Hoàng hôn đầu tiên của năm mới, thành Bắc Kinh yên tĩnh trở lại sau cuộc chiến tranh. Trên phố chỉ còn vài tiếng pháo thưa thớt. Vỏ pháo hồng tung bay, những bông tuyết đầu xuân đang rơi ngày một dày. Lữ khách đi lại trên đường bấy giờ cũng đã giảm hẳn.
Trời chập choạng tối. Cách cố cung không xa là mấy tọa lạc một căn phủ đệ uy nghiêm, không gian vắng lặng như tờ bao trùm toàn diện. Chốt lát sau, đằng trước cánh cổng sắt im ỉm của căn phủ đó đỗ một cổ xe ngựa quý phái, có hai người trung niên bước xuống. Người thứ nhất đội trên đầu chiếc mũ che tuyết, vành nón dài, phủ tận mi mắt, cổ áo kéo lên che gần hết nửa khuôn mặt. Người thứ hai thân choàng áo bông làm bằng lông chồn dầy cộm, bất quá chỉ cần nhìn phớt qua chiếc mũi cong cong như mũi chim két của hắn cũng đủ khiến cho người tinh tế nhận ra rằng gã chính là Át Tất Long. Người còn lại hẳn nhiên phải là Tô Khắc Táp Cáp.
Lúc bấy giờ, Ngao Bái đang hưởng dụng tách trà nhân sâm trong phòng sách. Gần cửa bày một chiếc bàn và ba chiếc ghế. Mặt bàn đặt một ngọn đèn dầu leo lét. Ánh sáng mờ nhạt chỉ đủ chiếu sáng một khoảng không gian bé nhỏ, còn cách đó một quãng ngắn thì mọi vật đều chìm trong tối tăm. Ngao đại thần ngồi quay lưng về phía cánh cửa.
Bên ngoài có tiếng bước chân vang lên đều đều. Tai nghe quản gia bẩm báo quý khách tới thăm, Ngao Bái phẩy ống tay áo bảo cứ mời họ vào. Quản gia vâng dạ, trở ra ngoài sảnh đường, hồi sau quay lại từ từ đưa tay đẩy một cánh cửa. Ánh đèn yếu ớt từ trong phòng sách hắt ra.
Nháy mắt, hệt làn khói, Át Tất Long và Tô Khắc Táp Cáp xuất hiện, cởi áo choàng đang mặc trao cho quản gia. Ông lão kéo ghế mời hai vị đồng minh an tọa rồi vòng tay cung kính cúi đầu rời đi.
Đợi quản gia khuất bóng, Át Tất Long không quen chào hỏi bằng cách lung khởi thường gặp, hạ giọng nhập đề ngay:
- Lão bộc mới mướn của tôi tên Tân Nhã Tề Bố và vợ của ông ta Trần Cát Sang, nghe nói năm xưa, giới giang hồ đã tôn hai người họ thành “hắc đạo song ma,” tối qua đã làm phép xong một hình nộm gỗ...
Át Tất Long chưa vạch hết mưu đồ, Ngao Bái đã chán nản phẩy tay áo cắt ngang:
- Chuyện hình nộm gỗ hôm nọ chúng ta bày vẽ ra kết cuộc không có kết quả gì, nay tôi không muốn trở thành trò cười thêm một lần nữa!
Tô Khắc Táp Cáp nghe vậy hoang mang hỏi:
- Vậy theo ông thì... phải đứng nhìn tên trẻ ranh đó khôn lớn dần, tự tay đoạt lại binh quyền của chúng ta sao? Lại nữa, hiện thời tên Khang thân vương và Mộc Đình Quý không ngừng tung tiền tung của, nghe phong phanh đâu mấy hôm trước bọn nó xuất ra hai mươi vạn lượng đi thuyết phục, kéo quan hệ cho tên tiểu hoàng đế. Cả hai gã đó thật quá quắt, đáng gán cho cái tội “lập bè lập đảng vì chuyện riêng tư.”
Ngao Bái nghe vậy thì tựa hồ có cảm giác rằng biết đâu phen này Tô Khắc Táp Cáp dự đoán mà lại trúng sự thật, lòng tự nhủ phải nên ra tay trước, nên sớm xua binh khởi nghiệp tranh bá, đánh địch nhân một cách bất thình lình vì đó mới là điểm then chốt để chuyển bại thành thắng. “Dựa vào sự giảo hoạt của Dương Tiêu Phong,” Ngao Bái bảo thầm “chắc chắn đang bài binh bố trận chi đó, thành thử ta phải tiên hạ thủ vi cường, đi trước tên cẩu quan một bước...”
Tuy háo thắng là vậy nhưng trong đầu chợt tưởng tượng thảm cảnh của tương lai, “nếu nhỡ mà đại bại...” Ngao Bái lòng chấn động, nghĩ đến việc tên nhãi ranh Khang Hi nếu như không được Dương Tiêu Phong phò trợ thì tuyệt nhiên không thể có ngày hôm nay.
Suy xét tới đây, Ngao Bái đập bàn đứng phắt dậy:
- Không bao giờ!
- Vậy làm cách sao? – Át Tất Long và Tô Khắc Táp Cáp đồng thanh.
Ngao Bái nghe hỏi liền nhún vai úp mở trả lời:
- Không cần khẩn trương, thời cơ chưa tới!
Át Tất Long đứng dậy theo, trố mắt hỏi:
- Vậy đêm nay ông gọi chúng tôi đến đây làm gì?
Lần này tới phiên Ngao tông đường nhập đề:
- Bữa nay mục đích của tôi mời các ông đến đây không phải thăm viếng hay là thảo luận suông suông chính sự không thôi, mà chính là tình hình bây giờ đã rõ rệt rồi. Muốn tranh bá thiên hạ chỉ có hai người, một người là bổn quan, còn một người nữa chính là tên cẩu nô tài của thái hoàng thái hậu.
Tô Khắc Táp Cáp nghe nói thế liền hiểu Ngao Bái muốn ám chỉ Dương Tiêu Phong, vội vàng lên tiếng:
- Nếu thật vậy thì ván cờ này phải chờ xem ông là tên Phủ Viễn tướng quân đó cạnh tranh như thế nào.
Ngao Bái chắp tay sau lưng gật đầu:
- Tuy rằng hiện giờ kinh thành xảy ra nhiều chuyện, nhưng vấn đề quân sự ở Tây Bắc cũng rất ngặt nghèo. Chuẩn Cát Nhĩ ở Tây Bắc rất khó đối phó, nếu chúng ta tung binh ra chiến trường trực tiếp đi chạm trán hắn thì thật rất nguy hiểm. Thành thử bổn tướng gọi hai ông đến chính là để bàn vấn đề này.
Át Tất Long tái mặt:
- Ông định sai khiến chúng tôi đi Tây Bắc?
- Không phải! – Ngao Bái vuốt bộ râu hùm, trấn an - Tôi rất cần hai ông ở lại kinh thành giúp tôi. Cơ mà theo những gì tôi biết, ngay lúc này đây tình hình biên giới Tân Cương vẫn rất rối ren, do đó phe mình rất cần một viên tướng giỏi. Chuẩn Cát Nhĩ đã dốc hết toàn quân, nếu rủi binh lính canh giữ Tây Bắc của mình có chuyện bất trắc gì thì ở kinh kỳ lập tức bị ảnh hưởng. Thành ra ở giữa Tây Bắc và kinh kỳ cần phải bố trí một đạo quân, mà đạo quân này phải bảo vệ được cả kinh kỳ, tiếp viện Tây Bắc, đề phòng cường địch.
- Cao kiến của Ngao đại nhân ông tôi thấy rất có lý – Át Tất Long chợt cảm thấy phấn khích - Nhưng mà người thống lãnh đại quân này phải là ai đây? Phải chọn người nào có bản lĩnh để công nhiên đối đầu với tên Phủ Viễn tướng quân khả ố đây?
Tô Khắc Táp Cáp gãi cằm tán thành:
- Người đó phải hội tụ đủ mọi khả năng ứng phó với bất cứ đột biến nào. Lại nữa, tên hậu thủ đó còn cần phải có bản lãnh kiềm chế Dương Tiêu Phong, khiến tên cẩu nô không thể nhúng tay vào đại sự của chúng ta.
Ngao Bái thở dài:
- Khổ một nỗi, tạm thời tôi chưa nghĩ ra người có thể đảm đang nhiệm vụ này.