Lão Sói nói nhìn cái thị trấn của tôi buồn thấy mẹ. Tôi ừ.
Hồi tôi còn nhỏ, điều làm tôi vui thích nhất có lẽ là những khi có một đoàn đua xe đạp đi ngang thị trấn. Cái thị trấn của tôi bé tẹo và buồn tẻ không thua gì một cái ao bèo, nằm đìu hiu bên đường quốc lộ. Và chuyện đoàn đua xe đạp đi qua chẳng khác gì một viên đá từ đâu rơi tõm xuống, khuấy động cái ao bèo buồn tênh. Sự khuấy động ấy để lại những vòng sóng loang miên man vô tận trong tâm trí tôi, giúp tôi nuôi dưỡng niềm hi vọng để chờ đến ngày một đoàn xe khác đi qua.
Tôi vẫn nhớ hình ảnh của mình ngày đó, một thằng nhỏ loi choi đen nhẻm đứng bên vệ đường nhìn đoàn đua xe ngang qua, không ngừng gào thét đầy kích động: “Nhanh lên, nhanh lên chứ!” Những vận động viên thấm mệt gò lưng đạp qua con dốc một cách nhẫn nại không làm vừa lòng tôi. Tôi muốn họ phải lướt như bay qua trước mắt tôi, bởi người ta gọi đó là một cuộc “đua” cơ mà.
Những ngày sau đó rất lâu, tôi vẫn còn ngồi chống cằm tưởng tượng nơi đoàn xe sẽ đến. Nơi đó hẳn sẽ rất vui, có nhiều trò chơi, và ban đêm đèn thắp rực rỡ. Cứ thế, bằng niềm say sưa mù quáng đó, mãi đến năm mười tuổi tôi vẫn chả hiểu làm sao người ta lại cho xe đạp đua cùng với xe mô tô. Giờ thì tôi biết rồi. Đoàn mô tô là để mở đường.
Tôi đã đi qua bao nhiêu cái thị trấn nằm bên quốc lộ. Những chuyến tàu, chuyến xe dừng lại ở một thị trấn xa lạ nào đó, dù sáng trưa chiều tối, quang cảnh lúc nào cũng đìu hiu buồn bã như một cái ao bèo. Lúc đó tôi nghĩ, lạy trời, nếu bắt mình sống luôn ở chỗ này chắc mình chết mất. Vậy mà khi trở về cái thị trấn nhỏ bé của tôi, tôi không chết. Tôi ngồi trước nhà, lặng lẽ nhìn những chuyến xe đêm đi qua.
Gần như hoang đả
Ngang qua đèo Phượng Hoàng, tôi bắt đầu ngồi kể chuyện bâng quơ cho Sói nghe. Hồi nhỏ, mỗi mùa hè tôi được ba mẹ cho xuống Nha Trang tắm biển một ngày, sáng đi chiều về. Lúc nào xe đò đi ngang qua đèo Phượng Hoàng, tôi cũng được mẹ chỉ cho coi những đồi cỏ tranh, cỏ ba cạnh xanh nhiều sắc độ dập dờn trong gió như sóng lượn.
Mẹ tôi gọi đó là “sóng cỏ” – cách dùng từ còn mang vết dấu những tiểu thuyết hoa niên mẹ đọc thời con gái. Mẹ tôi còn kể chuyện những con chim dệt áo cỏ cho nàng tiên út gì đó, nhưng tôi quên mất rồi. Chỉ nhớ mỗi cảnh sóng cỏ ở đó, bao giờ cũng đẹp nguyên như thế.
Sói nói khi về già, có thể lão sẽ tậu một cái nông trại ở trên này, làm cao bồi thôn chính hiệu. Mô hình làm kinh tế kết hợp với việc tận hưởng thú điền viên như vậy đang là xu hướng của nhiều đại gia. Tôi hình dung cảnh chiều chiều lão cưỡi một con ngựa lùn đi lùa đàn bò, mồm ngậm điếu thuốc, hát ư ử bài ca cố hữu của Lucky Luke, thấy mắc cười vô cùng. Tướng tá bèo nhèo như lão chẳng thể nào cưỡi một con đẹp mã cỡ Jolly Jumper được, như thế là xúc phạm người nhìn.
Đến ngã ba Ninh Hòa, tôi ngỡ Sói sẽ bẻ lái về hướng Nha Trang, nhưng ai ngờ lão lại rẽ về Phú Yên. Hai thằng quyết định sẽ ghé vào Vũng Rô. Tôi muốn ghé thăm một thằng bạn cũ. Sói cũng chưa xuống Vũng Rô bao giờ.
Đường từ trên đèo Cả xuống Bãi Ngà đẹp như đồ họa trong game đua xe tôi hay chơi, một bên là vách núi, một bên là vực biển sóng vỗ ầm ầm, rìa đường nở đầy hoa dại màu tim tím. Tụi tôi gửi xe lại Bãi Ngà rồi đi kiếm đồ ăn. Sau khi ăn hai tô mì gói hải sản ngọt lự, Sói ngồi nhàn nhã hút thuốc, uống cà phê còn tôi đi ra cầu cảng tìm thằng bạn cũ.
Thằng Phú chơi với tôi từ hồi tôi học lớp tám. Nó hơn tôi hai tuổi.
Kể về mối dây mơ rễ má này cũng khá kì công. Ông nội tôi lượm được ba nó ở chợ Nam Định trong nạn đói năm bốn lăm, đem về nhà nuôi giúp việc. Sau này nhà ông nội tôi di cưam, ba nó xin đi làm ăn, lưu lạc đến Vũng Rô rồi ở lại cắm dùi, lấy một cô người xứ nẫu. Nó là con út trong cái gia đình mười bốn anh chị em đó.
Một mùa hè, ba tôi dẫn cả nhà xuống Vũng Rô thăm gia đình nó, cũng là đưa tụi tôi đi nghỉ hè không tốn tiền. Hai thằng xáp vô nhau thành cặp bài trùng suốt thời gian tôi ở đó. Tôi rất thích chơi với nó, một thằng khá xốc vác, hay bày trò và nói được cả giọng Bắc lẫn giọng xứ Nẫu. Sau này tôi có xuống thăm nó thêm hai lần nữa. Nhưng tôi bặt tin nó kể từ khi vào đại học.
Thằng Phú đang mua thức ăn cho tôm ở bãi. Tôi đứng nhìn nó hồi lâu rồi mới gọi. Nó đen nhẻm, người gầy gò nhưng cứng cáp như mọi thằng dân biển. Mới mấy năm mà mặt nó già chát như đã băm mấy bốn chục tuổi. Nó trao đổi mua bán bằng tiếng Nẫu cục cằn, khệ nệ ôm thúng cá quăng xuống lòng ghe.
Nó nghe tôi gọi, đứng sựng lại nhìn hồi lâu mới nhận ra. Mặt nó toét nụ cười khắc khổ.
‘Thằng kia, đi đâu ra đây?’.
‘Thăm mày!’.
‘Láo!’.
Tôi dắt nó lên uống cà phê, giới thiệu với lão Sói. Nó học xong lớp chín thì nghỉ học đi biển ít lâu, giờ đang nuôi tôm phụ ông anh vợ ở ngoài bãi. Ba thằng đi mua thêm ít đồ ăn rồi xuống ghe ra bãi. Chiếc ghe rẽ nước lạch xạch tiến ra dải cát dài trước mặt. Tôi nhận ra nước biển trong vịnh xanh màu lá cây.
Nếp nhà tranh của thằng Phú nhỏ xinh nằm nép trên bãi, xung quanh là vườn đu đủ và chuối xanh rười rượi. Trước nhà, cạnh mấy cái lồng tôm bện bằng dây nhựa, có một đứa nhỏ khoảng hai tuổi đang bốc đất cát cho vào miệng. Thằng Phú chạy lại xốc đứa nhỏ lên phủi túi bụi, miệng chửi thề liên tục. Hông nhà, một phụ nữ trẻ đang rửa chén cạnh cái lu sành, lưng đeo một đứa nhỏ chừng vài tháng khóc ngặt nghẹo.
‘Vợ con tao đó!’ - Thằng Phú giới thiệu gọn
Chiều hôm đó chúng tôi kéo một mẻ lưới sát bờ. Cũng được vài con ghẹ nhi đồng cho bữa nhậu và ít cá con để băm cho tôm ăn. Thằng Phú giải thích biển ở đó không giàu như ngày xưa, bây giờ tụi nó (tức là một tụi nào đó) dùng ghe cào, cá lớn cá bé gì cào lên tuốt luốt, lấy gì mà còn. Nó bơi thúng ra chiếc ghe neo xa mua về một con mực đại tướng, kêu vợ nấu cháo đãi khách. Cô vợ trẻ con sợ thằng Phú phép một, rón rén đi rửa xoong, nấu cháo, thỉnh thoảng liếc trộm hai ông bạn chồng. Tôi nhìn thấy thương thương. Chắc nó chỉ hơn em gái tôi một hai tuổi.
Bàn nhậu dọn ra trên cái phản tre trước nhà. Thằng Phú tiếp rượu lão Sói, tôi ngồi chăm chỉ phá mồi. Sói nhậu vào cao hứng đọc thơ, thằng Phú nghe không hiểu nhưng vẫn ngồi hầu rượu rất tận tụy. Chớp mắt, đêm đã buông. Những chiếc ghe câu mực lên đèn. Tôi nhìn đăm đắm vào dải sáng nơi đất liền trước mặt. Thỉnh thoảng có một đoàn tàu hỏa chạy qua đèo Cả, tiếng sầm sập âm vang ra tận ngoài này lẫn vào tiếng sóng biển dường như ở rất gần, nhưng trong bóng đêm tôi không thấy sóng. Trong nhà, vợ con thằng Phú ngồi coi tivi điện bình dưới bóng đèn tuýp tù mù. Hai đứa nhỏ đã bắt đầu gà gật.
Để mặc hai thằng bạn tiếp tục ngồi uống, tôi vớ lấy cây đèn pin và cái thùng nhôm đi xuống bãi cát. Ngày xưa tôi và thằng Phú hay đi bắt ốc mượn hồn như vầy. Ban đêm, ốc mượn hồn bò lổn ngổn trên bãi biển không biết cơ man nào mà kể. Hồi đó trước cổng trường tôi có một ông đi xe cub chở đầy một lồng ốc mượn hồn đem bán cho bọn học sinh, ngàn rưởi một con. Tôi cũng nằm trong cái bọn hay dấm dúi chơi ốc mượn hồn trong giờ học.
Hễ nó rúc vô vỏ, tôi lại hà hơi nóng cho nó bò ra. Chơi được một hai ngày thì ốc chết, lại đi mua con khác. Cứ ngày này qua ngày khác như vậy, lên trường cũng không học được bao nhiêu, nhưng giết khá nhiều con ốc. Tôi từng xúi thằng Phú đem ốc lên chỗ tôi bán, chắc sẽ giàu to. Nó cười, chửi tôi ngu. Tiền xe đò đi lên đi xuống còn gấp mấy lần tiền bán ốc.
Tôi bắt một thùng ốc đầy để ở chân chõng tre. Nhưng đến sáng mới thấy chúng đã lật thùng bò đi hết cả.
Tôi và lão Sói ăn bám thằng Phú khoảng tám chín ngày ở đó.
Sớm sớm dậy nghe chim kêu vượn hót sau núi, đi tắm biển rồi nằm ghếch chân đọc sách. Chiều chiều đi kéo mẻ lưới hay bắt cua đá, cá cóc về nhậu chơi. Đêm đêm trèo lên lồng tôm rỗng nằm ngắm sao trời, nghêu ngao hát. Khi nào quặn bụng, cứ việc cầm theo một cái cuốc, đi ra sau vườn đu đủ.
Có lúc tôi và lão Sói buồn buồn đi sâu vào cánh rừng phía sau, thăm thú những khe nước ngọt trong leo lẻo, cá bơi thơ thới. Tụi tôi hái đầy một gùi khóm dại, ổi rừng, đu đủ hườm hườm về ăn chơi. Buổi chiều nọ lũ bạn nuôi tôm của thằng Phú ở dọc bãi còn rủ ba thằng qua nhậu thịt heo rừng. Một con heo rừng dính bẫy ở ngay ruộng sắn gần cái giếng công cộng của bãi nuôi tôm này.
Tôi và Sói phụ vợ thằng Phú xách nước về nhà đổ đầy những chum vại. Hai thằng làm một chút đã mệt dừ, còn cô em xứ biển cứ gánh hai đầu hai cái can quét hắc ín đầy tràn nước, bước lơn tơn trên cát.
Thằng Phú đi đi về về giữa bãi nuôi tôm với đất liền như con thoi, buôn buôn bán bán. Buổi chiều nó ngồi băm cá con cho tôm ăn, bàn tay nhầy nhụa nhớt máu. Nó hỏi tôi giờ mua bộ truyện Tam Quốc ở đâu ra, tôi nói nhiều lắm, tái bản bán đầy ngoài phố. Nó kêu tao làm sao ra đó được. Tôi hứa sẽ gửi cho nó một bộ, qua địa chỉ ông anh của nó làm ở chi bộ xã.
Sói ngồi ngất ngưởng trên tảng đá cao, phân tích cái thâm của Khổng Minh trong chuyện tiến cử Bàng Thống làm thằng Phú nghe sướng quá, dừng tay băm cá, vỗ đùi đen đét. Như mọi ngày, có lẽ tôi sẽ nói đía lão Sói về chuyện đem “chiêu thức” ra làm mờ mắt thằng bạn chất phác của mình, nhưng nhận thấy niềm vui thích của nó, tự nhiên tôi cứ ngồi yên cười phụ họa.
Một buổi sáng dậy, lão Sói khều tôi:
‘Ê mày, tao nhớ nàng Francessca rồi!’.
Trưa hôm đó tụi tôi từ biệt vợ con thằng Phú và đám bạn nuôi tôm của nó, leo lên ghe trở lại bãi Ngà.
Thằng Phú tiễn tụi tôi lên tận trên đèo.
Chạy thêm khoảng ba chục cây số nữa thì tới Tuy Hòa, lão Sói lùng sục trong phố mua một bộm Quốc, kêu tôi chạy vô bưu điện gửi về liền cho thằng Phú.
Damien và cây đàn mandolin
Tụi tôi chạy ngang Bình Định, Quảng Ngãi nhưng chỉ dừng ven đường uống cà phê nhìn mây nhìn nước một chốc rồi đi chứ không có ý định nghỉ lại. Đoạn đường này Sói để cho tôi cầm lái. Tôi chạy chậm chạp, mở nhạc inh ỏi. Trời nắng đẹp, lòng cũng theo đó mà chợt vui phơi phới.
Ngang qua Sa Huỳnh, tụi tôi đón thêm một thằng đồng hành mới.
Lúc đó trời vừa đổ chiều, tôi tấp vào bãi biển Sa Huỳnh uống nước dừa, rửa mặt mũi chân tay. Đang nằm đong đưa trên võng bỗng nhiên trước mặt tôi xuất hiện một thằng Tây bộ dạng kì dị. Tóc nó dài, tết con rít màu vàng nhỏ tí. Nó mặc cái áo sơ mi cũ mèm, cái quần vải mềm ống to lụng thụng. Vai nó đeo một cây đàn mandolin, tay kéo lệch xệch quai ba-lô trên cát. Nói chung là một thằng Tây lếch thếch.
“Hello, Hoi An?”
Nó hỏi và mừng húm khi thấy bọn tôi biết tiếng Anh. Sau đó bọn tôi được một trận cười no nê khi nghe nó trình bày hoàn cảnh.
Thằng này người Mỹ, tên là Damien, hăm sáu tuổi, tốt nghiệp ngành Sinh học xong lười biếng không chịu đi làm, vác thân sang Nepal sống nhờ tiền trợ cấp thất nghiệp suốt hai năm. Rồi nó lê la một thời gian nữa ở Lào,Thái, Cambodia và vừa đến Việt Nam trong khoảng một tháng nay. Damien kể nó muốn ra đảo Lý Sơn ở Quảng Ngãi, nên từ Hội An, nó nhờ người ta viết cho tờ giấy có dòng chữ “Tôi đi Lý Sơn” rồi trèo lên một chuyến xe tồi tàn bắt được ở bến. Ai dè nó ngủ quên, xe đi đến đâu nó cũng không biết. Đến khi nó tỉnh dậy dộng vào thùng xe rầm rầm, thằng chủ xe cà chớn đã tống nó xuống giữa đường.
‘Tụi mày tưởng tượng được không, tao đứng một mình trên một con đường vắng teo, hình như là đường nội tỉnh, không hề có xe cộ gì chạy ngang qua. Lâu lâu chỉ có vài người đạp xe qua trố mắt nhìn tao, chả hiểu sao lại có một thằng Tây xuất hiện ở đây. Khi tao bắt đầu tuyệt vọng thì có một chiếc máy cày xuất hiện. Tao gào lên Hội An, Hội An, nó cho tao đi nhờ ra tới đây, và tao mon men lại hỏi xin đi ké tụi mày.’
Nói chuyện qua lại một hồi, nó hỏi chúng tôi đang đi đâu.
‘Lang thang vô định thôi’ Sói nhún vai.
‘Cho tao theo với!’ Nó đề nghị.
‘Tại sao tụi tao phải cho mày theo?’ Tôi hất hàm.
‘Có chứ, ví dụ tao nấu ăn khá ngon. À, tao có thể chơi đàn’ Nó gỡ cây đàn trên vai xuống.
‘Chơi thử một bài tao nghe coi’ Sói nói.
Nó dạo đàn, hát bài Forgetful Lucy trong phim 50 First Dates. Tuyệt vời!
‘Nhìn mày, tao nhớ đến hình ảnh thằng cha Corelli trong phim Captain Corelli’s Mandolin. Nhưng mày đong đưa và đẹp trai hơn gã Nicolas Cage nhiều!’ Sói phán.
‘Thank you’ Thằng Damien nghiêng đầu nhã nhặn, như một nghệ sĩ đường phố chân chính mà gió bụi không thể làm mờ đi vẻ lịch duyệtcó từ trong máu.
Tôi nghĩ Sói định thu nhận thằng này để đờn ca cho đường đi thêm phần thi vị. Hoặc nếu thất cơ lỡ vận cũng có thể dẫn nó đi hành khất. Ok, dù sao nó cũng là thằng thật thà, dễ mến.
Thế là thằng Damien và cây đàn mandolin của nó nhập bọn cùng tôi, Sói và nàng
Ba chàng ngự lâm
Đêm hôm đó tụi tôi ngủ lại Sa Huỳnh. Sói trải bạt nằm đằng sau thùng xe hút thuốc. Thằng Damien leo lên nóc cabin ngồi thế liên hoa rồi thơ thới đờn ca. Tiếng hắn thê thiết như sói tru trong đêm trăng. Lão Sói lâu lâu bật dậy vỗ tay kịch liệt.
Tôi trả năm ngàn vào nhà tắm nước ngọt để tắm rửa, giặt giũ, cạo râu. Cái thằng Damien kia thì ở bẩn không thua lão Sói là mấy. Nhìn cái đầu con rít li ti của nó mà coi. Tôi hỏi nó có gội đầu không, nó trả lời là nó đã từng. Cả hai thằng đều chế nhạo tôi là “tiểu thư”, nhưng tôi mặc kệ. Tôi nghĩ nếu khôn ngoan, tụi nó nên ngừng cái trò đó lại. Ít ra trong ba thằng cũng cần có một thằng tướng mạo đàng hoàng, mặt mũi lương thiện để đảm đương vai trò “đối ngoại”.
Sáng hôm sau, thằng Damien lôi cái bếp cồn trong ba-lô to cộ của nó ra tự pha cà phê và nấu mì cho ba thằng trên bãi cát. Tụi tôi lấy điều này làm thích thú. Đun đun nấu nấu kể cũng thú vị và ra dáng bụi đời lắm.
Cái ba-lô của thằng Damien như một cái túi càn khôn, đựng nào là mì gói nào là xúc xích nào là cà phê, rồi thì dao găm dây nhợ, cồn khô, đèn pin, áo mưa, túi ngủ đủ kiểu. Tôi thích mê con dao Thụy Sĩ của nó, còn lão Sói săm soi cái đèn đọc sách gắn trên đầu mà nó khoe mua được ở chợ Dân Sinh. Nó bày ra tất cả rồi xoa tay đắc thắng “Không sao không sao, từ bây giờ chúng ta sẽ dùng chung cả mà!” Cứ như thể bọn tôi đã là một bọn.
Ừ, thì bọn tôi đã là một bọn. Nhưng lão Sói thì kiên quyết, Francessca vẫn là tài sản của riêng lão, và tôi hay thằng Damien đừng hòng tính chuyện đổi tên nàng. Thằng kia ngớ ra chẳng hiểu gì, còn tôi thì nhún vai ngao ngán. Cái lão đó nhiều lúc dở hơi không chịu được.
Tụi tôi chạy về Hội An, quyết định nghỉ lại một nhà trọ tồi tàn khá xa trung tâm, nhưng có chỗ đậu xe thoải mái và giá cả thì cũng xứng đáng với cái sự tồi tàn của nó. Ba thằng thu xe đạp vô phố cổ ngồi quán bar đến khuya. Thằng Damien xỉn tới nỗi không thể nào đạp xe về được, phải gửi lại quán.
Đánh lộn và hành khất
Tối hôm sau, tụi tôi đánh lộn một trận hoành tráng ở một quán bar nằm bên bờ sông. Nguyên do cũng chẳng có gì ly kì. Chỉ là lão Sói mãn teen đã lâu, nay đột nhiên nổi máu tào lao.
Một thằng người Đức mon men lại nói chuyện thô bỉ với cô bé ngồi một mình ở quầy bar, bị lão Sói đang đứng gần đó rót hết ly bia lên đầu. Nó và mấy thằng bạn nữa nổi điên lên, xông vào đấm đá túi bụi. Dĩ nhiên tôi và thằng Damien đâu thể để một mình lão Sói tả xung hữu đột.
Lão Sói từng là huấn luyện viên Vovinam, đánh nhau có vẻ thản nhiên nhẹ nhàng như không. Thằng Damien lâu rồi mới được đấm đá thỏa thích, cứ nhảy chồm chồm, đánh được cũng nhiều mà ăn đòn cũng nhiều không kém. Nhìn nó đánh nhau mà mặt mũi hồ hởi như đang chơi gắp thú nhồi bông.
Tôi học võ thiếu lâm từ năm mười hai tuổi, nhưng hồi xưa lười biếng tập quyền thuật, chỉ chăm chăm luyện binh khí thành ra chẳng biết đánh đấm gì, tối đó đành phải dùng một khúc tre trang trí trong quán làm “Thái Sơn côn”. Có khúc tre lia vun vút hộ thân, tôi không bị dính đòn nào đáng kể, ngoài một điều hơi bất tiện là làm bể khá nhiều ly tách trong quán.
Trận thư hùng diễn ra kịch liệt đến nỗi không ai dám nhảy vào can ngăn. Ông chủ quán chỉ biết chạy xà quần ngoài vòng chiến, miệng gào, mặt đỏ ké, mồ hôi chảy ròng ròng, vẻ mặt xót của trông thật là thảm hại. Được chừng năm bảy phút thì có tiếng còi toét toét. Tôi, Sói và thằng Damien lập tức dừng lại, nháy nhau chạy thục mạng vào những con phố tối, để mấy thằng Đức còn đang ngơ ngác ở lại đó đền bù và tiếp chuyện với dân phòng.
Ba thằng tản ra đi vêu vao dọc bờ sông, đợi tình hình lắng dịu. Rồi bọn tôi kéo nhau tới một góc ở tít đầu bên kia của phố cổ ngồi đàa. Lão Sói vừa sắm được một cây harmonica rởm trong nhà sách lúc chiều, giờ đem ra hòa tấu cùng tiếng đàn mandolin tờ rưng tưng tưng của thằng Damien. Tôi ngồi lấy cành cây gõ nhịp vào lon sữa bò. Âm thanh xưa cũ của mandolin và harmonica hợp với đêm phố cổ như một mảnh ghép vừa. Một đám người bu lại đông đen, phần lớn là du khách thích thú nhìn ba thằng điên “ngồi hát ca bềnh bồng” giữa đường. Thằng Damien nhanh nhẹn tháo chiếc khăn quấn đầu nó xuống để trước mặt. Tiền xu tiền giấy tới tấp quẳng vào. Một em gái Latin bốc lửa ném hẳn cho chúng tôi tờ năm đô. Tôi để ý thấy con nhỏ đó cùng thằng Damien liếc mắt đưa tình.
Đột nhiên một cái đầu trọc bóng lưỡng nhìn quen quen rẽ đám người lố nhố tiến vào. Hóa ra là thằng Đức bị đánh ban nãy, vừa giải quyết xong vụ rắc rối, giờ đang hậm hực đi về. Sẵn tính hiếu kì, nó cùng mấy thằng bạn chen vào đám đông coi thử, ai dè gặp bọn kẻ thù truyền kiếp là tụi tôi đang ngật ngưỡng đàn ca. Lão Sói gào lên “Chạy!” Thế là tôi và lão co giò chạy. Thằng Damien chả hiểu gì, nhưng cũng vơ vội gói tiền hộc tốc chạy theo. Bọn Đức lại tưởng lão Sói hô “xung phong” để tiến công tụi nó, nên nhảy phắt về phía sau thủ thế, thành ra cảnh hai bọn chạy hai ngả, hỗn loạn nhưng vui kinh khủng.
‘Why? Tại sao phải chạy? Tụi mình đâu có đánh thua? Hai thằng mày làm tao mất mặt với em gái Latin quá!’ Thằng Damien gào lên tức tối khi về đến nhà trọ.
Lão Sói cười ha hả ‘Tao thích bỏ chạy cho vui vậy đó, được không?’ Thằng Damien làu bàu gì đó rồi dốc tiền ra đếm. Không tồi. Được năm đô và khoảng ba chục ngàn tiền Việt. Nó đưa hết cho lão Sói đổ xăng.
Trong cuốn nhật ký của nàng
Những ngày tiếp theo ở Hội An, tôi tận hưởng cảm giác cô độc. Ba thằng tách ra đi riêng, mỗi thằng mỗi hướng. Vài ba lần tôi đi bộ lêu bêu dọc bờ sông thấy Sói đang ngồi lắt lẻo trên mạn một chiếc thuyền câu, chắc đã đánh bạn được với chủ thuyền. Lão đưa tay vẫy chào tôi đầy lịch duyệt, như thể đang vẫy tôi từ chiếc thuyền buồm du lịch của riêng lão
Khi nào buồn chán, tôi lê la từ quán bar này đến quán bar khác, tiêu tốn một số tiền đáng kể vào những chaiCorona ướp lạnh. Có những lúc chơi billard rất vui vầy với các chị/em gái Bắc Âu vui tính, có lúc nhập hội với thằng Damien ngồi đần độn nghe nó và mấy thằng người Thụy Sĩ kể chuyện về Nepal, cũng có lúc ngồi một mình trên tầng gác nhìn đăm đăm xuống con đường bên dưới, trong một phút giây không thể nhớ ra mình đang làm gì, ở đâu.
Phần lớn thời gian còn lại, tôi rúc vào một quán cà phê sân vườn yên tĩnh nằm sâu trong hẻm. Cái hẻm bé tí, hun hút như có thể nuốt lấy người ta. Tôi ngồi dưới giàn cát đằng, uống chanh lắc, đọc sách, ghi chép những ý nghĩ thoáng qua trong đầu. Rồi tôi đọc lại cuốn nhật ký của Chiêu Anh.
Đó là cuốn sổ bìa da nâu của nàng mà không nhớ bằng cách nào, tôi có được. Lúc dọn dẹp đồ đạc tôi đã quyết định mang nó theo, nhét cẩn thận vào túi xách đựng quần áo. Giấy trắng còn rất nhiều, nàng chỉ viết được khoảng chục trang. Những lúc hoàn toàn yên tĩnh, tôi thường đọc đi đọc lại nó như một thứ thánh kinh dù gần như đã nhớ không sót một chi tiết nào.
“An Ni Bảo Bối gọi Hà Nội là thành phố kiếp trước của mình.
Còn tôi, thành phố kiếp trước của tôi ở đâu?
Tôi nghĩ thành phố kiếp trước của tôi là Hội An - “thành phố ngủ nướng”. Tôi đã sống những ngày thảnh thơi ở đó, với nỗi nhớ thao thiết trong lòng, nhưng tuyệt nhiên không cảm thấy buồn. Nhớ lại vẫn rất yêu những buổi sáng ở đó, sáng dậy sớm đi bộ đến quán cà phê quen thuộc, ngồi ngay trên hàng hiên, uống chanh nóng và ăn bánh mì bơ tỏi, đọc cuốn sách mình yêu thích, nghe nhạc phát ra từ cái loa nhỏ treo ngay trên mái hiên. Phố nhỏ và vắng vẻ cho đến 8h30 sáng, mặc kệ nắng đã phủ vàng trên những con đường, trong những ngõ nhỏ im lìm hoa cỏ.
Và nhớ lại vẫn rất yêu những buổi tối ở đó. Tôi ngồi ở quán bar quen thuộc Banana Leaf trên con đường bờ sông, uống chút gì đó, đeo earphones vào tai nghe những bài hát trong folder “Anytime, Anywhere” và viết những trang thư cho N. dưới ánh đèn vàng tỏa quanh như một vầng mặt trời ấm mọc vào buổi đêm. 10 giờ quán đóng cửa, tôi thả bộ về khách sạn gần đó trong bóng đèn lồng lác đác buổi khuya, ng một giấc tròn không mộng mị.
Hay là rất yêu những chiều đạp xe 5 cây số ra biển, yêu con đường ra cảng tàu cao tốc – nơi tôi có thể chạy xe đạp buông hai tay và ngồi hàng giờ ngắm rừng dứa dại. Cũng như rất yêu quán cà phê nhỏ đầy chong chóng sặc sỡ trên đường ra biển, và rất yêu nhiều thứ khác nữa mà bây giờ chưa kịp nghĩ ra. Tôi yêu tôi ở đó…”
Tôi đã lặp lại đúng hành trình của nàng. Tôi dậy từ sáng sớm, ngồi nơi hàng hiên quán cà phê ngắm nhìn phố cổ ngủ nướng. Sáng đó tôi thấy một đám tang lặng lẽ đi qua.