https://truyensachay.net

Ở Nơi Nào Có Cây Dẻ Gai

Chương 18

Trước Sau

đầu dòng
Di muốn tháo cái khăn quàng cổ của anh ta ra nhưng anh ta không những không đồng ý mà còn cương quyết không để cô giải thích. Cơn sốt quay lại làm cho Di như mê man với cái khăn của anh ta quấn kín quanh cổ. Chân của Di bị rạn xương thật nhưng không đến nỗi nghiêm trọng. Bác sĩ cho cô thuốc và dặn tránh di chuyển, đi lại nhiều. Dù bác sĩ không dặn như vậy thì chắc Di cũng chẳng dám đi đâu. Những nốt dị ứng to đùng, đỏ ửng lan hết lên mặt và cổ cô rồi. Di thở dài nhìn mình trong gương. Ít nhất một tuần nữa những nốt đỏ này mới tan.

Anh hàng xóm lén nhìn cô soi gương, gương mặt lộ rõ vẻ ăn năn, hối lỗi. Anh ta không biết Di bị dị ứng với tất cả các loại len nhân tạo. Bởi vậy Di chỉ có mỗi chiếc khăn len lông cừu màu xanh da trời. Cô quàng nó đến mức cũ mèm mà không tìm được một chiếc tương tự để mua. Anh ta lấy cái khăn màu xanh đã khô ngoài ban công vào cho cô quàng cổ. Di lắc đầu không chịu.

“Cô vẫn còn đang ốm đấy, lạnh lắm. Cô quàng khăn vào đi.”

“Tôi không thích.” Di sờ lên cổ, vẻ mặt khó chịu.

“Cô không muốn quàng để rộng chỗ còn gãi chứ gì? Cô nghĩ sao nếu cô có bốn, năm cái sẹo như con sâu róm trên cổ?” Anh ta nhìn chằm chằm vào bàn tay Di. Bị bắt quả tang, Di vội vàng bỏ tay xuống.

“Tôi bị như thế này là do ai?” Cô cáu kỉnh.

“Chính vì thế tôi cần phải đảm bảo là cô sẽ nhanh khỏi.” Anh ta quấn cái khăn lên cổ cô. Quấn xong, anh ta nhìn nó với vẻ hả hê, phủi phủi hai bàn tay vào nhau rồi ngồi xuống như kiểu anh nông dân vừa cột được cổ con bò vào gốc cây, Di bực bội nghĩ.

Đúng lúc ấy có tiếng bước chân lên cầu thang. Anh ta quay lại, vẻ mặt hồ hởi: “Chắc là mọi người lên thăm cô đấy.”

Thằng Phương, Thu và Vinh dẫn theo Thy lục tục bước vào phòng. Chưa kịp để Di nói câu nào, cũng chẳng có vẻ gì là thương cảm, cả bọn nhìn Di, phá lên cười. Anh chàng hàng xóm có vẻ bất ngờ. Di với cái lược ở bên cạnh, ném về phía đám bạn.

“Cười cái gì mà cười!”

“Mày có biết là cái khăn màu xanh rất hợp với cái đống nốt đỏ kia không?” Thu không nín được cười.

“Nhìn chị tếu không chịu được”, thằng Vinh tiếp lời.

“Mặc dù vẫn rất xinh.” Thy ngồi xuống bên cạnh cô, nói để xoa dịu.

Di gườm gườm nhìn cả bọn, anh chàng hàng xóm cũng đang cười hưởng ứng. Cô bực bội định kéo cái khăn xuống thì anh ta đổi mặt lạnh ngay, giả vờ nạt nộ mọi người: “Bây giờ ấm là quan trọng, xấu đẹp thì kể gì” rồi lại quay về phía Di, nhìn cô với vẻ cương quyết: “Cô có thể đeo kính hoặc bịt mặt, chứ không thể tháo cái khăn đó ra đâu nhé!”

Chỉ đợi có vậy, thằng Phương lấy ngay cái kính đen của nó đeo lên mắt Di và cả bọn lại phá lên cười.

“Anh Vũ có bận gì thì tí nữa cứ đi đi, ở đây có bọn em rồi.” Thy vừa giúp Vũ dọn cơm vừa nói.

“Phiền ông quá rồi.” Thằng Phương một tay cầm bát cơm, một tay cầm cái thìa, mắt thì liếc mấy đĩa thức ăn, nói như có vẻ chân thành lắm.

Vũ đặt nồi canh xuống bàn, bàn tay chạm nhẹ vào túi quần rồi lắc đầu cười: “Tôi chả bận gì cả, với lại tôi là người gây ra hậu quả kia (anh ta nói mà không nhìn Di), bao giờ Di khỏi thì tôi tính tiếp.”

“Anh không đi làm à? Bọn tôi có thể thay phiên nhau lên trong cái hậu quả kia được mà.” Thu kéo đĩa thịt kho thằng Vinh và thằng Phương đang chuẩn bị tấn công về phía mình.

“Tôi nghỉ việc rồi”, anh ta điềm nhiên nói.

“Sao thế?” Mọi người “Ồ” lên.

Anh ta mỉm cười trấn an mọi người: “Không có gì đâu, lâu lâu muốn đổi chỗ làm để thay đổi không khí ấy mà.” Nói rồi, anh ta đi vào bếp, đút tay vào túi quần.

Lúc cái vé tàu rơi ra khỏi túi khi anh ta đỡ Di nằm xuống và đưa cho cô bịch khăn giấy mới mua thì chuyến tàu đã khởi hành được ba mươi phút. Di để cái vé bên cạnh chỗ cô nằm, dưới chân bàn phấn nhưng có lẽ anh ta không nhìn thấy.

Di cố nhoài người tới chỗ mâm cơm, gạt đám bạn ra, chen vào giữa, định với lấy cái bát nhưng không được. Anh chàng hàng xóm đã quay lại với bát cháo trên tay.

“Tôi không ăn cháo nữa đâu, tôi muốn ăn bánh mì, nếu không có thì cơm cũng được.” Di nói, mặt lạnh tanh, cô đã giành được cái thìa của thằng Phương, đang cầm lăm lăm trên tay.

“Cô đang ốm, ăn cháo mới tốt.” Anh ta đặt cái bát xuống bàn nhưng đó không phải là cháo. “Xúp cua, tốt cho xương nhưng mà đến tối lại phải ăn cháo đấy nhé!”

Thằng Phương và thằng Vinh nheo nheo mắt nhìn bát xúp cua, vẻ gian tà thấy rõ. Di gõ cái thìa vào đầu hai đứa rồi ôm bát xúp cua của mình, miệng lí nhí: “Cảm ơn.”

Anh chàng hàng xóm khẽ mỉm cười, đặt một cốc nước nhỏ bên cạnh cái bát cho Di. Thằng Phương và thằng Vinh chuyển sang nhìn anh ta chằm chằm. Anh ta bối rối thấy rõ. “Tối nay Di cũng ăn cháo cua, tôi sẽ mua thêm một con nữa nấu xúp cho mọi người.” Hai thằng đập tay với nhau vẻ chiến thắng trong lúc hai đứa con gái thì reo lên cổ vũ. Không biết là cả bọn tới để thăm Di hay tới để mè nheo Vũ nữa.

Tối hôm đó và những ngày sau đó, hôm nào mọi người cũng tới ăn cơm tối với Di. Có lẽ vì Vũ phải nấu ăn liên tục trong bếp và vì đông người mà Di thấy căn phòng của cô thật ấm áp. Mọi người ngồi quây lại với nhau, vừa ăn vừa chuyện phiếm rôm rả. Không khí này đột nhiên làm Di nghĩ tới mùa đông ba năm trước đó. Cô nhìn xuống cái điện thoại đặt bên dưới cổ chân băng trắng của mình. Đã hơn một tuần rồi, số lạ không gọi tới nữa.

Thu cầm điện thoại của Di, cho vào ngăn kéo, đóng sầm lại. Nó đưa cho cô cốc nước, nói: “Mày còn cần uống nhiều thuốc lắm”, rồi quay về phía anh hàng xóm đang hút thuốc ngoài ban công với đám con trai. “Nhanh lên còn vào xem phim, hôm nay xin phép cho hậu quả được ăn một miếng pizza, Vũ nhé!”

“Lại ăn nữa à, mà sao lại xem phim, không xuống quán? Tám giờ hơn rồi.” Di ngạc nhiên nhìn Thu.

Thằng Phương nhả khói, dập điếu thuốc rồi ném vào thùng rác. “Lạnh lắm. Đóng cửa một hôm.”

Thu đưa cho Di một cái đĩa phim kinh dị rồi thì thầm: “Với lại hôm nay thứ Tư, không có ca sĩ, ông chủ chê quán buồn.” Từ ngày Kimora nghỉ đến giờ chắc thằng Phương chưa tìm được người thay thế. Tối thứ Tư là tối của Kimora, chỉ có mình cô hát. Di và Thu ngồi dựa vào nhau, cùng nhìn ra ngoài ban công. Không có ánh đèn của biển hiệu và hàng hiên dưới nhà hắt lên trên nữa. Tối thứ Tư lúc nào cũng thưa vắng khách. Kimora tới chỉ để hát ba bài. Cả đám thường ngồi túm tụm trên sofa, hướng lên sân khấu xem cô biểu diễn. Đôi lúc thằng Phương cũng hát và đệm đàn cho cô. Kimora hát những bài tùy thích, không phải do quán chọn trước, thỉnh thoảng là bài mà khách đề nghị, cũng có khi là bài cô chợt nhớ ra, hát chẳng có nhạc đệm. Di có cảm giác những buổi tối thứ Tư đó là ngày Kimora hát chỉ để cho cô và mấy người bạn nghe mà thôi. Có lần Kimora nhớ ra một bài dân ca Philippines rất hay mà Di chẳng hiểu lời, bài hát về một cô bé vì ham chơi mà đi lạc mẹ. Cô hát đi hát lại hai lần và chỉ có bài đó là cô hát mà không có lần nào nhìn về phía thằng Phương.

Người ta đưa pizza tới. Đám con trai bước vào nhà. Thằng Vinh cho đĩa vào đầu máy rồi lật đật chạy đi tắt đèn. Anh chàng hàng xóm giúp Thu đỡ di ngồi dựa lưng vào bàn phấn. Cả bọn dàn hàng ngang. Di sợ nhất là phim ma nhưng lúc nào cũng háo hức muốn xem. Hôm nay chắc để chiều Di nên cả bọn mới mang cái đĩa phim này tới chứ thằng Phương thường vừa xem vừa ngáp vặt, mặc kệ Di đang run như cầy sấy bên cạnh. Thu thì lúc nào cũng đòi tua đến đoạn có ma vì đoạn mở đầu thường quá dài dòng. Chỉ có thằng Vinh là đồng minh của Di. Nó và Di xem từ đầu đến cuối, chăm chú, hồi hộp nhưng thường cũng chỉ có Di tỏ ra sợ hãi. Anh hàng xóm bỏ cái gối dựa lưng của mình xuống để Di kê cái chân đau. Anh ta chăm chú nhìn lên màn hình, gương mặt cũng có vẻ thích thú.

Bộ phim hôm nay khác với thường lệ, từ phân cảnh đầu tiên không khí rùng rợn đã bao trùm. Đó là hình ảnh hành lang của một nhà xác lúc nửa đêm, dài và sâu hun hút. Ánh trăng từ cửa sổ nhỏ xíu trên trần nhà hắt vào, trắng nhợt nhạt. Bỗng một trong những cái ngăn chứa thi hài người chết bật mở. Tiếng nhạc ma mị, réo rắt như tiếng gió. Di thở gấp, nhìn sang bên cạnh, Thu cũng đang có vẻ bị thu hút vào bộ phim. Di luồn cánh tay đang để trên đầu gối vào trong chăn.

Người bảo vệ ở nhà xác là một người đàn ông đã lớn tuổi. Ông ta đang cắm cúi sửa cái gì đó trong căn phòng của mình, cái bóng đèn vàng lắc lư ngay trên đầu. Chụp đèn làm cho ánh sáng chỉ tập trung đúng chỗ ông ta đứng, còn bốn bề tối đen. Tiếng lịch kịch vang lên trong gió, chậm nhưng liên tục. Ông gác già bỏ kính và dụng cụ xuống bàn rồi bước về phía hành lang. Di nín thở, bắt đầu bịt mắt, nhìn he hé qua kẽ tay.

“Trèo cây ngã rạn xương không sợ lại sợ cái này à? Bỏ tay xuống xem nào, thế này thì còn gọi gì là xem phim nữa.” Thằng Phương quay ra kéo tay Di xuống. Cả bọn cười rúc rích, đúng lúc ông gác già bước vào hành lang. Một ngăn chứa xác người đã bật hẳn ra. Trên đó là một cô gái với làn da trắng xanh, mái tóc lạnh cứng ép vào mặt, hai mắt mở trừng trừng. Người ta quay sát mặt cô gái đó. Vì không để ý nên vừa lúc quay lại đã nhìn thấy cảnh đó, ai cũng giật mình, kể cả thằng Phương. Cả bọn bỗng im phăng phắc nhìn lên màn hình. Anh hàng xóm nhích lên một chút để nhìn rõ hơn, để lại một khoảng trống sau lưng, hơi lạnh lùa vào làm Di sợ hãi. Cô kéo anh ta về chỗ cũ. Người gác già lúc này đã tiến tới chỗ cô gái nhưng ông không làm thế nào để vuốt cho mắt cô gái nhắm lại được. Ông đẩy cái ngăn đựng xác vào chỗ của nó, khóa lại rồi đi về phòng. Những bước chân lộp cộp trên hành lang xa dần.

Tiếng nhạc phim bỗng dưng tắt hẳn. Ông gác già vừa trở lại phòng mình thì âm thanh lịch kịch như tiếng người cựa quậy trong khoang kín lại vang lên. Cả bọn dường như nín thở. Di đưa tay lên bịt kín mắt. Anh chàng hàng xóm vỗ nhẹ tay lên chăn của cô, không biết là để trấn an hay kêu cô yên lặng cho anh ta xem nữa.

“Phim này được đấy”, thằng Phương lên tiếng.

Thu “Xùy xùy” ra hiệu cho nó giữ trật tự. Cảnh quay lại sát mặt cô gái nằm trong ngăn đựng xác. Cô ta mở bừng mắt. Di hét lên, Thu cũng hưởng ứng. Thằng Phương không cười nữa, vỗ vai hai đứa con gái trấn an.

“Công nhận nhạc phim hay quá, tự dưng làm mình thấy ghê hơn bình thường.” Thằng Vinh rời khỏi vị trí.

“Này, đi đâu đấy?” Thu cũng có vẻ đã sợ.

“Em đi lấy pizza chia cho mọi người, nguội ngắt rồi đây này.” Vinh mở hộp pizza, lấy ra một miếng nhưng ai cũng lắc đầu.

“Nhìn như thế rồi còn ăn sao được nữa...” Di chưa kịp nói hết câu thì trên màn hình, bộ phim đã chuyển cảnh, một bóng đen không nhìn rõ mặt, chỉ thấy mái tóc dài rủ xuống tận ngực, có vẻ là một cô gái hiện ra. Bóng đen đứng cúi đầu trước cửa ngôi nhà cuối hành lang rồi ngẩng phắt đầu dậy, hình ảnh phim giật giật. Di hoảng quá vơ vội cổ tay của anh hàng xóm bên cạnh, nắm chặt. Anh ta bị bất ngờ, mặt nhăn lại vì đau. Thu thì ôm chầm lấy Di vì chỗ bên cạnh cô đang trống. Thằng Vinh hấp tấp cầm miếng pizza cẳn dở vội quay lại chỗ ngồi.

Bóng đen giơ cánh tay lên như chuẩn bị gõ cửa. Tiếng thở của cả bọn dồn dập trong không gian vắng lặng. Không hiểu sao lúc đó tiếng gõ cửa lại vang lên chân thật như vậy. Phim đã chuyển sang cảnh cái cầu thang dẫn lên ngôi nhà rồi mà tiếng gõ cửa lộc cộc vẫn đều đặn vang bên tai. Mọi người chợt nhận ra đó là tiếng gõ phát ra từ chính cánh cửa nhà Di...

Di nhìn lại mọi người, tất cả đều ở đây, trong vô thức, bàn tay cô siết chặt cổ tay anh hàng xóm. Anh ta dùng bàn tay còn lại vỗ nhẹ tay cô như trấn an rồi bấm nút tắt màn hình.

“Chắc ai đến tìm Di đấy.”

“Làm gì có ai đến giờ này mà không gọi điện”, Thu nói, giọng e ngại.

“Để tôi ra mở, các bà cứ như trẻ con ấy.” Thằng Phương phủi phủi vụn pizza trên chăn rồi đứng dậy nhưng Vinh nắm lấy ống quần nó. “Từ lúc em ra lấy pizza đâu có chốt cửa. Vào đi”, Vinh nói.

Cánh cửa bật mở nhẹ nhàng nhưng cơn gió lớn bất ngờ thổi tới nên nó đập mạnh vào tường. Trước cửa phòng Di, trong bóng tối của cầu thang gỗ là một cô gái không nhìn rõ mặt, tóc dài, dáng người mảnh khảnh. Thu ôm chặt lấy Di, hai đứa hét lên ầm ĩ. Thằng Vinh lộ bản chất nhát ma, ra sức kéo ống quần của thằng Phương, nó đang đứng sững người bên cạnh. Cô gái bị bất ngờ, vừa luống cuống bước vào nhà vừa nhìn lại phía sau đầy vẻ sợ hãi. Vũ sững người nhìn cô ta. Cô gái đó thật gầy, mái tóc dài thả tự nhiên, đôi mắt nữa, to và đen láy đầy biểu cảm, đôi mắt mà chắc chắn nếu người ta nhìn kĩ một lần sẽ khó quên. Có lẽ thời gian đã làm cho mái tóc của cô dài hơn một chút nhưng gương mặt thì vẫn hệt như lúc cô chụp tấm ảnh trong tờ thông báo tìm người của Vũ. Sau một vài giây tự trấn tĩnh, Vũ đứng dậy nhưng gương mặt anh vẫn đầy thảng thốt. Bàn tay Di theo quán tính trượt khỏi cổ tay anh.

Vũ đưa cô ta về sau khi Di mời khách một cốc trà nóng. Lúc ở đây, cô gái đó chỉ làm có hai việc là liếc nhìn Vũ và cười nhẹ nhàng với mọi người. Chẳng ai nói câu nào. Cô gái hơi run rẩy vì lạnh, cái áo khoác dạ màu xanh tím than cô mặc khá mỏng manh. Cô hít hà hơi nóng của trà với vẻ tự nhiên. Vũ ngồi ngay bên cạnh cô gái và đối diện với Di, suốt thời gian uống trà anh không nhìn cô ta, chỉ có một giây anh liếc nhìn những ngón tay mảnh mai của cô ta ôm lấy cốc trà mà thôi. Di bảo Vũ cầm cái áo khoác của cô cho bạn anh choàng trên đường. Lúc đưa cái áo cho Vũ, Di mới để ý thấy cổ tay anh đã hằn những vết đỏ của ngón tay cô. Mọi người giữ yên lặng cho đến khi bước chân của hai người đó, người trước, người sau biến mất trên những bậc cầu thang gỗ. Cô gái đó có lẽ đã thấm lạnh rồi, sẽ tốt hơn nếu cô ấy đủ thời gian để uống hết cốc trà vẫn đang bốc khói kia.

“Tối nay tao ngủ lại đây”, Thu nói với Di.

Thằng Phương mang cái bếp nướng điện ra cắm rồi quẳng mấy miếng pizza lạnh ngắt lên trên.

“Trong tủ còn thịt nướng đấy”, thằng Vinh gợi ý.

“Vứt đi thôi, chị để trong ấy mấy tuần rồi.” Di xua tay, lắc đầu.

“Thịt của tiệc nướng tối nay cơ.” Thu mở tủ lạnh, lấy ra một đĩa những thứ đồ nướng thơm ngon, đặt xuống bên cạnh thằng Phương. Thấy Di có vẻ ngạc nhiên, nó nói thêm: “Cái này là nhờ ông Vũ làm, tối nay liên hoan chúc mừng chân mày đã khỏi.” Di gật đầu.

“Ai đấy?” Thằng Phương đột nhiên hất đầu ra cửa hỏi trống không trong lúc rót trà nóng cho cả bọn.

“Bạn gái.” Di uống trà.

“Làm sao chia tay?” Nó hỏi tiếp.

“Lạc nhau”, Di trả lời.

Thì làm gì có lý do nào khác nữa cho chuyện chia tay. Tình yêu của hai người xét cho cùng cũng chỉ là hai bàn tay nắm chặt lấy nhau. Chỉ cần một người buông là lạc mất. Di nghe tiếng nói của mình vừa nhè nhẹ thoát ra khỏi cổ họng đã như tan biến ngay vào không trung lạnh giá.

Thu lật trở những xiên thịt trên bếp, nói bâng quơ: “Thế thì chắc chẳng về nữa đâu.”

Thằng Phương và Vinh ở lại thêm một lúc rồi ra về. Phương có hẹn với thằng bé của nó và tiện đường đưa thằng Vinh về luôn. Thu nằm dài bên cạnh Di, hai đứa vẫn để một cái bóng đèn vì chẳng dám tắt hết. Di chui vào chăn, kê gối nằm.

“Làm sao mà lạc nhau vậy, mày có biết không?” Thu thì thầm.

Di kéo chăn lên đến cổ: “Vũ đi du học, cô gái đó ở nhà có bầu rồi bỏ đi mất.”

“Vậy là Vũ có một đứa con à?” Thu nhổm dậy, tròn mắt.

Di nhìn trân trân lên trần nhà, lắc đầu. Thu thở dài rồi lại nằm xuống, đút tay vào chăn.

“Một đứa con rồi, còn trẻ như thế, lại đẹp nữa.”

“Có con là hết đẹp sao mày? Vẫn đẹp mà.”

“Giờ ông Vũ tính sao?”

“Ai biết.”

“Vũ còn yêu không?”

“Yêu hay không thì có quan trọng gì.”

Nghe Di nói xong, Thu cười khúc khích. Phải rồi, đáng lẽ câu đó phải là câu nó nói mới đúng.

Hai đứa cứ câu trước câu sau nối tiếp nhau trong không gian im ắng như vậy, một câu chuyện nói mãi vẫn không đầu không cuối. Được một lát thì nó ngủ mất, bỏ lại mình Di nằm một mình nhìn về phía cửa, phía ban công nhà Vũ. Trời càng về đêm càng lạnh, cái khăn quàng cổ Vũ để quên treo trên tay nắm cửa ra ban công như sắp rơi xuống đất. Nếu ngày mai Vũ ốm, ai sẽ là người nấu cho anh ta ăn, cõng anh ta đi bệnh viện? Nếu Di có đủ quyết tâm để mua sẵn một cái vé tàu thì có lẽ Di sẽ rời nơi này đi ngay, không ngại ngần gì. Mùa đông ở đây lạnh quá nhưng Di, Di còn có những đứa bạn này. Di quay sang chỗ Thu đang say ngủ, kéo cái chăn cho nó rồi cứ thế nằm lơ mơ một mình nhìn ra cửa sổ. Đến lúc đêm gần tàn thì đèn ban công nhà đối diện bật sáng. Di thiếp đi.

Mùi bánh mì nóng thơm lừng đánh thức Di dậy. Với Di, có lẽ không có mùi vị nào ấm và ngon lành hơn mùi của vỏ bánh mì đượm lửa giòn tan vào sáng sớm. Di nhớ những buổi sáng mùa đông lúc nhỏ, cô thường vừa ngái ngủ vừa tha thẩn đi men theo đường ray tàu hỏa để tới cái lò bánh mì thủ công gần nhà. Mỗi lần được mẹ sai đi mua bánh về ăn sáng là mỗi lần cô muộn học. Di có thể đứng mê mải cả tiếng đồng hồ ngắm chú thợ, gương mặt đẫm mồ hôi, luôn tay dùng một thanh gỗ dài lấy bánh trong lò ra, từng chiếc, từng chiếc một nối đuôi nhau vàng rộm, phồng căng và thơm phức. Di ủ những ổ bánh nóng giòn bọc trong giấy báo vào bụng, hớt hải chạy về nhà, mồ hôi mướt mải, vừa cười vừa chìa bánh cho mẹ. Cả nhà ăn bánh mì với ruốc sợi bông hay món pa tê mẹ hấp đang sôi ùng ục trên bếp than ở giữa sân. Với Di, đó là những khoảnh khắc mùa đông ấm áp nhất trong cuộc đời. Hương vị của bánh mì nóng luôn làm cho dạ dày cô xao xuyến. Nó nhắc nhở Di về bữa sáng yên bình với những người thân và giờ đây là về sự hiện diện của một người xa lạ.

“Nếu cô ăn sáng nhanh, có thể vẫn kịp theo tôi và mọi người đi chợ hoa đấy”, người xa lạ lên tiếng.

Di tung chăn bật dậy sung sướng, tay xoa xoa cổ chân: “Hôm nay tôi được ra đường rồi à?”

Vũ gật đầu, kéo bàn ăn thấp ra giữa nhà.

“Không cần đâu, chân tôi đỡ rồi”, Di ái ngại nói.

“Tôi đã nói là đến khi nào hậu quả tôi gây ra hết hẳn. Mấy cái nốt đỏ của cô cũng sắp lặn hết rồi. Tôi không sốt ruột lắm đâu.”

Di sờ tay lên mặt mình, những vết sưng đỏ trên mặt giờ chỉ còn là những vệt mờ mờ.

“Cô ngồi xuống nhé, tôi phải chạy về bên nhà một chút!” Anh ta đặt đĩa trứng ốp lết lên bàn.

“Thu đâu rồi anh... Vũ?” Di ngập ngừng gọi tên anh ta rồi bẻ nhanh một miếng bánh mì.

“Thu ăn trước rồi, đang kiểm tra sổ sách dưới quán.” Anh ta nói rồi đi ra cửa, tay cầm theo một cái phong bì, trước khi bước xuống cầu thang, anh ta còn quay lại nói với Di thật tự nhiên: “Một lát tôi về.” Di cười với anh ta rồi vui vẻ quay lại với bữa sáng của mình. Nụ cười đã lâu Di không gặp làm ngượng nghịu đôi môi cô nhưng lại khiến cô thấy vô cùng dễ chịu.

Đang ăn dở thì Di bỗng thấy khát. Định vịn bàn đứng dậy rót nước uống thì tiếng ầm ĩ và tiếng người to tiếng từ dưới quán vọng lên làm Di chú ý. Nghĩ đến Thu, Di vội vàng bước về phía cửa, vịn cầu thang đi xuống dưới. Càng bước xuống gần tới nơi, tiếng người quát tháo càng lớn, xen giữa một giọng đàn ông và những tiếng đạp cửa, đá chân là tiếng một cô gái nói gì đó Di nghe không rõ. Di không thể bước nhanh hơn được nữa, tim cô đập hối hả trong lồng ngực.

Lúc Di xuống tới nơi thì người đàn ông hung dữ với bộ râu quai nón che gần hết gương mặt vẫn đang đá chân vào cái cột quán với vẻ tức giận, trông ông ta có vẻ nhếch nhác và hình như đang say.

“Mày ra đây, ra ngay, đừng tưởng trốn tao được nhé!” Lão ta rít lên, gương mặt đỏ tía. Cửa quán không đóng kín. Di cố nhấc cái cổ chân ê buốt tiến lại gần. Đứng chắn ngay giữa cửa là… Kimora. Kimora với mái tóc ngắn cũn cỡn, chải ngược về phía sau. Cô mặc jacket da và quần jean thụng, đi giày thể thao. Cô đứng chống tay vào tường, chắn ngang một bên cánh cửa đang mở.

“Thu!” Lão ta rít lên. “Mày trốn ở đâu tao cũng tìm ra thôi. Đừng tưởng không về nhà là thoát được tao. Mày đã không phải nuôi mẹ mày rồi thì mày phải nuôi tao. Tao đẻ ra mày!”

“Ông cút đi!” Tiếng Thu ở trong quán vọng ra gay gắt.

Lão ta sấn sổ chạy tới chỗ cửa: “Tránh ra, tránh ra ngay!” và giằng co với Kimora.

Kimora vất vả ẩy lão ra, gương mặt ửng lên vì tức giận: “Ông không được vào, tôi báo công an đấy.”

“Mày báo thử xem, tao chả có tội gì cả, tao đến gặp con gái tao, đứa con gái mất dạy của tao thôi!” Lão cười hà hà, phà hơi rượu vào mặt cô.

Di bấm điện thoại gọi cho Phương, sốt ruột theo từng nhịp chuông chậm chạp: “Mày đến ngay, có chuyện gấp.”

Di vội vàng cúp máy trong lúc lão ta nhặt một hòn đá, ném vào trong quán, ngay sau đó là tiếng đổ vỡ loảng xoảng.

alt
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc