https://truyensachay.net

Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 49: BẮC PHẠT

Trước Sau

đầu dòng
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.516 (Giáp Ngọ, 1414), mùa xuân tháng hai.

Gia Định Thành. Trường Thanh Cung. Tử Tiêu Điện.

Đây là nơi làm việc của Giang Phong, đồng thời cũng là nơi đọc sách, nối liền với Tàng Thư Điện ở ngay bên cạnh. Trải qua hơn 10 năm sưu tầm, hiện trong Tàng Thư Điện có đủ các loại thư tịch cổ kim, đông phương tây phương. Không chỉ ưu tiên tích trữ thư tịch tại Tàng Thư Điện, Giang Phong còn ra lệnh xây dựng Thư Viện tại mọi trường học trong Đế quốc, khuyến khích mọi người đọc sách. Ở các Thư Viện còn treo hai câu :

“Vạn ban giai hạ phẩm. Duy hữu độc thư cao.”

‘Độc thư’ ở đây có nghĩa là đọc sách, là trí thức, chứ không có nghĩa là nhà nho như người Tàu vẫn hiểu. Do ảnh hưởng của Giang Phong, quan niệm về ‘độc thư’ của Đế quốc với Hán tộc hoàn toàn khác nhau. Ở Hán tộc, ‘độc thư nhân’ đồng nghĩa với nho gia. Còn ở Đế quốc, nông dân vẫn có thể đọc các sách nông học; thương nhân đọc các sách kinh thương; thợ thủ công đọc các sách công nghệ; quân binh cũng có các sách quân sự; và toán thuật thì quan trọng đối với tất cả mọi người.

Giang Phong khinh nho, nhưng không khinh Khổng. Nho giáo là biến tướng không tốt của Khổng giáo. Khổng Tử nói đến nghĩa vụ của thần dân đối với quân chủ, nhưng quân chủ cũng phải có nghĩa vụ tương ứng đối với thần dân. Mạnh Tử cũng nói : “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân thì quý, đất nước thứ hai, vua thì khinh). Ngoài ra cũng có câu : “Dân vi thuỷ ,quân vi chu ,thuỷ khả tải chu ,diệc khả phúc chu” (Dân như nước, vua như thuyền, nước có thể nâng thuyền, nhưng cũng có thể lật thuyền). Chính vì vậy, khi Khổng Tử còn tại thế, các tư tưởng của Ngài ít được các vị vua thời ấy ưa chuộng. Còn Nho giáo đã bỏ đi phần sau, chỉ giữ lại nghĩa vụ của thần dân đối với quân chủ và được các đế vương ưa chuộng. Nho giáo cũng đề cao việc đọc sách, nhưng chỉ là sách nho, khinh thường tất cả các loại sách khác, các nghề nghiệp khác, thậm chí còn xem ‘nông, công, thương’ là ‘tiện nghiệp’. Trước khi Nho giáo xuất hiện thì ‘Bách gia tranh minh’, đến khi Nho giáo xuất hiện thì ‘Bãi truất bách gia, độc tôn nho thuật’. Nho giáo xuất hiện, dẫn đến việc chỉ có các sách nho mới được xem là chính thống, độc thư nhân hầu như đều là đọc sách nho, cùng với nó là chính sách ngu dân và xem dân đen như rơm rác. Trong nước chỉ khuyến khích viết văn làm thơ, xã hội mấy nghìn năm vẫn cứ như thế, làm sao phát triển được.

Khổng Tử dạy học, dạy cả ‘lục nghệ’, là lễ, nhạc, xạ (bắn cung), ngự (cưỡi ngựa), thủ (học chữ), số (học tính); học trò của Khổng Tử học cả văn lẫn võ, xuất triều vi tướng, nhập triều vi tương (‘tương’ là quan văn, ‘tướng’ là quan võ, xưa có câu ‘vương hầu tương tướng’). Đến Nho giáo lại trọng văn khinh võ, nho gia được gọi là thư sinh, còn có câu ‘thư sinh trói gà không chặt’.

Lê Quý Đôn của Đại Việt có câu : “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”, thật đúng làm sao. Lúc này câu đó chưa xuất hiện, nhưng Giang Phong đã mượn lấy mà dùng, để nhấn mạnh chủ trương của Đế quốc : mọi nghề nghiệp đều quan trọng, bách gia đều được đề cao (trừ nho gia).

Xuất binh cần truyền hịch để giành chính nghĩa, mà truyền hịch thì cần kể tội, giống như Minh triều đã kể 22 tội của Hồ Quý Ly. Tội soán cải tư tưởng của Khổng Tử cũng là một đại tội trong hịch văn bắc phạt lần này, bởi Khổng Tử là “Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư” của Hán tộc.

Trong Tử Tiêu Điện lúc này chỉ có Giang Phong và Quảng Tế Pháp sư. Giang Phong đang nghe Quảng Tế Pháp sư báo cáo tình hình phương bắc.

Mùa đông năm ngoái, quân Trần của Trùng Quang Đế đã bị đánh bại hoàn toàn, vua quan Trùng Quang Đế đều bị bắt giải về Tàu, và đều tự sát trên đường áp giải. Quân Minh đã tập trung ở Nghệ An, chuẩn bị tiến đánh Thuận Hóa. Trấn Bắc Tướng quân Phạm Thế Căng đã đích thân đến trấn thủ phòng tuyến Hoành Sơn (đèo Ngang), đồng thời khẩn cấp gửi tấu biểu về triều thỉnh ý.

Giang Phong cầm tấu biểu của Phạm Thế Căng xem qua một lượt, đoạn hỏi :

- Quốc thư của bản triều gửi cho Minh triều thế nào rồi ?

Để có cớ xuất quân, trước đây Giang Phong đã sai sứ mang quốc thư sang Minh triều, yêu cầu Minh triều rút quân khỏi Đại Việt và bãi bỏ ‘Cấm hải lệnh’, không được gây khó khăn cho thương nhân của Đế quốc. ‘Cấm hải lệnh’ của Minh triều cấm người dân xuất hải (kể cả ra biển đánh cá), cấm cả việc giao thiệp với người ngoại quốc. Thương nhân của Đế quốc chỉ có thể buôn bán với quan lại do Minh triều chỉ phái, mà sự quan liêu hống hách của bọn quan lại đó khiến cho việc giao thương khó khăn vô cùng. Vì vậy mà trong quốc thư mới có yêu cầu bãi bỏ ‘Cấm hải lệnh’. Đương nhiên khi thảo quốc thư, bọn Giang Phong cũng biết rằng Minh triều chẳng khi nào chấp nhận những yêu cầu đó. Bọn họ lúc nào cũng tự kiêu tự ngạo, nhắm mắt bịt tai mà tự cho mình là Thiên triều Thượng quốc.

Quảng Tế Pháp sư nói :

- Khải tấu Thánh hoàng. Sứ đoàn vẫn còn đang trên đường về, nhưng theo tin hồi báo, Vĩnh Lạc đế xem xong quốc thư của bản triều, lập tức ném xuống đất và đuổi sứ đoàn của bản triều về nước. Không những thế, y còn ra lệnh cấm thương nhân của bản triều vào đất Minh triều giao thương. Hừ. Y có cấm cũng vô ích. Bản triều xuất quân bắc phạt, chiến tranh bùng nổ, còn giao thương gì nữa.

Vốn đã biết kết quả sẽ là như thế, Giang Phong cũng không tức giận, hỏi tiếp :

- Việc chuẩn bị chiến tranh đến đâu rồi ?

Quảng Tế Pháp sư nói :

- Khải tấu Thánh hoàng. Ở An Phú, Viên Thành và Hội An đều đã tích trữ rất nhiều lương thảo, đủ cho đại quân sử dụng trong 1 năm. Các kho lương trong toàn Đế quốc cũng đều đã chuẩn bị sẵn sàng, có thể điều vận bất cứ lúc nào. Lương thực tích trữ của bản triều đủ để tiến hành chiến tranh trong 10 năm, thậm chí lâu hơn nữa. Bản triều lương thực rất sung túc.

Để chuẩn bị bắc phạt, bọn Giang Phong đã chuẩn bị hơn 10 năm rồi kia mà. Gần đây, sản lượng lương thực của Đế quốc mỗi năm không những đủ cho thần dân sử dụng mà còn dư gần 3 phần, đều được tích trữ trong các kho quân lương. Nhiều năm tích lũy, lương thực vô số, dù cho có gặp mất mùa liền 2, 3 năm thì toàn dân cũng không bị đói. Do đó, cung ứng cho quân đội tiến hành chiến tranh trong 10 năm cũng không thành vấn đề.

Quảng Tế Pháp sư lại nói :

- Xưởng đóng thuyền ở Long Sơn vừa cho hạ thủy 10 chiếc vận hạm tải trọng 10 vạn thạch, đủ để vận lương cho các đạo quân bắc phạt.

Giang Phong khẽ gật đầu. Mỗi thạch là 100 cân, mỗi cân 600 gam. Vận hạm còn nhỏ hơn Thất Tinh cấp chiến hạm, nhưng sử dụng để vận lương cũng đủ rồi. Quảng Tế Pháp sư nói tiếp :

- Theo Triệu Tướng quân báo về, các đạo quân đã huấn luyện xong, sẵn sàng xuất chinh. Lý Tướng quân ở Viên Thành cũng báo như vậy. Hải quân cũng đã sẵn sàng, chỉ còn chờ thánh ý.

Giang Phong hỏi :

- Phía Đông Doanh thế nào ?

Quảng Tế Pháp sư nói :

- Các Phiên chủ ở Cửu Châu đảo đều đồng ý xuất binh cướp phá vùng Hoa Bắc, đương nhiên là phải sau khi bản triều tấn công Giang Nam. Nếu như quân đội bản triều chiếm được thượng phong, chắc chắn càng có nhiều Phiên chủ ở Đông Doanh xuất binh. Tuy bản triều chẳng hy vọng gì nhiều ở bọn họ, nhưng tin chắc bọn họ cũng sẽ gây ra ít nhiều hỗn loạn cho hậu phương của Minh triều.

Giang Phong lại hỏi :

- Phía Mông Cổ thế nào ?

Quảng Tế Pháp sư nói :

- Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.512 (1410), Vĩnh Lạc Đế suất lĩnh 10 vạn quân, 3 vạn cỗ xe ngựa chở lương thực, quân nhu chinh phạt Mông Cổ. Lần đó quân Minh còn mang theo nhiều tặng vật để lấy lòng người Olrat, mà yêu cầu bọn họ trung lập. Người Mông Cổ đánh không lại, phải chạy về phía tây. Nhưng sau đó, khi quân Minh rút về thì người Mông Cổ lại quay về đất của họ, và tiếp tục quấy nhiễu biên cương phía bắc của Minh triều để trả thù. Nhờ có lương thực, vũ khí của bản triều viện trợ, người Mông Cổ liên tục nam tiến vào đất của Minh triều cướp phá, gây cho Minh triều rất nhiều thiệt hại. Hiện tại song phương vẫn còn giao tranh với nhau. Vĩnh Lạc đế giờ vẫn còn ở Bắc Bình chỉ huy quân đội phòng ngự biên cương, giao cho Thái Tử Cao Thức ở lại kinh đô Giám quốc.

Giang Phong trầm ngâm giây lát, rồi bảo :

- Truyền Tử Tấn thảo hịch bắc phạt.

Lý Tử Tấn, hiệu là Chuyết Am, sinh năm Mậu Ngọ (1378), quê ở làng Triều Đông, huyện Thượng Phúc (nay thuộc huyện Thường Tín, Tp. Hà Nội), thi đỗ Thái học sinh năm Canh Thìn (1400), cùng khoa với Nguyễn Trãi, dưới triều Hồ Quý Ly, nhưng không ra làm quan. Khi quân Minh sang, đã được người của Quảng Tế Pháp sư đón vào nam, và được Giang Phong giao cho giữ chức Trưởng sử, phụ trách thảo chiếu chỉ, công văn, giấy tờ, thư tín, …

Hai ngày sau, Giang Phong thiết đại triều ở Văn Nghi Điện, triệu tập triều thần văn võ, truyền lệnh bắc phạt. Sau đó, mệnh lệnh khẩn cấp truyền đi.

Chương 50 : TIẾN CHIẾM THANH NGHỆ

Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.516 (Giáp Ngọ, 1414), mùa xuân tháng ba.

Trấn Bắc Tướng quân Phạm Thế Căng suất lĩnh hai quân Bảo Tiệp, Linh Tiệp vượt đèo Ngang bắc tiến thảo phạt quân Minh, sai thám mã truyền hịch đi các nơi. Hịch rằng :

“Ta Trấn Bắc Tướng quân họ Phạm,

Tính thẳng ngay bố cáo hịch này,

Kể từ khi Ngô tặc sang đây,

Việc nhà nước chứa chan nhiều nỗi.

Dân Đại Việt vốn không lầm lỗi,

Giết bỏ đều quyền nội trong tay

Ngoài nhân dân ngậm đắng nuốt cay,

Trong triều sĩ đêm ngày ta thán.

Quân Trương Phụ, Lý Bân, Mộc Thạnh,

Giết dân ta máu chảy thành sông,

Chốn quân doanh uế trược muôn phần,

Giặc tàn bạo xa gần thiết sỉ.

Vâng Đế quốc Thánh hoàng mật chỉ,

Ta xuất binh nghĩa vị cần vương.

Đất Nam phương tề tận đao thương

Quét trừ bọn nhiễu nhương tàn bạo.

Đồng hiệp sức ra tay giữ nước,

Như thuốc hay chữa bệnh mau lành,

Tờ hịch văn truyền đến trấn thành,

Mong triều dã ứng theo đuổi giặc.”

(chú : Anh Quốc Công Trương Phụ, Kiềm Quốc Công Mộc Thạnh, Phong Thành Hầu Lý Bân là 3 viên tướng Minh triều có chức tước cao nhất trong đạo quân xâm lấn Đại Việt. Nguyên còn có Thành Quốc Công Chu Năng làm thống soái, nhưng khi đến Long Châu, chưa ra khỏi đất Tàu thì đã chết, phó soái Trương Phụ lên thay).

Khi quân Thuận Hóa vượt đèo Ngang tiến ra. Tướng trấn thủ Kiềm Châu là Phạm Đống Cao đem dân binh các tộc Mường đi đánh đất Trà Long (Tương Dương, Nghệ An). Khi đến núi Bồ Cát thì gặp quân Minh cũng đang tiến lên. Song phương xông vào nhau quyết chiến. Phạm Đống Cao một thương một ngựa, xông thẳng vào giữa trận giặc đánh giết, ngựa đến đâu, quân Minh rẽ ra đến đấy. Dân binh các tộc Mường thấy thế càng thêm hăng hái, tràn lên đánh giết rất dữ dội. Quân Minh yếu thế không địch nổi, phải rút chạy về Trà Long. Quân Mường giết được sĩ tốt quân Minh hơn nghìn người, bắt được hơn trăm con ngựa và rất nhiều khí giới.

Thắng trận Bồ Cát, Phạm Đống Cao thừa thế suất quân tràn xuống vây thành Trà Long. Quan Tri châu là Cầm Bành vốn là một chi của họ Cầm ở Sầm Châu, nhận được thư của Cầm Công nên mở cửa thành ra hàng. Quân Mường chiếm được châu Trà Long, thanh thế lừng lẫy. Sau đó, Phạm Đống Cao dẫn quân thuận theo sông Lam tiến xuống đất Khả Lưu, cùng quân Thuận Hóa hợp vây thành Nghệ An.

Còn Phạm Thế Căng khi suất quân Thuận Hóa vượt đèo Ngang ra bắc, các châu huyện vùng bắc Tân Bình nguyên là vùng quản hạt cũ của Phạm Thế Căng đều mở cửa thành đầu hàng. Phạm Thế Căng vốn là đệ nhất danh tướng của Đại Việt lúc bấy giờ, lại từng có công dẹp giặc Chiêm Thành nên rất được lòng dân xứ này. Đại quân thuận thế tiến đến phía nam thành Nghệ An mà không gặp trở ngại gì đáng kể. Khi quân đến làng Đa Lôi, huyện Thổ Du (nay là huyện Thanh Chương), thì dân làng mang rượu thịt ra đón rước, khóc lạy mà nói rằng : không ngờ ngày nay lại thấy uy nghi nước cũ.

Tháng 4, Quân Thuận Hóa tiến đến Nghệ An, đóng quân ở phía nam thành, doanh trại kéo dài mấy dặm, quân thế rất mạnh. Quân Minh trong thành chỉ có hơn vạn, cùng năm nghìn dân binh của ‘ngụy tướng’ Phan Liêu, nên hết sức cố thủ, không dám ra đánh. Phan Liêu nguyên là con của Phan Quý Hữu, làm quan Thái Phó thời Trùng Quang Đế. Tháng 6 năm ngoái, quân Trương Phụ vào Nghệ An thì Phan Quý Hữu ra hàng, nhưng được mấy ngày sau thì mất. Trương Phụ cho con Quý Hữu là Liêu làm Tri phủ Nghệ An. Chính Liêu đã chỉ đường cho quân Minh vây bắt vua quan Trùng Quang Đế. Liêu biết mình phải tội lớn với Đại Việt, nên chỉ còn cách hết sức chống giữ, chờ cứu viện.

Trương Phụ ở Thăng Long nghe tin Phạm Thế Căng bắc tiến, đang vây thành Nghệ An, liền sai bộ tướng Lý An mang 5 vạn quân theo đường biển vào cứu viện. Bắc Dương Hạm đội Đại Đô đốc Mã Tân (nguyên tên thật là Matavamca, đại tướng của tiểu quốc Puni) đã phái một đội chiến hạm chờ sẵn ngoài biển, chờ các ‘tiểu’ chiến thuyền của quân Minh đi qua thì xông ra đánh. Sau một trận pháo kích cộng với xung kích, các ‘tiểu’ chiến thuyền của quân Minh đều bị bắn vỡ, bị đụng chìm. Quân Minh tử trận vài nghìn, còn lại đều bị bắt, không có ai chạy thoát.

Các chiến hạm của Bắc Dương Hạm đội tiêu diệt xong các chiến thuyền quân Minh, liền kéo ra bắc đồn trú ở cửa biển Thần Phù, ngăn hẳn các xứ Thanh Hóa, Nghệ An, Trường Yên (Ninh Bình) với quân Minh ở Thăng Long.

Nghệ An Thành.

Dừng quân nghỉ ngơi 3 ngày, Phạm Đống Cao tập trung 1.200 khẩu thần công thuộc 2 đạo quân, lập thành trận địa pháo ở phía nam thành, sau đó đồng loạt nã pháo vào tường thành, cửa thành. Đạn pháo làm thành tường chấn động rung rinh, đá rơi ra từng tảng từng tảng. Quân Minh cũng có một số thần công đại pháo thu được từ quân nhà Hồ, liền bắn trở ra. Thế nhưng hỏa dược của quân Minh chất lượng kém hơn hẳn hỏa dược của quân Đế quốc, nên phạm vi xạ kích không xa bằng, hoàn toàn bị áp chế.

Thành Nghệ An tuy kiên cố, nhưng cũng không thể chịu nổi 1.200 khẩu đạn pháo liên tục oanh kích. Chỉ sau hơn nửa ngày, tường thành đã sụp đổ một mảng lớn. Thật ra thì thành Nghệ An còn kém kiên cố hơn thành Đồ Bàn của Chiêm Thành nhiều, bởi đã lâu năm chưa được tu tạo sửa chữa. Mọi chú ý của nhà Hồ đều tập trung vào các thành trì ở phía bắc, đặc biệt là thành Đa Bang. Thế mà thành Đa Bang khi bị quân Minh tấn công còn không đứng vững được bao lâu, nói gì đến thành Nghệ An.

Khi tường thành sụp đổ, quân Thuận Hóa tràn vào trong thành. Do trong thành đều là dân Việt nên thần công đại pháo không được phép bắn pháo vào bên trong. Thế nhưng, 6 vạn quân Thuận Hóa tràn ngập thành Nghệ An cũng đủ khiến quân Minh khiếp đảm, phải mở cửa bắc tháo chạy. Tri phủ Nghệ An Phan Liêu chết trong đám loạn quân, dân binh của Phan Liêu đều đầu hàng. Phạm Thế Căng để lại 1 sư 1 vạn quân trấn thủ Nghệ An, còn lại lập tức truy đuổi quân Minh đang tháo chạy.

Nói về quân Minh do tướng Trần Trí cầm đầu bỏ thành Nghệ An chạy về phía bắc, định rút về Thăng Long. Nào ngờ chỉ chạy được chưa đến 10 dặm thì chợt nghe phía trước pháo nổ vang trời, tiếng reo dậy đất, rồi quân Mường ở hai bên đường đổ ra đánh giết. Trần Trí cố suất quân chống cự một lúc, lại thấy quân Thuận Hóa đuổi đến, cờ hiệu của Phạm Thế Căng phất phới tung bay trong gió, cả kinh thất sắc, vội bỏ mặc sĩ tốt, quay đầu ngựa tháo chạy về phương bắc. Quân Minh tan rã, bị bắt, bị thương, bị giết gần hết, chỉ còn lại chưa đến nghìn người chạy được theo Trần Trí.

Phạm Thế Căng bảo Phạm Đống Cao dẫn quân về trấn thủ Nghệ An, đồng thời chỉnh hợp hàng binh, xử lý tù binh, sau đó lại suất quân đuổi theo bọn Trần Trí đến tận Diễn Châu. Trần Trí dẫn quân vào thành Diễn Châu cố thủ.

Phạm Thế Căng nghe báo Trần Trí lại dẫn quân vào cố thủ ở Diễn Châu, tiền quân đã vây chặt Diễn Châu Thành, tức giận nghiến răng nói :

- Ái chà ! Ai ngờ cái gã Trần Trí này lại giỏi chạy đến thế. Lần này quyết không cho gã có cơ hội chạy thoát nữa.

Nói đoạn phân binh đi chiếm giữ các chỗ hiểm yếu ở về phía bắc Diễn Châu, sau đó mới suất đại quân đến vây thành. Bọn Phạm Thế Căng bao vây 3 ngày, chờ thần công đại pháo kéo đến nơi, rồi lại cũng giống như ở Nghệ An, dùng đại pháo bắn thành. Nhưng lần này chỉ có 1.000 khẩu thần công dàn ra phía trước cổng thành phía nam.

Trần Trí nghe báo, biết là không thể giữ nổi thành, truyền quân sĩ gom góp lương thực mang theo, sau đó lại mở cửa bắc tháo chạy. Bọn Trần Trí ghé vào Diễn Châu mục đích không phải muốn cố thủ ở đấy, chỉ vì thiếu lương, cần bổ sung thêm mà thôi.

Bọn Trần Trí lại chạy về phía bắc, khi đi ngang qua một cánh rừng, bỗng nghe thấy hai bên trống đánh vang trời, quân reo dậy đất, rồi có một toán quân đổ ra đón đánh. Viên tướng dẫn đầu mắt to, râu rậm, mặt đen, tướng dữ như hổ, một tay cầm khiên, một tay cầm đại đao, giục ngựa xông ra, quát lớn :

- Quân giặc kia còn chạy đi đâu ? Trương Hổ ta chờ các ngươi đã lâu lắm rồi.

Trần Trí sai viên tùy tướng múa thương chặn đánh, nhưng chỉ vừa xông ra là đã bị Trương Hổ chém một đao ngã lăn xuống ngựa. Trần Trí cả kinh thúc quân ùa vào. Trương Hổ lùi lại, quát quân sĩ bắn tên ra, quân Minh trúng tên thương vong rất nhiều. Trần Trí cũng trúng tên rơi xuống ngựa, rồi bị bắt. Quân Minh thấy chủ tướng bị bắt, lại bị vây chặt, đều phải đầu hàng.

Phạm Thế Căng phái 1 sư 1 vạn quân đi chinh phục các châu huyện vùng Diễn Châu, sau đó suất quân đến vây thành Tây Đô. Cũng áp dụng chiến thuật như ở Diễn Châu và Nghệ An, dù chỉ còn lại 800 khẩu thần công, nhưng thành Tây Đô chẳng có bao nhiêu quân Minh, chỉ chống cự được 4 ngày rồi thất thủ.

Chiếm xong thành Tây Đô, Phạm Thế Căng lại để 1 sư 1 vạn quân ở lại bình định vùng này, sau đó kéo 3 vạn quân còn lại thuộc đạo Linh Tiệp tiến ra Trường Yên, cùng Hải quân hội hợp. Kể từ lúc này, khu vực từ sông Đáy trở vào nam đều được sát nhập vào bản đồ Đế quốc.

Thời này người Đại Việt gọi quân Minh là giặc Ngô, nên một số đoạn đối thoại trong truyện gọi giặc Ngô chính là quân Minh đó nha.

alt
(Cao H) Không Xuống Được Giường
Ngôn tình Sắc, Sủng
Ước Hẹn Với Hai Người Đàn Ông (H)
Ngôn tình Sắc, Sủng, Nữ Cường
Chỉ Yêu Đỗ Nhược
Sắc, Sủng, Kiều nữ,Thanh niên nhà nghèo cao lãnh
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc