Đào Kỳ đã có chủ trương trước, đi đâu chàng cũng thi ân bố đức cho dân, để gây tiếng tăm cho đất Lĩnh-nam. Đạo quân của chàng có 15 vạn, bây giờ thêm quân Thục đầu hàng nữa thành 20 vạn. Chàng tuyển nhân sĩ địa phương có tài có đức bổ làm huyện-úy, huyện-lệnh. Tính từ hôm rời Quế-lâm đến giờ, mới gần một tháng mà chàng đã chiếm được suốt một giải Tây-nam Ích-châu. Nhờ anh em họ Vương, chàng biết hét quân tình đất Thục. Chàng cử Vương Lộc đi với Nguyễn Nhân dò thám tin tức đạo quân Kim-sơn của Đinh Công-Thắng và Triệu Anh-Vũ.
Theo đề nghị của Vương Phúc, chàng dời tổng hành dinh lên Tây-xương, uy hiếp thành Việt-tây. Hôm qua thám mã về báo cho biết: Tại Thành-đô biết tin mất năm quận phía Nam bối rối vô cùng. Công-tôn Thuật ra lệnh cho con rể là Phan Hào giữ vững thành không được giao chiến. Vì vậy các thành Việt-tây, Mỹ-cơ không mở cửa, không biết tình hình bên trong như thế nào.
Hôm sau có tin Nam-hải nữ hiệp di bản doanh tới nơi. Đào Kỳ vội vàng cùng Thiều-Hoa ra ngoài đón. Nam-hải nữ hiệp nhìn chàng cười:
– Ta để hậu cứ cho Lương Hồng-Châu với Lê Ngọc Trinh coi. Ta vào đây trấn thủ phía sau để cháu tiến vào Thành-đô.
Thiều-Hoa giới thiệu anh em họ Vương với Nam-hải nữ hiệp. Bà cầm tay ba người nói:
– Ta không bảo cháu hàng Hán là đi vào con đường tốt. Nhưng ta thấy cháu có con mắt tinh đời giữa trận tiền kết bạn với Đào Kỳ, Thiều-Hoa mới là khí phách đại trượng phu. Ta nghe nói nội công của cháu âm dương điều hòa hơi giống nội công của ta. Vậy cháu thử đánh một chưởng để ta so sánh với võ công Sài-sơn xem thế nào.
Vương Phúc thấy Đào Kỳ cung kính một thiếu phụ trên 50 tuổi, dáng người mảnh khảnh, đẹp đẽ, thì cũng kính cẩn theo. Nhưng chàng không tin võ công bà ta bằng mình. Bà còn bảo chàng phóng chưởng để khảo hạch võ công mình. Lòng tự ái nổi dậy, chàng hít một hơi phóng một chiêu đánh vào người bà. Chàng sợ làm bà bị thương e Đào Kỳ buồn, nên chỉ phát có năm thành công lực. Nam-hải nữ hiệp đưa tay đỡ nhẹ nhàng. Bộp một cái, chưởng của Vương Phúc biến mất tăm mất tích. Hổ thẹn quá, chàng vận đủ mười thành công lực, phóng một chiêu cực kỳ vũ bão. Chưởng phong ào ào chụp vào người bà. Bà nhàn nhã đưa chưởng đỡ. Bộp một cái, chưởng của chàng lại mất tích lần nữa. Bà nói:
– Giỏi lắm! Chưởng của cháu cương nhu gồm đủ. Với tuổi này trên đời ít người bằng được.
Vương Phúc kinh ngạc, tự an ủi:
– Bà ở vai sư bá Đào Kỳ dĩ nhiên võ công phải cao cường rồi.
Đào Kỳ sai đặt tiệc đãi Nam-hải nữ hiệp. Tiệc nữa chừng, bà nói:
– Vùng Đức-xương gồm các thành Đức-xương, Độ-khẩu, Phổ-dịch, Phổ-khách và Tây-xương. Trước do Vương Phúc trấn nhậm, bây giờ ta cử Vương Thọ thống lĩnh. Chức mới của Vương Thọ là Bình-nam đại tướng quân. Cháu được toàn quyền trong vùng. Đợi chiếm xong Việt-tây, ta cử Vương Lộc làm trấn thủ. Còn Vương Phúc trấn thủ Long-xương. Như vậy nửa Ích-châu thuộc anh em Vương-gia quản lĩnh. Bây giờ chúng ta tiến quân đánh Mỹ-cơ trước, để bắt tay với Đinh Công-Thắng.
Vương Phúc thiết kế:
– Thành Mỹ-cơ nằm trên đỉnh núi. Phía trước có mười đồn nhỏ đóng bảo vệ. Các đồn nằm cạnh khe núi địa thế hiểm trở. Tướng giữ thành võ công tầm thường, nhưng mưu trí tuyệt vời, y tên Trần Thanh-Nhiên. Quân mã tổng số độ hơn một vạn. Trong thành lương thực đầy đủ, ăn đến ba năm mới hết. Chúng ta cần cho người lẻn vào làm nội ứng đánh úp thì mới thành công.
Đào Kỳ chắp tay nói:
– Xin Nam-hải sư bá cùng với sư tỷ Thiều-Hoa ở nhà điều khiển ba quân, cháu với Vương Phúc, Giao-long nữ thám thính Mỹ-cơ xem sự thể thế nào đã.
Giao-long nữ thấy việc gì Đào Kỳ cũng gọi mình thì thích lắm bèn lên ngựa cùng đi. Nàng hỏi Vương Phúc:
– Vương đại ca! Hôm trước đại ca kể rằng thân phụ là Nguyên soái của Ngỗi Hiêu. Công-tôn Thuật cử Triệu Khuôn đi cứu rồi chiếm mất đất, rồi đoạt quân binh và giết lão bá. Bây giờ đại ca đầu hàng Lĩnh-nam, chúng tôi sẽ giúp đại ca báo thù.
Vương Phúc chắp tay:
– Đa tạ sư muội trước. Bây giờ tôi đề nghị thế này. Chúng ta giả làm thợ săn đến Mỹ-cơ bắn thú rừng. Đào đại ca và Trần cô nương nói tiếng Tứ-xuyên không được rõ ràng, không cần lên tiếng, để cho tôi lo liệu mọi việc. Trước khi đến Mỹ-cơ phải qua rừng Kê-sơn, chúng ta vào đó săn thú, mang ra chợ bán. Ngựa chúng ta cỡi là chiến mã, dễ bị lộ, chúng ta phải đi bằng ngựa của dân.
Trần Quốc khen ngợi:
– Vương đại-ca quả thực là một tướng giỏi. Giá Công-tôn Thuật không phải là kẻ thù của đại-ca thì chúng tôi khó mà lấy được Độ-khẩu.
Câu nói của nàng đúng với ý nghĩ của Đào Kỳ. Ba người thay quần áo dân, lên ngựa đi. Trời mùa Đông, rừng núi thê lương hiu quạnh. Đến trưa thì tới rừng Kê-sơn. Vương Phúc dẫn hai người vào rừng. Chàng chỉ xuống suối:
– Về mùa này, rừng núi khô, ở đây có con suối thú vật thường đến đây uống nước. Chúng ta chỉ cần đi theo suối là có thú.
Hơn một giờ sau, ba người bắn được nào gà, nào trĩ, nào công hàng chục con. Đi một giờ nữa, thấy bên kia suối có một con nai mẹ đang uống nước với nai con. Trần Quốc giương cung định bắn, thì Vương Phúc cản lại:
– Cô nương, nếu cô nương bắn nai mẹ, thì nai con sẽ sống ra sao? Còn bắn chết con thì nai mẹ sẽ đau đớn mà chết. Thôi ta tha cho chúng.
Nguyên Vương Phúc mồ côi mẹ từ thuở còn thơ. Tuy chàng được một vương-phi của Công-tôn Thuật nuôi dưỡng coi chàng như con đẻ, mà lòng chàng luôn luôn nghĩ đến mẹ. Trí nhớ chàng trở về tuổi lên ba, không giúp chàng hình dung được khuôn mặt của mẹ như thế nào. Một mặt nhớ mẹ thương cha, một mặt chàng giả vờ quên dĩ vãng đi, vì sợ Công-tôn Thuật khám phá ra. Nay thấy mẹ con đôi nai nhởn nhơ uống nước, động tâm linh, chàng cản không cho Trần Quốc bắn chúng.
Trần Quốc cảm động:
– Vương đại-ca quả là người nhân từ hiếm có.
Đào Kỳ cũng nói:
– Đất Lĩnh-nam chúng tôi trọng nhất là người đạo đức, rồi mới tới tài. Bàn về võ công thì sư bá Nam-hải không phải là nhất, nhưng sư bá là người nhân từ, đạo đức nhất. Vì vậy khắp nơi đều kính trọng ngài. Như phái Tản-viên võ công cao nhất là Khất đại-phu, Lê Đạo-Sinh. Thế nhưng đại-phu được kính trọng tuyệt đối vì ngài đạo đức. Dưới ngài có Nhị Trưng, đạo đức, khiêm tốn, nên chúng tôi kính trọng như bậc trên vậy. Sau này gặp đội quân Kinh-châu, đại ca sẽ có dịp biết sư tỷ Trưng Nhị.
Vương Phúc nói:
– Từ hôm gặp Đào đại-ca đến giờ, tôi muốn hỏi một câu mà mãi hôm nay mới dám. Đó là tại sao ở Lĩnh-nam có nhiều phụ nữ giỏi như vậy?
Đào Kỳ nhìn Trần Quốc đáp:
– Phụ nữ ở đâu cũng vẫn là phụ nữ. Họ có đủ tính năng như đàn ông con trai. Tùy theo hoàn cảnh sinh sống, giáo dục, phát triển tài năng của họ. Lĩnh-nam khác Trung-nguyên. Trung-nguyên ảnh hưởng của Nho-giáo, nào là Nam tại ngoại, nữ tại nội, nào là Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Coi người phụ nữ như đầy tớ, không cho học hành, không cho làm việc lớn, thành ra họ không có khả năng phát triển. Người phụ nữ sinh ra, đã nghĩ đến phục tùng chồng, nghĩ đến hầu hạ chồng, nghĩ đến việc chui đầu vào, chổng đít ra ở bếp... Thông tuệ mòn đi thật đáng tiếc. Còn người phụ nữ Lĩnh-nam thì ngược lại, khi họ sinh ra đời, họ nghĩ họ cũng làm được những chuyện như đàn ông, tư tưởng phát triển mạnh. Chính phu nhân của tôi hiện là đệ nhất quân sư của Lĩnh-nam vương. Sư tỷ của tôi đường đường là Lĩnh-nam vương phi cao quý biết mấy, nhưng vẫn làm đại tướng xuất trận.
Bỗng Vương Phúc chỉ xuống suối:
– Kìa! Con gấu đen đang bơi. Nếu bắt sống thì bán được nhiều tiền lắm. Vùng này ít ai bẫy được gấu.
Trần Quốc cười khúc khích vẫy tay làm hiệu :
– Để tôi bắt sống !
Nói rồi nàng nhảy ùm xuống suối lặn mất. Con gấu vẫn bơi đằng xa có ngờ đâu Trần Quốc lặn dưới lòng suối bắt nó. Vèo một tiếng, sợi dây từ dưới nước vọt lên không, bay đến chụp vào cổ gấu. Con gấu thụp xuống suối lặn mất, sợi dây chụp vào khoảng không. Một khắc sau, từ dưới đáy suối, sóng cuồn cuộn nổi lên. Suối trong veo biến thành đục ngầu. Rồi Trần Quốc từ dưới nước vọt lên như con cá chép, đáp vào bờ. Tay nàng cầm sợi dây đưa cho Đào Kỳ :
– Anh Kỳ giúp em một tay.
Đào Kỳ cầm lấy sợi dây giật mạnh. Con gấu từ dưới lòng suối bay vọt lên không, từ từ rơi xuống cạnh Vương Phúc. Vương Phúc vung tay thành cầm nã thủ, túm cổ nó đè xuống. Trần Quốc reo lên chạy đến trói lại.
Đào Kỳ chặt cành cây làm đòn gánh, nói :
– Chúng ta khiêng ra chỗ cột ngựa chở đến Mỹ-cơ bán.
Bỗng có tiếng nói :
– Khoan ! Các người giỏi lắm, để con gấu lại, ta muốn mua.
Rồi có hai người phi ngựa đến. Vương Phúc nhận ra đó là Thái-thú Mỹ-cơ Trần Thanh-Nhiên và em y là Trần Thanh-Triết. Hai anh em y không nhận ra Vương Phúc, vì chàng đã hóa trang thành một người già, bôi đất vào mặt, da hóa ra vàng khè. Vương Phúc giả vờ không biết anh em họ Trần, hỏi :
– Chẳng hay các vị định mua con gấu này bao nhiêu tiền ?
Trần Thanh-Nhiên ngắm nghía con gấu đáp :
– Chà lông đẹp quá. Con gấu này già lắm rồi, thọ ít ra trăm tuổi rồi. Các người định bán bao nhiêu tiền ?
Vương Phúc chối :
– Chúng tôi không bán, định mang về lột da làm áo, lấy mật làm thuốc, nhưng nếu các vị trả giá cao tôi cũng bán. Xin các vị cho 20 lượng bạc.
Thực ra con gấu chỉ đáng giá 10 lượng. Vương Phúc đòi quá đi để anh em họ Trần không mua, chàng mới có cớ mang vào thành Mỹ-cơ. Không ngờ Trần Thanh-Triết đồng ý :
– Tôi trả 20 lượng, phiền các vị mang về thành Mỹ-cơ cho tôi.
Trần Thanh-Nhiên chợt nhớ ra điều gì hỏi :
– Vị cô nương này tuổi chưa tới 18 mà bơi lặn giỏi như thế, thật hiếm thấy trên thế gian. Cô lặn dưới suối đánh vật với gấu, cột được cổ nó.
Vương Phúc trả lời thay :
– Biểu muội tôi không tập võ, nhưng chúng tôi sống bằng nghề săn bắn từ nhỏ, tạo thành bản lĩnh bắt gấu dưới nước.
Trần Thanh-Nhiên bảo Vương Phúc :
– Các ngươi mang gấu về Mỹ-cơ, ta trả đủ 20 lương bạc.
Không dừng được Vương Phúc vẫy Đào Kỳ, Trần Quốc đi theo. Chàng cột gấu lên lưng một con ngựa, rồi cỡi chung ngựa với Đào Kỳ đi theo anh em họ Trần.
Ra tới đường, anh em họ Trần có thêm 20 kỵ binh theo hầu. Trần Quốc đi sát Đào Kỳ ra hiệu, ngụ ý hỏi có nên bắt sống anh em Trần Thanh-Nhiên không ? Đào Kỳ lắc đầu, tỏ ý chờ xem đã.
Hơn giờ sau tới thành Mỹ-cơ. Thành nằm trên ngọn đồi thoai thoải, dựa lưng vào dãy núi đá cao chót vót. Thác nước từ trên núi đá rót vào thành tạo thành tiếng kêu ào ào. Nước từ trong chảy ra ngoài thành hai con suối rộng. Nước suối trong xanh, chảy quanh lấy thành như một con rắn uốn khúc. Dọc theo suối 10 đồn binh xây bằng đá, ngoài có hàng rào bằng cọc gỗ. Anh em Trần Thanh-Nhiên đi lên sườn núi, binh sĩ trông thấy y, hành lễ theo quân cách.
Thành Mỹ-cơ không lớn, xây bằng đá, cao hơn mười trượng. Mặt thành rộng, thiết kỵ đi đi lại lại tuần tiễu nghiêm mật. Đào Kỳ thấy địa thế hiểm trở, đưa mắt nhìn Vương Phúc, nghĩ đến lời bàn của Phúc : Nếu không có nội ứng, thì không đánh được.
Đến dinh trấn thủ, Trần Thanh-Nhiên sai lấy bạc trả Vương Phúc. Y cầm bình rượu rót hai ly mời Vương Phúc, Đào Kỳ, nói :
– Duyên may gặp gỡ, trọn đời ta kính phục những tráng sĩ tài ba, nay gặp các vị xin cạn một ly gọi là duyên kỳ ngộ.
Vương Phúc, Đào Kỳ cầm ly uống liền. Đào Kỳ uống vào cảm thấy rượu có mùi vị khác lạ. Chàng nghĩ chưa ra mùi vị gì, thì thấy Vương Phúc loạng choạng, ôm đầu kêu lên :
– Rượu có thuốc độc.
Nội công Đào Kỳ cực thâm hậu, chàng vận khí mửa rượu ra, thì thấy đầu óc quay cuồng. Chàng nghiến răng vận đủ mười thành công lực, hướng Trần Thanh-Nhiên phát chưởng. Thanh-Nhiên kinh hoàng lăn tròn dưới đất tránh. Chưởng trúng vào cái sập gụ giữa nhà, bình một tiếng, cái sập gụ nặng nề bay khỏi phòng, văng ra giữa sân, rơi xuống vỡ làm mấy mảnh.
Trần Quốc quát lên, tấn công Trần Thanh-Triết. Chỉ ba chiêu y phải lùi ra ngoài sân.
Đám vệ sĩ Mỹ-cơ ào ào vây phủ. Trần Quốc đánh liền ba chưởng đẩy lui, rồi hướng ngọn suối ngoài cổng thành chạy ra. Trần Thanh-Triết hô vệ sĩ đuổi theo. Trần Quốc chạy đến cây cầu đứng lại nói lớn :
– Thôi đời ta hết rồi ! Ta tự tận cho xong.
Rồi nàng nhảy ùm xuống sông, lặn đi thật xa. Thấy bụi cây bên đường, nàng chui vào nhô đầu lên thở, hướng mắt nhìn lại cây cầu. Đám vệ sĩ đứng trên cầu một lúc không thấy Trần Quốc, chúng cho rằng nàng chết chìm. Trần Thanh-Nhiên quan sát một lúc lâu y mới nói :
– Dù y thị lặn giỏi đến đâu cũng phải ngóc đầu lên mà thở. Ta chờ một lúc xem sao ?
Y cho vệ sị đi dọc bờ sông trong khoảng trăm trượng, canh chừng xem Trần Quốc có trồi lên thở không.Trong khi đó nàng đã lặn xa đến hàng mấy trăm trượng. Tới khu rừng hoang nàng trồi đầu lên thở. Ngó trước ngó sau không thấy ai, nàng vọt một cái nhảy lên bờ như con cá chép, đứng lại nhìn thành Mỹ-cơ phía xa xa trên đồi. Nàng thầm nghĩ :
– Từ đây tới Tây-sương xa hàng trăm dặm, đồi núi âm u, ta làm thế nào về được? Mà ta không về báo tin, ở nhà không hiểu sự tình ra sao. Hay là ta tìm cách trở lại Mỹ-cơ cứu hai người ra?
Cuối cùng nàng tìm được một lối giải quyết:
– Trần Thanh-Nhiên bắt được hai người, tất thế nào cũng giải về Việt-tây cho Phan Hào phát lạc. Ta đón đường tìm cách cứu ra là ổn thỏa nhất.
Đã có chủ định, nàng tìm bụi cây, chui vào nằm ngủ một giấc. Khi tỉnh dậy trời đã về chiều, trong bụng đói, nàng tìm cành cây vót nhọn ra sông săn cá. Nhảy xuống nước thấy cá bơi từng đàn, nàng dùng cây xiên, mỗi lần xiên là một con. Chỉ lát sau nàng đã được hàng chục con. Đem cá lên tìm hốc đá, đốt củi, nướng ăn. Những con cá suối núi, béo ngậy thơm tho, giúp nàng một bữa ăn ngon miệng. Nàng nhìn về Mỹ-cơ thấy phía trước mấy đồn là con sông. Vương Phúc nói cho nàng biết đó là sông Tây-khê Trong lúc không tìm ra kế cứu Đào Kỳ, nàng nhớ lời Phương-Dung dặn:
– Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, cứ đặt mình là quân địch mình sẽ làm gì? Thì tự nhiên ước tính được tình hình. Bây giờ nếu nàng là Trần Thanh-Nhiên, nàng sẽ không giải Đào Kỳ, Vương Phúc bằng đường rừng tới Việt-tây, rất nguy hiểm, có thể sẽ bị quân thành Tây-xương cứu ra. Vậy thì Thanh-Nhiên sẽ ngược sông Tây-khê đến Nga-biên rồi quẹo sang Hán-nguyên. Đến Hán-nguyên là địa phận của Phan Hào.
Nghĩ như thế, nàng quyết định tìm cách về Mỹ-cơ, ẩn náu bên sông, xem chúng giải Đào Kỳ xuống thuyền nào, nàng sẽ tìm cách cứu ra. Nàng chuồn xuống nước trở về Mỹ-cơ, hai tay quay tròn, người trườn trong lòng sông như con Giao-long. Đến Mỹ-cơ nàng núp ở bụi cây bờ sông, nhìn sang đám thủy quân đứng cách đó không xa. Tất cả mười chiến thuyền lớn, hai mươi chiến thuyền nhỏ đậu thành hình chữ nhất rất nghiêm chỉnh.
Chờ đến khuya vẫn không thấy động tĩnh gì, nàng trồi lên bờ đi về phía thành Mỹ-cơ. Nàng men theo các bụi cây quanh thành, tới cửa Bắc thì có một nguồn suối chảy ào ào từ trong thành ra ngoài. Nàng lẩm bẩm:
– Thì ra thế thành này sở dĩ làm trên núi vì phía sau còn ngọn núi cao hơn, có thác nước dẫn vào, làm đường tiếp tế cho quân.
Quan sát kỹ thấy chỗ suối chảy ra có một vọng canh, mấy tên quân nói chuyện với nhau, sự canh phòng không mấy nghiêm mật lắm, nàng cười thầm.
– Nước chảy xiết thế này, thì cần gì phải canh phòng? Ai có thể vào thành bằng lối này được? Nhưng ta thì lại dễ dàng.
Nàng chui xuống suối lội ngược theo thác nước. Nước tuy chảy xiết nhưng nàng bám theo ghềnh đá mà đi. Chỉ lát sau đã vượt qua đoạn dài đến trăm trượng. Trong thành nước chảy êm hơn bên ngoài, nàng lội một quãng nữa chỗi dậy nhìn: Nàng đang ở trong cái hồ trên đỉnh núi. Phía trên hồ là thác nước từ trên cao đổ xuống. Phía dưới hồ là thác nước chảy ra ngoài thành. Vọt lên bờ hồ, đứng nhìn địa thế, nàng tìm ra dinh Thái-thú nơi Đào Kỳ, Vương Phúc bị bắt. Hướng chỗ có ánh sáng chiếu ra, nàng lặn tới. Bên ngoài dinh thự có thiết kỵ đi lại tuần hành nghiêm ngặt. Nàng vòng ra phía sau dinh, lén vào bên trong một căn nhà có khói bốc lên, thì ra đó là nhà bếp. Ngó trước, ngó sau không có ai, nàng vọt qua cửa sổ vào bếp. Trong nhà bếp có hai người thị nữ đang làm việc cùng với ba người đầu bếp. Một thị nữ nói:
– Hôm nay Trần tướng quân bắt được Bình-nam vương và một tên giặc, ngài ăn mừng. Sáng mai sẽ giải về Nga-biên. Hai người này được ngài cho ăn uống tử tế gớm!
Một đầu bếp nói:
– Không hiểu sao Bình-nam vương lại phản hoàng-thượng theo giặc?
Thị nữ ra bộ biết nhiều hơn:
– Tôi nghe thẩm vấn mới biết rằng Bình-nam vương không phải là con đẻ của hoàng-thượng. Trước đây hoàng-thượng là sư huynh của Vương Nguyên. Vương Nguyên theo Ngỗi Hiêu, được phong làm Nguyên-soái. Khi Ngỗi Hiêu bị Hán đánh thua, hoàng-thượng cử Lũng-tây vương Triệu Khuôn đi cứu. Không hiểu sau đó sự thể thế nào, Lũng-tây vương chiếm hết đất của Ngỗi Hiêu. Vương Nguyên bỏ đi mất tích. Lúc Vương Nguyên theo Ngỗi Hiêu thì ba người con bơ vơ, được hoàng-thượng đem về nuôi dưỡng phong tước vương, thế mà lại phản hoàng-thượng.
– Thế còn tên giặc đi theo?
– Bình-nam vương khai rằng y là tên quân hầu, theo dò thám mà thôi. Sáng nay còn một đứa con gái cùng đi theo. Bình-nam vương khai rằng y thị là vợ của ngài. Y thị nhảy xuống sông tự tử rồi.
Trần Quốc nghe vậy mặt nóng bừng lên. Tuy nàng biết Vương Phúc khai láo để đánh lừa Trần Thanh-Nhiên, nhưng nàng cũng cảm thấy ngượng ngập. Nói chuyện một lúc, người tỳ nữ chạy ra ngoài dường như tìm chỗ đi tiểu. Nàng vội theo bén gót, quả nhiên tới gốc cây, y thị ngồi xuống. Trần Quốc nhảy vèo đến bịt miệng, dí dao vào cổ y thị:
– Im mồm! Nếu la một tiếng, tao cắt đầu.
Nàng bắt thị nữ đi vào phòng gần đó, xé vạt áo nhét giẻ vào miệng, lấy dây lưng trói lại, rồi lột quần áo mặc vào. Nàng thản nhiên đi lên sảnh đường, đứng ngoài ghé mắt nhìn vào thấy hai anh em Trần Thanh-Nhiên đang bàn truyện, cùng với một người đàn bà tao nhã, xinh đẹp. Trần Thanh-Nhiên nói:
– Phu nhân, ngày mai tôi sẽ giải Vương Phúc với tên quan binh Hán về Hán-nguyên. Tôi nghe hoàng-thượng bí mật đến duyệt xét quân tình, vậy phu nhân nên đi gặp Hổ-oai đại tướng-quân, nhờ người dọ ý hoàng-thượng xem thế nào đã. Nếu hoàng-thượng nổi giận Vương Phúc thì tôi giải y về. Còn hoàng-thượng vẫn sủng ái y, thì tôi thả y đầu hàng Hán.
Ngừng một lát, y thở dài đáp:
– Bỗng dưng tôi gặp đại nạn. Vương Phúc đến dò thám Mỹ-cơ, tôi biết mà không bắt thì y đánh thành, tất tôi bị giết. Mà bắt y thì không biết giải quyết ra sao. Giao về hoàng-thượng, nếu mà hoàng-thượng giết y, thì tôi khó yên được với thái-hậu. Còn hoàng-thượng tha y, thì tôi cũng khó sống với y. Trăm sự tôi nhờ phu nhân lo liệu giùm, làm sao cho ổn.
Người đàn bà đó là vợ Thanh-Nhiên. Trần Thanh-Nhiên xuất thân võ không cao, văn không giỏi, nhưng nhờ cơ duyên mà trờ thành tướng trấn thủ một vùng. Vợ y là con nhà danh gia. Thị có hai chị em. Người chị lấy Nguyễn Bình, lĩnh Hổ-oai đại tướng quân cho Công-tôn Thuật. Người em lấy Thanh-Nhiên. Nhiên là Vũ-vệ hiệu-úy trong cung không ai biết đến. Vì vợ y xinh đẹp lọt vào mắt Nguyễn Bình. Thế là bề ngoài là vợ Thanh-Nhiên, bề trong là tình nhân của anh rể. Trần Thanh-Nhiên biết thế, y lờ đi, để cho vợ tằng tịu với anh rể hầu mưu cầu danh lợi. Từ một chức hiệu-úy, trở thành huyện-úy, rồi huyện-lệnh. Cuối cùng y leo lên đến chức thái-thú. Nguyễn Bình giữ chức Hổ-oai đại tướng quân, chỉ huy tất cả bọn thị vệ trong cung, y lại là em ruột Hoàng-hậu Công-tôn Thuật. Y có rất nhiều thế lực.
Trần Thanh-Nhiên bảo quân hầu:
– Ngươi dẫn tội nhân ra đây!
Quân hầu đi một lát, thì dẫn Vương Phúc, Đào Kỳ đem tới. Thanh-Nhiên chắp tay vái Vương Phúc:
– Bình-nam vương-gia! Chắc vương-gia đang tự hỏi tại sao tiểu nhân biết vương-gia mà ra tay phải không? Vương-gia ơi! Có gì đâu, tôi quen mặt vương-gia quá rồi, dù vương-gia có hóa trang khác đi đôi chút, nhưng tôi vẫn nhận ra. Vì suốt thành Mỹ-cơ này, những người thợ săn đều phải làm tế-tác cho tôi, tôi biết mặt hết. Nay tự nhiên thấy vương-gia đi cùng với một thiếu niên, một thiếu nữ thì biết là tế-tác Hán. Cho nên vương-gia đòi con gấu 20 lượng bạc, tôi vẫn mua là thế. Tôi biết vương-gia võ công cao cường, không thể dùng võ bắt, mà phải dùng thuốc mê. Tôi mời vương-gia ở đây, ngày mai đưa về Hán-nguyên để hoàng-thượng xử lý. Không biết thái-hậu có cứu được vương-gia hay không?.
Vương Phúc cười gằn:
– Ta khen ngươi tinh tế, xứng đáng là thái-thú. Nếu ta là Phan Hào, ta sẽ ban thưởng cho ngươi.
Trần Thanh-Nhiên cười nhạt:
– Người ta bảo hoàng-thượng có ba người con nuôi anh hùng quả thật không sai. Vương-gia bị ta bắt mà vẫn khẳng khái, đó là Dũng, ta dùng mưu bắt người, không oán còn khen ta, đó là Lược. Biết đầu Hán để giữ địa vị, đó là Mưu. Dù làm Bình-nam vương vẫn không quên thù cha, đó là Hiếu. Nhưng Vương-gia ơi, tại sao Vương-gia lại hàng Hán?
Vương Phúc thở dài:
– Mỗi người một chí, ngươi như con ếch nằm đáy giếng thì biết gì mà hỏi ta. Thôi ngươi mau đem ta chém đi cho rồi. Còn ngươi không dám giết ta, thì liệu mà đầu hàng. Trần Thanh-Nhiên! Ta khuyên ngươi đầu Hán, chức vụ thái-thú chỉ có thăng chứ không có giảm đâu. Ngươi nghe lời ta đi. Còn nay ngươi giải ta cho Thuật, chưa chắc y giết ta. Thái-hậu sẽ che chở cho ta. Ngươi chẳng được công trạng gì đâu ? Còn người hàng Hán, ta hứa sẽ bảo lãnh cho ngươi làm thái-thú Mỹ-cơ, hoặc ngươi có công còn được phong thứ-sử Hán-nguyên không chừng.
Trần Thanh-Nhiên nghe thuyết, biết lời Vương Phúc nói không sai, y hỏi :
– Nếu như tôi đầu hàng sẽ phải làm gì ?
Vương Phúc tiếp :
– Người có ba đường lựa chọn : Một là ngươi bỏ cờ Thục, kéo cờ Hán đem toàn bộ binh mã đầu hàng, vẫn giữ được chức thái-thú Mỹ-cơ. Còn nếu ngươi khá hơn, khi chúng ta kéo quân đánh Việt-tây, ngươi mang quân về cứu rồi bất thần mở cửa thành, cho chúng ta vào thì ngươi được làm thứ-sử. Ngươi là người nhiều mưu trí, quyết định đi, đừng dùng dằng đại nạn đến trước mắt bây giờ !
– Tướng chỉ huy đạo Lĩnh-nam có đủ quyền lực cho tôi làm thứ-sử không ?
Vương Phúc cười :
– Tướng chỉ huy đạo này là một nhân vật lỗi lạc, Lĩnh-nam vương là anh rể của người. Phó tướng đạo Lĩnh-nam chính là vương-phi Lĩnh-nam vương. Chắc ngươi có nghe nói ?
Trần Thanh-Nhiên gật đầu :
– Tôi nghe Nghiêm Sơn lấy một người con gái Việt đẹp hơn Tây Thi, võ công cao cường đấu võ với vương-gia ngang tay. Nghiêm rất kính nể bà vợ này có đúng không ?
Vương Phúc gật đầu :
– Ngươi nói đúng đấy. Đào nguyên-soái không ham công danh. Người chỉ vì tình chị gái giúp Lĩnh-nam vương mà thôi. Ngươi thấy đó, cứ đánh đến đâu Đào nguên soái cử đô-úy, huyện-úy, huyện-lệnh, thái-thú cả thứ-sử nữa. Ta cùng người đấu chưởng hẹn rằng nếu ta thua thì phải đầu hàng. Quả nhiên ta thua, người cùng ta kết nghĩa anh em, bằng hữu rất tương đắc.
Thanh-Nhiên sai người đưa Vương Phúc vào phòng giam, rồi bàn với vợ và em :
– Phu nhân ! Hiền đệ nghĩ thế nào ?.
Thanh-Triết hiện là đô-úy Mỹ-cơ, y biết chức vị của anh là do chị dâu tạo nên, do vậy y nói lảng :
– Đại-ca nên hỏi tẩu tẩu thì hơn.
Vợ Nhiên là người khôn ngoan, thị nghĩ :
– Địa vị của Nhiên là do ta tạo ra, địa vị đó có vững hay không cũng do ta. Bây giờ về hàng Hán, y coi như địa vị đó do y. Y sẽ chẳng ngần ngại gì mà bỏ ta, lấy vợ khác. Ta phải cản trở mới được.
Nghĩ vậy, thị nói :
– Em nghĩ không nên hàng. Tướng quân bắt được Vương Phúc đem giải về cho hoàng-thượng. Hoàng-thượng tất thăng chức cho tướng-quân.Việc gì đi hàng Hán, trong khi tướng quân không có thực tài, họ sẽ không ngần ngại gì mà không giết chết tướng quân.
Trần Thanh-Nhiên bị vợ điều khiển đã quen, y không dám trái ý. Y bàn :
– Bây giờ thế này. Ngày mai phu nhân đến Hán-nguyên triều kiến hoàng-thượng, tâu rằng nếu chúng ta giết được Vương Phúc sẽ được thưởng gì ? Nếu ngài đồng ý giết, ta chặt đầu y đem nộp. Còn ngài chần chừ ta sẽ đầu hàng Hán, như vậy là xong.
Bàn luận một lúc vợ chồng đi ngủ. Trần Quốc chờ cho chúng ngủ say, nàng mới mò đến căn nhà giam Đào Kỳ. Phía ngoài có hai tên quân cầm đao đi đi lại lại canh phòng. Nàng thản nhiên bước tới, tên quân canh cầm đuốc soi, tưởng nàng là tỳ nữ của thái-thú.
– Cô nương ! Cô nương tới đây có việc gì ?
Trần Quốc cố nói theo giọng Thục :
– Phu nhân dặn tôi nói với hai anh coi chững tội nhân tự tử. Nếu tội nhân tự tử hai anh sẽ bị chết chém.
Hai tên quân canh nhìn nhau :
– Ta vào trong xem sao.
Một tên đứng ngoài, một tên đi cùng Trần Quốc mở cửa bước vào nhà giam. Dưới ánh đuốc, Đào Kỳ, Vương Phúc bị trói cả chân lẫn tay nằm đó.
Nàng khép cửa lại bảo tên quân canh :
– Anh coi chừng chúng có cắn lưỡi chết không ?
Đào Kỳ nghe tiếng Trần Quốc mừng lắm, mở mắt nhìn. Tên quân canh cúi xuống kéo môi Vương Phúc coi. Trần Quốc rút dao đâm một nhát trúng tim. Y nghẹo cổ ra sau, nằm trợn mắt, nàng vội chụp lấy bó đuốc, tay cắt dây trói cho Đào Kỳ và Vương Phúc.
Đào Kỳ mừng lắm :
– Sư muội làm thế nào mà người vào được đây ?
Trần Quốc chỉ tay ra ngoài. Hai người mở hé cửa. Nàng lia dao một cái, tên quân canh đã bị giết chết tươi. Vương Phúc nói :
– Chúng ta mau đi uy hiếp Trần Thanh-Nhiên.
Ba người theo lối sau, lén vào phòng ngủ vợ chồng Thanh-Nhiên. Đào Kỳ vận âm kình đẩy mạnh một cái, cánh cửa mở tung ba người đã lọt vào phòng. Trong phòng hãy còn đèn. Vương Phúc nhảy đến dí dao vào cổ Thanh-Nhiên. Trần Quốc dí dao vào cổ vợ y. Đào Kỳ nói:
– Nếu các ngươi la một tiếng, ta giết ngay lập tức.
Trần Quốc đóng cửa lại. Đào Kỳ nói:
– Ta là Nguyên-soái Đào Kỳ đây. Bây giờ nếu người đầu hàng, ta hứa sẽ cho người làm thái-thú như cũ. Người nghĩ sao?
Trần Thanh-Nhiên nhìn vợ rồi nói:
–Tôi xin quy phục.
Đào Kỳ bảo y :
– Bây giờ chúng ta mặc giả làm quân sĩ. Ngươi hãy lấy ngựa đi cùng ta rời khỏi đây 20 dặm, sau đó ta cho người trở về. Khi ta đem quân đến, ngươi phải mở cửa đầu hàng, nếu không thì đừng trách ta.
Thanh-Nhiên sai lấy quần áo lính Thục cho ba người mặc, cùng vợ lên ngựa đi. Qua cổng thành, viên quan giữ cổng hỏi :
– Thái-thú đi đâu giữa đêm khuya vậy ?
Trần Thanh-Nhiên nghiêm nghị :
– Ta đi dọ thám quân tình.
Năm người ra khỏi cổng thành được trên 20 dặm. Đào Kỳ vận sức vào tay, phát chiêu Thiết kình phi chưởng cực kỳ mãnh liệt, đánh vào một cây lớn. Rầm một tiếng cây này đổ xuống. Thanh-Nhiên khủng khiếp đứng run run.
Đào Kỳ nói :
– Trần Thái-thú, ta nói một là một, hai là hai. Ngày mai ta đem quân đánh thành Việt-tây. Người giả bộ đem quân đi cứu viện, rồi thừa dịp vào thành, đêm mở cửa cho chúng ta vào, thì ta để cho người làm thứ-sử Hán-nguyên. Thôi thái-thú về đi.
Ba người phi ngựa trở về tới Tây-xương thì trời vừa sáng. Nam-hải nữ hiệp cùng Thiều-Hoa ra đón vào hỏi :
– Sự thể ra thế nào ?
Đào Kỳ tường thuật mọi việc.
Đào Hiển-Hiệu nói :
– Tam ca, em có lời muốn thưa với Tam-ca.
Đào Kỳ gật đầu :
– Em cứ nói.
– Tam ca được Nghiêm đại ca ủy nhiệm thống lĩnh 30 vạn hùng binh Lĩnh-nam, cầm vận mệnh mấy triệu dân chúng. Trọng trách không nhỏ. Trung-tín hầu Vũ Bão-Trung đã dạy :
« Đạo làm tướng, không làm cái gì. Không cái gì mà không làm được ».
Có nghĩa rằng bất cứ cái gì người dưới làm được thì ủy nhiệm họ, hầu họ có dịp lập công. Nhưng cái gì cũng phải biết, phải hiểu, phải trách nhiệm đó là cái gì cũng làm. Đi thám sát Mỹ-cơ, thì Tam-ca sai bất cứ một tham-tướng nào mà không được ? Việc gì Tam-ca phải đem thân vạn thặng vào chỗ nguy hiểm? Nếu không có Giao-long nữ cứu, Tam-ca bị hại, đạo Lĩnh-nam sẽ ra sao ?
Đào Kỳ đứng dậy chắp tạ lỗi :
– Anh biết lỗi, từ nay không mạo hiểm nữa. Cảm ơn em.
Thiều-Hoa nói:
– Chắc Thanh-Nhiên không đầu hàng đâu. Có khi y mưu hại chúng ta cũng nên. Cần phải cẩn thận mới được.
Đào Kỳ nhìn Vương Phúc cười. Vương Phúc nói:
– Vương-phi đừng lo, chúng tôi có kế đánh Việt-tây rồi.
Sáng hôm sau Đào Kỳ thăng trướng truyền lệnh:
– Sư huynh Nguyễn Nhân lĩnh một vạn binh tiến đánh cửa Bắc. Sư huynh Nguyễn Nghĩa dẫn một vạn binh tiến đánh cửa Tây. Sư huynh Nguyễn Lễ lĩnh một vạn binh tiến đánh cửa Nam. Sư tỷ Hoàng Thiều-Hoa lĩnh một vạn binh đánh cửa Đông. Sư bá Nam-hải tổng chỉ huy công thành. Xin sư bá đánh cầm chừng, không cần cố chiếm thành, mục đích nhử cho Trần Thanh-Nhiên đến ứng chiến. Sư tỷ Nguyễn Giao-Chi, sư muội Trần Quốc lĩnh một vạn kỵ binh phục ở rừng Chiêu-giác. Cả hai đặt dưới quyền điều khiển của sư huynh Vương Lộc, án binh tại đây. Nếu thấy binh Mỹ-cơ đến cứu Việt-tây để cho đi qua, rồi tốc thẳng chiếm Mỹ-cơ, tuyệt đường về của chúng. Còn thấy Mỹ-cơ kéo cờ Hán, cứ vào thành an dân. Sư huynh Nguyễn Tín, Nguyễn Nghĩa mỗi người lĩnh một vạn quân phục ở Ly-ty phòng quân Hán-nguyên tiếp cứu Việt-tây.
Sáng hôm sau các đội binh phát pháo đánh Việt-tây. Quân trên thành bắn tên xuống như mưa. Bên dưới bắc thang leo lên. Bên trên lăn gỗ đá xuống. Đánh đến chiều Nam-Hải nữ hiệp cho ngưng chiến nghỉ. Sáng hôm sau lại đánh tiếp. Đánh đến ngày thứ tư, khoảng trưa có thám mã báo:
– Đạo quân Mỹ-cơ kéo cờ Thục đến cứu Việt-tây.
Trên thành phát pháo mở toang bốn cửa ra giáp chiến. Nam-hải cho lệnh lui quân lại dàn trận. Hoàng Thiều-Hoa lui quân về phía cửa Nam. Thế là đạo quân Mỹ-cơ liên lạc được với đạo quân Việt-tây. Hai bên dàn trận dưới chân thành.
Phan Hào đứng trước ngựa, bên trái là Thanh-Nhiên, bên phải là Thanh-Triết, giáp sĩ đao thương sáng ngời.
Phan Hào chỉ roi sang trận Hán:
– Mời Bình-nam vương ra nói chuyện.
Vương Phúc phi ngựa ra đứng trước trận hỏi:
– Phò-mã Phan Hào, ngươi có gì muốn nói với ta?
Phan Hào cầm roi ngựa chỉ Vương Phúc nói:
– Vương Phúc! Khi phụ thân ngươi mất tích, hoàng-thượng thương tình côi cút đem ngươi về nuôi dưỡng, tin dùng, phong cho ngươi đến Bình-nam vương, thế mà ngươi nỡ lòng nào phản hoàng-thượng?
Vương Phúc nói lớn:
– Công-tôn Thuật với phụ thân ta là chỗ sư huynh, sư đệ. Khi phụ thân ta làm đại nguyên-soái cho Ngỗi Hiêu, Công-tôn Thuật cử Triệu Khuôn mang binh sang cứu, thừa cơ đoạt đất, chiếm thành, thân phụ ta bị giết chết. Thù không trả, không được. Vì vậy ta hàng Hán. Ngươi hẳn nghe câu: Kẻ thù của kẻ thù là bạn ta.
Phan Hào vọt ngựa lên hỏi:
– Vương Phúc, ngươi có dám đơn đấu cùng ta không?
Vương Phúc cười:
– Đã là anh hùng trong thiên hạ, ta há sợ ngươi sao?
Nói rồi chàng nhảy xuống đất. Phan Hào cũng nhảy xuống ngựa. Y vẫy tay cho quân lính lui lại, rồi rút kiếm đâm Vương Phúc. Vương Phúc không đỡ né mình tránh khỏi, rồi trả đòn. Đào Kỳ đứng nhìn thấy kiếm pháp hai người cùng môn hộ, cương nhu hợp nhất không có chỗ nào sơ hở. Bất giác chàng nghĩ thầm:
– Đất Thục nhiều nhân tài như thế này, hèn chi Công-tôn Thuật không chống lại Hán-đế. Cũng may y hại cha Vương Phúc, nếu không làm sao mình chiếm được bốn thành nhanh như vậy.
Hai người đấu với nhau trên trăm hiệp không phân thắng bại. Hoàng Thiều-Hoa quan sát rồi nói:
– Về kiếm pháp ta e cả hai người đều hơn ta nhiều, nhưng chưởng pháp thì họ còn kém ta.
Đào Kỳ ghé tai Thiều-Hoa, Nam-hải nữ hiệp nói mấy câu, rồi chàng phất cờ một cái. Quân Hán tràn sang như nước vỡ bờ. Hai bên đánh nhau mù trời, đến chiều thì mới thu quân.
Hoàng Thiều-Hoa bảo Đào Kỳ:
– Ta lượng đâu có sai, Trần Thanh-Nhiên quả không chịu hàng mà.
Đào Kỳ nói:
– Ta đợi hết đêm nay xem sao.
Quả nhiên canh ba, trong thành lửa bốc lên đỏ rực, nhiều tiếng la hét. Bốn cửa thành mở toang. Thanh-Triết, Thanh-Nhiên đứng trên cổng thành vẫy quân Hán vào.
Đào Kỳ cười:
– Thằng Thanh-Nhiên giả hàng, dụ ta vào trong thành, phục cung nỏ hại ta đây. Được ta sẽ tương kế tựu kế cho chúng bây biết tay.
Đào Kỳ đi đầu, dẫn quân vào trong thành. Phía sau là Nam-hải nữ-hiệp, Vương Phúc. Vừa vào trong thành, thì cổng đóng lại. Cung thủ hai bên bắn ra như mưa. Đào Kỳ quát một tiếng, rút kiếm múa như mây bay, như gió cuốn. Nhấp nhô mấy cái chàng cũng bắt được Trần Thanh-Nhiên, Vương Phúc đã bắt được Trần Thành-Triết.
Nam-hải nữ hiệp đánh quật lại cùng Hoàng Thiều-Hoa đẩy lui quân giữ thành, mở tung cửa ải ra, quân Hán tràn vào như nước, hai bên đánh nhau rối loạn trong đêm. Đào Kỳ đang tả xung hữu đột, được tin báo: “Thành Việt-tây mở tung ba cửa, xua quân ra cướp trại Hán. Tình hình rất nguy ngập”.
Đào Kỳ quát:
– Dù gì cũng phải chiếm được thành ai lui thì chém.
Quân Hán không dám lui lăn xả vào đánh. Đi đầu là Đào Kỳ, Thiều-Hoa, Nam-hải nữ hiệp, Vương Phúc. Bốn ngươi đi đến đâu bên giặc giạt ra đến đấy. Phan Hào vung chưởng đánh vào đỉnh đầu Nam-hải nữ hiệp. Bà vung chưởng đánh xéo vào hông y. Y vội đổi hướng vòng tay xuống dưới đỡ chưởng của bà. Hai chưởng gặp nhau, y cảm tưởng như đánh vào bị bông, kình lực mất tăm mất tích. Nam-hải nữ hiệp vỗ lưng ngựa một cái, con ngựa cất hai vó trước chồm đến trước mặt Phan Hào. Phan Hào ngơ ngác tự hỏi:
– Trên đời sao có lối cỡi ngưạ kỳ lạ thế này? Hai bên đấu chưởng mà ngựa cất vó lên có khác nào tự tử không?
Y phát một chiêu mạnh như núi lở, đánh vào bụng ngựa của bà. Nam-hải nữ hiệp là đệ nhất cao nhân của phái Sài-sơn. Tổ sư phái Sài-sơn là Phù-đổng Thiên-vương nổi danh về tài kỵ mã. Cho nên đệ tử phái này đều có thuật kỵ mã siêu việt. Bà đạp chân vọt người lên cao, hai chân biến thành móc câu chụp vào đầu Phan Hào. Y kinh hoàng bật hai tay lên đỡ câu của bà, thì con ngựa của y đã bị ngựa của bà đặt hai chân trước lên vai. Con ngựa của Phan Hào hí lên một tiếng đau đớn, ngã chúi đầu xuống đất. Phan Hào vọt khỏi mình ngựa, đáp xuống, y thấy cổ đau nhói. Biết gặp nguy hiểm, y lộn người ra sao lăn đi một vòng rồi đứng dậy, thì Nam-hải nữ-hiệp đã đứng trước mặt kiếm chỉ vào cổ.
Phan Hào biết đối thủ không muốn giết mình, chứ nếu muốn thì y đã chết rồi. Y buông đao nói:
– Ta giận vì học nghệ không tinh, bị thua ngươi. Ngươi giết ta đi, ta không oán hận gì cả.
Nam-hải nữ hiệp thấy y hào sảng, bà thu kiếm về nói:
– Phan tướng-quân hồi ta bằng tuổi người, võ công ta thua người xa. Thôi ngươi về đi. Người còn trẻ mà tài đã sớm trổ, giết đi thật uổng.
Phan Hào nhặt kiếm, phóng vào đêm tối. Đào Kỳ chiếm được thành, leo lên dịch lâu coi. Doanh trại Hán lửa ngút trời. Trong bốn trại, một trại bị quân Thục tràn ngập. Còn ba trại đang giao chiến ác liệt. Chàng nói với Nam-hải nữ hiệp:
– Xin sư bá ở lại giữ thành. Chúng cháu tiếp cứu trại mình.
Đào Kỳ, Thiều-Hoa, Vương Phúc mở cổng thành dẫn thiết kỵ xung vào trận. Trại đầu tiên do Đào Hiển-Hiệu chỉ huy. Chàng đứng trên cao đốc chiến. Quân Thục đã đến hàng rào thứ nhì mà không tiến được nữa. Tướng Thục thấy Hán có viện binh, thì lui trở lại, hàng ngũ chỉnh tề chạy về phía Đông. Đào Kỳ sang cứu trại thứ nhì, trại này do Nguyễn Nhân chỉ huy mặt Nam, Nguyễn Nghĩa chỉ huy mặt Bắc. Chàng chưa kịp nhảy vào vòng chiến, thì Phan Hào xuất hiện. Y ra lệnh lui quân. Trước khi lên ngựa y hướng về Nam-hải nữ hiệp nói :
– Xin hẹn ngày tái ngộ.
Bây giờ trời đã sáng Vương Phúc bảo Phan Hào :
– Phan phò mã, để ta tiễn người về Hán-nguyên, nếu không phục binh không cho người đi đâu.
Phan Hào điểm lại quân còn không đầy một vạn, phần lớn bị thương. Y dẫn binh đi theo Vương Phúc.
Quả nhiên đến Ly-ty thấy phục binh của Nguyễn Tín, Nguyễn Nghĩa phục ở đây. Vương Phúc chắp tay nói :
– Phan Hào chùng ta là con một nhà, ngươi là rể, ta là con nuôi, mà cũng là kẻ thù của Công-tôn Thuật, vì vậy chúng ta đi hai đường. Hôm nay tiễn ngươi đi hẹn một mai gặp lại.
Đào Kỳ kiểm điểm lại binh mã, thấy hao hết hai vạn, ba sư trưởng và mười bốn lữ trưởng tử thương. Số bị thương gần hai vạn. Chàng lo lắng nói :
– Ta có 15 vạn quân mang từ Lĩnh-nam, trong các trận trước chỉ chết có mấy trăm người, không ngờ trận này mất hai vạn, bị thương hai vạn chỉ còn mười vạn, với bốn vạn hàng binh, làm sao vào Thành-đô được ?
Đào Hiển-Hiệu thấy anh buồn, an ủi :
– Trước khi xuất binh, Trưng Nhị, Phương-Dung, Vĩnh-Hoa cùng Nghiêm Sơn đã tính rằng giặc thủ, ta công, thì giặc mất một ta mất hai. Thế mà từ hôm đánh Độ-khẩu tới giờ, quân anh em Vương Phúc đầu hàng trước sau có năm vạn, quân Phan Hào chết hơn năm vạn nữa, như vậy là họ hao hết 9 vạn. Đàng lẽ ta phải mất 18 vạn, mà nay mới mất có hai vạn là đại thắng rồi. Tam ca mau viết thư về hậu cứ cho sư thúc Lương Hồng-Châu bổ sung kịp thời.
Hoàng Thiều-Hoa cũng nói :
– Nhiệm vụ của chúng ta là chiếm Độ-khẩu, rồi án binh, mục đích làm náo động Ích-châu. Thế mà nay ta chiếm trước sau hơn bảy thành là quá sức rồi. Bây giờ nên án binh giữ quân chờ các đạo kia vào Thành-đô. Nếu chúng ta đánh gấp quá, Công-tôn Thuật đem đại quân đến đây, chúng ta nguy mất. Không biết hiện giờ Đinh Công-Thắng đã tiến đến đâu rồi ? Ta cần chờ tin tức đạo Kim-sơn đã.
Chiều hôm đó có tin Trần Quốc báo về, đã chiếm xong Mỹ-cơ, xin cử người trấn nhậm.
Đào Kỳ nói với Vương Phúc :
– Vương hiền đệ, em ở đây lâu biết người nhiều, vậy em tuyển lấy những người cũ dưới quyền chỉ định thái-thú, huyện-lệnh, huyện-úy, an dân giùm ta.
Vương Phúc cảm động vì Đào Kỳ mới kết nghĩa đã tin tưởng mình. Chàng khẳng khái lên đường đi Mỹ-cơ ngay.
Chiều hôm đó Trần Quốc, Nguyễn Giao-Chi, vương Phúc trở về. Đào Kỳ thấy gương mặt Trần Quốc như có gì khác lạ mà chàng đoán không ra. Tay nàng cầm một khúc gỗ tươi trên có cụm phong lan trắng nở thơm ngát.
Hoàng Thiều-Hoa hỏi :
– Sư muội đi đánh giặc mà cũng có thì giờ cắt lan rừng chơi à ?
Trần Quốc cuối đầu ngượng ngùng. Giao-Chi nói:
– Vương đại-ca cắt tặng Giao-long nữ đấy chứ. Vương đại-ca bảo đó là lan Khương-thị. Hoa chỉ nở vào mùa Đông mà thôi.
Liếc mắt, Thiều-Hoa đoán được cái gì đã xảy ra. Từ hôm đầu hàng tới giờ, gần như lúc nào Vương Phúc, Trần Quốc cũng ở cạnh nhau, khắng khít như đôi chim. Nàng biết mối tình chớm nở trong lòng hai người. Nàng hỏi:
– Vương đệ! Lan Khương-thị là gì vậy?
Vương Phúc kể:
– Nguyên đời Tần Thủy Hoàng xua dân làm Vạn-lý trường-thành, người chết không biết bao nhiêu mà kể. Bấy giờ có một cặp vợ chồng trẻ mới cưới. Chồng bị bắt đi dân công. Vợ là Khương-thị ở nhà chờ đã 5 năm. Nàng bỏ nhà lên ải Bắc tìm chồng. Nàng đi suốt một giải thành tuyết phủ vạn dặm, đi từ trại này sang trại khác, không thấy chồng đâu. Khi đến một hòn núi cao, bão tuyết mịt mù. Nàng bưng mặt khóc như mưa bão, thì núi tuyết rung động mãnh liệt rồi lở xuống. Trong khe núi đầy tuyết không biết bao nhiêu xác chết mà kể. Nàng lật từng xác chết. Xác nào cũng đóng băng cứng như đá. Quá uất hận nàng hát bài Hùng trĩ, giọng điệu thê lương. Tiếng hát dứt thì một xác chết ứa máu ra ở miệng. Nàng đến coi, thì ra là xác chồng. Nàng ôm chồng khóc thê thảm. Uất khí bốc lên, tuyết lại lở xuống. Chôn nàng với chồng trong lòng núi.
Chàng ngừng một lát lại tiếp:
– Từ ngày ấy, về mùa Đông, cứ ngày tuyết lạnh nhất trong năm, thì trên những cành cao, cành nào hướng về phía Bắc đều mọc một thứ phong lan, hoa nở trắng rất đẹp và thơm. Người ta gọi loại phong lan đó là Lan Khương-thị.
Vương Phúc tiếp:
– Tiểu đệ kể chuyện tình Khương-thị đó cho Trần cô nương nghe. Trần cô nương đã sáng tác ngay bản tiêu, tên là Truyện tình Khương-thị.
Nam-hải nữ hiệp là đại sư-bá của Trần Quốc, bà cũng như các Thái-bảo Sài-sơn đều thông âm nhạc, nghe Phúc kệ bà hỏi:
– Trần sư điệt con đưa bản nhạc cho sư-bá coi nào?
Trần Quốc bẽn lẽn, hai tay cung kính đưa bản nhạc lên. Nam-hải nữ hiệp cầm ống tiêu thổi. Tiếng nhạc thì thầm hiu hắt khi bổng khi trầm, khi thủ thỉ như cặp tình nhân mới yêu nhau, khi thê lương ảm đạm như thiếu phụ phòng không, khi thì mịt mờ như Khương-thị đang đứng trước cảnh gió tuyết của Trường-thành.
Khúc nhạc dứt, mà mọi người còn cảm thấy như dư thoang thoảng bên tai. Nam-hải đưa trả khúc nhạc cho Trần Quốc:
– Cháu diễn tả được hết câu chuyện tình Khương-thị, nhưng bản nhạc cũng như câu truyện buồn quá.
Đào Kỳ hỏi:
– Vương hiền đệ! Hiền đệ có biết bản Hùng trĩ mà Khương-thị hát trên đường tìm chồng không?. Bài hát này có liên quan gì đến bài thơ Hùng trĩ trong phần Quốc-phong Kinh-Thi không?
Vương Phúc nhìn Đào Kỳ, suy nghĩ trong lòng:
– Đào đại-ca chỉ hơn ta mấy tuổi là cùng. Võ công vô địch là vì võ công Lĩnh-nam tuyệt thế. Còn Kinh-thi là văn học của Trung-nguyên, sao đại-ca cũng thông thạo như một văn nhân?
Chàng đáp:
– Đúng đấy! Nàng lấy bài Hùng trĩ trong Kinh-thi phổ thành nhạc. Khúc nhạc lưu truyền khắp Trung-nguyên. Tiểu đệ sao lại, giữ bên mình. Nay nhân tiện có sư-bá Nam-hải, mong người không tiếc công chỉ điểm cho.
Đoạn chàng lấy bản nhạc, hai tay cung kính đệ lên trước mặt Nam-hải nữ hiệp. Nam-hải vẫy tay gọi Trần Quốc, Giao-Chi:
– Cháu gái lại đây, cùng coi.
Ba người xuất thần, coi một lượt. Bà nói:
– Khúc hát thật tuyệt, ta e người soạn bản này tài không thua gì Trương Chi, Tiêu Sử, Tư mã Tương-Như. Nào bây giờ tiếng hát Giao-Chi ngọt ngào, êm nhe,ï giọng cao vút, cháu ca lần đầu. Tiếp theo giọng Trần Quốc trầm ấm, cháu ca lần thứ nhì. Ta đánh đàn bầu, Giao-Chi kéo nhị, Trần Quốc đánh sênh. Nguyễn Nhân đánh trống cơm, Nguyễn Nghĩa đánh đàn nguyệt, Nguyễn Lễ đánh đàn kìm, Nguyễn Trí, Nguyễn Tín thổi tiêu. Còn Vương Phúc cháu tấu đàn tỳ-bà được không? Chúng ta thử hòa hợp nhạc khí Lĩnh-nam với Trung-nguyên xem có hay không?
Các tướng là những người cầm gươm lên ngựa, đánh dư trăm trận, bây giữa trướng Chinh-viễn đại-tướng quân bày ra cuộc tấu nhạc. Tự tiền cổ chưa bao giờ họ nghe nói tới.
Trần Quốc đánh sênh, coi như người điều khiển, nàng xuống tay trước. Một loạt các âm thanh đồng cất lên. Tiếng tiêu của Nguyễn Trí cộng Nguyễn Tín, pha lẫn nội lực, bốc lên cao vút, truyền đi rất xa. Tiếng đàn tỳ-bà nỉ non, ai oán, hòa với tiếng đàn Bầu kéo dài, âm thanh rung động không gian, làm não lòng người nghe.Tiếng đàn nguyệt, đàn kìm ngân, hòa tiếng nỉ non của tiếng nhị như khóc như thương.
Âm thanh hòa được một lần thì Giao-Chi cất tiếng hát. Nàng là người có hoa tay, nấu ăn nức tiếng, giọng ca của nàng êm nhẹ, mà cao vút, ai cũng tưởng sẽ tắc, mà nàng lướt qua dễ dàng.
Hùng trĩ vu phi,
Duệ duệ kỳ vũ,
Ngã chi hoài hĩ,
Tự di y trở.
Hùng trĩ vu phi,
Hạ thượng kỳ âm,
Triển hỹ quân tử,
Thực lao ngã tâm.
Lối tấu nhạc thời Lĩnh-nam, cứ sau một khúc thì ngưng hát, nhạc sĩ tiếp tục tấu nhạc thêm ba lần nữa, rồi mới hát khúc tiếp theo. Lợi dụng khoảng trống Đào Kỳ giảng cho Hoàng Thiều-Hoa nghe. Đoạn này ý nói :
Con chim Trĩ trống bay về phương xa,
Đập cánh phành phạch trên cánh đồng,
Em nhớ anh, lòng ẩn ức không nguôi,
Mối sầu càng dập, càng nồng.
Con chim trống bay về phương xa,
Tiếng hót bi thương khi cao, khi thấp,
Lòng em thương nhớ anh dài miên miên vô tận,
Nhớ nhớ, thương thương, lòng quặn đau.
Giao-Chi lại cất tiếng ca:
Chiêm bỉ nhật nguyệt,
Du du ngã tư,
Đạo chi vân viễn,
Yết vận năng lai.
Bách nhĩ quân tử,
Bất tri đức hạnh,
Bất ký bất cầu,
Hà dụng bất tang.
Đào Kỳ lại giảng :
Nhớ anh, em lại nhìn lên mặt trời, mặt trăng,
Ruột đứt từng khúc, máu rướm trong tim,
Nghìn trùng xa cách núi non ngăn trở,
Biết bao giờ anh lại về bên em.
Trên cao bạo chúa cai trị nào hiểu,
Sao không biết tu sửa đức hạnh,
Đau lòng, nhưng ta vẫn không thù, không oán ghét ai,
Sao ngươi không biết thuận với lòng dân.
Ghi chú
Bản dịch của Kim Y Phạm Lệ Oanh.
Trĩ kia bay liệng tung trời,
Cất cao đôi cánh khoan thai nhẹ nhàng.
Hỡi người lòng thiếp vấn vương,
Vì đâu nỡ để Sâm, Thương cách vời.
Kìa trông con trĩ bay hoài,
Bổng trầm cất tiếng khoan thai hữu tình.
Hỡi người quân tử chân thành,
Lòng em gửi gấm bao tình nhớ thương.
Kìa xem ngày tháng ruổi mau,
Lòng ta dằng dặc mối sầu tương tư.
Đường xa thăm thẳm mịt mù,
Bao giờ trở lại quê xưa hởi chàng?
Những người quân tử xưa nay,
Ai không biết giữ thẳng ngay làm đầu?
Chẳng ghen ghét, chẳng tham cầu,
Hẳn là sẽ gặp nhiều câu tốt lành.
(Thi Kinh Quốc Phong, bản dịch của Kim Y Phạm Lệ Oanh, Q1, trg.115-118, Cành-nam Hoa-kỳ xb.)
Giao-Chi ca xong lần đầu, thì Trần Quốc ca lần thứ nhì. Tiếng Trần Quốc trầm ấm, đôi khi lanh lảnh vang đi rất xa. Nàng dứt tiếng hát, thì tiếng tấu nhạc cũng ngừng.
Các tướng sĩ cùng vỗ tay vang dội. Nam-hải nữ hiệp đọc được nét buồn trên mặt Thiều-Hoa, Đào Kỳ, Đào Hiển-Hiệu. Bà biết bọn trẻ từ Lĩnh-nam sang Bắc viện, tuy họ giữ chức đại tướng-quân, võ công cao cường, nhưng bản chất vẫn là thiếu niên. Quan sơn cách trở, hàn huyên không đạt được, họ bị tiếng nhạc, tiếng ca gợi lại nhớ thương. Thiều-Hoa nghĩ lại những buổi chiều cùng Nghiêm Sơn thả thuyền trên sông Hồng-hà ngắm mặt trời lặn. Đào Kỳ nghĩ đến Phương-Dung trên đường từ Lục-hải về Long-biên. Còn Đào Hiển-Hiệu thì nhớ đến nét mặt thanh tú, vẻ đẹp huyền ảo như có như không của Đinh Hồng-Thanh.
Trần Quốc phá tan bầu không khí tịch mịch của ba người. Nàng nói với Vương Phúc :
– Vương đại-ca, đại ca cho phép muội sao bản nhạc này được không ?
Vương Phúc hai tay nâng lên ngang mày :
– Của quý dành tặng quý nhân. Trần cô nương, Vương Phúc tôi kính tặng cô nương, khúc nhạc này.