Uống xong hai thang thuốc cuối cùng, tai của tiểu Tô cũng bắt đầu nghe khá hơn, theo đề nghị của lão sư phụ, tiểu Tú bắt đầu hầm một số dược thiện bồi bổ thêm cho tiểu Tô. Tuy rằng số dược thiện này có hương vị không tốt lắm, nhưng tiểu Tô vẫn cố gắng ăn sạch sẽ! (Di: dược thiện là món ăn được nấu với thuốc bổ, ví dụ: gà hầm thuốc bắc, gà ác tiềm...)
Bà Hảo cũng đã bắt đầu chuẩn bị đồ cần dùng để tiểu Tô đi viếng mộ. Một chén rau xanh, một chén đậu hủ, một chén thịt nướng, còn có một con cá chiên, những món này là để cho người đã qua đời dùng. Ngoài ra bà Hảo còn chuẩn bị thêm giấy tiền vàng bạc âm phủ, nến, nhang. Đây là đồ cần thiết khi viếng mộ.
Đây cũng là lần đầu tiên bà Hảo chuẩn bị đồ ăn viếng mộ tổ tiên thịnh soạn như vậy, trước kia chủ yếu là một chén rau xanh, một chén đậu hủ, lại thêm một ít thịt là được rồi. Nhưng bây giờ cuộc sống trong nhà được cải thiện, tai của tiểu Tô cũng đã dần phục hồi, chuyện này nhất định phải cảm tạ tổ tiên đã phù hộ. Trong suy nghĩ của bà Hảo, phải nhờ những người đi trước phù hộ thì tai của tiểu Tô mới khỏi nhanh như vậy!
Ngày hôm sau, tiểu Tú và tiểu Tô xách đồ đi viếng mộ. Mộ được đặt ở phần đất phía tây thôn, đã vậy còn nằm cách xa nhau, mặc dù cảnh vật xung quanh có thay đổi, nhưng tiểu Tô vẫn nhanh chóng tìm được rồi mộ phần của gia đình. Ông bà nội được chôn chung một phần mộ, trong khi mộ phần của ba mẹ lại không theo quy tắc chôn cách nhau một khoảng.
Tiểu Tô dẫn tiểu Tú đi đến bái tế ông bà nội và họ hàng Tô gia trước. Tiểu Tô yên lặng đốt nến, tiểu Tú lẳng lặng bày các tế phẩm lên trước mộ phần. Ba cái chén nhỏ được đặt trước mộ, sau đó được rót đầy rượu, đặt thêm ngọn nến, tiểu Tô khom lưng quỳ gối lạy ba lạy: "Ông nội, bà nội, tai của tiểu Tô đã khá hơn nhiều rồi! Cám ơn ông nội và bà nội ở trên trời linh thiêng. Hôm nay con chuẩn bị chút đồ ăn, ông bà nội hãy dùng đi ạ."
Điều tiểu Tô muốn nói vô cùng nhiều, nhưng năng lực có giới hạn, không phải muốn là nói ra được. Cha mẹ mất sớm, cho nên chỉ có ông bà nội là ở cạnh chăm sóc anh, anh cũng nhận được rất nhiều tình thương yêu từ họ, khoảng thời gian anh đi lính, người mà anh nghĩ đến nhiều nhất vẫn là ông nội và bà nội, trong khoảnh khắc cứu chiến hữu trên chiến trường, tiểu Tô cho rằng mình đã có thể đi gặp họ, nhưng khi tỉnh lại mới phát hiện không phải như vậy.
Quay đầu nhìn sang tiểu Tú đang quỳ một bên đốt giấy tiền vàng bạc, tiểu Tô tự nhủ trong lòng: "Bà nội, con đã tìm được một người rất tốt với con, sang năm con sẽ cố gắng buôn bán kiếm tiền cưới cô ấy vào cửa, cùng cô ấy sinh cho Tô gia một đứa nhỏ mập mạp. Đúng rồi, bà Hảo cũng rất khỏe. . . . . ."
Sau khi thắp hương cho ông bà nội xong, tiểu Tô và tiểu Tú di chuyển sang mộ phần của ba mẹ tiểu Tô. Giống như trước, đốt nến, dâng đồ cúng, rót rượu thắp hương, rồi lại đốt giấy tiền. Mặc dù cũng không nói thêm bao nhiêu, nhưng cũng tốn không ít thời gian, đến lúc tiểu Tú và tiểu Tô rời khỏi đó để về nhà thì mặt trời đã lên đến đỉnh.
Không biết có phải vì chịu ảnh hưởng của buổi viếng mộ hay không mà tiểu Tô có chút kỳ lạ. Tiểu Tú rót cho anh chén nước rồi yên lặng đi ra ngoài, không quấy rầy anh nữa. Một người đàn ông luôn cần có một không gian riêng. Trong thời gian tiểu Tô ngồi thẫn thờ thì tiểu Tú chạy vào không gian. Bởi vì tiểu Tú lại có ý tưởng mới.
Trong này có gốc cây dâu tằm, tiểu Tú tính làm nơi nuôi tằm. Từ xưa đến nay, Giang Nam là nơi có rất nhiều tằm. Cho nên trong thôn rất nhiều nhà nuôi và cũng có khá nhiều loại. Tiểu Tú xin phía đông một ít, phía tây một ít."Tú, sao sớm như vậy đã đi chọn giống tằm rồi?" Vừa mới đầu xuân, nuôi tằm hơi sớm.
"Thím, phía sau nhà có gốc cây dâu tằm, cho nên muốn lấy làm nơi nuôi tằm luôn, cũng có thể kiếm được ít tiền mà." Đương nhiên tiểu Tú sẽ không nói thật. Tiểu Tú chỉ đi xin mỗi nhà một ít tằm các loại, số lượng không lớn, hơn nữa cô cũng rất ngoan ngoãn gọi dạ bảo vâng nên người ta cũng mặc kệ. Sau khi về đến nhà, tiểu Tú lấy hết ra bày trên bàn, đếm tới đếm lui được khoảng hai mươi loại.
Vì số tằm mới này, tiểu Tú tốn không ít công sức. Trước kia Tô gia cũng từng nuôi tằm, cho nên số dụng cụ linh tinh vẫn còn, nhưng nhiều năm không đụng đến, nên phải sửa chữa mới có thể sử dụng. Việc sửa chữa vẫn do a Tài làm. Chờ mọi thứ xong xuôi hết, tiểu Tú chỉ cần nhờ tiểu Tô chuyển giúp vào không gian nữa là xong.
Trước khi chuyển đồ vào, phu khuân vác là Tô tiên sinh đã sửa sang xong gian nhà nhỏ trong không gian. Trong gian nhà nhỏ đó cũng không có gì nhiều, chỉ chứa mấy cái rương gỗ, đôi vợ chồng son cũng đã mở ra xem qua, tất cả đều là sách, hơn nữa còn là loại sách xem không hiểu, theo như lời tiểu Tú thì những sách này nếu không phải là sách này thì cũng là sách nọ. (Di: ai thắc mắc tại sao trong không gian có nhà thì xem lại chương 1 nha, ngay từ đầu lúc tiểu Tú nằm mơ là có nó rồi, ‘’không gian’’ y như một căn nhà nhỏ có vường có ruộng vậy á)
Tiểu Tô đem mấy thứ này chuyển vào gian phòng bên cạnh, trống được một khoảng đủ để nuôi tằm gì đó. Công việc nuôi tằm kiếm tiền của tiểu Tú tương đối nhẹ nhàng và thoải mái, hơn nữa còn có thể duy trì lâu dài. Bởi vì tiểu Tú có một lợi thế đó là ‘’không gian’’. Những người khác nuôi tằm phải phân theo mùa, còn phải lo lắng đến việc có đủ lượng lá dâu cho tằm ăn hay không, hoặc đủ loại vấn đề khác, còn tiểu Tú thì không như vậy.
Trong không gian bốn mùa như mùa xuân, độ ấm tuyệt đối thích hợp, hơn nữa nuôi ở trong không gian không sinh sâu bệnh, hơn nữa gốc cây dâu tằm bự kia cũng đủ cung cấp sức ăn cho tằm lúc đầu. Tuy thế tiểu Tú vẫn muốn đi ra ngoài tìm thêm mấy cây nữa. Bởi vì tiểu Tú muốn nuôi lâu dài.
Hiện tại các loại tằm đều là xin từ nhà hàng xóm, số tằm này đã được đưa vào trong không gian tiến hành ấp trứng, chờ tằm bắt đầu đóng kén là có thể tiến hành phân loại. Tiểu Tú không cần hỏi lại mọi người cũng biết, một năm sẽ có ba đến bốn lần thu hoạch . Nếu vậy thì một năm tiểu Tú thu vào gấp ba đến bốn lần người khác rồi. (Di: Thường có 3 thời vụ nuôi tằm: Xuân, Hè, Thu. Vụ Xuân, Thu mát mẻ nuôi tằm giống tốt, năng suất, chất lượng cao nhưng tằm dễ bị bệnh. Vụ Hè nóng ẩm, nuôi giống tằm khoẻ, năng suất và chất lượng trung bình, tằm dễ bị nhặng bám đã vậy còn phải trừ hao số lượng bị hư, bị bệnh..v..v trong khi không gian của tiểu Tú không lo sâu bệnh cho nên chất lượng và năng suất vượt người khác là điều hiển nhiên)
Khi tiểu Tô giúp tiểu Tú chuẩn bị xong mọi thứ, thì là hơn nửa tháng đã qua, chỉ vài ngày nữa tiểu Tô sẽ đi làm.
"Tiểu Tô, mấy ngày nữa phải đi làm rồi, nghe nói làm trong xưởng một tháng được ba mươi, bốn mươi đồng gì đấy. Có tiền rồi anh định làm gì?" Ăn xong bữa chiều, rửa xong chén bát, tiểu Tú lại kéo tiểu Tô vào không gian chơi. Bà Hảo nhìn thấy hai người lại rủ nhau vào phòng cũng chỉ lắc đầu, lúc mới bắt đầu bà còn sợ hai người này vừa mới nếm trải hương vị ở chung sẽ trở nên lười biếng, không xuống giường được, nhưng sau này phát hiện hai người vẫn chăm chỉ như cũ, bà Hảo mới không nói.
"Làm gì là sao?" Tiểu Tô sờ đầu, nhớ lại lúc còn ở chung với ông bà nội, lúc đó ở trong nhà tiền luôn luôn do bà nội quản lý, ông nội muốn dùng tiền phải nói trước, bà nội mới lấy ra đưa."Tiền cho em giữ, bây giờ anh cũng không thiếu cái gì, em tự tính toán chi tiêu trong nhà đi."
"Anh không biết tính toán rồi, có rất nhiều thứ cần đến tiền đó." Tiểu Tú cảm thấy rất thoải mái, nam chủ ngoại nữ chủ nội, có chuyện gì thì thương lượng, cuộc sống như thế là thoải mái nhất . Tuy vậy tiểu Tú cảm thấy tiểu Tô giao toàn bộ tiền cho mình là một sự thiệt thòi, rất thiệt thòi.
"Em muốn mua gì?" Tiểu Tô nghĩ cuộc sống của mình đã tốt lắm rồi, có thịt, có quần áo mặc.
"Anh chưa từng nghe qua câu gì mà phải thực hiện công cuộc có lầu trên lầu dưới đèn điện điện thoại, trong phòng phải có TV, máy giặt à." Tiểu Tú nhớ tới câu khẩu hiệu lúc trước, cụ thể ra sao tiểu Tú đã quên, chỉ nhớ đại khái nội dung thôi. Sau này không riêng TV, máy giặt, còn phải có máy lạnh, có tủ lạnh, hơn nữa không chỉ một cái.
"Lầu trên lầu dưới đèn điện điện thoại. Tiểu Tú em muốn xây nhà à?" Lúc còn ở bên ngoài tiểu Tô đã từng thấy người ta xây nhà, căn nhà hai lầu có lầu trên lầu dưới.
"Đương nhiên là phải xây nhà, em còn muốn phải xây ba lầu cơ, trong phòng phải có đèn điện, điện thoại, TV, tủ lạnh, máy giặt." Tiểu Tú đã nghĩ trước về việc phải xây nhà ra sao, trong phòng sắp xếp thế nào..v..v. Nền móng đã có rồi.
"Tiểu Tú, em tính xem xây nhà ba lầu cần bao nhiêu tiền. Anh sẽ đi kiếm!" Tiểu Tô không biết nên tính ra sao. Mà tiểu Tú lại càng không biết. Từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ xây nhà, trước kia giá đất quá cao, luôn cảm thấy mình có kiếm tiền cả đời cũng không xây nổi một căn nhà thuộc về chính mình.
"Em cũng không biết, ít nhất cũng phải mấy vạn đồng!" Tiểu Tú cảm thấy hình như cô hơi quá rồi, bây giờ rất nhiều người vẫn đang sống trong nhà tranh, chỉ hướng đến mục tiêu có nhà gạch, mình và tiểu Tô may mắn ở trong nhà gạch của thế hệ trước, bây giờ lại muốn xây nhà, có phải là dọa tiểu Tô không?
Vì thế tiểu Tú đành nói: "Bây giờ phòng ở cũng không tệ lắm, không bằng chúng ta cứ sống thêm vài năm rồi xây sau đi.’’ Tiểu Tô gật đầu. Trong lòng tính toán, mình ở đi làm, một tháng kiếm được ba đến bốn mươi đồng, một năm cũng chỉ bốn năm trăm, muốn xây nhà đúng là hơi quá.
Tiểu Tú cũng đang tính xem một năm có thể kiếm bao nhiêu tiền, sáu con heo nhỏ, tới cuối năm là lớn, một con cũng có thể bán được ít nhất bốn trăm đồng, trừ đi tiền mua heo, cũng có thể kiếm được hai ba trăm một con, sáu con là khoảng một ngàn tám. Cộng thêm tiền bán đồ ăn, mỗi phiên chợ cũng kiếm được mười hai mười ba đồng, một tháng có bốn phiên, một năm cũng có thể hơn một trăm đồng. Còn có tiền bán tằm, tính đại khái, một năm có thể kiếm được hai ba ngàn đồng. Xem ra cần nhiều biện pháp hơn nữa, phải nghĩ thêm cách kiếm tiền để có tiền xây nhà!
Tiểu Tú còn có một chuyện, tiểu Tô sinh ngày tám tháng hai, tiểu Tú muốn tặng quà cho tiểu Tô, làm sinh nhật. Hơn nữa tiểu Tô cũng sắp đi làm, cần vài bộ đồ để mặc cho ra dáng. Tiểu Tú thấy quần áo ở trấn trên không đẹp, cho nên muốn thừa dịp đi Tô Châu, vào cửa hàng tổng hợp xem có đồ tốt hay không.