"Nhân bất tự hại, thụ hại tất chân" cũng có nghĩa là người ta thường không bao giờ tự hại chính mình, chẳng may bị hại thì cũng không phải do tự nguyện mà là do sức mạnh bên ngoài áp đặt. Trong "36 kế sách" có kế "Khổ nhục kế" là thông qua việc tự mình hại mình, tự mình trải qua những lúc hiểm nguy để lấy được lòng tin của địch. Vì tự mình hại mình rất dễ lấy được lòng tin của đối phương, nó mang một tác dụng mê hoặc, lừa dối rất lớn nên đó là một kế hay tuyệt diệu có thể che giấu được mưu đồ của mình, làm cho đối phương có những ý nghĩ và hành vi sai lầm. Khổ nhục kế của Chu Du đánh Hoàng Cái thời Tam quốc có thể lừa được một người đa nghi như Tào Tháo, trong nháy mắt làm tan vỡ đại quân mấy chục vạn người của Tào Tháo. Hàng trăm năm sau, danh tướng đời Đường Quách Tử Nghi lại dùng kế này dễ dàng biến hàng chục vạn quân địch thành quân đội bạn, xóa bỏ một tai họa ngập đầu của triều Đường.
Trong quá trình nhà Đường tập trung lực lượng dọn loạn An - Sử, vì phải điều động một lượng lớn binh sĩ từ phía tây bắc sang phía đông nên quân Thổ Phồn đã thừa cơ từng bước xâm nhập chiếm lĩnh Hà Tây và Lũng Hữu. Năm Quảng Đức nguyên niên đời Đường Đại Tông (năm 763 sau Công nguyên), sau khi trải qua mấy năm chiến loạn, vương triều Đường sức cùng lực kiệt tiếp nhận sự đầu hàng của quân An - Sử cũng đã sức cùng lực kiệt. Lúc đó nhà Đường cho rằng đã thắng lợi nên chỉ lo các tướng soái có công lớn trong việc dẹp loạn sẽ lấn át chủ. Đường Đại Tông có lần tự mình nói với con gái, cũng là con dâu của Quách Tử Nghi - Thăng Bình công chúa rằng: "Quách Tử Nghi không chịu làm thiên tử thì mới chưa làm hoàng đế, nếu ông ta mà muốn đoạt lấy thiên hạ thì chắc chắn thiên hạ sẽ không còn là của nhà ta nữa". Để phòng ngừa việc hoàng quyền rơi vào tay kẻ khác, Đường Đại Tông (bao gồm cả các đời vua nhà Đường sau này) càng ngày càng tăng mối hiềm nghi đối với các tướng soái chính. Chiến tranh dẹp loạn vừa kết thúc thì Quách Tử Nghi cũng bị tước bỏ mất quân quyền; Lý Quang Bật không dám vào triều, lo buồn mà chết, vị phó nguyên soái cuối cùng Phó Cố Hoài ân cũng suốt ngày lo buồn, đành phải lo bảo tồn dư bộ.
Đúng vào lúc nhà Đường cho rằng thiên hạ thái bình thì Thổ Phồn đã dẫn theo hơn 20 vạn quân rầm rộ Đông tiến vào tháng 7 cùng năm mà quân An - Sử đầu hàng, chỉ trong 3 tháng đã đánh đuổi được Đường Đại Tông, chiếm cứ Trường An, ngang ngược cướp sạch. Một người thẳng thắn vô tư, trung tâm ái quốc như Quách Tử Nghi thấy thế vội vàng dũng cảm đứng ra dùng uy thế quân đội và sự mưu trí của mình để lấy ít thắng nhiều, đánh lui được quân Thổ Phồn. Đường Đại Tông trở về Trường An, tuy biết rằng Quách Tử Nghi lại có công nhưng mối hiềm nghi với các tướng soái chỉ tăng lên chứ không giảm đi. Quách Tử Nghi lại bị bỏ không, không dùng đến. Phó Cố Hoài ân vì sợ mà làm phản, nhà Đường lại phải đối diện với nguy cơ lớn hơn.
Bắt đầu từ năm 764 sau Công nguyên, Phó Cố Hoài ân công khai phản lại nhà Đường, nhiều lần tấn công quan quân, làm nhà Đường ăn không ngon ngủ không yên. Năm 765 sau Công nguyên, Phó Cố Hoài ân lại tập hợp quân Thổ Phồn, Hồi Ca được hơn 60 vạn binh mã tiến hành Nam Hạ. Đường Đại Tông vô cùng kinh sợ, lại đành phải dùng Quách Tử Nghi, lệnh cho ông dẫn đầu vạn binh mã tiến về Kinh Dương (phía Tây bắc Kinh Dương - Thiểm Tây ngày nay) để ngăn chặn.
Trong thời gian hai quân đánh nhau, Phó Cố Hoài ân bất ngờ bệnh nặng chết, Thổ Phồn và Hồi Ca vẫn tiếp tục uy hiếp Kinh Dương.
Quách Tử Nghi lệnh cho tướng Lý Quang Toán đến doanh trại của Hồi Ca. Quân Hồi Ca đã từng nhận lời mời của Phó Cố Hoài ân giúp đỡ quân Đường đứng đầu là Quách Tử Nghi thu lại được hai kinh nên rất tôn sùng Quách Tử Nghi, đồng thời cũng đã có hiệp ước đồng minh với nhà Đường. Lý Quang Toán trách Hồi Ca đã bội ước, thất tín. Sau đó nói, giờ đây Phó Cố Hoài ân đã bị trời tru, Quách lệnh công Quách Tử Nghi đóng quân ở đây, nếu tự nguyện nối lại tình hữu nghị lúc trước thì xin hãy cùng tấn công Thổ Phồn, còn nếu đã quyết bội ước thì xin hãy định ngày quyết chiến.
Đô đốc Hồi Ca là Dược Cát La nghe xong kinh sợ hỏi rằng: "Quách lệnh công đến đây rồi? Có thể gặp một lần được không! E rằng ngươi đến để lừa ta!".
Lý Quang Toán đáp: "Chính Quách lệnh công đã phái tôi đến đây thì sao lại nói là Quách Tử Nghi không ở đây?".
Dược Cát La nói. "Lệnh công quả là ở đây thì xin mời đến gặp mặt".
Lý Quang Toán quay về báo với Quách Tử Nghi. Quách Tử Nghi nghĩ địch thì đông mà ta thì ít, khó mà thắng được. Nếu nhà Đường làm cho Hồi Ca tin rằng sẽ vẫn tín nhiệm họ như trước thì có khả năng khiến cho họ chọn biện pháp ký hòa ước để giải quyết quan hệ giữa Đường - Hồi. Mà hiện nay tương quan lực lượng giữa hai bên nghiêng về phía Hồi Ca, nếu để xảy ra binh đao thì chỉ cần không cẩn thận một chút thôi cũng có thể khiến cho mình và Đại Đường gặp phải một tai họa lớn. Làm thế nào mới có thể khiến Hồi Ca tin vào sự tín nhiệm nhà Đường và quân Đường đối với họ đây? Quách Tử Nghi suy nghĩ lại, quyết định dùng kế "Khổ nhục thị tín".
Quách Tử Nghi quyết định tự mình đến doanh trại Hồi Ca.
Đây quả là một việc mạo hiểm nên các tướng đều khuyên không nên đi. Nhưng Quách Tử Nghi nói với họ rằng: "Nếu ta không đi thì ngang với việc Lý Quang Toán đã lừa Hồi Ca. Quân Hồi Ca tức giận tấn công thì quân ta thế cô lực yếu tất sẽ không có đường sống. Nay ta đứng ra đối mặt với sự lợi hại thì mới có khả năng không đánh mà thắng".
Các tướng chẳng còn cách nào khác nhưng nhất trí yêu cầu chọn 500 kỵ binh tinh nhuệ đi theo để đề phòng chuyện bất trắc. Quách Tử Nghi kiên quyết không đồng ý: "Ta một mình một ngựa ung dung đi đến thì quân Hồi Ca mới tin vào thành ý của ta. Nếu mang theo kỵ binh tinh nhuệ thì quân Hồi Ca làm sao dám ký hồi ước. Thêm nữa, 500 kỵ binh đứng trước 10 vạn mãnh hổ thì làm được việc gì đây?". Nói xong chỉ đem theo một số kỵ binh lên ngựa đi thẳng.
Con trai thứ ba của Quách Tử Nghi là Quách Hi vội vàng chạy lên phía trước giữ ngựa lại khuyên rằng. "Phụ thân là bậc đại nguyên soái của đất nước, sao lại coi nhẹ việc vào hang hùm, ngộ nhỡ có việc gì xảy ra thì hối hận cũng không kịp nữa rồi!". Quách Tử Nghi nói "Với tình thế hiện nay thì dù cho ta có tử chiến với họ cũng chỉ có thể làm cho cha con ta đều chết, Đại Đường khó mà bảo toàn. Còn nếu khuyên được họ thì thực là cái may mắn của đất nước, vì hạnh phúc của muôn dân thì tiếc chi sự an nguy của một mình lão già này? Thắng lợi lần này chỉ có thể hy vọng vào kế sách biết là nguy hiểm mà cố ý làm cho không nguy hiểm". Nói xong vung roi rút tay Quách Hi ra, hét lên: "Đi!", thúc ngựa phi nước đại thẳng tiến về phía doanh trại Hồi Ca.
Người Hồi Ca thấy Quách Tử Nghi đơn thương độc mã đến, nhao nhao xuống ngựa bái kiến. Quách Tử Nghi vào doanh trại của địch mà thần thái tự nhiên như đi gặp một người bạn cũ có chút lỗi lầm, nắm chặt tay thủ lĩnh Hồi Ca là Dược Cát La, khẩn thiết nói cho ông ta hiểu về tình về lý. Đồng thời nói thêm rằng quân Thổ Phồn đã thừa lúc loạn lạc vào thành cướp bóc vô số của cải của nhà Đường. Chỉ cần Hồi Ca đồng ý thì nhà Đường sẽ để cho Hồi Ca tùy ý lấy lại và sẽ thuộc về họ.
Dược Cát La thấy Tử Nghi một mình một ngựa đến, lại trước sau như một coi mình là người bạn trung thực nên mới nói ra nguyên nhân và nội dung ông ta bị Phó Cố Hoài ân lừa dối: Hoài ân nói rằng thiên tử nhà Đường chết rồi, Quách lệnh công cũng đã hy sinh thân mình. Nay để báo đáp lòng tin của lệnh công, nguyện cùng Quách Tử Nghi thề chết lập minh, kết tình hữu hảo, cùng nhau tấn công Thổ Phồn.
Thủ lĩnh Thổ Phồn sau khi biết được tin báo đó, vội vàng dẫn quân bỏ chạy. Hồi Ca và quân Đường cùng nhau truy kích, Thổ Phồn chạy tan tác. Nhà Đường đã chuyển nguy thành an. "Khổ nhục kế" vốn là một kế lừa dối tuyệt mật, Quách Tử Nghi một mình một ngựa bày tỏ lòng tin, không sợ hiểm nguy nên đường đường chính chính được coi là kế "quang minh". Quách Tử Nghi quả không hổ là một danh tướng quang minh lỗi lạc và tài ba trong việc dùng diệu kế. Trong kinh doanh thương mại việc vận dụng kế "khổ nhục thị tín" cũng rất đa dạng. Dưới đây là một ví dụ đáng để làm tấm gương.
Ở miền Tây Philadenphia của Mỹ có hai cửa hàng đối địch với nhau, một cái là cửa hàng thương mại New York, một cái là cửa hàng thương mại châu Mỹ. Hai cửa hàng ở sát cạnh nhau, hai ông chủ cửa hàng là những kẻ thù không đội trời chung trong cuộc cạnh tranh giá cả kịch liệt.
Trên cửa sổ của cửa hàng New York có dòng chữ: "Bán chăn bằng sợi đay, chất lượng tốt, hoàn mỹ, giá cả phải chăng mỗi chiếc 6,50 đô la". Ngay sau đó trên cửa sổ của cửa hàng châu Mỹ xuất hiện dòng chữ: "Mọi người hãy xem kỹ, chăn của cửa hàng chất lượng hàng đầu thế giới, giá 5,95 đô la".
Không chỉ cạnh tranh thông qua việc quảng cáo mà họ còn thường xuyên phá đám, chửi bới, thậm chí còn đánh nhau. Sau cùng, một người trong số họ sẽ rút lui khỏi cuộc cạnh tranh, rêu rao rằng ông chủ cửa hàng kia là người điên, một kẻ điên sẵn sàng phá sản để đánh đổ "tôi", ai mua hàng ở đó cũng là kẻ điên. Thế là mọi người chen chúc nhau đi sang cửa hàng đã giành được phần thắng, đi thẳng đến để mua hết loại có "giá phá sản". Mọi người ở vùng này đều thấy vì hai người đó không ngừng cạnh tranh mà họ mua được hàng hóa đẹp giá lại rẻ.
Song có một hôm, một trong hai ông chủ của hai cửa hàng đó mất. Sau vài hôm, ông chủ còn lại đóng cửa hàng, chuyển nhà đi nơi khác. Mọi người không thấy hai ông đâu nữa. Khi người chủ mới của căn nhà đến thanh lý mới phát hiện ra giữa hai căn nhà đó có một đường ngầm thông nhau, cửa hàng của họ ở phía dưới căn buồng đó. Sau khi điều tra thì hóa ra hai ông chủ đó lại là anh em với nhau.
Chửi mắng, dọa nạt và những sự công kích khác là cái gì?
Thực ra tất cả chỉ là biểu diễn "lò xo" mà thôi. Tất cả những việc làm tổn hại đến nhân cách đều là lừa dối, ai giành được "thắng lợi" thì người đó cũng là người làm cho hàng hóa của cả hai cửa hàng bán chạy.
Trong kinh doanh của hai anh em họ có xen "khổ nhục kế" và đã lừa được mọi người hơn 30 năm. Hàng mà họ bán ra có thể chỉ là hàng loại hai, giá thì cao nhưng thủ đoạn dùng mưu kế của họ thì lại hơn cả loại "hàng đầu" .