https://truyensachay.net

Kinh Sở Tranh Hùng Ký

Chương 9: Lấy Được Binh Thư

Trước Sau

đầu dòng
Lấy được binh thư

Trong vùng sơn dã.

Khước Hoàn Độ sải bước rất nhanh. Hai ngày trước gã cáo từ Vu Thần ở Tùng Dương, rời thuyền lên bộ, để tránh truy binh của Nang Ngõa, chuyên chọn hoang sơn tiểu lộ mà đi, một lòng một dạ tìm đến thẳng đất Lỗ, Tống.

Lỗ và Tống lúc đó nước nhỏ sức yếu, nhưng sự phát triển về văn hóa thì đứng đầu trong chư quốc.

Khước Hoàn Độ nội thương còn chưa bình phục, đặc biệt trúng một cước của Tương Lão, lần này lại phải đi nhanh, trước ngực cảm thấy ngâm ngẩm đau, rất khó chịu.

Trên đường xuống núi, trông nơi xa nổi lửa khói loăn xoăn, xem ra là một thôn trang. Đúng lúc ấy trời cao vần vụ mây đen, rồi một lát mưa rào rào đổ xuống.

Khước Hoàn Độ đội mưa chạy về hướng thôn trang bên chân núi, toàn thân đẫm ướt, đột nhiên một trận hàn ý xông buốt toàn thân, gã rùng mình run cầm cập.

Khước Hoàn Độ kêu to không ổn, biết nội thương đã bị hàn khí dẫn phát, đó là điều đại kỵ với người luyện võ, nặng thì toàn thân tê liệt, nhẹ thì công lực tiêu tan. Nhưng lúc này bốn bề không một chỗ ẩn tránh, gã lơ mơ bước thêm một quãng nữa, não cân càng lúc càng bải hoải, cuối cùng thậm chí không cảm thấy cả nước mưa, chỉ biết toàn thân thoắt lạnh thoắt nóng, cuối cùng ngã vật xuống ngất đi.

o0o

Khi gã hồi phục lại được tri giác, đã thấy mình đang ở trong một túp nhà nông, trước mặt có hai bóng người, một cao một thấp.

Bờ mí như đeo gánh nặng nghìn cân, khiến gã phải vội vàng khép mắt lại.

Giọng một lão nhân vang lên: "Mặc tiên sinh! Hồi sáng ở một mỏm đá trắng cách đây hai dặm, khi ta và nội tử phát hiện ra gã, gã đã hôn mê bất tỉnh rồi!".

Một giọng thấp trầm nhưng rất vang đáp lời: "Người này một là nội thương, hai là bị hàn khí xâm nhập kinh mạch, để ta tận lực cố gắng xem sao!".

Hai người tựa hồ còn nói thêm một thôi một hồi nữa, nhưng Khước Hoàn Độ đã mê mệt thiếp đi.

Thời gian sau đó Khước Hoàn Độ được phục thuốc bôi thuốc trong trạng thái mơ hồ, có lúc tỉnh lại là hoàng hôn, có lúc tỉnh lại là nửa đêm, lúc nào cũng thấy cặp vợ chồng già họ Chúc tốt bụng đó đang cẩn thận chăm bẵm mình. Còn người gọi là Mặc tiên sinh hồi đầu, thì không thấy xuất hiện nữa.

Cuối cùng vào một buổi sáng tinh mơ, Khước Hoàn Độ tuy thân thể vẫn hết sức hư nhược, nhưng thần trí đã hoàn toàn tỉnh táo.

Cặp vợ chồng già hết sức vui mừng, dường như còn vui mừng hơn cả khi chính mình hồi phục.

Khước Hoàn Độ vừa ăn cháo do Chúc lão thái nấu cho, vừa không nén được hiếu kỳ hỏi: "Chúc lão trượng! Cháu còn nhớ lúc đầu có một vị Mặc tiên sinh đến chẩn bệnh, chẳng hay người vì sao không tới nữa?".

Chúc lão nhệch miệng cười, bộc lộ hết cái vẻ giản dị thuần phác của người nông dân ở hương thôn: "Ồ cháu vẫn còn nhớ đến ông ấy! Phải nói là cháu gặp may, vị Mặc tiên sinh này hiểu biết nhiều lắm!" Nói đến đây lão bật ngón tay cái lên, rồi tiếp: "Hồi mới đến, ông ấy tự mình dựng ngay một túp lều tranh ở dốc Vọng Phong...". Lại bấm đầu ngón tay: "... đến giờ đã được hai tháng. Hiếm khi vào thôn, nhưng có người mắc bệnh là ông ấy nhiệt tình chữa trị, thuốc vào đến đâu bệnh lui đến đấy, chẳng bao giờ lấy tiền của ai, người thật tốt bụng rộng rãi!".

Khước Hoàn Độ từ từ húp sạch cháo, trong lòng cảm thấy ấm áp, nghĩ bụng từ xưa đến nay chưa từng chú ý đến cháo tấm, không ngờ cháo tấm rất ngon.

Hai ngày sau gã đã có thể dậy khỏi giường và đi lại. Toàn thân khí mạch thông thuận, công lực không hề hao tổn, chỉ cần luyện tập một thời gian, là có thể khôi phục lại mức độ bình thường.

Gã rất lấy làm ngạc nhiên. Loại hàn khí này đã xâm nhập và khơi dẫn nội thương của gã, quả thực nan y, không biết Mặc tiên sinh là người thế nào mà hồi thiên diệu thủ như vậy. Đúng là giữa sơn trạch lại có nhiều kỳ nhân dị sỹ, nhân ngoại hữu nhân, thiên ngoại hữu thiên.

Sáng sớm ngày hôm sau, Khước Hoàn Độ hỏi rõ đường lối, đi tìm túp lều tranh của Mặc tiên sinh.

Trên đường núi non nhấp nhô, cảnh sắc tú lệ, sơn lộ khúc khủyu, tự nhiên trải mãi không có tận cùng, mỗi sự vật mang một vẻ đẹp riêng. Trái tim Khước Hoàn Độ tràn ngập cảm giác thanh bình yên ả. Nếu không phải bên vai còn mang huyết hận, gã nhất định sẽ dừng ở đây một thời gian. Lại nghĩ nếu có cả Hạ Cơ, kiếm thuật công danh gì bỏ đi cũng không đáng tiếc, suy nghĩ một lát, lòng bỗng cảm thấy nhức nhối.

Túp lều tranh nằm trên một sườn đồi, từ chỗ này phóng mắt ra, có thể bao quát được toàn bộ sông núi rộng rãi bao la ở vùng phụ cận. Nguyên việc chọn địa điểm để cất nhà, cũng đủ thấy học vấn, sự nghiên cứu và tầm nhìn của chủ nhân.

Đến trước túp lều tranh, Khước Hoàn Độ cảm giác như bên trong không có người. Gã cất tiếng gọi mấy lần, vẫn không có ai ứng đáp, bèn giơ tay đẩy, cửa gỗ mở hé, bên trong có một cái bàn, một cái giường hẹp làm bằng cây khô, và vài lát sắn treo trên vách, ngoài ra chẳng còn gì khác.

Khước Hoàn Độ thầm nhủ người này cuộc sống thanh bần đạm bạc, dưới mức người bình thường có thể tưởng tượng được.

Gã không dám mạo muội bước vào nhà, đành trở mình quay ra, trong đầu hiện lên rất rõ hình ảnh cái bàn và cái giường khô, trông thực dụng đơn giản không màu mè, nhưng lại khiến người ta có cảm giác đó là kết quả của một sự khéo léo và sáng tạo.

Một cảm giác kỳ quái lạ lùng, vì thường thì chỉ có những thứ tinh xảo hoa lệ mới gây được ấn tượng ở người khác. Nhưng cái bàn và cái giường thô sơ đến cùng cực bên trong, thậm chí bề ngoài của túp lều cũng chỉ là nhà cỏ lợp gianh không có gì đặc sắc, nhưng nhìn kỹ vẫn khiến người ta nghĩ đến một chữ xảo , một cảnh giới khéo léo hết mực ẩn trong vẻ đơn sơ vô cùng.

Khước Hoàn Độ thầm kinh hãi. Vốn giỏi kiếm thuật, gã nhận biết phàm bất kỳ sự gì trong vũ trụ, đến một thứ bậc nào đó đều có một cảnh giới chung. Kiếm thuật khó nhất là dùng cái thô sơ thắng cái khéo léo, nhìn ngôi nhà cỏ và bàn ghế mộc mạc của vị Mặc tiên sinh này, gã tự dưng ngộ ra nhiều điều.

Một thanh âm khoáng đạt bình hòa vang lên phía bên trái:

"Tiểu huynh phục hồi nhanh thật!".

Khước Hoàn Độ giật mình, ngoảnh đầu nhìn sang. Một nam tử cao lớn áo sợi chân đất, đang đứng cách gã hai trượng. Y đến gần như vậy, mà Khước Hoàn Độ lại không hề phát hiện ra, trong lòng thốt cảm thấy kinh hãi.

Người này tuổi ước bốn mươi, mặt mày hồn hậu, vầng trán cao rộng, đôi mắt sâu thẳm, ánh nhìn rất thông minh. Hai tay đặc biệt to dày, như đã từng quen với những việc làm vất vả.

Khước Hoàn Độ khom mình hành lễ: "Mỗ mắc nạn thọ thương, được Mặc tiên sinh trượng nghĩa ra tay cứu chữa, nên đặc biệt đến để tỏ lời cảm tạ!".

Mặc tiên sinh cười nhạt mà rằng: "Mặc Địch ta cả đời bôn ba khắp nơi. Dạo gần đây bận suy nghĩ hai vấn đề, nên đến vùng này lập ấp mà sống, vừa hay gặp chuyện của tiểu huynh, cũng coi như có duyên!".

Khước Hoàn Độ nói: "Tiên sinh là thế ngoại cao nhân, mỗ hữu hạnh mới được tri ngộ!".

Mặc Địch nói: "Đâu có đâu có! Vốn ta thấy ngươi thân mang bảo kiếm, thân kiếm vết máu ẩn hiện, vốn không muốn cứu, nhưng thấy ngươi gương mặt chính nghĩa, đang tuổi sung sức, nghĩ lại đáng tiếc... Vì vậy ngày sau nếu ngươi vung kiếm làm điều ác, ta nhất định sẽ tự tay lấy tính mệnh ngươi".

Mấy câu này tuyệt không khách sáo, nhưng Mặc Địch nói ra tự nhiên với một khí độ uy nghiêm, khiến người ta cảm thấy chuyện đó dứt khoát phải như vậy.

Khước Hoàn Độ thấy lòng dâng lên một cơn thịnh nộ, nhưng cố nén lại. Gã xuất thân phú quý, tâm cao khí ngạo, không nhịn được nói: "Mỗ tự vấn mỗi lần xuất thủ giết người, đều là vì tự vệ, thế gian này mạnh thường hiếp yếu, nếu không biết cầm kiếm vệ đạo, làm sao khỏi có lỗi với thiên hạ chúng sinh!".

Mặc Địch cười nhạt. Khước Hoàn Độ nhận thấy người này toàn thân trên dưới đều đơn giản không màu mè, thậm chí nói cười cũng rộng rãi bình hoà, thần thái không hề có chút kích động.

Mặc Địch nhìn Khước Hoàn Độ chằm chằm, Khước Hoàn Độ cũng không tỏ ra yếu mềm, cứng cỏi nhìn trả lại, chỉ thấy mắt y sáng như hai ngọn đèn, tựa hồ muốn soi thấu hết những buồn đau vui sướng trong lòng gã.

Mặc Địch nói: "Khước tiểu huynh nếu quả thực có thể cầm kiếm vệ đạo, thì đúng là đáng mừng đáng khen. Nhưng mỗi người đều có tiêu chuẩn và đạo lý riêng, vì vậy đạo của nước lớn, lại trở thành cái cớ để họ xâm lấn nước nhỏ, đạo của đại gia tộc, lại trở thành lý do để họ ức hiếp tiểu gia tộc. Kẻ mạnh kẻ trí áp bức kẻ yếu kẻ dại, sự xung đột giữa người với người, thực ra là ở chỗ mỗi người đều là những cá thể khác nhau, có những tiêu chuẩn và đạo lý khác nhau".

Ngừng một lúc, Mặc Địch tiếp: "Hiện nay chư quốc đề cao cái gọi là lễ nghĩa, kỳ thực chứa đầy mâu thuẫn, ngu muội và tự chuốc lấy phiền não. Lễ nghĩa và dã nhân... chỉ là sự khác nhau giữa năm mươi và một trăm bước".

Khước Hoàn Độ từ nhỏ sinh trưởng trong quý tộc thế gia, xưa nay rất tín phụng tầm quan trọng của lễ nghĩa, của đạo luân thường phụ tử quân thần, bất giác buột miệng phản bác: "Lễ nghĩa là nguồn cội của tất cả mọi trật tự trong xã hội ngày nay, nếu không có lễ nghĩa, chẳng phải là quay lại với thế giới cầm thú hay sao!".

Mặc Địch nghiêm trang nói: "Lễ nghĩa là gì? Tại sao tàn sát một người là tử tội, mà chiến tranh xâm lược tàn sát hàng trăm hàng vạn người lại được tưởng thưởng, thậm chí ca tụng? Tại sao kẻ cướp đoạt tài sản hay gà chó nhà người khác bị gọi là đạo tặc, mà kẻ cướp đoạt đất đai quốc thổ của nước khác lại được gọi là danh tướng nguyên huân?" Khước Hoàn Độ thoắt trầm ngâm, lịch sử từ xưa đến nay đều như vậy, những sự việc ấy ngày nào chẳng phát sinh, nhưng chúng luôn tự nhiên như hô hấp, chưa từng có ai đưa ra để chất nghi.

Mặc Địch nói tiếp: "Tại sao đại đa số dân chúng phải kiệm ăn kiệm mặc, thậm chí chết vì đói rét, để cung phụng cho giai cấp thống trị phè phỡn ăn chơi? Tại sao bất chấp con cháu của một gia tộc hung tàn thế nào, vẫn để quyền bính thống trị cho nó truyền đời tiếp tục? Tại sao một nhà quý tộc chết đi, lại giết bao nhiêu người sống để táng theo? Tại sao chỉ vì một mạng, lại phung phí đồ vật quý, khiến nhiều người khuynh gia? Tại sao một người đã chết, con cháu của y lại phải giả bộ tang thương gầy yếu chỉ còn da bọc xương, gọi là để tang, suốt ba năm? Tất cả những lễ nghi phong tục đạo đức đó, là để làm gì?" Khước Hoàn Độ chìm trong suy tư, rất lâu mới đáp: "Những điều tiên sinh nói, khiến người ta phải thực sự nghĩ ngợi!" Gã thầm nhủ vấn đề này khiến đầu óc đau nhức cả lên, không phải chuyện một lúc mà lý giải phân tích suôn sẻ, bèn chuyển đề tài: "Tiên sinh lần đầu gặp mỗ, vì sao biết danh tính của mỗ vậy?" Bởi gã chưa hề nói cho vợ chồng họ Chúc tên thật của mình, vì vậy không nén được phải hỏi cho rõ ràng.

Mặc Địch ngửa mặt lên trời cười, lần đầu tiên để lộ phong khí hào hùng, nói:"Muốn quản việc thiên hạ, tất phải biết chuyện xảy ra trong thiên hạ. Công tử hiện tại danh chấn Kinh Sở, dưới ma trảo của Lệnh doãn Sở quốc, vẫn có thể tung hoành không uý kỵ gì, ta làm sao mà không biết?" Ngừng một lát rồi nói: "Nang Ngõa hiện đang ở biên giới bố trí thiên la địa võng, công tử nếu muốn lén trốn khỏi nước Sở, còn phải gặp trắc trở nhiều".

Khước Hoàn Độ cảm thấy Mặc Địch trí tuệ triết nhân, lại thần thông quảng đại, mạc trắc cao thâm, hành sự vượt ra ngoài ý nghĩ của người ta, bất giác sinh lòng kính phục.

Mặc Địch nói: "Nang Ngõa họa hại thiên hạ, ta về lý cũng nên giúp ngươi một tay. Từ đây đi về phía Tây thẳng đến Hoàng Ninh Sơn, rồi quặt sang phía Bắc, bộ hành chừng ba ngày có thể đến được Đông Lăng, vùng đó núi non trùng điệp, cho dù Nang Ngõa ba đầu sáu tay, thế lực cũng không thể bao trùm như nhau ở mọi nơi, bảo đảm công tử sẽ được an toàn!".

Khước Hoàn Độ nghe nói có hướng để đi, liền vội vàng cảm tạ. Hai người lại đàm đạo thêm một lúc, rồi Khước Hoàn Độ cáo từ ra về.

Ngày hôm sau, khi gã đến thăm, Mặc Địch đã bỏ đi, nhà cửa trống tênh. Khước Hoàn Độ không nén nổi buồn bã. Nhân sỹ có chính kiến, độc lai độc vãng như vậy quả thực khiến người ta ngưỡng mộ. Khước Hoàn Độ lưu lại vùng đó thêm mười mấy ngày, mãi cho đến khi hoàn toàn bình phục, mới theo lời Mặc Địch chỉ dẫn, rời khỏi đất Sở.

Bệnh tình của Khước Hoàn Độ, vừa khéo lại giúp gã tránh được một nạn kiếp. Nguyên lai Nang Ngõa đốc suất hết cao thủ, thề phải giết bằng được Khước Hoàn Độ, nhưng Khước Hoàn Độ lại kéo dài thời gian vượt qua biên giới, khiến người của Nang Ngõa đợi chờ một dạo, tiến hành vài cuộc bủa vây lớn mười mấy ngày, cuối cùng đều mất công vô ích.

Đúng là thế sự Tái ông mất ngựa, phúc họa khó lường.

Trải qua mười mấy ngày đi không ngừng nghỉ, Khước Hoàn Độ rốt cục cũng rời khỏi nước Sở, đến được đại ấp Tuy Dương của nước Tống.

Tuy Dương tọa lạc ở phía bắc Tuy Thủy, giao thông tiện lợi, địa thế lũng sông, thổ nhưỡng phì nhiêu, là thủ phủ của Tống quốc. Cung điện, đình tạ, ngự uyển, ngân khố của nhà vua, miếu chư thần, đền tế thần đất - thần ngũ cốc, phủ đệ của khanh đại phu và khách quán cư trú của các sứ thần, ngần ấy kiến trúc đều xây dựng ở trung tâm thành, bao bên ngoài là nhà dân và thị tập. Chợ của Tuy Dương nằm bên đường lớn tính từ cổng thành. Bên ngoài cổng là sông hộ thành và cầu rút để đi lại, lối vào lắp cửa treo có thể nâng lên hạ xuống, ban ngày đặt người canh gác, ban đêm kéo lên.

Khước Hoàn Độ đến trước quan môn, nạp thuế rồi mới được đi vào thành. Tập quán đóng tiền qua cửa là một nguồn thu nhập lớn của nhà vua thời bấy giờ.

Trong thành người xe như nước, vô cùng phồn thịnh náo nhiệt, xe ngựa lộng lẫy, áo quần thanh nhã. Vùng đất này gần Lỗ quốc - nơi có thợ khéo nổi danh đương thời, vì vậy những đồ chế tác, chạm khắc thêu thùa, đều nhập khẩu từ nước Lỗ, trông cực kỳ văn minh. Khước Hoàn Độ được mở rộng tầm mắt, tâm tình thoải mái. Nỗi hận hủy gia diệt tộc, nỗi khổ nhượng lại tình yêu cho Vu Thần, nỗi vất vả lúc đi xe đi thuyền, nỗi đau đớn không đất dung thân, đều tạm thời lắng xuống trong cõi lòng gã.

Khước Hoàn Độ đứng giữa thành ấp văn minh, tự nhiên nảy sinh cảm giác mông lung mờ mịt, cho dù bên cạnh bao nhiêu người đi lại, sao vẫn thấy lẻ loi! Trời đất dường như chỉ còn gã một mình cô độc. Lúc trước thân ở đất Sở, đêm ngày mong mỏi làm thế nào để chạy thoát ra nước ngoài, mục tiêu đó hết sức rõ ràng. Hiện nay đã ở đất Tống, con đường trước mặt lại thật xa mờ, không biết đi về đâu, đi theo hướng nào nữa.

Nếu không vì thân mang huyết hận, Khước Hoàn Độ có lẽ đã vung kiếm tự kết liễu rồi.

Đột nhiên một tràng xôn xao lùa tới, góc đường nhô ra một đội quân ước chừng hai mươi binh sĩ nước Tống, do một viên đội trưởng dẫn đầu. Họ sục sạo trong đám đông, tựa hồ đang tìm bắt người nào đó.

Một tên tiểu binh chợt trông thấy Khước Hoàn Độ đang dắt ngựa đi, biến sắc mặt, liền tới gần kề tai viên đội trưởng nói nhỏ. Khước Hoàn Độ vừa cảm giác không ổn, đã thấy y quay mình lại hét: "Dừng bước!".

Khước Hoàn Độ lại rơi vào vòng vây, đứng giữa bọn họ, tuy nghi hoặc không hiểu, nhưng vẫn an nhiên không hề lo sợ.

Thứ nhất vì nơi đây xa cách Sở quốc, thế lực của Nang Ngõa khó mà với tới, huống hồ hiện nay Tống đang dựa vào Tấn, không có lý gì đi làm tay chân cho Sở. Đội trưởng nói: "Tôn Vũ! Hôm nay ngươi mọc cánh cũng không thoát được!".

Khước Hoàn Độ ngạc nhiên: "Các hạ nhận lầm mỗ với ai đó rồi!".

Lần này đến lượt đội trưởng ngạc nhiên, vội vàng móc từ trong bọc ra một bức chân dung, đối chiếu nhìn ngắm giây lát, mới nói: "Xét kỹ thì không giống lắm, mà giọng nói là ngữ âm của đất Sở, còn người chúng ta tìm lại là người nước Trần. Đắc tội đắc tội, xin đừng trách!".

Khước Hoàn Độ thấy y khiêm cung lễ độ, trong lòng rất có thiện cảm, nhưng đang mang thân đào vong, không tiện nói nhiều, bèn mau chóng thi lễ, dắt ngựa bỏ đi. Không xa có gian lữ quán, Khước Hoàn Độ dặn dò tiểu nhị chăm sóc ngựa, rồi vào phòng đánh một giấc thật say.

Giấc ngủ ấy, đẫy sáu canh giờ, khi gã tỉnh dậy đã là sáng sớm ngày hôm sau. Những mệt nhọc lúc trước tựa như được gột sạch cả. Khước Hoàn Độ bỗng nhiên nổi hứng du ngoạn, nhớ ra tông miếu của Tống vương quy mô rộng lớn, gần đấy danh thắng san sát, hôm nay nhân có cơ duyên, không nên bỏ lỡ.

Khước Hoàn Độ gặp người trong lữ quán, hỏi kỹ đường lối, rồi cất bước đi.

Lúc đó Tống và Lỗ là lân bang. Nước Lỗ tuy nhược tiểu, nhưng so với liệt quốc thì văn hóa phát triển cao nhất. Tôn Chu1 bị hủy diệt, Thành Chu2 mấy lần bị phá hoại bởi nội loạn dưới thời Xuân Thu, càng tăng thêm địa vị về văn hóa của nước Lỗ, đúng như người ta thường nói "Chu Lễ tận tại Lỗ hĩ". Sự văn minh về phương diện vật chất của nước Lỗ cũng hơn hẳn các nước khác, nghề mộc, nghề thêu và nghề dệt đều đặc biệt phát triển, Công Thâu Ban - bậc thầy chế tạo công cụ thời bấy giờ cũng là người nước Lỗ. Tống quốc ⬘gần chùa được thụ lộc oản⬙, tự nhiên cũng chịu ảnh hưởng ở mức độ nhất định. Khước Hoàn Độ quan sát kỹ quy mô xây dựng và khí tượng của vùng này, tầm nhìn được mở rộng rất nhiều.

Gã thong thả đi. Trước mặt xuất hiện một khu lăng tẩm, trong ngoài có hai lớp tường bao hình chữ nhật, lớp ngoài là Trung Cung Viên, lớp trong là Nội Cung Viên. Giữa Nội Cung Viên có một đài cao, trên đài dựng một hàng năm kiến trúc hai tầng hình vuông, đối xứng nghiêm cẩn. Khước Hoàn Độ thầm nhủ, gò mộ mà kiến tạo đền đài lầu các như vậy, lại có tường thành trong ngoài, tự nhiên là muốn người ta dù đã chết, cũng có thể hưởng thụ những phú quý vinh hoa như thuở sinh thời.

Đột nhiên hàng loạt tiếng móng sắt khua động vang lên, Khước Hoàn Độ ngoảnh đầu nhìn, từ xa một đạo quân Tống đang phi ngựa tới. Đạo quân này toàn phục võ trang, xuống ngựa rồi thì chia nhau chặn lấy các yếu đạo, kiểm tra người qua lại.i

Nơi đây là thắng địa, du khách đang tụ tập rất đông, hành động của toán quân sĩ kia nhất thời gây nên một sự xáo trộn kinh hoảng. Nhiều người cụt hứng toan rời đi, nhưng toán binh sĩ giữ tất cả lại, tiến hành lục soát thân thể từng người một.

Khước Hoàn Độ rất lấy làm lạ, không biết Tống binh muốn tìm ai hay tìm cái gì. Đột nhiên gã cảm thấy bất an, trong mình mang vô số châu bảo, lại thêm Đồng Long có đóng ấn gia tộc, một khi bị lục soát ra, thực rất khó dự đoán hậu quả.

Đúng lúc ấy, trong lòng chợt có linh cảm kỳ quái, Khước Hoàn Độ khẽ lắc mình, tránh về sau một cánh cửa của tòa miếu.

Mấy người đi ra, trong đó có một người khẩu âm đất Tề rất nặng: "Tôn Vũ đã trúng kiếm của ta, tính mệnh không bảo toàn được đâu! Xem ra hôm nay mọc cánh cũng không bay thoát nổi".

Một người khác nói: "Tuyệt nghệ của Lữ Chấn lão sư ai mà không biết. Nhất định sẽ lấy được những binh thư mà Tề quốc đang cần".

Mọi người cùng đắc ý cười phá lên, đưa mắt nhìn ra xa.

Khước Hoàn Độ tâm niệm xoay chuyển, tự nhủ, lại là cái tên Tôn Vũ đó, hôm qua Tống binh đã ở trên đường lùng bắt y, chắc mình và y hình dạng có chút tương đồng, vì vậy chúng mới nhận nhầm. Không biết y là nhân vật thế nào, lại còn dính dáng đến một bộ binh thư.

Thân phận của gã cũng đầy bất trắc, chỉ muốn mau mau rời đi. Vừa định xem xét tình thế, đã thấy một đội binh sĩ nước Tống đi tới tông miếu.

Những tông miếu này là cấm địa đối với thường dân, Khước Hoàn Độ sao có thể để người ta phát hiện, vội lắc mình tránh vào sau đài tế.

Toán quân sĩ đảo tới đảo lui trước cửa, rồi xoay mình bỏ đi. Khước Hoàn Độ đang định lách ra, thì một mùi máu tanh xộc vào mũi gã.

Mùi máu tanh ấy bốc lên từ sau một đống tạp vật. Khước Hoàn Độ đi lại gần nhìn, thấy một người đang nằm sấp dưới đất, gã thò tay sờ xem hơi thở, hóa ra đã chết rồi, nhưng trước ngực vẫn còn âm ấm, có lẽ mới vừa đoạn khí.

Tướng mạo y đúng là có vài phần hao hao Khước Hoàn Độ. Gã nhớ lại mấy cao thủ nước Tề có nhắc đến cuốn binh thư, bèn giật mình lục lọi trên người y, quả nhiên tìm được trong bọc một cuốn sách gấm, tựa đề Tôn Vũ chước binh pháp thập tam thiên".

Khước Hoàn Độ mở thiên đầu tiên xem, trên viết Kế thiên đệ nhất : Binh giả, quốc chi đại sự, tử sinh chi địa, tồn vong chi đạo, bất khả bất sát dã. Cố kinh chi dĩ ngũ, hiệu chi dĩ kế, nhi tác kỳ tình. Nhất viết đạo, nhị viết thiên, tam viết địa, tứ viết tướng, ngũ viết pháp.

Khước Hoàn Độ tim đập thình thình, từng chữ trong sách đều như châu bảo, nói những điều người xưa chưa từng nói đến. Gã toan xem tiếp, ngoài cửa miếu lại vang lên một tràng móng ngựa gõ cồm cộp.

Khước Hoàn Độ nghĩ việc gấp rút trước hết là phải tìm cách thoát thân, lập tức nhấc chân đi, đang định cất bước bỗng quay mình lại, trong đầu nảy ra một kế hoạch táo bạo. Gã thầm phác sơ tính toán, một tay xốc cái xác lên, một tay nhét quyển sách gấm vào trong bọc, ra khỏi miếu mà đi.

Vừa may toà miếu này dựa vào vách núi, phạm vi rất rộng, quân Tống nhất thời khó mà phong toả hết được.

Khước Hoàn Độ thi triển thân pháp, nhanh như quỷ mị, một lát sau đã xuyên vào khu rừng rậm bên chân núi.

Gã ôm cái xác, lướt lên một gò cao. Cạnh một bụi cây, gã đào huyệt sâu, đặt thi thể Tôn Vũ xuống đó.

Khước Hoàn Độ lại trầm ngâm một lúc, rồi từ từ tháo Đồng Long, xếp nó bên cạnh cái xác. Thanh kiếm này đã theo gã vào sống ra chết, lại là vật do phụ thân Khước Uyển trao cho, bây giờ phải từ bỏ nó, đau đớn chẳng khác nào cánh tay bị phế.

Khước Hoàn Độ cảm thấy thương tâm, nhưng tình thế bắt buộc, nếu còn mang thân phận Khước Hoàn Độ lưu lạc bốn phương, e rằng lúc nào cũng có thể táng mạng, làm thế này chẳng qua là bất đắc dĩ mà thôi.

Gã quyết định rồi, bình tâm lại, động tác linh hoạt lên rất nhiều. Huyệt mộ nhanh chóng được san bằng, Khước Hoàn Độ lại nhổ một cái cây ở bên cạnh, trồng lên đó làm dấu hiệu nhận biết.

Tất cả xong xuôi, Khước Hoàn Độ lầm rầm khấn: "Tôn huynh chết có thể nhắm mắt! Khước Hoàn Độ ta dùng tên tuổi của huynh, nhất định sẽ khiến cho binh pháp Tôn Vũ phát dương quang đại, lưu lại uy danh thiên cổ bất diệt".

Khước Hoàn Độ rời khỏi gò nhỏ, mau chóng xuống núi theo một con đường khác. Lần này thân mang quỳ bảo, càng không thể để cho Tống binh chặn đường.

Xuống được tới chân núi, vừa ngước mắt nhìn lên, đã than trời không thấu.

Thì ra tất cả mọi thông lộ đều bị quân sĩ phong bế nghiêm nhặt, chim bay cũng không lọt, nghĩ bụng phải mau chóng tìm cách đối phó.

Đương khi Khước Hoàn Độ ngấm ngầm lo lắng, bên trái lăn tới một cỗ xe ngựa lớn, trước sau đều có Tống binh hộ vệ, hiển nhiên là tọa giá của một nhân vật phong vân.

---- o0o ----

1 Tôn Chu: tức Cảo Kinh, là Vương đô của Trung Quốc thời Tây Chu. Di chỉ hiện nằm ở phía tây bắc Trường An, tỉnh Thiểm Tây.

2 Thành Chu: tức Lạc Ấp, là Đông đô của Trung Quốc thời Tây Chu, là Vương đô thời Đông Chu. Nay thuộc Lạc Dương tỉnh Hà Nam.

i Thời Chiến Quốc lăng tẩm có thiết định chế độ. Quý tộc, đặc biệt là quốc vương, lăng mộ quy cách rất cao, đều có ba vòng tường bao, lần lượt là Nội Cung Viên, Trung Cung Viên và Ngoại Cung Viên.
alt
Đàn Anh Cứ Muốn Tôi
Ngôn tình Sắc, Sủng,Nữ Cường
Thiếu Niên Có Đôi Mắt Kỳ Lạ Và Thứ Nữ Hầu Phủ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Cổ Đại
Cô Giáo Đừng Chạy
Ngôn tình Sắc, Sủng, Nữ Cường
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc