1/ Thổi bùng ngọn lửa khích lệ làm nước sôi bình thường bốc thành hơi tràn ngập khát vọng.
2/ Đưa bạn tới sự dốt nát thông minh và dạy bạn cách biến những trái chanh cuộc đời thành ly nước chanh.
3/ Học cách biến trở ngại thành những nấc thang đi tới một đời sống phong phú hơn.
4/ Nhận dạng rõ những nấc thang bạn có thể lưu giữ.
CHƯƠNG 22: TỪ TẦM THƯỜNG ĐẾN KHÁC THƯỜNG KHẨU “CÂN BẰNG”
Miền Viễn Tây ngày xưa gọi “súng lục” là khẩu “cân bằng” vì nó giúp một gã bé con đốn ngã một anh chàng cao lớn dễ như chơi. Thế giới hôm nay không còn xài “súng lục” làm khẩu cân bằng nữa mà xài thứ khác, đó là “khát vọng“. KHÁT VỌNG LÀ VỊ THUỐC BIẾN NƯỚC NÓNG BÌNH THƯỜNG BỐC THÀNH HƠI THÀNH CÔNG NGOẠN MỤC.
Nó là vị thuốc giúp một người khả năng trung bình có thể ăn đứt những người tài giỏi hơn mình. Khát vọng là thứ “phụ trội” tạo nên những khác biệt nho nhỏ nguồn gốc của những khác biệt lớn lao trên đời.
Khát vọng chỉ là phần “phụ trội“. Nó là góc chăn thừa để bạn đắp cho ấm. Nó chỉ là thứ “phụ trội' nhưng không có nó, nước sôi chẳng thể bốc hơi nổi. Nước sôi 100OC chỉ đủ nóng để bạn cạo râu hay pha cà phê, nhưng “phụ trội” thêm 10 nữa thôi, nó sẽ bốc thành hơi tạo thành lực đẩy đầu máy xe lửa đi khắp nước hay đẩy tàu thủy đi vòng quanh thế giới. Chính phần “phụ trội” nhỏ bé ấy sẽ đưa bạn lên tới đỉnh thành công như bao nhiêu người khác đã làm.
Theo lời Grantland Rice thì Ty Cobb có muôn vàn khát vọng, ông kể:
“Tôi nhớ mãi ngày Ty Cobb thi đấu với cơn sốt 39OC. Bác sĩ đã bắt anh phải nghỉ nhiều ngày, nhưng hôm đó, đội anh phải ra sân. Ty Cobb đã có mặt và đã làm bàn ba trái đem lại chiến thắng vẻ vang cho đội nhà. Nhưng ngay sau đó, anh đã té xỉu trên ghế“.
Mỗi lần nghĩ đến khát vọng là tôi lại nhớ ngay đến một cầu thủ dã cầu khác. Theo tôi, Peter Gray là một cầu thủ bất tử của đội dã cầu Hall of Fame ở Cooperstown, New York. Thời trẻ, anh chỉ nuôi một khát vọng là được chơi ở hàng tiền đạo. Anh lập đi lập lại hoài: “Tôi sẽ làm mọi sự để đạt tới đỉnh thành công“. Tham vọng lớn lao của anh là được thi đấu trên sân vận động Yankee. Năm 1945, anh trở thành trung phong của đội St Louis Browns. Anh chơi ở vị trí này một năm và điều lạ lùng là không ghi được một bàn nào cả. Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại là Peter Gray là người bất tử của đội Hall of Fame. Sở dĩ thế, vì anh đã đạt tới đỉnh thành công dù đã cụt mất tay phải. Anh không nhìn vào sở đoản mà nhìn vào sở trường của mình.
Thành công ở đời không hệ tại việc có được bàn tay lành lặn. THÀNH CÔNG HỆ TẠI VIỆC BẠN SỬ DỤNG BÀN TAY MÌNH CÁCH TỐT NHẤT. Như Ty Boyd, một xướng ngôn viên lỗi lạc nói: “Hãy sử dụng bàn tay bạn và hãy sử dụng hết công suất“.
Khát vọng có thể khiến một người sử dụng bất cứ khả năng nào của mình, trong bất cứ công việc nào và sử dụng một cách tối đa. Khát vọng giúp ta loại trừ được mọi cản trở và cho đi hết mọi thứ mình có. Nó sẽ giúp bạn tiến mau về phía trước mà không gì cản trở nổi. Theo tôi, đã làm việc gì, thì ta cũng nên làm hết sức, dù là thi cử, báo cáo công tác hay thi đấu thể thao cũng vậy. Chúng ta cứ làm hết sức trước đã, vì SỨC MẠNH CỦA KHÁT VỌNG QUAN TRỌNG HƠN SỨC MẠNH CỦA SỞ ĐẮC.
Một khi đã làm hết sức mình rồi, bạn có quyền an tâm, bất chấp thành, bại. Chỉ khi ta không chịu cố gắng hết sức, rồi phải than thở “Giá mà” mới đáng buồn thôi.
TẬN DỤNG NĂNG LỰC DỰ TRỮ
Khát vọng chiến thắng đã giúp nhiều người chiến thắng dù ít ra xét theo lý thuyết, họ không thể chiến thắng được. Billy Miske đã là một võ sĩ nổi tiếng. Anh từng đấu với Tommy Gibbons, Harry Greb và Battling Levinsky. Anh cũng so găng với Jack Dempsey trong trận tranh chức vô địch thế giới hạng nặng.
Năm hai mươi lăm tuổi, đáng lẽ phải là lúc ở phong độ cao nhất, nhắm tới những vị trí cao hơn nữa, thì Billy Miske lại phải nằm nhà thương vì đau nặng. Các bác sĩ khuyên anh từ giã võ đài nhưng khổ nỗi, ngoài nghề võ sĩ ra, anh không còn nghề nào khác cả. Năm hai mươi chín tuổi, anh bị đau thận và biết chắc mình sẽ chết, vì bệnh hoạn. Năm đó, anh lại chỉ có một trận đấu nên phải nằm nhà nhìn cảnh gia đình khánh kiệt. Anh không thể đến phòng tập vì quá yếu, cũng không thể kiếm được việc làm nào khác vì quá đau.
Gần đến lễ Giáng Sinh, tình yêu thúc đẩy anh tìm mọi cách cho gia đình được hưởng một “Lễ giáng sinh vui tươi” nên tháng 11 năm đó, Miske đến Minneapolis thăm bạn là quản đốc Jack Reddy để thuyết phục ông sắp sếp cho mình một trận đấu. Thoạt tiên, Reddy nhất quyết từ chối. Ông biết rõ tình trạng của Miske và thấy mình chẳng được lợi gì trong trận đấu đó. Miske bèn kể rõ cho ông hoàn cảnh của mình. Anh giải thích rằng mình đang khánh tận và chẳng còn sống được mấy lúc. Bất cứ giá nào anh cũng phải đấu một trận để có tiền cho gia đình mừng lễ sắp tới. Cuối cùng Reddy cũng chấp nhận với điều kiện Miske phải tập luyện và lấy lại được phong độ. Biết mình quá yếu, khó mà làm nổi, nhưng Miske cũng hứa sẽ thi đấu một trận ngoạn mục.
Dù không được hài lòng lắm, Reddy cũng đành chịu và thu xếp cho bạn mình đấu với Bill Brenman. Trận đấu sẽ diễn ra tại Omaha, tiểu bang Nebraska. Brenman là một võ sĩ dẻo dai và cứng cỏi đã từng thi đấu với Dempsey tới 12 hiệp. Mặc dù đã xuống dốc, nhưng anh vẫn còn là một đối thủ đáng gờm cho bất cứ võ sĩ nào.
Miske nằm nhà dưỡng sức vì không đủ lực tập dượt. Anh chỉ đến Omaha đúng lúc trận đấu bắt đầu. Thời đó, các hiệp hội quyền anh dễ dãi hơn bây giờ nhiều nên họ cho phép Miske lên đài. Trận đấu diễn ra tốt đẹp và khi kết thúc. Billy Miske đã kiếm được 2.400 đô la cho gia đình mừng lễ. Anh dùng hết số tiền đó để mua sắm những vật dụng cần thiết cho gia đình chứ không xài riêng đồng nào. Đây chính là lễ giáng sinh lớn nhất và hạnh phúc nhất của gia đình Miske. Ngày 26/12, Miske gọi Jacky Reddy nhờ đưa mình tới nhà thương St. Paul và đã chết tại đó vào ngày đầu năm. Trận đấu cuối cùng mới diễn ra 6 tuần trước nên bạn bè không ai tin anh chết sớm như vậy cả. Billy đã chết vì đau yếu! Tuy nhiên chính niềm tự hào với khát vọng làm một điều tốt đẹp cho gia đình yêu dấu đã giúp anh có được sức mạnh phi thường. Bill Brenman bị anh hạ đo ván trong 4 hiệp. Miske đã dốc hết sức lực còn lại cho khát vọng chiến thắng.
Những năng lực dự trữ của bạn cũng sẽ hữu ích như vậy khi bạn mong muốn sử dụng chúng. Khi làm việc hết sức thì ta đã thắng trận bất chấp kết quả thành bại, vì nguyên sự mãn nguyện vì đã cố gắng tận lực đã biến ta thành người chiến thắng rồi. Randy Martin, mà tôi đã có lần đề cập, tham dự cuộc đua Marathon lần đầu tiên vào năm 1972. Đây là cuộc đua tốn sức ghê gớm vì đường dài tới 41 km, lại đầy gian khổ, phải lên dốc, xuống đồi... Bác sĩ Martin cho biết là bất cứ ai chạy đến đích cũng đều được phần thưởng cả. Phần lớn những người chạy thi, khi bước vào cuộc đua, không tin là mình về đến đích đều là người thắng giải vì phần thưởng đích thực của một công việc hoàn thành tốt đẹp chính là ở chỗ đã hoàn thành nó. Đây là điều quan trọng nhất vì trong thực tế, bạn đang tranh đấu với chính mình. Chẳng có gì mãn nguyện bằng khi biết đã gắng sức và tận dụng hết mọi khả năng. Đối với bạn, nỗ lực hết sức đã là một chiến công vì bạn đã chiến thắng chính mình. Một nhà vô địch thể thao đã nói: “Làm hết sức quan trọng hơn là người tốt nhất“.
THẮNG TRẬN - VÀ CÒN VÔ ĐỊCH
Khi nghĩ đến khát vọng tôi tin Ben Hogan sẽ là một trong những người đầu bảng. Xét cho kĩ thì có lẽ Hogan là cầu thủ đánh gôn vĩ đại nhất từ trước đến nay. Anh không được khéo léo như phần đông các tay gôn khác nhưng bù lại, anh hơn bẳn họ về lòng kiên trì, cương quyết và khát vọng. Thực ra thì Hogan đã lập được hai kỳ tích. Khi đã lên tới tột đỉnh của môn thể thao này thì anh bị một tai nạn khủng khiếp. Một buổi sáng mù sương anh đang cùng vợ lái xe trên xa lộ, quẹo qua một khúc quanh thì hai ngọn đèn pha xe buýt đã lù lù ngay trước mặt. Ben chỉ còn đủ thì giờ xoay người, ôm choàng sang bên cạnh che chở cho người vợ. May thay, chính động tác kịp thời này đã cứu sống anh. Vì sau đó, vô - lăng đã cắm ngập vào lưng ghế. Đưa vào bệnh viện, anh chỉ còn thoi thóp thở và nhiều ngày sau mới thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ đều nhất trí là may lắm thì anh cũng chỉ đi lại được thôi, còn chuyện chơi gôn thì xin đừng bao giờ nghĩ tới nữa.
Tuy nhiên, các bác sĩ đã quên mất một điều là ý chí và khát vọng của Ben. Thật vậy, ngay khi bước được những bước đầu tiên, thì mơ ước trở thành một tay gôn vĩ đại đã phục hồi trong anh. Anh thường xuyên luyện đôi tay cho thật mạnh, đi đâu anh cũng kè kè cây gậy đánh gôn bên mình và đôi chân còn run lẩy bẩy, lúc nào cũng như muốn té quỵ, anh cũng đã tập quật banh rồi.
Khi bắt đầu đi lại được một chút. Anh đã tập bước quanh sân gôn bằng những bước chân xiêu vẹo và khi đôi chân vững vàng rồi là anh tập đánh gôn ngay. Thoạt tiên, anh chỉ đánh trúng được vài trái, nhưng càng tập, càng nhuần nhuyễn thêm lên. Cuối cùng cũng đến ngày anh trở lại sân gôn và chiếm lĩnh lại được những vị trí cao nhất trong các cuộc thi đấu. Được thế, bởi vì anh đã “Thấy mình chiến thắng“. Anh khát vọng chiến thắng và biết mình sẽ đạt được khát vọng ấy. Thực vậy, KHÁT VỌNG CHÍNH LÀ YẾU TỐ LÀM NÊN KHÁC BIỆT GIỮA MỘT CẦU THỦ TRUNG BÌNH VỚI MỘT NHÀ VÔ ĐỊCH.