https://truyensachay.net

Nơi Những Cơn Gió Dừng Chân

Chương 11: Ở cạnh khi mình khóc

Trước Sau

đầu dòng
Bến xe buýt đó là nơi cuối cùng tôi nhìn thấy Chi. Tôi nhìn chăm chú bức tranh treo trên tường, lần thứ hai. Đó là một bức tranh vẽ phố, khá nguệch ngoạc với bố cục rối rắm. Tôi không tìm ra được điều gì đặc biệt ngoài việc bức tranh có giá rất đắt. Đây là một triển lãm tranh kỳ lạ, nó thậm chí không đề tên tác giả hay đơn vị tổ chức. Tất cả được trưng bày cẩn thận và đẹp đẽ, nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ cái tên nào.

- Bức tranh thật là xấu.

Tôi giật mình quay lại, một cô gái vóc dáng nhỏ nhắn với một chiếc ba lô màu đen đứng sau lưng tôi từ khi nào. Cô khoanh tay nhìn bức tranh như một nhà phê bình kỳ quặc, dáng vẻ đó khiến tôi thấy buồn cười.

- Mình cũng nghĩ thế.

- Lại còn đắt nữa.

- Mình cũng nghĩ thế. – Tôi không khỏi nhoẻn miệng, lặp lại câu cũ, t thấy hài hước vì có người nghĩ giống mình.

- Tại sao nó lại được trưng bày ở đây cậu biết không? – Cô gái vừa hỏi vừa phủi phủi chiếc áo khoác màu vàng đầy bụi.

- Có lẽ bởi một họa sĩ ngớ ngẩn nào đó đã thuê chỗ này làm triển lãm. – Tôi cười.

- Vị họa sĩ ngớ ngẩn đó là bố mình đấy.

Tôi ngẩn ngơ nhìn sinh vật màu vàng đó, không biết phải trả lời ra sao. Khi tôi đang lúng túng tìm lời để chữa cháy cho tình huống ngớ ngẩn vừa xảy ra thì cô gái phá lên cười:

- Mình chỉ đùa thôi. Mặt cậu đang màu xanh kìa.

Tôi thở phào.

- Nhưng bức tranh này xấu thật.

- Điều này thì mình công nhận. – Lần này tôi rụt rè hơn.

- Minh là Chi. – Cô gái vừa nói vừa giơ tay ra.

- Vũ. – Tôi bắt tay Chi. – Mình có biết cậu không nhỉ? Mình cảm giác đã gặp cậu ở đâu đó…

- Lần nào gặp tuyệt thế giai nhân cậu cũng dùng cách này để gây ấn tượng à?

- Mình thích rồi đấy! – Tôi cười phá lên.

- Nhưng mình lại chưa thích cậu. – Cô gái mỉm cười rất tươi, nói một câu khó xác định đùa hay thật.

Đó là lần đầu tiên tôi bắt tay một cô nàng không quen biết. Cảm giác khá tuyệt vời. Thứ còn lại là ngạc nhiên. Bởi sau đó, tôi được biết người tổ chức triển lãm chính là Chi. Sự ngớ ngẩn tăng lên gấp đôi.

Tất cả những gì tôi được biết về Chi đều rất mơ hồ - tựa như cô không có thật. Ngày hôm đó là một ngày cuối thu đầu đông, trời trở lạnh rất nhanh, gay gắt những cơn gió thổi qua không báo trước. Những cành cây cứ rung lên nhè nhẹ. Chúng tôi đi bộ ở Đinh Lễ, trò chuyện và xem vài cuốn sách mới ra của những tác giả thích đặt tên giật gân và nhiều màu sắc. Tôi và Chi dừng lại ở quán cà phê trong căn nhà Pháp cổ trên phố Đinh Lễ. Khi ngồi cạnh lan can nhìn xuống phố và xoay xoay ly cà phê đen trong tay, tôi hỏi:

- Vậy là Chi không ở Hà Nội?

- Ừ, mình không ở đây. Mình chỉ về chơi thôi.

- Cậu ở đâu?

- Đó là một câu hỏi hơi tò mò đấy. – Chi cười.

- Mình xin lỗi.

- Mình đang sống tại một nước nho nhỏ thuộc Bắc u. – Câu trả lời vẫn đến, nhưng không rõ ràng.

- Ở đó có lạnh như ở Hà Nội không?

- Lạnh hơn. Vào mùa đông trông ai cũng như gấu Bắc Cực vì những chiếc áo bông to sụ.

Chúng tôi cùng nói chuyện về những chủ đề vô thưởng vô phạt, ăn những chiếc bánh quy nhỏ, và thi thoảng lại phá lên cười. Phố thưa người qua lại. Tôi không biết mình đang làm gì nữa, đáng ra giờ này tôi phải ở trên trường để ôn thi cho bài kiểm tra cuối kỳ, thế mà tôi lại ngồi quán và tán phét với một cô nàng mà thậm chí tôi còn không biết tên đầy đủ. Nhưng ở Chi có điều gì đó đặc biệt cuốn hút, hoặc riêng thằng con trai ngơ ngơ là tôi cảm thấy thế. Suốt cả buổi chiều tôi cứ liếc Chi rồi tự giật mình lúc cô nhìn lại. Hành động ngây ngô đó không tránh được sự thật là tôi ngày càng tò mò hơn về cô gái bí ẩn.

- Khi nào thì cậu đi

- Sớm thôi… - Cách trả lời ơ hờ chết tiệt khiến tôi phát điên.

- Triển lãm tranh đó là như thế nào? – Tôi trở về chủ đề ban đầu, với hy vọng câu kéo thêm được chút thông tin.

- À, chỉ là một triển lãm.

- Tranh ở đó có bán chứ?

- Có chứ, cậu không nhớ là mình để giá siêu đắt à?

- Tại sao cậu lại làm vậy? – Vừa hỏi xong thì tôi chợt nhận ra câu hỏi vô cùng thiếu tế nhị.

- Vì mình không muốn ai mua nó.

- Sao lại thế? – Tôi ngẩn ngơ.

- Vì thế… - Chi bật cười, - Vì mình không muốn bán những bức tranh ấy.

- Thực ra thì… nó cũng không đến nỗi tệ, ý mình là… có thể mình không hiểu lắm về tranh.

- Ha ha, lời an ủi thật ngọt ngào. Mặc dù vậy tớ biết cậu học thứ gì đó về mỹ thuật.

- Tại sao cậu biết? – Tôi há hốc miệng.

- Thực ra tớ không biết, tớ chỉ đoán, nhưng cậu vừa tự khẳng định.

- Nhưng vì sao cậu đoán thế? – Tôi lúng túng, cảm giác mình hoàn toàn là con bò bị dắt mũi.

- Vì cậu có mùi mỹ thuật.

- Mùi?

- Ừ, mùi.

- Là gì?

- Là mùi đó. – Chi phá lên cười, - Cái cách cậu nhìn tranh, cách cậu nói chuyện, thậm chí cách cậu thở vào không khí.

- Điều đó dễ nhận ra vậy sao?

- Không, chỉ là mình nhạy cảm với điều đó.

Tôi không hỏi nữa, càng hỏi tôi sẽ càng vướng vào mớ bòng bong những tò mò khác.

Hoàng hôn xuống dần từ phía Nhà Hát Lớn, tôi ngoáy cốc cà phê đã cạn, tiếc nuối:

- Đến lúc mình phải về rồi. Cậu sẽ làm gì ngày mai?

- Mai ư? Có lẽ mai mình đang ở đâu đó giữa bầu trời.

- Thật ư? – Lại thêm một câu hỏi đần độn của tôi, chắc tại trò đùa ban đầu của Chi khiến mọi câu cô nói sau đó đều trở nên… đáng ngờ.

- Ừ, thật. – Chi cười. – Mà này, cậu đừng đi về, đi với mình.

- Đi đâu? – Ngày của những câu hỏi.

- Đâu cũng được, ở cạnh khi mình khóc.

Dường như ai cũng có một câu chuyện. Đó là điều tôi đã thấy, sau nhiều năm xa nhà, Ai cũng có một câu chuyện muốn kể, muốn chia sẻ, muốn được một người nữa biết, hoặc đơn giản chỉ là muốn bớt cô đơn. Khu nhà trọ tôi ở cũng có một cô bạn như thế, cô luôn ở trong phòng, ở nhiều tới mức ai cũng tự hỏi liệu cô có ăn không nữa. Thế rồi một ngày chúng tôi phát hiện cô suýt cắt cổ tay trong phòng chỉ vì thiếu mấy trăm nghìn trả tiền phòng trọ. Cô bạn được cứ phòng được trả hộ, một bầu tâm sự về áp lực học hành được thở ra. Tôi nghe và cứ nhớ mãi câu chuyện đó.

- Ừ, mình sẽ đi cùng Chi. – Tôi trả lời sau tất cả những suy nghĩ vừa xẹt qua đầu.

Tôi và Chi thong dong trên phố bằng chiếc xe cà tàng. Chưa bao giờ tôi ước mình giàu hơn một chút như lúc này – giàu đủ để mua một chiếc xe tốt hơn. Nhưng có vẻ Chi không quan tâm tới điều đó lắm. Cô ngồi sau xe, hít thở không khí trong lành:

- Mình muốn đi mười vòng Hồ Tây.

- Được thôi. – Tôi mỉm cười.

- Thật đấy!

- Ừ, thật. Mà tại sao lại nhiều thế?

- Vì mình muốn nhớ.

Chúng tôi im lặng một hồi lâu. Rồi Chi nói, dường như nén lại tiếng thở dài:

- Lần này đi, có thể mình sẽ không trở về nữa.

Tôi thấy lòng nhói lên.

- Gia đình mình đã quyết định đổi quốc tịch. Tất cả sẽ sống ở bên đó. – Chi nói tiếp.

- Vì sao?

- Mình cũng không biết nói sao. Bố mẹ mình đã sống quá lâu bên đó, cả họ hàng nữa, chẳng còn ai ở đây. Mọi thói quen dần dần mất đi. Mình có lẽ là người duy nhất còn cảm thấy níu kéo thành phố này. Mà mình cũng chẳng hiểu tại sao mình lại nói tất cả những điều này với Vũ nữa…

Tôi im lặng, chợt cảm thấy mình là bờ vai, đành mở lời vụng v

- Có lẽ mình không hiểu chuyện này lắm. Mình…

- Đưa mình đi chỗ nào khóc được.

Tôi dừng xe ngay đầu đường Thanh Niên.

- Ở thành phố này, nơi nào cũng khóc được, Chi ạ.

Tôi ngồi xuống vỉa hè. Cô gái kỳ lạ “của tôi” khóc thật. Tôi nhìn dòng người qua lại, thấy lòng yên ả lạ thường. Chi buông chiếc ba lô nhỏ màu đen xuống, lấy ra một chiếc máy ảnh và chụp. Cô chụp rất chậm, khi chiếc Canon đưa lên, tôi vẫn thấy những giọt nước mắt trên má Chi. Một lúc, cô dụi mắt, nói:

- Cậu biết không, triển lãm tranh đó là thứ duy nhất mình xin bố - như điều cuối cùng muốn làm ở đây. Mình đã ở làng trẻ em Birla hai tuần, dạy các em bé mồ côi cầm cọ, làm màu, và vẽ. Vẽ những gì các em thích, vẽ những gì các em cảm thấy. Triển lãm tranh đó thực ra chỉ là ý muốn của mình, còn bố mình đã mua hết số tranh đó.

- Vì sao cậu lại làm tất cả việc này?

Chi lau nước mắt, nhìn tôi:

- Mình cũng không biết nữa. Có lẽ là có điều gì đó thôi thúc. Mình không biết mình còn cơ hội nào để làm những điều này không nữa.

Tôi mỉm cười, muốn nói với Chi rằng cô có thể…

- Mà cậu biết tại sao mình nói chuyện với cậu lúc trưa không? – Chi cười.

- Bạn bè mình vẫn bảo mình có khuôn mặt dễ lừa mà.

- Ha ha, không! Vì trong tất cả số tranh ở triển lãm hôm nay, chỉ có bức đó là mình vẽ. Và cậu là người đầu tiên nhìn vào nó chăm chú đến thế.

- Đó là lý do cậu bảo nó xấu hả? – Tôi phá lên cười.

- Đúng rồi đó, còn tất cả những bức tranh kia đều đẹp, trong mắt mình là thế.

Chúng tôi cứ ngồi đó. Mặc dòng người qua lại, mặc thành phố lên đèn, mặc gió hồ thổi xuống lạnh lẽo, mặc tiếng ồn ã xung quanh, mặc cả điện thoại đang rung lên… Tôi muốn hỏi Chi rất nhiều điều, nhưng có điều gì đó khiến tôi kìm nén lại. Tôi và Chi ngồi nói chuyện một lúc lâu nữa, cho đến khi những cột đèn giao thông đã nháy vàng. Nhất định không để tôi đưa về, Chi tới bến xe buýt gần đó, nơi cô có thể bắt taxi.

Tôi vẫn nhớ, đó là một ngày cuối thu. Trời chớm lạnh. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy tôi vẫn tự hỏi liệu đó có phải một câu chuyện thật không? Tôi có câu trả lời khi tìm thấy mẩu giấy nhỏ trong túi áo khoác của mình, không biết Chi đã bỏ vào từ lúc nào: “Không biết phải cảm ơn cậu thế nào. Cuộc sống có những điều tình cờ như vậy, và mình chỉ biết cảm ơn. Nếu có lúc trở về, mình sẽ lại muốn cậu ở cạnh mình khi mình khóc. Hãy sống thật vui vẻ nhé! Với mình, cậu là một cơn gió, Vũ ạ!”

Tôi gấp mẩu giấy lại, nhấp một ngụm cà phê rồi nhìn xuống phố, thấy nó bỗng nguệch ngoạc như một bức tranh nào đó. Chợt mỉm cười…

Đoạn Đường Tình Yêu

1. Bản Thank you của Dido là thứ đầu tiên đánh thức tôi. Tôi cảm nhận một cơn đau đầu ghê gớm và toàn thân nhức mỏi, hậu quả của việc uống quá nhiều Vodka vào tối hôm trước. Căn phòng yên ắng một cách lạ thường. Tôi rút tai nghe, vứt Ipod sang một bên, và thấy không biết phải làm gì tiếp theo. Chú cá kiếm bơi quanh quẩn trong chiếc bể nhỏ gợi nhắc cho tôi về chính mình, sự bế tắc của tôi bây giờ có lẽ còn hơn cả thế. Đông còn chưa bắt đầu, nhưng đã thấy đâu đó trong lòng minh những chiếc lá bắt đầu rụng xuống, để lại cái cây khẳng khiu đứng chơ vơ.

Tôi và Khánh mới chia tay nhau được bảy mươi hai tiếng, sau hơn mười nghìn tiếng yêu nhau. Chúng tôi có những mâu thuẫn nhỏ nhưng không giải quyết được. Chúng tôi có những góc nhìn và cảm nhận về cuộc sống khác biệt. Chúng tôi có những quan điểm và giá trị trái ngược. Và quan trọng nhất, chúng tôi thấy mệt mỏi về mối quan hệ của hai người. Chỉ có điều, khi tôi cảm thấy cần thời gian để hàn gắn chuyện giữa hai người, hoặc cần thời gian để làm mới mọi thứ, thì Khánh lại làm điều ngược lại, anh nói chia tay - nhanh hơn cả cách tôi đánh vần nó. Ngày thứ ba sau khi chia tay, tức là tối hôm qua, tôi và Hiếu - bạn thân của tôi đang ngồi uống nước ở một quán bar nhỏ trong thành phố, nơi có góc nhìn xuống hồ Gươm tuyệt đẹp, thì Khánh bước vào cùng một cô gái khác - hoàn toàn khác. Không đến mười phút sau khi cặp đôi mới tìm được chỗ ngồi, tôi tặng cho Khánh một cốc Gin tonic đang uống dở thẳng vào mặt anh, rồi ra về. Không biết vì sao và như thế nào tôi đã làm thế, chỉ nhớ rằng sau đó Hiếu là người đưa tôi về nhà khi tôi đã say mềm.

2. Tháng Bảy. Những đợt nóng có lẽ là nguyên nhân chính của mọi sự đổ vỡ - cậu bạn tôi đùa như vậy. Vài cơn mưa xen kẽ quả thật không làm vơi đi cảm giác khó chịu và dồn nén của Hà Nội. Tôi muốn đi. Nhưng công việc và gia đình như bức tường vô hình ngăn cản điều đó. Tôi đọc sách, đi xem phim, lang thang hàng giờ ở trung tâm mua sắm, cà phê nhiều chiều với Hiếu - người dường như không cần quá nhiều sự chia sẻ và hiểu tôi đủ để im lặng. Tôi làm việc miệt mài, mua những đĩa nhạc mới, ngắm nghía hàng nghìn bức ảnh trên Tumblr mỗi ngày... Mọi thứ đều không làm vơi đi cảm giác tồi tệ, tôi như người đang ngồi trên một con thuyền sắp chìm, nhưng lại không muốn phát ra tín hiệu SOS, có nghĩa là sẽ chỉ có hai lựa chọn - một là tiếp tục ngồi và chờ chết, hai là nhảy xuống và bơi, đến đâu thì hay đến đó. Tôi lại không phải mẫu người thích chọn điều thứ nhất.

- Bạn hỏi điều gì đó đi. – Tôi nói với Hiếu khi chúng tôi ngồi cà phê

- Bạn có muốn đi mua một chiếc áo mới không?

- Bản chất đó không giống một câu hỏi, - Tôi cười. – Đó giống như một lời rủ rê.

- Vậy để mình hỏi câu khác, bạn đang đọc quyển gì nhỉ?

- Phía bên kia nửa đêm.

- Của Sydney à?

- Ừ.

- Hay không?

- Cũng được.

- À há.

- Bạn biết điều gì mình thích ở Sydney không? Đó là Sydney viết rất thật.

- Mình lại không thích ai viết thật quá.

- Vì sao?

- Vì thế thôi. - Hiếu nhún vai. - Không phải ai cũng thích những điều quá thật.

- Biết đâu sẽ tìm thấy điều gì đó.

- Chúng ta luôn tìm thấy điều gì đó, kể cả từ truyện cổ tích.

- Cũng đúng.

Tôi trả lời bâng quơ, gập quyển sách lại và nhìn ra ngoài cửa sổ. Một góc phố nhỏ của Hà Nội đang chậm rãi thở. Tôi nhớ Khánh, nhớ một cách day dứt, một sự nhớ mà tôi không biết là quan tâm hay tò mò. Tôi chỉ muốn biết anh đang làm gì, ở đâu, với ai? Cảm giác của tôi lúc này chắc giống như một con gấu bị cô chủ vứt vào góc phòng sau những ngày dài ấp ôm - có cái gì đó giống như tủi thân.

- Tớ muốn đập cái gì đó quá!

- Chúng ta có thể đi đập ếch ở Vincom. - Hiếu ngoáy ngoáy cốc nâu đá của cậu.

- Cậu nghĩ Khánh đang làm gì?

- Có thể đang đập ếch. Có gì quan trọng chứ?

Tôi phì cười, ừ, có gì quan trọng chứ? Chắc là đến chín mươi phần trăm số người sau khi chia tay nghĩ như thế. Vấn đề là chắc cũng có đến từng ấy không làm được như suy nghĩ của họ. Buồn thay, như nhiều cô gái khác, tôi thuộc về số đông đó. Nghĩ về chàng trai vừa bước qua cuộc đời mình bằng một nỗi buồn thảm hại, và tiếp tục dày vò chính mình bằng suy nghĩ rằng, trong khi tôi đang nằm bệt ở đây thì anh đang vui thú ở một chốn nào đó. Trong sâu thẳm, tôi không hiểu tại sao anh có thể làm như vậy với tôi? Lẽ nào tình yêu anh dành cho tôi kết thúc nhanh vậy? Càng nghĩ về điều ấy tôi càng đau khổ, và càng cảm thấy tuyệt vọng vì sự cố gắng không thành của mình.

3. Một trăm sáu mươi ba tiếng sau khi Khánh nói điều phũ phàng đó, tôi nhắn tin rủ anh đi ăn trưa. Tôi quyết định làm điều gì đó để thỏa mãn cảm giác đè nén trong lòng. Vài phút sau khi tin nhắn được gửi đi, anh hỏi tôi đang ở đâu để anh qua đón. Cũng không đến nỗi tệ, tôi nhủ thầm. Tôi đứng trước gương, nhìn lại gương mặt hốc hác của mình sau một tuần bê bối, hít một hơi thật sâu và bắt đầu bằng kem dưỡng, kem nền, rồi đến concealer sau đó là các loại phấn... Sau màn mascara, blush và son môi, tôi nhìn lại mình trong gương. Tốt rồi, giờ chắc chỉ có gay mới có thế chống lại sự quyến rũ này - mà Khánh thì chắc chắn không gay rồi.

Anh có vẻ khá ngạc nhiên khi thấy tôi mặc chiếc váy ren ngắn màu đen xẻ sâu ở ngực, vẻ ngạc nhiên này là điều tôi chờ đợi. Thậm chí cả cảm giác bối rối của anh khi cảm nhận được mùi nước hoa Anna Sui cũng được tôi dự đoán trước. Khi chúng tôi đã ngồi xuống một góc khuất trong nhà hàng Thái Express, tôi hơi vươn người về phía trước,

- Mấy hôm nay anh thế nào?

- Em muốn anh trả lời thế nào? - Khánh bối rối, có lẽ vì không hiểu mục đích của câu hỏi, hoặc của cả buổi gặp mặt này.

- Anh cứ trả lời như anh muốn, nói dối hay nói thật đều được mà. - Tay tôi giở quyển menu nhưng ánh mắt vẫn nhìn thẳng vào anh.

- Anh bình thường. À mà không bình thường, à thật ra cũng bình thường.

- Cô gái hôm trước đôi xử tốt với anh chứ? - Tôi châm chọc thẳng băng.

- Đó chỉ là bạn.

- Một người bạn mới. - Tôi tiếp tục giữ âm vực uốn éo một cách khó chịu.

- Đó là lý do em muốn gặp anh hôm nay?

- Không, em muốn ăn ngon. Hoặc muốn thấy anh ăn ngon. - Tôi vẫy tay gọi người phục vụ. - Anh gọi món cho em đi, anh biết em thích ăn gì.

Nếu có một cuộc thi về quyến rũ đàn ông thì tôi chắc chắn mình sẽ đạt điểm khá cao. Tất cả những động tác, từ cách ăn cho đến cách lau miệng, tất cả những cử chỉ, từ cách tôi mím môi đến cách tôi tình cờ lướt tay qua cổ anh như vờ xem giờ trên đồng hồ, tất cả những tín hiệu vừa bí mật vừa lộ liễu, như cách tôi xoay nhẹ mặt dây chuyền để thu hút ánh nhìn của Khánh về nơi cần thiết hay cách tôi liếm môi... Mọi thứ. Khánh hoảng hốt một cách thật sự, tôi nhìn thấy điều đó trong mắt anh, dường như là một sự chống trả yếu ớt giữa bộ óc và trái tim, mà tình cảm được tôi gợi lên đang thắng thế.

Một tiếng sau, tôi và anh bước vào khách sạn quen thuộc. Cửa phòng vừa được chốt lại là anh lao vào tôi, như thỏa cơn thèm khát không phải chỉ vài tiếng trước đó, mà của cả tuần khao khát. Tôi thầm mỉm cười, để mặc anh muốn làm gì thì làm. Có cái gì đó trong tôi như cảm giác chiến thắng. Đây là điều tôi đang muốn biết, anh vẫn còn yêu tôi nhưng điều này sẽ dẫn tới đâu? Tôi chỉ cần biết như thế là đủ, vậy là không phải anh bỏ tôi vì không còn yêu tôi nữa hay có ai khác. Những tia nắng từ khe rèm cửa sổ hắt vào, tôi ngắm nhìn chúng khi anh gục xuống bên cạnh tôi. Tôi ghét những tia nắng ấy, chúng soi mói, xỉa xói như đang muốn nói với tôi rằng tôi vừa làm một điều gì đó sai. Khi Khánh vuốt tay dọc sống lưng tôi, tôi quay sang anh, nói điều tôi đang cảm thấy:

- Em không còn yêu anh, sau hôm nay mình đừng gặp nhau nữa nhé!

4. Khi tôi nói với Hiếu điều này, cậu nhìn tôi bằng ánh mắt như cá vàng Nemo, to tròn và vô cùng khó hiểu, rồi Hiếu nói, giọng mang điều gì đó nghi hoặc:

- Bạn thấy dễ chịu hơn không ?

- Mình không biết nữa, có lẽ có.

- Vì sao?

- Mình chẳng biết nữa.

Không muốn nói ra, nhưng tôi biết cảm giác đó. Nó là cảm giác từ kẻ thua cuộc vụt trở thành người chiến thắng, từ một kẻ bị đá vô cùng thảm hại, bỗng trở thành người bước đi đầy kiêu hãnh, để lại nhiều câu hỏi cho kẻ ở lại.

- Mình biết bạn đang nghĩ gì. - Hiếu nói. Thật sự câu nói này làm tôi giật mình, như bị bóc toang lớp vỏ màu mè và lộ ra sự xấu xí bên trong.

- Mình sai ư?

- Điều đó mình không trả lời được. Nó tùy vào cách bạn nghĩ về vấn đề mà. Khó nói đúng sai, phải trái trong chuyện tình cảm lắm.

- Mình thấy nhẹ nhõm. - Tôi nói thật.

- Mình hiểu.

Sau cùng ngồi im lặng trong một tiếng, nhìn những người qua đường, nhìn cậu phục vụ chạy ra chạy vào, nhìn một đôi chí chóe phía đối diện, nhìn vào đáy ly rượu đã cạn, nhìn cả vào cái bóng của chính mình dưới chân... Quán rượu bỗng trở nên yên tĩnh. Những tin nhắn của Khánh khiến điện thoại của tôi rung liên tục, tôi không trả lời, mà cũng chẳng đọc. Tôi thấy tội nghiệp anh, nhưng tôi thấy tội nghiệp chính mình hơn. Và lớp kính bọc lấy tôi vỡ vụn hoàn toàn khi Hiếu nói:

- Bạn ạ, làm tổn thương người khác không phải lúc nào cũng là cách tốt nhất để khiến ta cảm thấy dễ chịu hơn, cho dù người đó xứng đáng nhận được điều đó hay không.

5. Đợt nắng nóng cuối cùng đã chấm dứt. Tôi bỏ công ty mình đang làm, không vì một lý do cụ thể. Chuyến tàu lữ hành cuối cùng trong ngày đưa tôi đi Đà Nẵng - nơi tôi nhận một công việc tại một resort, với mức lương thấp hơn công việc cũ. Nhưng với tôi, có lẽ nó có một ý nghĩa gì đó. Hiếu nói đúng, không phải tôi đã sai, nhưng tôi đã làm tổn thương anh, để cuối cùng không tìm được sự bình yên trong chính tâm hồn mình. Tôi không bỏ trốn, mà chỉ muốn tạm lắng lại sự xô bồ của thành phố tôi vẫn sống. Tôi cần thấy lại chính mình trước khi bắt đầu một điều gì mới, hoặc kế cả tìm kiếm những điều cũ. Tôi đổi số di động. Tôi thôi không đọc sách của Sydney nữa, tôi dành nhiều thời gian để đọc của Endou Shuukasu, những tiểu thuyết đóng bụi trên giá. Tôi gặp gỡ nhiều người mới, đa phần xuất phát từ công việc đang làm. Tôi dành một ngày mỗi tuần để xuống Hội An và ăn món cao lầu ưa thích. Tôi tập lái xe và cũng bắt đầu lập kế hoạch tiết kiệm để có thể mua một chiếc xe nhỏ cho riêng mình. Sáu tuần sau khi rời Hà Nội, một ngày khi vừa thức dậy, tôi lắp sim cũ vào và nhắn tin cho Khánh. Tôi đã đủ sức mạnh để nói với anh lời xin lỗi, và nói rằng tôi muốn trở thành bạn của anh...

Cuối tháng Tám, Hiếu vào Đà Nẵng thăm tôi. Chúng tôi ngồi ăn khuya tại một quán vỉa hè.

- Cám ơn cậu!

- Vì điều gì? - Hiếu vừa nói vừa nhấm nháp cốc trà một cách chậm rãi.

- Vì đã ở bên cạnh mình, mà không cần sự đáp lại nào cả. - Tôi nói thật lòng.

- Điều đó diễn ra tự nhiên thôi.

- Có lúc nào cậu nghĩ chúng ta thành cái gì đó

khác những người bạn?

- Mình không biết. Có lẽ là không. Mỗi người đều có một nhiệm vụ và vai trò trong cuộc sống của người khác. Có lẽ vai trò của mình trong cuộc sống của cậu chỉ thế này thôi.

- Như thế nào?

- Ở cạnh cậu lúc cậu cần một ai đó.

Tôi nghĩ một lúc về điều Hiếu nói, rồi mỉm cười:

- Ừ, chắc Khánh cũng thế, nhiệm vụ của anh ấy trong cuộc sống của mình đã kết thúc.

- Cậu cảm thấy tốt hơn chứ?

- Chắc chắn rồi!

Khi trả lời câu ấy, tôi biết mình đã tìm thấy điều gì đó, không giống như chân lý cuộc sống, nhưng như một giá trị nhất định mà người ta cần rất nhiều thời gian để nhận ra. Không phải người nào rồi cũng sẽ đi với tôi đến cuối đoạn đường, nhưng quan trọng hơn là cách người ta đã để lại dấu ấn trong quãng đường ngắn ngủi chúng tôi cùng chung bước như thế nào. Như chú cá kiếm đã nhún mình nhảy ra khỏi chiếc bể nhỏ để đến với đại dương, dù chẳng biết rồi ngày tháng dài phía trước sẽ gập ghềnh hay êm ả, nhưng tôi không còn cảm thấy bất an nữa, và những ngón tay bất chợt đan vào nhau trong đêm ở thành phố xa lạ.

- Hiếu, hãy đi cùng mình một đoạn đường dài nữa, nhé!

alt
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc