Không biết chúng tôi đã nhìn nhau bao lâu, mãi sau tôi mới run rẩy hỏi:
- Vì sao?
Bát Tư Ba nhìn tôi trân trối, ánh mắt ngập tràn khổ đau, cởi bỏ áo cà sa. Tôi thốt lên kinh ngạc. Trên mình chàng, trên cánh tay chàng chi chít các vết sẹo, dù không còn tấy đỏ nhưng hằn rõ hình những bông sen rỉ máu. Tôi giật mình ngẩng lên nhìn chàng. Chàng cúi đầu, rơi lệ:
- Khi em hóa thành người, chỉ cần ta chạm vào em là thịt da sẽ bị thiêu đốt, đau đớn tột độ.
Tôi chết lặng, kinh hoàng, một lúc lâu sau mới run run cất giọng hỏi:
- Vì sao lại như vậy?
Chàng cười thê lương.
- Có ai không nhận ra tình cảm ta dành cho em kia chứ! Ta giả bộ lạnh lùng, lạnh nhạt chỉ để che giấu tình cảm dạt dào, mãnh liệt đang trỗi dậy trong lòng mình mà thôi. – Chàng hít một hơi thật sâu, ngẩng lên nhìn tôi đắm đuối, ánh mắt dịu dàng, dìu dặt. – Đúng vậy, ta yêu em. Kể từ lúc Kháp Na đưa em tới trước mặt ta, ta đã yêu em bằng cả trái tim mình. Bởi vì, đúng như Kháp Na từng nói, em xinh đẹp, hiền hậu là thế, làm sao ta có thể chống lại sức hấp dẫn chết người ấy được? Thậm chí, trong ta đã nảy sinh những ham muốn đáng xấu hổ, ta khao khát có được em!
Nước mắt tôi lã chã:
- Từ lúc nào chàng biết mình không thể chạm vào em?
- Đó là buổi tối ngày diễn ra lễ hội Sitatapatra, cách đây bảy năm. Hoàng hậu Khabi đến tìm ta, nói rằng ta phải đánh đổi mười năm dương thọ của mình để cứu em. Em biết không, lúc đó ta đã vô cùng vui sướng. Ta chỉ cần có một lý do để được ở bên em, mười năm dương thọ có là gì. Nhưng ta… ta…
Chàng đột ngột ngưng bặt, chìa bàn tay ra trước mặt, xoay qua xoay lại, khóe môi run run.
- Khi ta vuốt ve gương mặt em, bàn tay như bị đốt cháy, bỏng rát đến tận xương tủy. Ta không tin nên đã ôm em vào lòng. Nhưng bất cứ vùng da thịt nào trên cơ thể ta chạm vào em đều đau đớn tột cùng. Đến lúc ấy ta mới nhận ra, nhìn em mà không thể chạm vào em. Cả đời này ta chỉ có thể ngắm nhìn em mà không thể chạm vào em!... Ta vội vàng đánh xe về phủ Quốc sư và nhận thấy Kháp Na vừa tới. Để cứu em, ta buộc phải nói với Kháp Na. Ta đâu ngờ, đệ ấy bất chấp tất cả, lao đi cứu em. Và ta hiểu rằng, đệ ấy cũng rất yêu em. Lần đầu tiên trong đời mình, ta biết thế nào là ghen tuông, căm hận. Ta đã ghen với cả đứa em trai ta yêu thương nhất!
Chàng đau khổ ôm đầu, toàn thân đổ vào bức tường phía sau rồi từ từ trượt xuống đất, mỏi mệt rã rời. Chàng gào lên quằn quại:
- Đêm đó, lòng ghen tuông và nỗi căm hận như loài rắn độc gặm nhấm tâm can ta. Cứ hình dung ra cảnh em và Kháp Na ở bên nhau là toàn thân ta như bị vùi trong lò lửa. Cả đêm đó, ta đã giày vò, đày đọa bản thân mình hóa điên vì ta muốn tìm ra nguyên nhân, vì sao ta không thể chạm vào em.
Tôi muốn chìa tay ra nắm lấy tay chàng, nhưng đành cắn răng rút lại:
- Vậy chàng đã tìm ra nguyên nhân đó chưa?
Chàng lắc đầu tuyệt vọng:
- Bảy năm qua ta vẫn không ngừng tìm hiểu nhưng không có kết quả. Đó là bí mật lớn nhất của đời ta, ta không thể hỏi ai, cũng không thể nói với ai, kể cả Kháp Na. Sau đó, ta nhận thấy tình cảm của em dành cho Kháp Na ngày càng sâu đậm nên ta muốn vun vén cho hai người, ta không thể không nhường em cho Kháp Na. Nhưng để có thể đưa ra quyết định ấy, ta đã phải trải qua những tranh đấu, giằng co quyết liệt. Vì quá đau khổ, ta đành vùi đầu vào công việc để quên đi. Chỉ cần không còn thời gian rảnh rỗi, ta sẽ không phải suy nghĩ, không phải đau khổ nữa.
Nước mắt đầm đìa trên mặt, tôi ngồi xuống bên chàng, muốn ôm chàng vào lòng nhưng lại không thể. Bây giờ tôi đã hiểu vì sao chàng lại vô cớ lạnh nhạt, cay nghiệt với tôi như vậy. Muốn được ôm người mình yêu vào lòng mà không thể, cảm giác ấy xót xa, cay đắng vô cùng. Vậy mà chàng đã một mình chịu đựng suốt bảy năm trời.
- Kháp Na vì giáo phái, đã ép mình chấp nhận cuộc hôn nhân lần thứ ba, điều này khiến ta vô cùng xót xa. Trên đường từ Chumig trở về Sakya, ta đã nhận ra em có tình cảm với đệ ấy. Kháp Na hy sinh bản thân hết lần này đến lần khác vì giáo phái thì vì sao ta không thể giúp đệ ấy giành lấy hạnh phúc vốn dĩ phải thuộc về đệ ấy? Dù ta có miệt mài tìm hiểu nguyên nhân cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa, đó là sự trừng phạt của Bồ Tát Văn Thù đối với tội lỗi phá giới của ta. Em không bao giờ thuộc về ta, chỉ tại ta quá tham lam, ích kỷ. Vì thế ta đã quyết định…
Chàng ngừng lại, ánh mắt chàng vân du trên gương mặt tôi rất lâu, giọng nói khản đặc vì xúc động:
- Vĩnh viễn từ bỏ em.
Vậy là tôi đã hiểu, khi chàng khuyên tôi đến với Kháp Na, chàng nói rằng chàng không chịu đánh đổi mười năm dương thọ vì chàng còn nhiều việc phải làm, chàng còn bảo rằng chàng đã bỏ tôi lại căn phòng đó, phó mặc tôi cho số phận định đoạt, tất cả những lời cay nghiệt, vô tình ấy thì ra chỉ là để tôi căm ghét chàng!
Tôi như đứt từng khúc ruột, lắc đầu phủ nhận:
- Không đúng, chàng từng chạm vào em. Khi em sinh Dharma, chàng đã luôn ở bên em, nắm chặt tay em, kéo em tựa vào lòng chàng, an ủi, động viên, cỗ vũ em. Khi em không còn đủ sức để uống canh sâm, chàng đã mớm cho em từng miếng một. Nếu không có chàng, chắc chắn em không thể vượt qua cửa ải sinh tử ấy. Nhưng lẽ nào… lúc đó chàng…
Tôi không thể nói tiếp được nữa. Nhớ lại khi ấy, gương mặt chàng tái dại, méo mó như thể đang phải chống chịu với con đau tột độ. Về sau, tôi thấy tay chàng băng bó nhưng chàng lại bảo đó là do vô tình làm nến đổ vào. Tôi đâu biết chàng đã bất chấp nỗi đau đớn, khổ sở nhường vậy để không rời xa tôi dù chỉ một bước.
- Đau lắm, quả thực rất đau. Lúc hôn em, ta không hề có cảm giác gì khác ngoài sự tê dại, đau buốt.
Chàng chạm tay vào vết sẹo trên cơ thể mình, những vết sẹo hình hoa sen.
- Dù vậy, vết thương trên da thịt làm sao nhức nhối bằng vết thương trong tim! Em đã phải chịu đựng nỗi đau khổ gắp hàng trăm, hàng nghìn lần. Em đã mất Kháp Na. Nếu ta cũng bỏ em đi thì em sẽ ra sao?
Tôi quỳ gối, nhích từng chút một về phía chàng.
- Nếu chàng đã biết, chàng là điểm tựa của cuộc đời em, vậy thì xin chàng đừng từ chối em. Hãy để em ở bên chàng, cùng chàng đi trọn chặng đường cuối của cuộc đời. Đó không chỉ là tâm nguyện của em, còn là của Kháp Na nữa!
Chàng cười tuyệt vọng, lắc đầu mệt mỏi:
- Dù em không chê ta già cả, không bận tâm ta chẳng còn sống được bao lâu nhưng ta vẫn không thể chạm vào em. Lam Kha, em nói xem, ngoài việc từ chối em, ta còn làm gì được nữa? Em nói đúng, ta không màng đến sự sống chết nữa. Ta mệt lắm, rất mệt, ta muốn sớm được giải thoát…
- Không được, em không cho phép chàng buông xuôi như vậy!
Tôi trừng mắt nạt nộ chàng, lau nước mắt rồi bật dậy:
- Chúng ta hãy đi hỏi Khabi, chắc chắn cô ấy sẽ có cách.
Tôi mới chỉ ba trăm tuổi, so với các đồng loại khác thì tôi còn rất trẻ. Nhưng Khabi đã một nghìn tuổi, cô ấy từng trải hơn, hiểu biết hơn, phép thuật cũng cao thâm hơn tôi. Có thể cô ấy biết nguyên nhân và tìm ra cách hóa giải.
Chàng sững sờ, ánh mắt thoáng hy vọng. Được tôi cổ vũ, chàng nhúc nhích cơ thể, gượng đứng lên. Tôi muốn lại gần dìu chàng nhưng sợ chàng đau, đành rụt tay về. Tôi nắm chặt tay lại, gật đầu quả quyết:
- Em sẽ ở bên chàng, chúng ta nhất định sẽ có cách!
Mí mắt chàng khẽ rung động, chàng hít thở sâu vài lần rồi mới chịu gật đầu với tôi.
Tối hôm đó, Bát Tư Ba đưa tôi đến cung điện của Khabi. Khi đám người hầu ra ngoài hết, tôi hóa phép thành người, kể lại toàn bộ sự tình cho cô ấy nghe. Cô ấy kinh ngạc, chăm chú quan sát Bát Tư Ba:
- Chả trách khi ta làm phép truyền linh khí từ cơ thể thầy sang cho Tiểu Lam, ta cảm thấy trong cơ thể thầy có một khối năng lượng rất kỳ lạ. Khối năng lượng này không gây hại cho thầy nhưng ta không biết lai lịch của nó.
Cô ấy đề nghị Bát Tư Ba ngồi xếp bằng trước mặt, đặt ngón tay lên trán chàng, chậm rãi niệm chú. Tôi đứng bên, lo lắng dõi theo. Đầu ngón tay Khabi dần xuất hiện vệt sáng màu đỏ. Bát Tư Ba chừng như rất đau, gương mặt chàng càng lúc càng tái nhợt nhưng chàng vẫn kiên trì chịu đựng. Khabi đăm chiêu suy nghĩ, miệng lẩm nhẩm liên hồi:
- Kỳ lạ, rất kỳ lạ!
Tôi sốt ruột hỏi:
- Kỳ lạ thế nào?
Cô ấy ngừng làm phép, thở hổn hển, hỏi một câu rất lạ lùng:
- Tiểu Lam, cô còn nhớ trước lúc qua đời, đại sư Ban Trí Đạt từng truyền dạy cho cô một đoạn chú để khống chế linh hồn và thể xác của cô, khiến cô không thể hóa phép thành người không?
Tôi ngạc nhiên, đáp:
- Có chuyện đó. Nhưng tôi đã nghe lời cô, không tu luyện theo pháp môn ấy nữa. Và tôi lại có thể hóa phép thành người đó thôi.
- Tuy cô không tiếp tục tu luyện theo đoạn chú đó nữa và có thể hóa phép thành người nhưng đại sư Ban Trí Đạt là người tính toán rất thấu đáo. Ông ấy đã sử dụng cách thức nghiêm khắc hơn.
- Là bác ấy ư?
Toàn thân Bát Tư Ba run lên bần bật, cánh tay chống xuống giường mỏi mệt:
- Trước lúc lâm chung, bác bảo ta quỳ xuống, đặt tay lên đỉnh đầu ta và niệm một đoạn chú. Ta cứ ngỡ bác ấy đang cầu phúc cho ta, nào ngờ...
- Đúng, đó là một loại bùa chú! Bùa chú này tương khắc với bùa chú mà ông ấy yểm trên người Tiểu Lam, nó không hề gây hại cho sức khỏe của thầy nhưng thầy không thể chạm vào bất cứ loài yêu nào từng tu tập đoạn chú của đại sư Ban Trí Đạt, bởi vì bùa chú yểm trên người thầy sẽ sát thương thầy.
Khabi thở dài nhìn tôi, khẽ chau mày:
- Trên đời này, có mấy yêu quái được đại sư Ban Trí Đạt truyền dạy pháp môn đâu! Rõ ràng ông ấy muốn khống chế cô. Ông ấy cần linh khí và lòng trung thành của cô để bảo vệ hai anh em họ. Nhưng ông ấy không muốn cô và Bát Tư Ba nảy sinh tình cảm, hủy hoại cuộc đời tu hành của quốc sư nên mới nghĩ ra kế sách vẹn toàn này. Dụ cô tu tập theo pháp môn của ngài để trói buộc linh hồn và thể xác của cô. Nếu một ngày nào đó cô phát hiện ra và dừng lại thì ngài đã có cách khác để đảm bảo rằng người thừa kế của người không bị cô quyến rũ. Cách đó là: yểm một bùa chú tương khắc lên thân thể Bát Tư Ba để quốc sư suốt đời không thể gần cô!
Tôi như bị đóng băng.
- Nhưng tôi đã ngừng tu tập theo thuật pháp của đại sư từ lâu rồi kia mà!
Khabi lắc đầu:
- Ngừng tu tập cũng vô ích, bởi vì khi cô phát hiện ra thì bùa chú ấy đã ăn sâu vào huyết mạch của cô rồi. Bùa chú này không phải loại bùa chú tà ác, không trái với đạo trời, không ngược với luân thường đạo lý nên khi nó đã được yểm thì không thể hóa giải.
- Không có cách nào hóa giải ư?
Cô ấy lắc đầu xác nhận, nhìn hai chúng tôi, nói:
- Bát Tư Ba, bây giờ thầy thử chạm vào người Tiểu Lam đi.
Bát Tư Ba rất đỗi băn khoăn:
- Lẽ nào bần tăng có thể chạm vào cô ấy rồi ư?
Khabi ngập ngừng:
- Ta cũng không biết, có lẽ là được. Trong đầu ta vừa lóe lên một suy nghĩ, ta muốn kiểm chứng.
Tôi ngồi xuống cạnh chàng, Bát Tư Ba thận trọng đưa tay lên má tôi, tôi ngừng thở, dõi theo bàn tay chàng, cho đến khoảnh khắc chàng chạm vào làn da tôi. Chàng khẽ nhíu mày, bàn tay chầm chậm di chuyển trên gương mặt tôi, lạ thay, không có vết thương nơi lòng bàn tay. Chàng mừng rỡ ngẩng nhìn Khabi:
- Tuy vẫn hơi đau nhưng không đến mức không chịu đựng nổi. So với cảm giác thiêu đốt lúc trước, cơn đau đã giảm nhẹ rất nhiều, không xuất hiện vết thương nữa.
Tôi vui mừng quá đỗi, nắm chặt bàn tay chàng:
- Thật ư? Như thế này có khiến chàng đau không?
Chàng khẽ chau mày, mỉm cười nhìn tôi:
- Không sao, ta có thể chịu được.
Nhưng Khabi không hề tỏ ra lạc quan, ngược lại, cô ấy càng lo lắng:
- Xem ra, ta đã đoán đúng.
Tôi và Bát Tư Ba đều nhận ra biểu cảm khác lạ của Khabi. Chúng tôi siết chặt tay nhau, cùng cầu xin cô ấy:
- Xin hãy cho chúng tôi biết sự thật.
Ánh mắt Khabi dừng lại trên đôi tay siết chặt của chúng tôi rất lâu.
- Loại bùa chú này sẽ tự động mất hiệu lực khi linh khí của quốc sư ngày một cạn kiệt và cơ thể thầy ngày càng yếu đi.
Tôi thảng thốt bật dậy, lòng như lửa đốt:
- Cô... ý cô là...
- Bần tăng hiểu rồi. – Bát Tư Ba điễm tĩnh nhìn Khabi, vẻ mặt an nhiên. – Sở dĩ bần tăng không còn cảm giác đau đớn dữ dội như trước là vì linh khí của bần tăng đã gần cạn kiệt, sự sống không còn được bao lâu, phải vậy không?
Khabi nhìn chúng tôi bằng ánh mắt u buồn, nước mắt trào ra trên gương mặt yêu kiều của cô ấy.
- Cho đến lúc... sự sống kết thúc, thầy sẽ không còn thấy đau khi chạm vào cô ấy nữa.
Trái tim tôi như vỡ tan thành trăm nghìn mảnh. Kể từ lúc rời xa con trai, tôi chưa bao giờ thấy đau khổ như thế này. Tôi không thể chấp nhận sự thật trước mắt. Tôi quỳ xuống, ngửa mặt lên trời, gào thét điên dại:
- Tuy là yêu quái nhưng tôi chưa từng hãm hại ai. Tôi chỉ muốn được cùng người tôi yêu sống cuộc đời bình dị, mà sao khó khăn đến vậy? Vì sao ông trời lại đối xử với tôi như vậy? Vì sao người tôi yêu đều phải chịu số mệnh tàn khốc?
Khabi cúi xuống đỡ tôi đứng dậy nhưng tôi gạt tay cô ấy ra, người đổ rạp, kêu khóc thảm thiết. Khabi cũng không cầm được nước mắt.
Bát Tư Ba nhẹ nhàng ngồi xuống bên tôi, giọng chàng khe khẽ cất lên:
- Lam Kha, đừng buồn, em nói muốn cùng ta đi trọn chặng cuối của hành trình kia mà!
Tôi ngẩng lên, bắt gặp nụ cười hồn hậu của chàng sau làn nước mắt. Đôi mắt không còn tinh anh như thuở thiếu thời nhưng thông tuệ, bác ái và ngập nỗi bể dâu, đôi mắt thấu suốt tâm hồn tôi. Chàng vỗ về tôi, kéo tôi vào lòng. Cơn đau kéo đến khiến chàng phải hít thở sâu để chịu đựng nhưng vòng tay chàng vẫn siết chặt lấy tôi:
- Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa, đừng lãng phí cho nước mắt và khóc than.
Tôi thẫn thờ ngắm nhìn gương mặt gầy guộc, vằn vện nếp nhăn của chàng:
- Chàng bằng lòng từ bỏ triều đình, giáo phái và bộn bề công việc chính sự để ra đi cùng em ư?
- Em còn nhớ di chúc của Kháp Na không? Đệ ấy không muốn ta lao tâm khổ tứ vì giáo phái và hoài bão thống nhất đất Tạng mà muốn ta nghĩ cho bản thân mình, sống cho bản thân mình.
Vầng trán chàng vằn vện những nếp nhăn của tuổi tác, đuôi mắt chàng cũng vậy, chỉ cần khẽ chớp mắt, những vết chân chim lại hằn rõ. Chàng lấy ra trong ngực áo viên ngọc Linh hồn mà Kháp Na trao cho tôi trong đêm tân hôn, tôi đã buộc nửa sợi dây màu lam vào đó. Sau khi bị đẩy trở lại nguyên hình, tôi không còn linh khí để có thể hóa phép cất giấu viên ngọc nên chàng đã giữ giúp tôi.
Chàng đặt viên ngọc lên đỉnh đầu tôi, vuốt ve mái tóc màu lam của tôi, vẻ mặt ngập tràn hạnh phúc:
- Giờ đây ta đã có thể ôm em vào lòng, tuy còn hơi đau nhưng niềm vui này đã vượt tầm kỳ vọng của ta. Ta chỉ cầu mong có thế. Giống như Kháp Na vậy, được cùng người mình yêu rong chơi, ca hát trên đồng cỏ giữa mùa xuân, chèo thuyền trên sông khi hạ về, thưởng thức trái chín khi thu sang và dạo chơi trên tuyết trắng, ngăm hoa mai nở khi đông tới. Ước mơ ấy ta chưa bao giờ dám thổ lộ, Nhưng hôm nay, ta muốn được sống cho bản thân mình. Ta muốn được là mình. Em bằng lòng ở bên ta chứ?
Tôi gật đầu rối rít, vít chặt tà áo tăng ni của chàng, vùi đầu vào lòng chàng, bật khóc nức nở. Chúng tôi quen nhau đã hai mươi lăm năm, gần nửa đời người đã trôi qua, nhưng chưa bao giờ chàng thổ lộ tình cảm như vậy. Nước mắt tôi ướt đầm ngực áo chàng, chiếc áo tăng ni của chàng nhàu nhĩ, hình ảnh trác tuyệt, khôi ngô của một bậc cao tăng đã bị tôi hủy hoại. Vậy mà chàng vẫn cười thật tươi, thật hạnh phúc. Trong mắt tôi, chàng vẫn điển trai, phong thái vẫn bất phàm như ngày nào, chàng vẫn là chú bé mười ba tuổi với ánh hào quang rạng rỡ trong lần đầu gặp gỡ đầu tiên ấy.
Tháng Ba năm đó, Bát Tư Ba trình tấu chương lên Hốt Tất Liệt xin nghỉ ốm. Trung Đô là vùng ẩm thấp, không tốt cho bệnh hô hấp của chàng, chúng tôi muốn dọn đến một nơi khô ráo hơn để chàng tĩnh dưỡng. Hốt Tất Liệt đã ra lệnh cho tất cả các danh y trong kinh thành đến khám bệnh cho Bát Tư Ba. Nhưng sau khi bắt mạch cho quốc sư, tất cả các thầy thuốc đều tấu trình lên Nhà vua tin dữ: Vì quá lao tâm lao lực, căn bệnh kinh niên của quốc sư được dịp phát tác, giờ đã vô phương cứu chữa. Quốc sư không còn sống bao lâu nữa...
Hốt Tất Liệt không thể tin nổi một người trẻ hơn ngài những mười chín tuổi mà sức khỏe lại suy sụp nghiêm trọng nhường vậy! Nghe theo lời khuyên giải của Khabi, ngài đã phê chuẩn cho phép Bát Tư Ba lui về nghỉ dưỡng. Bát Tư Ba muốn đến vùng Lâm Thao ở Lương Châu vì chàng có một trang viên do Hốt Tất Liệt ban tặng ở đó. Khí hậu nơi đó khô ráo nơi Trung Đô, sẽ tốt hơn cho người bị bệnh hô hấp kinh niên như chàng.
Tháng 3 năm 1271, hoa đào nở rộ trong chùa Đại Hộ Quốc Nhân Vương, sắc đỏ rợp trời, rực rỡ. Gió mát thổi qua cành lá, cuốn theo những cánh hoa phớt hồng bay lượn trên không trung rồi đỗ xuống bờ vai Bát Tư Ba. Chàng đứng đó, giữa lớp lớp hoa bay, lặng nhìn một lần sau cuối người em trai thứ hai và các đệ tử, vẫy tay từ biệt họ rồi ôm tôi vào lòng, bước lên xe ngựa.
Chàng chỉ đưa một vài đệ tử thân cận đi theo, trong đó có đại đệ tử Drakpa Odzer, người đã theo chàng hai mươi năm qua. Trước lúc ra đi, chàng đã sắp xếp để Rinchen thay chàng gánh vác trọng trách của một quốc sư trong triều đình của Hốt Tất Liệt.
Hốt Tất Liệt tổ chức buổi đưa tiễn Bát Tư Ba vô cùng long trọng ở cổng Sùng Thiên. Nhà vua dặn dò chàng rất nhiều, hết đoạn đường này đến đoạn đường khác, không muốn rời xa. Thực ra, trong lòng cả hai người đều có chung dự cảm rằng đây có thể là lần từ biệt cuối cùng.
Ngày xuân nắng ấm, cỗ xe lộc cộc lăn bánh, cành liễu đung đưa trong gió mát ở hai bên đường, Trung Đô khuất xa dần. Ba mươi bảy tuổi, Bát Tư Ba mang theo cơ thể ốm yếu, bệnh tật, rời khỏi Trung Đô, kể từ đó cho đến lúc cuối đời, chàng không trở lại kinh thành nức tiếng trong lịch sử Trung Quốc này lần nào nữa.
Trong khoảng thời gian một năm sau đó, đế quốc của Hốt Tất Liệt có những biến động to lớn. Tháng Mười một năm đó, chúng tôi nhận được tin từ Trung Đô: Viên đại thần người Hán Lưu Bỉnh Trung dâng tấu chương, đề nghị đổi quốc hiệu thành Đại Nguyên.
Hốt Tất Liệt đã phê chuẩn và lệnh cho Lưu Bỉnh Trung lập ra bức chiếu thư có tên gọi “Kiến quốc hiệu chiếu”[1]. Nước Mông Cổ sẽ đổi tên thành “Đại Nguyên”, Đại hãn Mông Cổ thành Hoàng để Trung Nguyên. Mọi người phải thay đổi cách xưng hô từ “Đại hãn” thành “Bệ hạ”.
Sự thay đổi này có ý nghĩa vô cùng to lớn với cả một người đau ốm đang sinh sống ở tận vùng Lâm Thao xa xôi. Tước hiệu quốc sư của Bát Tư Ba đã được Hốt Tất Liệt tôn lên một bậc, thành đế sư, có nghĩa là thầy giáo về tôn giáo của người đứng đầu thiên hạ!
Kể từ khi Bát Tư Ba nhận phong tước vị đế sư, trong triều đình nhà Nguyên mới bắt đầu xuất hiện chức vị này. Nếu đế sư viên tịch thì phải lập người kế nhiệm. Nếu đế sư đau ốm, phải rời xa triều chính một thời gian dài thì sẽ ủy thác cho người thay thế. Dù lúc này Bát Tư Ba không còn ở Đại Đô nhưng lòng tín nhiệm và tôn sùng của Hốt Tất Liệt đối với chàng không hề suy giảm. Nhà vua ban bố một đạo chỉ, khẳng định rằng, chức vị đế sư sẽ do người nhà họ Khon đảm nhiệm. Điều đó có nghĩa là, đế sư đời tiếp theo chắc chắn sẽ do Dharma đảm nhiệm.
Về sau, Hốt Tất Liệt đã giữ đúng lời hứa, mười bốn đời đế sư trong suốt chiều dài lịch sử của nhà Nguyên đều do người của phái Sakya đảm nhiệm.
~.~.~.~.~.~
- Kể từ khi Thành Cát Tư Hãn lập nước đến giai đoạn này, người Mông Cổ đều tự xưng mình là nước Đại Mông Cổ. Khi Hốt Tất Liệt lên ngôi Đại hãn, nước Đại Mông Cổ đã phân tách thành một số hãn quốc lớn trải dài khắp châu Âu và châu Á, các hãn quốc này không có bất cứ mối quan hệ phụ thuộc nào. Trung tâm thống trị của Hốt Tất Liệt di dời về đất Hán, xây dựng triều đình, tiếp nối truyền thống của các vương triều Trung Nguyên, bởi vậy cần có quốc hiệu để công bố với dân chúng rằng, triều Nguyên là triều đại mới, kế tiếp của các triều đại phong kiến Trung Nguyên. Cũng tức là tuyên bố với thần dân Trung Nguyên: Nhà nước mà Hốt Tất Liệt cai trị không chỉ là một hãn quốc của người Mông Cổ mà là sự kế tục của các triều đại phong kiến Trung Quốc.
Chàng trai trẻ gật đầu:
- Đúng vậy. Cũng giống như nhà Thanh sau này, khi dân tộc Mãn Châu hòa nhập với dân tộc Trung Hoa, nhà Thanh đã trở thành một trong những vương triều của Trung Nguyên.
Tôi giải thích kĩ hơn về ý nghĩa của chữ “Nguyên”:
- Lưu Bỉnh Trung là một trong những đại thần người Hán nổi tiếng nhất đầu thời Nguyên vì ông ấy đã lập ra quốc hiệu cho quốc gia với cương vực rộng lớn chưa từng có này. Tấu chương của ông viết rằng: Các vương triều trước đây như nhà Tần, nhà Hán đều đặt tên nước bằng tên của vùng đất nơi vương triều được lập nên. Nhà Tùy, nhà Đường thì đặt tên nước bằng tên vùng đất được ban phong. Tất cả những tên gọi đó đều không làm toát lên sự vĩ đại của vương triều mình. Trong Kinh dịch có câu: “To lớn thay! Nguyên khí của đất trời.” Chúng ta hãy mượn ý này để đặt quốc hiệu là “Đại Nguyên”.
Chàng trai trẻ thốt lên kinh ngạc:
- Thì ra nguồn gốc tên gọi của triều Nguyên xuất phát từ ý nghĩa đó. Tôi còn nhớ, thủ đô của triều Nguyên là Đại Đô nhưng lúc trước cô thường gọi là Yên Kinh, sau đó lại là Trung Đô. Vậy đến thời điểm nào mới bắt đầu gọi là Đại Đô?
Lúc này đã là nửa đêm, thời tiết giá buốt. Tôi lấy thêm cho cậu ta một tấm thảm rồi đáp:
- Đến năm thứ hai, tức năm Chí Nguyên thứ chín, tức tháng 2 năm 1272, Hốt Tất Liệt đã chấp nhận lời đề nghị của Lưu Bỉnh Trung, đổi tên Trung Đô thành Đại Đô. Từ đây, Đại Đô chính thức trở thành thủ đô của triều Nguyên.