Lại nói chuyện giai nhân Tiêu thị nghe chồng mình là lỗ Kiến Minh nói đã gán nàng cho thổ hào Hoàng Tín Hắc làm thiếp, bất giác giật mình kinh hãi. Bởi vì nếu nghe lời chồng đi làm thiếp cho Hoàng Tín Hắc, dù gì nàng và Lỗ Kiến Minh lấy nhau cũng là do cha mẹ đôi bên đứng ra quyết định. Hơn nữa, nếu nàng làm vậy, thử hỏi Lỗ Kiến Minh sau này còn ngóc đầu lên sao được? Còn nếu nàng không đi, liệu Lỗ Kiến Minh có thoát khỏi sự trói buộc của Hoàng Tín Hắc hay không? Nàng vẫn lo chồng mình bị thổ hào hãm hại.
Theo lý mà nói, gã tú tài Lỗ Kiến Minh này cũng chẳng ra thể thống gì. Không biết cầu tiến, chỉ tham mê cờ bạc, gia sản tổ tiên để lại hắn đã đánh thua sạch, giờ ngay cả người vợ của mình cũng đánh thua nốt! Kính thưa quý vị độc giả, kẻ chẳng ra gì như Lỗ tú tài, quả thật xưa nay cũng hiếm có. Còn giai nhân Tiêu Huệ Lan, nàng không một lời oán than, đủ thấy nàng là người hiền thục như thế nào rồi. Chẳng trách sau khi vụ việc này tấu lên Hoàng đế Càn Long động lòng thương xót, sai lập miếu thờ liệt nữ. Tới nay, những ai ngang qua vùng Kim Lăng hẳn còn thấy miếu thờ liệt nữ họ Tiêu.
Chuyện ngoài lề tạm gác qua một bên. Lại nói chuyện giai nhân Tiêu Huệ Lan, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, thầm nghĩ:
- Thôi thôi chuyện đã đến nước này, ta cũng chỉ còn biết làm vậy mà thôi. Âu cũng là mệnh ta phải vậy, ta chẳng có cách nào làm khác được.
Tiêu Huệ Lan lại nghĩ thầm: Chi bằng nay ta liều thân cho tròn danh tiết những sao trước khi chết không để lại vài bản thơ một là bày tỏ nỗi khổ trong lòng, hai là khuyên giải chồng ta mau chóng quay đầu lại, sửa lỗi lầm trước đây. Giai nhân họ Tiêu nghĩ xong, lập tức cởi giải lĩnh bên hông ra, cột lên xà nhà phía trên đầu giường. Sau đó mang văn phòng tứ bảo ra, mài mực thật đậm, chấm no ngòi bút, viết lên một mạch mười hai "Tuyệt mệnh từ" đều thuộc thể thất ngôn tứ tuyệt.
Bài thứ nhất:
Phong vũ thê thê lệ ám thương
Thuần y bất nại ngũ canh lương
Huy hào dục ta ai tình sự
Đồ khởi tâm dầu cánh đoạn trường
Dịch thơ
Sùi sụt gió mưa ngấn lệ vương
Chịu sao áo rách lạnh đêm sương
Buồn tình nâng bút toan ghi lại
Nhắc đến lòng thêm nỗi đoạn trường.
Bài thứ hai:
Phong xuy đình trúc vũ tuyên hoa
Bách truyền ưu sầu chi tú gia
Đăng nhụy bất tri thành vĩnh quyết
Kim tiêu ưu kết nhất chi hoa
Dịch thơ :
Gió thổi tre ru trước mái nhà
Ngổn ngang trăm mối chỉ mình ta
Hoa đèn đâu biết là xa mãi
Như héo đêm nay một nhánh hoa
Bài thứ ba:
Độc tọa mao thiềm tạp hận đa
Sinh thần vô nại mệnh như hà
Thế gian đa thiểu quần thoa nữ
Thiên nga ủy khuất thụ tiết ma
Dịch thơ:
Mình ngồi thềm cỏ hận bao nhiêu
Nay đúng ngày sinh mạng tính liều
Bao khách quần thoa trong cuộc sống
Riêng ta buồn tới chịu sao nhiều.
Bài thứ tư:
Nhân ngôn bạc mệnh thị hồng nhan
Ngã tỷ hồng nhan mệnh diệc nan
Thuyên khởi thanh hệ cân nhất bạc
Cấp lang quan khán lê hằng ban
Dịch thơ:
Ai răng mệnh bạc ấy hồng nhan
Ta sánh hồng nhan mệnh bạc hơn
Một giải lụa xanh treo rút ngược
Đề chàng trông thấy lệ mi tràn.
Bài thứ năm:
Thị thùy thiết thử mê hồn trận
Lung lạc nhi phu mộ chí triêu
Thân quyện nang không quy ngọa hậu
Chẩm biên do tự hô huyền huyền
Dịch thơ:
Ai bày ra cái mê hồn trận
Lung lạc chồng em sáng đến chiều
Rời rã túi không về đã ngủ
Còn nghe bên gối gọi yêu yêu(l)
Bài thứ sáu:
Phần hương triết thọ cáo thương thiên
Mặc hựu nhi phu duy tảo hoàn
Thúc thuỷ phụng thiên thư giáo tử
Thân quy hoàng thổ diệc an nhiên
Dịch thơ:
Đốt hương khấn vái đấng cao dày
Phù hộ chồng con chóng trở về
Cơm nước mẹ cha con sách dạy
Thiếp về chín suối cũng yên bề.
Bài thứ bảy:
Điệu hòa cầm sắt lưỡng tương y
Vong mệnh như ty dán tịch phi
Ưu hữu nhất điều nan giải sự
Sàng đầu ấu tử thủ cô vi
Dịch thơ:
Hài hòa chồng vợ kết làm đôi
Mạng mỏng như tơ sớm đứt rời
Canh cánh một điều khôn giãi tỏ
Đầu giường con trẻ níu màn côi.
Bài thứ tám:
Thương hải tang điền thổ biến thiên
Nhân sinh bách tuế tống quy tuyền
Thu tín cao đường đa trân trọng
Triệt mạc bi ai tổn thiên niên
Dịch thơ:
Biển biếc ruộng dâu đất đổi dời
Suối vàng trăm tuổi thảy về thôi
Mẹ cha thưa lại nên gìn giữ
Chớ đề buồn thương hại tuổi trời
Bài thứ chín:
Ám yếm sài phi dĩ tự tri
Vong mênh tự tử diệc như quy
Thương tâm cánh hữu ni nam yến
Lai vãng song tiền cách tự phi
Dịch thơ:
Cánh phên nhẹ khép tự mình hay
Chết cũng như về mạng sống này
Bầy én líu lo lòng những xót
Trước song qua lại cứ vờn bay
Bài thứ mười:
Vi nhân hà bất hỷ dư sinh
Ngã hỷ dư sinh thế bất hành
Kim nhật huyền lương vĩnh biệt khứ
Tha niên minh phủ tố ly tình
Dịch thơ:
Đời người ai chẳng tiếc hay sao?
Cuộc sống này ta tiếc được nào!
Treo ngược lên xà nay vĩnh biệt
Tình xa âm phủ kể năm nao.
Giai nhân Tiêu Huệ Lan viết xong "Tuyệt mệnh từ" bèn gấp lại, bỏ vào trong ống tay áo rồi mới đứng dậy, cổ ngà khẽ duỗi ra, đưa vào vòng dây lĩnh, thân hình khẽ thả xuống chỉ một lúc sau đã xuống tới hoàng tuyền.
Giai nhân họ Tiêu treo cổ tự tận cũng bởi nàng chẳng còn cách nào khác để lựa chọn. Nếu người ta còn một tia hy vọng sống, nào ai nỡ chịu tự tận cho đành?
Tạm gác chuyện Tiêu thị tự ải qua một bên, giờ ta lại nhắc tới tú tài Lỗ Kiến Minh. Hắn trong sòng bạc chầu rìa, ngó nghiêng hồi lâu, đến nỗi nghiêng đầu, nghẹo cổ đau cả đầu. Tới khi trời sáng, đám bạc cũng tan, chẳng còn gì nữa, hắn đành mò về nhà, vừa đi vừa nghĩ: Về nhà xem còn đồng nào lấy nốt, nếu không còn tiền, ta bán căn nhà đi rồi tới sòng bạc, quyết một trận được thua. Ta không tin vận ta cứ tồi mãi thế. Người ta chọn đỏ, ta chọn đen, cả ba ván đều thua cả. Lỗ Kiến Minh vừa nghĩ vừa đi lên, vượt đường ngang, ngõ tắt không hề chậm bước. Không lâu sau đã tới trước cửa, hắn sải bước, lách mình đi vào trong, xộc thẳng vào phòng ngủ. Ngẩng đầu nhìn lên thấy thi hài Tiêu thị treo lủng lẳng phía đầu giường, bên trên là một giải lĩnh cột ngay nơi cổ. Lỗ Kiến Minh thấy vậy, bất giác tá hỏa tam tinh, trong lòng vô cùng sợ hãi, vội xoay mình chạy thẳng ra ngoài, vừa chạy vừa nghĩ: Tiêu thị tự ải chết rồi. Trần thị mẹ hắn ở nhà trên thấy Lỗ Kiến Minh như vậy cũng giật mình kinh hãi. Bà ta vội vàng chạy ra sân, gọi Lỗ Kiến Minh nói:
- Sao con lại kinh hãi lắm vậy?
Lỗ Kiến Minh lệ chảy đầy cằm, nói:
- Mẹ à, con tối qua ra ngoài, sáng nay mới trở về nhà, không biết tại sao Tiêu thị đã treo cổ tự ải rồi.
Trần thị nghe xong giật thốt mình, nói:
- Ôi đại họa giáng xuống nhà ta rồi!
Trần thị nghe Lỗ Kiến Minh nói xong, vội vàng chạy vào phòng của Tiêu Huệ Lan, nhìn vào, thấy đúng như lời Kiến Minh nói. Chỉ thấy bà ta quay sang nói với Lỗ Kiến Minh:
- Con à, chuyện này phải xử trí sao đây? Biết phải làm sao đây?
Lỗ Kiến Minh nói:
- Việc đã đến nước này, giờ chỉ còn cách gửi một phong thư tới nhà cô ấy đợi người nhà bên ấy tới rồi mới quyết được.
Trần thị nghe Lỗ Kiến Minh nói vậy, liền nói:
- Con à, nếu vậy con hãy qua bên đó một chuyến. Đi sớm rồi về cho sớm!
Lỗ Kiến Minh ứng tiếng, xoay mình đi ra ngoài. Chuyện ở đây tạm gác qua một bên.
Lại nói tới chuyện cha mẹ của Tiêu Thị sống ở tây bắc trấn Hoàng Trì, trong một thôn tên gọi Thái Bình Tập, cách trấn Hoàng Trì chừng hơn ba dặm đường. Cha nàng tên gọi Tiêu Thành mẹ nàng là Vu thị. Tiêu Thành là một văn nhân, tính tình trung hậu, không có con trai, hai vợ chồng già chỉ có duy nhất một mình Huệ Lan nên yêu quý nàng như bảo bối. Chẳng may gả nàng cho kẻ chẳng ra gì, chỉ biết ham mê cờ bạc nên trong lòng họ luôn thương xót cho nàng. Hôm ấy đúng vào ngày mùng Năm tháng Năm. Hôm trước, hai vợ chồng già đã bàn nhau sang nhà con rể đón con gái về nhà ăn Tết. Hai người đang ngồi nói chuyện với nhau, chợt ngẩng đầu lên, thấy thằng con rể đã đứng lù lù trước mặt, mặt mũi rầu rĩ, ủ ê. Hai vợ chồng Tiêu Thành thấy vậy vội vàng đứng dậy, nói:
- Con rể hãy ngồi xuống. Sao hôm nay tới đây sớm vậy. Phải chăng con gái ta bảo con tới đây gọi ta tới đó đón nó ư?
Lỗ Kiến Minh nghe bố vợ là Tiêu Thành nói vậy, chưa kịp mở lời, nước mắt đã chảy như mưa.
Lỗ Kiến Minh nghe bố vợ là Tiêu Thành hỏi xong, trong lòng hắn có cảm giác như bị ngàn vạn mũi tên bắn vào vậy. Chỉ kịp gọi mấy câu "nhạc phụ" rồi nước mắt tuôn chảy đầy mặt, một hồi sau mới nói:
- Hôm nay con tới đây là bởi con gái của cha mẹ đã treo cổ tự tử rồi. Tối qua con lang thang bên ngoài không về nhà, sáng sớm nay mới về. Không hiểu vì nguyên nhân gì, đẩy cửa bước vào đã thấy nàng treo cổ, hồn xuống trình diện Diêm Vương rồi...
Tú tài chưa kịp kể hết chuyện, đôi vợ chồng già đã giật mình kinh hãi, sắc mặt lập tức biến đổi, chuyển sang màu vàng như nghệ. Một hồi lâu sau họ mới dần bình tĩnh lại, nói:
- Con rể nói thật đấy chứ? Xem ra ắt hẳn phải có ẩn tình bên trong, con phải kể ra, tuyệt đối không được giấu giếm. Con gái ta được đọc thi thư, thông hiểu lễ nghĩa, tam tòng, tứ đức đều rõ cả, không thể vô duyên vô cớ tự tử được. Xem ra phải có nỗi niềm khó giải quyết lắm nó mới phải làm vậy. Con phải kể rõ cho bọn ta nghe, đã có cha đây đứng ra giải quyết. Nếu con quanh co không kể thực ra, con gái lão dù chết cũng chỉ là chết oan uổng mà thôi! Đã vậy, ta đành phải đưa một lá đơn kiện lên nha môn, tới lúc ấy, con đừng trách bố vợ đây tuyệt tình với con rể.
Tú tài nghe bố vợ nói như vậy, sợ đến nỗi mặt vàng như nghệ, vội vàng kêu liền mấy tiếng "nhạc phụ", sau đó nói:
- Con thực cũng không dám nói sai...
Rồi kể lại sự việc thật tỷ mỉ một lượt:
- Bởi tham đánh bạc nên gây ra tai họa, thua nhà họ Hoàng ba trăm lạng bạc. Hoàng Tín Hắc không cho khất nợ, đòi phải trả ngay. Hắn nói: Không cho dây dưa, ngày hôm sau phải trả đủ số. Con chẳng còn cách nào khác, đành phải gán vợ hiền cho hắn...
Lỗ Kiến Minh chưa dứt lời, Tiêu Thành đã nổi giận đùng đùng, nói:
- Con rể, chuyện này con đã xử sự sai rồi! Con đâu phải loại người không hiểu lý lẽ. Ngay từ khi rất trẻ đã đỗ tú tài, vậy mà không chịu dùi mài kinh sử cầu tiến lại một lòng đam mê cờ bạc. Nhà cửa, ruộng vườn thua hết sạch. Con thử nghĩ xem, trên đời này đâu ít người đánh bạc nhưng có ai đem vợ mình ra quyết thắng thua như con không? Thực hổ cho một tú tài như con! Đúng là con đã làm nhục thanh danh của Đức thánh Khổng rồi! Chẳng trách nào con gái ta phải treo cổ tự tử! Đánh bạc lại đem người khác ra gán nợ, đó là hành vi của loại người vạn ác không từ! Thôi thôi, chuyện đã đến nước này, thực khiến ta tức chết đi được. Ta nhất định phải cùng tên ác tặc Hoàng Tín Hắc lên huyện nha của huyện Tuyên Thành một chuyến mới được! Con rể, con hãy tạm trở về nhà, chuyện này không liên can gì tới con.
Tiêu Thành nói xong, lập tức ra phía sau thay quần áo lại trở ra ngoài gọi tên người hầu bảo đi thuê cho mình một cỗ kiệu nhỏ hai người khiêng tới đợi trước cửa.
Tới vùng phương Nam, bất luận là nam hay nữ, hễ ra khỏi cửa họ đều ngồi kiệu cũng như người Bắc Kinh ngồi xe vậy. Chuyện ngoài lề tạm gác qua một bên, giờ xin trở lại với chính chuyện.
Lại nói chuyện Tiêu Thành nổi giận đùng đùng đi ra khỏi cửa, bước lên cỗ kiệu nhỏ hai người khiêng. Kiệu phu tiến lên vén rèm cho ông lên, nhấc kiệu lên vai, nhằm hướng đường lớn dẫn tới huyện Tuyên Thành thẳng tiến.
Chỉ thấy Tiêu Thành ngồi trên kiệu hai người khiêng đi trên đường lớn dẫn tới huyện Tuyên Thành. Thái Bình Tập chỉ cách huyện khoảng sáu dặm đường đất. Cỗ kiệu chỉ trong chớp mắt đã tới nơi. Kiệu phu khiêng kiệu vào huyện Tuyên Thành, đặt kiệu xuống vạt đất bằng phẳng. Tiêu Thành sải chân bước xuống, dõi mắt nhìn lên, thấy mé đông con đường có một quán rượu. Tiêu Thành thấy vậy bèn bước thẳng vào quán, chỉ thấy trong quán vô cùng náo nhiệt. Tiêu cử nhân vừa chọn được một chỗ ngồi xuống, tên tửu bảo đã vội vã chạy tới trước mặt thi lễ nói:
- Tiêu tiên sinh, lâu lắm rồi không thấy ghé qua tệ quán.
Hôm nay vào huyện không biết có việc gì? Sao vào huyện sớm vậy?
Tiêu Thành nghe hỏi, trả lời, nói:
- Có chút việc cần gặp huyện lão thái gia. Ông cho tôi mượn nghiên, bút dùng một chút.
Tửu bảo đáp:
- Có ngay.
Rồi mang những thứ bút, nghiên, giấy, mực bày cả ra bàn, sau đó lập tức quay sang phục vụ các khách hàng khác. Tạm gác chuyện tên tửu bảo qua một bên, giờ ta lại nói chuyện Tiêu Thành Tiêu cử nhân mài mực, chấm no ngòi bút cầm trên tay, vung múa như bay trên mặt trang giấy trắng. Chẳng ban lâu, lá đơn kiện đã được viết xong. Tiêu Thành cầm lá đơn kiện trên tay, rời khỏi quán rượu, dọc theo đường lớn đi về phía nam, tới ngã tư lại rẽ sang hướng Tây. Nha môn huyện nằm ở phía bắc đường lớn. Trước cửa nha môn, đám công sai đang vui đùa ấm ỹ. Tiêu Thành thấy vậy bèn đi thẳng vào trong, gặp đúng lúc quan huyện đang thăng đường xét việc. Tiêu cử nhân tới trước án đường không làm lễ quỳ lạy, chỉ khẽ khom lưng, miệng hô "quan phụ mẫu", nói:
- Học sinh có chuyện bất bình, mong quan phụ mẫu đứng ra phán xử.
Nói xong, hai tay dâng cao lá đơn kiện. Uông tri huyện ngồi trên công đường nói:
- Thư lại nhận đơn, đem lên đây bản huyện xem.
Đám thuộc hạ lập tức dạ rân, xoay mình, sải bước xuống phía dưới, nhận lá đơn, trình lên tri huyện Uông Tự Minh.
Uông tri huyện đưa tay ra đón lấy lá đơn kiện của Tiêu Thành dõi mắt xem, chỉ thấy trên đó viết:
- Tiểu nhân là Tiêu Thành, cử nhân thôn Thái Bình Tập huyện Tuyên Thành tỉnh Giang Ninh. Bởi ác nhân Hoàng Tín Hắc ép người gán nợ khiến con gái của cử nhân là Tiêu Huệ Lan phải tự tử. Tên thổ hào này không từ một tội ác nào, mong quan phụ mẫu đứng ra làm chủ, mau chóng bắt Hoàng Tín Hắc báo thù cho cử nhân. Được vậy, Tiêu Thành đời đời kiếp kiếp chịu ơn.
Uông tri huyện xem xong, thấy đây là vụ án liên quan đến mạng người nên không dám chậm trễ, lập tức dặn dò chuẩn bị kiệu, ngựa cùng Tiêu cử nhân tới trấn Hoàng Trì khám nghiệm tử thi. Thủ hạ ứng tiếng dạ rân, lập tức chuẩn bị thỏa đáng.
Uông tri huyện bước ra khỏi công đường, lên kiệu. Chấp sự đi trước kiệu lần theo sau, rời khỏi nha huyện. Cử nhân Tiêu Thành cũng bước lên cỗ kiệu nhỏ của ông ta, đi theo phía sau. Cả đoàn đi thẳng tới trấn Hoàng Trì. Không lâu sau đã tới trước cửa nhà Lỗ tú tài tại Hoàng Trì trấn.
Uông tri huyện tới trấn Hoàng Trì, tới trước nhà họ Lỗ thì dừng kiệu. Kiệu phu hạ kiệu, đỡ ông ta xuống. Vừa định bước vào bên trong đã thấy tú tài Lỗ Kiến Minh ra quỳ lạy trước kiệu. Sau khi báo tên xong, đứng dậy, lui ra phía sau. Lúc này, kiệu của bố vợ hắn là Tiêu Thành cũng tới nơi. Kiến Minh đi trước dẫn đường, tri huyện theo sát phía sau, đằng sau nữa là Tiêu cử nhân. Đoàn người tiến thẳng vào nhà họ Lỗ xem xét hiện trường. Công án được bày ngay trong sân. Uông tri huyện hỏi:
- Tiêu thị tự tận tại phòng nào?
Lỗ tú tài đưa tay ra chỉ. Uông tri huyện bèn tiến thẳng vào tới trước cửa gian phòng phía tây thì dừng lại, nhìn vào trong chỉ thấy giai nhân họ Tiêu treo cổ ngay nơi đầu giường, một giải lĩnh cột ngay ở cổ. Xem ra nàng vẫn chưa tới ba mươi, tuổi tác chỉ độ hai nhăm đang xuân. Trên mình nàng mặc bộ áo váy màu lam, nhìn kỹ lại thấy có trang giấy viết thập thò trong ống tay áo. Tri huyện thấy vậy bèn tiến vào phòng, tới trước cỗ thi thể, dừng lại, nhìn ngó một hồi, cất giọng, nói:
- Lỗ tú tài, hãy nghe đây: Hãy mau lấy giấy tờ trong tay áo vợ ngươi ra đây cho bản phủ xem.
Lỗ tú tài ứng tiếng, bước tới, nhìn kỹ lại nơi ống tay áo hiền thê, quả nhiên thấy trong đó có mấy tờ giấy. Kiến Minh thấy vậy không dám trễ nải, lập tức với tay lấy ra, trình lên Uông tri huyện. Uông tri huyện đón lấy, đưa lên xem, thì ra trên đó viết mười bài tuyệt mệnh từ đều thuộc thể thất ngôn tứ tuyệt, nét chữ rõ ràng, sắc sảo. Tri huyện xem xong khẽ gật đầu, miệng thầm tán thưởng:
- Người ta nói hồng nhan bạc mệnh, thường ngôn tục ngữ ấy là chân tình.
Huyện lệnh than thở một hồi, đưa mắt nhìn Tiêu Thành nói.