Sáng nay tôi nhìn thấy em ở ngã tư. Đèn đỏ còn sáng và đồng hồ đang đếm ngược. Ba mươi chín giây. Em đang vội, chiếc xe đạp điện màu đỏ cứ nhích dần lên. Không chỉ mình em, nhiều người khác cũng vội. những chiếc xe máy cứ nhích dần, nhích dần lên…
Sống là không chờ đợi. Dù chỉ mấy mươi giây.
Tôi nhớ có hôm nào đó, em đã nói với tôi rằng đấy là một triết lý hay, ta phải tranh thủ sống đến từng giây của cuộc đời.
Nhưng em biết không, đừng vì bất cứ một triết lý nào mà gạt bỏ ý nghĩa của sự chờ đợi. Chờ đợi ở đây không phải là há miệng chờ sung, mà chờ đợi là một phần của bài học cuộc đời. Em sẽ bằng lòng đợi chứ, nếu em biết về điều sẽ xảy ra?
Đôi khi xếp hàng ở siêu thị, vì biết rồi sẽ đến lượt mình và rằng đó là sự công bằng. Đợi tín hiệu đền xanh trước khi nhấn bàn đạp, vì biết đó là luật pháp và sự an toàn cho chính bản thân. Đợi một người trễ hẹn thêm dăm phút nữa, vì biết có bao nhiêu điều có thể bất ngờ xảy ra trên đường. Đợi một cơn mưa vì biết rằng dù dai dẳng mấy, nó cũng phải tạnh. Đợi một tình yêu đích thực vì biết rằng những thứ tình yêu “theo trào lưu” chỉ có thể đem đến những tổn thương cho tâm hồn nhạy cảm của em…
Vì vậy, hãy cứ bình tâm, em nhé. Cuộc đời ta cũng như rượu vang vậy. Có những loại vài tháng là uống được. Nhưng cũng có loại phải lưu giữ rất nhiều năm để đạt độ cần thiết. Điều quan trọng không phải là sớm hay là muộn, mà là đúng lúc. Bởi mọi thứ đều có thời điểm của riêng nó. Vị rượu ngon chính là phần thưởng của tháng năm.
Cũng như câu chuyện về hai chú sâu nọ. Sâu anh nằm trong cái kén cảm thấy bực bội vô cùng, nên cố vùng vẫy thật mạnh để thoát ra. Vùng vẫy ngày này qua ngày khác, sâu mọc đôi cánh bé. Nó lại cố ra sức đập cánh, đôi cánh dần lớn ra, cứng cáp. Và cuối cùng, sâu anh hóa bướm, rũ bỏ cái kén chật chội để bay lên. Khi đã thoát ra rồi, nó thấy sâu em vẫn còn mắc kẹt trong kén. Nó hăm hở đến giúp em phá vỡ cái kén và đưa sâu em ra ngoài.
Thế nhưng, em biết không, sâu em mới chỉ có một đôi cánh mỏng manh. Nó không thể bay lên như anh và cũng không còn chiếc kén bảo vệ thân mình. Bướm anh khóc ròng khi nhìn em bị đàn kiến tha đi.
Tôi nhớ có một câu danh ngôn, đại ý rằng: “Bạn sẽ có được con gà con lông vàng mũm mĩm bằng cách ấp trứng, chứ không phải bằng cách đập vỡ cái trứng ra”. Vậy thì đó là lý do tại sao con sâu phải nằm trong kén đủ ngày rồi mới được hóa thân. Cũng như con người phải chín tháng mười ngày mới nên rời lòng mẹ. Đó cũng là lý do của ba mươi chín giây đèn đỏ, của mười hai năm miệt mài trên ghế nhà trường, của một mối tình tha thiết còn chưa chịu hé lộ. Và của rất nhiều khoảnh khắc chờ đợi trong cuộc đời.
Mọi vật có thời điểm của nó. Em đừng cố rút ngắn thời gian. Nếu trái chưa chín thì đừng nên hái. Nếu nhộng chưa chín thì đừng phá vỡ kén tắm. Nếu chưa gặp được một tâm hồn đồng điệu thì đừng trao gửi trái tim. Đừng để thế giới này tác động.
Xuân qua hè tới. Đông sang thu về.
Đừng nôn nóng khi nhìn thấy những loài cây đã khoe lá khoe hoa. Hãy cứ bình tâm. Hãy đợi thời điểm của mình, em nhé. Hãy tận dụng khoảng lặng này để bồi đắp cho chính mình và học cách khám phá điều sẽ xảy ra. Nếu em biết suy tư, khoảng thời gian chờ đợi không bao giờ là vô nghĩa.
Vì thế, dù cuộc sống có trôi nhanh đến mấy, em nhớ để dành trong đời mình những khoảng lặng chờ đợi. Không chỉ như chờ đèn xanh bật sáng ở ngã tư, mà như chờ rượu chín rồi hãy uống.
Như chờ tình đến rồi hãy yêu.
Ta sẽ làm chi đời ta
1. Trong nhóm thợ xây đang làm việc cạnh nhà tôi, có một cậu phụ hồ dáng thư sinh nhưng luôn miệng ca hát. Cậu vừa tốt nghiệp phổ thông, làm những việc vặt như khiêng vác, sắp xếp đồ đạc và ở lại công trường vào ban đêm để trông coi vật liệu. Đêm, nằm dài trên chiếu, dưới ánh đèn tờ mờ, xung quanh ngổn ngang gạch cát, cậu vừa đọc ngấu nghiến những tờ báo tôi cho mượn và hát vang hết bài này đến bài khác.
Hỏi chuyện mới biết, ba mẹ cậu đều đi làm mướn, cố cho con học hết phổ thông, giờ thì ngặt nghèo lắm nên cậu phải lên Sài Gòn làm phụ hồ để kiếm sống và phụ giúp ba mẹ. Rồi cậu nói chắc nịch rằng sẽ kiếm đủ tiền để mai mốt đi học tiếp. Tôi hỏi cậu thích học ngành gì. Cậu nói ngay mình sẽ thi vào Nhạc viện.
Một cậu phụ hồ nghèo rớt đang nuôi giấc mơ vào Nhạc viện. Một hình ảnh dường như không thật khớp. Như hiểu ánh mắt ngại ngần của tôi, cậu nói thêm rằng nhiều người khuyên cậu nên theo một ước mơ khác, thực tế hơn. Nhưng cậu tin vào bản thân, và không có mục tiêu nào có thể làm cậu xao lãng.
Tôi nghe tim mình nhói lên, vì một điều đã cũ, “người nghèo nhất không phải là người không có một xu dính túi, mà là người không có lấy một ước mơ”.
Nói cho tôi nghe đi, ước mơ của bạn là gì?
2. Cách đây lâu rồi, tôi đọc được một vài cuốn sách của Vũ Hoàng Chương. Cái đầu đề của nó làm tôi mất ngủ nhiều đêm: “Ta đi làm chi đời ta?”
Có nhiều người tôi gặp đã từng day dứt bởi những điều giống nhau: Có phải chính mình đã chọn nghề này không? Có phải chính mình đã chọn cách sống này? Sao nó khác với những ước mơ thời hoa niên của mình đên vậy? Hay là theo dòng đời đưa đẩy, mình chọn ngả dễ đi, đường êm ái chứ không phải chọn đường mình muốn được đi? Ước mơ tuổi mười lăm sao không biến mất mà cứ đeo bám mình cho đến tận bây giờ?
Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi học trò - lứa tuổi bất ổn định nhất. Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày. Lúc ấy, có thể bạn sẽ phải ngậm ngùi mà thốt lên: “Chao ôi, ta đã làm chi đời ta vậy?”
Nếu vậy, sao ta không nghĩ đên điều này ngay từ bây giờ?
Sao tao không ngồi xuống đây trong một ngày cuối năm và tìm kiếm câu trả lời từ đáy tim mình: Ta muốn làm gì? Ta muốn sống ra sao? Ta muốn trở thành ai trong cuộc đời này?
Ta muốn làm chi đời ta?
Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu mà bạn sử dụng, thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không, có thể nó sẽ là những màu sắc mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải bạn.
Dan Zadra viết rằng: “Đừng để ai đánh cắp giấc mơ của bạn”. Vậy thì hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim ta đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức…
Một chùm hoa vô ưu
Em không phải là Phật tử, nhưng em cùng bạn bè vừa trở về từ chuyến “du lịch Thiền” tổ chức trong bốn ngày tại Thiền viện Bát Nhã ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) nhân dịp lễ Phật Đản.
Ở đó, người ta hướng dẫn về Phật pháp và những tu tập khác nhằm giúp em thích ứng với đời sống hiện đại, nuôi dưỡng thân tâm, hóa giải cơn giận, sự buồn đau, cảm giác cô đơn, kết nối lại những sợi dây tình thân trong gia đình và với bạn bè… Khi về lại Sài Gòn, em thấy lòng thật vui vẻ và thanh bình.
Tôi biết điều đó khi nhìn gương mặt em. Rạng rỡ như một chùm hoa vô ưu vậy.
Tôi thích cái tên ấy. Hoa Vô Ưu.
Có người vẫn tin rằng hoa vô ưu chỉ là một loài hoa trong tâm tưởng và không có thật. Cũng có sự “vô ưu” (không buồn phiền) tuyệt đối là không thể có. Còn em, em có tin rằng trên thế gian này có một loài hoa tên là “vô ưu” không?
***
Thái tử Tất Đạt Đa được sinh ra dưới vòm cây vô ưu đang trổ hoa chính là Đức Phật sau này. Vì thế mà loài hoa này gắn với ngày Phật Đản. Tên tiếng Phạn của nó là Asoca, tiếng Hán dịch ra là Hô Ưu Thọ (cây vô ưu), lá xanh ngắt, hoa nở từng chùm, màu cam đỏ rực rỡ, tỏa hương thơm ngát.
Thái tử Tất Đạt Đa, ngay sau khi chào đời, đã đứng dậy và đi bảy bước, mỗi bước của cậu lại có một bông sen nở ra đỡ lấy bàn chân. Đứng trên tòa sen thứ bảy, thái tử chỉ lên trời, một tay xuống đất ý nói “Thiên thượng thiên địa duy ngã độc tôn” (Trên trời và dưới trời thì ta là cao quý nhất).
Câu nói ấy đã khiến nhiều người băn khoăn. Phải chăng đó là sự kiêu căng, chấp ngã?
Nhưng không, em ạ. Cũng như loài hoa kia, đừng chỉ vì cái tên mà tin rằng nó không có thật. Bởi hoa là do chính con người đặt tên. Đừng vì cái ý nghĩa đã biết của chữ “ngã” mà hiểu rằng “Ta là trên hết”. Vì nghĩa của chữ cũng do con người đặt ra.
***
Trong những buổi tịnh tâm ngắn ngủi ở thiền viện, em chỉ làm một điều duy nhất, đó là nhìn thật sâu vào tâm hồn mình, tìm đến cái nguyên sơ của tính thiện, của sự vô ưu, của tình yêu thương thuần khiết. Và rồi cũng với đôi mắt đó, em nhìn bạn bè, người thân, em nhìn thế giới xung quanh. “Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”.
Có một câu thiền rất quên thuộc: “Khi tôi chưa học đạo, tôi thấy núi là núi, sông là sông. Khi tôi học đạo, tôi thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Sau khi học đạo xong, tôi lại thấy núi là núi, sông là sông”. Ta có thể đi khắp nhân gian, nghe muôn chuyện, thấy muôn điều. Nhưng ta chỉ có thể thấu hiểu khi nhìn và nghe với trái tim khiêm nhường và trong sáng, không mang theo bất cứ thành kiến hay sự cố chấp nào. Khi ta nhìn những người xung quanh dưới cái nhìn thuần khiết nhất, ta mới có thể nhận ra họ như chính bản thân họ, không phân biệt giàu nghèo, đẹp xấu, giỏi dở, sang hèn, không phân biệt màu da, tôn giáo, giai cấp… Khi đó, ta mới có thể “lại thấy núi là núi, sông là sông”.
Tôi tin rằng chữ ngã trong câu “duy ngã độc tôn” của Thái tử Tất Đạt Đa là nói về cái vốn dĩ đã ở trong mỗi con người từ khi sinh ra. Cái gọi là “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Cái hồn nhiên, vô tư, lương thiện, nhân ái, yêu thương. Cái cao quý nhất, đáng nâng niu và gìn giữ nhất. Đó chính là cái “ngã” thật sự, chung nhất của loài người. Đó là Tâm Phật mà ai cũng có. Đó là xuất phát điểm của cõi nhân sinh. Đó chính là chùm hoa vô ưu kỳ diệu của tâm hồn con người.
Nhưng trong đời sống xô bồ này, có khi ta tự chôn vùi nó, có khi ta lãng quên. Và có khi giống như hoa vô ưu, người ta không nghĩ là nó có tồn tại. Nhưng em đã biết rằng, nếu chịu lắng nghe, chịu nhìn lại, chịu tìm kiếm, chắc chắn ta sẽ tìm thấy nó, phải không em?
Chắc chắn ta sẽ tìm thấy một chùm hoa vô ưu trong tâm hồn mỗi người ta quen biết. Và trong chính bản thân ta.
Yêu hơn một người?
Nếu bạn đã hỏi thì quan điểm của tôi là: hoàn toàn có thể. Tại sao người ta có thể yêu cùng lúc mười hai đứa con (thậm chí vừa con nuôi lẫn con ruột), yêu cùng lúc năm ông anh bà chị mà lại không thể yêu hai người đàn ông hay đàn bà cùng lúc?
Việc khuyến cáo “chỉ nên yêu một người” cũng giống như khuyến cáo “đang lái xe đừng nhìn cô gái đẹp bên kia đường” vậy. Nó góp phần giảm rủi ro và ngăn cản tai nạn giao thông. Nhưng nếu bạn có đủ khả năng để vừa nhìn, vừa lái xe, tôn trọng luật giao thông và không gây tai nạn cho người khác thì…
Tuy nhiên, cái thực tế mà ta nhìn thấy: một người đàn ông quan hệ cùng lúc nhiều người phụ nữ, những ông chồng không chung thủy, những cô gái phân vân giữa hai chàng trai… không đơn giản là những ví dụ của … yêu hơn một người cùng lúc. Nó có thể là sự đam mê thể xác, toan tính bạc tiền, trò chơi chinh phục…
Thôi được, tôi đồng ý là chúng ta chỉ nói đến tình yêu thuần túy, vô vị lợi, hoàn toàn thuộc về cảm xúc. Có thể yêu hai người cùng lúc bằng tình yêu thực sự không?
Nếu bạn đã hỏi thì quan điểm của tôi vẫn là: hoàn toàn có thể.
Tình yêu là điều rất khó lý giải. Người ta thường nói, tình yêu không có biên giới. Điều đó đúng với tuổi tác, giai cấp, màu da, chủng tộc… thậm chí đúng với cả… giới tính và đương nhiên, số lượng. Chuyện yêu cùng lúc hai ba bốn năm hay sáu người gì đó là chuyện hoàn toàn mang tính cá nhân. Không phải mối tình nào cũng kết thúc với lòng thù hận, bởi thế, không ít người phải đối phó với tình trạng hình ảnh người yêu cũ chưa chịu vẫy tay chào mà hình ảnh người yêu mới đã ào ào xông tới. Bạn hoàn toàn có thể giữ lấy hai hình ảnh đó trong tim mình, người yêu của bạn cũng vậy. Dù sao trái tim cũng là thứ khó kiểm soát và chẳng ai biết được ta giấu điều gì trong tim.
Nhưng, trong khi yêu bao nhiêu người cùng lúc luôn là bí mật của riêng trái tim ta, thì việc tồn tại trong mối quan hệ yêu đương với hơn một người cùng lúc lại không còn là vấn đề riêng tư nữa.
Mọi con người đều có quyền tự do lựa chọn và chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Điều tối quan trọng trong mọi mối quan hệ, giữa người với người, đó là sự tôn trọng. Chúng ta phải tôn trọng quyền được biết và quyền được lựa chọn của đối phương. Nếu bạn không thể (hay không muốn) chọn lựa thì bạn vẫn phải trả cho người kia quyền chọn lựa của họ Thực tình, không mấy người kết án trái tim đâu, người ta chỉ kết án những toan tính ích kỷ của cái đầu. Người ta dễ thông cảm với một trái tim đa đoan, nhưng hiếm khi tha thứ cho sự lừa dối. Bởi tình yêu thường không liên quan đến đạo đức, nhưng cách ứng xử với con người thì có.
Tôi biết một người đàn ông có đến bốn bà vợ sống rất vui vẻ với nhau. Bí quyết của ông là trước khi đến với ai, ông đều thành thật kể với họ, rồi kể với các bà vợ của mình. Nếu tất cả đồng ý thì ông tiến tới. Nếu một trong các bà từ chối thì ông không theo đuổi nữa. Đa số mọi người nể trọng ông thay vì phê phán. Tuy nhiên, ít ai đủ bản lĩnh, đủ thành thật như ông.
Vấn đề duy nhất là trong nhà ngoài ngõ từ vợ cho đến người xa lạ ai gặp ông cũng hỏi: “Trong bốn bà, ông yêu bà nào nhất?”. Đó là việc duy nhất khiến ông phải đau đầu và là bí mật duy nhất mà ông quyết không trả lời nhằm giữ hòa khí giữa bốn bà, bởi như một câu danh ngôn mà tôi quên mất tên tác giả: “Một người được yêu chỉ thật sự hạnh phúc khi biết mình được yêu hơn ai”. Những bi kịch trong cung cấm thời xưa thường bắt đầu khi ông vua trả lời câu hỏi đó, dù bằng lời hay bằng hành động.
Vì tình yêu không giống nhau ở mỗi người, tôi không thể mang cảm giác khi yêu của mình gán ghép cho người khác. Tôi không dám khẳng định rằng vì tôi chỉ yêu có một người trong một thời điểm nghĩa là cả thế giới cũng phải (hay nên) như vậy. Tôi chỉ muốn chia sẻ với bạn, từ góc độ cá nhân, tôi tin rằng khi ta yêu một người nào đó, ta đã trao hết cả trái tim, tâm trí, thời gian và chẳng còn gì để dành cho một người khác nữa. Khi ta yêu một người nào đó, ta thậm chí quên hết cả thế gian…
Một anh bạn của tôi thú nhận rằng lý do để anh phải chọn chỉ một người rất đơn giản: Anh không đủ tiền, thời gian và sức lực để ngồi chịu trận trong rạp xem bộ phim Sex and the City hai lần, đi hội chợ triển lãm nữ trang và áo cưới hai lần trong một tuần, mua hai món quà trong ngày Valentine và băn khoăn không biết nên ăn tối với ai trong ngày sinh nhật của chính mình. .. Và dù sao, anh cũng chỉ dẫn được một cô về ra mắt mẹ để xin cưới.
Tôi cũng gặp vài người ưa thích “quá trình sàng lọc”, nhưng số đó ít thôi. Còn đa số, cả đàn ông lẫn phụ nữ mỗi lần yêu đều hy vọng tìm được đúng người để đi đến hôn nhân. Dù nghĩ về hôn nhân theo cách lạc quan hay bi quan, thì khi thực sự yêu ai đó ta cũng mong muốn gắn kết với người ấy đến cuối cuộc đời.
Tình yêu không phải là điều chỉ đơn giản xảy ra rồi tồn tại như thế mãi. Nó bắt đầu bằng một chồi non - một rung động khi nhìn thấy người ấy. Nhưng nếu bạn chỉ rung động mà không nhìn thẳng vào mắt người ấy lần nào thì tình yêu như cánh chim không có chỗ đậu. Nếu bạn chỉ nhìn mà không nói thì tình yêu sẽ chết non. Nếu bạn chỉ tỏ tình rồi để đó mà không dành thời gian hẹn hò, chia sẻ, động viên, cãi cọ, khóc lóc, hờn giận rồi làm hòa thì tình yêu sẽ dần héo hon.
Yêu không khó, nhưng sống cùng tình yêu thì không dễ.
Tôi còn nhớ tấm thiệp mà tôi mua cho vợ nhân kỷ niệm năm năm ngày cưới của mình. Một cánh chim tung gió trên trời. Một con cá kiếm dưới biển. Cả hai lao vào nhau, gặp nhau ở ngay mặt nước và cùng biến đổi, kết hợp thành một … con thuyền. Chim trời hóa thành cánh buồn. Cá nước biến thành thân thuyền. Trước mặt là biển đông. Đó là một hình ảnh ví von hoàn hảo. Tình yêu chính là quá trình biến hóa đó. Nó thực sự là như vậy. Đôi khi, nó không diễn ra dễ dàng mà đầy trải nghiệm đớn đau. Tình yêu, không chỉ là gặp gỡ và đồng hành. Tình yêu cũng không phải là sự tận hiến từ một phía mà là sự kết hợp trong một quá trình hóa thân cùng nhau. Ta vẫn kết nối với môi trường nuôi sống ta, nhưng cũng không còn hoàn toàn là ta nữa. Để sống cùng với tình yêu thực sự thì phải chấp nhận điều đó.
Bạn có khả năng hiến mình trong bao nhiêu quá trình hóa thân như thế - cùng một lúc - nếu bạn nói những mối tình hiện tại của mình đều là yêu thực sự?
Tiền tài như phấn thổ?
Tiền tài như phấn thổ
Nghĩa trọng tơ thiên kim
Con le le mấy thuở chết chìm
Người tình bạc nghĩa kiếm tìm làm chi?
Khi còn nhỏ, tôi thường nghe mẹ hát như vậy. Phấn thổ tức là bụi đất. Cứ theo câu “trọng nghĩa khinh tài” mà giải, tiền bạc quả thật đáng xem thường.
Thời gian qua đi, tôi lớn lên và nhìn thấy cuộc đời dường như không giống câu ca dao mẹ hát. Chúng ta vẫn được dạy rằng đồng tiền dễ làm tha hóa con người, rằng hãy tránh xa những người xem đống tiền là trọng. Nhưng tôi chưa từng thấy ai kiếm tiền bằng trí lực của mình một cách chính đáng mà không xem trọng đồng tiền, dù họ giàu hay nghèo. Người ta nói đồng tiền là nguồn gốc của tội lỗi, nhưng nếu đúng như vậy thì tại sao nhà thờ và nhà chùa vẫn tiếp nhận nó như một thứ lễ vật?
Chúng ta thường có cái nhìn ngưỡng mộ khi nghe ai đó nói ràng “Tôi không quan tâm đến tiền bạc”, nhưng rồi tôi đọc được câu này của Oscar Wilde: “Khi còn trẻ, tôi thường nghĩ rằng tiền bạc là thứ quan trọng nhất trong đời sống, bây giờ khi tôi già, tôi biết là đúng như vậy”.
Tôi đã sống qua nhiều năm tháng mới nhận ra bản chất của đồng tiền, và tôi ước gì khi tôi mới mười bảy tuổi, có ai đó đã nói cho tôi biết ý nghĩa đích thực của tiền, thứ mà chúng ta sẽ chạm đến mỗi ngày trong suốt cuộc đời, thậm chí có thể nhiều lần chạm vào bàn tay người mình thương yêu.
Tôi thực sự ưa thích cách nhìn về đồng tiền của nhân vật Francisco de Anconia trong tiểu thuyết Atlas Shrungged (Ayn Rand). Nhà tư sản công nghiệp này nói rằng: “Tiền bạc đòi anh nhận ra rằng con người phải làm việc để đạt tới lợi ích chứ không phải để chịu tổn hại… Những người thật sự ham mê tiền bạc nỗ lực làm việc để kiêm được tiền, và họ biết rằng mình xứng đáng có được nó”.
Phải chăng chúng ta nên trả lại cho tiền khuôn mặt giản dị của nó: một công cụ dùng để trao đổi các giá trị tương xứng. Đừng khoác cho nó uy lực mà nó không có, cũng đừng gán cho nó tội lỗi mà nó không phạm. Cái làm con người sa ngã không phải là sức mạnh của đồng tiền, mà là những tham vọng không chính đáng của chính bản thân ta: có được những thứ không phải của mình, sở hữu những thứ vượt quá công sức của mình, danh tiếng mà mình không xứng đáng, vật chất mà mình chưa đủ khả năng mua...
Mẹ tôi dạy rằng hãy luôn xài ít hơn số tiền mình kiếm được. Trong khi phần đông chúng ta thường xài nhiều hơn số tiền mình làm ra. Một người bạn của tôi tâm sự rằng đôi khi cô thấy mình là kẻ ngốc, vì sung sướng nhét một đống Credit Card(2) trong ví để rồi mua những thứ mình không cần, bằng số tiền mình không có (mà vay qua credit card), cốt chỉ để chứng tỏ với những người không quen. Sau đó è cổ ra cày trả nợ. Có phải là vô nghĩa hay không? Đó cũng là sự khác nhau giữa Credit Card và Debit Card(3). Tôi ghi nhớ kinh nghiệm đau thương của cô nên quyết định làm Debit Card thay vì Credit Card. Có nhiều xài nhiều, có ít xài ít, không có thì đi “window shopping”(4) cho vui vậy. Ngân hàng chắc buồn nhưng tôi thì ngủ yên.
2. Credit Card: Loại thẻ tín dụng xài trước trả sau.
3. Debit Card: Loại thẻ tín dụng có bao nhiêu tiền chỉ xài bấy nhiêu.
4. Window shopping: đi xem hàng chứ không mua.
Trong bài hát This is the Life của Al Yankovic có một câu rất hay: “So if money can’t buy happiness, I guess I’ll have to rent it” (Nếu tiền không thể mua được hạnh phúc, chức tôi phải thuê thôi). Nhưng tôi tin rằng cái gì người ta có bán thì tiền đều có thể mua được. Chắc chắn như vậy. “Tiền không mua được hạnh phúc”chẳng phải vì tiền không có đủ sức mạnh mà vì không ai bán hạnh phúc. Giả sử tôi có đủ tiền để trả cho hạnh phúc của bạn, và nếu bạn thực sự hạnh phúc, bạn có bán nó cho tôi không? Người ta dám bán cả các ngôi sao trên trời nhưng tôi tin không ai bán hạnh phúc nếu như họ có nó.
Ngoại trừ trong các quảng cáo. Tôi thấy trên internet người ta bán một căn nhà vách đất trong miền nông thôn nước Pháp với lời rao: “Chúng tôi bán hạnh phúc, và bạn được miễn phí ngôi nhà”. Thật tài tình. Đó là lý do khiến chúng ta gần như phát điên lên vì shopping. Áo quần, xe cộ, đồ hi-tech… Nhưng vấn đề nằm ở chỗ đôi khi ta không biết chắc mình đang mua cái gì. Có khi nào bạn trả tiền cho một chiếc mũ bảo hiểm và nghĩ rằng mình đã mua được sự an toàn tuyệt đối không? Chúng ta vẫn nghe nhắc rằng: “Tiền có thể mua được ngôi nhà nhưng không mua được gia đình; mua được thuốc men nhưng không mua được sức khỏe; mua được sách nhưng không mua được tri thức, mua được chức tước nhưng không mua được sự kính trọng…” Đó là những lời thực sự đáng ghi nhớ.
Một người quen của tôi có cái bình sứ do tổ tiên để lại, vẫn dùng để cắm hoa trên bàn thờ. Một hôm có người hỏi mua, anh mừng quá bán luôn. Sau anh mới biết cái bình đáng giá gấp 30 lần số tiền anh được trả. Quả đắng ấy anh nuốt mãi không trôi.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra với những giá trị khác. Giả sử người ta có thể mua bán tình yêu, tình bạn, danh dự… Hãy cho tôi biết đổi tình bạn lấy một cái nhà là lợi hay thiệt? Nếu đổi tình yêu lấy danh tiếng? Hay hạnh phúc gia đình ấy địa vị xã hội? Đổi một tình chân thật lấy một bóng sắc thoáng qua? Đổi sự tôn trọng lấy những lời tung hô? Đổi sự chính trực để lấy vài trăm triệu đồng thì khôn ngoan hay là không? Hạnh phúc của người yêu với hạnh phúc của người ta yêu, bên nào nhẹ hơn, bên nào nặng? Câu trả lời có thể khác nhau với mỗi người, nhưng có một sự thật là việc đánh giá sai giá trị của “món hàng” không những khiến ta bị thiệt mà còn khiến người khác nhìn ta như một kẻ thiếu khôn ngoan. Nhiều bi kịch xảy ra chỉ vì người ta đánh giá sai các giá trị khi đổi chác, những tiếc nuối, xót xa, hối hận, dày vò cũng bắt đầu từ đó. Vậy thì hãy chắc rằng ta đánh giá đúng giá trị của những gì mình muốn mua, hoặc bán. Để sau một cuộc đổi chác, thứ có được vẫn tương xứng với những gì mà ta đã trao đi.
“Tiền tài như phấn thổ”
Tôi hỏi mẹ sao cứ hát hoài câu đó, vì tôi không thể coi đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình như bụi đất được. Mẹ tôi trả lời rằng câu hát ấy không có ý nói tiền là thứ đáng coi khinh. Nó chỉ nhắc ta nhớ rằng: đồng tiền có thể bị mất giá, nên những gì tiền mua được cũng có thể bị mất giá. Những tờ tiền có thể tan thành bụi đất, và những thứ mua được bằng tiền cũng vậy.