Chiều. Và mưa. Cứ tiếp diễn như mấy bộ phim hoạt hình vèo vèo trên TV mỗi ngày. Hay như những bộ phim Hàn Quốc hơn, vì nó… giống nhau đến kỳ lạ.
- Thế thì buồn lắm. - Một thằng thì thầm chán nản.
- Nhưng mà tao thích thế! - Duy nhún vai, quẹt quẹt cây cọ - Mưa gây một cảm giác an toàn cho những kẻ ngồi trong phòng suốt ngày thế này.
Cả lũ phá lên cười, rồi lại ai nấy tập trung vào tác phẩm của mình. Thỉnh thoảng chỉ còn tiếng sột soạt của những tờ giấy vẽ. Duy nhìn ra cửa sổ một cách hờ hững. Mưa có vẻ ngớt. Không. Vẫn vậy! Nó ngẩn người một lúc rồi cuộn tờ giấy vẽ lại, ném mấy cây cọ đã được rửa sạch vào ba lô.
Có tiếng con gái vang lên trong phòng: “Về hả Duy?”. Duy nhấc cái giá đặt vào góc phòng, không trả lời, nói to: “Đứa nào đi uống cà phê chút không? Tao mời”. Hai thằng xếp đồ vào túi đi ra ngoài với Duy, còn lại vẫn phác phác tay một cách lặng lẽ như những bức tượng gỗ bên điêu khắc. Nhi nhìn theo ba cái bóng khuất dần nơi cửa…
Ba đứa đạp mưa tành tạch bước trên phố vắng hoe và đen ngòm như một cuộn phim dài. “Cà phê muộn thì ngon hơn”. Một thằng vừa nhâm nhi vừa gật gù. Thật ngẫu nhiên, bao giờ những kẻ thuộc dân Mỹ thuật cũng hơi kỳ quặc. Ví như chuyện lập một lớp học vào 11 giờ đêm. Tập trung? Có thể, nhưng đúng hơn thì là tụi nó thích một kiểu khác người. Duy đưa tay hứng những hạt mưa từ mái rớt xuống, những cơn mưa ngày lạ liên miên thế này thường làm người ta nhớ nhà. Người ta có thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của cuộc sống, tìm phút tĩnh lặng rồi lại sẽ ngẩn ngơ, nên vội quay về với nhịp sống kia ngay. Duy đứng lên, kẹp tiền vào đáy cốc: “Tao về trước đây”…
Duy không ưa công việc vẽ minh họa cho một tờ báo, nhưng nó nghiệm ra từ lâu: không phải cuộc sống bao giờ cũng đúng ý, đôi khi có những cái không ưa thích vẫn phải làm. Duy làm việc ở đây hầu hết các buổi sáng, chiều lên trường. Đều đều như thế, lúc đầu bị bọn bạn gọi là “cối xay gió” vì kiếm tiền dễ quá, nhưng công việc không làm Duy thích thú nên sớm mất hứng, kiếm được bao nhiêu tiêu sạch. Một cách vô cớ, Duy yêu vẽ. Uống cà phê muộn. Hơi lạnh. Thực dụng. Và thích đùa cợt với tình cảm con gái. Mấy chị ở tòa soạn mê mái tóc dài và hơi rối của nó. Còn những sinh viên năm nhất thì trầm trồ trong cái thế giới Duy tạo ra từ những cây cọ. Duy vơ lấy tất cả nhưng chỉ như đứa trẻ thèm món đồ chơi khi được bày trong tủ kính, còn khi đã cầm trong tay rồi thì sẽ lại nhanh chóng vứt đi. Người sau vào thì người trước ra! Nhìn quen Duy từ lâu lắm rồi, đến nay cũng đã được bốn, năm năm, nhưng ít trò chuyện lắm, hoặc do ít thời gian hoặc do Duy luôn tránh ở lâu với Nhi trong hoàn cảnh rỗi rãi. Tuy vậy, Nhi vẫn là cô bạn hiếm hoi của Duy. Nhi có mái tóc ngắn và xù chẳng hợp với đôi mắt buồn chút nào, có vẻ lặng lẽ, triết lý và hơi thấu hiểu, tuy nhạt nhẽo. Duy không mê tuýp người như vậy nhưng nó lại thích vẽ Nhi. Vì vậy còn tồn tại tình bạn? Nhi hay lẽo đẽo theo Duy tới các lớp vẽ từ khi còn học cấp ba, lúc đầu chỉ là để làm mẫu, dần dần thấm tình yêu với cái thứ nghệ thuật kỳ lạ, để rồi cũng thi vào Mỹ thuật như Duy. Thi mất hai năm, nên nó học kém Duy một khóa. Bây giờ, Nhi vẫn đi cùng Duy tới các lớp học, nhưng để vẽ…
Nhi chăm chú vẽ, miệng mấy máy:
- Duy vẫn làm ở báo đấy à?
Duy không trả lời, vẫn lướt tay cực nhanh trên giấy, như viết chứ không phải là vẽ nữa, có lẽ vì khả năng đặc biệt ấy nên nó rỗi thời gian hơn lũ bạn.
Nhi giơ tay lên, xoay xoay một cách ít hài lòng, thả giọng:
- Không thích thì làm làm gì. Hãy cứ tự nhiên thì hơn. Cuộc sống vốn thế…
Duy ngừng vẽ, vo tờ giấy ném sang một bên:
- Nhi tắt ngay mớ triết lý rởm đời ấy đi! Duy không cần ai dạy cho Duy về cuộc sống. Duy thích tiền nên làm. Vậy thôi!
Nhi không nói gì, với một tờ giấy trắng trên bàn đưa Duy. Không gian lặng lẽ và sóng sánh như một ly cà phê đầy, chỉ còn tiếng mưa vỗ vào thành mái nhựa lộp bộp. Cái ký túc xá Mỹ thuật có thể phân biệt với các loại khác bằng cái vẻ yên tĩnh đặc trưng. Những bóng người lướt qua những cửa sổ sáng đèn êm như những bóng ma…
Hôm khác, Nhi lại hỏi:
- Này, thế Duy cứ làm các cô gái khóc mãi thế à?
Lần này, Duy có hứng thú hơn vì nó vừa hoàn thành phần bài tập cho cả tuần, khoanh chân lên ghế:
- Không mãi đâu! Hoặc vì muốn tìm tình yêu đích thực, hoặc chỉ vì thích. Nếu hai cái ấy kết thúc thì Duy sẽ thôi.
Rồi nó bước vội ra ngoài ngay khi Nhi định nói một điều gì nữa…
Phòng biên tập nằm ở tầng năm nên Duy thường lên xuống bằng thang máy. Hôm nay cũng vậy, nó khép cửa, trong lòng hơi trống rỗng, cái cảm giác thường gặp khi làm những công việc tuần tự đến chu kỳ. Duy bấm thang máy, rồi chờ, từng con số nhích dần trên bảng, khi số năm bật ra thì thang máy dừng lại, cánh cửa mở ra và người trong ấy làm Duy hơi ngạc nhiên:
Nhi không nói gì. Trong bóng tối, Duy cảm thấy hình như cô bạn đã ngồi xuống. Nó cũng ngồi vào một góc. Cả hai lặng thinh. Một lúc lâu. Duy mới mở miệng trước một cách khó khăn:
- Cám ơn vì cái áo mưa.
Nhi đáp trả tươi tỉnh:
- Không có gì.
Và hỏi về phần bài tập thầy giao tuần trước. Hai đứa nói chuyện với nhau để lấp sự tẻ nhạt. Có lẽ không gian không lối thoát lại làm Duy thích thú. Nó chợt hỏi những thứ về cô bạn, điều mà nó sẽ không bao giờ quan tâm. Nhi nói rất chậm, về gia đình của mình sống ở trên một thảo nguyên rộng mênh mông xanh mướt một màu cỏ; về cậu em trai thích leo cây và tắm sông; chú chó nhỏ màu trắng hay ăn cơm chung với con mèo hàng xóm; về dàn hoa thiên lý mẹ nó trồng; về nhiều thứ Duy chưa từng nghe qua… Và say sưa. Và giản dị. Nhi kể về nỗi buồn của nó khi xa nhà lên thành phố học, được nguôi ngoai dần nhờ cậu bạn lạnh lung; kể về niềm thích thú khi nó lần đầu thấy Duy vẽ, về tình yêu dần lan chiếm tim nó với Mỹ thuật, với Duy…
Duy chẳng nói gì, chỉ ngồi nghe. Rất lâu. Nó lặng hiểu ra một điều rất đỗi bình thường: những thứ mà nó thường quét lên những tấm giấy chính là những sắc màu cuộc sống. Sự sống là một điều gì đó thật óng ánh thiêng liêng và hồng hào, nhưng chưa bao giờ rõ ràng đến thế. Tình yêu, hãy cứ bắt đầu từ một cái gì rõ ràng như thế, để nó biết cách trân trọng những gì quanh nó, những thứ nó chưa từng gắng tìm hiểu.
Ánh sáng thang máy chợt bừng lên kỳ diệu. Duy nhìn sang mái tóc xù của Nhi, mỉm cười:
- Đi ăn trưa rồi còn về trường. Chiều nay mình sẽ vẽ Nhi một bức thật đẹp. Nhỉ?