https://truyensachay.net

Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 32: CHIẾM LĨNH MALACCA THÀNH

Trước Sau

đầu dòng
Lại nói, gần nghìn khẩu thần công liên tục phát xạ, oanh kích suốt hơn một canh giờ, làm cho thành Malacca bị phá hủy nặng nề. Khu vực tường thành hướng ra bờ biển đã bị đạn pháo bắn sụp một đoạn lớn. Nhiều kiến trúc trong thành cũng bị đạn pháo bắn sập. Trong thành khói lửa mịt trời, cư dân hỗn loạn, tiếng kêu khóc rền rĩ ồn ào.

Trước tình hình đó, tiểu vương Malacca cố gắng chỉ huy thủ quân lập lại trật tự trong thành, đồng thời lo bố trí phòng ngự, đề phòng đối phương đổ bộ tấn công. Quân đội của tiểu quốc Malacca chỉ được trang bị cung tên, đối phương lại ở trên thuyền ngoài biển, bọn họ có muốn phản kích cũng lực bất tòng tâm.

Oanh kích hơn một canh giờ, thấy các nòng pháo đều đã nóng ran, Triệu Phong truyền lệnh xạ thủ tạm thời ngừng phát xạ, làm mát các nòng pháo. Thần công đại pháo mỗi khi sử dụng đều phải như vậy, nếu nòng pháo nóng quá mà vẫn bắn tiếp, có thể làm nổ nòng pháo, dẫn đến thương vong. Trong khi đó, Định Hải quân cũng được lệnh chuẩn bị.

Nghỉ ngơi khoảng nửa canh giờ, thần công đại pháo đã trở lại trạng thái bình thường, các xạ thủ được lệnh vào vị trí, Định Hải quân được lệnh lần lượt đổ bộ lên bờ. Vị trí đổ bộ là đoạn bờ biển hướng thẳng vào khu vực thành tường vừa bị phá hủy khi nãy.

Thấy Định Hải quân đổ bộ, thủ quân bên trong thành cũng dàn trận chuẩn bị tiến ra. Tiểu vương Malacca định cho quân tiến đánh lúc đối phương mới chỉ đổ bộ được một phần. Đó là thời cơ tốt nhất nếu chiếu theo lẽ thường. Có điều đáng tiếc là quân đội của Triệu Phong không thể tính theo lẽ thường được.

Thấy thủ quân dàn trận tạo thành mục tiêu quá nổi bật, Triệu Phong truyền lệnh xạ thủ khai pháo. Gần nghìn khẩu thần công trên các chiến thuyền lại hướng về trận hình của thủ quân mà nhả đạn. Tuy ‘khai hoa đạn’ chưa được nghiên cứu thành công, đạn của thần công đại pháo lúc này vẫn là những viên sắt tròn nặng. Nhưng một viên đạn nặng gần chục cân (1 cân = 600 gam), bắn trúng ai cũng chết người đó, đôi khi dư lực còn có thể làm vài người phía sau thương vong. Mỗi lượt phát xạ, gần nghìn viên đạn pháo rải xuống đầu thủ quân, cũng làm cho khoảng nghìn người thương vong. Sau vài lượt phơi mình dưới làn đạn pháo, bọn họ không chịu nổi nữa, bỏ mặc đội hình, mạnh ai nấy chạy đi tìm nơi ẩn nấp. Cả các tướng lĩnh cũng đành chịu, không ước thúc được quân sĩ. Quân đội của tiểu quốc Malacca cũng chỉ hơn vạn, nãy giờ chưa hề giao chiến mà đã tổn thất ước một phần ba, sĩ khí giảm đi rất nhiều, quân sĩ chẳng mấy ai còn có lòng dạ chiến đấu với địch nhân ‘rất’ lợi hại kia.

Định Hải quân đã đổ bộ hoàn tất, Triệu Phong truyền lệnh xạ thủ trên thuyền tạm ngừng oanh kích, thay vào đó là những khẩu thần công cỡ nhỏ của Định Hải quân khai pháo mở đường tiến vào trong thành. Giờ đây, Xưởng quân khí của Giang Phong đã dựa theo cải tiến của Hồ Nguyên Trừng, chế ra nhiều loại thần công cỡ vừa và cỡ nhỏ, gắn trên bánh xe để bộ binh có thể kéo đi các nơi tham gia tác chiến (Hồ Nguyên Trừng chế súng thần công cỡ vừa hai người khiêng, cỡ nhỏ một người vác vai; Giang Phong không thích như vậy mà bắt gắn bánh xe cho các khẩu pháo). Định Hải quân được trang bị khá nhiều loại này. Lã Tống có rất nhiều mỏ đồng, bọn Giang Phong không hề thiếu đồng để đúc thần công đại pháo.

Nhờ có thần công mở đường, Định Hải quân thuận lợi tiến vào trong thành. Tiểu vương Malacca thống suất quân đội ngoan cường chống cự một thời gian, nhưng rồi vì sức yếu thế cô, đành dẫn tàn quân bỏ thành rút lui về hướng đông bắc. Ở nơi đó tiểu quốc vẫn còn một vài tòa thành nữa. Bọn họ sẽ về đó tụ tập quân đội, mưu đồ khôi phục. Chứ lúc này bên cạnh tiểu vương chỉ còn lại hơn năm nghìn tàn quân, không thể nào đương cự nổi với 2 vạn 7.000 Định Hải quân. Triệu Phong đã có thần công đại pháo, lại còn ỷ chúng hiếp cô, quân đội Malacca không bại sao được.

Chiếm được Malacca, Triệu Phong đích thân vào thành an phủ dân chúng. Mọi người dân đều được bảo toàn tài sản, chỉ trừ những kẻ bất hợp tác mới bị bắt giữ. Đương nhiên kho tàng của tiểu vương cũng như tài sản của quan lại tướng lĩnh tiểu quốc đều bị tịch biên, sung công. Việc này, bọn Triệu Phong rất thông thạo.

Triệu Phong chỉ cho lưu lại 5.000 quân phòng thủ thành Malacca, hơn 2 vạn Định Hải quân còn lại tiếp tục lên đường chinh phạt các thành thị và tiểu quốc lân cận. Bọn Triệu Phong chỉ chiêu an các bộ lạc, còn đối với tiểu quốc thì đều tiến quân chiếm lĩnh. Bộ lạc thường chỉ là các thôn làng, có thể để cho tù trưởng tiếp tục cai quản. Nhưng tiểu quốc tối thiểu đã là cấp huyện, nhiều tiểu quốc lớn còn tương đương với cấp quận, thậm chí cấp tỉnh, phải do triều đình ở Gia Định Thành trực tiếp phái quan viên cai quản. Giang Phong muốn lãnh thổ phải được thống nhất hoàn toàn, không thể để cho địa phương thế lực tồn tại, sau này lại bày ra chuyện ly khai.

Sau gần nửa tháng, Triệu Phong đã ổn định được Malacca thành và các vùng phụ cận. Giang Phong cho chuyển đến đó Trấn Biên nhất sư để phụ trách phòng thủ Tân Thành, Malacca thành và các thành trấn phụ cận. Định Hải quân lấy thêm quân bổ sung cho số binh sĩ thương vong để đủ biên chế 3 vạn, tiếp tục chinh phạt các xứ trên bán đảo. Các xứ phía nam bán đảo dưới sự uy hiếp của Định Hải quân và Hạm đội, hầu như đều quy thuận. Chỉ có vùng phía bắc dưới sự lãnh đạo của tiểu vương Malacca tiếp tục kháng cự. Toàn vùng ngập tràn trong khói lửa chiến tranh.

Dù tiểu vương Malacca ngoan cường kháng cự, nhưng bước tiến của Định Hải quân cũng không hề chậm chút nào. Tiểu vương Malacca nguyên là vương tử ở Sumatra, chạy lên bán đảo Mã Lai chiếm đất xây thành, lập nên tiểu quốc mới được vài năm, căn cơ chưa ổn định, lòng dân chưa quy thuận, nên quân đội Malacca hết bại lại bại, bị đuổi dồn về phía bắc. Do chính sách của Giang Phong đối dân chúng khá nhẹ nhàng (chỉ nghiêm khắc đối với quý tộc và những kẻ bất hợp tác), nên được lòng dân bản địa hơn tiểu vương Malacca. Đối với dân bản địa, cả bọn Triệu Phong và tiểu vương Malacca đều là người ngoài, khi lựa chọn một trong hai, dân bản địa đều chọn đi theo bọn Triệu Phong. Không chỉ có thế, đa số quân binh có gốc bản địa trong quân đội của tiểu vương Malacca cũng chuyển sang quy thuận Định Hải quân, làm cho quân đội của tiểu vương Malacca ngày càng ít đi. Cuối cùng, sau hơn nửa năm ngoan cường chống cự, tiểu vương Malacca dẫn tàn quân hơn nghìn người chạy lên xứ Thái, lúc này là lãnh thổ của vương quốc Ayutthaya, được quốc vương xứ này thu nạp. Vương quốc Ayutthaya lúc này đang có chiến tranh với Đế quốc Khmer suy tàn, nên tiểu vương Malacca được phái sang trấn giữ biên cương phía đông, với lời hứa rằng nếu chiếm được đất đai của người Khmer sẽ giao cho tiểu vương Malacca cai trị.

Triệu Phong ổn định xong các xứ trên bán đảo Mã Lai, liền quay về đại bản doanh ở Tân Thành luyện binh, đồ mưu đảo Sumatra phía bên kia eo biển. Công việc ở bán đảo Mã Lai lúc này được chuyển giao lại cho Chính vụ bộ. Triệu Phong thuộc quân bộ, chỉ lo việc chinh phạt mà thôi. Quảng Tế Pháp sư sau khi xin ý kiến của Giang Phong, đã chia bán đảo Mã Lai thành 4 tỉnh. Phần phía nam gọi là tỉnh Cát Long Pha, gồm 6 quận : Tân Thành (sau khi di dân đến, thăng lên thành quận), Malacca, Cát Long Pha (tên Hán tự của Kuala Lumpur), Nam Ba, Quan Đan, Lân Nghi. Phía bắc tỉnh Cát Long Pha là tỉnh Cát Lan Đan (tên Hán tự của Kelantan), cũng gồm 6 quận. Dải đất hẹp phía trên, kéo dài cho đến xứ Thái được chia thành 2 tỉnh là Tân Ân (tức vùng Tanintharyi) và Tân Ý (tức xứ Pattani), mỗi tỉnh đều có 5 quận. Cả bốn tỉnh này mỗi tỉnh đều có diện tích gần 7 vạn kilômét vuông, cũng là những tỉnh lớn. Cát Long Pha và Cát Lan Đan cũng là những xứ đông dân. Chiếm xong bán đảo Mã Lai, tổng dân số các khu vực do Giang Phong kiểm soát đã tăng lên đến hơn 700 vạn người.

Tiếp đó, theo thông lệ là các cuộc di dân và kiến thiết thành thị. Các thành thị có sẵn thì được chỉnh trang lại theo phong cách mà Giang Phong ưa thích. Một số thành thị được hoàn toàn xây mới. Đặc biệt là Cát Long Pha, một thành thị được xây mới hoàn toàn bên cạnh một khu mỏ thiếc rộng lớn, trở thành thủ phủ của cả tỉnh. Giang Phong cần một lượng lớn thiếc để chế tạo các vật phẩm gia dụng. Thiết được sử dụng để mạ lên sắt thép, tạo thành thép không gỉ. Người xưa đã biết cách mạ kim loại, chẳng hạn như mạ vàng, mạ bạc, mạ đồng, … nên việc mạ thiếc cũng không đến nỗi khó khăn.

(chú : người thời xưa chưa biết cường thủy, hỗn hợp của acid sulfuric và acid clorhidric, khi mạ vàng đã mài vàng thành bột, hòa vào thủy ngân, rồi quét lên vật muốn mạ, sau đó làm nóng cho thủy ngân bay hơi).

alt
Cậu Thật Hư Hỏng
Ngôn tình Sắc, Sủng, Hào Môn
Trúc Mã Bá Đạo Cưới Trước Yêu Sau
Ngôn tình Sắc, Sủng, Đô Thị
(Sắc)Con Chồng Trước Và Cha Dượng
Ngôn tình Sắc, nhiều CP
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc