Lại nói, ngọn lửa bất ngờ đã khiến cho hơn 4 vạn quân Đế quốc La – Đức – Vương quốc Hungary tử vong, đồng thời còn thiêu hủy toàn bộ doanh trại, vật tư, lương thực của liên quân. Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg bày kế giúp mọi người thoát chết vì lửa thiêu, nhưng mọi người lại sắp đối diện với cái đói. Tình cảnh liên quân trở nên vô cùng bi đát. Ai nấy mãn diện u sầu.
- Chúng ta phải làm sao đây ? Ai có ý kiến gì không ?
Tuy hỏi mọi người, nhưng ánh mắt của Hoàng đế vẫn nhìn về phía Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg. Và những người khác cũng vậy. Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg cười khổ, lại vò đầu bức tóc ngẫm nghĩ tìm kế sách. Hồi lâu, ông ta mới nói :
- Chúng ta không còn vật tư lương thực, không thể cầm cự lâu. Giờ chỉ còn cách toàn lực tổ chức phá vây. Nếu như không xong thì chỉ còn cách đầu hàng.
Mọi người đưa mắt nhìn nhau, nhận thấy đúng là như vậy. Vật tư lương thực mất sạch. Ngọn lửa quái ác lại thiêu rụi toàn bộ cây cỏ trong hẻm núi, muốn kiếm gì ăn cũng không có. Lúc này cả bọn lại vừa đói khát vừa mệt mỏi. Nếu không thể phá vây thành công, bọn họ không thể nào cầm cự quá ba ngày. Thế nhưng, lại một vị vương công buột miệng nói :
- Khi còn sức lực mà không thể công phá được phòng tuyến của giặc, nói gì đến lúc này !
Mọi người nghe nói đều giật nảy mình. Phải a ! Hôm qua liên quân còn sức lực, còn sĩ khí mà vẫn không thể công phá được phòng tuyến của đối phương, lại còn thương vong thảm trọng, nói gì đến lúc này, khi mà cả tướng sĩ quân binh ai nấy đều mệt mỏi bơ phờ, vừa đói vừa khát. Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg cười khổ, nói :
- Quay về mặt tây vậy ! Hy vọng ở đó quân giặc không mạnh lắm.
Mọi người khen phải, lập tức suất lĩnh bản bộ binh mã lui về phía tây. Thế rồi cả bọn tràn trề thất vọng khi gặp phải hào lũy của liên quân Thần Thánh Đế quốc – Trento. Dựa vào vị trí, mọi người nhận ra rằng từ nơi đây ra đến cửa hẻm núi còn có đến 3, 4 đạo hào lũy như thế nữa. Trước đây bọn họ mất đến mấy ngày mới có thể công phá được mấy đạo phòng tuyến này. Còn giờ đây … E rằng chưa ra khỏi được hẻm núi thì cả bọn đã chết đói hết rồi. Công tước Ernest de Autriche Intérre (Công tước xứ Nội Áo) tuy nóng nảy hung bạo, nhưng cũng là người sợ chết, nên nhìn Hoàng đế Sigismund de Luxembourg ngập ngừng nói :
- Bệ hạ …
Còn nước còn tát, hay chưa đến bước đường cùng thì chưa bỏ cuộc. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg nghiêm giọng nói :
- Quyết chiến trận cuối cùng. Ta không tin rằng tướng sĩ liều chết mà vẫn không phá được vòng vây.
Nói rồi liền đi chỉnh đốn binh mã tổ chức phá vây. Công tước Ernest de Autriche Intérre đưa mắt nhìn những người khác. Công tước Henry XVI de Bavaria hạ giọng nói :
- Chúng ta ra ngoài kia nghỉ ngơi một chút !
Thế là mọi người giải tán. Công tước Henry XVI de Bavaria, Công tước Ernest de Autriche Intérre, Tuyển hầu Eric V de Saxe - Lauenburg và vài vị Công tước thân cận khác tụ họp một chỗ bàn bạc. Công tước Ernest de Autriche Intérre nói :
- Chúng ta nên làm sao đây ?
Tuyển hầu Eric V de Saxe – Lauenburg thở dài nói :
- Sigismund quyết tử chiến, ta thấy hoàn toàn không có chút hy vọng nào !
Đến nước này, ông ta cảm thấy không cần tôn trọng Hoàng đế Sigismund de Luxembourg. Tình thế bi đát hiện tại khiến cho uy tín của Hoàng đế Sigismund de Luxembourg mất sạch, thậm chí không còn cả tôn nghiêm. Quốc vận Đế quốc nguy ngập, chúng vương công quý tộc đổ hết trách nhiệm cho Hoàng đế Sigismund de Luxembourg. Nếu như không có ông ta, hẳn đã không có chiến tranh giữa Vương quốc Latium và Đế quốc La – Đức.
Nghe Tuyển hầu Eric V de Saxe – Lauenburg nói vậy, chúng vương công quý tộc đều đồng cảm, phân phân gật đầu. Một người đề nghị :
- Hay là chúng ta đầu hàng vậy !
Mọi người cảm thấy cũng chỉ còn cách đó. Công tước Henry XVI de Bavaria là người tinh minh hơn cả, liền nói :
- Chúng ta phái người liên hệ đối phương thử xem. Nếu như đối phương đồng ý cho dùng tiền chuộc thì chúng ta đầu hàng.
Ở Âu châu thời Trung Cổ, nếu như thất trận bị bắt thì có thể dùng tiền chuộc thân. Cũng chính vì hy vọng có khoản tiền chuộc này mà quân đội triều đình Pháp Lan Tây mới thất bại ở trận Agincourt. Khi song phương giao chiến, sát tử đối phương dù sao vẫn dễ dàng hơn tìm cách bắt sống đối phương. Chỉ có điều, ở đây liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento không có chủ động giao chiến, mà chỉ phòng thủ trận địa và bỏ đói địch quân. Liên quân Đế quốc La – Đức – Vương quốc Hungary không công phá được các phòng tuyến của đối phương thì chỉ còn nước chết đói hoặc đầu hàng. Mà chúng vương công quý tộc thì chẳng muốn chịu chết chút nào. Vì thế mà ai nấy đều tán đồng đề nghị của Công tước Henry XVI de Bavaria. Mọi người bàn bạc hồi lâu, rồi cử Bá tước Henry V de Görz làm sứ giả đi liên hệ với đối phương.
Bá tước Henry V de Görz bí mật đi tiếp xúc với Vương tử - Giám mục George I de Trento, người trước giờ vẫn giữ vai trò phát ngôn của liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento. Được sự ủy quyền của Đinh An Bình, George I de Trento nhận lời đề nghị của chúng vương công quý tộc Đế quốc La – Đức, nhưng phải kèm theo một điều kiện :
- Các công quốc Bavaria và Württemberg phải cắt 5% lĩnh địa của mình sát nhập vào Trento. Còn các lĩnh địa thuộc Áo nằm bên trong Württemberg cũng phải chuyển giao cho Trento.
Bá tước Henry V de Görz ngần ngừ nói :
- Như thế …
George I de Trento cười nhạt nói :
- Đó là điều kiện tiên quyết. Nếu như Bavaria và Württemberg cảm thấy thiệt thòi thì có thể yêu cầu những người còn lại hỗ trợ để bù lại.
Bá tước Henry V de Görz thấy đối phương quyết ý như thế, không biết nói sao, đành quay về báo lại cho chúng vương công quý tộc biết. Cả bọn bàn bạc hồi lâu, cảm thấy điều kiện đó có thể chấp nhận được, nên đều thuyết phục Công tước xứ Bavaria và Công tước xứ Württemberg đồng ý. Mọi người hợp nhau đóng góp kim ngân tài bảo để đền bù cho hai người họ. Nên biết rằng việc bại trận phải cắt đất cầu hòa là chuyện thường tình. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Đế chế Đức sụp đổ, phải cắt khoảng 10% lĩnh thổ cho các nước thắng trận để cầu hòa (chưa kể khoản tiền bồi thường chiến phí và nhiều điều kiện khắc nghiệt khác). Ở đây George I de Trento đòi hỏi phần lĩnh thổ chỉ hơn 1 vạn kilômét vuông, so với toàn Đế quốc La – Đức thì không nhiều. Còn chuyện của Công tước Ernest de Autriche Intérre không còn quan trọng nữa, bởi các xứ Nội Áo đều đã bị liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento chiếm lĩnh, và sau này cũng không có hy vọng phục hồi.
Thế là đại bộ phận quân đội Đế quốc La – Đức hạ khí giới đầu hàng. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg chỉ còn lại một số cận thần thân tín, cùng hơn 100.000 tàn binh bại tướng, lại thêm lương thực vật tư không còn, lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Hôm sau nữa, tin tức toàn cảnh Hungary thất thủ bắt đầu lan truyền với tốc độ thật nhanh, khiến toàn quân hoàn toàn mất tinh thần. Hơn 80.000 quân còn lại của Vương quốc Hungary quyết định đan độc hướng Thần Thánh Đế quốc đầu hàng. Bọn họ biết rằng từ nay Hungary đã trở thành một phần lĩnh thổ của Vương quốc Latium, người thân của bọn họ đã trở thành thần dân của Latium, nên chẳng ai muốn kháng cự nữa.
Thật ra khi tổ chức chiến dịch hẻm núi Kalwang, Đinh An Bình đã phái 2 đạo quân Thần Thánh Đế quốc gồm 6 vạn người phối hợp cùng 3.000 quân Trento trấn giữ mặt tây hẻm núi, lại phái 2 đạo quân khác trấn giữ mặt đông hẻm núi. Còn lại 2 đạo quân cùng với 3 vạn quân Latium, tổng cộng gồm 9 vạn người chia nhau đi chiếm giữ toàn cảnh Áo và Hungary. Cả hai nơi chẳng còn bao nhiêu thủ quân, thậm chí rất nhiều nông dân cũng bị chinh triệu tham quân, nên đã bị chiếm lĩnh rất dễ dàng. Lĩnh thổ Vương quốc Latium giờ đây đã chính thức tiếp giáp Đế quốc Ottoman ở phía đông và Vương quốc Ba Lan ở phía đông bắc, chiếm đến khoảng một nửa diện tích Âu châu thời bấy giờ (lúc này chưa có nước Nga; Công quốc Moscow và Cộng hòa Novgorod là chư hầu của Hãn quốc Kim trướng của người Mông Cổ, do người con trai trưởng của Thành Cát Tư Hãn lập ra).
Đứng trước tình cảnh đó, nhìn lại bên mình chỉ còn lại hơn 2 vạn tàn quân bại tướng, Hoàng đế Sigismund de Luxembourg cuối cùng cũng chấp nhận lời khuyên của các cận thần, hướng Thần Thánh Đế quốc đầu hàng. Đặc biệt, Hoàng đế Sigismund de Luxembourg nhất quyết chỉ hướng Thần Thánh Đế quốc đầu hàng chứ không chịu hướng Vương quốc Latium đầu hàng. Đinh An Bình chẳng chấp nhất chút sĩ diện nhỏ đó của ông ta, nên cũng đồng ý.
Thế là, chiến dịch quy mô lớn nhất trong lịch sử Âu châu thời Trung Cổ chính thức chấm dứt.