https://truyensachay.net

Lưu Công Kỳ Án

Chương 70: Miếu Thánh Thủy, Bà Lão Mất Con Gái Yêu

Trước Sau

đầu dòng
Chuyện kể rằng hôm ấy Lưu đại nhân đang ngồi trên công đường phán xét đơn từ của dân, bỗng thấy một phụ nữ quỳ xuống bên cửa, miệng kêu to:

- Oan khuất quá gia gia!

Đám người trong nha môn thấy vậy vội xông tới, đẩy người ấy ra ngoài, quát bảo:

- Chớ kêu gào. Chớ kêu gào!

Nhưng phụ nữ kia đời nào chịu nghe theo? Bà cuống lên, kêu lớn:

- Nếu không cho gặp lão gia, tôi sẽ đập đầu chết tại đây!

Lưu đại nhân thấy vậy, lập tức dặn dò tả hữu:

- Chớ ngăn cản, để bà ta vào đây.

- Dạ!

Đám công sai ứng tiếng, quay trở lại vị trí của mình. Tới lúc này, phụ nữ nọ mới lên công đường, quỳ sụp xuống. Lưu Đại nhân ngồi trên cao dõi mắt nhìn xuống.

Người đang kêu quan bên dưới công đường là một bà già tuổi độ thất tuần, sắc mặt già cỗi, hình như đang có bệnh, quỳ dưới công đường thỉnh thoảng lại húng hắng ho. Người ấy vấn khăn trên đầu, mình mặc tấm áo chèn bằng vải thô màu lam, quần vải màu xanh, một cây gậy trúc đặt ngay bên cạnh. Đại nhân nhìn xong, mở lời hỏi:

- Bà lão kia, có gì oan ức cứ nói với ta.

Bà lão nghe vậy, bò lên nửa bước, luôn miệng kêu "thanh thiên" nói:

- Khai bẩm đại nhân: Dân phụ vốn sống tại phủ Giang Ninh, nhà ở ngõ Thúy Hoa. Chồng của dân phụ họ Lý tên Quý, vốn đã qua đời từ lâu. Dân phụ chỉ có một đứa con gái không có con trai. Năm nay, con gái dân phụ vừa tròn mười chín tuổi. Đáng mừng rằng nó là đứa rất có hiếu. Không phải dân phụ nói hay cho con gái mình đâu. Mà dân chúng quanh vùng ai ai cũng biết cả. Chỉ vì dân phụ mang bệnh trong mình, xem ra chẳng còn sống được bao lâu nữa. Con gái dân phụ một lòng hiếu thảo, nó nói với dân phụ rằng: Nó nói, con nghe người ta đồn, cách nhà ta ba dặm có một ngôi miếu, trong miếu đó toàn là sư nữ thắp hương tu hành. Cái tên "Thánh Thủy cô cô" ai cũng biết. Trong miếu có một cái giếng, "Thánh Thủy" trong miếu ấy linh diệu vô cùng, hễ những ai có bệnh trong mình, bất kể bệnh đã mắc từ lâu hay vừa mới nhiễm, hễ uống được nước ấy, bệnh tình đến khỏi cả. Hôm nay con sẽ tới miếu ấy cầu xin thánh thủy về chữa bệnh cho mẹ. Dân phụ nghe vậy không cho nó đi vì thân gái sao có thể vào chốn đền miếu. Con gái dân phụ nói: Miếu ấy không phải là miếu nam tăng tu hành, đều là sư nữ thắp hương tu luyện. Dân phụ cũng muốn mình khỏi bệnh, bèn nói: Mau đi cho sớm rồi về cho sớm. Con gái dân phụ vội thay quần áo, nó ra khỏi nhà vào khoảng giờ tý. Dân phụ ở nhà đợi suốt một ngày một đêm vẫn không thấy nó quay về, dân phụ nghĩ chắc hẳn trên đường đi nó đã gặp phải lũ cường đạo.

Lưu đại nhân nghe tới đây vội chen lời, nói:

- Bà lão nghe ta nói đây: Bản phủ hỏi bà: Bà đã biết rằng con gái trẻ không nên một mình vào miếu, cần phải nhờ ai đó đi cùng cô ta mới phải, vậy tại sao còn để con gái một mình ra khỏi cửa? Thế là bà đã sai rồi.

Bà cụ nói:

- Bẩm đại nhân: Lúc con gái dân phụ đi, dân phụ từng nói với nó: "Con hãy tới nhờ Vương lão bá ở bên đông đi cùng. Con gái dân phụ nghe xong, nói: "Mẹ à, người ta nói Thánh Thủy cô cô ở miếu Thánh Thủy từng nói trước rằng, nếu ai tới xin nước thánh chỉ được là người thân, không được để người lạ đi cùng. Hơn nữa, nam nhân không được phép vào miếu. Do đó, con gái của dân nữ mới đi một mình. Lão gia ơi, tới nay đã chẵn ba ngày rồi, chắc hẳn trên đường đi nó đã gặp phải kẻ ác, chúng đã bắt con gái dân phụ rồi. Mong đại nhân đứng ra bênh vục cho dân phụ.

Nói xong vội vàng dập đầu lạy.

Đại nhân nghe vậy, trong lòng thoáng trầm ngâm, nói:

- Phải chăng trong miếu xảy ra chuyện gì? Nếu không, tại sao lại không cho nam nhân vào miếu? Hơn nữa, miếu mạo vốn là nơi đón khách thập phương, trong này hẳn có ẩn tình chi đây? Chuyện này cần phải thế này, thế này mới có thể làm rõ được

Đại nhân nghĩ xong, đưa mắt nhìn bà lão nói:

- Sau đó thì thế nào?

Đám công sai đứng hai bên quát vang:

- Nói mau!

Đại nhân nói:

- Các ngươi không được ra oai khiến bà lão sợ!

- Dạ!

Đám người mặc áo xanh ứng tiếng, sắp hàng đứng hầu hai bên. Chỉ thấy bà lão ngước nhìn lên, nói:

- Bẩm đại nhân. Dân phụ đã nhờ hàng xóm đi dò hỏi khắp dọc đường, lại tới tận miếu xem tình hình. Trở về, người trong xóm nói đi khắp nơi dò hỏi mà vẫn không tìm ra tung tích. Không biết thi thể con gái của dân phụ giờ ở nơi nào, dân phụ chẳng còn cách nào khác, đành phải tìm tới nha môn. Mong đại nhân thương xót cho hoàn cảnh của dân phụ không nơi nương tựa đèn trời soi xét cho.

Lưu đại nhân thấy hoàn cảnh của bà lão này thực đáng thương liền nói:

- Ngươi chớ quá lo, nghe ta nói đây. Ta hỏi bà, trong miếu ấy có bao nhiêu tăng ni? Có nhiều khách hành hương tới đó cúng lễ không? Nữ tăng trong đó như thế nào? Tuổi tác của họ ra sao? Nếu biết, bà hãy mau kể cho rõ, mau kể ra xem sao?

Bà lão dập đầu lạy, luôn miệng hô "đại nhân", nói:

- Dân phụ không hề biết chút gì, chưa từng tới miếu ấy lần nào.

Bà lão còn chưa nói hết câu, một viên công sai mặc áo xanh đã tiến ra, quỳ xuống.

Chỉ thấy một viên công sai tiến ra, chắp tay vái, nói:

- Bẩm đại nhân, tiểu nhân biết chút ít về tình hình ngôi miếu ấy. Nhà tiểu nhân cách ngôi miếu ấy không xa. Ngôi miếu này nằm ở bên ngoài cửa Nam, phía góc tây bắc, ở phía bắc Vương Gia thôn, miếu ở phía bắc, hướng về phía nam. Ngôi miếu này cả thảy có năm dãy, đều mới được xây. Dãy đầu tiên thờ Dược Vương. Dãy thứ hai thờ Tống Tử nương nương, bên cạnh đèn lồng có treo một đồng tiền vàng lớn, nghe nói là trồng tiền. Dãy thứ ba thì Linh Quan. Tăng ni trong miếu pháp hiệu là Ngô Thanh, tuổi độ ngoài ba mươi, to béo. Bởi bà ta có thể dùng nước thánh chữa bệnh nên từ quân tới dân trong vùng đặt cho bà ta ngoại hiệu là "Thánh Thủy nương nương". Bà ta có bảy, tám đệ tử tuổi tác đều ở độ hai mươi, còn có ba tăng ni khác tuổi độ ngoài năm mươi chỉ làm việc trong nhà bếp. Vào những dịp mùng một, ngày rằm, đàn ông, con trai mới được vào miếu thắp hương. Những ngày khác chỉ có phụ nữ, con gái được vào. Bẩm đại nhân, vốn là nước thánh trong miếu ấy rất linh nghiệm. Bất luận bệnh gì, hễ được uống vào là khỏi. Hơn nữa, tăng ni trong đó giữ giới luật rất nghiêm. Thông thường họ không được phép tùy tiện xuất môn.

Lưu đại nhân nghe xong, nghĩ thầm trong bụng:

- Vụ này, theo bản phủ hẳn phải có ẩn tình bên trong.

Đại nhân nghĩ xong, khẽ xua tay. Viên công sai đứng sang một bên như cũ. Lưu đại nhân đưa mắt nhìn bà lão, nói:

- Được rồi, bản phủ nhận đơn kiện của bà. Năm ngày sau mời tới công đường nghe phán xử. Bên ngoài không còn làm huyên náo mau lui ra đi.

Lưu đại nhân ngồi trên cao, nói:

- Bà lão nghe ta nói đây. Chớ nên ra ngoài làm ầm ỹ. Bản phủ sẽ thay bà điều tra rõ ràng.

Bà lão vội vàng ứng tiếng, dập đầu lạy xong bước.ra ngoài, tự đi về nhà. Chuyện tạm gác qua một bên. Lại nói chuyện Lưu Đại nhân. Đại nhân thấy bà lão đã đi ra bèn hạ lệnh bãi đường, lại vào phòng trong. Ba ban nha dịch tản đi, ai về nhà nấy nhung vẫn còn một số người ở lại hầu trong nha phủ. Không nhắc tới chuyện đám công sai bên ngoài nữa, giờ ta lại nhắc tới chuyện Lưu đại nhân đi vào phòng trong. Chỉ trong chớp mắt đã về tới thư phòng, Trương Lộc vội dâng trà nước lên. Hiền thần uống xong, để chén qua một bên, dặn mau đi xem cơm nước ra sao. Tên người hầu ứng tiếng, đi xuống bếp. Không lâu sau đã thấy trở lên, trên tay xách một cái hộp đựng thức ăn. Hắn vội lấy thức ăn ra, bày lên mặt bàn. Đại nhân thấy vậy lập tức ngồi xuống, ăn liền một hơi ba bát cơm, trên bàn ăn chỉ còn lại một chút nước canh. Trương Lộc thấy vậy, trong lòng bực bội nghĩ thầm:

- Muốn ông ta chừa lại một chút quả là điều không thể!

Rồi hậm hục dọn dẹp bát đũa mang đi. Khi quay lại lại mang lên cho đại nhân chén trà. Đại nhân nhìn Trương Lộc, nói:

- Người đi ăn cơm, mau trở lại ta có việc muốn bảo.

Tên hầu nghe vậy, nói:

- Cơm chưa chín, bánh bao còn chưa hấp. Vương Năng mới làm thức ăn, còn đang đun nước đợi luộc hành.

Đại nhân nghe xong, nói:

- Nếu vậy, ngươi hãy mau đi gọi Đại Dũng tới đây ta có chuyện cần bàn.

- Dạ!

Tên người hầu ứng tiếng, xoay mình đi ra. Không lâu sau đã thấy Trương Lộc đi trước, Đại Dũng theo sau, hai người tiến vào thư phòng. Trương Lộc đứng qua một bên. Trần Đại Dũng đứng trước mặt đại nhân chắp tay chào, nói:

- Đại nhân cho gọi tiểu nhân không biết có chuyện gì?

Lưu đại nhân thấy vậy, nói:

- Đứng lên, đứng lên.

Hảo hán nghe vậy, đứng dậy, bước qua một bên đợi lệnh.

Đại nhân quay đầu sang, nói:

- Lộc Nhi, mau kiếm cái ghế cho anh ta ngồi. Bản phủ có điều muốn nói với anh ta.

- Dạ!

Tên hầu ứng tiếng, vội đi tìm ghế mang lại. Trương Lộc đưa mắt nhìn Đại Dũng, nói:

- Đại nhân bảo anh ngồi xuống kìa.

Hảo hán thấy vậy vội tiến lên một bước, chắp tay vái, nói:

- Đại nhân ở đây tiểu nhân sao dám ngồi?

Lưu đại nhân nói:

- Không hề gì. Người cứ việc ngồi xuống.

Hảo hán nghe vậy vội vàng tạ ân rồi mới dám ngồi xuống.

Đại nhân đưa mắt nhìn anh hùng, nói:

- Bản phủ cho gọi anh tới đây chính vì vụ án khi nãy. Vụ Lý thị mất con gái ấy. Theo ý ta, chắc chắn trong miếu có ẩn tình. Nhất định bản phủ phải tới đó dò xét, quan sát đám tăng ni trong miếu. Hảo hán hãy cùng ta đi một chuyến, phải như vậy mới bảo đảm được bình an. Nếu trong khi đi dò xét phải bắt kẻ hung ác thì đó sẽ là công của hảo hán vậy. Chớ nên thoái chí tụt lùi, sau này nhất định bản phủ sẽ để anh thăng tiến.

Trần Đại Dũng vội đúng dậy, nói:

- Đại nhân dặn dò, tệ chức đâu dám không tuân? Cho dù phải nhảy vào bồn lửa, vạc dầu, tệ chức cũng cam tâm. Chẳng qua đó cũng vì ân quan đối xử với tôi khác hẳn với người khác mà ra.

Đại nhân nghe vậy, trong lòng vô cùng hoan hỷ, lộ rõ nét tươi vui.

Lưu đại nhân và Đại Dũng nói chuyện với nhau, lúc này thái dương đã khuất hẳn sau non Tây. Đại nhân nhìn Trương Lộc, hạ lệnh:

- Bày cơm!

Trương Lộc ứng tiếng, xoay mình đi ra.

Kính thưa quý vị độc giả, hẳn các vị sẽ hỏi tại sao đại nhân lại trọng đãi đối với Trần Đại Dũng như vậy. Cho phép anh ta ngồi, còn thưởng cơm cho anh ta ăn nữa. Tại sao lại vậy? Bởi vì trong đó có nguyên nhân của nó: Thứ nhất, Trần Đại Dũng vốn xuất thân từ hàng khoa giáp, đúng vào hàng võ cử. Thứ hai là bởi anh ta có bản lĩnh thật sự. Hơn nữa, Lưu đại nhân tuy là quan tứ phẩm, là mệnh quan của Thiên tử, nắm hình luật đứng ra phán xử cho dân nhưng chẳng qua ông ta cũng chỉ biết dựa vào tài học của mình mà thôi, chỉ biết suy luận xét việc tính kế bắt tội phạm. Đó chính là bản lĩnh của ông ta. Hơn nữa, còn câu này, tính kế bắt tội phạm, nếu ông ta không đủ sức bắt, chẳng lẽ ông ta lại phải đích thân ra tay hay sao? Lý nào là vậy? Do đó, vị lão gia này mới rất coi trọng Trần Đại Dũng, chính vì muốn anh ta tận tâm trong công việc mà thôi. Đó chính là "Hoa mẫu đơn tuy đẹp, vẫn cần có lá xanh điểm tô" Giờ xin trở lại với chính truyện.

Lại nói chuyện Trương Lộc trở ra không lâu, một lúc sau đã quay trở lại với khay thức ăn trên tay. Vào phòng, đặt cả lên bàn Bát tiên, sắp từng món một ra. Có những món gì vậy? Có thể nói là hôm nay tiếp khách nên cơm canh cũng ngon hơn hẳn ngày thường: Một đĩa thịt nướng, một bát canh đậu vàng, một đĩa hành củ trộn tương, một bát đậu phụ, thêm vào thứ lặt vặt khác cùng mấy cái bánh nướng còn thừa từ hôm trước, hai bát cháo. Lưu đại nhân mở lời, nói:

- Trần Đại Dũng, lại đây! Hai chúng ta dùng cơm!

Hảo hán thấy vậy lại chắp tay, nói:

- Đa ta đại nhân ban thưởng.

Rồi mới ngồi xuống, cùng cầm đũa lên. Chỉ một lúc sau đã ăn cơm xong. Trương Lộc đuổi hết người hầu đi, dâng trà lên.

Lưu đại nhân cầm chén trà trên tay, đưa mắt nhìn hảo hán.

Lưu đại nhân ngồi trên ghế chủ, nói:

- Đại Dũng, vụ án bà lão mất con gái rất khó phán xét. Tục ngữ nói: làm quan không chủ trì được cho dân thực uổng phí tước lộc của nhà vua. Vừa đúng mai là ngày rằm, hai ta sẽ giả làm khách hành hương đi một chuyến tới miếu Thánh Thủy thăm dò động tịnh. Nhất định là chúng dùng lời yêu trá mê hoặc đám ngu dân. Người xưa nói: Miếu lớn thường có điều nguy hiểm, nhất định trong đó phải có ẩn tình. Sau khi nắm rõ chân tình rồi ta sẽ trở về hạ lệnh bắt lũ yêu đạo.

Hảo hán ứng tiếng nói:

- Chí phải. Đại nhân nói rất cao minh.

Trong lúc hai người nói chuyện, sắc trời đã muộn. Trương Lộc vội vàng thắp đèn lên. Lưu đại nhân dặn dò Đại Dũng:

- Về đi nghỉ. Mai dậy sớm vào nha môn.

Hảo hán ứng tiếng nói:

- Rõ.

Rồi xoay mình đi ra. Tới lúc này đại nhân mới đi nghỉ.

Chuyện đêm ấy không có gì đáng kể cho tới tận sáng sớm hôm sau. Trương Lộc nói:

- Mời đại nhân trở dậy rửa mặt?

Trà nước xong xuôi thay quần áo. Khi ấy, độ tháng mười nhưng thời tiết vẫn chưa lạnh lắm. Khí hậu phương Nam không giống như phương Bắc. Lưu đại nhân đội trên đầu chiếc mũ viền đỏ, chân đi giày Sơn Đông. Trên mình mặc một tấm áo bông mỏng lót lụa, lưng thắt dải vải xanh thủng lấm tấm. Lưu đại nhân vừa cải trang xong, ngồi xuống đã thấy Đại Dũng vén rèm bước vào. Chỉ thấy anh ta trên đầu đội một chiếc mũ vải màu trắng, chân đi đôi giày vải thô, mình khoác một tấm áo chèn, lưng thắt một giải vải xanh, cải trang theo lối nông thôn, trong tay còn cầm một nắm hương. Lưu đại nhân thấy vậy trong lòng rất vui, đưa mắt nhìn hảo hán.

Đại nhân thấy Đại Dũng bước vào, đứng ở một bên. Lưu Đại nhân mỉm cười, nói:

- Anh đến đúng lúc lắm!

Quay đầu lại, nói:

- Trương Lộc, mang cơm lên. Ăn xong hai thầy trò ta còn phải đi thắp hương.

- Dạ!

Trương Lộc ứng tiếng, xoay mình đi ra. Không lâu sau đã mang đồ ăn vào, bày cả lên bàn. Đại nhân cùng Đại Dũng dùng cơm. Trương Lộc dọn đi, dâng trà lên. Đại nhân súc miệng xong xuôi đứng dậy, nhìn Đại Dũng, nói:

- Chúng ta đi thôi!

- Dạ!

Hảo hán ứng tiếng.

Lưu đại nhân đi trước, hảo hán theo sau. Trương Lộc dẫn hai thầy trò họ ra theo lối cửa sau. Trương Lộc đóng cửa. Chuyện tạm gác lại.

Lại nói chuyện đại nhân cùng Trần Đại Dũng đi theo lối nhỏ rời khỏi phủ Giang Ninh theo lối Tụ Bảo Môn, nhằm hướng miếu Thánh Thủy thẳng tiến.

Đại nhân vừa đi vừa nói:

- Đại Dũng nghe ta nói đây. Theo sự suy luận của bản phủ, trong miếu hẳn phải có chuyện xảy ra. Nếu đã có nước thánh trị bệnh, hà cớ gì chỉ phụ nữ mới được vào miếu? Chỉ những ngày mùng một, ngày rằm mới cho phép đàn ông vào thắp hương? Cầu nước thánh sao còn phân biệt nam với nữ? Chẳng nhẽ thần thánh lại có lòng thiên vị hay sao? Hơn nữa, còn con gái Lý thị, sao đi xin nước thánh lại mất tích? Lúc nữa ta với anh vào miếu, cần phải lưu ý dò xét cho ra. Sau khi điều tra rõ rồi, nhất định bản phủ sẽ hạ lệnh bắt ác tăng, trừ hại cho dân, đó là việc chính.

Hảo hán trả lời, nói:

- Đúng vậy. Đại nhân nói phải lắm.

Nhưng khi tới đó mới thấy có rất đông người, già, trẻ, lớn, bé đang nhộn nhịp. Trên tay người nào cũng cầm hương, nói nói cười cười đi vào bên trong. Một người nói:

- Thánh Thủy cô cô thật linh nghiệm, nổi tiếng khắp vùng Giang Ninh này.

Một người khác nói:

- Chỉ cần được uống một miếng nước của bà ta, cả đời sẽ không lo gì bệnh tật.

Người kia nói:

- Trước có một người bị còng, uống nửa bát thánh thủy lưng đã thẳng lên ngay.

Người kia nói:

- Tôi nói câu này xin ông đừng cười. Tại hạ mọc một cái nhọt nơi mông, đi lại rất khó khăn, muốn đi ra ngoài thực chẳng dễ dàng gì. Nhưng được uống nửa bát thánh thủy, cái nhọt ấy đã khỏi hẳn.

Người này nói:

- Tại hạ bị chứng liệt dương, làm thế nào cũng không thể khiến nó ngóc đầu lên nổi. Thực chẳng khác nào gã say bị ngã vậy. Vợ tôi năm nay đã ba mươi hai, trước đây chưa sinh nở lần nào. Chúng tôi bàn nhau xin nước thánh, lặn lội tới miếu này? Ông nghĩ xem. Thánh thủy thật linh diệu. Không lâu sau cô ấy đã mang thai, tới nay có lẽ đã mười tháng rồi. Sinh ra một đứa bé trai, vừa béo, vừa trắng lại xinh đẹp chẳng khác gì búp bê vậy.

Mọi người nghe vậy đều bật cười, cùng nhau tiến về phía trước. Chẳng bao lâu, ba dặm đường đất đã đi qua. Trước mặt họ đã là tòa cổ miếu.
alt
(Cao H)Câu Dẫn Cầm Thú Giáo Sư Nhà Bên
Ngôn tình Sắc, Sủng, HIện Đại
Gả Cho Nam Thần
Ngôn tình Sắc, Sủng, Tổng Tài
Thiếu Niên Có Đôi Mắt Kỳ Lạ Và Thứ Nữ Hầu Phủ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Cổ Đại
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc