Ngày rằm tháng bảy ở Trung Quốc còn có nghĩa là ngày Quỷ môn quan mở cửa. Tương truyền, một vài người đã chết sẽ thông qua Quỷ môn quan để tới thế giới của người đang sống thăm bạn bè, người thân và các con cháu đời sau của mình. Lúc này những người còn sống sẽ thắp hương cúng bái, chuẩn bị rất nhiều hương đăng hoa quả để tổ tiên của họ mang về âm giới.
Tổ tiên của nhà họ Hoắc tới từ phía Nam Trung Quốc. Cho dù đã xa quê nhiều năm nhưng họ vẫn luôn duy trì truyền thống của quê hương. Để phát huy truyền thống rạng rỡ, tổ tiên nhà họ Hoắc còn được lập tổ miếu ở Brunei. Họ mang bài vị của tổ tiên từ quê cũ tới tổ miếu. Cứ đến những ngày lễ trọng đại là sẽ mời pháp sư đến và cúng bái tổ miếu.
Từ khi tổ miếu được lập nên, việc làm ăn của nhà họ Hoắc cũng ngày càng thịnh vượng. Nhà họ Hoắc luôn coi đây là công lao của tổ tiên. Trong số những ngày lễ lớn thì rằm tháng bảy được coi là long trọng nhất.
Rằm tháng bảy năm nay, nhà họ Hoắc mời một pháp sư có tiếng từ Đài Loan tới. Từ ba ngày trước, cụ Hoắc đã gọi điện từ Singapore tới dặn dò Hoắc Chính Khải mấy ngày này không được gần nữ sắc, phải cai thuốc, cai rượu.
Không biết vì sợ cụ Hoắc hay vì Hoắc Chính Khải đã thật sự áy náy, ba ngày trước, Nghê Hải Đường nhận được thông báo của quản gia Diêu, lần này bà sẽ cùng Hoắc Chính Khải tới tổ miếu cúng bái.
Ngày 13 tháng 8, thứ Sáu, Khang Kiều thề rằng nó chẳng khác gì mọi ngày.
Mọi việc đều diễn ra tuần tự. Cô ngủ dậy, ăn sáng, ngồi bên cạnh Nghê Hải Đường và Hoắc Tiểu Phàn, thậm chí là cả suất quà sáng, tất cả như một bản nhạc không lời đơn điệu luôn được bật đi bật lại bên người.
Cũng phải tới khi Nghê Hải Đường không còn nữa, Khang Kiều mới bàng hoàng nhận ra, thì ra mỗi cuộc chia ly đều có những bản nhạc dạo của riêng nó.
Ví dụ như, sáng hôm ấy khi đi chạy bộ về, cô nhìn thấy một con chim bình thường mà cô không gọi được tên rơi dưới đất. Nó đã chết.
Bên cạnh nó là tổ chim bị gặm cắn tan nát. Rõ ràng là đêm qua, cú mèo đã tấn công ổ của nó, con chim kia đã dốc sức phản kháng.
Con chim đã chết chỉ nhỏ bằng một phần ba con cú mèo. Khang Kiều nghĩ thầm sao nó lại ngốc thế, có thể bay đi mà. Khi Khang Kiều vứt xác nó vào trong thùng rác, cô mới hiểu ra tất cả, hiểu vì sao nó không bỏ chạy.
Một chú chim non còn chưa mọc đủ lông được mẹ nó bảo vệ dưới đôi cánh của mình, đang ngủ rất ngon.
Khang Kiều gọi điện thoại cho Hội bảo vệ động vật. Người ta mang chú chim ấy về. Lúc ăn sáng, Khang Kiều kể lại chuyện này cho Nghê Hải Đường.
Nghê Hải Đường nhìn cô, rồi ánh mắt ấy hướng về phía Hoắc Tiểu Phàn, bà không nói gì.
Men theo ký ức, nhớ lại giây phút này, cuối cùng Khang Kiều cũng hiểu được ánh mắt mẹ nhìn họ, nó muốn nói: Nếu là mẹ, mẹ cũng lựa chọn cách ấy.
Có một vài ngày, từ khi sinh ra đã chẳng dễ nói những lời yêu thương hay tình cảm.
Đoạn dạo đầu của màn ly biệt còn liên quan đến sợi tóc bạc bên tóc mai của Nghê Hải Đường.
“Khang Kiều.” Nghê Hải Đường ngồi trước bàn trang điểm gọi Khang Kiều đang kiểm tra túi xách cho bà.
Brunei đã liên tục mấy ngày không mưa rồi, điều này cũng khiến cho thời tiết mấy hôm nay tăng cao. Hôm nay nhiệt độ tại Brunei lại một lần nữa phá kỷ lục.
Khang Kiều đi tới bên cạnh bà.
Nghê Hải Đường hôm qua hơi say nắng, sắc mặt không tốt lắm. Bà đưa chiếc khuyên tai trong tay cho Khang Kiều: “Đeo giúp mẹ đi”.
Khang Kiều đón lấy. Đó là đôi khuyên tai màu xanh phỉ thúy được thiết kế giống như cúc áo. Trong lúc thao tác, Khang Kiều nghe thấy bà lẩm bẩm: “Kỳ lạ thật, chẳng hiểu sao đeo mãi không đeo được đôi khuyên tai này”.
“Hôm qua mẹ say nắng, người mệt mỏi là chuyện rất bình thường.” Vừa nhắc nhở, Khang Kiều vừa cầm một chiếc khác lên. Nghê Hải Đường không nói thêm gì nữa.
Chiếc còn lại cũng đã đeo xong. Giờ đang là giữa trưa, ánh nắng cực kỳ gay gắt, tới mức Khang Kiều muốn tảng lờ sợi tóc bạc trên tóc mai của Nghê Hải Đường cũng không được.
Trong lòng cô, bà luôn xinh đẹp, không những đẹp mà thần thái còn tao nhã. Chỉ cần bà im lặng ngồi xuống một nơi nào đó, nhất định sẽ không ai nghĩ bà là loại phụ nữ thích ăn chơi, nói chi tới chuyện bà từng là hoa khôi của thôn. Có lúc bà còn ra dáng hơn một vài tiểu thư danh giá.
Thế nên, Khang Kiều chưa bao giờ liên hệ Nghê Hải Đường với những sợi tóc bạc.
“Sao vậy?” Bà hỏi.
Nghê Hải Đường thích chưng diện cỡ nào Khang Kiều biết, nếu để bà biết tóc mình đã sợi bạc, bà nhất định sẽ buồn muốn chết.
Cô phải âm thầm giật sợi tóc ngứa mắt ấy đi. Cô lẳng lặng đặt tay lên thái dương của bà, đang định dùng sức thì bà lạnh lùng nói một câu: “Đừng động vào nó”, khiến Khang Kiều khựng lại.
Cô buông tay, gọi mẹ một tiếng.
“Ừm.” Nghê Hải Đường đáp, cười khẽ: “Sợi tóc bạc ấy khiến con gai mắt, khó chịu lắm phải không?”.
Khang Kiều gật đầu.
Nghê Hải Đường quay mặt sang, nhìn cô.
“Tuyệt đại đa số phụ nữ trên đời này đều sẽ làm mẹ, mà người mẹ nào rồi cũng già đi.”
Nghê Hải Đường lúc đó trong lòng Khang Kiều rất giống bà ngoại.
“Bà ngoại con nói với mẹ như vậy đấy.”
Chẳng trách. Khang Kiều lại gọi tiếng mẹ. Lần này, nó tự nhiên như hơi thở, thân thiết, gần gũi.
“Mấy hôm trước mẹ đã nhìn thấy nó rồi. Nói thật lúc đó mẹ rất buồn. Mẹ nghĩ, sợi tóc ấy nhất định là do con và Tiểu Phàn để mẹ phải lo lắng quá nhiều mà thành.”
Khang Kiều vô thức ngụy biện: “Con và Tiểu Phàn chưa bao giờ gây chuyện”.
“Là lo có một ngày nào đó hai đứa lại gây ra một đống rắc rối ấy. Gây chuyện còn giải quyết được, lỡ như bị thiệt thòi thì phải làm sao? Khang Kiều, con quá ngốc, mẹ luôn cảm thấy con đi đường lúc nào cũng có thể rơi xuống cái bẫy của người khác, giống như lần Hoắc Liên Ngao…”
Nghe tới đây, Khang Kiều vô thức xoa mặt.
“Còn cả Tiểu Phàn nữa, mẹ luôn cảm thấy Tiểu Phàn nhà chúng ta mắc cái bệnh gì đó, trí tuệ nó…”
Khang Kiều nhíu mày, gọi một tiếng mẹ có vẻ không vui.
Lúc ấy Nghê Hải Đường mới ậm ừ: “Thật ra mẹ không có ý đó, cũng không nghĩ về hướng ấy. Con cũng biết ở trước mặt hai đứa mẹ lười động não, nghĩ gì nói nấy, đừng để bụng. Thật ra mẹ hy vọng Tiểu Phàn mau lớn. Thằng bé ấy cứ ai hòa nhã với nó là nó tưởng người ta tốt. Trên đời lắm kẻ miệng nam mô bụng một bồ dao găm lắm. Mẹ hy vọng nó mau lớn, hiểu được nụ cười của ai giấu dao, nụ cười của ai là mật ngọt”.
Những chuyện đó Khang Kiều hiểu, cô cũng mong vậy.
Nghê Hải Đường dường như còn muốn nói điều gì, Khang Kiều nhắc nhở bà cũng sắp đến giờ rồi, chỉ còn mười lăm phút nữa là tài xế có mặt. Bà liếc nhìn đồng hồ rồi lẩm bẩm, nói chẳng hiểu sao hôm nay mình muốn nói nhiều thế.
Đó chính là khúc dạo đầu của ly biệt.
Khúc dạo đầu còn liên quan tới những bứt rứt tận sâu đáy lòng một người làm mẹ: Tiểu Phàn phải nhanh khôn lớn, Khang Kiều có thể thông minh hơn một chút.
Nghê Hải Đường đứng dậy, đi về phía tấm gương hình bầu dục. Trước gương đặt đôi giày Khang Kiều chuẩn bị cho bà, màu xanh đậm, gần bốn phân.
Đi giày vào, bà hỏi: “Khang Kiều, mẹ có đẹp không?”.
Nghê Hải Đường luôn coi sắc đẹp của mình là vũ khí. Bà luôn sợ có một ngày vũ khí ấy không dùng được nữa. Bà luôn hỏi Khang Kiều không biết mệt rằng mẹ có đẹp không để giành được sự tự tin.
Đưa chiếc túi có tua rua cho Nghê Hải Đường, cô nhìn về phía gương. Nghê Hải Đường với bộ xường xám màu trắng sữa không tay, thuê những hoa văn tinh xảo như một giai nhân dân quốc, ánh mắt đong đưa.
Cô gật đầu, lẩm bẩm nói đẹp.
Thật sự rất đẹp, Khang Kiều bình thường đều trả lời rất qua loa những câu hỏi kiểu như thế.
Nhưng mẹ hôm nay thật sự rất đẹp, cực kỳ đẹp, cụ thể đẹp chỗ nào Khang Kiều cũng không biết, chỉ đơn thuần cảm thấy hôm nay bà khác mọi ngày.
Một rưỡi, A Xảo nói xe đã tới, A Xảo còn nói ông Hoắc đang ở trong xe.
Nghê Hải Đường mở cửa sổ ra, Khang Kiều cũng theo bà tới bên cửa sổ. Qua cửa, Khang Kiều nhìn thấy Hoắc Chính Khải đang đứng nghiêm trước xe. Ông ta mặc một bộ vest trắng, quay mặt về phía họ.
Hôm nay hình tượng của Hoắc Chính Khải rất tươi sáng, áo vest đi kèm với mũ phớt, anh tuấn phi phàm, như một người đàn ông Anh quốc mà chỉ cần đứng đó cũng khiến bao thiếu nữ điên đảo.
Ông ta vẫy tay về phía họ.
“Mẹ đi đây.” Nghê Hải Đường nói với Khang Kiều.
Khang Kiều gật đầu.
Hoắc Tiểu Phàn tới cùng A Xảo bất ngờ thốt lên một câu: “Mẹ thật đẹp”.
Thằng nhóc khiến Nghê Hải Đường vui như hoa. Bà vỗ vỗ lên mặt nó rồi sửa sang lại quần áo cho nó. Tiếng còi xe bên ngoài một lần nữa vang lên.
“Mẹ đi đây.”
“Mẹ cẩn thận một chút.” Khang Kiều dẫn Hoắc Tiểu Phàn ra trước cửa sổ.
Chiếc cổ nhỏ xinh chống đỡ búi tóc hơi lỏng. Vạt xường xám vẽ một đường cong nho nhã trong không trung, chiếc giày cao gót bốn phân màu xanh chìm bước qua ngưỡng cửa, chiếc túi trên tay vắt vẻo linh động, phong tình phơi phới.
Nghê Hải Đường của giây phút đó khiến Khang Kiều ngẩn người.
Bà đi rồi.
Nhìn cửa phòng, không hiểu sao Khang Kiều bỗng cảm thấy lòng trống trải, cứ như có chuyện gì rất quan trọng cô quên chưa làm vậy.
Khang Kiều nhanh chóng nhớ ra cô quên chuẩn bị một chiếc quạt cho Nghê Hải Đường. Đó là chiếc quạt mi ni có thể cầm trên tay. Trong tổ miếu không có điều hoa, hôm nay sẽ có rất nhiều người tới đó nghe pháp sư Đài Loan giảng đạo, chắc chắn sẽ oi bức lắm.
Cô cầm chiếc quạt nhỏ, đuổi theo bà thật nhanh giống như đang chơi cút bắt. Chân cô vừa bước lên hành lang dài thẳng tắp thì bóng Nghê Hải Đường cũng vừa biến mất ở đầu hành lang. Đi hết hành lang, co nhìn thấy bóng bà biến mất sau vườn chuối. Khang Kiều lại chạy xuyên qua vườn.
Sau đó, cô nhìn thấy chiếc xe Rolls-Royce màu trắng vừa sập cửa lại.
Cửa xe in bóng Nghê Hải Đường và Hoắc Chính Khải.
“Mẹ.” Khang Kiều lẩm bẩm gọi.
Chiếc xe từ từ chạy đi.
Những nốt cuối cùng của khúc dạo đầu ly biệt viết đầy những hoang mang thất thểu: Chỉ thiếu một bước, luôn thiếu một bước thế thôi.
Hai rưỡi, Khang Kiều ngồi lên chuyến xe đi tới trường học. Hôm nay trường học có hoạt động trồng cây, Khang Kiều nhìn thấy Hàn Tông đã lâu không xuất hiện.
So với lúc trước, tinh thần của Hàn Tông đã tốt hơn một chút. Anh ấy cười với cô, nói bầu không khí lạnh lẽo của phòng làm việc khiến anh nhớ tới những lúc lưng đẫm mồ hôi. Anh ấy nói sau này sẽ tranh thủ tới tham gia hoạt động trồng cây.
Về sau Khang Kiều mới biết, sở dĩ Hàn Tông xuất hiện ở đây là vì anh ấy nghe theo lời khuyên của bác sỹ, dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động công kích, bóng ma tâm lý trong lòng sẽ nhanh ra đi.
Mọi việc không có gì bất thường, trong lúc trồng cây, Hàn Tông chăm sóc cô như em gái nhỏ. Anh ấy luôn chọn việc nặng như gánh đất, tưới nước, Khang Kiều phụ trách dựng thẳng những cây cao khoảng nửa mét.
Bốn giờ bốn mươi phút, 8/10 cây đã được trồng xong, khi bắt đầu chuẩn bị trồng cây thứ 9 thì di động của Khang Kiều reo vang.
Khang Kiều mãi mãi nhớ tiếng chuông ấy, không đầu không cuối, khiến người ta bỗng dưng giật mình.
Cô bắt máy, chất giọng xa lạ của cô gái cùng với tiếng ồn đằng sau khiến Khang Kiều tưởng rằng họ gọi nhầm số. Mà người này rất có thể đang ở hiện trường một vụ việc nào đó, vì Khang Kiều nghe thấy tiếng xe cảnh sát.
“Cô là ai? Có thể nói rõ hơn một chút không? Có phải cô gọi nhầm máy không?” Đối phương nói một tràng giang đại hải những lời không đâu khiến Khang Kiều hơi bực bội. Vào một ngày tiết trời nóng nực thế này nghe nào là máu, nào là dao, quả thật hết sức bực mình.
“Khang Kiều!” Đối phương gọi tên cô: “Mình là Hà Tiểu Vận đây”.
Hà Tiểu Vận? Khang Kiều nhớ ra rồi. Cô có quen một người như vậy. Hà Tiểu Vận là bạn học cùng lớp của Khang Kiều. Người Hoa ở Brunei rất đông. Số người tóc đen da vàng đã chiếm tới một phần năm lớp. Hà Tiểu Vận là một trong số đó. Vì cô ấy cũng có quốc tịch Hải Nam nên Khang Kiều thân với cô ấy hơn một chút.
“Có chuyện gì sao?” Khang Kiều hỏi.
“Mình đã gặp Hoắc Liên Ngao rồi.” Hà Tiểu Vận nói bằng giọng phấn khích.
Con bé si tình này. Hà Tiểu Vận là một trong số những cô bạn cùng lớp thích Hoắc Liên Ngao, chính vì vậy Khang Kiều không ít lần chịu sự quấy nhiễu của cô ấy. Hà Tiểu Vận từng không chỉ một lần đề nghị muốn tới nhà Khang Kiều chơi, nhưng yêu cầu đó bị cô từ chối mãi.
Lần này tốt rồi, tự tạo cơ hội cho mình.
Hôm nay Hoắc Liên Ngao cũng theo Hoắc Chính Khải tới tổ miếu cúng bái.
“Nếu chỉ muốn nói với mình chuyện này thì mình ngắt máy đây.” Khang Kiều vừa nói chuyện điện thoại vừa nhìn Hàn Tông đang gỡ lớp bọc của cái cây thứ 9 ra: “Hà Tiểu Vận, mình còn phải đi trồng cây, thôi nhé…”.
“Không, không…” Đầu kia vội vàng hét lên: “Khang Kiều đừng tắt, mình cũng nhìn thấy mẹ cậu rồi”.
“Ừm.” Khang Kiều lãnh đạm đáp. Hà Tiểu Vận là điển hình cho kiểu con gái hóng hớt, loại này luôn rất nhiều chuyện: “Thế nên?”.
“Khang Kiều…” Đối phương ngập ngừng.
Biết kiểu con gái này hay thích tỏ ra bí ẩn, Khang Kiều lạnh lùng nói: “Được rồi, nếu cậu còn tiếp tục như vậy mình ngắt máy thật đấy”.
So với việc nói là gấp đi trồng cây, thà nói rằng cô sợ hơn. Không hiểu vì sao cô luôn thấy sợ rằng tin tức mà Hà Tiểu Vận mang tới là tin xấu.
“Khang Kiều…” Thanh âm của cô ấy hơi lập cập: “Mình nhìn thấy có người cầm dao... dao… hình như muốn đâm về phía bố của Hoắc Liên Ngao. Nhưng… nhưng không biết vì sao lại nhắm về phía mẹ cậu. Sau đó… dao đâm vào mẹ cậu, mẹ cậu chảy rất nhiều máu”.
Giây phút ấy, vương quốc xanh trắng trở nên hoang vu.
Trong thế giới tĩnh mịch chết chóc, Khang Kiều nghe thấy giọng nói đờ đẫn của mình: “Hà Tiểu Vận, cậu nói lại lần nữa đi”.
Sau đó Hà Tiểu Vận lặp lại, cuối cùng còn bổ sung thêm một câu: “Lúc đó, vì muốn lại gần Hoắc Liên Ngao một chút, mình đã ra sức chen lấn. Sau đó mình đã thật sự đứng rất gần anh ấy. Anh ấy và bố đứng cạnh nhau, mẹ cậu đứng bên kia. Sau đó… Sau đó… con dao ấy bỗng nhiên xuất hiện, bố của Hoắc Liên Ngao kéo mẹ cậu một cái.”
“Sau đó… Sau đó con dao biến thành đâm về phía mẹ cậu.”
Nói xong, Hà Tiểu Vận ở đầu kia điện thoại òa khóc: “Sau đó cảnh sát tới phong tỏa chỗ này, không cho ai đi. Bố mình cũng bị đưa đi thẩm vấn. Khang Kiều, bây giờ mình rất sợ”.
Lúc đó Khang Kiều cảm thấy tiếng khóc của Hà Tiểu Vận rất thái quá. Thái quá tới mức khiến cô nhớ lại cô gái vô duyên vô cớ xuất hiện trước cửa ký túc xá của cô nói muốn nhờ điều hòa ấy, cô gái tên Marche.
Bên đó, Hà Tiểu Vận vẫn đang thút thít ra vẻ, giống như sự tình thật sự giống như cô ta kể: “Khang Kiều, mình cảm thấy nên gọi điện cho cậu. Mẹ cậu được đưa vào bệnh viện rồi, con dao đó găm rất sâu. Mình nghĩ, mẹ cậu chắc không ổn rồi”.
“Thật ra là mẹ cậu sắp không ổn chứ gì?” Đè nặng giọng, cô lạnh lùng hỏi lại.
Nội tâm cô hát vang vì câu nói của Hà Tiểu Vận, hệt như một chiến sỹ vừa khải hoàn trở về.
Cô cao giọng nói với Hà Tiểu Vận: “Hà Tiểu Vận, đi nói với Hoắc Liên Ngao rằng, sau này anh ta muốn diễn trò chơi người thật nào đó, tốt nhất soạn một kịch bản chặt chẽ một chút. Còn nữa, Hà Tiểu Vận, tiếng khóc của cậu quá giả tạo. Cuối cùng tôi khuyên cậu một câu, đừng tưởng làm mấy chuyện vặt này cho anh ta là anh ta sẽ nhìn cậu bằng con mắt khác”.
“Khang Kiều, cậu… cậu đang nói gì?” Hà Tiểu Vận tiếp tục vờ vịt.
Khang Kiều chống tay lên đầu, quyết định ngắt cuộc đối thoại nhạt nhẽo này.
Cô đi về phía Hàn Tông, cũng không biết tại sao đến bước thứ năm, thứ sáu thì chân không còn sức. Khi tới trước mặt anh ấy, cô lập tức ngã xụi xuống đất.
Hàn Tông bế cô tới dưới ô, một vài người lấy dầu mát ra, một vài người mang nước tới.
Ngồi dưới ô, Hàn Tông chạm vào tay Khang Kiều: “Đỡ hơn chút nào chưa?”.
Khang Kiều gật đầu.
“Anh thấy lúc nghe điện thoại em rất bất thường, kể anh nghe có chuyện gì đi.” Hàn Tông hỏi cô.
Hàn Tông ngồi xuống bên cạnh cô, để cô dựa đầu vào vai mình: “Nghỉ một chút sẽ ổn thôi”.
“Vâng.”
Ánh mắt co không có tiêu điểm, rơi về một khoảng trời xa xăm. Cũng không biết đã qua bao lâu, Khang Kiều nghe thấy mình lên tiếng.
“Anh Hàn, ban nãy có một bạn học của em gọi điện đến. Cậu ta nói mẹ em bị đâm. Cậu ta còn nói vết thương rất sâu. Cậu ta nói mẹ em chắc không trụ nổi. Sao có thể chứ. Mấy tiếng trước mẹ còn bảo em đeo khuyên tai cho bà.”
Phải, làm sao có thể. Cô nhe răng cười, nhưng thứ rơi xuống từ khóe mắt lại là nước mắt. Cô cuống quýt lau sạch, rơi nước mắt lúc này nghĩ sao cũng thấy xui xẻo.
“Khang Kiều, em nói rõ đi.” Hàn Tông cất giọng nặng nề: “Nói cho anh biết, mẹ em giờ đang ở đâu?”.
Âm thanh kia lại đờ đẫn thông báo nơi Nghê Hải Đường đang nằm.
Thấy Hàn Tông rút di động ra, Khang Kiều nhảy dựng lên: “Anh Hàn, đừng! Mẹ em nói không được tùy tiện gọi điện thoại cho bà”.
Phải, lúc đi, Nghê Hải Đường đã dặn chiều nay không được gọi điện cho bà. Nếu đúng lúc pháp sư đang giảng đạo thì chết dở.
Hàn Tông nhìn cô. Khang Kiều cười gượng gạo. Cô nói: “Anh Hàn, anh có muốn nghe vài chuyện của em không?”.
“Chuyện gì?”
Anh ấy ngồi trên ghế, đầu cô dựa vào vai anh ấy, ánh mắt nhìn về một điểm xa xôi, rồi chậm rãi nói: “Anh Hàn, có một người cực kỳ xấu xa, lừa gạt em, uy hiếp em, nhưng em lại chẳng làm gì anh ta được”.
“Người ấy vừa gọi điện thoại...”
“Không, không, anh Hàn, đừng nói chuyện điện thoại. Một chữ cũng đừng nhắc, được không? Anh Hàn, em nói cho anh nghe...”
Nói? Nói gì bây giờ?
Bỗng nhiên, Khang Kiều cảm thấy như mình đã quên cả việc phải nói gì. Cô cứ ngồi như thế, trong lòng thầm cầu nguyện di động đừng kêu, đừng kêu lên nữa.
Giống như nghe được lời nguyện cầu của cô, nó thật sự im bặt. Dần dần, vì quá tập trung suy nghĩ mà cô cảm thấy mệt mọi và buồn ngủ.
Ánh mắt cô bắt đầu mơ màng. Mọi thứ dưới ánh nắng như trở nên ảo diệu. Không biết đã qua bao lâu, trong ảo ảnh ấy xuất hiện ba chiếc xe màu đen lọt vào tầm mắt cô.
Xe dừng lại, có người mở cửa ra. Một vài người bước xuống xe. Khang Kiều cảm thấy hình ảnh trước mắt giống như một đoạn phim nhựa dài dòng. Nhưng người đó đều mặc vest đen, chỉ có người bước từ chiếc xe chính giữa xuống là mặc sơ mi trắng. Những người đó bị làm mờ hết, cái bóng bị kéo ra vừa gầy vừa dài.
Khoảng mười cái bóng đi về phía Khang Kiều. Cô vô thức nhìn, bên tai nghe thấy tiếng Hàn Tông gọi mình: “Khang Kiều...”.
Giọng nói đó ngập đầy lo lắng.
Thế là cô nói: “Đừng ồn”.
Nói xong câu đó, Khang Kiều bỗng giật mình vì khuôn mặt phóng to phía trước. Cô đứng hẳn lên, bất thình lình giọng nói trở nên méo xệch.
Chú Hoắc...
Thanh âm ấy vừa sắc vừa nhọn.
Khuôn mặt bị phóng to nhìn cô.
Khang Kiều cảm thấy hơi mất mặt, thế là lắp bắp giải thích: “Chú Hoắc, vẫn chưa biết phải không? Con nhát gan, chú xuất hiện như vậy khiến con giật mình”.
Đáp lại Khang Kiều là giọng nói nặng nề của Hoắc Chính Khải, trong cái nặng nề còn có sự đau đớn: “Khang Kiều, con phải tới bệnh viện một chuyến”.
Tới bệnh viện gì chứ? Không, cô không muốn tới bệnh viện chút nào, đó là một nơi xui xẻo. Cô lắc đầu: “Chú Hoắc, con còn hai cái cây chưa trồng xong”.
Dứt lời, Khang Kiều định lấy mũ nhưng cổ tay đã bị giữ chặt.
“Khang Kiều, mẹ con muốn gặp con.”
Vờ như không nghe thấy, cô ra sức giãy giụa, sau đó nghe thấy một loạt thanh âm hung hãn lọt vào màng nhĩ.
“Khang Kiều, sắp không kịp rồi...”
Từng giọt nước mắt lã chã rơi xuống. Thế giới bỗng chốc trở nên hoang vu, mất đi tất cả màu sắc. Bão sắp đến rồi ư? Cơn bão giống như năm cô mười hai tuổi.
Cô gượng gạo dịch chuyển bước chân. Rất nhiều người ngồi lên xe, cô ngồi ở sát bên trái. Hoắc Chính Khải ngồi sát bên phải.
Cô ngây người nhìn ra ngoài cửa xe, mây trắng, bầu trời tối đen. Máu trắng của những chiếc váy phập phồng trên người đám trẻ, màu đen của mái tóc mọi người.
Sau đó cô nghe thấy lời này.
“Con dao đó găm rất sâu, trí mạng. Bác sỹ nói lá gan bị tổn thương nghiêm trọng, vô phương cứu chữa. Khang Kiều, chú nói vậy con hiểu không?”
Cô im lặng, thế giới trắng đen kia có người cười tươi rói, có người mặt lạnh lùng.
“Mẹ con bảo bác sỹ tiêm thuốc giảm đau, nhất quyết đòi gặp Khang Kiều một lần.”
Vẫn im lặng, màu trắng của ánh nắng ngập tràn, màu đen của con đường quốc lộ dài miên man.
Con đường ấy dẫn thẳng tới một tòa nhà màu trắng. Xuống xe, đẩy cửa ra, cô đã không đi nổi nữa. Có người kéo cô đi qua một hành lang rất dài, trần nhà có những ngọn đèn trắng vùn vụt lướt qua.
Sau đó, họ dừng lại trước cửa một căn phòng, có người mở cửa cho cô.
Cánh cửa ấy như một chiếc quạt gấp từ từ rộng mở, từ lúc kín mít cho tới khi được kéo rộng vô hạn. Trong không gian ấy, cô nhìn thấy người nằm trên giường.
Thật kỳ lạ, khác với dáng vẻ thê lương mà cô tưởng tượng khi đến đây. Mặt mũi của mẹ rất sạch sẽ, biểu cảm bình thản, ngoài việc sắc mặt hơi nhợt nhạt thì chẳng khác gì mọi ngày.
Thật sự như vậy, chiếc xường xám màu trắng được đổi thành chiếc xường xám màu tím nhạt khá rộng.
Người phụ nữ trên giường cười với Khang Kiều.
Cánh cửa sau lưng được đóng lại. Khang Kiều đứng đó, quên cả tiến lên.
“Khang Kiều, qua với mẹ.” Bà nói, giọng nói dịu dàng hơn mọi ngày rất nhiều.
Thế là cô bước từng bước về phía cô, dừng lại trước giường.
Bà đang thở dài: “Đúng là lòng dạ sắt đá, mẹ sắp chết rồi, sao không thấy con rơi mấy giọt nước mắt vậy”.
Tiếp tục nhìn người trên giường, cô lên tiếng.
“Mẹ!”
“Ừ.”
“Mẹ thật sự sẽ chết sao?”
“Ừm, còn rất nhanh nữa.”
Khang Kiều nghe thấy mình “ồ” lên một tiếng, giọng nói khá bình tĩnh. Sau đó cô nghiêng người, áp môi lên tai mẹ: “Mẹ, mẹ đừng chết, cho con chút thời gian”.
Nói xong, cô đứng thẳng dậy, ánh mắt như đang tìm kiếm. Muốn tìm một vật sắc nhọn trong phòng bệnh là một chuyện quá dễ dàng. Khang Kiều nhanh chóng tìm được một con dao rồi nắm chặt nó trong tay.
Cô bị giữ tay lại: “Khang Kiều, con định làm gì?”.
Quay đầu lại, Khang Kiều nghe thấy tiếng mình như đang nói mơ: “Mẹ, bạn học của con nói chính ông ta kéo mẹ, con dao mới đâm vào người mẹ. Mẹ, con đi giết ông ta, chẳng phải mẹ vẫn luôn muốn giết ông ta sao? Con sẽ đi giết ông ta, con sẽ để ông ta chôn chung với mẹ”.
Hoắc Chính Khải giờ đang đứng ngoài cửa. Cô chỉ cần mở cửa, sau đó giả vờ hoảng hốt, miệng hét “chú Hoắc”. Ánh mắt người đàn ông đang chìm trong áy náy và cảm giác tội lỗi kia sẽ mải mê nhìn khuôn mặt thảng thốt của cô. Tới lúc đó ông ta nhất định vừa gọi tên vô vừa giả vờ an ủi, rồi đi về phía cô. Khi nào ông ta đứng trước mặt cô, cô sẽ thò tay từ sau lưng ra.
Nhát dao ấy nhất định sẽ vừa nhanh vừa sâu. Cô phải nhìn thấy con ngươi của ông ta trợn trừng, cố định. Nghe nói đó là dấu hiệu trước khi chết.
Màu trắng của tường, của trần nhà. Màu trắng là tất cả trong căn phòng này. Màu đen là mái tóc mẹ và một dòng chất lòng ngoằn ngoèo chảy ra từ khóe miệng bà. Sau tiếng “Khang Kiều”, dòng chất lòng trở nên chói mắt, trở về màu nguyên bản của nó.
Màu đỏ của máu, màu đỏ ghê người.
“Khang Kiều, qua đây, tới bên mẹ. Khang Kiều, chúng ta đừng lãng phí thời gian vào những việc không đâu nữa. Mẹ muốn được ngắm con, ban nãy mẹ mới chợt nhớ ra hình như mẹ chưa bao giờ nhìn con một cách nghiêm túc.”
Cô đặt con dao qua một bên, bước đến, tỉ mỉ lau sạch máu cho mẹ. Dưới ánh mắt quyến luyến của bà, cô vùi đầu lên ngực mẹ, lắng nghe nhịp tim của bà.
“Mẹ.”
“Ừ.”
Trong mơ hồ có một ánh sáng thần kỳ, kéo tay cô và mẹ trở về thôn làng bé nhỏ, về đêm hạ tiếng côn trùng kêu không dứt, về dưới gốc cây, cô dựa vào đầu gối mẹ. Lúc đó cô rất trẻ con, bà rất trẻ, hàng ngàn hàng vạn con đom đóm vây quanh họ. Bà kể chuyện cho cô nghe, giọng nói dịu dàng, chậm rãi.
“Lúc con sinh ra xấu lắm, mẹ đang nghĩ cái con nhóc nhăn nheo đó sao có thể do mình sinh ra cơ chứ. Rõ ràng là mẹ rất đẹp.”
“Chớp mắt đã mười chín năm trôi qua. Con nhóc nhăn nheo ngày nào đã trở thành cô thiếu nữ xinh xắn. Điều này khiến mẹ rất vui. Khang Kiều, mẹ không có văn hóa, thế nên mẹ không thể hiểu được cuốn sách mà con thích, những câu chuyện, những nhân vật mà con yêu, con thích thành phố nào, vì sao lại thích những nơi đó. Mẹ cũng không hiểu bài hát mà con thích, không hiểu được những câu ngạn ngữ con ghi trong nhật ký.”
“Con phải tha thứ cho mẹ, mẹ từng cố gắng học hành nhưng con cũng biết đấy, mẹ chẳng có mấy kiên nhẫn.”
“Khang Kiều, con nghe mẹ nói. Bạn con nhìn nhầm rồi, người kéo mẹ vào không phải Hoắc Chính Khải, là một người khác, một người ngồi sau lưng mẹ. Ngay cả tên hắn mẹ cũng không biết. Mẹ nghĩ chắc là hắn sợ quá chăng? Người đó không hiểu tại sao người trợ lý khuôn mặt hiền hòa của pháp sư lại bỗng chốc trở nên hung hãn. Khang Kiều, mẹ cũng sợ hãi, thế nên nhất thời quên né tránh, sau đó người sau lưng đẩy mẹ một cái, khi mẹ muốn tránh thì không kịp nữa.”
“Khang Kiều, con phải nhớ, mọi chuyện không liên quan đến Hoắc Chính Khải.”
“Sau này...”
Cái “sau này” ấy thật dài, tiếng côn trùng mùa hạ kêu inh ỏi, khiến cô bé xíu có phần không được tập trung, cô cảm thấy buồn ngủ.
Trong mơ màng, giọng nói như từ phương xa vọng tới: Khang Kiều à...
Nghe vậy, Khang Kiều còn tưởng là bà ngoại gọi mình.
“Vâng.” Cô đáp.
Con đây, con ở đây, con không ngủ gật đâu.
“Khang Kiều, sau này con phải thay mẹ chăm sóc Tiểu Phàn. Sau này nó lớn, giúp mẹ nói với nó, mẹ yêu nó, rất yêu, rất yêu.”
“Được ạ.” Co hứa.
“Khang Kiều, đừng cảm thấy sợ hãi. Không có gì phải sợ cả. Mẹ chỉ đi trước một bước như bà ngoại con mà thôi. Một thời gian sau, chúng ta sẽ gặp nhau ở một nơi khác. Thế nên đừng sợ. Nhưng nếu thật sự sợ hãi thì hãy ngẩng đầu lên nhìn. Mẹ và bà ngoại con đều đang nhìn hai đứa. Mẹ và bà ngoại đang bảo vệ hai đứa. Thế nên không việc gì phải sợ cả, hiểu không?”
“Con hiểu.”
“Khang Kiều, con cũng không cần lo lắng cuộc sống sau này. Ông ấy đã hứa với mẹ sẽ chăm sóc tốt cho con và Tiểu Phàn. Sau này không phải lo những chuyện linh tinh. Có lúc hãy trang điểm thật đẹp như những cô gái khác mà hẹn hò với con trai, mẹ nói vậy, con hiểu không?”
“Vâng, con hiểu ạ.”
“Khang Kiều, ban nãy con nói muốn giết Hoắc Chính Khải, mẹ rất vui. Thật đấy. Mẹ rốt cuộc cũng không phí phạm tình thương cho con. Bây giờ mẹ sẽ coi như con đã giải quyết ông ấy triệt để rồi, được không?”
“Được ạ.”
“Khang Kiều, Tiểu Phàn... Tiểu Phàn còn nhỏ, con lớn hơn nó mười hai tuổi.”
“Mẹ, con hiểu, con biết, con nhất định sẽ chăm sóc Tiểu Phàn, điểm này mẹ có thể yên tâm.”
“Ừm, vậy thì tốt... vậy thì tốt...”
“Khang Kiều!”
“Mẹ!”
“Mẹ... Mẹ phải đi rồi...”
...
Thế giới bên dưới đôi tai yên tĩnh rồi, côn trùng không còn kêu, cơn gió đêm đã ngừng lặng, cây lá cũng không còn xào xạc.
“Mẹ, đừng đi, mẹ có thể đừng đi không, con sợ...”
“Mẹ, xin mẹ đừng đi. Mẹ, con nói cho mẹ nghe, bây giờ con đã bắt đầu sợ quay về nhà rồi. Con sợ mở cửa phòng mẹ. Con sợ không tìm thấy mẹ trong phòng, sợ không cẩn thận gọi mẹ lại không có ai trả lời, sợ trời mưa không có ai càm ràm con nhớ mang ô, sợ khi đêm về cửa sổ phòng mẹ không sáng đèn.”
“Mẹ, con sợ lắm.”
...
Tất cả đến mà không có điềm báo trước, đến nỗi khi được đưa khỏi căn phòng đó cô vẫn còn mơ hồ. Có người đưa cô tới một gian phòng khác, ép cô phải tiêm.
Sau mũi tiêm ấy, cô chìm vào một giấc ngủ dài.
Sau một giấc ngủ dài, ngoài cửa sổ giờ đang mưa, nước mưa tí tách, tí tách, còn không nhỏ.
Thở dài một hơi, Khang Kiều nghĩ cuối cùng cũng mưa rồi, mưa ít nhiều cũng làm dịu đi nhiệt độ nóng nực. Nhịp thở đều đều tới từ vòng tay cô. Cô cúi xuống nhìn.
Tiểu Phàn đang bò trên người cô say ngủ. Cô đẩy đẩy thằng bé, sau đó nhìn thấy đôi mắt sưng húp của nó.
Cô buông tay bất lực.
Năm 2004, Khang Kiều mười chín tuổi, năm ấy, cô tiễn biệt người mẹ của mình.