Đêm đó khi tiệc đã tàn, các vị khách ra về cả rồi, Cửu Dương nhận được lời mời tiếp tục vào hậu viên dùng trà, lá trà này là do chàng chính tay chọn hôm bữa để tặng cho Ngao Bái. Tô Khắc Táp Cáp và năm người nữa cũng có mặt tại đó, họ đang ngồi xung quanh một chiếc bàn đá đặt ở giữa đình. Ngao tông phủ tám phương lộng gió, sáu hướng thoáng hơi. Cảnh sắc trong hậu viên tự nhiên tao nhã. Phủ đệ có trồng nhiều cây dương liễu làm cho khung cảnh ánh lên một sắc lục dìu dịu, và còn có những hòn non bộ xây hình núi non gò đống thoai thoải. Hành lang cột nhà sạch bóng chẳng tìm ra một chút tì vết, trần nhà vân vi chạm vẽ cầu kỳ. Cũng giống như hoàng cung, Ngao tông phủ trồng khá nhiều loại kỳ hoa dị thảo, bốn mùa triền miên nối nhau khoe sắc. Giờ đương là lúc sen trong hồ mới hé vài bông, ngậm hương chưa nở, trông chúng toát ra một vẻ thanh tao ý nhị riêng.
Cửu Dương theo chân quản gia đi vào hậu viên.
Mắt thoáng trông thấy quản gia dẫn theo một đại hán khôi ngô, anh khí hào sảng ung dung tiến đến, Tô Khắc Táp Cáp và năm người kia đang kháo chuyện rôm rả với nhau đột nhiên ngừng trao đổi. Năm người này Cửu Dương nhìn thoáng qua thì đã nhận biết họ có võ công rất cao cường vì thể hình của họ cân xứng, tinh thần tráng kiện, cộng thêm Cửu Dương dùng hai trong ba phương pháp để nhận đoán con người, đó là tướng diện, tướng cốt hay còn gọi là hình dáng của bộ xương. Và cao thủ như bọn họ, dẫu chỉ sở hữu được một người thôi cũng đủ để dương danh, trở thành nhân vật phong vân của triều đình Mãn Châu thời bấy giờ, ấy thế mà Ngao Bái lại có đến những năm người, thực lực của gã quả thật khiến cho người ta khiếp hãi. Đáng sợ hơn nữa là gã luôn giữ một thái độ thô lỗ nghênh ngang để che đi cái dự mưu ẩn sâu hút bên trong khiến cho tiên hoàng khi còn sống và người của ông ta không có chút nghi ngờ gì hết. “Năm cao thủ thâm tàng bất lộ này,” Cửu Dương nhủ bụng “hiển nhiên là một sự tính toán dành riêng cho Khang Hi...” Thêm vào đó cặp mắt của Cửu Dương từ khi bước chân vào phủ đệ đã không bỏ sót bất cứ một động tĩnh nào. Lúc ngồi ở bàn dự tiệc thọ chàng kín đáo quan sát thấy trong đại sảnh có hơn hai trăm thủ hạ lúc ẩn lúc hiện, hẳn là do Ngao Bái đã sắp xếp ở mọi vị trí chiến lược. Chỉ cần ai đó có mưu đồ ám muội thì gã sẽ ra một mệnh lệnh ngay, khi đó tức thì những dũng sĩ tay cương tay lưới ấy sẽ ào ào ùa ra trói gô tên thích khách lại rồi điệu đến trước mặt gã...
Quản gia dẫn Cửu Dương tới trước mặt Tô Khắc Táp Cáp, lễ phép nói:
- Đây là Tô đại nhân – Ông ấy nói đoạn chỉ tay vào năm trung niên tướng mạo đường đường, trân trọng giới thiệu từng người - Vị này là..., còn vị này là...
Cửu Dương làm lễ bái chào từng người, rất muốn nói mấy câu xởi lởi để bắt chuyện làm quen nhưng thấy dáng vẻ lạnh lùng cao ngạo của họ đành nuốt lại lời vào trong bụng.
Át Tất Long lúc bấy giờ mới xuất hiện, đi đến an tọa, tướng đi của gã khệnh khạng trông giống hệt như Ngao Bái, chỉ là mâu quang của tầm nhìn dường như có chút mơ hồ, lóe ra tia bất định, không sắc sảo bằng tri kỷ của mình. Át Tất Long nhìn Cửu Dương, âm thầm đánh giá nam nhân dáng vẻ nho nhã như một văn sĩ, nhủ bụng nam nhân kia chỉ sợ không phải là kẻ tầm thường, rất có thể là quân cờ do người khác thao túng, vì thế mà Át Tất Long hành sự càng phải cẩn thận hơn.
- Tân trạng nguyên gia! – Át Tất Long mời Cửu Dương ngồi, nói – Hôm nay đã nể mặt đến đây dự tiệc, thật là vinh hạnh!
Cửu Dương tự nghĩ bản thân Át Tất Long xuất thân phú quý, thành thử tâm phải cao khí phải ngạo chứ, dè đâu lần đầu tiếp xúc lại nói một câu khách sáo như vầy.
Sau hồi suy nghĩ, Cửu Dương cung tay cung kính đáp:
- Vãn sinh nhận theo lời mời để đến mừng tiệc thọ, đại nhân có gì chỉ dạy xin cứ nói.
Át Tất Long chăm chú quan sát anh hoa không phát tiết của Cửu Dương, hai mắt tinh linh có thần, khí định thần nhàn, cái vẻ đường hoàng tự tin đằng sau cái vẻ hoàn toàn không đắc ý.
Cửu Dương thấy Át Tất Long nhìn mình chằm chằm cũng không tỏ ra yếu mềm, cứng cỏi nhìn trả lại, sực nhận thấy mắt người đối diện sáng như hai ngọn đuốc tựa hồ muốn soi thấu hết những buồn đau vui sướng trong lòng chàng.
Hai trang nam tử trao đổi ánh nhìn khá lâu, thốt nhiên Át Tất Long cao giọng hô:
- Đao kiếm khí giới, ngươi cứ tự lựa đi!
Át Tất Long vừa thốt lời xong bầu không khí chung quanh tức khắc lặng ngắt như tờ, tứ bề thanh âm càng lúc càng nhỏ dần đến cực điểm im ắng, Cửu Dương tưởng chừng nghe được cả tiếng kim rơi. Và cũng đúng lúc Át Tất Long dứt lời liền có chục tên thị vệ khệ nệ khiên đủ loại binh khí ra.
Câu nói của Át Tất Long cùng với tiếng chân rình rang làm Cửu Dương chết sững, nụ cười ấm áp trên môi chàng thoắt tan biến, nhất thời không nói năng được gì, rồi thình lình sực tỉnh. Cửu Dương nghĩ Át Tất Long nhìn tướng mạo và cách đi đứng của chàng nên đoán chàng ít nhiều cũng biết chút ít võ công, tuy nhiên chỉ là đoán mò vậy thôi, thành ra gã muốn thử thách chàng, để một là chàng phải trở thành quân chiêu dụ cho Ngao Bái hoặc hai là sẽ biến chàng thành chướng ngại vật cần tiêu diệt. Tam mệnh đại thần quyết không cho phép ai đứng bên trận tuyến của Dương Tiêu Phong để gây sức ép cho họ, vì vậy lần đấu trí này hết sức quan trọng. Và nếu như chàng để lộ ra một chút sơ hở gì thì sẽ làm cho nhóm tam mệnh đại thần sinh lòng tận diệt, chàng sẽ phải đối mặt với vị đại nhân này trong một trận tương tranh quyết đấu...
Suy luận đó lướt qua óc nhanh như chớp, Cửu Dương lập tức bỏ ý định chọn lấy một trong mười tám món binh khí đang được những tên binh sĩ kia dâng lên.
- Vãn sinh lúc ở Giang Nam buổi sáng đi học tại Hắc Viện học đường, buổi chiều theo lời của viện trưởng cùng với các sĩ tử khác luyện tập một vài bài quyền để cường thân kiện thể chứ võ nghệ hoàn toàn không biết một chút nào hết, âu có biết thì chỉ là dăm ba miếng vỏ vẻ dùng để chơi đô vật với đám thanh niên trai tráng trong làng. Vả lại lần này vãn sinh bị nhiễm bệnh phong hàn, sức khỏe không được tốt, trong lúc này rất kỵ phát công xuất chiêu, nếu đại nhân nhất định muốn tỉ võ e rằng vãn sinh làm không được.
Tô Khắc Táp Cáp nghe Cửu Dương đáp đâu ra đó, đưa mắt về hướng Át Tất Long, bật cười nói:
- Bản quan đương nhiên là biết Lí Tài làm không được nhưng vì nể mặt Át đại nhân, Lí Tài vẫn nên tình nguyện mạo hiểm tiếp đón vài chiêu mới là phải phép chứ!
Át Tất Long khác hẳn với Tô Khắc Táp Cáp, người vốn có tính tình tinh minh hoạt bát, lắm mưu nhiều kế, một trong những tay chân thân tín nhất của Ngao Bái. Ánh nhìn của Át Tất Long lạnh băng, gã to tiếng nói:
- Đừng nhiều lời nữa! Hãy tiếp chiêu đi! - Nói đoạn chớp nhoáng vận quyền, Át Tất Long nhằm ngay yết hầu của Cửu Dương xuất chiêu tấn công.
Khuôn mặt của Cửu Dương lần đầu tiên lộ vẻ thận trọng, sắc xanh thoắt ẩn thoắt hiện, lòng tự nhủ Át Tất Long chắc đã nhận ra thân phận gián điệp của mình. Tuy nhiên Cửu Dương lại không thi triển chiêu thức hóa giải, càng không thủ, cũng không công. Ở phía đối diện, Át Tất Long quát khẽ một tiếng rồi thu tay, nhằm ngay yết hầu của đối phương tung ra một cú đấm sấm sét, độc quyền phóng đi nhanh như sấm chớp tuy nhiên khi đến đích lại dịch tay xuống phía dưới vài phân.
Cửu Dương thay vì trúng đòn chí tử lại lãnh một quyền vô ngực, miệng bắn ra một ngụm máu tươi, từng giọt rịn ra nơi khóe môi ròng ròng chảy xuống cổ và vai trông khá thê thảm.
Thoạt nhìn thì thương thế có phần nghiêm trọng nhưng Cửu Dương hiểu rõ vừa rồi Át Tất Long đã nương tay rất nhiều; Át Tất Long vốn có thể dụng một chiêu đó để kết liễu tính mạng của chàng nào ngờ đến phút cuối cùng gã lại đột nhiên xê dịch bàn tay xuống dưới, từ yết hầu di chuyển xuống ngực làm lực giảm đi mấy phần nên không làm gãy xương cốt, và chủ yếu là cũng không chạm tới cốt mạch.
Át Tất Long xuất một chiêu xong nào để cho địch nhân kịp thở, hữu quyền lại một lần nữa thần tốc công tới. Cửu Dương miệng bật máu tươi, những tưởng kế hoạch của đêm hôm nay sẽ tan tành như ngói vỡ. Rồi cảm thấy hô hấp khó khăn, Cửu Dương ngã bệt xuống sàn song vì thế mà đã tránh khỏi đòn quyền trong gang tấc.
Tô Khắc Táp Cáp và năm tay sai của Ngao Bái ngồi yên trên ghế xem màn huyết đấu, thấy bên này là Át Tất Long, một trong ba vị đại thần phụ chính của triều đình Mãn Châu còn bên kia là một thanh niên dáng vẻ trông như một nho sĩ, tuy vậy mà cũng có mấy phần hiên ngang. Tia nhìn của hai người này đều đang xoáy vào mặt đối phương, cặp mắt của Át Tất Long phát ra sát khí rùng rẫy.
Hai mắt của Tô Khắc Táp Cáp lấp lánh, tỉ mỉ quan sát nét mặt Cửu Dương.
Sau hồi Át Tất Long đánh hụt một quyền, gã thu nội công lại và nghiêm mặt hỏi:
- Ai là sư phụ của ngươi?
Cửu Dương ở dưới đất nghe Át Tất Long lục vấn, muốn cất giọng đáp trả lắm nhưng mà không nổi đành tiếp tục ngồi lặng một chốc, sau đó làm theo lời dặn dò từ trước khi đến dự tiệc thọ, Cửu Dương nói:
- Cửu Môn đề đốc thành Bắc Kinh.
Át Tất Long nghe trong đầu nổ rầm một tiếng, tức thì hiểu do đâu mà người thanh niên trước mặt gã lại được lòng Ngao Bái, bởi vì ngoại trừ bài văn ca ngợi công đức của tam mệnh đại thần trong kỳ thi tuyển trạng nguyên vừa qua thì hắn còn là đồ đệ của Nhạc Chung Kỳ, một viên tướng đã từng suất lĩnh binh lính trấn áp cuộc nổi loạn ở Thanh Hải.
Tại kinh thành, Nhạc Chung Kỳ được đồn là kẻ nắm trong tay binh pháp tất thắng. Cũng giống như Dương Tiêu Phong, Nhạc Chung Kỳ là một tướng soái chỉ huy cao minh, vừa được thiên thời địa lợi vừa thông pháp lệnh quán triệt, có vũ khí tốt, binh tốt, và đặc biệt huấn luyện kỵ mã rất cẩn thận, thưởng phạt công chính. Lão cũng là một trong năm đại thần vào Quân Cơ Viện. Hơn nữa Nhạc Chung Kỳ từ lâu vốn là người trung gian, ở trong cung không tỏ vẻ nghiêng theo một phe nào để tránh khắc sâu thêm sự đối kháng nội bộ.
Lúc tiên hoàng còn sống có lần muốn Nhạc Chung Kỳ giúp ngài chưởng quản triều chính nên triệu lão vào cung hỏi rằng “cái gì là chính trị thành công?” Nhạc Chung Kỳ ung dung đáp “người làm chính trị thành công chính là người khiến cho ước vọng của dân chúng và sự mong muốn của bậc quân chủ đạt đến đồng nhất. Người làm chính trị thành công là người có thể hô một tiếng thì quần thần liền xả thân chết vì họ ngay, tuyệt không vi kháng. Nếu bệ hạ có thuộc hạ trên dưới một lòng như vậy, lo gì mà đại nghiệp không thành?...”
Lại nói tiếp chuyện Át Tất Long bấy giờ đã biết thân phận của Cửu Dương.
Sau khi nghe hậu bối báo rõ tánh danh của ân sư rồi, Át Tất Long không thắc mắc nữa, vì vậy làm ra vẻ cởi mở trung thực, gã nhìn Cửu Dương ôn tồn bảo rằng:
- Vừa rồi bản quan chỉ là muốn coi thử xương cốt của ngươi có cứng cáp hay không đó thôi! Đồ đệ của Nhạc tướng quân, quả thật cốt khí cũng không tệ! Đúng là không phải oan gia không gặp mặt, không động quyền cước không thân nhau!
Vết thương trên ngực nhói đau, từng cơn lan tỏa khắp tứ chi, Cửu Dương ôm ngực nói:
- Đa tạ đại nhân khi nãy đã xuất thủ lưu tình.
Át Tất Long bật cười hài lòng:
- Ha ha! Đó là do bản quan nể mặt ân sư của ngươi, và nếu ai là người của Ngao đại nhân, bản quan nhất định sẽ không để mất một miếng thịt đâu.
Đoạn ân cần đỡ Cửu Dương đứng dậy, Át Tất Long nhớ đến bài văn nêu cao tinh thần thương dân như con. Gã trong lòng hoan hỉ, vội vàng dìu Cửu Dương ngồi xuống và nói:
- Không ngờ dưới trướng của Nhạc tướng quân lại có một nhân tài ẩn dật trong chốn dân gian, thật đúng là ngọa hổ tàng long! Lại nữa bản quan nghe nói Ngao đại nhân rất ưa chuộng bài văn do ngươi viết ra trong kỳ thi tuyển tân khoa trạng nguyên này.
Cửu Dương lòng ngực hãy còn đau, gượng cười khiêm tốn nói:
- Vãn sinh nào biết viết những câu cú văn vẻ, chỉ biết viết toàn lời thô lậu...
- Lí Tài – Át Tất Long xua tay ngắt lời – Ngươi không cần thốt lời khách sáo như vậy! Với tài năng và thực lực của ngươi đó, ở kinh thành bằng cách này hay cách khác cũng sẽ có đất để dụng võ. Bất quá điều ta lo lắng nhất chính là mai này vào cung tên Phủ Viễn tướng quân sẽ giở nguỵ kế ngăn cản ngươi, mà người này có thủ hạ tử sĩ cao thủ vô số, hết sức đáng ngại!
Cửu Dương ngồi được một lát thì thấy một trung niên gương mặt hình chữ điền, mày rậm mắt to, oai phong lẫm liệt đi vào. Tất cả mọi người đều cung kính cúi mình làm lễ bái chào. Người đó đưa tay cho miễn lễ. Cửu Dương đứng lên, thầm nhủ quả nhiên có khí phách tướng quân.
Vị trung niên kia chính là Ngao Bái, quét mắt một vòng, đoạn ngừng lại trên gương mặt của Cửu Dương.
Cũng nói thêm rằng Ngao tông đường thuộc dòng dõi nhà tướng, gia đình của gã là đại quý tộc đương triều, thế lực rất lâu đời, cho nên ngay cả lúc thái hoàng thái hậu Hiếu Trang còn sống cũng không muốn làm mếch lòng gã.
Lúc này đôi nhãn quan lóe sáng, Ngao Bái nhìn xoáy vào mặt Cửu Dương một lúc, khiến vị sĩ tử đến từ Giang Nam cảm thấy được cả ánh mắt như tia chớp cháy trên da mình. Thầm kinh hãi, Cửu Dương tự nhủ Ngao Bái quả không hổ là đệ nhất cao thủ ở Trung Nguyên, công lực thật siêu phàm.
Ngao Bái đi đến kháo chuyện dăm ba câu với các bằng hữu của gã, hồi sau mới nói với Cửu Dương là:
- Bài văn ca ngợi công đức do Lí Tài viết ra trong kỳ thi tuyển trạng nguyên vừa qua khiến bản quan rất thích.
Cửu dương vòng tay tạ ơn. Tô Khắc Táp Cáp không bỏ lỡ cơ hội thốt lời bợ đỡ, lão phát một cái lên vai Ngao Bái, cười hềnh hệch nói:
- Thật ra thì Lí Tài hắn đều viết theo sự thật đấy thôi. Ngao đại nhân ông binh pháp như thần, lại nữa kiếm thuật thuộc hạng chỉ đếm được trên đầu ngón tay...
Ngao Bái cùng bảy người kia chuyện trò thêm một lúc nữa, đa phần là luận công khen thưởng, cổ vũ, và khích lệ lẫn nhau. Cuối cùng Ngao Bái quay sang Cửu Dương vui vẻ nói:
- Lí Tài mới tới chỗ bản quan lần đầu, nhất định phải vào thăm phòng chứa vũ khí của ta mới được.
Giọng nói của Ngao Bái oai nghiêm mạnh mẽ, khi thoát ra liền khiến cho người nào nghe được cũng đều phải tự nhiên phục tùng theo, thực đúng với khí chất lãnh tụ trời ban, không hổ danh là đệ nhất nhân của nước.
Võ tàng thất rộng lớn và chứa binh khí nhiều không thể tả.
Tuy rất ngưỡng mộ song Cửu Dương vẫn giữ vẻ mặt điềm tĩnh hầu che giấu cảm xúc thật, tránh cho tam mệnh đại thần nhận ra nhãn lực tinh tường và trình độ của mình.
Bấy giờ chiêng khuya điểm sang canh tư.
Ngao Bái đang săm soi cây nhị khúc côn, chợt nhớ ra điều gì liền hừ giọng bảo Tô Khắc Táp Cáp và Át Tất Long rằng:
- Theo như những gì tên áo trắng đó nói thì bản quan sẽ phải gặp đại nạn, nếu tính đúng thời hạn thì là ngày hôm nay.
Át Tất Long phẩy tay áo nhạt giọng nói:
- Tên tiểu bối đó quả nhiên to gan lớn mật, dám đứng trước mặt Ngao đại nhân ông xuất ngôn vô lễ, đúng là tự tìm cái chết. Ông để bụng thứ đồ ngông cuồng khả ố đó làm chi? Theo tôi nghĩ thì nếu hắn muốn đánh thắng ông e còn phải luyện tập thêm mười năm nữa!
Át Tất Long vừa xuất khẩu ngữ xong thì ngay khi đó tự dưng bầu trời nổi giông rất mạnh, sấm sét nổ ầm một tiếng đánh trúng mái nhà làm thủng một lỗ khiến mấy miếng ngói trên nóc nhà rơi xuống sàn.
Nghe tiếng ngói nát chạm đất đến đinh tai nhức óc, Ngao Bái có hơi run bụng nhưng vì thể diện đành phải tỏ ra giận dữ. Gã phun một bãi nước bọt, gằn giọng mắng:
- Phì! Bản quan có khi nào để bụng nó bao giờ! Tên vô danh tiểu tốt như nó có ngày bản quan sẽ dạy cho một bài học thích đáng!
Át Tất Long lại tặc lưỡi nói:
- Tôi tin Ngao đại nhân ông đương nhiên là làm được rồi, ức mà chi cho đem lửa vô lòng chứ? Ông ngồi xuống uống chung trà cho hạ hỏa đi.
Át Tất Long dứt lời liền phất tay áo sai quản gia mang trà lại dâng lên.
Ngặt nỗi lúc Ngao Bái định nâng chung trà lên thì chợt nghe ai đó nói:
- Theo như tại hạ thì trên cõi đời này không có cái gì là tuyệt đối cả đâu!
Bấy giờ mấy người trong võ tàng thất đều đồng lượt quay đầu ngó kẻ vừa thốt câu ngông cuồng. Họ tự bảo lòng người này hành động ngược với lẽ thường đến mức cuồng dại như vầy, đầu óc hắn ta chắc phải có vấn đề gì đấy nên mới không còn đủ tự chủ để suy xét đúng sai nữa. Ngao Bái cũng không tin vào tai mình, gã sửng sốt hỏi:
- Ngươi vừa mới nói gì?
Cửu Dương tiến lại gần đáp:
- Tại hạ nói muốn đăng cửu ngũ chi tôn, văn thao võ lượt phe ngài có đủ, binh mã hùng cường ngài có đủ, ngọc ngà châu báu cũng vậy, cái mà ngài thiếu... chính là cái này…
Ngao Bái chưa kịp hỏi đấy là thứ gì mà gã chưa sở hữu trong lòng bàn tay được thì lại bị Cửu Dương tự dưng huơ tay nhấc chung trà lên tạt thẳng vô mặt.
Cũng do quá bất ngờ, Ngao Bái chưa kịp phừng phừng nổi cơn lửa giận thì Cửu Dương lại nói:
- Muốn làm bá chủ thiên hạ tất phải được lòng các quần thần ở trong triều đình, song theo những gì tại hạ nghe người đời đồn đãi thì mỗi lần vào cung đại nhân đều gây với họ, khẩu chiến ngày này qua tháng nọ cứ liên miên không dứt làm cho họ rất ức chế. Lúc nào ngài cũng cứ bừng bừng chân hỏa tam muội, hễ mà không tranh luận thì thốt lời chê bai, thậm chí còn muốn dẫn quân bao vây cung Càn Thanh. Cho nên từ giờ phút này trở đi Ngao đại nhân ngài khi nói chuyện và hành sự phải biết khi nào nên dừng lại. Vì lục thập thất chân lễ trong đạo đức kinh có câu nói là “ngã hữu tam bảo, trì nhi bảo chi, nhất viết tự, nhị viết kiệm, tam viết nhị...” Không biết ngài đã từng nghe qua chưa?
Tô Khắc Táp Cáp nghe Cửu Dương hỏi Ngao Bái vậy, chau mày suy nghĩ một thoáng rồi hỏi:
- Câu nói đó ta có phần không hiểu cho lắm, không biết “tam viết nhị” nghĩa là gì?
Cửu Dương giải thích:
- Thưa Tô đại nhân, chữ nhị trong câu nói này có nghĩa là đệ nhị đó, vì ở trong triều ngoài hoàng thượng là đệ nhất ra thì Ngao đại nhân đây chính là người thứ hai có thể hùng bá thiên hạ. Tuy nhiên mỗi khi ngài ấy vào cung gặp vua, trong lúc tảo triều, các quần thần vẫn xem vua là đệ nhất, vĩnh viễn như vậy. Cho nên Ngao đại nhân ông ấy thật tình không nên nhục mạ thánh ân trước mặt đám quần thần, vì làm như vậy sẽ khiến cho họ cảm thấy đại nhân không có đức. Lúc họ không phục sẽ ngã hết về phe Dương Tiêu Phong. Như vậy thì chẳng những Ngao đại nhân đây không thể lấy được thiên hạ, chỉ e là anh hùng sẽ không có nơi để dụng võ...
Cửu Dương thở một hơi dài, nói tràng giang đại hải nhưng thực sự ra thì mấy câu này tưởng thủ mà công, ngầm ý rằng Ngao Bái lúc nào cũng xem thường việc đả đấu nhỏ lẻ, chỉ dồn sức cho công cuộc tranh hùng trên chốn sa trường. Cửu Dương cũng có ý nói với Ngao Bái rằng gã thân vốn là một vị tướng lĩnh, từ nhỏ đã học thuật dụng binh, chuyên chú trọng phương pháp điều khiển thiên quân vạn mã vì vậy nên gã có phần lơ là với những mẹo mực giao tranh ở chốn cung đình.
Khổ nỗi Ngao Bái không hiểu tâm sự đó của Cửu Dương, gã nghe Cửu Dương nói xong tức thì buột miệng phản bác:
- Nói như ngươi! Bản quan đây bảy tuổi đã theo a ma đi tuần ở ngoài trường thành rồi, mười hai tuổi thì xuất chinh Cát Nhĩ Đan, đến bây giờ tam thập công danh trần dữ thổ, bát thiên lý lộ nhân hoà nguyệt!
- Tại hạ biết chứ! - Cửu Dương gật đầu kiên nhẫn nói - Tại hạ biết ngài có kinh nghiệm chiến trường lâu năm nhưng đây là chốn kinh thành, không phải ngoài sa trường. Phàm những điều tại hạ nói trên là thuộc về phương diện chính trị, những điều đó tướng soái cần phải biết, hiểu những tình hình đó thì mới có thể nắm chắc cái lẽ của sự chiến thắng...
- Nhưng người có binh lực hùng mạnh thì thật là thống khoái! – Ngao Bái cao giọng cắt lời.
- Đúng thật là vậy đó thưa đại nhân - Cửu Dương nói - Nhưng mà Ngao đại nhân này, nếu như bây giờ ngài không làm cho chúng nhân tâm phục khẩu phục thì sau này mọi người sẽ không có lòng hợp tác và tin tưởng đâu.
Đoạn, Cửu Dương vòng vo nói thêm:
- Lại nữa, nếu như ngài muốn quản việc thiên hạ, tất phải biết chuyện xảy ra trong thiên hạ chứ!
Ngao Bái hỏi:
- Thế trong thiên hạ đang xảy ra chuyện động trời gì?
- Thiên hạ đang chê ngài là một người thô lỗ. Họ nói đại đa số dân chúng đều phải kiệm ăn kiệm mặc, thậm chí chết vì đói rét để cung phụng cho giai cấp thống trị phè phỡn ăn chơi.
- Thế theo như ngươi nghĩ bổn quan phải làm thế nào để lấy được lòng dân đây?
Cửu Dương lần này cũng không đáp thẳng mà tiếp tục vòng vo rằng:
- Khổng Tử dạy người quân tử là người có ba đức tính, là “nhân, trí, và dũng.” Vì có nhân thì không lo người khác ghét mình, có trí thì không lo người ta hại mình, có dũng thì không sợ gì hết. Quân tử đạo hữu tam, nhân giả bất ưu, trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ. Cả ba đặc tính đó là điều kiện cần thiết tối ưu của một đấng trượng phu đúng cách. Thế nhưng sau này Mạnh Tử, một nhà nho mang nặng tư tưởng của tôn giáo và sự ảnh hưởng của những lễ giáo phong kiến lại nói rằng nếu nhân sinh quá ca ngợi cái “dũng” thì những kẻ dưới, hoặc kẻ yếu thế cô có thể sẽ dám chống lại cả bề trên khi họ nhận thấy bề trên là kẻ vô đạo. Vì vậy mà để phục vụ cho tư tưởng “quân, sư, phụ” Mạnh Tử chỉ nêu năm đức tính mà người quân tử cần có. Những đức tính này bao gồm “nhân, nghĩa, lễ, trí, và tín.” Còn riêng đức tính “dũng” đã bị ông xem nhẹ vì sự áp đặt và quyền lợi của giai cấp phong kiến muốn thống trị người dân bằng đặc quyền lâu dài.
Ngao Bái nghe Cửu Dương nói, trong lòng không phục, nên khi Cửu Dương nói xong thì lắc đầu phán:
- Khái niệm của Mạnh Tử về đức tính cơ bản của con người ta chỉ thấy có vài phần đúng, riêng về phần “dũng” thì ta không đồng ý! Ta đồng ý rằng có “trí” thì mới hiểu biết, mới phân biệt được đúng sai, hay dở, có trí mới không bị người khác ám hại, mới không đi sai đường khiến lầm lẫn cuộc đời. Nhưng nếu làm người mà không có “dũng” thì sẽ không bao giờ dám vượt mọi gian nguy. Vì dũng giúp chúng ta vượt qua khó khăn, không sợ cường quyền, bạo lực, cho dù chúng ta phải hi sinh cả tính mạng cũng vẫn ngang nhiên và kiên trì đi theo con đường mà mình lựa chọn. Thành ra những gì ngươi nói về nhân, ta nghĩ nếu phẩm chất con người chỉ nghiêng một phía về nhân thì sẽ làm cho người đó dễ bị ủy mị, dễ bị tình cảm chi phối mà thiếu sự phán xét lý trí!
- Nhưng thưa đại nhân – Cửu Dương đáp lời – Người xưa có câu “hữu dũng vô mưu,” vì nếu một cá nhân nào đó chỉ có dũng thì gần như mọi thứ cao đẹp đều bị dẹp bỏ hết. Chẳng hạn như là Trương Phi và Lã Bố hai người đó chỉ có dũng, thiếu mưu, nên tánh nết mới trở thành ngang tàng, mới liều mạng, trở nên gàn bướng cố chấp rồi sau cùng cũng bị thiệt mạng. Thành ra nếu nói không ngoa thì dũng chỉ có giá trị khi phục tùng trí và nhân. Dũng chỉ là cái nền để trí và nhân được bộc lộ, là điểm tựa cho trí và nhân toả sáng.
Luận bàn về nhân trí dũng thêm một lúc nữa Cửu Dương kể một tích xưa. Chuyện xưa kể rằng Tần Thủy Hoàng muốn chiếm đất Anh Lăng nhưng không muốn đánh nên sai người đến bảo vua An Lăng là:
- Vua ta muốn đem năm trăm dặm đất để đổi lấy đất An Lăng, mong ngài hãy bằng lòng.
Vua An Lăng tuy rất sợ Tần Thủy Hoàng song vẫn cả gan từ chối:
- Cảm ơn vua Tần đã gia ân tuy nhiên đất tôi dù có mấy mươi dặm nhưng vẫn là đất của tổ tiên để lại, không thể vâng mệnh được.
Tần Thủy Hoàng nghe sứ giả trở về bẩm báo thế liền nổi trận lôi đình, sửa soạn cất quân định đi đánh chiếm. Bấy giờ có một người áo vải già nua tên là Đường Thư vào xin vua An Lăng để đi sứ sang thuyết vua Tần. Tần Thủy Hoàng nói:
- Vua nước ngươi khinh quả nhân chăng mà không chịu đổi năm mươi dặm để lấy mảnh đất rộng gấp mười? Quân binh đông cỡ như Hàn như Ngụy ta còn diệt được huống gì đám người An Lăng?
Đường Thư từ tốn nói:
- Không phải đâu thưa bệ hạ! Mà do vua tôi nhận đất của tiên đế để lại nên ngài phải ra sức giữ gìn, dẫu bệ hạ có đem hàng ngàn hàng vạn dặm đất đai đi đổi cũng không đổi được chứ đừng nói là năm trăm dặm.
Tần Thủy Hoàng trợn mắt ngó Đường Thư:
- Tên lão quái ngu ngốc kia, khôn hồn thì hãy biết điều, vì chim khôn phải biết lựa cành mà đậu! Ông có biết khi làm thiên tử nổi giận thì sẽ ra sao không?
- Ra sao thưa bệ hạ?
- Thiên tử mà nổi giận một cái thì thây chúng bây chỉ có nước đem đi phơi khô trăm dặm, còn máu sẽ loang tới ngàn dặm!
Đường Thư ôn hòa hỏi lại:
- Thế đại vương có biết khi làm hạng áo vải nổi giận thì sẽ ra sao không?
Tần Thủy Hoàng lồng lộn lên đáp:
- Tụi áo vải chúng bây có bao giờ làm được nỗi gì? Khi chúng bây giận lên chỉ có thể lột mão, cởi dép, dập đầu xuống mà tế quả nhân như tế sao!
Đường Thư nhếch mép cười:
- Cũng có thật! Nhưng đó chỉ là bọn thất phu thôi đó bệ hạ à! Chứ kẻ sĩ giận thì khác. Lúc Chuyên Chư đâm Vương Liễu thì sao chổi lấn át mặt trăng, lúc Nhiếp Chính đâm Hiệp Lũy thì cầu vồng vắt ngang qua mặt trời, lúc Yếu Ly đâm Khánh Kỵ thì chim ưng xanh đá nhau trên điện. Ba vị đó đều là kẻ sĩ áo vải, lòng nén uất nên mới cả gan hành thích bề trên, nhưng cũng vì vậy mà được trời thương, trời mới hiện lộ những điềm như thế. Nay sắp có thêm tôi nữa là bốn. Để tôi nói cho bệ hạ nghe, nếu ai mà làm cho kẻ sĩ nổi giận thì thây nằm hai cái, máu loang năm bước, thiên hạ để tang, tức như hôm nay đây!
Đường Thư nói rồi lầm lì tiến tới gần. Tần Thủy Hoàng khi này cảm thấy hãi lão già liều mạng này quá nên nhũn người rối rít xua tay nói:
- Thôi, thôi! Được rồi! Mời tiên sinh ngồi xuống uống miếng nước ăn miếng bánh đi! Ông làm đến nỗi như vậy làm chi chứ? Quả nhân đã thấu hiểu rồi! Binh Hàn binh Ngụy đều bị ta diệt, trong khi đó An Lăng chỉ có năm mươi dặm đất mà vẫn giữ được chính là nhờ có tiên sinh đó!
Cửu Dương kể xong câu chuyện thì âm thầm nhận xét tính tình của Ngao Bái, thấy gã rất thẳng thắn, có sao nói vậy, cho nên rất dễ tiếp cận, không như những kẻ mà khiến chàng bấy nhiêu năm chung sống lại không hề có chút phòng hờ nào, chẳng hạn như Khẩu Tâm. Cửu Dương nghĩ tới đại đương gia của bang phái Đại Mình Triều, người đã cùng chàng một thời khôn lớn, toàn thân bỗng cảm giác ớn lạnh, không khỏi rùng mình, bụng bảo dạ quả nhiên cái kiểu ngoài mặt thơn thớt nói cười mà trong nham hiểm giết người không dao mới là đáng sợ nhất.
Và lần này Cửu Dương cũng được dịp nhìn kỹ tướng tá của Ngao tông đường. Lần trước giao đấu đã không có dịp quan sát tướng mạo gã một cách kỹ càng, nay nhìn rõ, Cửu Dương mới thấy hai tay của Ngao Bái đặc biệt to dày, quả là một cao thủ võ lâm, vì gã đã từng quen với những lần tập luyện võ công vất vả.
Ở phía đối diện, Ngao Bái thấy tên tân khoa trạng nguyên lẫn bác học hồng từ này ban đầu bản chất thật tình vô phép vô tắc, song hắn nói rồi bái mình như bái vương, lòng tự tin và tự tôn liền được hồi phục bội phần.
Thế là khuyên nhủ lòng vòng qua lại có đến vài ba khắc sau, Ngao Bái mới tỏ vẻ thông hiểu cái gì gọi là “làm chính trị thành công,” gã hỏi:
- Chén trà này?
Cửu Dương cười nói:
- Là của tại hạ tự tay lựa chọn...
- Ngon lắm! – Ngao Bái cười to chen lời - Còn ngon hơn bát canh gọi là Bách Phụng Triều Dương gì gì đó mà ả lang y giang hồ kia ngày nào cũng nấu cho tên tiểu tử Khang Hi uống, nghe nói ả dùng tới chín con gà mái tơ, một cái đùi thịt khô cùng đem nấu chung với bốn lạng vi cá hầm hết hai ngày hai đêm.
- Trà ngon! Trà ngon! – Cuối cùng Ngao Bái vừa giơ ống tay áo lên chậm nước trà trên mặt vừa liên tục gật gù nói - Chén trà này thật khiến cho bản quan giác ngộ!
Ngao Bái khi nói câu này gương mặt tỏ ra rất khiêm cung hòa hoãn trái hẳn với vẻ cuồng ngạo thường ngày.