https://truyensachay.net

Hậu Hoàn Châu Cát Cát

Chương 37

Trước Sau

đầu dòng
Quả thật Tịnh Nhi đã giúp đỡ cho đám Yến Tử rất nhiều, nàng đã nói với thái hậu:

- Bẩm lão phật gia, xin hãy khai ân, nói giúp cho Ngũ a ca vài câu, để hoàng thượng khoan dung tha cho họ.

Thái hậu nói:

- Ngươi nói sao nghe đơn giản thế? Tại sao phải nói giúp? Bọn chúng tội nặng tày trời, vừa phản quốc khi quân, che giấu bọn tội phạm để chúng chạy trốn... mỗi một tội đã là một án tử, có xin được tội này cũng còn tội kia, bọn chúng chết là đúng. Tịnh Nhi, con phải tỉnh táo một chút, Nhĩ Khang với con cũng nào có duyên phần, vậy thì cứu bọn họ làm gì?

Nhưng Tịnh Nhi nói:

- Duyên phần không có, nhưng tình cảm là quan trọng nhất là khi tri tâm. Lão phật gia à, những cái việc ma họ làm, chẳng phải là đã nhổ được cái gai trong mắt lão phật gia ư? Họ tống khứ được Hương phi, có nghĩa là nỗi lòng của lão phật gia được xóa, hoàng thượng không còn bị Hương phi mê hoặc. Vậy thì tại sao không bỏ qua chuyện này, còn truy cứu tìm ra tung tích Hương phi làm chi? Cái gọi là của đám Yến Tử đúng ra phải nói là công mới phải sao lại khép tội? Nếu vụ án này tiếp tục, rủi tìm được Hương phi về, chẳng phải là thêm phiền phức, rồi lão phật gia lại phải canh cánh lo sợ, phải tìm cách hạ thủ Hương phi lần nữa ư?

Thái hậu nghe Tịnh Nhi nói có lý, suy nghĩ.

- Điều con nói cũng phải.

Tịnh Nhi thừa dịp nói thêm.

- Vì vậy chuyện làm bậy của Yến Tử, lại giúp lão phật gia loại bỏ Hương phi nên theo con có nên chăng, lão phật gia cân đo “công tội” của họn họ mà thả họ ra đi?

Thái hậu nhìn Tịnh Nhi nói:

- Tịnh Nhi, có phải... con vẫn còn yêu Nhĩ Khang không?

Tịnh Nhi yên lặng không đáp, thái hậu suy nghĩ rồi gật đầu:

- Vậy thì có thể xét lại, cho Nhĩ Khang miễn tội chết!

Tịnh Nhi nghe vậy giật mình:

- Sao chỉ có một mình Nhĩ Khang mà không phải là tất cả? Nếu mọi người đều chết, chỉ có một mình anh Nhĩ Khang sống thì đối với anh ấy, sống chẳng bằng được chết đâu.

Thái hậu nghe vậy nghĩ ngợi, giữa lúc đó chợt có tiếng thái giám rao:

- Hoàng hậu nương nương đến!

Liền theo đó, hoàng hậu và Dung ma ma vội vã đi vào.

- Lão phật gia kiết tường!

Thái hậu ngạc nhiên:

- Lại có chuyện gì mà các ngươi đến đây?

Hoàng hậu vội bẩm tấu:

- Người mà lão phật gia sai đi Tế Nam là Cao Dung nay đã quay về rồi ạ.

Thái hậu hiểu ngay.

- Ðã tìm được manh mối gì rồi ư?

Dung ma ma bước tới nói nhỏ:

- Dạ có ạ... Cao Dung mang về đây ba người, một là người trước kia đích thân đỡ đẻ cho Tử Vy đó là Lý bà bà, còn hai người kia là một cặp vợ chồng nghe nói là ông cậu và bà mợ của Tử Vy ạ.

Thái hậu nghe vậy ra lệnh ngay.

- Bây đâu, hãy mang họ vào đây.

Hoàng hậu nói:

- Dạ họ đang đứng ở phía ngoài chờ, lão phật gia truyền họ vào ngay ư?

- Còn chần chờ gì nữa?

Dung ma ma vội quỳ xuống.

- Dạ để nô tài ra ngoài bảo họ vào ngay ạ.

Tịnh Nhi đứng cạnh ngạc nhiên tại sao mang cả những họ hàng thân tích của Tử Vy lên kinh, hay là đã phát hiện được điều gì không đúng? Tịnh Nhi hồi hộp đứng chờ không dám bỏ đi.

Thế là Dung ma ma cùng Cao Dung đưa ba người dân vào cung. Cao Dung quỳ xuống nói:

- Nô tài Cao Dung khấu kiến lão phật gia, chúc lão phật gia thiên tuế thiên thiên tuế! Lần này nô tài tuân lệnh đến Tế Nam bỏ công lùng sực truy tìm và đã không uổng công nên mang được những người thân còn lại của Tử Vy cát cát về đây. Xin lão phật gia hãy đích thân mà thẩm tra họ!

Thái hậu nghe vậy quay qua nhìn ba người, chỉ thấy họ đều là dân quê chân đất. Họ có vẻ sợ hãi khi quỳ trước mặt những người quyền uy.

Thái hậu quan sát một chút, hỏi lớn:

- Ai là Lý bà bà?

Bà lão họ Lý vội ngước mặt lên.

- Dạ tôi... tôi ạ.

Thái hậu lại hỏi:

- Tử Vy là do chính tay ngươi đỡ đẻ phải không? Chuyện này cách nay đã mười chín năm rồi, làm sao ngươi nhớ là đã đỡ đẻ cho ai? Con bé Tử Vy là đứa nào?

Lý bà ba run run nói:

- Nếu cô Tử Vy này đích thật ngụ bên bờ hồ Ðại Minh, nhà số 52 hẻm Giang Gia đường Báo Đột Tuyền họ Hạ thì đúng là do tôi đỡ đẻ ạ.

Thái hậu lập tức hỏi:

- Làm sao ngươi lại có thể nhớ rõ là nhà họ Hạ là số 52 hẻm Giang Gia đường Báo Đột Tuyền?

Lý bà bà vừa run vừa nói:

- Vì cái hôm đỡ đẻ đó, tôi thật tình không muốn đi bữa đó trời tuyết lớn, lại nửa đêm nửa hôm... cũng không phải là chỗ quen biết. Tôi phân vân mãi sợ nguy hiểm, nhưng rồi người đến mời lại đặt xuống bàn đến hai nén bạc, số tiền quá lớn, từ nào đến giờ làm nghề đỡ đẻ tôi chưa hề thấy có một số tiền lớn như vậy, nên liều mình đội mưa tuyết mà đi.

Thái hậu yên lặng một chút để suy nghĩ rồi hỏi:

- Mưa tuyết? Làm sao có mưa tuyết? Tử Vy sinh ngày mùng hai tháng tám, lúc mùa hè làm gì có mưa tuyết?

Lý bà bà giả vờ ngạc nhiên hỏi:

- Con đâu có nói nó sinh ngày hai tháng tám đâu? Nếu con nhớ không lầm thì hôm đó là mùng tám tháng chạp, lúc người nhà của họ Hạ đến mời là lúc con đang ăn cháo mùng tám!

Rồi mụ ta quay qua chỉ cậu của Tử Vy nói:

- Người mà nhà họ Hạ phái đến là lão này đây!

Thái hậu nghe vậy sững sờ, nếu thật sự Tử Vy sinh ra trong mùa đông thì nó đâu phải là máu thịt của hoàng đế? Bà đã nghi có sự bất minh trong lý lịch của Tử Vy. Vậy thì... thôi đã quá rõ ràng, đây là một màn lừa gạt khủng khiếp. Bà cố lấy lại bình tĩnh, trừng mắt nhìn hai vợ chồng dân quê già quỳ trước mặt hỏi:

- Các ngươi có chắc chắn là ông cậu và bà mợ của Tử Vy không?

Hai vợ chồng già vội vã dập đầu.

- Dạ chắc chắn! Chắc chắn ạ!

- Vậy mẹ Tử Vy là ai? Đúng là Hạ Vũ Hà không?

- Vâng, Hạ Vũ Hà là cháu họ của chúng tôi, lúc xưa nó ngụ ở Báo Ðột Tuyền. Gia đình hai bên lại rất thân thích, hiện giờ tôi nghĩ là Tử Vy nếu gặp hẳn là còn nhớ chúng tôi. Chúng tôi chỉ xa nhau khi Hạ Vũ Hà dọn xuống phố phía dưới Thiên Phật Sơn.

- Như vậy hẳn các ngươi phải biết cha đẻ của Tử Vy là ai chứ?

Thái hậu hỏi, hai vợ chồng ông lão nhìn xuống.

- Dạ... chuyện đó thì không rõ, vì sự việc của Vũ Hà làm chúng tôi đều quan tâm. Chỉ thấy có một chuyện lạ, là chưa lấy chồng mà đã có con. Cuộc sống của nó cũng khá khó khăn... mọi người lại xa lánh... lúc Hạ Vũ Hà sinh nở, đích thân mẹ của Vũ Hà đến năn nỉ nhờ chúng tôi đi rước mụ ạ.

- Ngươi có chắc chắn đó là ngày mùng tám tháng mười hai không?

Thái hậu hỏi, ông lão đáp một cách không do dự.

- Ðúng! Ngày mùng tám tháng chạp năm Hợi ạ.

Thái hậu ngạc nhiên.

- Năm hợi chớ không phải Tuất à?

- Không, chắc chắn là năm hợi!

Rồi ông quay qua hỏi bà lão:

- Nó cùng tuổi với con Thu Nhi nhà mình phải không?

Bà lão gật đầu.

- Đúng, con cháu Thu Nhi nhà mình sinh vào mùa thu còn nó sinh mùa đông!

Thái hậu ngồi yên, sự thật đã rõ ràng, còn Tịnh Nhi cũng không biết đây là thật hay giả.

o O o

Cùng lúc đó vua Càn Long cũng nhận được tin Vĩnh Kỳ đã bỏ trốn, khiến ông tức điên lên.

Tiểu Thuận Tử với bức thư trên tay quỳ trước mặt ông.

- Bẩm tấu hoàng thượng, đây là thơ của Ngũ a ca để lại ạ!

Vua Càn Long trợn mắt.

- Ðể thơ lại bỏ trốn ư? Sao nghe nói là hắn bệnh nặng trong ngục mà?

- Dạ bẩm hoàng thượng, Ngũ a ca lúc ở trong ngục quả là có bệnh ạ, nhưng khi được đưa ra ngoài uống thuốc xong đã bớt đau. Ngũ a ca nói là muốn ra hoa viên hóng mát, rồi thừa cơ bỏ trốn ạ.

Vua Càn Long tức tối.

- Sao lại có chuyện vô lý vậy? Nếu sớm biết thế ta đã để hắn ở trong tù rục xương, không thả hắn ra!

Vua giật lấy lá thư trên tay Tiểu Thuận, mở ra đọc, trong khi Tiểu Thuận lặng lẽ rút lui ra ngoài, còn lệnh phi thì e dè đứng gần đó theo dõi thái độ của vua.

Thơ của Vĩnh Kỳ chỉ vỏn vẹn có mấy dòng.

Bẩm Hoàng a ma,

Xin hãy tha cho tội bất hiếu, nhưng lúc Hoàng a ma giận dữ thế này, con nghĩ có khổ công trình bày thế nào, Hoàng a ma cũng chẳng để lọt tai đâu. Con chỉ xin có mấy lời ngắn gọn, bọn con lúc nào cũng kính trọng và yêu quý Hoàng a ma. Cuộc đời có đổi dời thế nào vẫn bất biến, riêng về chuyện Hương phi, chúng con mặc dù có hành động một cách nông nổi, nhưng xin Hoàng a ma hãy xét lại. Sự việc chẳng đơn giản như người nghĩ đâu, chúng con đều là những con người hiểu biết. Đương nhiên khi hành động của phải có căn nguyên, nếu một ngày nào đó Hoàng a ma bình tâm nghĩ lại, sẽ thấy việc làm của bọn con không phải là xấu, thì biết đâu người lại chẳng tha thứ cho bọn con.

Hoàng a ma! Một lần nữa con xin cúi đầu xin tội cho các bạn con, nếu người khoan dung, lúc đó con sẽ quay về. Còn nếu không, con xin vĩnh biệt người ngay từ hôm nay để sống cuộc đời độc lập...

Ðọc xong thư, vua chẳng những không cảm động mà còn giận hơn, người vò nát bứt thơ trong tay, quát:

- Hừ, muốn vĩnh biệt ư? Vậy thì ta cho ngươi vĩnh biệt luôn. Ðừng bao giờ quay về đây nữa, thà không có hơn là có một đứa con bất hiếu như ngươi!

Lệnh phi nhặt lá thư lên đọc, rồi nói:

- Bẩm hoàng thượng, thần thiếp thấy bức thơ này Ngũ a ca đã nói rõ lòng mình, chỉ cần hoàng thượng tha thứ cho hành động dại dột cũ, thì nó sẽ quay về thôi. Thật ra thiếp thấy nó nào có bất kính với hoàng thượng, khi nó quyết định giải quyết cho Hương phi, thì cũng có căn nguyên của nó. Chẳng lẽ chỉ vì chuyện mất Hương phi mà hoàng thượng lại từ bỏ hết con cái ư?

Vua Càn Long nói:

- Lệnh phi, khanh không cần phải biện minh cho họ, bi kịch hay hỉ kịch đều không phải do trẫm mà chính họ đã gây ra, khi họ đã quyết định chọn việc giúp Hương phi trốn thoát! Thì có nghĩa là họ đã chọn lấy bi kịch điều làm trẫm đau đớn nhất trong chuyện này không phải vì chuyện họ đứng bên phe Hàm Hương, mà là vì họ quá xem thường trẫm! Trẫm đã hỏi đi hỏi lại nhiều lần chúng cứ cả quyết là Hương phi đã hóa bướm bay mất, có phải là đã qua mặt trẫm không?

Càng nói vua Càn Long càng giận, ông đi qua đi lại lớn tiếng:

- Khanh cũng thấy, con cái nhà ai mà lại khinh thường cha mẹ như vậy, chúng coi trẫm như một thằng ngu rồi còn gì?

Vua Càn Long vừa nói đến đó, thì người của thái hậu đến quỳ xuống trước mặt vua:

- Bẩm hoàng thượng, lão phật gia bảo có chuyện khẩn cấp, mời hoàng thượng đến Từ Ninh cung ngay.

o O o

Chỉ một lúc sau, Tử Vy, Yến Tử, Kim Tỏa cũng đều được đưa đến Từ Ninh cung.

Yến Tử là đứa rất lạc quan, nên thấy cai ngục bảo ba người cùng đi thì hớn hở nói:

- Như vậy là Hoàng a ma đã nghĩ lại, quyết định thả bọn mình rồi!

Tử Vy không lạc quan như vậy, nhưng cũng không nguôi hy vọng.

- Hoàng a ma là người “đầy ấp tình người” chỉ cần thờ gian là người sẽ hiểu và tha thứ cho chúng ta.

Khi đến trước cửa Từ Ninh cung, cả ba càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy cả Nhĩ Khang cũng mang cùm được đưa tới. Kim Tỏa thấy vậy phấn chấn nói:

- Các chị nói có lẽ đúng đấy, hoàng thượng truyền cả Nhĩ Khang đến, có lẽ để cùng lúc tha cả bọn ta.

Nhĩ Khang vừa nhìn thấy Tử Vy, mừng rỡ hỏi:

- Tử Vy, Yến Tử... các người thế nào, khỏe và ổn chứ?

Nhưng ngay khi đó bọn cai ngục đã cắt ngang.

- Không được nói năng gì cả! Vào nhanh lên!

Yến Tử đang hí hửng, nghe vậy quay qua nạt:

- Ngươi coi chừng đấy! Hoàng a ma truyền bọn ta lên là để tha, ngươi mà làm dữ coi chừng, dù gì bọn ta cũng là cát cát đấy. Ta mà được tha ra thì ngươi liệu hồn!

Tên cai ngục bị lời dọa của Yến Tử làm hoang mang, vội vã cười cầu tài.

- Xin cát cát đừng giận, bọn nô tài làm vậy chẳng qua vì tuân lệnh trên thôi. Thôi thì mời cát cát, đại gia vào cho!

Tử Vy không thấy Vĩnh Kỳ, hỏi:

- Còn Ngũ a ca đâu?

- Hôm qua đã ra ngoài, bao giờ có cơ hội sẽ nói rõ!

Nhĩ Khang nói, mọi người bước vào Từ Ninh cung là phát hiện không khí khác lạ ngay, trước mặt họ là đầy đủ cả người trong cung. Vua Càn Long, thái hậu, hoàng hậu, lệnh phi, Tịnh Nhi, Dung ma ma, người nào thái độ cũng nghiêm nghị, im lặng chờ đợi... Ngoài người trong cung đình còn có cả mấy người thường dân, ăn mặc chất phác như dân quê.

Thái hậu thấy đã có đầy đủ bọn Yến Tử lập tức nói:

- Này Yến Tử, ta ra lệnh các người chẳng ai được lên tiếng cả nhé, bao giờ ta hỏi tới sẽ được lên tiếng sau.

Xong quay qua mấy lão dân quê, thái hậu hỏi:

- Này, bọn ngươi nhìn xem trong số ba cô gái này ai là Tử Vy?

Lý bà bà hoang mang nhìn ba cô gái trước mặt, rồi lắc đầu nói:

- Thật tình tôi không nhìn ra, vì lúc đỡ đẻ cô ấy chỉ là một đứa bé sơ sinh.

Còn hai vợ chồng ông cậu của Tử Vy cứ chăm chăm nhìn ba người. Thái độ của họ khiến Tử Vy ngạc nhiên, sao lại có mặt ba người dân quê ở đây? Nhưng rồi khi nhìn kỹ, Tử Vy chợt nhận ra. Vừa mừng vừa ngạc nhiên Vy chưa kịp hỏi thì ông cậu họ đã ngoắc tay về phía Tử Vy nói:

- Tử Vy, có còn nhớ ta không?

- Ông cậu! bà mợ!

Tử Vy kêu lên:

- Hai người chẳng phải ở Tế Nam ư? Sao giờ lại đến Bắc Kinh?

Hai ông cậu bà mợ nắm tay Tử Vy ra vẻ thân tình.

- Ồ! Bao nhiêu năm không gặp rồi, trông con lớn đại. Tử Vy! Bây giờ đã là người lớn rồi nhé, còn nhớ lần cuối ta gặp con ở Thiên Phật sơn lúc đó con mới chín tuổi, con chỉ cao bằng này của ta thôi!

Vừa nói ông ta vừa đặt tay ngang thắt lưng, còn bà mợ thì rơm rớm nước mắt nói:

- Ðẹp, đẹp quá! À, con đẹp vậy lại được tiến cung, thế này thì Vũ Hà ở dưới suối vàng hẳn mãn nguyện lắm đấy!

Thái hậu nghe đến đây, tằng hắng một tiếng nói:

- Vậy là nhận ra bà con rồi phải không? Tử Vy, đây đúng là ông chú bà thiếm của ngươi rồi chứ?

Tử Vy quay lại, cung kính nói:

- Vâng, con chẳng biết sao họ lại đến được Bắc Kinh họ đến tìm con? Hay có chuyện gì khác?

Nhĩ Khang đứng ngoài luôn luôn cảnh giác, thấy sự việc có vẻ khác lạ nên quay sang nhìn Tịnh Nhi, chỉ thấy Tịnh Nhi lắc đầu.

Kim Tỏa như cũng phát hiện được điều lạ đó, tại sao một người dân dã quê mùa lại có thể vào cung đình dễ dàng như vậy? Nên bước tới.

- Ông chú bà thiếm hẳn chưa quên con? Lúc này khỏe không?

Bà lão có vẻ ngạc nhiên:

- Ðây là Kim Tỏa ư? Ngươi vẫn còn theo hầu Tử Vy à? Vậy thì tốt quá! Tốt quá!

Thái hậu lạnh lùng cắt ngang.

- Vậy là đủ rồi, đủ dể xác nhận hai bên là bà con thân thuộc nhau chứ gì?

Và quay sang Tử Vy, bà hỏi:

- Tử Vy, ngươi hãy nói rõ ta biết, nguyên quán ngươi ở đâu? Sau đó có dời đi đâu không?

Tử Vy giật mình:

- Lúc nhỏ nhà con ở số 52 hẻm Giang Gia đường Báo Đột Tuyền ạ? Sau đó mới dời đến Trấn Lê Hoa ở dưới chân núi Thiên Phật sơn ạ.

Thái hậu lại hỏi:

- Ngươi sinh ngày nào tháng nào?

- Dạ bẩm ngày hai tháng tám năm nhâm Tuất ạ.

Thái hậu quay qua Lý bà bà hỏi:

- Lý bà bà! Ngươi nói ta nghe xem nó sinh ngày mồng mấy tháng mấy.

Lý bà bà run rẩy nói:

- Dạ... dạ... ngày tôi đi đỡ đẻ cho mẹ nó là ngày mùng tám tháng chạp năm Quý Hợi ạ. Nhưng mà... nhưng mà... tôi cũng không nhớ có phải là cô gái này không!

Thái hậu quay qua ông chú của Tử Vy.

- Hạ Vũ Hà có tất cả mấy người con?

Ông lão nghe hỏi vội quỳ xuống.

- Dạ... Vũ Hà chỉ có một đứa con duy nhất này.

Ðến lúc này Tử Vy đã hiểu chuyện gì đã xảy ra, nàng loạng choạng lùi ra sau, mặt tái hẳn.

- Không... không... không... không thể như vậy được. Con sinh ra vào tháng tám mà, mẹ con còn nói, năm đó hoa Tử Vy nở rộ, nở rất dai, mãi đến tháng tám mà chưa tàn. Vì vậy ngươi mới lấy tên hoa đó đặt cho con!

Ông lão vẫn khẳng định.

- Nhưng rõ ràng là ngươi sinh ngày mùng tám tháng mười hai năm Quý Hợi, chính ta đi rước mụ cho mẹ ngươi mà. Lúc nhỏ mọi người cũng không gọi ngươi là Tử Vy mà gọi là “chút xíu”. Vì lúc ngươi sinh ra ngươi nhỏ xíu mãi đến khi lên sáu tuổi, mẹ ngươi mới sửa tên ngươi gọi là “Tử Vy”.

Không chỉ Tử Vy hiểu, mà mọi người cùng hiểu, Yến Tử vừa giận vừa sợ, Kim Tỏa, Nhĩ Khang cũng thế, vua Càn Long có vẻ bất ngờ, mắt đỏ ngầu vì giận.

Tử Vy thấy choáng váng, không ngờ mọi thứ lại tệ hại thế này, Vy nói:

- Không thể như vậy được! Mẹ con không hề lừa dối con, mẹ nói rất rõ ràng, tại sao lại có thể đảo ngược thế?

Nàng quay sang vợ chồng ông chú, hỏi:

- Hai người có chắc là con không phải tuổi Nhâm Tuất không?

Hai vợ chồng ông chú đồng thanh nói:

- Chắc chắn! Không có gì sai cả, Thu Nhi nhà chúng ta cũng cùng tuổi với con mà?

Ðến lúc đó thì vua Càn Long không còn dằn lòng được nữa, ông nhìn Tử Vy nghiến răng hét:

- Tử Vy! Ngươi và mẹ ngươi! Ðã lập ra trận đồ này để mà lường gạt trẫm, Hừ! Cái gì mà mười tám năm khổ đợi, dể cho trẫm nghĩ là mẹ ngươi trung kiên, để rồi lòng ray rức ân hận vì đã vô tình. Ta đem cả trái tim thành khẩn, ăn năn để chấp nhận ngươi. Bây giờ... vỡ lẽ ra thì chỉ làm cái chuyện cưu mang người khác, một màn lừa gạt khá tỉ mỉ kéo dài. Ngày ra đời của ngươi cách xa cái ngày ta đến Tế Nam những hai năm thì làm sao ngươi là con của ta được chứ! Hừ! Mẹ ngươi quả là người biết tính toán! Một người đàn bà xảo quyệt, trách gì ngươi cũng đầy quỷ kế. Trẫm quả là một thằng mù, mới nhận đứa con gái như ngươi làm con!

Ðứng bên cạnh không dằn được, Yến Tử bước tới nói:

- Bẩm Hoàng a ma! Xin người đừng để bị trúng kế, tại sao những người thế này lại có thể lọt được vào trong cung? Chỉ cần nhìn qua ai cũng thấy rõ cả, ví dụ hai ông bà lão kia có thật là ông chú bà thiếm của Tử Vy đi nữa, thì họ cũng già rồi, có khi họ lú lẩn nói sai cũng có khi họ nói dối. Họ nào phải ruột thịt cận kề Tử Vy, sao lại nhớ rõ được ngày? Hoàng a ma đừng có nghi oan cho mẹ Tử Vy và cả Tử Vy nữa. Bà Hạ Vũ Hà đã mất, chẳng thể đội mồ sống lại để mà thanh minh chuyện này, Hoàng a ma.

Vua Càn Long không đợi, Yến Tử dứt lời, quát:

- Ngươi câm miệng ngay, trẫm không muốn nghe nữa! Ngươi và Tử Vy đã tư thông nhau, sắp xếp sự việc từ đầu tới cuối. Bọn bây đều là dân lường gạt, bây giờ còn không biết xấu hổ, còn cãi nhăng cãi cuội. Cái gì mà Hoàng a ma, trẫm không còn là Hoàng a ma của các ngươi nữa! Không được gọi thế?

Ðến lúc này, Kim Tỏa không biết sợ là gì nữa, bước ra nói:

- Bẩm hoàng thượng, con là đứa ở bên thái thái suốt chín năm trời mãi cho đến lúc thái thái qua đời, vì vậy con biết rất rõ. Con xin lấy mạng sống của mình ra mà thề. Mẹ của Tử Vy là một phụ nữ hiền thục cao quý, tuyệt đối không xấu như hoàng thượng nghĩ đâu. Bà ấy cầm kỳ thi họa đều giỏi, không những thế còn biết cả cách dạy con, bà ấy là người nghiêm khắc...

Nhưng Vua Càn Long đã cắt ngang.

- Ta không muốn nghe bất cứ một điều gì liên quan đến Hạ Vũ Hà nữa, ta hoàn toàn không tin tưởng những lời bịa đặt. Hãy mang tất cả những con người có liên quan đến Hạ Vũ Hà này ra ngoài! Ta không muốn nhìn mặt bất cứ ai trong bọn họ.

Thế là bọn thái giám tiến lên đưa ông chú bà thím Tử Vy và Lý bà bà ra ngoài, còn đám Tử Vy vẫn quỳ đó, Tử Vy nhìn vua Càn Long đau khổ nói:

- Hoàng a ma, chuyện này có miệng mà con không làm sao biện minh được, nhưng đối với con chuyện được làm con của Hoàng a ma chẳng quan trọng nữa mà cái quan trọng ở đây là tư cách mẹ con đã bị xúc phạm. Ðó là điều không thể chấp nhận! Hoàng a ma hãy nghĩ kỹ lại đi, nếu con không phải là con của người, tại sao mẹ con lại nói thế? Lại bắt con phải đi tìm cha? Thật nhục nhã...

Rồi không chịu được, Tử Vy ngước lên trời gọi to.

- Mẹ ơi mẹ, mẹ ở nơi nào? Hãy nói cho con biết đi, sao lại có chuyện kỳ cục vậy? Hãy cho con biết đi!

Thái hậu trợn mắt, gạt ngang:

- Thôi, đừng có diễn kịch nữa, vở kịch này diễn đến đây đủ rồi, hãy ngưng lại đi thôi, ta chẳng muốn xem tiếp. Tội khi quân tày trời chẳng thể dung thứ được, hãy quay về ngục tối mà chờ chết đi!

Nhĩ Khang không chịu thua, bước tới.

- Hoàng thượng, thần có điều muốn nói với Hoàng thựơng.

Thái hậu trừng mắt với Nhĩ Khang.

- Nhĩ Khang, hôm nay ta cho gọi ngươi đến đây là để ngươi tai nghe mắt thấy những gì đã xảy ra. Một năm trôi qua, ngươi như kẻ sống trong quả mù, ngươi cũng bị mê hoặc, trong chuyện lường gạt tày trời này, không những chỉ có hoàng đế, Vĩnh Kỳ mà còn có cả ngươi nữa. Vì vậy ta muốn ngươi hãy tỉnh lại đi! Nhĩ Khang, ngươi là người trung tín của hoàng đế, là người được ta yêu quý. Nên biết như vậy và không nên tiếp tục mê muội. Hai con a đầu này, lý lịch bất minh, lúc nào cũng nói dối, ngươi nên bình tâm mà nghĩ xem có đúng không? giờ đây, Tử Vy không còn là cát cát, thì đương nhiên cái chuyện chỉ hôn của ngươi coi như không còn. Chỉ cần ngươi thức tỉnh, thì ngươi vẫn là của chúng ta bao nhiêu tội lỗi cũ sẽ được xóa hết. Ngươi hiểu ý ta nói không?

Tử Vy nghe thái hậu nói, nước mắt ràn rụa nhưng nghĩ đến tương lai vẫn mở rộng trước mặt Nhĩ Khang, nên quỳ xuống nói:

- Anh Nhĩ Khang, hãy chấp nhận đi, đừng nghĩ đến chuyện giữa em và anh nữa, xin vĩnh biệt!

Nhĩ Khang có vẻ tức giận quay qua nhìn Tử Vy nói:

- Vĩnh biệt cái gì? Anh và em như chim liền cánh, như cây liền cành, đừng bao giờ nói đến tiếng vĩnh biệt.

Rồi quay sang nhìn thẳng vua Càn Long khang nói:

- Bẩm hoàng thượng, Tử Vy đối với hoàng thượng thì có rất nhiều thứ quan trọng, chẳng hạn như thân thế, huyết thống ngày sinh... còn đối với thần, thì tất cả những thứ đó lại chẳng có ý nghĩa gì cả. Ðiều thần quan trọng nhất là tình cảm con người, dù Tử Vy có là cát cát hay không? Có huyết thống hoàng tộc không? Thì chuyện đó cũng chẳng có gì hệ trọng. Tại sao lại quan trọng quá điều gì đó? Nhĩ Khang yêu Tử Vy chỉ vì cô ấy là Tử Vy thôi, không cần biết chuyện khác. Cô ấy là con một anh lính quèn, con một tay bụi đời, một kẻ cướp hay một đứa ăn xin cũng được! Cô ấy vẫn là Tử Vy những tác động bên ngoài đó chẳng là gì với con cả. Tình yêu bất diệt vì tình yêu không thay đổi, tình yêu cũng không thể cân đong đo đếm. Nếu đem chuyện phú quý vinh hoa ra mà đánh giá tình yêu của Nhĩ Khang này thì thật sự sai lầm, là quá xem thường Nhĩ Khang!

Lời của Nhĩ Khang làm mọi người bàng hoàng trong khi Tử Vy xúc động chảy nước mắt, còn Yến Tử thì vỗ tay.

- Hay, hay lắm! Anh Nhĩ Khang! Anh là anh hùng, là người vĩ đại nhất trên đời, tôi phải vỗ tay khen ngợi. Có được chết cùng anh, tôi rất vinh hạnh, tôi không thấy sự chết đáng sợ nữa!

Vua Càn Long ngồi yên, Tịnh Nhi, Lệnh phi rơm rớm nước mắt, hoàng hậu và Dung ma ma bất ngờ, không biết bọn trẻ có điên không lại không sợ chết!

o O o

Lúc trở về ngục cũ.

Vừa vào đến phòng giam, Kim Tỏa đã ôm chầm lấy Tử Vy, vừa khóc vừa bất bình nói:

- Thật tôi không ngờ tiểu thơ ạ! Nhưng xin tiểu thơ cũng đừng có buồn, đừng tin lời của ông chú bà thím. Biết đâu họ đã được mua chuộc, con người quả vô tình vì đồng tiền họ dám nói bừa khi không nhớ gì cả. Ngày sinh thật của tiểu thơ thật ra chỉ có bà là biết rõ thôi, mà bà đã nói thì phải đúng, bọn họ làm sao biết được, nhớ được?

Tử Vy đã bình thản lại nói:

- Thôi Kim Tỏa! Ðừng bất bình giùm ta nữa, có bất bình thì chuyện cũng xảy ra rồi. Trong cái nỗi đau này ta lại tìm thấy hạnh phúc, và hạnh phúc đó khiến ta bất cần tất cả. Bây giờ ta chẳng quan tâm đến chuyện ta đã sinh ra ngày nào, con của ai. Hoàng a ma có nhận ta là con hay không cũng được, sự xuất hiện của ông chú bà thím kia là cái rủi nhưng là cái hay, nhờ đó mà ta mới đánh giá được tình yêu của Nhĩ Khang dành cho ta. Giờ ta rất hạnh phúc, đã có được một tri âm tri kỷ thì dù có chết cũng không tiếc nữa.

Yến Tử vẫn còn xúc động vì những lời của Nhĩ Khang, nên lắc lấy vai Tử Vy nói:

- Tử Vy này, phòng giam của Nhĩ Khang chắc không xa chúng ta bao nhiêu đâu.

- Ðúng, nhà lao nội cung này không lớn, có lẽ phòng giam nữ ở đầu này còn phòng giam nam ở đầu kia thôi!

Tử Vy nói, Kim Tỏa lại thắc mắc.

- Nhưng chị hỏi vậy để làm gì? Vẫn còn một khoảng cách lớn đâu nói chuyện với nhau được đâu?

Yến Tử không chịu ngồi yên nói:

- Hiện giờ bên phòng nam, anh Vĩnh Kỳ đã thoát ra ngoài chỉ còn lại một mình Nhĩ Khang, chắc là anh ấy buồn lắm. Ðể tôi nói thử xem anh ta nghe không?

Nói rồi Yến Tử đưa hai tay lên miệng làm loa hướng về phía phòng giam nam lên tiếng:

- Anh Nhĩ Khang! Anh Nhĩ Khang! Anh có nghe tôi gọi không? Nếu có hãy gõ tay vào cửa sắt cho biết!

Lập tức bên kia đầu dãy có tiếng gõ leng keng lên cửa, Yến Tử hứng khởi.

- Ðấy, đấy anh ấy đã nghe được rồi đó.

Thế là Yến Tử hét tiếp:

- Anh Nhĩ Khang! Anh là người bạn vĩnh viễn của bọn này, Tử Vy nói yêu anh mãi mãi. Chúng tôi đều hãnh diện vì anh! Anh là một anh hùng, một đại hiệp! Ðể tôi bảo Tử Vy nói nhỏ anh nghe, gắng mà lắng nghe nhé!

Tử Vy nghe vậy cười.

- Có chuyện gì đâu mà nói? Mà nói anh ấy cũng không nghe đâu, đâu có lớn tiếng bằng chị?

Yến Tử nói:

- Khi yêu người ta chỉ nói thầm, đối tượng ở xa vẫn nghe được mà, em làm thử xem

Tử Vy không tin, nhưng cũng cố làm thử, thế là tập trung tư tưởng lại, lẩm bẩm điều gì đó trong miệng không rõ.

Yến Tử lại làm loa nói lớn:

- Anh Nhĩ Khang! Tử Vy nó nói rồi đấy! Anh có nghe được không?

Có tiếng Nhĩ Khang từ xa vọng lại:

- Nghe được rồi, đấy là câu “sông có cạn, núi có mòn tình ta vẫn luôn bền vững”.

Tử Vy cảm động ôm chầm lấy Kim Tỏa.

- Vậy là anh ấy đã nghe được điều ta muốn nói.

o O o

Trong lúc đó vua Càn Long lòng lại rối như tơ, bao nhiêu ý tưởng xung đột giằng co lấy ông. Ông chưa biết phải quyết định thế nào thì bọn thị vệ mà ông bảo đi tìm Hương phi, bẩm báo là không tìm thấy.

- Cái gì? Tại sao không tìm thấy? Các người chia ra nhiều đạo quân như vậy mà vẫn không tìm được một manh mối gì ư?

Mấy vị đại thần được phái đi tìm nghe vua quát sợ, biện minh.

- Bẩm hoàng thượng vì cái chuyện đó... nó khó như là đi mò kim dưới đáy biển, nên chẳng thấy manh mối đâu.

- Vả lại hoàng thượng có lệnh là trong lúc đi tìm nương nương không được kinh động bá tánh, nên sự việc càng khó khăn. Muốn xét hỏi người đi đường lại chẳng dám nói nguyên nhân, nên chẳng giải thích được.

- Hay là thế này vậy, hoàng thượng hãy cho phép vẽ ảnh chân dung của nương nương ra, như vậy chuyện tìm kiếm sẽ dễ dàng hơn.

Vua Càn Long trừng mắt vỗ bàn:

- Chuyện trong cung bị mất một nương nương, điều đó có tốt lành gì đâu mà phô diễn ra ngoài? Trẫm đã mấy lần dặn dò, bảo là chỉ được âm thầm điều tra không được làm rùm beng mà các ngươi nghe cũng không hiểu à? Thế mà còn bày chuyện vẽ chân dung ra treo bên ngoài. Ta nói cho các ngươi biết miệng ai chẳng giữ kín, tiết lộ chuyện cơ mật trong cung đình là sẽ bị trẫm nghiêm trị đấy.

Ðám quần thần nghe nói, tái mặt báo:

- Bọn thần chỉ đi dò là âm thầm thôi, chẳng hề xét hỏi rùm beng ạ.

Vua Càn Long nóng như lửa, suy nghĩ một chút nói:

- Bọn ngươi cứ nói thật đi, xác xuất thấy là bao nhiêu? Nhắm có thể tìm được không nào? Đừng có ấp úng gì cả.

Bác Hằng bước tới thưa:

- Khải bẩm hoàng thượng, chuyện này thật vô cùng khó khăn. Đất nước chúng ta rộng lớn thế này, núi rộng, sông dài, đường xá lại phức tạp, đường bộ, đường sông, đường núi chằng chịt, nếu rải hết người đi tìm chẳng biết bao nhiêu người mới đủ. Chỉ sợ bỏ công bỏ sức ra tìm rồi kết quả cũng chẳng đến đâu. Còn nếu sử dụng binh sĩ đi tìm thì e rằng sự xuất hiện rầm rộ của quan binh, bí mật sẽ không bảo tồn được, nhân tình lại phức tạp. Chỉ cần lộ một tí ra là họ sẽ truyền khẩu thêm thắc thêm rối, sự việc sẽ khó lường. Vì vậy xin hoàng thượng hãy minh thị quyết định xem phải làm thế nào đây?

Vua Càn Long suy nghĩ thấy đúng là có khó khăn nói:

- Thôi được rồi, Bác Hằng hãy hạ lệnh ngưng tìm đi!

- Vâng!

Sau đó vua Càn Long chính thức tuyên bố:

- “Hương phi nương nương chẳng may bệnh mất, truyền người đến báo tin cho A Lý Hòa Trác hay, sau đó sẽ xây một tòa mộ lớn cho Hương phi, hết. Các ngươi lui đi!

Tuy là đã tuyên bố như vậy, nhưng tình cảm của vua vẫn hụt hẫng. Nó như rơi tận đáy sâu nỗi buồn mênh mang, hết nghĩ này lại nghĩ đến việc khác. Vua càng nghĩ càng thấy thất vọng nhất là việc khi nghĩ đến Tử Vy và Yến Tử, những con người mà ông đã hết lòng yêu quý, che chở, tin yêu. Vậy mà... bỗng chốc lại biến thành kẻ đối lập, chuyện như thứ trò cười, tất cả những gì họ làm khiến ông dở khóc dở cười, không biết phải phản ứng ra sao nữa. Ông bước tới bên cửa sổ, đấm mạnh lên song cửa nói:

- Ta thật không ngờ, một người uy trấn bốn phương có thể hô phong hoán vũ, vậy mà lại chịu thất bại dưới tay bọn nhãi con. Những đứa mà ta đã từng tin tưởng tin yêu! Nó làm ta vô cùng thất vọng, vô cùng uất hận!

o O o

Sự việc rồi cũng kết thúc, hôm ấy Tử Vy, Yến Tử, Nhĩ Khang, Kim Tỏa. Bốn người được đưa vào điện phụ của Càn Long cung.

Trước mặt quần thần, thái hậu hoàng hậu và những người thân tính khác, bản án được tuyên đọc.

”Tử Vy, Yến Tử mạo nhận cát cát trà trộn vào cung làm nhiều điều dối trá, tội trạng không thể tha thứ được.”

”Nhĩ Khang, Kim Tỏa là tòng phạm, tội không kém quan trọng.”

Nên nay tuyên bố.

”Yến Tử, và Tử Vy tử hình giờ ngọ ngày mai sẽ lên đoạn đầu đài nơi công cộng, để răn đe.”

”Còn Kim Tỏa là a đầu, làm theo lệnh chủ nên không bị ghép tội chết, nhưng vẫn là đứa tòng phạm nên kết án lưu đày sang Mông Cổ làm việc khổ sai.”

”Nhĩ Khang nguyên là ngự tiền thị vệ, mà lại giúp kẻ xấu làm chuyện sai trái, nên nay tước bỏ hết chức vụ, nhốt vào đại lao, hình phạt là mười lăm năm tù.”

Bản án vừa tuyên bố xong, một không khí im lặng bao trùm, mọi người trừ thái hậu, hoàng hậu, Dung ma ma đều sững sờ.

Ông Phước Luân bước tới quỳ xuống tâu.

- Xin hoàng thượng khai ân, thần không dám xin xỏ gì cho Nhĩ Khang, nhưng còn hai cô cát cát. Sống trong cung đã hơn năm trời, đã mang đến cho hoàng thượng biết bao niềm vui, Tử Vy trong lần cải trang tuần du đã vì bệ hạ mà suýt chết, giờ dù có phạm lỗi tày trời, nhưng xin hãy xem xét mà miễn tội chết cho.

Các vị đại thần thấy vậy cũng quỳ xuống.

- Xin hoàng thượng khai ân, xin hoàng thượng khai ân!

Lệnh phi bước ra.

- Bẩm hoàng thượng, chuyện Tử Vy giả mạo cát cát còn phải xem xét lại, không thể chỉ vì những lời khai của ba lão bá tánh mà kết tội ngay được, biết đâu có uẩn khúc bên trong? Bây giờ hoàng thượng còn giận ra lệnh chém ngay, e là khi bình tâm trở lại, hối lại không kịp. Hoàng thượng, xin người hãy thu hồi hoặc bản lệnh, tốt nhất hãy chờ thêm vài hôm rồi hãy tuyên án cũng chưa muộn mà?

Nói xong lệnh phi quỳ xuống, các cung tần khác cũng quỳ theo.

- Chúng tôi xin tha mạng cho nhị vị cát cát, xin hoàng thượng khai ân.

Vua Càn Long thấy mọi người đồng tâm như một, lòng hơi xao xuyết, nhưng chưa kịp nói gì thì Yến Tử đã đứng dậy, nói lớn với vua, chẳng chút nể vì.

- Muốn cắt đầu thì cứ cắt, chẳng sợ đâu, ngu sao thèm mạo nhận cát cát, làm cát cát có sung sướng gì? Chỉ có ông mới thích làm cha tôi, bây giờ bọn tôi đã thức tỉnh rồi, không phải là vua đã nhìn lầm con cái mà phải nói là tôi và Tử Vy đã nhìn lầm cha thì có!

Lời của Yến Tử làm vua Càn Long giật mình, nhưng ông cố kềm xuống, quay qua Tử Vy hỏi:

- Những điều Yến Tử nói, ta đã nghe thấy thế còn ngươi, ngươi có điều gì cần nói không?

Tử Vy nhìn vua Càn Long thẳng thắn nói:

- Tôi chỉ lấy làm tiếc cho mẹ tôi đã nhìn lầm người khi ông đã phủ nhận nhân cách cao quý của mẹ tôi thì tôi đã xác định được là... ông chẳng xứng với mẹ tôi chút nào cả.

Vua Càn Long giận dữ vỗ bàn.

- Láo thật!

Rồi ông đứng dậy nói:

- Vậy là việc tuyên án đã xong, y đó mà thi hành, còn ai muốn xin tội cho bọn chúng thì cũng chém luôn thể!

Nhĩ Khang đứng lên nói:

- Bẩm hoàng thượng, xin hãy cho tôi cùng chết với Tử Vy ạ!

Kim Tỏa cũng nói:

- Cả tôi nữa, tôi không muốn bị đày đi Mông Cổ tôi cũng muốn được chặt đầu!

Vua Càn Long như không nghe thấy bỏ đi vào trong, thái hậu và hoàng hậu thì bình thản. Còn mọi người thì đều yên lặng tuy bất phục nhưng chẳng ai dám lên tiếng cả.
alt
(Cao H) Không Xuống Được Giường
Ngôn tình Sắc, Sủng
Tán Tỉnh Chàng Cảnh Sát Hình Sự
Sắc, Sủng, Nữ Cường
Âm Mưu Từ Lâu
Ngôn tình Sắc, Sủng
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc