế, mà không một vệ binh nào đến xem xét, chứng tỏ cả tòa vương thành này từ trong ra ngoài, từ lâu đã bị người Trung Nguyên kiểm soát. Cha bị bọn chúng đè sấp xuống đất, người vẫn lớn tiếng chửi như tát nước. Lồng ngực tôi nóng sùng sục như chảo dầu sôi, sự giày vò đè át lục phủ ngũ tạng, dợm xông lên, thì lũ chúng đã kề đao ngay cổ cha, chỉ cần tôi ho he làm xằng làm bậy gì đó, không biết chừng chúng sẽ giết người ngay tức khắc. Người Trung Nguyên vẫn bảo chúng tôi là lũ man rợ, thế mà chúng giết người còn hung ác hơn cả chúng tôi, tàn bạo hơn hẳn chúng tôi. Khi nước mắt tôi đã mặc sức rơi, gã tướng quân nọ cất lời: ‘Công Chúa, xin người khuyên Vương Thượng vài câu, chớ để ngài tự làm thương chính mình.” Vậy mà mọi âm thanh đều tắc nghẽn ngay cuống họng, có người nắm cánh tay tôi, là A Độ, những ngón tay nàng ấy mát lạnh chìa ra làm chỗ dựa cuối cùng cho tôi, tôi nhìn nàng ấy, đôi mắt đen láy đổ bóng hình mình, trong ánh mắt đong đầy nôn nóng sốt ruột. Tôi hiểu, chỉ cần tôi nói 1 câu thôi, nàng ấy sẽ chẳng do dự, liều mạng xông pha vì tôi. Song, hà cớ gì? Hà có gì lại còn liên lụy đến cả A Độ? Đột Quyết diệt vong, Tây Lương thì rơi vào tay Trung Nguyên, tôi bảo: “Cấm các ngươi đụng vào cha ta, ta theo các người là được chứ gì.”
Cha quả thực đã trở nên lẩm cẩm, nghe nói từ khi mẹ qua đời cha đã thế, có lúc tỉnh táo, có lúc như trong trạng thái mơ hồ. Khi nào minh mẫn, cha lại đòi đánh giết bọn Trung Nguyên, còn lúc lú lẫn, tựa làm những chuyện chưa từng thấy bao giờ. Tôi nghĩ thà rằng cha cứ mãi hồ đồ, mẹ qua đời, trái tim cha cũng chết theo. Các anh trai đã bị giam lỏng, đàn bà con gái trong cung thì hoang mang, lo sợ không yên, còn tôi, tôi vẫn dằn lòng mình.
Thù còn đó, sao mình có thể dễ dàng chết được?
Tôi tiếp nhận chiếu thư của Trung Nguyên, quyết định lấy Lí Thừa Ngân. Trung Nguyên vừa mới bình định Đột Quyết, bọn chúng gấp rút nâng đỡ thế lực mới ngay tại Tây Vực, hòng tránh Nguyệt Thị dàn trải lớn mạnh. Đột Quyết vừa diệt vong, các bộ tộc Tây Vực càng thêm phần hỗn loạn, Hoàng Đế Trung Nguyên hạ chiếu sắc phong Phụ Vương tôi làm Định Tây Khả Hãn, tước hiệu ấy tôn quý không gì sánh được. Lẽ đó mà Nguyệt Thị hết sức không vui, bọn chúng liên quân với Trung Nguyên đánh bại Đột Quyết, thoạt đầu mơ nuốt gọn cả vùng lãnh thổ rộng lớn của Đột Quyết, thế mà Tây Lương lại sắp làm thông gia với Trung Nguyên, các nước chư hầu Tây Vực trước kia ngầm tôn vinh Đột Quyết như 1 nước đứng đầu, nay quay sang tuyệt đối phục tùng có mình Tây Lương.
Khoác lên mình tấm áo cưới đỏ rực mà Trung Nguyên đưa đến, tôi theo đoàn quân hộ tống của Trung Nguyên chầm chầm tiến dần về đằng Đông.
Mãi đến khi chạm chân núi Thiên Hằng, tôi mới được gặp Lí Thừa Ngân. Đáng lẽ, theo phép tắc của Trung Nguyên, vợ chồng chưa cưới không được phép gặp mặt trước lễ thành thân, thế nhưng thực chất chúng tôi đã quen biết từ lâu, vả lại giờ đang trên đường hành quân, mọi việc đều có thể liệu cơm gắp mắm, thế nên sau nhiều bận tôi đòi gặp, cuối cùng Lí Thừa Ngân cũng đến trướng tôi. Tôi tớ lui ra ngoài từ lâu, trong trướng chỉ còn lại có 2 người.
Tôi ngồi trên thảm nỉ, hồi lâu vẫn không cất lời. Cho đến khi hắn trở gót quay lưng, tôi mới nói: “Chàng đồng ý với ta 1 chuyện, ta sẽ cam tâm tình nguyện lấy chàng.”
Lưng vẫn xoay về phía tôi, hắn chỉ hỏi: “Chuyện gì?”
“Chàng gom cho ta 100 con đom đóm.”
Bóng hắn cứng đờ, sau cùng mới chậm rãi xoay người nhìn tôi. Thậm chí lúc đó tôi đã cười: “Cố Tiểu Ngũ, chàng bằng lòng vậy không?”
Đôi mắt ấy vẹn nguyên ánh nhìn như một buổi tối nọ bên bờ sông, thế nhưng chẳng còn nữa sự ôn tồn, mọi thứ xưa kia rặt phỉnh lừa huyễn hoặc, lòng tôi đã biết từ lâu. Còn hắn thì sao? Bấy lâu nay diễn kịch, dễ chừng cũng thấy mệt mỏi rồi chăng.
“Trời đã vào đông rồi, không có đom đóm nữa.” Cuối cùng, hắn mở lời, giọng bỉnh thản như chưa từng có sóng gió, “Trung Nguyên rất vui, có đóm đóm, có chim nhỏ xinh xẻo, có rất nhiều loài hoa đẹp, phòng cũng khéo bày, rồi nàng sẽ thích Trung Nguyên.”
Tôi chăm chăm nhìn hắn, mà hắn lại né tránh cái nhìn của tôi.
Tôi hỏi: “Chàng đã bao giờ thật lòng thích ta chưa? Dù chỉ chút cỏn con thật lòng?”
Hắn không đáp lời, thẳng tay vén mành rồi cứ thế rảo bước khỏi lều.
Tuyết theo gió thốc vào, gió gợn hơi lửa ảm đạm nơi chậu sưởi đặt sẵn trong lều, lửa bập bùng, thoáng đó lại tắt. Trời vào đông dậy cơn buốt cóng thế đấy.
Tôi và A Độ bỏ trốn lúc nửa đêm, Lí Thừa Ngân đích thân dẫn ba ngàn kỵ binh truy đuổi, chúng tôi bỏ chạy vào núi, thế mà chúng vẫn theo sát nút ngay sau lưng.
Tầm tảng sáng, tôi và A Độ leo lên một vách núi cao và dốc.
Ẩn náu lâu ngày trên núi, chúng tôi thường xuyên gặp phải lũ sói. Từ ngày vua sói bị bắn chết, lũ sói mất đầu đàn, lâm vào cảnh giao tranh kịch liệt. Mỗi bận đụng độ đàn sói, chúng chỉ lo cắn xé lẫn nhau, hoàn toàn không còn gây hấn với loài người, tôi nghĩ có thể Trung Nguyên đã dùng cách này đối phó với Tây Vực. Bọn chúng tiêu diệt Đột Quyết, cũng như giết đi con sói đầu đàn, thế rồi những bộ tộc còn lại sẽ lao vào giành giật lẫn nhau, chém giết cùng nội chiến liên miên…Sẽ chẳng còn bộ tộc nào nhăm nhe Trung Nguyên nữa, tất cả có khác gì bầy sói kia, họ chỉ lo tàn sát đồng loại, tranh đoạt ngôi vị vua sói, đâu còn là mối nguy hại với con người nữa.
Tiếng áo quần no gió chà vào nhau nghe phần phật, tôi đứng bên vách đá, gió sương quất đến độ khó mở nổi mắt. Nếu như reo mình xuống từ đây, rồi chăng thảy những buồn đau sẽ như vết khói mờ loãng dần trong hư vô.
Lí Thừa Ngân đã bắt kịp tới nơi, tôi giật lùi phía sau một bước, tướng quân dẫn binh phe Trung Nguyên lo tôi nhảy thật, tôi nghe tiếng hắn nói: “Bẩm Điện hạ, xin người cho phép thần lên khuyên Công Chúa.”
Suốt chặng đường hành quân, tôi cũng hiểu sơ sơ vài câu Trung Nguyên, tôi còn biết vị tướng quân người Trung Nguyên này họ Bùi, và còn là đại tướng mà Lí Thừa Ngân tin tưởng nhất. Thế nhưng giờ đây, ngay cả Bùi tướng quân cũng không khuyên nổi Lí Thừa Ngân, tôi nom Lí Thừa Ngân phất cương xuống ngựa, leo thẳng lên vách đá.
Tôi cũng không cản hắn, chỉ lặng lẽ dõi theo hắn trèo lên vách đá. Gió reo như tiếng nức nở, mây mù lượn ngang khe núi, chẳng biết rốt cuộc vực sâu chừng là bao. Hắn đứng bên bờ vực, hơi thở dồn sau cả chặng đường vội vã. Tôi chỉ xuống vực sâu, hỏi: “Chàng biết dưới đấy là gì không?”
Chừng như gió tuyết giật đùng đùng làm lộ vẻ nhợt nhạt trên khuôn mặt hắn, gió thốc hạt tuyết quất vào mặt ran rát. Tôi vuốt nước bám trên mặt, rất có thể hắn không biết nên nói gì với tôi, thế nên chỉ lẳng lặng làm thinh. Tôi nói với hắn: “Dưới đó có sông Quên.”
“Nước sông Quên, đặng quên tình… Ở Tây Vực có 1 truyền thuyết, có lẽ xưa nay chàng chưa từng nghe, truyền thuyết kể chỉ cần nhảy xuống sông Quên, là con người ta sẽ quên đi tất cả phiền muộn chốn nhân gian, thay da đổi thịt, làm lại cuộc đời. Thần kì lắm, vậy nhưng thánh thần lại có sức mạnh như thế đấy, nước thần sẽ rũ sạch đau khổ trên thân chúng ta, nước thần cũng cho phép chúng ta quên đi muộn phiền, song trước nay chưa một ai có thể sống sót trở về từ sông Quên, sự quan tâm của thần thánh, nhiều khi rất đỗi tàn nhẫn… Chàng lấy anh em của ta ra uy hiếp ta, ta buộc phải đồng ý lấy chàng.” Thậm chí tôi đã cười với hắn, “Ngặt nỗi, muốn sống muốn chết, chính ta mới là người quyết định.”
Hắn nhìn tôi chăm chăm, đoạn bảo: “Nếu như nàng dám manh động, ta sẽ mai táng cả Tây Lương theo nàng.”
“Điện hạ sẽ không làm vậy đâu.” Tôi bình thản nói, đấy là lần đầu tiên tôi gọi hắn là điện hạ, mà có lẽ cũng là lần sau cùng, “Điện hạ có chí lớn muốn bình định Tây Vực, thống nhất thiên hạ, chẳng sự nào bì được với sự nghiệp muôn đời hưng thịnh của Điện hạ. Đột Quyết vừa ổn định xong, Nguyệt Thị đương hùng mạnh, Điện hạ vẫn cần Tây Lương để giữ chân Nguyệt Thị, mà cũng cần Tây Lương để tỏ rõ tấm lòng của Điện hạ cho các nước khác xem. Điện hạ dùng thủ đoạn nham hiểm dẹp yên Đột Quyết, nhưng lại mở tấm lòng từ bi hòng vỗ về Tây Lương. Thái Tử thiên triều cao quý mà lại hạ mình cưới một cô công chúa Tây Lương man di về làm chính phi ư, các nước chư hầu Tây Vực hẳn sẽ bị Điện hạ làm lay động mất thôi.” Tôi giễu hắn bằng cái nhìn mỉa mai, “Nếu như Điện hạ tàn sát cả Tây Lương, những thứ mất đi không chỉ có mình Tây Lương bé cỏn con đâu, mà còn có tất thảy những gì chàng vất vả tốn sức bấy lâu nay.”
Lí Thừa Ngân nghe tôi nói thế, sắc mặt hơi đổi khác, cuối cùng hắn không cưỡng được mình tiến lên một bước, tôi lại lùi phía sau một bước. Bàn chân đã chạm vào trống rỗng hư không, gió vách núi lay tôi chực đứng không yên, đong đưa như thể sẽ rơi xuống bất cứ lúc nào, gió vẫn giật áo quần bay phần phật, gấu tay áo như một lưỡi dao mỏng dính, không ngừng quẹt trên cánh tay. Hắn không còn dám dồn ép nữa, tôi bảo hắn rằng: “Trước kia ta nhìn lầm chàng, giờ đây mới sinh ra nước mất nhà tan, là trời phạt ta phải chịu nỗi này.” Tôi nhấn từng chữ nói: “Muôn đời muôn kiếp, rồi mãi mãi về sau ta sẽ quên được chàng!”
Lí Thừa Ngân kinh hãi, vươn người toan túm lấy tôi, thế nhưng chỉ giữ được ống tay áo. Tôi giơ tay trái, lưỡi dao sắc lẹm trên tay cắt xẹt cánh tay áo, nửa người tôi đã lơ lửng giữa không trung, Lí Thừa Ngân ứng biến rất nhanh, dải dây lưng rút ra, vươn dài như chiếc roi xoắn lấy thân tôi, treo tôi lưng chừng vực sâu. Dải dây ấy ngày hôm đó chính tôi thắt cho chàng, dải dây lưng của tân nương ngày cưới vốn nạm chi chít san hô và ngọc trai…
Tôi từng khao khát thứ hạnh phúc bền lâu đến đầu bạc răng long, tôi từng tưởng thế là vĩnh hằng, tôi từng ngỡ, chính thánh thần se duyên cho tôi yêu con người này… Trước lúc chàng rời đám cưới lên đường ra trận, tôi từng tự tay thắt chiếc dây lưng ấy lên người chàng, lòng nhủ thầm vô vàn những yêu thương cùng lòng cảm mến, mong sao chàng sẽ bình yên trở về, rồi cũng chính tay chàng thắt cho tôi dây lưng của mình… đến lúc ấy, chúng tôi sẽ là một đôi vợ chồng dưới sự chứng giám của thánh thần…
Tôi vung con dao nhỏ trên tay, cắt lìa sợi dây, gió núi qua khe gập ghềnh, ngọc trai rỡ ràng lắc rắc tuôn rơi như là giọt mưa… tôi thấy rõ vẻ mặt chàng lúc ấy khổ sở đớn đau muôn vàn…
Tôi khẽ ngả mình ra sau, thế là cả người đã buông rơi. Nhiều kẻ đang hoảng sợ kêu gào, bao gồm gã Bùi tướng quân người Trung Nguyên kia, giọng hắn nghe kinh hãi hơn cả: “Điện hạ…”
Thảy những thứ trên vách đá thoáng chốc đã khuất khỏi tầm mắt, chỉ còn trông sắc trời trong veo…cứ ngỡ như gió nâng mây, thân mình trơn tuột qua những tầng sương mù, cơ thể quay cuồng, mặt lật úp chẳng còn thấy trời đâu, gió liên miên đâm chọc khiến mắt không tài nào hé được. A Độ kể cho tôi nghe dưới này chính là sông Quên, thế nhưng sông Quên sẽ thế nào? Là một cái đầm nước xanh biếc ư? Hay là cả 1 con sông sâu dư sức nuốt gọn con người vĩnh viễn… tuyệt vọng trống rỗng bủa vậy ngay thoáng chốc, tôi nhớ mẹ, ngẫm mình đi gặp mẹ thế này, hóa ra cũng hay thật. Tôi đã nản lỏng lắm rồi, trần đời này duy có mẹ là người yêu thương tôi nhất.
Bỗng có người nắm lấy tay tôi, gió ào ào lướt qua vành tai, người đó ôm tôi vào lòng, gió đưa chúng tôi lao xuống mỗi lúc một mau…. Chàng ôm tôi giữa vòng gió xoáy….nhiều lần toan chụp mỏm đá vách núi, nhưng chúng tôi rơi quá nhanh, đá vụn lả tả chung rơi cùng tôi và chàng, chẳng khác nào một chùm sao rơi rụng như mưa sa…. chẳng khác nào buổi tối hôm ấy ở ven sông, vô vàn đom đóm cất cánh vút bay từ ống tay áo, dường như có cơn mưa sao rực rỡ, soi tỏ khuôn mặt chàng và tôi… giữa đất trời này riêng có chàng đắm đuối nhìn tôi…
Đôi mắt ấy chỉ đong đầy bóng hình tôi..
Tôi có nằm mơ cũng nào từng nghĩ, chàng sẽ nhảy xuống chụp lấy tôi, tôi cứ ngỡ, xưa nay chàng chẳng hề có lấy mảy may thật lòng.
Chàng gọi: “Tiểu Phong!” gió lướt qua vành môi thổi bạt giọng chàng, nhẹ đến nỗi chẳng lọt vào tai. Tôi nghĩ, hẳn mình nghe nhầm rồi chăng, hoặc thoảng, tất cả vốn là ảo giác. Chàng tuyệt đối sẽ không nhảy xuống đâu, vì chàng là Lí Thừa Ngân, chứ nào phải Cố Tiểu Ngũ của tôi, Cố Tiểu Ngũ của tôi đã chết từ lâu lắm rồi, chàng đã bỏ mạng chính trong cái đêm quyết chiến với Nguyệt Thị và Trung Nguyên.
Chàng nói một câu bằng tiếng Trung Nguyên, tôi chẳng thể hiểu nổi.
Câu nói cuối cùng còn đọng lại trong hồi ức, mà có lẽ chàng đuổi theo tôi xuống tận đây chỉ để nói với tôi câu đó, rốt cuộc chàng đã nói gì, tôi cũng chẳng còn muốn biết nữa đâu… Tôi chỉ cảm thấy thanh thản mà bình tĩnh, tôi biết khoảnh khắc sau cùng, tôi không hề lẻ loi một mình…Thân thể nặng trĩu lẳng mình trong nước, nước xanh biếc vây hãm bốn bề, đau tựa ngàn nhát dao sắc lạnh xẻ dọc da thịt. Đành rằng vậy, tôi thả lòng buông xuôi mọi vật lộn, phó mặc thân mình lắng xuống đáy nước sâu, như đứa con trở về với mẹ, như bông hoa nhỏ xinh đáp xuống mặt đất, là một cõi đi về rất đỗi bình yên trong tôi, bấy lâu nay tôi vẫn luôn hiểu. .
“Nước sông Quên, đặng quên tình…”
…
“Có con cáo nhỏ ngồi trên cồn cát, ngồi trên cồn cát, ngắm nhìn ánh trăng. Ô….thì ra không phải nó đang ngắm trăng, mà đang đợi cô nương chăn cừu trở về…..Có con cáo nhỏ ngồi trên cồn cát, ngồi trên cồn cát, sưởi nắng…..Ô…. thì ra không phải nó đang sưởi nắng, mà đang đợi cô nương cưỡi ngựa đi qua…..”
“Khó nghe thế! Đổi bài khác đi!”
“Nhưng ta chỉ biết mỗi bài này…”
…
“Muôn đời muôn kiếp, rồi mãi mãi về sau ta sẽ quên được chàng!”
…
Trong ký ức có đốm sáng lập lòe lúc tỏ lúc mờ, dường như tấm màn bụi mù dày đặc dần nhạt phai, lộ ra cảnh bọt nước hư ảo. Và bỗng nhiên, tôi hấp hé mở mắt, sự vật rồi cũng rõ từng đường nét. Tôi thấy A Độ, nàng ấy ngay gần bên tôi, tôi thấy cả Vĩnh Nương, vành mắt bà ấy đỏ quạch, hơi hơi sưng.
Tôi thấy trên màn thêu hoa văn tinh xảo, tôi từ từ nhận ra, nơi đây là Đông Cung, là tẩm điện của mình.
Tôi tử từ thở ra hơi, cảm thấy mình như vừa nằm mơ một cơn ác mộng, trong cơn mộng gặp những điều đáng sợ: tôi bị thích khách bắt cóc, rồi gã thích khách nọ lại là Cố Kiếm, tôi đứng ở Thừa Thiên Môn, mắt đăm đăm nhìn lên thành lầu nơi Lí Thừa Ngân dang đứng…Và điều kinh khủng cuối cùng, tôi mơ thấy mình quen biết Lí Thừa Ngân từ lâu, chàng hóa thành Cố Tiểu Ngũ, chàng tàn sát Đột Quyết, giết ông ngoại, còn dồn mẹ tôi vào đường chết…Phụ Vương trở nên lẩn thẩn, mà tôi nhảy xuống sông Quên…cơn ác mộng ấy thật đáng sợ.. đáng sợ đến độ tôi không hề muốn nghĩ đến nữa…
May thay tất cả chỉ là ác mộng, tôi từ từ nắm chặt tay Vịnh Nương, cười với bà ấy, dợm bảo: “Ta đói lắm…”
Thế mà chẳng thốt nổi câu nào, cổ họng nhói đau, luồng khí trong cổ thoát ra ngoài, mà không bật thành tiếng. Tôi cuống cuồng dùng tay bóp cổ mình, Vĩnh Nương ứa nước mắt giữ tay tôi: “Thái Tử Phi chớ lo, Thái Y nói người bị ngạt khói, nên tạm thời cổ họng bị bỏng. Từ từ chữa sẽ khỏi thôi…”
Tôi nom A Độ, rồi lại nom Vĩnh Nương, cung nữ dâng một chén nước mát, Vĩnh Nương tự tay đút cho tôi, nước có vị ngọt và mùi man mát làm tôi thấy dễ chịu hơn, cơn đau họng chẳng mấy đã dịu xuống. Tôi nuốt hẳn ngụm lớn, Vĩnh Nương bảo: “Chậm thôi, chậm thôi… kẻo sặc…trời…mấy ngày rồi chẳng có giọt nước vào người…quả thực khiến nô tì lo xém chết…”
Mấy ngày?
Tôi đã ngủ mấy ngày rồi?
Tôi ra hiệu bảo lấy giấy bút, Vĩnh Nương sai người lấy hộ tôi, cung nữ dâng nghiên mực, tôi chấm mực, nhưng lúc hạ bút, bỗng dưng do dự.
Viết gì đây?
Tôi định hỏi gì đây? Hỏi Đột Quyết phải chăng đã diệt vong thật, hỏi Phụ Vương tôi, phải chăng bấy lâu nay đã thành người lẩn thẩn? Từ ngày đến Trung Nguyên, cha chưa từng phái người đến thăm tôi, trong khi ngày đêm tôi chỉ mong về Tây Lương, thế mà chẳng ai đến thăm hỏi. Trước kia thì tôi chẳng lấy làm lạ, trước kia tôi chỉ trách cha vô tình, giờ tôi mới biết, thì ra, Tây Lương của tôi từ lâu đã chỉ còn là giấc mộng hão huyền. Tôi tuyệt nhiên không dám hỏi A Độ, sao tôi dám đây, sao tôi dám hỏi Vĩnh Nương?
Mãi lâu tôi không hạ được bút.
Mực trên ngòi bút ngưng tụ bao lâu, cuối cùng nhỏ xuống “tóc” một tiếng đáp mình trên trang giấy, tóe lên một đốm mực.