https://truyensachay.net

Ma Đạo Tổ Sư

Chương 124 - PN Đài sen

Trước Sau

đầu dòng
Editor: Thanh Du

Note: Phiên ngoại này chia làm 2 phần, một phần Vân Mộng, một phần Vân Thâm Bất Tri Xứ.

---------

(1)

Vân Mộng Liên Hoa ổ.

Ngoài Thí kiếm đường, ve kêu lảnh lót; trong Thí kiếm đường là một mớ da thịt ngồn ngộn nằm ngả nghiêng, trông hết sức khó coi.

Hơn mười thiếu niên cởi trần, nằm la liệt lên sàn gỗ trong Thí kiếm đường, thi thoảng xoay người rên hừ hừ như đang hấp hối, chẳng khác nào mười mấy cái bánh rán nướng xèo xèo trên lửa.

"Nóng..."

"Chết mất..."

Ngụy Vô Tiện nheo mắt, mơ mơ màng màng nghĩ: "Giá mà mát mẻ như Vân Thâm Bất Tri Xứ thì hay biết mấy."

Phiến gỗ bên dưới đã nóng lên, nên hắn xoay người lại. Vừa hay Giang Trừng cũng trở mình, hai người đụng vào nhau, cánh tay đặt lên cẳng chân, Ngụy Vô Tiện lập tức càu nhàu: "Giang Trừng, nhấc tay ra, người ngươi nóng như cục than ấy."

Giang Trừng đốp lại: "Ngươi đi mà bỏ chân ra."

Ngụy Vô Tiện nói: "Tay nhẹ hơn chân, ta nhấc chân cực nhọc hơn, hay là ngươi nhấc tay ra đi."

Giang Trừng nổi giận: "Ngụy Vô Tiện ta cảnh cáo ngươi đừng có quá đáng, câm miệng lại đừng nói gì cả, càng nói càng phát ngốt!"

Lục sư đệ bảo: "Hai người đừng cãi nhau nữa, đệ nghe hai người cãi nhau cũng phát ngốt lên rồi, mồ hôi túa ra nhanh hơn."

Mà bên kia đã một chưởng đánh qua, một cước đạp lại: "Mau cút!" "Ngươi mới phải cút!" "Không không không, mời ngươi cút!" "Đừng khách khí, ngươi cút trước đi!"

Các sư đệ oán thán vang trời: "Muốn đánh nhau ra ngoài mà đánh!" "Hai người cùng cút có được không, xin hai người đấy!"

Ngụy Vô Tiện nói: "Đã nghe thấy chưa, mọi người bảo ngươi cút ra ngoài. Ngươi... Thả chân ta ra, sắp gãy chân đại ca rồi!"

Giang Trừng trán nổi gân xanh, cãi: "Rõ ràng họ bảo ngươi ra... Ngươi buông tay ta ra trước đã!"

Đúng lúc này, trên hành lang gỗ bên ngoài truyền đến tiếng chân váy quét đất soàn soạt, hai người tách nhau ra nhanh như chớp. Bỗng rèm trúc vén lên, Giang Yếm Ly ló đầu vào liếc nhìn một lượt, nói: "A, thì ra mọi người đều trốn trong này."

Mọi người luôn mồm gọi: "Sư tỷ!" "Chào sư tỷ." Có người dễ bất giác đưa hai tay lên che ngực, lủi vào một góc phòng.

Giang Yếm Ly hỏi: "Hôm nay sao lại lười nhác không luyện kiếm?"

Ngụy Vô Tiện kể khổ: "Mặt trời quá chói chang, ra sân tập nắng vỡ đầu mất, đi luyện kiếm cũng muốn lột một tầng da. Sư tỷ đừng nói cho người khác biết."

Giang Yếm Ly quan sát hắn và Giang Trừng thật kĩ càng một lúc, hỏi: "Có phải hai đệ lại đánh nhau không?"

Ngụy Vô Tiện chối: "Không mà!"

Giang Yếm Ly lách mình bước vào trong, nàng bưng một khay đựng đồ, hỏi: "Thế vết chân trên ngực A Trừng là do ai đạp?"

Ngụy Vô Tiện nghe nói mình lưu lại chứng cứ phạm tội liền vội vã đến xem, quả nhiên là có. Nhưng chẳng ai để ý hai người họ có đánh nhau không, Giang Yếm Ly bưng trên tay một khay dưa hấu đã bổ gọn gàng. Cả đám thiếu niên ùa lên, loáng cái đã chia xong, ngồi bệt xuống đất nhìn nhau gặm dưa. Chẳng mấy chốc, vỏ dưa đã chất thành một ngọn đồi nhỏ trong khay.

Ngụy Vô Tiện và Giang Trừng dẫu làm gì cũng phải so đo, ăn dưa hấu cũng không ngoại lệ. Hai đứa vung đao cướp dưa, liên tục ra chiêu hiểm, đánh cho người ngoài không kịp tránh, vội vàng nhường cho bọn họ một khoảnh đất trống. Ngụy Vô Tiện mới đầu còn ăn lấy ăn để, ăn một hồi bỗng phì cười.

Giang Trừng cảnh giác hỏi: "Ngươi lại muốn làm gì."

Ngụy Vô Tiện lại cầm lên một miếng, nói: "Không! Ngươi chớ hiểu lầm. Ta không muốn làm gì, ta chỉ nghĩ đến một người thôi."

"Ai?"

"Lam Trạm."

"Đang yên đang lành ngươi nghĩ đến y làm gì, nhớ cảm giác khi bị phạt chép gia quy à?"

Ngụy Vô Tiện nhổ nước bọt, nói: "Nhớ chơi với y rất vui. Ngươi không biết đâu, y thú vị lắm. Ta bảo y, cơm rau nhà các ngươi quá khó ăn, ta thà ăn vỏ dưa hấu xào chứ không thèm ăn cơm nhà ngươi. Khi nào rảnh rỗi ngươi đến Liên Hoa ổ nhà chúng ta chơi đi..."

Còn chưa nói xong, Giang Trừng đã vỗ nghiêng miếng dưa của hắn: "Ngươi điên rồi hả, mời y đến Liên Hoa ổ khác nào rước tội nợ vào người?"

"Ngươi nổi nóng cái gì chứ, dưa của ta thiếu điều bay mất rồi! Ta chỉ nói thế thôi, y đương nhiên sẽ không tới. Ngươi đã bao giờ nghe ai nói y ra ngoài chơi một mình chưa."

Giang Trừng giở giọng nghiêm túc đoan chính: "Nói rõ luôn nhé, ta từ chối cho y đến đây, ngươi đừng mời lung tung."

"Ta không nhìn ra ngươi ghét y đến vậy đấy."

"Ta chẳng có ý kiến gì với Lam Vong Cơ cả, nhưng lỡ y thật sự đến đây, để mẹ ta thấy con nhà người khác, nếu muốn cằn nhằn gì thì ngươi đừng mong sống yên."

"Không sao đâu, y đến cũng không sợ. Nếu y đến thật, ngươi cứ bảo Giang thúc thúc cho y ngủ chung với ta, ta dám chắc chưa đầy một tháng ta đã chọc điên y rồi."

Giang Trừng khịt mũi khinh khỉnh: "Ngươi còn muốn ngủ với y một tháng? Ta thấy chưa được bảy ngày ngươi đã bị y đâm chết rồi."

Ngụy Vô Tiện phản đối: "Ta sợ y chắc. Nếu đánh nhau thật y chưa chắc đã là đối thủ của ta đâu."

Mọi người liên tục đùa bỡn phụ họa, Giang Trừng ngoài miệng cười nhạo hắn mặt dày, nhưng thật ra vẫn biết Ngụy Vô Tiện nói không sai, cũng không phải tự biên tự diễn. Giang Yếm Ly ngồi giữa hai người, hỏi: "Hai đệ đang nói đến ai vậy? Bằng hữu kết giao ở Cô Tô phải không?"

Ngụy Vô Tiện vui vẻ đáp: "Dạ!"

Giang Trừng nói: "Gọi y là "bằng hữu" không thấy ngại à? Ngươi hỏi Lam Vong Cơ xem y có chịu làm bạn ngươi không."

Ngụy Vô Tiện cãi: "Mau cút. Y không muốn ta ta sẽ bám riết lấy y, xem y có chịu không." Quay sang hỏi Giang Yếm Ly, "Sư tỷ, tỷ biết Lam Vong Cơ chứ?"

Giang Yếm Ly đáp: "Biết chứ, chính là vị tiểu Lam nhị công tử mà ai ai cũng khen là rất anh tuấn rất bản lĩnh kia sao? Có đúng là rất anh tuấn không?"

"Rất anh tuấn!"

"So với đệ thì sao?"

Ngụy Vô Tiện ngẫm nghĩ một hồi, đáp: "Có lẽ là anh tuấn hơn đệ một chút."

Hai ngón tay hắn diễn tả một khoảng cách cực nhỏ. Giang Yếm Ly vừa thu dọn khay dưa, vừa mỉm cười nói: "Vậy xem ra thật sự rất anh tuấn rồi. Kết giao bạn mới là chuyện tốt, sau này lúc rảnh rỗi các đệ có thể qua nhà nhau chơi."

Nghe thế, Giang Trừng phun dưa, Ngụy Vô Tiện xua tay lia lịa: "Thôi thôi. Nhà bọn họ cơm canh khó nuốt mà quy củ lại nhiều, đệ cũng không muốn đến."

Giang Yếm Ly nói: "Vậy thì đệ có thể mời cậu ấy đến chơi mà. Lần này là cơ hội tốt, sao không mời bằng hữu của đệ đến Liên Hoa ổ ở chung một thời gian?"

Giang Trừng bảo: "A tỷ lại nghe hắn nói lung tung rồi. Hồi ở Cô Tô hắn bị người ta ghét, Lam Vong Cơ đâu chịu về đây với hắn."

Ngụy Vô Tiện cãi: "Nói vớ vẩn! Y chịu chứ."

"Tỉnh mộng đi, Lam Vong Cơ đuổi ngươi cút, có nghe không? Có nhớ không hả?"

"Ngươi thì biết cái cóc khô gì! Bề ngoài y bảo ta cút, nhưng ta biết trong lòng y nhất định rất muốn theo ta đến Vân Mộng chơi, muốn cực kỳ luôn."

"Ngày nào ta cũng nghĩ một vấn đề, rốt cuộc ngươi đào đâu ra chừng ấy tự tin?"

"Không cần nghĩ nữa, một vấn đề nghĩ bấy nhiêu năm mà không ra đáp án, nếu là ta thì đã sớm bỏ cuộc rồi."

Giang Trừng lắc lắc đầu, đang chờ ném dưa, chợt nghe một loạt tiếng bước chân dồn dập khí thế hùng hồn, một giọng nữ lạnh lẽo âm trầm từ xa truyền đến: "Ta nói, đứa nào trốn vào đâu ta đều biết hết..."

Đám thiếu niên mặt mày biến sắc, đua nhau vén mành vọt ra, vừa hay chạm mặt Ngu phu nhân đi từ đầu hành lang bên kia tới. Ngu phu nhân áo tím phiêu diêu, nhưng khí thế lại hùng hồn, đôi mắt kẻ đỏ đùng đùng sát khí thật đáng sợ. Thấy đám thiếu niên này ai nấy ở trần đi chân trần, không ra thể thống gì, trông hết sức khó coi, Ngu phu nhân mặt mày nhăn nhó, đôi mày nhỏ nhắn càng nhướn cao đến suýt bay lên.

Mọi người thầm nghĩ "Thôi tiêu rồi!", hồn xiêu phách tán, co giò chạy thẳng. Thấy vậy, Ngu phu nhân rốt cuộc cũng phản ứng, nổi trận lôi đình: "Giang Trừng! Mặc đồ vào cho ta! Cởi trần như đám mọi rợ thế, cái điệu bộ quái quỷ gì đây! Để người ngoài trông thấy thì ta biết chui vào cái lỗ nẻ nào bây giờ?!"

Quần áo của Giang Trừng đang buộc ngang hông, nghe mẹ mắng mỏ, liền vội vàng mặc lại chỉn chu. Ngu phu nhân lại mắng: "Các ngươi đúng là! Không thấy A Ly ở đây hả? Một đám nhãi ranh chết tiệt thoát y thành cái dạng này trước mặt con gái, ai dạy các ngươi hả!"

Đương nhiên, khỏi cần nghĩ cũng biết là ai đầu têu. Nên theo thường lệ, câu kế tiếp của Ngu phu nhân vẫn là: "Ngụy Anh! Ta thấy ngươi muốn chết rồi!"

Ngụy Vô Tiện nói to: "Xin lỗi! Con không biết sư tỷ sẽ đến! Con đi tìm quần áo ngay đây!"

Ngu phu nhân càng giận: "Ngươi còn dám chạy, cút về quỳ xuống cho ta!" Nói đoạn vung ngay một roi. Ngụy Vô Tiện cảm thấy lưng mình đau rát, "oái" to một tiếng, suýt nữa thì lăn xuống đất. Bấy giờ, bên tai Ngu phu nhân chợt có người âm u nói: "Mẹ, mẹ có ăn dưa hấu không ạ..."

Ngu phu nhân bị Giang Yếm Ly chẳng biết từ đâu đột ngột ló ra dọa sợ hết hồn, mới đứng hình một lát mà đám tiểu tặc kia đã trốn mất dạng. Bà điên tiết quay sang véo má Giang Yếm Ly, quát: "Ăn ăn ăn, ngươi chỉ biết ăn thôi!"

Giang Yếm Ly bị mẹ véo đến chảy nước mắt, lúng búng nói: "Mẹ, đám A Tiện trốn trong đây tránh nóng, là con tự tìm tới, mẹ đừng trách bọn trẻ... Mẹ... mẹ ăn dưa hấu đi ạ... Không biết là ai tặng, nhưng mà ngọt lắm. Mùa hè ăn dưa hấu, giải nóng tiêu hỏa, vừa ngọt vừa nhiều nước, con đã bổ gọn gàng rồi..."

Ngu phu nhân càng nghĩ càng giận, vả lại trời nóng miệng khát, nghe nàng nói lại thật sự muốn ăn, nên càng thêm bực bội.

Phía bên kia, mọi người chật vật trốn ra khỏi Liên Hoa ổ, chạy về phía bến thuyền, nhảy lên một con thuyền nhỏ. Bơi rất lâu vẫn chưa thấy ai đuổi theo, Ngụy Vô Tiện mới yên lòng. Hắn ra sức chèo hai cái thật mạnh, cảm thấy sau lưng vẫn còn đau, bèn ném mái chèo cho người khác, ngồi xuống xoa xoa lên mảng da thịt bỏng rát, nói: "Giữa ban ngày ban mặt mà bị hàm oan, chúng ta nói lý xem nào, rõ ràng mọi người đều ở trần, tại sao chỉ có ta bị mắng, cũng chỉ có ta bị đánh?"

Giang Trừng đáp: "Nhất định là vì ngươi ở trần trông ngứa mắt nhất."

Ngụy Vô Tiện liếc hắn một cái, đột nhiên tung người nhảy xuống nước. Những người còn lại hình như cũng hưởng ứng lời hiệu triệu, đua nhau nhảy xuống nước, nháy mắt sau trên thuyền chỉ còn một mình Giang Trừng.

Giang Trừng phát hiện tình thế có gì đó sai sai, hỏi: "Ngươi giở trò quỷ gì thế?!"

Ngụy Vô Tiện bơi đến mạn thuyền, đột nhiên đánh ra một chưởng. Con thuyền lật úp, nửa chìm nửa nổi trong nước, ngửa bụng lên trời. Ngụy Vô Tiện cười ha hả, nhảy lên đáy thuyền ngồi khoanh chân, quay sang khoảnh nước Giang Trừng ngã xuống mà gọi: "Mắt ngươi còn ngứa không hả Giang Trừng? Trả lời cái coi, này, này!"

Hô hai tiếng, không ai trả lời, chỉ có một chuỗi bong bóng ùng ục ùng ục nổi lên. Ngụy Vô Tiện lau mặt, thắc mắc: "Sao hắn mãi không chịu nổi lên?"

Lục sư đệ cũng bơi tới, giật mình: "Chắc không chết đuối đâu nhỉ!"

Ngụy Vô Tiện bảo: "Làm gì có chuyện đó!" Đang định lặn xuống kéo Giang Trừng lên, chợt nghe sau lưng có tiếng quát lớn, hắn kêu ré lên, bị người ta đẩy lưng cho rớt xuống nước, thuyền lại lật ngược, nước ướt đầm đìa. Thì ra sau khi bị hắn hất xuống nước, Giang Trừng đã lặn xuống đáy hồ bơi một vòng, vòng ra sau lưng Ngụy Vô Tiện.

Hai người ai cũng đánh lén được một lần, bắt đầu cảnh giác bơi vòng quanh con thuyền, những khác quẫy nước tung tóe, tản ra khắp hồ hóng chuyện. Ngụy Vô Tiện kêu gào cách một con thuyền: "Ngươi cầm hung khí thì nói làm gì, có bản lĩnh mau bỏ mái chèo xuống, chúng ta đấu tay không."

Giang Trừng cười gằn: "Ngươi tưởng ta ngu chắc, ta mà bỏ xuống ngươi sẽ cướp ngay!" Tay hắn cầm mái chèo múa như gió, đánh cho Ngụy Vô Tiện liên tục lùi lại né tránh, các sư đệ gào lên khen hay. Ngụy Vô Tiện đỡ trái hở phải, dù đang bận tối mặt vẫn lựa khoảng trống mà biện bạch: "Ta đâu có vô sỉ như thế!"

Bốn bề đua nhau xùy xùy: "Đại sư huynh, huynh cũng có mặt mũi nói ra câu này hả!"

Sau đó mọi người rơi vào trận thuỷ chiến hỗn loạn, cái gì mà Chày Đại Từ Đại Bi, Cỏ Rắn Rết Siêu Độc, Tên Phun Nước Đoạt Mạng - Ngụy Vô Tiện đạp Giang Trừng một cái, chật vật nằm úp sấp trên thuyền, "phì" một tiếng nhổ ra một ngụm nước hồ, xua tay nói: "Đừng đánh đừng đánh nữa, đình chiến!"

Mọi người đội một mớ rong rêu xanh mướt trên đầu, đang đánh say sưa, vội hỏi: "Sao lại đình chiến, đánh tiếp! Đánh tiếp! Thất thế bèn xin tha hả?"

Ngụy Vô Tiện nói: "Ai bảo ta xin tha, lát nữa lại đánh tiếp. Ta đói quá không đánh nổi, đi kiếm cái gì lót dạ đã."

Lục sư đệ hỏi: "Vậy chúng ta quay về nhé? Trước bữa cơm tối còn được ăn vài miếng dưa hấu."

Giang Trừng nói: "Bây giờ mà về, thì ngươi chỉ có ăn roi."

Mà Ngụy Vô Tiện đã sớm có chủ ý, tuyên bố: "Không về nữa. Chúng ta đi hái đài sen!"

Giang Trừng mỉa mai: "Là " trộm " chứ."

Ngụy Vô Tiện nói: "Lần nào hái xong chẳng đền tiền!"

Vân Mộng Giang thị che chở cho các hộ gia đình trong khắp một vùng gần đó, trừ ma nước không lấy thù lao, vườn rộng vài chục dặm, đừng nói là mấy cái đài sen, dù có dành riêng một hồ nước để trồng sen cho họ ăn cũng được. Mỗi lần thiếu niên trong nhà ra ngoài ăn dưa nhà người ta, bắt gà nhà người ta, đánh thuốc mê chó nhà người ta, thì sau đó Giang Phong Miên đều phái người đi đền. Nếu hỏi vì sao nhất định phải miệt mài đi ăn trộm, đây nào phải tác phong của công tử nhà giàu, thì chẳng qua là vì thiếu niên khoái nghịch ngợm, ưa cảm giác thú vị khi bị người ta cười cười mắng mắng đuổi đuổi đuổi đánh đánh đó thôi.

Mọi người lên thuyền chèo một lúc thì đến một hồ sen gần đó.

Một mảng hồ sen xanh mướt, lá biếc tầng tầng, lá nhỏ bé bằng cái khay, lá lớn to bằng cái ô. Lá bên ngoài thường thấp và thưa hơn một chút, trải ngang mặt nước; lá bên trong thường cao và dày hơn một chút, đủ để che kín cả con thuyền chở người. Nhưng nếu trông thấy ở đâu có một đám lá sen túm tụm vào nhau rối tinh rối mù, là biết ngay có người nấp ở bên trong đang làm trò lén lút.

Con thuyền nhỏ của Liên Hoa ổ bơi vào mảnh đất trời màu lục biếc này, bốn phía treo đầy những đài xen xanh biếc căng phồng, một người chống thuyền, những người còn lại bắt đầu động tay động chân. Đài sen lớn mọc trên cuống sen mảnh dài, cuống sen nhẵn nhụi xanh biếc mọc đầy gai nhỏ, nhưng không đâm người, chỉ cần bẻ một cái đã gãy gập giòn tan. Bọn họ hái đài sen đều hái kèm một đoạn cuống sen thật dài, trở về còn có thể tìm một chiếc lọ cắm vào nước, nghe nói làm vậy sẽ tươi thêm mấy ngày. Ngụy Vô Tiện cũng chỉ nghe nói vậy thôi, không biết là thật hay giả, dù sao hắn vẫn kể lại với người khác như đúng rồi.

Hắn bẻ đi mấy cành, tiện tay lột đài sen, ném hạt sen chắc mẩy vào miệng, chỉ thấy mềm mại ẩm ướt, vừa ăn vừa thuận mồm ngâm nga mấy bài hát của nghệ sĩ mù: "Ta mời nàng ăn đài sen, nàng mời ta ăn gì", bị Giang Trừng nghe thấy, liền hỏi: "Ngươi mời ai ăn?"

Ngụy Vô Tiện nói: "Ha ha, không mời ngươi đâu!" Đang chuẩn bị hái đài sen ném vào mặt hắn, chợt nghe một tiếng "suỵt", nói, "Chết rồi, hôm nay ông lão ấy ở nhà!"

Ông lão chính là lão nông trồng sen trong hồ nước này. Rốt cuộc là già đến chừng nào, Ngụy Vô Tiện cũng không biết, dù sao trong mắt hắn Giang Phong Miên là chú, hễ già hơn Giang Phong Miên thì đều có thể gọi là ông. Từ khi Ngụy Vô Tiện bắt đầu có ký ức, ông ấy đã ở hồ sen này rồi, mùa hè đến lén đài sen, nếu bị bắt ông sẽ đánh đòn. Ngụy Vô Tiện luôn hoài nghi ông lão này là đài sen tinh tái thế, vì hồ sen nhà ổng mất mấy cái đài sen ổng đều biết rõ như lòng bàn tay, mất bao nhiêu cái đánh bấy nhiêu roi. Bơi thuyền trong hồ sen, sào tre dễ xài hơn mái chèo. Đánh vào người kêu "bịch bịch bịch", đau lắm.

Đám thiếu niên ai cũng đã từng ăn vài gậy, lập tức "xuỵt" nhau: "Chạy mau, chạy mau!" Vội vàng quơ lấy mái chèo chạy trối chết. Ba chân bốn cẳng trốn ra khỏi hồ sen, lấm lét quay đầu nhìn lại chỉ thấy thuyền của ông lão đã xuyên qua tầng tầng lá sen, bơi trên mặt nước trống trải. Ngụy Vô Tiện nghiêng đầu ngắm nghía một lúc, chợt nói: "Lạ thật!"

Giang Trừng cũng đứng lên, hỏi: "Sao thuyền bơi nhanh thế?"

Mọi người nhìn lại, ông lão kia quay lưng về phía họ, đang dựa lưng vào mấy đài sen đặt trên thuyền, sào tre gác sang một bên không hề động đến, thế mà thuyền lại bơi vừa ổn vừa nhanh, còn nhanh hơn thuyền của đám Ngụy Vô Tiện.

Mọi người đều cảnh giác. Ngụy Vô Tiện giục: "Bơi qua đó đi, bơi qua đó đi."

Thuyền hai bên tiếp cận, mọi người mới nhìn rõ trên mạn thuyền của ông lão có một cái bóng trắng mờ mờ dạo chơi dưới mặt nước!

Ngụy Vô Tiện ngoái đầu, ngón trỏ đặt trên môi, ra hiệu cho mọi người cẩn thận chớ nên kinh động đến ông lão và con quỷ nước bên dưới. Giang Trừng gật đầu, bơi thuyền rất nhẹ, chỉ tạo ra gợn sóng lăn tăn gần như không tiếng động. Khi hai thuyền cách nhau chừng ba trượng, một cánh tay màu trắng xanh ướt đầm thò lên từ đáy thuyền, lén lút lấy đi một đài sen từ đống sen chất đầy thuyền ông lão, rồi im im lặn xuống đáy hồ.

Một lát sau, hai vỏ hạt sen đã nổi lên mặt nước.

Đám thiếu niên sợ đến ngây người: "Khiếp, con quỷ nước này cũng đi trộm sen à!"

Ông lão cuối cùng cũng phát hiện sau lưng có người tới, một tay cầm một đài sen lớn, tay kia vớ lấy cây sào tre rồi xoay người lại. Động tác này kinh động đến con quỷ nước, "oạch" một tiếng, cái bóng trắng đã mất tiêu. Mọi người vội hỏi: "Chạy đi đâu?"

Ngụy Vô Tiện nhảy ùm xuống nước, lặn xuống đáy hồ, lát sau đã kéo theo một thứ ngoi lên, nói: "Bắt được rồi!"



Chỉ thấy trong tay hắn xách theo một con quỷ nước nhỏ, màu da trắng xanh, trông như một đứa bé mười hai mười ba tuổi đang vô cùng hoảng loạn, dường như muốn co lại thành một cục dưới ánh mắt săm soi của đám thiếu niên.

Lúc này, ông lão vụt một gậy, mắng: "Lại đến quấy rối!"

Trên lưng Ngụy Vô Tiện vừa trúng một roi, lại ăn một gậy, kêu "á" một tiếng, suýt nữa buông lỏng tay. Giang Trừng giận dữ quát: "Nói chuyện cho tử tế, sao chưa chi đã đánh người, có lòng tốt lại bị hiểu lầm thành xấu!"

Ngụy Vô Tiện vội hỏi: "Không sao đâu không sao đâu. Lão... Lão bá ông nhìn cho kĩ, chúng tôi không phải quỷ, con này mới là quỷ."

Ông lão đáp: "Nói nhảm, ta chỉ già chứ đâu có mù. Còn không mau thả nó ra!"

Ngụy Vô Tiện ngơ ngác, nhưng thấy con quỷ nước mình bắt được liên tục chắp tay, đôi mắt đen đẫm nước, trông cực kỳ đáng thương, tay nó còn bám vào đài sen lớn vừa trộm được không nỡ buông ra. Sen đã bóc hạt, xem ra còn chưa kịp ăn bao nhiêu đã bị Ngụy Vô Tiện tóm lên đây rồi.

Giang Trừng thầm nghĩ ông lão này quả thực không thể nói lý, bèn bảo Ngụy Vô Tiện: "Ngươi đừng thả, chúng ta bắt con quỷ nước này lại."

Nghe vậy, ông lão lại giơ sào tre, Ngụy Vô Tiện vội hỏi: "Đừng đánh đừng đánh, ta thả nó xuống là được."

Giang Trừng nói: "Đừng thả, lỡ con quỷ nước này kiếm người chết thay mình thì sao!"

Ngụy Vô Tiện nói: "Trên người con quỷ nước này không có mùi máu tanh, tuổi còn nhỏ nên không thể bơi khỏi hồ nước này. Dạo gần đây không nghe nói có ai chết trong vùng này, chắc là chưa hại người đâu."

"Cứ cho là nó chưa từng hại ai, thì sau này chưa chắc đã..."

Lời còn chưa dứt, sào tre đã vù vù bay tới. Giang Trừng ăn một đập, nổi điên: "Lão già này không biết tốt xấu gì hả?! Biết nó là quỷ mà không sợ bị nó hại?"

Lý lẽ của ông lão cũng rất hùng hồn: "Ta đã thò một chân vào quan tài, còn sợ gì quỷ."

Ngụy Vô Tiện cũng lường trước nó không thể chạy xa, liền nói: "Đừng đánh đừng đánh, ta sẽ lỏng tay!"

Hắn thật sự buông lỏng tay, con quỷ nước kia nhảy rầm ra sau thuyền ông lão, hình như không dám thò mặt ra nữa.

Ngụy Vô Tiện bò lên thuyền, ướt như chuột lột. Ông lão chọn một cái đài sen trên thuyền ném xuống nước, quỷ nước phớt lờ. Ông lão lại chọn đài sen lớn hơn tiếp tục ném xuống nước, đài sen bập bềnh trên mặt nước, bỗng nửa cái đầu trắng hếu nhô lên khỏi mặt nước, ngậm lấy hai đài sen xanh biếc rồi lặn xuống đáy hồ như một con cá trắng cỡ bự. Chờ thêm một lúc nữa, mặt nước lại nổi lên một điểm trắng, quỷ nước lộ cả vai lẫn tay ra, núp sau đuôi thuyền vùi đầu ăn "tách tách".

Mọi người thấy nó ăn say sưa ngon lành, không khỏi buồn bực.

Thấy ông lão lại ném một đài sen xuống nước, Ngụy Vô Tiện xoa xoa cằm, cảm thấy hơi khó chịu, hỏi: "Lão bá, vì sao nó trộm đài sen của ông thì ông mặc kệ, còn đưa thêm cho nó ăn. Còn chúng tôi mà trộm, thì ông lại muốn đánh?"

Ông lão đáp: "Nó giúp ta đẩy thuyền, cho nó ăn mấy cái đài sen có đáng gì? Còn đám tiểu quỷ các ngươi thì sao? Hôm nay trộm mấy cái?"

Mọi người ngượng ngùng, Ngụy Vô Tiện khẽ liếc khóe mắt, trong khoang thuyền chất đầy mấy mươi đài sen, thầm nghĩ không ổn, vội nói: "Chuồn!"

Mấy người lập tức tóm lấy mái chèo, ông lão kia quơ sào tre xông tới trước mặt, thuyền đi như gió, da đầu tê dại, chỉ cảm thấy cây sào tre này sắp đập xuống đến nơi, bèn vội vã vung vẩy tay chân chèo như điên dại. Hai chiếc thuyền chạy vòng quanh hồ sen rộng lớn được hai vòng, thấy càng đuổi càng gần, Ngụy Vô Tiện đã ăn vài gậy, lại còn phát hiện gậy chỉ nhắm vào hắn, bèn ôm đầu kêu to: "Thật bất công! Tại sao chỉ đánh ta! Tại sao lại chỉ đánh ta!"

Đám sư đệ nói: "Sư huynh đứng vững nha, đều dựa vào huynh cả!"

Giang Trừng cũng nói: "Phải đấy, ngươi nên cẩn thận."

Ngụy Vô Tiện nổi giận, "Xì! Ta không chống nổi!" Hắn cầm một đài sen trên thuyền ném đi, "Đỡ này!"

Đó là một đài sen rất lớn, khi rơi xuống nước còn bắn bọt nước đánh "bùm". Thuyền ông lão quả nhiên khựng lại, con quỷ nước kia vui vẻ bơi đi, vớt đài sen lên ăn.

Nhân cơ hội này, thuyền của Liên Hoa ổ rốt cuộc cũng rảnh rang mà trốn thoát.

Trên đường về, một sư đệ hỏi: "Đại sư huynh, quỷ cũng nếm được mùi vị thức ăn á?"

Ngụy Vô Tiện đáp: "Thường thì không nếm được, nhưng ta thấy con tiểu quỷ này, hình như là... có... A... Hắt xì!"

Mặt trời xuống núi, gió nổi lên đưa tới một luồng khí mát, cảm giác hơi lành lạnh. Ngụy Vô Tiện hắt xì một cái, xoa xoa mặt rồi nói: "Có lẽ khi nó còn sống muốn ăn đài sen mà không được, khi lén đến hái trộm trượt chân rơi xuống hồ chết đuối. Cho nên... A... A..."

Giang Trừng nói: "Cho nên ăn đài sen chính là chấp niệm, sẽ có cảm giác thỏa mãn."

"A, đúng thế."

Hắn sờ sờ những vết thương cũ mới đan xen sau lưng mình, vẫn không kiềm chế nổi, hỏi ra điều canh cánh trong lòng: "Đây đúng là nỗi oan thiên cổ, sao lần nào có chuyện cũng chỉ có ta bị đánh?"

Một cậu sư đệ nói: "Huynh anh tuấn nhất."

Một người nói: "Huynh tu vi cao nhất."

Lại một người nói: " Huynh ở trần dễ coi nhất."

Mọi người thi nhau gật đầu, Ngụy Vô Tiện nói: "Cảm ơn mọi người ca tụng, ta nghe mà nổi da gà."

Sư đệ nói: "Đừng khách khí mà đại sư huynh. Lần nào cũng là huynh che chở đằng trước, huynh có giá lắm nha!"

Ngụy Vô Tiện kinh ngạc: "Hơ? Có giá lắm à, nói nghe thử coi."

Giang Trừng nghe không nổi nữa, quát: "Câm miệng hết cho ta! Còn ăn nói linh tinh nữa coi chừng ta đâm thủng đáy thuyền cho chết sạch một lượt."

Lúc này, họ bơi qua một vùng nước, hai bêm bờ là đồng ruộng. Trong ruộng có vài cô gái làm nông dáng vóc xinh xắn, thấy thuyền nhỏ của họ bơi qua bèn chạy ra mép nước, bắt chuyện từ xa: "Ơ kìa~!"

Mọi người cũng "Ơ kìa" đáp lại, ra sức đâm thọc Ngụy Vô Tiện: "Sư huynh, gọi huynh đấy! Người ta gọi huynh kìa!"

Ngụy Vô Tiện chăm chú nhìn lại, quả nhiên là những người hắn từng qua lại chào hỏi, mây đen trong lòng thoáng chốc tan đi, bầu trời trong xanh trở lại, cũng đứng lên vẫy tay bắt chuyện, cười hỏi: "Có chuyện gì thế!"

Thuyền nhỏ xuôi dòng chảy, các cô đi theo bên bờ, vừa đi vừa hỏi: "Các anh lại đi trộm đài sen chứ gì?"

"Nói mau, đã ăn bao nhiêu gậy?"

"Hay là đi đánh bả chó nhà người ta?"

Giang Trừng nghe họ nói vài câu, hận không thể đá bay hắn xuống khỏi thuyền, cất giọng đau đớn: "Tiếng xấu của ngươi lan rộng, đúng là làm mất mặt nhà chúng ta mà."

Ngụy Vô Tiện giải thích: "Các cô ấy nói rất đúng, "các anh", là nói cả đám chúng ta đấy, có mất mặt cũng là mất mặt tập thể."

Bên này hai người đang cãi cọ, bên kia một cô lại hỏi: "Ăn ngon không?"

Ngụy Vô Tiện đang bận rộn cũng cố tranh thủ thời gian hỏi: "Cái gì cơ?"

Cô gái nói: "Dưa hấu chúng tôi tặng, ăn có ngon không!"

Ngụy Vô Tiện bỗng nhiên tỉnh ngộ, nói: "Hóa ra dưa hấu là của các cô à? Ăn ngon lắm! Sao lúc mang dưa đến các cô không vào chơi một lát, chúng ta mời các cô dùng trà!"

Cô gái mỉm cười rạng rỡ, đáp: "Khi mang dưa đến các anh không ở đó, tôi để đấy rồi về, không dám ngồi lại. Ăn ngon là tốt rồi!"

Ngụy Vô Tiện nói: "Cảm ơn!" Hắn nhặt từ đáy thuyền lên mấy đài sen lớn, nói, "Mời các cô ăn đài sen, lần sau hãy vào xem ta luyện kiếm!"

Giang Trừng xì mũi: "Ngươi luyện kiếm có gì hay mà xem?"

Ngụy Vô Tiện cứ thế ném đài sen lên bờ, ném đi thật xa, đến khi rơi vào tay người lại hết sức nhẹ nhàng. Hắn cầm vài đài sen nhét vào lòng Giang Trừng, đẩy hắn: "Ngươi đứng thộn ra đó làm gì, mau lên."

Giang Trừng bị hắn đẩy hai lần, cũng đành phải nhận, hỏi lại: "Mau lên cái gì?"

Ngụy Vô Tiện nói: "Ngươi cũng ăn dưa hấu, còn không mau đáp lễ người ta. Qua đây, đừng ngại, cứ ném đi, ném đi là được."

Giang Trừng xì mũi: "Buồn cười, cái này có gì mà ngại." Nói thì nói thế, nhưng đám sư đệ trên thuyền cũng bắt đầu ném quên trời quên đất, mà hắn vẫn không động thủ. Ngụy Vô Tiện lại nói: "Vậy ngươi ném đi. Lần này ném đi, lần sau có thể hỏi các cô ấy đài sen ăn ngon không, lại có chuyện để nói tiếp!"

Các sư đệ bỗng dưng tỉnh ngộ: "Thì ra là thế, xin thọ giáo, sư huynh đúng là kinh nghiệm đầy mình!"

"Nhìn qua là biết huynh hay làm mấy chuyện này!"

"Đâu có đâu có, ha ha ha ha..."

Giang Trừng vốn định ném đài sen, nhưng nghe mấy câu này lập tức tỉnh lại, cảm thấy cực kỳ mất mặt, bèn bóc một đài sen tự ăn một mình.

Thuyền bơi trong nước, các cô nương trên bờ rảo bước đuổi theo, nhận lấy những đài sen xanh biếc mà các thiếu niên trên thuyền ném tới, vừa chạy vừa cười. Ngụy Vô Tiện đặt tay phải vào giữa hai chân mày, nhìn phong cảnh trên quãng đường này, cười cười rồi thở dài. Mọi người hỏi: "Đại sư huynh sao thế?" "Các em gái đuổi huynh chạy, còn thở dài gì nữa?"

Ngụy Vô Tiện vác mái chèo lên vai, cười nói: "Không sao, ta chỉ nghĩ mình thành tâm thành ý mời Lam Trạm đến Vân Mộng chơi, thế mà y lại dám từ chối."

Các sư đệ giơ ngón cái: "Ồ, không hổ là Lam Vong Cơ!"

Ngụy Vô Tiện hăng hái nói: "Câm miệng! Một ngày nào đó ta sẽ kéo y đến đây, sau đó đạp y rớt y thuyền, lừa y đi trộm đài sen, để ông lão dùng sào tre quất y, để y đuổi theo sau lưng ta, há há há há..."

Cười ha hả một trận, hắn ngoái đầu nhìn Giang Trừng ngồi trên mũi thuyền xụ mặt ăn đài sen, nụ cười từ từ tan biến, than thở: "Ôi, đúng là trẻ con không dạy nổi mà."

Giang Trừng nổi giận: "Ta muốn ăn riêng thì có làm sao?"

Ngụy Vô Tiện nói: "Ngươi ấy à, Giang Trừng. Thôi bỏ đi, ngươi hết thuốc chữa rồi, cả đời ngươi cứ ăn một mình đi!"

Túm lại là, con thuyền nhỏ đi trộm đài sen, một lần nữa thắng lợi trở về.

_________________

(2)

Vân Thâm Bất Tri Xứ.

Bên ngoài núi sâu, nắng tháng sáu chói chang gay gắt. Bên trong núi sâu, lại là một thế giới tĩnh lặng, trời đất mát lành.

Ngoài lan thất, hai bóng áo trắng đứng thẳng tắp trên hành lang. Một cơn gió thổi qua, y phục bay phơ phất, mà thân người thì vẫn vững vàng.

Lam Hi Thần và Lam Vong Cơ, đang đứng rất nghiêm chỉnh.

Đứng trồng cây chuối.

Hai người đều lặng thinh không nói, tựa như đã tiến vào trạng thái nhập định. Suối chảy róc rách, chim hót cánh vỗ là âm thanh duy nhất ở nơi này, trái lại còn làm nổi bật thêm sự yên tĩnh xung quanh.

Một lúc sau, Lam Vong Cơ bỗng gọi: "Huynh trưởng."

Lam Hi Thần chậm rãi thoát khỏi trạng thái nhập định, mắt nhìn thẳng, hỏi: "Sao thế?"

Trầm mặc giây lát, Lam Vong Cơ hỏi lại: "Huynh đã đi hái đài sen bao giờ chưa?"

Lam Hi Thần nghiêng đầu, đáp: "...... Chưa."

Đệ tử Cô Tô Lam thị nếu muốn ăn đài sen, hiển nhiên không cần phải đích thân đi hái.

Lam Vong Cơ gật đầu, hỏi: "Huynh trưởng, huynh biết không."

Lam Hi Thần: "Biết gì?"

Lam Vong Cơ: "Đài sen còn cuống ăn ngon hơn đài sen đã bứt cuống."

Lam Hi Thần trả lời: "Ồ? Chưa từng nghe nói thế. Sao đệ tự dưng nhắc đến việc này?"

Lam Vong Cơ đáp lại: "Không sao cả. Đã đến giờ, đổi tay."

Hai người đổi tay chống đỡ tư thế trồng cây chuối từ tay phải sang tay trái, động tác nhịp nhàng, không gây tiếng động, bình ổn cực điểm.

Lam Hi Thần còn đang muốn hỏi, cẩn thận nhìn lại, bỗng nở nụ cười: "Vong Cơ, đệ có khách đến thăm kìa."

Trên hành lang gỗ, một con thỏ trắng tinh đang từ từ bò lại, bò đến bên cạnh bàn tay trái đang chổng ngược của Lam Vong Cơ, cái mũi hồng hồng chun lại.

Lam Hi Thần thắc mắc: "Sao lại chạy tới đây?"

Lam Vong Cơ nói với nó: "Quay về."

Con thỏ trắng kia lại không nghe lời, cắn phần đuôi đai buộc trán của Lam Vong Cơ rồi ra sức kéo, cứ như muốn kéo Lam Vong Cơ đi theo nó vậy.

Lam Hi Thần thong thả nói: "Nó muốn đệ mang nó về."

Con thỏ kéo không được,hổn hển nhảy quanh hai anh em. Lam Hi Thần cảm thấy buồn cười, hỏi: "Đây là con thích đùa nghịch phải không?"

Lam Vong Cơ đáp: "Quá nghịch rồi."

"Nghịch cũng không sao, dù gì cũng rất đáng yêu. Ta nhớ có hai con, chẳng phải chúng nó thường xuyên ở bên nhau sao, thế nào lại chỉ một con tới? Con còn lại thích yên tĩnh nên không muốn đến, phải không?"

"Sẽ đến thôi."

Quả nhiên, chẳng được bao lâu, trên hành lang gỗ lại lấp ló một cái đầu nho nhỏ trắng tinh. Con thỏ trắng còn lại cũng chạy đến đây tìm bạn của nó.

Hai cục tròn tròn trắng trắng rượt đuổi nhau một lát, cuối cùng chọn một chỗ, chính là bên cạnh tay trái của Lam Vong Cơ, yên tâm nằm chen chúc cạnh nhau.

Một đôi thỏ trắng dính chặt cọ sát lẫn nhau, dù tầm nhìn đảo ngược, cảnh tượng cũng rất đáng yêu. Lam Hi Thần hỏi: "Tên chúng là gì?"

Lam Vong Cơ lắc đầu, không biết y muốn nói chúng không có tên, hay là không muốn nhắc đến.

Lam Hi Thần lại nói: "Lần trước ta có nghe đệ gọi tên chúng."

Lam Hi Thần nhủ thầm trong bụng: "Là cái tên rất hay."

Lam Vong Cơ đổi tay. Lam Hi Thần nói: "Chưa tới giờ."



Lam Vong Cơ lặng lẽ đổi tay lại.

Một nén nhang sau, hết giờ trồng cây chuối, hai anh em trở lại nhã thất tĩnh tọa.

Một vị gia phó dâng lên khay trái cây ướp lạnh để giải nhiệt. Dưa hấu bỏ vỏ, phần thịt cắt thành từng miếng vuông vức, bày trong khay ngọc, đo đỏ, trong suốt, nhìn rất đẹp. Hai huynh đệ ngồi quỳ trên chiếu, thấp giọng nói đôi câu, trao đổi mấy bài học tâm đắc ngày hôm qua, rồi bắt đầu ăn.

Lam Hi Thần vốc một nắm lá trà xanh, lại thấy Lam Vong Cơ nhìn chằm chằm khay ngọc, không rõ là có ý gì, bèn theo bản năng ngưng mọi động tác.

Quả nhiên, Lam Vong Cơ mở miệng. Y gọi: "Huynh trưởng."

Lam Hi Thần đáp: "Chuyện gì?"

Lam Vong Cơ hỏi: "Huynh đã ăn vỏ dưa hấu bao giờ chưa."

"......" Lam Hi Thần hỏi lại: "Vỏ dưa hấu ăn được sao?"

Im lặng giây lát, Lam Vong Cơ nói: "Nghe nói có thể xào."

Lam Hi Thần: "Có lẽ là được."

Lam Vong Cơ: "Nghe nói hương vị rất ngon."

"Ta chưa thử bao giờ."

"Ta cũng chưa."

"À......" Lam Hi Thần nói, "Đệ muốn kêu người xào thử à."

Suy nghĩ một lát, Lam Vong Cơ nghiêm mặt lắc đầu.

Lam Hi Thần thở phào nhẹ nhõm.

Không biết vì sao, y cảm thấy không cần thiết phải hỏi câu "Đệ nghe ai nói?"...

*****

Ngày hôm sau, Lam Vong Cơ một thân một mình xuống núi.

Không phải y không hay xuống núi, mà là không hay một thân một mình đến phiên chợ ồn ào tấp nập.

Người đến kẻ đi, người đi kẻ đến. Dẫu là tiên môn thế gia hay là trường săn trên núi, đều chẳng thể đông người đến vậy. Cho dù là Thanh Đàm Thịnh Hội đông vui tấp nập, thì cũng là đông vui trong ngay ngắn trật tự, không có cảnh chen chúc thế này. Dường như lúc đi đường ai đạp chân ai, ai đụng xe ai đều chẳng có gì lạ. Xưa nay Lam Vong Cơ không thích đụng chạm với người khác, thấy tình cảnh này bèn ngừng lại giây lát, nhưng vẫn chưa lùi bước ngay mà định tìm người hỏi đường quanh đó. Ai ngờ cứ tìm mãi mà chẳng thấy ai để hỏi.

Bấy giờ Lam Vong Cơ mới phát hiện, không chỉ có mình y không muốn tới gần người khác, mà người ta cũng không muốn lại gần y.

Toàn thân y không nhuốm bụi trần, còn đeo trên lưng một thanh kiếm, chẳng ăn nhập chút nào với phiên chợ ồn ào huyên náo kia. Những người bán hàng rong, nông dân và đám nhàn rỗi chẳng mấy khi được thấy một công tử thế gia như vậy, ai nấy đều vội vàng né tránh. Hoặc họ sợ đây là vị công tử sang chảnh không dễ chọc, ai cũng cẩn thận không muốn đắc tội y; hoặc họ sợ nét mặt lạnh lùng nghiêm nghị của y - dù sao ngay cả Lam Hi Thần cũng đã đùa rằng suốt sáu thước vuông xung quanh Lam Vong Cơ đều là trời đông giá rét, một ngọn cỏ cũng không mọc nổi. Khi Lam Vong Cơ đi tới, chỉ có mấy cô gái đi chợ muốn ngắm y mà chẳng dám ngắm lâu, mới giả vờ bận rộn, đầu thì cúi mà mắt thì ngước lên. Chờ y đi rồi, họ mới tụ lại thành nhóm cười hi ha sau lưng y.

Lam Vong Cơ đi nửa ngày mới gặp một bà cụ đang quét bụi trước cửa lớn của một ngôi nhà, bèn mở lời: "Xin hỏi muốn đến hồ sen gần đây nhất phải đi hướng nào."

Bà cụ kia mắt đã mờ, vừa xám xịt vừa mơ hồ. Bà thở dốc, không nhìn rõ y, đáp: "Đi thêm tám chín dặm về hướng này, có một gia đình trồng vài chục mẫu sen."

Lam Vong Cơ gật đầu đáp: "Đa tạ."

Bà cụ nói: "Vị tiểu công tử à, đến chiều tối đầm sen ấy sẽ không cho ai bước vào, nếu cậu muốn đi chơi thì mau tranh thủ đi lúc trời còn sáng."

Lam Vong Cơ lại đáp một tiếng: "Đa tạ."

Y đang định đi, thấy bà cụ kia cầm cây gậy trúc nhỏ dài, chọc mãi chọc mãi cũng không gảy nổi một cành cây khô cắm dưới mái hiên, bèn đưa ngón tay điểm một cái, kiếm khí cách không đánh rơi cành cây khô ấy, rồi mới xoay người rời đi.

Tám chín dặm so với tốc độ của y cũng không tính là xa, Lam Vong Cơ đi thẳng một mạch về hướng bà lão chỉ.

Đi một dặm là ra khỏi chợ; đi hai dặm, dân cư dần dần thưa thớt; đi đến bốn dặm, hai bên đường đã là núi xanh ruộng biếc, bờ ruộng dọc ngang. Thi thoảng mới gặp một gian nhà nhỏ xiêu xiêu vẹo vẹo, bốc lên một làn khói bếp ngoằn ngoèo. Trên bờ ruộng có mấy đứa bé người ngợm lấm lem tết tóc đuôi sam ngóc lên trời đang ngồi xổm, mải miết chơi bùn nhão. Chúng vừa chơi vừa cười ha hả, ngươi quệt ta ta trét ngươi, cảnh tượng này đậm đà phong vị thôn quê.

Lam Vong Cơ nghỉ chân quan sát, ngắm nghía chúng một lát đã bị phát hiện. Đám trẻ nghịch bùn vẫn còn nhỏ, sợ người lạ, thấy y bèn chạy mất dạng nhanh như chớp, bấy giờ y mới tiếp tục cất bước. Đi được năm dặm, trên mặt Lam Vong Cơ chợt mát lạnh, thì ra là cơn mưa bụi li ti thổi tới từ trong gió.

Y nhìn lên trời, quả nhiên mây xám cuồn cuộn cứ như muốn sập xuống. Chân y cố gắng bước nhanh, mà mưa tới lại càng nhanh hơn.

Lúc này, chợt thấy năm sáu người đứng bên bờ ruộng.

Mưa bụi đã trở nên nặng hạt, mà mấy người kia vẫn chưa bung dù, cũng không che chắn gì cả. Hình như họ đang vây quanh thứ gì đó, hoàn toàn không có lòng dạ nào để ý tới chuyện khác. Lam Vong Cơ tiến lại gần, chỉ thấy một người nông dân nằm trên mặt đất, đang hừ hừ kêu đau.

Lẳng lặng nghe vài câu, Lam Vong Cơ hiểu ngay đã xảy ra chuyện gì. Hóa ra trong lúc đang làm ruộng, người nông dân này bị con bò của một nông dân khác húc phải, giờ không bò dậy nổi, chẳng biết là hỏng eo hay là gãy chân. Con bò làm chuyện sai trái, bị đuổi ra xa đứng ở cuối ruộng, vùi đầu vẫy đuôi không dám tới gần. Chủ nhân con bò chạy đi mời đại phu, những người còn lại không dám tự tiện di chuyển người bị thương, sợ khiêng lên sẽ hủy hoại gân cốt hắn, chỉ dám chăm sóc hắn bằng cách này. Nhưng thời tiết rất xấu, lại bắt đầu mưa. Ban đầu chỉ mưa rả rích, còn có thể nhẫn nhịn, ai ngờ chỉ chốc lát sau đã đổ ập xuống đầu.

Thấy mưa ngày càng nặng hạt, một người nông dân chạy về nhà lấy ô. Nhưng nhà người này ở xa, không thể về trong chốc lát; những người còn lại đều lo lắng lấy tay che cho người nông dân bị thương, che được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Nhưng cứ tiếp tục như vậy cũng không phải cách hay. Dù lấy được ô thì cũng chỉ có vài cái ô thôi, đâu thể chỉ cho một hai người che, số còn lại đều dầm mưa chứ!?

Một người thì thào mắng một câu: "Cứ như là gặp ma ấy, mưa lớn như vậy, nói đến là đến."

Lúc này, một nông dân nói: "Dựng lán lên đi! Che được lúc nào hay lúc ấy."

Cách đó không xa có một cái lều cũ bỏ hoang, chống bằng bốn khúc gỗ. Một khúc xiêu vẹo, một khúc quanh năm dầm mưa dãi nắng nên đã hơi mục nát.

Một người do dự nói: "Nhưng mình đâu thể động đến nó?"

"Mấy... mấy bước chân thôi, chắc không sao đâu."

Mọi người vội vàng khiêng người nông dân bị thương sang đó một cách cẩn thận, lại có hai người đi nâng lều. Ai ngờ hai nông dân vẫn không nâng nổi một mái lều xập xệ. Người bên ngoài thúc giục, bọn họ gồng hết sức, khuôn mặt đỏ bừng lên, nhưng mái lều vẫn không suy suyển chút nào. Lại thêm hai người nữa tới, mà vẫn không ăn thua!

Mái căn lều gỗ này lấy gỗ làm khung, trên lợp cỏ tranh và ngói, chất thêm nhiều tầng bụi đất, chắc chắn là không nhẹ. Nhưng cũng đâu thể nặng đến nỗi bốn người nông dân quanh năm làm việc đồng áng vẫn không nhấc nổi chứ?

Chưa cần lại gần, Lam Vong Cơ đã biết có chuyện gì. Y đi đến trước lều gỗ, cúi người nhấc lên một góc mái lều gỗ chỉ bằng một tay.

Mấy nông dân kia sợ đến ngây người.

Bốn người nông dân cũng không nâng nổi mái lều, vậy mà thiếu niên này chỉ dùng một tay đã làm được!

Ngây ngẩn một lúc, một người nông dân bèn thì thào với những người còn lại. Không chần chừ thêm phút nào, bọn họ liền ba chân bốn cẳng khiêng người kia tới. Khi bước vào lều, ai nấy đều nhìn Lam Vong Cơ, nhưng y không hề liếc mắt lấy một cái.

Đặt người xuống rồi, lại có hai nông dân tới bảo: "Vị... công tử này, cậu thả xuống đi, để chúng tôi làm!"

Lam Vong Cơ lắc đầu. Hai nông dân kia kiên trì nói: "Cậu còn nhỏ tuổi quá, không chịu nổi đâu."

Nói đoạn đưa tay ra, giúp y chống lều. Lam Vong Cơ liếc nhìn bọn họ, cũng không nói nhiều, chỉ hơi hơi thu lại mấy phần sức lực, hai nông dân tức thì biến sắc.

Lam Vong Cơ thu ánh mắt về, lại lên gân như cũ, hai nông dân kia mới ngượng ngùng ngồi xổm xuống.

Lều gỗ này nặng hơn so với tưởng tượng của bọn họ, thiếu niên này vừa thu tay, họ liền không chống đỡ nổi.

Một người rùng mình: "Lạ thật, sao vào đây rồi còn lạnh hơn nhỉ."

Nhưng bọn họ đều không thấy, lúc này ngay giữa lều gỗ đang treo một bóng người quần áo lam lũ, tóc xơ lưỡi dài.

Ngoài lều mưa rơi gió thổi, trong lều bóng người ấy lắc lắc lư lư, kéo theo một cơn gió lạnh.

Chính tà túy này đã khiến mái lều nặng bất thường, người thường nhấc kiểu gì cũng không lên được.

Lam Vong Cơ ra ngoài không mang theo pháp khí độ hóa. Nếu tà túy này không có ý định hại người, thì dĩ nhiên không thể đánh nó đến hồn phi phách tán, không thèm phân tốt xấu. Xem ra tạm thời cũng không có cách nào thuyết phục nó hạ thi thể của chính nó đang treo lơ lửng trên kia xuống, cũng chỉ có thể nhấc mái nhà này lên. Khi nào về sẽ báo lên trưởng bối, rồi phái người tới xử lý.

Tà túy sau lưng Lam Vong Cơ treo lơ lửng một hồi lúc ẩn lúc hiện, bị gió thổi lắc trái lắc phải, oán hận nói: "Lạnh quá hà..."

"..."

Nó nhìn quanh nhìn quất, tìm một người nông dân dựa vào, hình như muốn sưởi ấm. Người nông dân chợt run rẩy một cái. Lam Vong Cơ hơi nghiêng đầu, ném cho nó một cái liếc mắt lạnh lùng.

Tà túy cũng phát run, đành tủi thân mà lui trở về. Nhưng nó vẫn lè đầu lưỡi dài, cất giọng ai oán: "Mưa lớn, mưa lớn quá, lều thì trống huơ trống hoác... Thật sự rất lạnh mà..."

"..."

Mãi cho đến khi đại phu tới, mấy người nông dân vẫn chưa dám trò chuyện với Lam Vong Cơ. Đợi cho mưa tạnh hẳn, bọn họ khiêng người bị thương ra khỏi lều gỗ, Lam Vong Cơ mới buông nóc lều, chẳng nói chẳng rằng đã đi luôn.

Khi y đến đầm sen, mặt trời đã xuống núi. Y toan xuống hồ thì phía đối diện có một con thuyền nhỏ chống sào đi tới, trên thuyền là một người phụ nữ trung niên: "Ôi ôi ôi! Cậu làm gì vậy?"

Lam Vong Cơ đáp: "Hái đài sen."

Người phụ nữ kia nói: "Mặt trời lặn rồi, sau khi trời tối chúng tôi không cho người ngoài vào đây nữa. Hôm nay không được, để hôm khác đi!"

"Ta không ở lâu đâu, chỉ vào một khắc rồi ra luôn."

"Không được là không được, đây là quy tắc, quy tắc không phải do tôi định ra, cậu hỏi chủ nhân đi."

"Chủ nhân đầm sen này ở đâu vậy?"

Người phụ nữ hái sen đáp: "Đã sớm trở về rồi, cho nên cậu hỏi tôi cũng phí công. Nếu tôi cho cậu vào thì chủ đầm sẽ trách mắng tôi, cậu chớ làm khó tôi."

Nghe đến đó, Lam Vong Cơ cũng không miễn cưỡng, gật đầu nói: "Đã quấy rầy rồi."

Tuy sắc mặt bình tĩnh, nhưng có thể nhìn ra cảm giác thất vọng.

Người phụ nữ hái sen thấy y áo trắng như tuyết, nhưng một nửa đã bị mưa dầm ướt, trên giày trắng cũng dính vết bùn, bèn dịu giọng nói: "Hôm nay cậu đã đến muộn rồi, sáng mai đến sớm một chút đi! Cậu từ đâu đến? Vừa rồi mưa rõ to, cậu đội mưa chạy đến ư!? Sao lại không mang ô, nhà cậu cách nơi này bao xa?"

Lam Vong Cơ thành thật đáp: "Ba mươi tư dặm."

Người phụ nữ hái sen vừa nghe vậy lập tức nghẹn lời, mãi mới nói: "Xa thế cơ à! Nhất định là cậu phải đi rất lâu mới đến được đây! Nếu thật sự muốn ăn đài sen, cậu có thể ra phố mua mà, họ bán nhiều lắm."

Lam Vong Cơ đang muốn quay đi, nghe vậy dừng lại nói: "Đài sen trong chợ không có cuống."

Người phụ nữ hái sen ngạc nhiên hỏi: "Không lẽ cậu nhất định phải mua đài sen có cuống? Ăn chẳng khác gì nhau cả."

Lam Vong Cơ đáp: "Có."

"Không!"

Lam Vong Cơ bướng bỉnh cãi lại:"Có. Một người đã nói cho ta biết là có."

Người phụ nữ hái sen phì cười: "Rốt cuộc là ai nói với cậu thế? Tiểu công tử cố chấp ghê, bị quỷ làm mê muội đầu óc rồi!"

Lam Vong Cơ lặng thinh không nói, cúi đầu chuẩn bị xoay người trở về. Người kia lại gọi: "Nhà cậu thật sự xa đến thế ư?"

Lam Vong Cơ đáp: "Ừm."

"Hay là... hôm nay cậu đừng về nữa? Tìm một chỗ ở gần đây, ngày mai lại tới?"

"Nhà ta cấm đi lại ban đêm. Ngày mai còn phải đi học."

Người phụ nữ hái sen gãi gãi đầu, suy nghĩ một lúc có vẻ rất khó xử, cuối cùng nói: "... Được rồi, cho cậu vào, chỉ một lát thôi nhé. Cậu hái nhanh lên chút, lỡ bị ai trông thấy, đến tai chủ nhân thì ngài sẽ mắng tôi một trận đấy. Tôi chừng này tuổi rồi, không muốn bị người ta mắng đâu."

*****

Không Sơn mới trải qua cơn mưa, Vân Thâm Bất Tri Xứ.

Cây ngọc lan sau cơn mưa càng thêm tươi tắn đẹp đẽ. Lam Hi Thần thấy vậy sinh lòng yêu thích, trải tờ giấy trên bàn, vẽ tranh bên cửa sổ.

Xuyên qua song cửa sổ khắc hoa, y thấy một bóng áo trắng chậm rãi đến gần. Lam Hi Thần vẫn không đặt bút xuống, gọi: "Vong Cơ."

Lam Vong Cơ đi tới, chào qua khung cửa: "Huynh trưởng."

"Hôm qua nghe đệ nhắc tới đài sen, vừa may hôm nay thúc phụ sai người mua đài sen mang lên núi, đệ muốn ăn không?"

Lam Vong Cơ ngoài cửa sổ đáp: "Ăn rồi."

Lam Hi Thần cảm thấy hơi khó hiểu: "Ăn rồi?"

"Dạ."

Huynh đệ hai người lại nói vài câu đơn giản, rồi Lam Vong Cơ quay về tĩnh thất.

Vẽ xong, Lam Hi Thần ngắm nghía một hồi rồi thuận tay thu lại, vất mọi chuyện ra sau đầu, rút Liệt Băng ra đi đến nơi mình thường luyện tập Thanh Tâm âm.

Cỏ long đàm mọc thành từng bụi tím nhạt trước tiểu trúc, điểm xuyết vài hạt sương. Lam Hi Thần bước vào theo đường mòn, ngước mắt lên, thoáng ngẩn người.

Trên hành lang gỗ trước cửa tiểu trúc bày một bình bạch ngọc, trong bình lại cắm mấy cái đài sen có cao có thấp.

Bình ngọc thon dài, cọng sen cũng thon dài, dáng vẻ đẹp đẽ vô ngần.

Lam Hi Thần thu Liệt Băng lại, ngồi xuống hành lang trước cái bình ngọc, nghiêng đầu nhìn một lúc, âm thầm đấu tranh tư tưởng.

Cuối cùng, vẫn thận trọng không thò tay ra len lén bóc một hạt ăn thử, xem đài sen kèm theo cuống rốt cuộc có mùi vị gì khác biệt.

Nếu Vong Cơ trông có vẻ vui thế, vậy hẳn là nó thật sự ăn rất ngon.

----------
alt
(Cao H)Câu Dẫn Cầm Thú Giáo Sư Nhà Bên
Ngôn tình Sắc, Sủng, HIện Đại
Chỉ Mê Đội Trưởng Đội Bóng Rổ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Nữ Cường
Gả Cho Nam Thần
Ngôn tình Sắc, Sủng, Tổng Tài
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc