Ở Hạ Môn có một hòn đảo, khí hậu trên đảo rất dễ chịu, cả bốn mùa thời tiết đều hệt mùa xuân. Đến từ xa đã nghe thấy tiếng ồn ào náo nhiệt, tiếng chim hót vang trời xen lẫn hương hoa thoang thoảng trong không khí. Trong lịch sử, hòn đảo này đã từng bị thực dân thống trị hơn một trăm năm. Hơn một trăm năm trước, sau khi Chiến tranh nha phiến [1] kết thúc, các nước Anh, Mĩ, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, cả mười ba nước theo chân Anh thành lập các lãnh sự quán [2] trên đảo, cùng lúc đó, đám thương nhân, tu sĩ, bọn buôn người cũng bắt đầu đặt chân lên hòn đảo này, xây biệt thự, dựng nhà thờ, mở hiệu buôn bán đồ Tây, xây bệnh viện, mở trường học, đầu cơ đất, thuê công nhân, thành lập ra các “lãnh sự quán”, xây dựng các “sở công vụ” và “toà án”, biến hòn đảo nhỏ này thành “công cộng tô giới” [3]. Đám đại gia Hoa Kiều cũng lũ lượt lên đảo định cư, xây biệt thự, nối mạng điện thoại, lắp đặt cả hệ thống cung cấp nước ngọt. Hòn đảo này từng là nơi phồn hoa tấp nập bậc nhất, chỉ qua một cuộc chiến tranh trong lịch sử đã cuốn trôi tất thảy, triều đại thay đổi, cảnh còn người mất, tuy rằng đây là giai đoạn tang thương nhất trong lịch sử nhưng ngay sau đó nó vẫn đứng lên phát triển mạnh mẽ.
([1] Chiến tranh Nha phiến, chiến tranh thuốc phiện hay còn được gọi là Các cuộc chiến Anh - Trung là hai cuộc chiến xảy ra giữa thế kỷ 19 (1840 – 1843 và 1856 – 1860) gây nên xung đột kéo dài giữa Trung Quốc dưới triều Mãn Thanh và đế quốc Anh. Trong cuộc chiến lần thứ hai, Pháp đã kề vai sát cánh cùng Anh để đánh Trung Quốc.
Nguyên do cuộc chiến tựu quanh việc chính phủ Anh đòi quyền tự do buôn bán nha phiến từ Ấn Độ thuộc Anh sang Trung Quốc trong khi nhà Mãn Thanh có lệnh nghiêm cấm.
Trung Quốc hoàn toàn thất bại trong hai cuộc chiến với hậu quả phải công nhận thương quyền buôn nha phiến của ngoại quốc. Hơn nữa triều đình Mãn Thanh phải ký các hiệp ước bất bình đẳng, chịu mở nhiều cảng cho các nước ngoài vào thông thương. Hồng Kông thì bị cắt làm nhượng địa cho đế quốc Anh. Nhiều nước đế quốc (Đức, Pháp, Nhật, Nga,.) khác theo chân nước Anh và đã buộc Trung Quốc phải chấp nhận nhiều điều kiện bất bình đẳng ngay trên đất Trung Quốc. Mối nhục này của triều đình Mãn Thanh trước các cường quốc Tây phương là ngòi lửa góp phần cho cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (1850 - 1864), rồi Nghĩa Hoà Đoàn (1899 - 1901) và cuối cùng là Cách Mạng Tân Hợi, kết thúc thời đại phong kiến Mãn Thanh (1911).
[2] Lãnh sự quán: vì có nhiều bạn vẫn hiểu nhầm nên mình giải thích. Lãnh sự quán là cơ quan cấp dưới của Đại sứ quán. Đại sứ quán thường đặt ở thủ đô các nước, còn lãnh sự quán thường đặt ở các thành phố lớn hoặc các thành phố có đông kiều bào sinh sống.
[3] Công cộng tô giới: tô giới (đất thuê) dành cho người nước ngoài sinh sống.)
Hòn đảo ấy nay đã trở thành một thắng cảnh rất hút khách du lịch, trên đảo còn sót lại một số lượng lớn công trình kiến trúc từ thế kỷ trước. Đường phố trên đảo khá chật hẹp, quanh co uốn lượn. Một khu biệt thự cao cấp mang kiến trúc Châu Âu hướng ra mặt biển, nơi này trước kia là đặc khu của đám kiều bào giàu có nhưng phần lớn đã rời đi sau chiến tranh, họ đưa cả gia đình ra nước ngoài sinh sống, để lại nơi đây những căn biệt thự hoa lệ trùng trùng điệp điệp. Qua một thời gian dài, các căn biệt thự bị bỏ hoang đều trở thành nhà không chủ, mấy năm gần đây dịch vụ du lịch trên đảo phát triển rất mạnh mẽ, mấy căn biệt thự này mới được tu sửa thành nhà nghỉ gia đình, dần dần lấy lại vẻ phồn hoa tấp nập.
Ở rìa phía Tây Nam của hòn đảo có một con đường chạy dọc bờ biển, thế đất ở nơi này khá đặc biệt, từ vùng đất bằng của hòn đảo nhỏ nhô ra một đoạn, cách đường phố trung tâm một khoảng khá xa, một căn nhà nhỏ được bao bọc bởi bức tường gạch đỏ Old Mexico nằm yên tĩnh cách biệt với thế giới bên ngoài.
Nhìn từ bên ngoài vào, căn nhà có vẻ mờ nhạt, gạch ngói màu đỏ vốn sáng màu rực rỡ trải qua nhiều năm mưa sa bão táp, nay đã phai màu theo thời gian, lớp xi măng trên bậc thang ở tường bao đã sụt một góc, nhưng bước vào bên trong cánh cổng lớn sơn đỏ lại là một bức tranh hoàn toàn khác.
Một mái hiên nhỏ chật hẹp bao bọc căn nhà gỗ thiết kế hai tầng hình vòng cung độc đáo, có chút hơi hướm giống nhà của người nghèo thời trước ở Giang Nam, bên ngoài là tường bê tông cốt thép, bên trong toàn bộ kết cấu lại được làm từ gỗ. Căn nhà hai tầng được bao quanh bởi các hành lang rộng, tầng trệt cao ít nhất cũng ba mét, trong nhà vừa rộng lại có cảm giác sâu hun hút, cửa sổ nhỏ hẹp, bầu không khí bên trong vừa mát mẻ yên tĩnh vừa mang vẻ gì đó rất bí ẩn.
Trong khoảnh sân nhỏ có một chiếc bàn bằng đá tảng rất dày, cao hơn sàn nhà độ một bậc thang. Xung quanh nhà đặt chậu lớn chậu nhỏ toàn hoa là hoa, rõ ràng đang giữa mùa hè, nhưng lại chẳng có lấy một đoá hoa nào nở, cành lá phủ một màu xanh mơn mởn trông đầy sức sống, hẳn là chủ nhân vừa mới tưới hoa, trên sân còn vương đầy nước ướt sũng, trên mấy tán lá cây xanh tươi mướt mát còn đọng lại vài giọt nước, vòi nước được đặt trên sân, một vòi nhựa khá lớn, vắt ngang qua nửa sân, nằm yên tại đó. Ở lối ra còn có một vòi nước nữa, bên cạnh cổng ra còn có một gốc cây cổ thụ cành lá xum xuê, một nửa tán cây còn choãi ra khỏi bờ tường, vài đoá hoa trắng ngần tinh khiết nở xen giữa đám lá cây rậm rạp, hương thơm ngọt ngào nhẹ nhàng lan toả khắp khuôn viên nhỏ.
Sau buổi trưa nơi đây trở nên yên tĩnh, cả khoảnh sân râm mát, im lặng không có dù chỉ một tiếng động. Trước cửa phòng khách ở tầng một, hai cánh cửa gỗ mở ra, qua hành lang khúc khuỷu độ hai thước, bên trong có một tấm chiếu được trải ngang, một người nằm nhàn nhã bên trên, dưới chân có một chú chó Shar Pei mập mạp nằm úp sấp. Buổi trưa đúng là giờ ngủ lý tưởng nhất, cả người và chó đều ngủ say sưa. Người đang ngủ kia có cơ thể gầy yếu, mỏng manh, lúc nằm nghiêng còn lộ ra cả xương con bướm sau lưng, mái tóc ngắn che khuất nửa khuôn mặt, trong tay cầm một quyển sách, đã giở được một nửa, hẳn là trước lúc ngủ còn đang đọc dở, sau đó cảm thấy cơn buồn ngủ đã đến nhưng vẫn luyến tiếc không gấp lại nên cứ để vậy mà thiếp đi. Một cơn gió nhè nhẹ thổi vào trong nhà, khó khăn lắm mới có thể khiến mái tóc ngắn bay bay lộ ra gương mặt của người đang ngủ say, chủ nhân của gương mặt đó không ai khác chính là Hám Sinh.
Tác giả nói ra suy nghĩ của mình: Thật xin lỗi mọi người, hôm nay như vậy trước đã nhé, ngày mai sẽ bổ sung thêm, thật sự là trí nhớ của ta dạo này không tốt. Vì nghĩ rằng tuần sau bận rộn, cho nên chia làm hai chương, tuần sau ta có hơi nhiều việc, còn nợ cục cưng nhà ta một chuyến du lịch, tuần sau nhất định phải đưa nó đi, không dám cam đoan viết được thêm bao nhiêu, cho nên giữ chương sau lại để tuần sau, xin mọi người thông cảm nhé.
Mọi người vẫn gọi Hám Sinh xuất hiện đi, ta biết độc giả đọc từng chương từng chương, khó tránh khỏi nóng lòng, muốn biết ngay kết quả, nhưng viết về chuyện xưa người xưa có rất nhiều vấn đề cần phải chỉnh sửa. Ta còn phải nghĩ cách cho Đông Dạ Huy thay đổi, anh ta là một người lạnh lùng, ta muốn kích động anh ta để anh ta có một chuyện tình sâu sắc, kết quả là cuối cùng ta biến cả anh ta và Hám Sinh cùng thay đổi, cho nên xin mọi người hãy kiên nhẫn một chút.