https://truyensachay.net

Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh 1

Chương 17: Thọ giới

Trước Sau

đầu dòng
“Dù kiến thức sâu rộng đến đâu,

cũng cần học hỏi cái hay của người khác;

Nếu kiên trì học hỏi không ngừng nghỉ,

sẽ thông hiểu và thấu suốt mọi sự.”

(Cách ngôn Sakya)

17.1

- Tiểu Lam ơi Tiểu Lam, em ở đâu?

Trong cơn mê man chập chờn, tôi nhận ra giọng nói đầy lo lắng của Kháp Na. Tôi lắc lắc đầu, trời ơi, đầu tôi nặng như búa bổ, tôi lại đổ vật xuống. Tiếng gọi như sắp khóc của Kháp Na hòa với tiếng bước chân cuống cuồng tìm kiếm.

- Tiểu Lam ơi, đừng làm ta sợ, em mau ra đây đi!

Tôi gắng gượng nhổm người dậy, nhưng tứ chi mềm nhũn chẳng thể đỡ nổi thân thể nặng như chì, đành cất giọng yếu ớt đáp lại:

- Tôi ở đây.

Tiếng bước chân dồn dập tiến lại gần, tấm bạt căng lán trại được kéo sang bên, Kháp Na sục sạo vào từng khe nhỏ tìm kiếm, cuối cùng cũng phát hiện ra tôi đang treo mình trên xà ngang. Cậu ấy vội vã leo lên, ôm tôi xuống, gương mặt điển trai nhuốm vẻ âu lo:

- Tiểu Lam ơi, ta và đại ca tìm em cả ngày trời. Em làm ta lo muốn chết!

Tôi đã thiếp đi cả ngày ư? Tôi nheo mắt, giọng nói nhẹ như gió thoảng:

- Tôi mệt quá, không chịu nổi nên đã thiếp đi.

- Lam Kha, cảm ơn em! – Dáng vẻ thong dong của ai đó xuất hiện sau lưng Kháp Na, đôi mắt trong ngần, thấu suốt ấy chiếu đến tôi ánh nhìn trìu mến, ấm áp. – Nếu không có em, ta thật sự không biết phải vượt qua cửa ải này ra sao.

Đón lấy ánh mắt ấm áp, chân thành ấy, tôi thấy những việc mình làm là hoàn toàn xứng đáng. Đột nhiên hai má tôi nóng bừng, bóng dáng thân thuộc trước mắt cứ mờ dần, tôi gắng gượng đáp lại:

- Tôi đã hứa với đại sư Ban Trí Đạt sẽ bảo vệ hai… anh em… cậu…

Trước lúc chìm vào cơn mê man, tôi chỉ kịp nghe thấy giọng nói hốt hoảng của Kháp Na:

- Tiểu Lam nóng quá, em ấy ốm rồi!

Lúc tôi tỉnh lại lần thứ hai thì nhận ra mình đang nằm trên giường, trên người là mảnh chăn thường ngày tôi vẫn đắp. Kháp Na bưng chiếc bát vào phòng, thấy tôi thò đầu ra khỏi chăn thì mừng vui khôn tả, vội vàng chạy lại:

- Tiểu Lam, em tỉnh rồi à? Có đói bụng không? Uống chút sữa đi!

Kháp Na kề bát sữa sát miệng tôi, tôi đưa mắt quan sát xung quanh, đó là một căn phòng thiền tịnh kiểu Hán được trang hoàng sạch sẽ, trên bàn làm việc, nhang thơm tỏa hương thoang thoảng. Tôi ngạc nhiên:

- Chúng ta đang ở đâu? Anh trai cậu đâu?

Kháp Na dịu dàng vuốt ve đầu tôi:

- Chúng ta đã đến chùa Sùng Thánh ở Hà Châu, em hôn mê suốt mấy ngày liền nên không hay biết gì. Đại ca vẫn ngày ngày ở bên chăm sóc em, nhưng hôm nay là ngày huynh ấy thọ giới Tỷ khâu, không thể vắng mặt.

Tôi sửng sốt, bật dậy, mảnh chăn rơi xuống:

- Hôm nay ư?

Kháp Na gật đầu:

- Ta cũng muốn được đến đó xem đại ca thọ giới, nhưng huynh ấy không yên tâm, bảo ta ở nhà chăm sóc em. Em đừng sốt ruột, buổi lễ kết thúc là huynh ấy về ngay thôi.

Tôi muốn chạy đến đó ngay lập tức, nhưng mới bước một bước đã hoa mắt, chóng mặt rồi ngã nhào. Tôi đành dùng miệng cắn vào vạt áo Kháp Na:

- Đưa tôi đến đó! Đưa tôi đến chỗ cậu ấy làm lễ thọ giới.

Kháp Na ôm tôi vào lòng, nhẹ nhàng động viên:

- Tiểu Lam à, em còn yếu lắm, phải nghỉ ngơi cho khỏe. Đại ca thọ giới Tỷ khâu đâu phải việc gì nghiêm trọng, em không đến cũng được mà!

Tôi lắc đầu quầy quậy:

- Kháp Na, làm ơn, đưa tôi đến đó!

Không thuyết phục được tôi, cậu ấy đành cho tôi uống sữa rồi ôm tôi chạy đến giới đàn. Lúc chúng tôi tới nơi, Bát Tư Ba đang đứng trước lối đi dẫn vào một hành lang rất dài, bên cạnh là các đệ tử đã theo cậu ấy nhiều năm qua: Drakpa Odzer và Besangbo. Y phục của cậu ấy rất giản dị, không phải áo cà sa sặc sỡ và mũ ngũ sắc trang trọng, chỉ là chiếc áo tăng ni màu đỏ sẫm bình thường, cổ đeo chuỗi tràng hạt làm từ gỗ đàn hương mà bác cậu từng đeo. Đang chuẩn bị bước vào dãy hành lang, Bát Tư Ba chợt trông thấy Kháp Na hớt hải chạy đến, trên tay là tiểu hồ ly với vẻ mệt mỏi tột độ, ánh mắt cậu ấy bỗng sáng lên.

Kháp Na vuốt ve đầu tôi và gật đầu với Bát Tư Ba, cậu ấy nở nụ cười toại nguyện, ánh mắt trong veo, long lanh như hồ nước. Rồi cậu ấy quay đầu lại, hướng về dãy hành lang hun hút, chầm chậm cất bước.

Đó là một dãy hành lang rất dài và hẹp, hai bên phủ kín vải đen, âm u, tối tăm, tưởng như không thể chạm đến tận cùng, cách một đoạn lại có một vị cao tăng đất Tạng đứng đón. Kháp Na cất tiếng khe khẽ, giải thích cho tôi hiểu:

- Ở Trung Nguyên có rất ít ngôi chùa đủ tiêu chuẩn để thọ giới Cụ túc, vì theo quy định đó phải là ngôi chùa có quy mô lớn. Đi hết dãy hành lang này sẽ đến nơi đại ca làm lễ thọ giới.

Tỷ khâu giới hay còn gọi là Cụ túc giới có thể nói một cách dễ hiểu là tấm bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Phật giáo của các đệ tử nhà chùa. Muốn trở thành một nhà sư chuẩn mực, người tu hành phải thọ giới Cụ túc và tuân thủ hai trăm năm mươi điều giới luật. Một số giới luật hết sức nghiêm khắc, đòi hỏi người tu hành phải có sự quyết tâm và nỗ lực phi thường.

Bát Tư Ba nổi danh ngay khi còn rất nhỏ, thành tựu mà cậu ấy đạt được trong lĩnh vực Phật học khó ai sánh bằng. Nhưng dù đạt tới cảnh giới nào về mặt học thuật, cậu ấy vẫn phải tuân thủ các yêu cầu của hoat động tu hành trong các tu viện và đền chùa Phật giáo. Vậy nên, dù am hiểu sâu sắc các giáo lý Mật Tông Sakya từ lâu nhưng Bát Tư Ba vẫn phải thọ giới Cụ túc năm hai mươi tuổi như những Sa di bình thường khác.

Bát Tư Ba chầm chậm bước đi, lưng thẳng, vầng trán cao rộng, vẻ mặt an nhiên, phong thái thoát tục. Bước đi trên hành lang âm u, mù mịt ấy, không biết cậu ấy đang nghĩ gì?

Đến chỗ đại sư của phái Nyingma, gương mặt ngài hiền từ, đôn hậu nhưng giọng nói cất lên vang vọng, đầy uy nghiêm:

- Sa di Lạc Truy Kiên Tán, kiếp này ngươi nguyện sẽ phụng sự Phật Tổ suốt đời chứ?

Bát Tư Ba ngẩng đầu, khẳng khái đáp:

- Thưa vâng!

Đến chỗ vị đại sư của phái Pagmodru Kagyu, giọng nói nghiêm nghị lại vang lên trầm bổng:

- Sa di Lạc Truy Kiên Tán, ngươi có sẵn sàng gánh vác trách nhiệm hoằng dương Phật pháp suốt đời không?

Bát Tư Ba tự tin đáp:

- Thưa có.

Đến chỗ trưởng lão của phái Drikung Kagyu, ngài nhìn Bát Tư Ba vẻ đầy nghiêm nghị:

- Sa di Lạc Truy Kiên Tán, kiếp này người bằng lòng buông bỏ mọi yêu ghét, hận thù, mọi chấp niệm chứ?

Bát Tư Ba ngừng lại chốc lát, giọng nói kiên định cất lên:

- Thưa vâng.

Bát Tư Ba vừa bước đi vừa lần lượt trả lời câu hỏi của các vị đại sư tham gia lễ thọ giới cho cậu cho đến khi đi tới giới đàn làm lễ.

Ba vị pháp sư tọa trên đài cao, bên cạnh họ là bảy vị chứng nhân xếp thành hàng ngang thẳng tắp. Chủ trì lễ thọ giới hôm nay là đại sư Shakya Zangpo, đương nhiệm bản khâm của phái Sakya. Vị đại sư lấy ra từ khay gỗ một con dao cạo đầu sáng loáng, Bát Tư Ba thành kính cúi đầu. Trong tiếng tụng niệm lầm rầm vang vọng của bảy vị chứng nhân, ngài Shakya Zangpo bắt đầu xuống tóc cho Bát Tư Ba:

- Từ đây, thoát khỏi sự sống chết, xa lìa nỗi ghét thương, tách biệt khỏi thế tục, con có làm được không?

Bát Tư Ba thôi khép mắt, ngước lên, hít một hơi thật sâu, nói dõng dạc:

- Con làm được!

Đại sư Shakya Zangpo gật đầu khen ngợi:

- Kể từ hôm nay, Lạc Truy Kiên Tán sẽ là một Tỷ khâu chân chính đã thọ giới Cụ túc.

Bát Tư Ba rời khỏi đệm trải, đứng lên, chắp tay vái lạy các vị đại sư và các vị chứng nhân. Ánh ban mai vừa ló dạng chiếu qua ô cửa sổ, những chùm sáng lấp lánh ánh vàng loang khắp đại điện, hắt lên không gian bóng dáng cao lớn, chững chạc của Bát Tư Ba. Vị danh sư trẻ tuổi hiên ngang trong nắng mai tỏa rạng, hệt như đại bàng tung cánh lên trời xanh.

- Tiểu Lam, sao em lại khóc?

Tôi khóc ư? Tôi đưa móng vuốt lên dụi mắt, quay sang hướng khác, không để Kháp Na trông thấy vẻ tuyệt vọng của mình.

Buổi lễ sắp kết thúc, Kháp Na ôm tôi rời khỏi giới đàn. Cậu ấy đưa tôi trở lại phòng ngủ, thận trọng đặt tôi lên giường. Giọng nói trầm ấm cất lên:

- Tiểu Lam, đừng giấu ta, vì sao chứng kiến lễ thọ giới của đại ca, em lại buồn vậy?

Tôi cúi đầu, sụt sịt:

- Lẽ ra tôi đã có thể tu luyện thành người nhưng vì Bát Tư Ba, tôi đã tiêu hao quá nhiều tinh lực khi làm phép biến hóa. - Tôi ngừng lại một lát, nỗi niềm cay đắng trào dâng nghẹn ngào. – E rằng còn lâu lắm tôi mới có thể làm được điều đó.

Như bị giội nước sôi, Kháp Na bật dậy, giọng run run:

- Em bảo sao? Em… em có thể tu luyện thành người ư?

Tôi gật đầu buồn tủi.

Kháp Na chừng như bối rối, câu nói ngắt quãng, cậu ấy nhìn tôi chăm chăm từ đầu đến chân:

- Em… Tiểu Lam… em… em sẽ hóa thành một cô gái chứ?

Tôi nhìn cậu ấy vẻ khó hiểu:

- Tôi là hồ ly cái, tu luyện thành người đương nhiên phải hóa thành con gái rồi.

Kháp Na há hốc miệng như không thể tin nổi điều vừa nghe được. Sau đó, cậu ấy vỗ mạnh vào đầu mình, nhấc bổng tôi lên, quay một vòng:

- Tuyệt quá, Tiểu Lam ơi, tuyệt quá!

Tôi bị xoay đến chóng cả mặt, ngước đôi mắt khó hiểu lên nhìn vẻ vui mừng điên cuồng của cậu ấy:

- Kháp Na, sao cậu lại vui mừng như vậy?

- Sao lại không?! Em đáng yêu thế này, nếu tu luyện thành người, chắc chắn em sẽ là cô gái vô cùng xinh đẹp. Nhưng vì sao em lại buồn rầu khi đại ca thọ giới? Đại ca là Sa di, sớm muộn cũng phải thọ giới Tỷ khâu để trở thành nhà sư kia mà.

Tôi còn chưa kịp trả lời, cậu ấy chừng như đã đoán ra. Miệng cậu ấy uốn lại thành hình chữ O, kinh ngạc thốt lên:

- Không lẽ, không lẽ em…

Tôi lắc đầu ảo não:

- Không thể nào! Tôi đã mất đi quá nhiều linh khí, không biết phải bao lâu nữa mới có thể phục hồi. Đến lúc tôi tu luyện được thành người, e rằng cậu ấy đã là một ông lão già cả mất rồi.

Tôi ngước nhìn bầu trời xanh ngoài cửa sổ, cắn môi:

- Huống hồ, giữa chúng tôi có quá nhiều cách ngăn, đó là khoảng cách giữa con người và hồ ly, và còn cả thân phận không thể thay đổi của cậu ấy nữa.

Kháp Na sững sờ, ánh mắt nhìn tôi bỗng chốc trở nên phức tạp và khó hiểu.

Sau lễ thọ giới, Kháp Na không chịu rời nơi ở của Bát Tư Ba. Mukaton đã phải nhiều lần phái người đến thúc giục, cộng với lời động viên, khuyên nhủ của Bát Tư Ba, cậu ấy mới buồn bã lên đường trở về Lương Châu. Ngày tháng lặng lẽ trôi. Hốt Tất Liệt ngày càng tín nhiệm Bát Tư Ba, lúc nào cũng muốn cậu ấy ở bên mình. Tôi tiếp tục miệt mài tu luyện, chờ đợi một ngày xa xôi.

Các mưu sĩ người Hán là Lưu Bình Trung và Diêu Khu phân tích để Hốt Tất Liệt hiểu rằng, vì sao các tiểu quốc hùng mạnh như nước Kim và nước Tây Hạ đều bị Mông Cổ chinh phục, trong khi đó, quốc gia tưởng chừng rất yếu thế là Nam Tống thì Mông Cổ vẫn chưa công phá được. Nguyên nhân nằm ở chỗ: lúc bắt đầu cuộc chiến, nếu đối phương không chịu đầu hàng thì sau khi công phá thành trì, quân đội Mông Cổ sẽ ra sức tàn sát, cướp phá, vậy nên con dân Nam Tống thà chết cũng quyết chiến đấu chống lại quân Mông Cổ đến cùng. Do đó, khi người Mông Cổ chiếm được thành trì thì chỉ còn lại cảnh tượng hoang tàn, vườn không nhà trống. Chiến lược mổ gà lấy trứng, chỉ mưu lợi trước mắt ấy sẽ không giúp người Mông Cổ có được lương thực và nhất là khoản cống nạp thuế má lâu dài sau này.

Hốt Tất Liệt không giống những gã Mông Cổ nóng nảy, thô kệch khác, ngài hiểu rằng các vị mưu sĩ nói rất có lý. Theo lời cố vấn cũa các vị, ngài đã cho thiết lập hệ thống quan lại tại những địa phương thuộc lãnh thổ cai quản của mình, thảo quy chế, thưởng phạt phân minh, quân bình thuế má. Những chính sách mới này đã gặt hái được nhiều thành quả và được lòng dân chúng Trung Nguyên, nhưng lại không tránh khỏi gây ra xung đột về mặt lợi ích đối với đám quý tộc Mông Cổ xưa nay vẫn quen thói hạch sách, sách nhiễu, vơ vét của cải của dân đen một cách xấc xược. Những kẻ ghét cay ghét đắng Hốt Tất Liệt không tiếc lời phỉ bang và đặt điều về Hốt Tất Liệt trước mặt Mông Kha Hãn.

Thế là Mông Kha Hãn lệnh cho sứ giả đến điều tra từng viên quan đã được Hốt Tất Liệt sắc phong và vẽ ra hàng loạt tội danh của họ, thực chất là đánh vào thế lực của Hốt Tất Liệt. Thậm chí, có kẻ đã khuyên can Mong Kha Hãn “trước hết chặt đứt vây cánh, sau đó diệt kẻ cầm đầu”. Vây cánh ở đây ám chỉ người rất được lòng quân đội và dân chúng Trung Nguyên – Vương gia Hốt Tất Liệt, còn “kẻ cầm đầu” ở đây chỉ quốc gia quyết tử kháng cự quân đội Mông Cổ đến cùng – nhà Nam Tống. Không thể tin nổi, Hốt Tất Liệt và nhà Nam Tống đã trở thành mối bận tâm hàng đầu, những hòn đã tảng khổng lồ trong lòng Mông Kha Hãn, điều này khiến Hốt Tất Liệt không khỏi run sợ, đứng ngồi không yên.

Mùa đông năm 1257, nghe theo lời đề nghị của Diêu Khu, Hốt Tất Liệt ra lệnh bãi bỏ toàn bộ hệ thống cơ quan hành chính trên vùng đất do ngài cai quản, bàn giao lại quyền hành cho Mông Kha Hãn. Sau đó, ngài đưa toàn bộ gia quyến về Hà Tây bái kiến Mông Kha Hãn, nước mắt ngắn dài, tâm tình thủ thỉ, kể lể chuyện cốt nhục tình thâm, mong muốn hàn gắn tình huynh đệ ruột thịt, làm vậy để xóa tan những nghi kỵ trong lòng Mông Kha hãn. Bởi vậy, chúng tôi đã ăn cái Tết của năm 1258 trong lán trại lớn của Mông Kha Hãn.

- Khabi, vì sao cô đồng ý làm vợ Hốt Tất Liệt?

Lựa một buổi tối Hốt Tất Liệt không lưu lại trong lán trại của khách, tôi lẻn vào tẩm cung của cô ấy với mong muốn giải tỏa những khúc mắc bấy lâu nay cứ quẩn quanh trong tâm trí.

Khabi tủm tỉm cười, gương mặt phong tình khiến người ta mê mẩn:

- Hốt Tất Liệt là người đầy tham vọng và ý chí, chàng sẽ chẳng chịu làm bề tôi của người khác mãi. Đi theo một người có thế lực và tài giỏi như chàng, ta sẽ được hưởng thụ cuộc sống dư dả, vinh hoa phú quý mấy mươi năm, còn được nếm trải cảm giác được là người phụ nữ vinh hạnh nhất thiên hạ nữa chứ! Ta muốn được tận hưởng, được trải nghiệm cho bõ công bao năm tu luyện vất vả mới có được hình hài mỹ miều này.

- Thế cô có yêu ông ấy không?

Cô ấy gạt lọn tóc óng ả như tơ ra sau lưng, cúi xuống, nhìn vào mắt tôi, nụ cười gượng gạo treo trên môi:

- Em gái ơi, loài người khác loài hồ ly chúng ta nhiều lắm. Đám đàn ông gặp ai cũng yêu, thấy ai cũng muốn, huống hồ sự sủng ái của bậc đế vương vô vùng ngắn ngủi. Vì họ được quyền lựa chọn, họ có quá nhiều thứ để lựa chọn, và họ lại tham lam, họ muốn chiếm hữu tất cả. Đôi khi, phụ nữ còn là công cụ để họ mua chuộc các thế lực khác. Cho dù có yêu chiều ta bao nhiêu đi nữa, Hốt Tất Liệt cũng chẳng đời nào chịu từ bỏ “của ngon vật lạ”. Ví như đêm nay, mỹ nhân hầu hạ chàng chính là người mà hôm qua, em trai út A Lý Bất Ca của chàng dâng tặng. Có mới nới cũ là bản tính cố hữu của đàn ông.

Tôi sửng sốt:

- Vậy cô có ghen không?

- Nếu ghen, ta đã chẳng chọn chàng. – Khabi thở dài não nề, lắc đầu. – Chung sống với một người đàn ông quyền lực, ta sẽ có được vinh hoa phú quý, nhưng buộc lòng ta phải chấp nhận chia sẻ người đàn ông đó với những phụ nữ khác.

- Nhưng cô đã sinh con cho ông ấy kia mà!

Khabi cười tít mắt:

- Đó là vì ta buộc phải sinh và phải sinh con trai. Nếu không, dù cho được sủng ái bao nhiêu đi nữa, ta cũng không giữ nổi địa vị của mình.

Tôi lấy làm khó hiểu:

- Cô lấy ông ấy vì vinh hoa phú quý. Cô sinh con cho ông ấy vì giữ vững địa vị. Vậy còn tình yêu thì sao?

Khabi giật mình, tôi đọc thấy nỗi buồn miên man trong đáy mắt cô ấy, cô ấy khẽ thở dài:

- Em gái ơi, em còn trẻ nên tình yêu với em là quan trọng nhất. Nhưng em hãy nhở, chúng ta không được phép dành tình cảm quý báu của mình cho bất cứ người nào. Bởi vì tuổi thọ của chúng ta cao hơn họ rất nhiều. Nếu em để trái tim mình rung động trước một ai đó và yêu thương họ say đắm thì hạnh phúc ấy cũng chỉ kéo dài được mấy chục năm mà thôi. Vậy mấy trăm năm còn lại của cuộc đời mình, em định sống ra sao? Em có thể chịu đựng nỗi cô đơn gặm nhấm tim gan mình suốt chừng ấy năm tháng không?

Tôi giật mình thảng thốt, ngẩn ngơ nhìn Khabi. Trước giờ tôi chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để nhanh chóng tu luyện thành người, đó là mối bận tâm lớn nhất của tôi, thế nên tôi chưa bao giờ suy nghĩ về vấn đề tuổi tác. Nhưng hôm nay, những lời của Khabi đã thức tỉnh tôi, tôi chợt nhận ra rằng, còn một cửa ải gian nan nữa đang chờ đợi mình. Tạm thời chưa bàn đến việc sau khi tôi tu luyện thành người, liệu Bát Tư Ba có nảy sinh tình cảm với tôi hay không? Bản thân tôi thì sao, liệu tôi đã sẵn sàng đánh đổi mấy trăm năm cô độc lấy mấy mươi năm ân ái hay chưa?

Đêm đó, sau khi thẫn thờ rời khỏi tẩm cung của Khabi, tôi trở về lán trại của Bát Tư Ba, đến ngồi cạnh giường và ngắm nghía gương mặt đang say giấc nồng của cậu ấy đến khi những tia sáng ban mai đầu tiên của ngày mới ló rạng.

Ăn Tết xong, Hốt Tất Liệt lên đường trở về phủ Khai Bình như kế hoạch đã định. Khabi đề nghị để cô ấy và Chân Kim ở lại. Bề ngoài thì cô ấy muốn ở lại hầu hạ Hoàng hậu của Mông Kha Hãn và để Chân Kim có cơ hội học tập cùng các anh em họ, nhưng thực chất là ở lại làm con tin.

Hốt Tất Liệt sao có thể để vợ yêu và con yêu của mình ở lại chứ? Nhưng Khabi đã ra sức thuyết phụ ngài, nói lấy đại sự làm trọng. Ai cũng biết Khabi và Chân Kim có ý nghĩa quan trọng nhường nào đối với Hốt Tất Liệt, thế nên để mẹ con cô ấy ở lại, Mông Kha Hãn mới tin tưởng Hốt Tất Liệt triệt để.

Ngày lên đường, Hốt Tất Liệt cứ đi một bước lại ngoảnh đầu nhìn lại, ánh mắt lưu luyến không rời vợ và con trai. Người đàn ông bốn mươi ba tuổi ấy hai mắt đỏ hoe, lần đầu tiên trong đời ngài đã rơi lệ, những giọt lệ tủi nhục. Trải qua thử thách lần này, tình cảm Hốt Tất Liệt dành cho Khabi sâu đậm bội phần. Ngày sau, khi trở thành hoàng đế chí tôn, Hốt Tất Liệt đã không do dự trao cho người vợ đã cùng ngài trải qua những năm tháng hoạn nạn có nhau ấy địa vị cao quý nhất mà mọi phụ nữ trong thiên hạ đều tôn sùng.

- Tiểu Lam, lần này em đến chỉ hôn mê có một ngày thôi, nhưng vì sao lại bị chảy máu mũi?

Thấy tôi tỉnh lại, Kháp Na nhấc tôi ra trước mặt, quan sát tỉ mỉ. Tôi ngạc nhiên, lấy móng vuốt cọ vào mũi, đúng là có vệt máu dính trên lông. Tôi giật mình sợ hãi, nhưng ngay lập tức đã tìm ra cách tự an ủi, tôi xua tay:

- Không sao, không sao! Chắc tại bếp than trong phòng cậu nóng quá thôi.

Nhưng Kháp Na vẫn chưa thôi lo lắng, tôi bèn chuyển đề tài:

- Kháp Na à, sắp tới sinh nhật lần thứ hai mươi của cậu rồi đó. Lâu Cát định tới Lương Châu chúc mừng cậu, nhưng Hốt Tất Liệt đột ngột phái cậu ấy đến Ngũ Đài Sơn. Hốt Tất Liệt không nguôi lo sợ Mông Kha Hãn sẽ ra tay với mình nên thời gian gần đây ông ấy đặc biệt mê tín, ngày ngày cầu thần khấn Phật phù hộ, còn thường xuyên yêu cầu Lâu Cát cử hành pháp hội cầu phúc cho ông ấy, và bây giờ lại cử cậu ấy hành hương về Ngũ Đài Sơn làm lễ cầu an. Lâu Cát không thể trái lệnh nên nhờ tôi đến hỏi cậu xem cậu thích quà gì.

Kháp Na gõ gõ vào đầu mũi tôi, cưng nựng:

- Ta không cần gì cả, chỉ cần hôm đó em đến chung vui với ta là đủ.

- Không thể thế được. Sinh nhật tròn hai mươi tuổi là dấu mốc rất quan trọng của một người đàn ông. Các gia đình quyền quý thường bày cỗ, có thể là vài chục mâm đến hàng trăm mâm mời mọi người đến chúc mừng.

Rồi sực nhớ ra, tôi vùng thoát khỏi bàn tay cậu ấy, lao đi:

- Kháp Na, tôi biết phải tặng cậu món quà gì rồi, chờ tôi nhé!

Kháp Na cuống cuồng gọi với theo:

- Tiểu Lam, em đi đâu vậy?

Tôi quay đầu lại căn dặn:

- Đừng lo, nhất định tôi sẽ quay về đúng dịp sinh nhật cậu.

~.~.~.~.~.~

Trong lò sưởi, than đã tàn quá nửa, tôi tập tễnh ra ngoài lấy thêm than, chàng trai trẻ đi theo phụ giúp. Ngoài trời gió vẫn ù ù thổi, những bông tuyết lớn cuốn trong gió, trút ràn rạt xuống người chúng tôi, chỉ một lát, trên vai đã phủ một màu trắng xóa. Chúng tôi khiêng bao than vào nhà, giậm chân giũ sạch tuyết trên vai. Chàng trai trẻ gặp vài viên bỏ vào lò:

- Tôi cứ băn khoăn mãi, vì sao Phật giáo Tây Tạng lại lựa chọn phương thức tìm kiếm linh đồng chuyển thế để kế thừa pháp thống?

Tôi hơ tay sưởi ấm:

- Phương thức lựa chọn linh đồng chuyển thế làm người kế thừa xuất hiện khi rất nhiều giáo phái của Phật giáo Tây Tạng đã trải qua hàng trăm năm lịch sử. Trước đó, hầu hết các giáo phái đều phải áp dụng phương thức cha truyền con nối hoặc sư phụ truyền cho đệ tử. Nhưng phương thức truyền thừa kiểu huyết thống và thầy trò đều tồn tại những hạn chế nhất định.

Than cháy càng đượm, căn phòng càng trở nên ấm cúng, hệt như thời tiết lúc sang xuân. Tôi cởi áo khoác ngoài, tiếp tục câu chuyện:

- Phái Sakya chính là ví dụ điển hình của phương thức kế thừa kiểu huyết thống. Và vấn đề khiến giáo phái này đau đầu nhất từ xưa đến nay là: không có con trai nối dõi. Nếu nguy cơ này xảy ra thì việc kế thừa giáo phái sẽ không có cách nào giải quyết.

Chàng trai trẻ gật đầu:

- Vậy nên rất ít giáo phái Phật giáo Tây Tạng lựa chọn phương thức kế thừa này. Nhưng vì sao không áp dụng phương thức sư phụ truyền lại cho đệ tử?

Tôi đáp:

- Trước khi phương thức tìm kiếm linh đồng chuyển thế xuất hiện, đại đa số các giáo phái đều áp dụng phương thức đệ tử kế nghiệp sư phụ. Nhưng hạn chế của phương thức này là ở chỗ: sư phụ không thể chỉ thu nạp một đệ tử. Đệ tử càng đông, sự tranh chấp lợi ích càng quyết liệt, nó sẽ làm nảy sinh hệ lụy là, các đệ tử chia vây tạo cánh, khi thấy đủ mạnh thì tách ra khỏi hệ phái ban đầu, tạo lập chi phái mới, từ đó khiến sức mạnh của toàn bộ giáo phái bị xé lẻ, chia rẽ, dẫn đến suy yếu. Ví dụ điển hình là phái Kagyu. Giáo phái này ban đầu là một giáo phái có thực lực mạnh nhất Tây Tạng, nhưng nội bộ không thống nhất về vấn đề kế thừa nên các đệ tử lũ lượt tách ra, lập chi phái mới khiến giáo phái Kagyu vốn lớn mạnh là thế bỗng chốc bị chia năm xẻ bảy, sau cùng phân chia thành hơn mười chi phái lớn nhỏ, thậm chí trong một chi phái cũng phân chia thành các nhánh nhỏ hơn. Sức mạnh phân tán, không tập trung khiến giáo phái Kagyu mất đi vai trò quyết định trong hệ thống giáo phái Phật giáo Tây Tạng về sau.

Chàng trai trẻ vỗ tay, bật cười ha hả:

- Thế nên họ mới quyết định chọn phương thức tìm kiếm linh đồng chuyển thế để kế thừa pháp thống, thế là các đệ tử khỏi nhọc công tranh giành!

Tôi mỉm cười gật đầu.

alt
Nuôi thú cưng (NP hiện đại H)
Ngôn tình sắc, NP hiện đại H
Cô Nàng Livestream Web Người Lớn
Ngôn tình Sắc, Sủng
Hẹn Tình Với Người Nổi Tiếng
Ngôn tình Sắc, Sủng, Tổng Tài
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc