Năm 1283 – tức niên hiệu Chí Nguyên thứ hai mươi, nhà Nguyên.
Chân Kim bốn mươi tuổi, Dharmapala mười sáu tuổi.
- Chân Kim!
Người đàn ông cao lớn, lực lưỡng lập tức quay người lại, niềm hân hoan vụt tắt khi không thấy bóng người. Cậu ta tiếp tục tìm kiếm, chỉ thấy một tiểu hồ ly đang ngồi thu chân dưới đất. Chân Kim nhấc bổng tôi lên, ghì chặt vào lòng:
- Tiểu Lam, là em ư? Em đến Đại Đô cùng với Dharma, sao cậu ta lại bảo rằng em đã trở về quê cũ?
Trong buổi lễ tiếp đón Dharma, Chân Kim không ngừng tìm kiếm. Cậu ta đã gạn hỏi từng người một trong đoàn tùy tùng của Dharma. Ở bữa tiệc tối, cậu ta không cầm lòng nổi, đã tìm gặp Dharma, hỏi han nhiều lần. Được đáp rằng tôi không đến Đại Đô, vẻ thất vọng hiển hiện trên gương mặt cậu ta, rõ ràng đến mức thu hút cả sự chú ý của Hốt Tất Liệt. Tôi lẳng lặng đi theo Chân Kim, mãi khi không có ai khác mới dám cất tiếng gọi.
Tôi thở dài ảo não:
- Tôi đã nói dối Dharma. Tôi muốn đi theo con trai, nhưng lại không thể nói với nó rằng tiểu hồ ly chính là dì Lam của nó.
- Vì sao phải làm vậy? – Cậu ta nhấc tôi lên, ngó sang phải, sang trái rồi như chợt nghĩ ra điều gì, nhíu mày hỏi. – Không lẽ, em không thể hóa thành người được nữa?
Tôi cười chua chát:
- Tôi phải trả giá vì đã kiên trì kéo dài sự sống của Bát Tư Ba.
Cậu ta sửng sốt:
- Em sẵn lòng làm vậy vì thầy ư? Ta không biết nên ghen tỵ hay ngưỡng mộ nữa.
- Tôi tình nguyện mà! – Tôi lắc đầu buồn bã. – Nhưng dù đã dốc cạn linh khí, tôi cũng chỉ có thể giữ chàng thêm ba năm.
- Tiểu Lam, sao em khờ quá vậy? – Đôi mắt cậu ta đỏ hoe, bàn tay dịu dàng vuốt ve bộ lông của tôi. – Vậy phải mất bao lâu nữa em mới khôi phục được hình hài con người?
- Tôi không biết.
Tôi lắc đầu tuyệt vọng. Lần trước, Bát Tư Ba phải giảm tuổi thọ để giúp tôi khôi phục được hình hài con người. Lần này thì hết cách rồi. Tôi mỉm cười tê tái, nhìn cậu ta:
- Có lẽ phải mất ba trăm năm tu luyện nữa.
Cậu ta hốt hoảng, lấy tay bịt miệng, ngăn không cho tôi nói tiếp:
- Tiểu Lam, em... em đừng nói dại!
Tôi điềm tĩnh đáp:
- Tôi không nói dại đâu. Chân Kim, đây là sự thật. E rằng, từ giờ đến cuối đời, cậu không còn được thấy tôi trong hình dáng con người nữa.
Chân Kim vẫn giữ lời hứa, ở Đại Đô chờ tôi, nhưng tôi chỉ biết thở dài:
Cậu ta lắc đầu đau khổ, ôm tôi trên tay, đi đi lại lại trong phòng, tâm trạng rối bời:
- Tiểu Lam, đừng cự tuyệt ta sớm như vậy. Ta sẽ nghĩ cách, ta sẽ có cách...
Tôi cười buồn:
- Cậu có thể làm gì được? Dù là bậc đế vương tương lai đi nữa, có những việc cậu cũng đành lực bất tòng tâm. Tôi không buồn phiền gì đâu, bao năm qua, tôi đã quen với hình hài hồ ly, chẳng có gì bất tiện cả.
Lần này khá hơn lần trước rất nhiều, vì chí ít tôi vẫn có thể trò chuyện, giữ được thính giác, khứu giác và vị giác nhạy bén của loài hồ ly. Chỉ mệt nỗi, ngày nào tôi cũng phải khổ công tu luyện, từng chút, từng chút bù đắp lại linh khí đã mất. Lòng thầm thở than, quá trình tu tập mới mòn mỏi, dằng dặc làm sao! Chờ khi tôi lấy lại được hình dáng con người, có lẽ không chỉ Chân Kim mà ngay cả Dharma cũng đã rời xa thế giới này từ lâu.
Cậu ta tức tối nện nắm đấm vào tường:
- Ta là thái tử một nước mà không thể giúp gì cho người mình yêu.
Tôi không muốn tiếp tục chủ đề nặng nề này, liền nghiêm nghị nói với cậu ta:
- Chân Kim, tôi tìm cậu vì có việc muốn nhờ cậu.
Cậu ta vội hỏi:
- Em nói đi, bất luận là việc gì, ta sẽ giúp em.
- Trong buổi chầu hôm nay, Phụ hoàng của cậu đã định ngày thành hôn cho Dharma và Bối Đan, con gái của Khởi Tất Thiếp Mộc Nhi theo di nguyện của Bát Tư Ba. Nhưng người mà Dharma yêu là Jumodaban, con gái của Kunga Zangpo. Dharma đã đề đạt nguyện vọng với cha cậu nhưng Bệ hạ không chấp thuận vì cho rằng thân phận của Jumodaban thấp kém, cha nó lại từng phạm trọng tội nên nó không xứng đáng làm thê thiếp của Dharma.
Tôi không yên lòng khi thấy Dharma buồn bã, thất vọng nên mới cầu xin Chân Kim giúp đỡ.
- Tính cách của Dharma rất giống cha nó, đã yêu ai thì một lòng một dạ với người đó. Tôi không muốn nó phải chịu đựng bi kịch giống như Kháp Na, cưới những người vợ mà nó không yêu. Mong cậu giúp tôi lựa lời thuyết phục Bệ hạ, hãy nói rằng, hôn sự này đã được Bát Tư Ba chấp thuận khi còn ở Sakya, xin Bệ hạ tác thành cho đôi trẻ.
- Em đừng lo, chút chuyện nhỏ nhặt này, ta nhất định sẽ giúp em. Ta sẽ thay thượng sư chăm lo cho Dharma.
Cậu ta ngừng lại một lát, nhìn tôi dò hỏi:
- Dharma không biết về thân thế của mình nên cậu ấy đã thỉnh cầu với Phụ hoàng hỗ trợ kinh phí để Vạn hộ hầu Shalu xây đền Shalu, em đừng buồn nhé!
Tôi thoáng sững sờ. Hôm nay, khi Hốt Tất Liệt hỏi Dharma có nguyện vọng hay yêu cầu gì không, Dharma đã cầu xin Hốt Tất Liệt ban thưởng cho người bác Selangqe – Vạn hộ hầu Shalu. Dharma nói rằng, gia đình người bác luôn hết lòng quan tâm, săn sóc nó, Selangqe dự định xây dựng đền Shalu, mong nhận được sự hỗ trợ của Hốt Tất Liệt. Hốt Tất Liệt hào phóng ban cho Selangqe một khoản kinh phí rất lớn để xây dựng đền Shalu.
Tôi mỉm cười:
- Tôi không để bụng chuyện đó đâu. Dharma cần đến sự ủng hộ của Shalu.
Tôi chuyển đề tài, lo lắng hỏi:
- Chân Kim, vừa đến Đại Đô tôi đã nghe phong thanh những chuyện xảy ra với cậu trong triều đình.
Mấy năm qua, phủ Thái tử của Chân Kim luôn là nơi tề tựu đông đảo các nho sĩ người Hán học cao hiểu rộng. Đối với họ, Chân Kim là niềm hy vọng của tương lai. Thế nhưng, dù đã bốn mươi tuổi, Chân Kim vẫn chỉ là thái tử, Hốt Tất Liệt càng nhiều tuổi càng chuyên quyền, nhất quyết không chịu để Chân Kim nắm thực quyền điều hành đất nước. Các nho sĩ dâng tấu đề nghị Hốt Tất Liệt cho Thái tử tham gia chính sự, Hốt Tất Liệt mới miễn cưỡng đồng ý. Nhưng thực chất, Hốt Tất Liệt đang nghi kỵ, ngờ vực người con trai mà ông ta yêu mến nhất. Biết được những chuyện này, tôi thấy lo lắng cho Chân Kim.
Chân Kim tỏ ra rất mực kiên định, chẳng hề lo sợ:
- Em muốn nhắc đến chuyện ta ra lệnh giết chết Ahama? Tên gian thần ấy đã hãm hại biết bao trung thần. Các đại thần người Hán mượn danh nghĩa của ta để tiêu diệt hắn, họ làm vậy cũng là hợp với lòng dân, tội hắn đáng chết!
Từ lâu Chân Kim đã không ưa gì tên quan Ahama, người được Hốt Tất Liệt rất mực tin dùng. Ahama vì muốn thu gom tài sản cho Nhà vua mà đã hãm hại nhiều đại thần người Hán. Thế là nhân dịp Chân Kim và Hốt Tất Liệt lên Thượng Đô tránh nóng, có người đã mạo danh Thái tử, giả truyền mệnh lệnh, cho gọi Ahama đến và giăng bẫy, giết chết hắn. Hốt Tất Liệt muốn trả thù cho Ahama nhưng các đại thần trong triều đồng loạt dâng sớ vạch tội Ahama. Sau khi điều tra và phát hiện ra, số tài sản mà Ahama vơ vét được còn nhiều hơn cả quốc khố, Hốt Tất Liệt mới nổi trận lôi đình, không những tịch thu tài sản của Ahama, tiêu diệt bè đảng của hắn, mà còn ra lệnh bật nắp quan tài của Ahama, cho xe ngựa vằm nát thi thể hắn.
Sự kiện đó xảy ra ngay trong năm đầu tiên Dharma đặt chân đến Đại Đô, vì việc này mà kinh thành của Hốt Tất Liệt chấn động, dân chúng xôn xao.
Chân Kim tỏ ra vô cùng hoan hỉ, cười vang hào sảng, vẻ mặt rạng rỡ, bộ râu quai nón rung rung theo tiếng cười:
- Tiểu Lam ơi, có phải em đang lo lắng cho ta không? Đây là lần đầu tiên em quan tâm đến ta như vậy.
Cậu ta tung tôi lên không trung khiến tôi thót tim, còn cậu ta thì bật cười giòn giã, vỗ binh binh vào vòm ngực rắn chắc:
- Em đừng lo, ta đã bốn mươi tuổi, mấy tên gian thần tặc tử ấy chẳng thể gây khó dễ cho ta.
Nhưng lòng tôi vẫn canh cánh không yên. Chân Kim dường như đã quá lạc quan, có thể cậu ta không sợ mấy tên gian thần kia nhưng trở ngại lớn nhất của cậu ta lại là người đứng đằng sau chỉ huy, nâng đỡ cho bọn chúng lộng hành – Hốt Tất Liệt. Nhưng đó là chuyện riêng của hai cha con họ, tôi không tiện can thiệp, chỉ căn dặn:
- Tóm lại, phàm việc gì cũng nên thận trọng.
Ngay tối hôm đó, Chân Kim đã đến gặp và thuyết phục cha mình Hốt Tất Liệt hạ chỉ ban hôn ước cho Dharma, cho phép Dharma cưới hai người vợ, Công chúa Mông Cổ Bối Đan và cô gái người Tạng – Jumodaban. Mùa xuân năm Dharma mười sáu tuổi, đèn hoa chăng kết rực rỡ khắp phủ Đế sư, khách khứa tấp nập, tiệc tùng náo nhiệt. Tất cả các vương qia, quý tộc của Đại Đô đều đến chúc mừng, phủ Đế sư nô nức đón khách.
Hôm đó, trung tâm sự chú ý là chú rể Dharma trong bộ lễ phục trang trọng. Tôi ẩn mình trên xà ngang, ngắm nhìn con trai không chán mắt. Thằng bé khôi ngô, tuấn tú, gương mặt xinh đẹp như con gái, có điều nó gầy guộc và thấp bé hơn Kháp Na. Bối Đan vận lễ phục cô dâu kiểu truyền thống Mông Cổ, đứng bên Dharma, trông cao hơn cả chú rể. Bối Đan năm nay hai mươi tuổi, thân hình chắc nịch, mặt tròn, mắt nhỏ, giống hệt Mukaton thời trẻ.
Ngày thành hôn là lần đầu tiên Dharma và Bối Đan gặp nhau, cả hai nhìn nhau chớp nhoáng rồi lập tức quay mặt đi. Bối Đan dành nhiều thiện cảm cho Dharma hơn là tình cảm thằng bé dành cho vị hôn thê của mình, vì chốc chốc cô bé lại liếc nhìn trộm Dharma. Dharma cử hành hôn lễ với Bối Đan theo nghi thức Mông Cổ rồi cử hành hôn lễ với Jumodaban theo nghi thức của người Tạng. Tuy hai người vợ có thân phận, địa vị khác nhau, Bối Đan là vợ cả, Jumodaban là vợ lẽ nhưng Dharma nghiêng nhiều về phía Jumodaban hơn. Đêm tân hôn, Dharma ở lại với Jumodaban, để Bối Đan một mình cô lẻ.
Mấy tháng sau đám cưới, Dharma không hề bước chân vào phòng Bối Đan dù chỉ một lần, điều đó khiến Bối Đan bực tức. Bối Đan nhiều lần cho người đến mời, nhưng đều bị Jumodaban ngăn cản. Cuộc tranh chấp giữa hai người vợ của Dharma là không tránh khỏi. Nhưng đúng lúc nó trở thành nỗi phiền muộn trong lòng Dharma thì tin vui đột ngột được truyền đi: Jumodaban đã mang thai!
Tôi náu mình trên chạc cây, niệm chú cho chiếc túi thần kỳ cất giấu hai báu vật của đời tôi là ngọc Linh hồn và vòng tay hình hoa sen hiện ra. Tôi lấy viên ngọc Linh hồn, vuốt ve âu yếm, hướng mắt về phía tây nam, nở nụ cười hạnh phúc:
- Lâu Cát, Kháp Na, Sakya có người nối dõi rồi!
Kháp Na sắp lên chức ông nội! Tôi hôn lên viên ngọc:
- Dharma còn rất trẻ, ngày sau nhất định sẽ sinh thêm nhiều con cháu nữa cho phái Sakya, hai người hãy yên lòng, em sẽ chăm sóc cho thằng bé.
Tuy tôi rất đỗi phấn chấn vì phái Sakya sắp có người nối dõi nhưng chuyện nhà của Dharma cũng khiến tôi đau đầu nhức óc. Bối Đan yêu cầu Dharma không được gần gũi với Jumodaban vì lý do Jumodaban vừa mang thai. Tục lệ của các gia đình quyền quý là như vậy, khi người vợ mang thai thì người chồng không được gần gũi vợ cho đến sau khi cô ấy sinh nở. Người vợ, vì thế phải chủ động kén chọn vợ lẽ cho chồng. Bởi vậy, yêu cầu của Bối Đan là chính đáng. Nhưng mỗi lần Dharma đến phòng của Bối Đan thì Jumodaban lại lên cơn đau bụng một cách rất trùng hợp, nào là viện cớ thấy trong người khó chịu, nào là đứa bé trong bụng nhớ cha,... chỉ cho Dharma ở lại trong phòng của Bối Đan một lúc là phải lập tức rời khỏi đó, để rồi cả đêm không trở lại nữa.
Bối Đan tức giận, lên tiếng thóa mạ, chửi đổng, Jumodaban ngày càng gầy yếu, thường xuyên phải mời thầy thuốc bắt mạch, kê đơn nên Dharma càng ngày càng xa lánh Bối Đan.
Tôi muốn lựa lời khuyên can nhưng không biết khuyên ai, không biết phải khuyên thế nào. Tôi hiểu Jumodaban, từ nhỏ con bé và Dharma đã gắn bó khắng khít, cùng nhau khôn lớn, cùng trải qua sóng gió, hoạn nạn. Tình cảm sắt son, thanh mai trúc mã ấy, làm sao một cô công chúa ngoại tộc có thể xen vào được? Nếu tôi là con bé, tôi cũng không thể chấp nhận chồng mình đến phòng của người phụ nữ khác. Sự hẹp hòi, ích kỷ đàn bà ấy đều xuất phát từ chỗ con bé yêu thương Dharma sâu đậm. Còn Bối Đan, con bé hơn Dharma bốn tuổi, cũng rất nóng lòng muốn sinh con. Dharma lại dịu dàng, nho nhã, điển trai như vậy, Bối Đan sao có thể không yêu cho được? Khúc mắc giữa ba người cứ rối như canh hẹ, chẳng thể tháo gỡ.
Mùa xuân năm thứ hai, Jumodaban sinh hạ một cậu con trai. Đế sư trẻ tuổi Dharma vui mừng khôn xiết, đặt tên thằng bé là Devapala.
Mấy năm sau đó, Dharma bận rộn với trọng trách của một đế sư trong triều đình Hốt Tất Liệt, tổ chức các buổi lễ quán đỉnh cầu phúc cho hoàng thất nhà Nguyên và các ngày hội Phật giáo khác. Bên cạnh đó, hằng ngày, Dharma vẫn đều đặn theo học Phật pháp nơi đại sư Dampa trong chùa Đại Hộ Quốc Nhân Vương.
Drakpa Odzer từ Giang Nam trở về, bẩm báo rằng, Dani đã thọ giới tại một ngôi đền Lạt Ma ở Hàng Châu, cậu ta được một số đệ tử Sakya chăm sóc. Dani sống khép mình, không ai biết về thân thế thực sự của cậu ta.
Còn trong triều đình Hốt Tất Liệt, kể từ khi Nhà vua cho phép Chân Kim nắm quyền, sức ảnh hưởng của Thái tử ngày càng tăng cao. Sau cái chết của Ahama, khát vọng chấp chính của Chân Kim ngày càng mãnh liệt. Cậu ta đề xướng trị quốc theo đường lối của Nho giáo, đưa các cận thần người Hán của mình vào Trung thư tỉnh, phát triển Quốc tử giám, thuyết phục các quý tộc Mông Cổ học tập văn hóa của người Hán. Với nỗ lực không mệt mỏi của Chân Kim, vương triều của Hốt Tất Liệt, trong một phạm vi nhỏ, đã xuất hiện mô hình trị quốc theo đường lối của Nho giao đúng như sự trông đợi của người Hán.
Nhưng thực hiện đường lối cai trị theo Nho giáo đồng nghĩa với việc phải giảm sưu thuế, giảm quân dịch. Mà điều này thì hoàn toàn đi ngược với tham vọng vơ vét của cải của Hốt Tất Liệt. Vì vậy, càng ngày Hốt Tất Liệt càng xét nét những việc làm của Chân Kim. Sự bất đồng chính kiến về đường lối chính trị khiến cho tình cha con vốn rất khăng khít giữa họ ngày một rạn nứt. Năm Dharma mười tám tuổi, Hốt Tất Liệt tiến hành cải tổ Trung thư tỉnh, điều động toàn bộ cận thần của Chân Kim đi nơi khác, kể từ đây, mâu thuẫn giữa hai cha con họ càng trở nên sâu sắc. Đối với một người không hề nắm trong tay thực quyền như Chân Kim, hoàn cảnh của cậu ta mỗi lúc một nguy hiểm.
Chuyện nhà của Dharma cũng không mấy yên ổn. Bối Đan và Jumodaban càng lúc càng ghét nhau ra mặt. Bối Đan cậy mình thân phận cao quý hơn Jumodaban, Jumodaban ỷ mình sinh được con trai, được chồng yêu chiều nên cách phục trang, hành xử ngày càng lấn lướt quyền hành của người vợ cả. Vậy là xảy ra tranh cãi liên miên khiến Dharma mệt mỏi không yên.
Tôi cũng muốn khuyên can nhưng có câu “việc quan dễ lo, việc nhà khó vẹn”, huống hồ tôi đã mất gần hết linh khí, lại không thể mở lời trò chuyện, đành nhắm mắt làm ngơ trước cảnh nhà um xùm, ầm ĩ của Dharma. Tôi vốn cho rằng, phụ nữ ghen tuông một chút cũng không sao. Vả lại, bọn chúng còn trẻ, qua vài năm nữa, khi chúng đã trưởng thành và chín chắn hơn, những cuộc cãi vã như thế sẽ tự khắc mất đi. Nhưng tôi đâu ngờ rằng, chính những tỵ hiềm nhỏ nhoi ấy đã nuôi lớn mầm họa sau này, khiến tôi, suốt mấy trăm năm sau, mỗi khi nhớ lại chuyện cũ, vẫn khôn nguôi day dứt, ân hận.
Đầu thu năm 1285, Hốt Tất Liệt lệnh cho Dharma, khi ấy đã mười tám tuổi, trở về Sakya, tiếp tục củng cố chính quyền, thống nhất đất Tạng và chuẩn bị cho kế hoạch thiết lập nha Tuyên úy Wusi. Jumodaban đòi đi cùng Dharma, Bối Đan cũng viện cớ muốn về thăm quê chồng. Vì không muốn hai người vợ xảy ra tranh cãi, hơn nữa Deva còn nhỏ, Dharma quyết định không đưa ai đi cùng.
Trước lúc lên đường, tôi đến từ biệt Chân Kim. Tôi vô cùng sững sốt khi bắt gặp gương mặt tiều tụy và hoảng sợ của Chân Kim. Cậu ta gầy rộc đi, không còn nét hào hoa, đường bệ khi xưa nữa. Tôi hốt hoảng:
- Chân Kim, đã xảy ra chuyện gì?
Cậu ta đưa mắt dò xét xung quanh như thể sắp có quân địch ập tới. Sau khi xác định chắc chắn không có kẻ nào nghe lén, cậu ta mới thì thào với tôi trong nỗi sợ nơm nớp:
- Nghe nói, mấy hôm trước có đại thần người Hán nào đó dâng mật tấu, viết rằng, Bệ hạ tuổi đã cao nên nhường ngôi cho Hoàng thái tử.
- Sao kia? – Tôi thất kinh, lập tức nhận ra mức độ nghiêm trọng của sự việc. – Kẻ nào to gán dám dâng tấu chương hỗn xược như vậy? Hắn muốn hãm hại cậu ư?
- Không hẳn là cố tình hãm hại ta, vì triều đình Trung Nguyên vốn có truyền thống nhường lại ngôi báu.
Chân Kim vẫn còn rất tỉnh táo vì cậu ta không lớn tiếng thóa mạ kẻ dâng tấu chương đó, chỉ lắc đầu, ủ dột:
- Nhưng việc này không hợp với tục lệ của người Mông Cổ, người kế nhiệm ngôi vị Đại hãn phải được đại hội Kurultai bầu chọn sau khi Đại hãn tiền nhiệm qua đời. Trước khi ngôi vị Đại hãn mới có chủ thì thái hậu có quyền nhiếp chính.
Thấy cậu ta phiền muộn, âu sầu, tôi gạn hỏi:
- Phụ hoàng của cậu phản ứng ra sao?
Chuyện này là nghiêm trọng hay nhẹ tựa lông hồng, tất cả đều do thái độ của Hốt Tất Liệt quyết định.
Tôi không ngờ, câu hỏi của tôi đã khiến Chân Kim sợ tới mức mồ hôi vã ra đầm đìa, giọng nói run rẩy:
- Phụ hoàng vô cùng phẫn nộ. Gay go nhất là bè đảng của Ahama đã biết được chuyện này. Bọn chúng dâng tấu yêu cầu làm sáng tỏ.
- Trời đất ơi, bọn chúng muốn thừa dịp hãm hại cậu đây mà!
Hố sâu ngăn cách giữa hai cha con Hốt Tất Liệt và Chân Kim càng khó lấp đầy sau những điều tiếng thế này. Trong lịch sử, không hề hiếm chuyện cha con tàn sát lẫn nhau vì tranh giành ngôi vị!
- Phụ hoàng đã phê chuẩn bản tấu đó và lệnh cho Ngự sử đài phối hợp điều tra.
Toàn thân cậu ta run rẩy, vóc dáng cao lớn, lực lưỡng ngày nào bỗng trở nên hốc hác, héo mòn vì lo nghĩ.
- May mà đô sự Ngự sử đài là ngài Thượng Văn biết rõ việc này vô cùng nghiêm trọng, đã ra sức che đậy, để ngăn chặn những lời gièm pha không hay. Nhưng nếu bè đảng của Ahama kiên quyết đòi điều tra đến cùng, e rằng tính mạng của cả nhà ta sẽ nguy mất!
Tôi không thể tin nổi, một người lạc quan, tự tin như Chân Kim lại trở nên yếu đuối như chim sợ cành cong, hồn bay phách lạc chỉ vì một bản tấu chương bí mật. Tôi không biết phải an ủi cậu ta thế nào, đành an ủi bằng cách liếm láp gương mặt tiều tụy, râu ria lởm chởm của cậu ta.
- Chân Kim, đừng lo lắng, Mẫu hậu của cậu nhất định sẽ bảo vệ cậu.
Chân Kim thở dài:
- Mẫu hậu ngã bệnh rồi. Ta không muốn người phải vì ta mà ưu phiền thêm nữa.
Tôi không khỏi ngạc nhiên. Khabi ốm ư? Nếu cô ấy thật sự có bệnh, chắc hẳn muốn viện cớ đau ốm để làm việc gì đó. Triều đình đang trong cơn sóng gió là thế, cô ấy là hoàng hậu, không thể không biết chuyện. Vì sao đúng lúc nguy cấp này, cô ấy lại ngã bệnh?
Tôi không kịp đến gặp Khabi vì phải theo Dharma lên đường về Sakya. Tôi định lần tới về Đại Đô sẽ tìm cô ấy. Lúc ra đi, gió bấc nổi lên, nền trời xám xịt, lòng người nhức nhối. Tôi đâu ngờ rằng, chỉ mấy tháng ngắn ngủi sau đó, tôi đã mất đi tất cả người thân và bạn bè.
Mùa đông năm 1285, thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Đoàn người hộ tống Dharma về Sakya phải trải qua cuộc hành trình muôn vàn gian nan, giá rét cắt da cắt thịt. Dharma vốn gầy yếu, chẳng thể kham nổi nỗi khóc nhọc ấy. Thằng bé sốt cao liên miên, bệnh tình ngày một nghiêm trọng. Nhưng vì không muốn trì hoãn nhiệm vụ Hốt Tất Liệt giao phó, thằng bé đã cắn răng, tiếp tục lên đường.
Đoàn chúng tôi vừa đến Dogans thì đột nhiên nhận được tin cấp báo từ Đại Đô. Dharma đọc xong lá thư thì gào lên thảm thiết, hai mắt trợn ngược, ngã vật xuống. Tôi lao đến lá thư, huyết quản như đông lại khi đọc hết dòng tin, đất trời như nghiêng ngả. Điều tôi lo lắng nhất mà không có cách gì phòng bị đã xảy ra!
Sau khi Dharma rời khỏi Đại Đô, cuộc chiến không khoan nhượng tiếp tục diễn ra giữa Bối Đan và Jumodaban. Bối Đan tìm được một “danh y”, kê cho cô một đơn thuốc và bảo rằng có khả năng chữa bệnh vô sinh rất tốt. Sau một thời gian dùng thuốc, Bối Đan truyền ngự y trong cung đến khám, và phát hiện ra mình đã hoàn toàn mất khả năng sinh nở. Trong cơn phẫn uất, Bối Đan đã tóm được kẻ mệnh danh là thần y ấy và âm mưu của Jumodaban bị vỡ lở. Để trả thù, Bối Đan không từ thử đoạn, tẩm thuốc độc vào đồ ăn cho Jumodaban, giết hại cả hai mẹ con Deva.
Lúc này, Bối Đan đã bị nhốt lại, chờ đế sư quay về xử trí. Khi Dharma nhận được tin này thì hai mẹ con Jumodaban đã mất được hơn ba tháng, các đệ tử phái Sakya đã làm lễ hỏa táng cho cả hai. Còn việc chôn cất họ ở đâu, phải xin chỉ thị của Dharma.
Hay tin, Drakpa Odzer và Dampa vội vã chạy đến đỡ Dharma lên. Dampa ấn vào huyệt nhân trung của Dharma nhiều lần, thằng bé mới hồi tỉnh. Dharma đờ đẫn một lúc lâu mới nhớ ra mọi việc, nước mắt như mưa, nó hét lên quằn quại:
- Về Đại Đô, về ngay lập tức!
~.~.~.~.~.~
Chàng trai trẻ nhìn đồng hồ:
- Đã bốn giờ sáng.
Cậu ta lại gần cửa sổ, xoa hai má, giữ cho mình được tỉnh táo rồi dõi mắt về phía những đỉnh núi sừng sững nơi đường chân trời xa tít.
- Sắp sáng rồi!
Tôi đăm đăm ngó theo bóng dáng cậu ta, cố kiềm chế nỗi xúc động, điềm tĩnh hỏi:
- Sắp kết thúc rồi, cậu muốn nghe tiếp chứ?
Cậu ta quay lại, quay ngược chiếc ghế tựa, ngồi xuống, mỉm cười:
- Phải nghe hết chứ, tôi hết buồn ngủ từ lâu rồi.
- Trước đây, các nhà sử học thường phê phán Ahama rất nghiêm khắc, thậm chí cuốn Lịch sử triều Nguyên đã liệt Ahama vào “Truyện về các gian thần”. Nhưng người đời sau không còn khắc khe như vậy nữa. Tuy ông ta đã làm nhiều việc xấu nhưng sau khi chết, thi thể đã bị vằm nát, gia tộc bị liên lụy, trong khi nguyên nhân chính không phải do những việc ông ta đã làm. Bởi vì người kế nghiệm vị trí của ông ta sau này như Lô Thế Vinh người Hán, Senge người Tạng đều chịu chung kết cục bị thảm như Ahama: cả nhà bị chém đầu, chín họ phải chịu tội. Trong khi đó, những việc xấu của Lô Thế Vinh và Senge chỉ bằng một phần rất nhỏ so với Ahama.
Chàng trai trẻ trầm tư suy ngẫm:
- Nếu chỉ mình Ahama phải chịu kết cục như vậy, người ta có thể đổ lỗi cho nhân cách của ông ta. Nhưng tất cả những người từng giữ chức tể tướng đều có kết cục bi thảm như vậy, có lẽ nguyên nhân chính nằm ở Hốt Tất Liệt.
Tôi gật đầu tán đồng:
- Cậu nói đúng lắm. Nguyên nhân thực sự là người Mông Cổ có thói quen ban thưởng hậu hĩnh cho các tướng lĩnh của mình sau mỗi trận đánh. Đây chính là lý do vì sao quân đội Mông Cổ tuy ít người nhưng ai nấy đều chiến đầu bất chấp tính mạng. Hốt Tất Liệt vừa lập nước, bao nhiêu công thần đang chờ để được ban thưởng, ông ta kiếm đâu ra chừng ấy ngân lượng bây giờ? Thế là, kẻ nào giúp ông ta vơ vét được nhiều của cải, ông ta sẽ trọng dụng người đó, bất kể hắn thuộc tộc người nào. Nhưng cách thức vơ vét của cải ấy chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của nhân dân và các nho sĩ người Hán. Khi nỗi oán hận của người dân mỗi lúc một dâng cao, Hốt Tất Liệt bèn tìm cách giết đi một quân tốt thí mạng để xoa dịu lòng dân, sau đó lại tìm một kẻ khác giúp ông ta tiếp tục vơ vét của cải.
Chàng trai trẻ đưa ra nhận xét sắc sảo:
- Bởi vậy Hốt Tất Liệt mới là kẻ chủ mưu gây ra tội ác.
Tôi đau xót, thở dài:
- Chân Kim và Hốt Tất Liệt luôn bất đồng quan điểm về vấn đề này. Mâu thuẫn giữa hai cha con họ càng lúc càng không thể cứu vãn, cuối cùng dẫn đến thảm kịch của Chân Kim.