Chuyện này xảy ra sau sự kiện ma tộc nội chiến không bao lâu. Tố Linh nhận được món quà cuối cùng của Bảo nhi – kỳ tích. Lúc đó Tố Linh có thai được 2 năm rồi, cái bụng to và quả trứng to chiếm gần hết chiếc giường nhỏ. Nàng co người, ôm bụng, ôm cả trứng mà ngủ.
Trứng phượng hoàng – chưa ai từng thấy nó.
Qủa trứng của Tố Linh to hơn bụng nàng một tí, vỏ màu trắng có hoa văn đỏ kì lạ, không theo bố cục gì. Tố Linh rất thích vuốt ve nó, sau đó áp tai vào nghe ngóng, có khi sẽ nghe thấy âm thanh cọc cạch rất quái lạ.
Một chú chim nhỏ sống ở trong này sao? Giống như Tiểu Bảo đang lớn dần trong bụng nàng… Tố Linh xúc động, đem chăn quấn lại, ấm ủ hai quả trứng chung một chỗ. Nàng và kỳ tích ở với nhau cho tới tận lúc lâm bồn. Thật ra Tố Linh rất muốn làm điều gì đó cho món quà này, nàng muốn đem nó tới Hoa Sơn nhưng lại bị tiên môn ngăn cản. Hiểu biết của họ về chim thần quá ít, phượng hoàng Hoa Sơn là chim trống, nó không biết cách ấp trứng, lỡ nó mổ hỏng quả trứng thì sao? Tính khí loài thần điểu thất thường, họ càng không thể tiếp xúc gần. Nay Thái Hành lão quân không còn nữa, chẳng có ai đủ khả năng thuần phục chim phượng.
Xét cho cùng thì nó chỉ là một con chim, nó có hiểu ý nghĩa của quả trứng không? Trứng phượng nghe nói có thể sống qua ba nghìn năm, hết thời hạn thì cũng bị ung như trứng vịt. Chim hoàng giữ tổ rất kín đáo, gần như thời kỳ ấp trứng nó không cho phép ai tới gần, dù là bạn đời của mình. Tố Minh Bảo vượt hàng vạn dặm, đối đầu với nó bằng cách nào để rồi cướp được quả trứng về? Tố Linh mãi mãi không có cơ hội hỏi hắn.
Kỳ tích – nó là người bạn thân thiết đã cùng nàng trải qua hết thai kỳ ba năm rưỡi dằng dặc. Nó thay người nào đó đem hơi ấm đến cho nàng qua những đêm giá lạnh, nó im lặng ngồi bên cạnh nàng, nghe nàng trò chuyện, cùng nàng ngắm ánh trăng… Thanh Vân mỗi lần đến thăm đều che miệng cười
- Ta thấy muội đã hóa thành gà mái rồi, giá như quả trứng nhỏ một tí thì muội sẽ ấp nó thật!
Tố Linh không phản bác, chỉ cười nhạt đem chăn choàng lên quả trứng. Trẻ con luôn sợ lạnh!
Phong Trạch không có ý kiến về việc nàng kè kè quả trứng bên cạnh. Một ngày nọ nàng tình cờ nghe thấy hắn nói chuyện với Chế Sâm:
- Bán Thần thai không có cha là một bất hạnh, nó sẽ không thể sống khỏe mạnh. Chúng ta đều là tiên, không cách nào chạm vào được, cũng không cách nào hỏi hang ra tình trạng của nó…
Chế Sâm cười nhạt, phe phẩy quạt mà gật gù
- Cho nên đệ muốn một thứ bảo vật có Thần khí thật mạnh ở bên nàng?
- Ít ra thì có chút tác dụng. Linh nhi ngày một gầy, dường như đứa trẻ đó hút hết sức sống của nàng.
- Phải. Ta nghe sư phụ nói ngày xưa cứ 10 bán thần thai thì có 3 cái chết non. Linh nhi là tiên, về cơ bản không thể một mình nuôi cái thai kia! Haizzz… tạm thời cứ để quả trứng ở lại đi, nói không chừng Tố Minh Bảo cũng có ý này!
Phong Trạch nghe nhắc tới cái tên kia liền cao giọng:
- Có ý? Đệ thấy hắn thậm chí không biết mình có con!
Chế Sâm đem quạt che nửa mặt, mắt híp lại thăm dò:
- Đệ chấp nhận sự thật rồi? Không còn muốn tự nhận làm cha đứa trẻ nữa?
Phong Trạch liếc xéo sư huynh, buông tiếng thở dài:
- Đệ không đủ đức để có đứa con như vậy. Có lẽ huynh nói đúng, Linh nhi… chưa hẳn là tình kiếp của đệ.
- Vậy Ma hậu?
- Chuyện cũ rồi, nàng thậm chí không nhận mặt đệ!
- Ây da, A Trạch à, ta thấy đệ quá đáng thương. Thiên Thiên vì Ma Vương si tình. Linh nhi chỉ chờ Tố Minh Bảo. Đệ mắc nợ hai anh em hắn hồi nào vậy?
Chế Sâm thiệt có khiếu hài hước! Phong Trạch lại không thấy buồn cười tí nào
- Chỉ là tình kiếp của đệ chưa đến… Thôi, vậy càng mừng!
Chế Sâm tà tà nhìn, sau đó nho nhã thu quạt, vén tà áo đứng lên
- Cũng không phải tốt đâu, ta thấy đôi khi tình kiếp lại rất ngọt ngào, xứng đáng để đánh đổi bằng tất cả đau thương!
Chế Sâm nháy mắt, không lời báo trước mà nhảy từ đỉnh Kỳ Lâm xuống. Phong Trạch chán nản uống cạn tách trà, miệng làu bàu
- Huynh đi đi, lần này sư phụ có hỏi đệ sẽ khai ra huynh xuống phàm giới “hái hoa”!
.
.
Vào một ngày cuối thu, Linh nhi có thai ba năm rưỡi cuối cùng cũng lâm bồn. Gần như Hoa Đông bị náo loạn. Sự thật là Phong Trạch từng có ý thừa nhận đứa trẻ là của mình, như vậy sẽ giảm bớt áp lực cho Linh nhi, cũng là cái cớ để hắn bảo hộ nàng. Nhưng Tố Linh vẫn không đồng ý, nàng không muốn liên lụy sư phụ, không muốn thanh danh cả đời hắn bị nàng dẫm hư. Kỳ Lâm Viện chứa chấp một bà bầu, thật là tai tiếng biết bao!
Ngay lúc Tố Linh chuẩn bị gói ghém đồ đạc bỏ đi thì không ngờ Thiền Thị và Gia Lăng tới gặp nàng.
- Đây là Thần mạch cuối cùng, tuy không ai nói ra nhưng cả Tiên giới đang kỳ vọng vào nó!
- Chúng ta sẽ bảo vệ con, Tiên giới cũng không gây khó dễ con.
- Nhưng điều kiện tiên quyết là đứa bé phải nhập Tiên, đi đúng con đường lỗi lạc, tránh để Ma Vương thứ hai tái xuất!
- Hoa Đông này sẽ là nhà của đứa trẻ, chúng ta rất thích một đồ đệ bán Thần!
- Ta biết cha của nó không phải người xấu. Thái Hành lão quân cũng rất tốt, hậu thế dòng dõi Ma Thần cũng rất đáng hy vọng…
Và thế là Tố Linh đường đường chính chính trở lại Tiên phái. Lời thị phi vẫn đầy rẫy nhưng ai cũng e ngại nàng, không dám trực tiếp xúc phạm, càng không dám động vào hai mẹ con họ.
Tố Linh trở dạ vào giữa đêm, mất một ngày mới sinh ra Đại Bảo. Một cậu bé khỏe mạnh và tràn trề quyền năng. Chưa kịp vui mừng thì mọi người lại phát hoảng. Vẫn còn? Vẫn còn một đứa nữa!!!
Tiểu Bảo chào đời sau anh trai một canh giờ. Lúc đó Chế Sâm đang đứng xa xa phòng sinh, hớn hở xem náo nhiệt
- Ái chà chà, Tố Minh Bảo này cũng thật mãnh, sinh đôi nha! Sao ta không sớm đoán là song sinh nhỉ? Một đôi bán thần thai, lịch sử chưa từng có!
Phong Trạch thì nhíu mày nghe tiếng khóc ồn ào của hai đứa nhóc, một bụng buồn phiền
- Lại lòi ra hai cái tôn đồ, tốt nhất là đừng giống cha nó!
Phong Trạch thật không may mắn, bởi vì Đại Bảo Tiểu Bảo không phải giống mà cực kỳ giống, càng lớn càng giống, từ bề ngoài đến khí chất… Ôi không sao cả, người phiền muộn nhất vì hai thằng nhóc chưa phải là Phong Trạch… cha của chúng nó đáng thương hơn nhiều!
.
.
Một thời gian sau đó, sự kiện hai bán thần thai chào đời dần lắng xuống, nhường chỗ cho chuyện bát quái khác còn lý thú hơn nhiều. Giới tiên nhân đồn đại họ trông thấy vùng Hoa Sơn có động tĩnh lạ. Đại khái là con phượng hoàng không còn ở yên trong tổ mà sớm chiều bay tới bay lui. Nghe đồn nhiều tiên môn gần đây hay bị mất trộm. Vụ đình đám nhất chính là con tiểu cẩu lông vàng – thú cưng của Vân Ti Thủy ở Kim Tinh môn, sau một đêm thì không thấy bóng. Cái ổ của nó chỉ còn lại mấy vết máu khô.
Những vụ mất tích cứ thỉnh thoảng xảy ra, mãi cho tới khi một nhân chứng chính mắt trông thấy thủ phạm không ai xa lạ chính là chim phượng nhà ta. Nó nhanh như chớp dùng bộ móng vuốt sắc bén quắp lấy một con trâu mộng, cứ vậy mà mất hút trên tầng mây. Kể từ đó, danh tiếng con chim bị suy giảm nghiêm trọng. Từ “chim thần” đã biến thành “chim trộm”.
Tố Linh nói gì về sự thay đổi tính nết của con thần điểu?
Nàng chỉ nhàn nhạt bảo rằng: “Giống đực đôi khi rất đa tài. Họ có thể từ một đứa trẻ cần nữ nhân nuôi lớn rồi dần dần trở thành nam nhân của nàng ta. Cũng có khi họ tình nguyện làm cha trước, sau đó mới làm chồng!”
Một thời gian sau nữa, có người lại tình cờ phát hiện một loài ấu điểu lông tơ trắng mút, không may bị rơi từ tổ xuống, nằm mệt nhoài dưới góc cây ngô đồng. Vị tiên nhân kia muốn tới xem thử đây là giống chim gì nhưng không ngờ hắn bị đôi cánh khỏe của phượng hoàng hất bay ra xa, trọng thương. Vừa nhìn thấy bộ dạng xù lông, giương vuốt của Thần điểu, tiên nhân nọ đã hoảng sợ chạy mất dép. Hắn chỉ kịp trông thấy con chim rực rỡ cắp lấy chú chim non bay trở về tổ.
U Minh Uyển là địa phương có tai tiếng từ mấy trăm năm nay. Người già trong các ngôi làng cổ vẫn hay kể lại câu chuyện về những vụ mất tích kì bí ở trong rừng U Minh. Theo như truyền thuyết thì chỗ này từng là vườn thượng uyển của một hoàng cung thuộc triều đình xa xưa nào đó… bây giờ chỉ còn lại các di tích hoang tàn, đỗ nát và một khu rừng cây dại ẩm mốc, tối tăm. Vì lẽ đó, nó được gọi là U Minh Uyển.
Làng Hạ nằm giáp với rừng về hướng Nam, là một ngôi làng có chừng hai mươi hộ, chủ yếu làm nghề dệt vải nuôi tằm. Người trong làng là những cư dân lâu năm và gắn bó với đất đai như máu thịt. Chính vì lẽ đó mà họ vẫn sống ở nơi này – cái nơi hễ nhắc tới là thấy lạnh sống lưng. Chuyện không phải cũ, chỉ là mới tháng trước. Đứa con gái của anh thợ rèn sống trong làng không may bị bệnh lao phổi nặng, thường xuyên ho ra máu. Đại phu bốc thuốc lắc đầu bảo rằng chỉ có mật gấu mới trị khỏi bệnh. Anh thợ rèn quyết định vào rừng tìm bắt gấu lấy mật cứu đứa con. Anh đi với cậu con trai lớn đã mười chín cùng một người phụ tá làm trong xưởng. Ba người đàn ông vác cung tên, dây thừng, và mấy thứ vũ khí linh tinh đi vào rừng tìm gấu. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày không thấy ai trở lại. Vợ anh thợ rèn lo lắng cũng đi tìm chồng. Cả gia đình đều không trở về, cô con gái út gửi bà ngoại nuôi không lâu sau cũng chết vì bệnh. Cứ thế, tất cả những ai đặt chân bước vào rừng U Minh Uyển đều không quay về… Dần dần, khu rừng tối trở thành một điều huyền bí đáng sợ, là cơn ác mộng của những ngôi làng sống gần đấy.
La La là một cô bé nhà nghèo sống trong làng, gia đình nó làm nghề nuôi tằm dệt lụa. Tuổi còn nhỏ nhưng nó vẫn có sự hiểu biết tối thiểu của một đứa bé. La La cảm thấy làng gần đây rất lạ, đàn ông, thanh niên không biết đi đâu hết, chúng bạn chơi cùng bé hàng ngày bây giờ chỉ còn nữ hài tử, ngày hôm qua thằng Sửu nhà bên cạnh cũng không về ăn cơm. La La thấy bố mẹ rất im lặng, nhà thường xuyên đóng cửa, bầy tằm đang đói cũng không được cho ăn, như vậy chúng sẽ không nhả ra tơ đâu! Mẫu thân lại còn dặn dò không cho phép La La rời khỏi phòng ngủ, nó buồn chán muốn chết, muốn chạy qua nhà cuối làng tìm mấy đứa con gái chơi đánh đu.
Hôm đó trời hơi có mưa phùn, La La lẻn cửa sau đi ra ngoài, lúc này mới ngạc nhiên phát hiện trong làng không thấy một ai. Các nhà hàng xóm đều đóng cửa im ỉm. Bé do dự không biết có nên đi tìm bạn chơi hay không. Đúng lúc đó, nó bất ngờ nhìn thấy có ba người lạ vào làng. Nhìn từ xa là một người lớn và hai đứa trẻ. Họ đều mặc áo choàng lông trắng mút, có mũ trùm đầu, tay đeo găng vải loại dùng đi đường xa, cả người không lộ chút da thịt nào. La La nhớ lời mẹ dặn không được tiếp xúc người lạ, vì thế bé nhanh chân trốn vào tấm vách nứa che chắn chuồng bò, đưa cặp mắt vừa sợ hãi, vừa hiếu kì xuyên qua khơ hở nhỏ mà quan sát. Họ lặng lẽ đi trong cơn mưa phùn, người cao lớn hình như là nữ nhân. Nàng nhẹ nhàng đi trước, hai đứa trẻ rất quy cũ song song theo sau. Một bộ ba thật độc đáo!
- Sao không thấy ai nhỉ?
Nữ nhân kia tự hỏi.
- Mẫu thân, ở đây hình như có ma khí!
Một đứa bé cất tiếng nói, giọng nói này hẳn là nam hài tử
- Ca ca, chúng ta sắp có trò chơi mới sao?
Một giọng nói khác hưng phấn hỏi, cũng là một nam hài tử.
- Tiểu Bảo, lần này ra ngoài không phải đi chơi!
Ồ, thì ra là hai anh em, ba mẹ con kia đến làng Hạ làm gì nhỉ? Người mẹ nhìn về phía quán nước ở đầu làng, bàn ghế lạnh lẽo, tách trà cạn khô, rõ ràng trong làng có người sống, vì sao lại có cảm giác như làng hoang thế này?
- Chúng ta đi thôi… đến nơi khác hỏi thăm vậy…
Thiếu phụ nói, chậm rãi xoay người rời đi, hai đứa trẻ tiếp tục bám theo sau. La La dõi theo họ, tay vô tình đè lên tấm phiên làm nó đỗ ầm xuống đất. Tiếng động khiến cô bé hoảng sợ và ba mẹ con nọ cũng dừng bước quay lại nhìn. La La hoảng quá, lại quỳ xuống trốn vào sau vại nước gần đấy. Bé nín thở nghe tiếng bước chân… từng chút đến gần… thong thả… cẩn thận… La La nhìn thấy một góc áo trắng đã lấm bùn, theo bản năng nương mép áo mà nhìn lên. Đôi mắt sợ sệt của bé liền sáng ngời.
- Tiểu muội muội, ngươi trốn làm gì? Chúng ta không phải người xấu!
Bàn tay nhỏ giơ ra, găng tay bằng vải nhung màu trắng ngà làm La La dè dặt không dám nắm lấy. Từ bé ở trong ngôi làng nghèo nàn này, La La chưa từng biết trên đời có những người vương giả tôn quý như vậy! Cậu bé kia cũng có lớn hơn La La đâu, độ 6- 7 tuổi là cùng. La La ngạc nhiên phát hiện thì ra vẫn có người xinh trai hơn thằng Sửu nhà bên cạnh, hơn rất nhiều!
Cậu bé này da trắng má hồng, sóng mắt tĩnh lặng như mặt hồ mùa thu, đôi chân mày đậm đặc biệt cương nghị, khiến gương mặt trẻ con lại mang chiều hướng chững chạc theo cách riêng của nó. La La như bị mê hoặc, nó để đứa trẻ kia dẫn ra ngoài, đi tới trước mặt người thiếu phụ. Phía sau cái mũ lụp xụp đều là những khuôn mặt đặc biệt. Bất ngờ nhất là hai anh em kia sinh đôi, giống đến khó phân biệt. Nữ nhân xinh đẹp hiền hòa cười với La La, nàng hỏi:
- Cô bé sống ở đây? Ba mẹ đâu, dân làng đâu cả rồi?
La La bất an xoắn gấu áo, ngây thơ đáp:
- Ở trong nhà!
- Đã xảy ra chuyện gì?
La La không biết. La La lắc đầu. Khi nữ nhân kia mở miệng muốn hỏi thêm gì đó thì phía sau họ vang lên tiếng thét chói tai:
- Yêu quái!!! Thả con gái của ta ra!!!
Ba mẹ của La La người cầm rìu đốn củi, người cầm cây xẻng to, hùng hổ và run rẫy hướng về phía họ. Tiếng thét làm kinh động cách nhà khác, nhưng họ đều không mở cửa. Chưa ai kịp giải thích điều gì thì người đàn ông đã phóng rìu về phía ba mẹ con. Thiếu phụ giật mình theo bản năng che chắn cho hai đứa bé, kết quả lưỡi rìu sượt qua bả vai, nàng ôm vai ngã xuống.
- MẪU THÂN!
Một đứa trẻ ôm lấy nàng, một đứa khác chạy ra phía trước dang hai tay
- Tại sao vô duyên vô cớ đánh người?
Hai vợ chồng lúc bấy giờ mới nhìn rõ ba khuôn mặt ẩn sau áo choàng. Đứa trẻ phía trước hiên ngang và giận dữ, đôi mày nó nhíu lại, toát ra khí thế làm người ta lùi bước. Đứa trẻ phía sau cũng giống vậy nhưng nét mặt thì lo âu và sốt ruột nhiều hơn.
- Ca ca, mẹ chảy máu!
Đứa em thông báo, mắt nhìn về hai vợ chồng với sự bất mãn và buồn bực.
- Đại Bảo, Tiểu Bảo, mẹ không sao, các con tránh sang một bên!
Thiếu phụ kia hơi lung lay đứng dậy, nàng kéo mũ che đầu xuống, cả khuôn mặt sáng ngời hiện ra, mái tóc đen dài cũng tung bay trong cơn mưa lất phất
- Mọi người đừng hoảng, chúng tôi chỉ là khách bộ hành, ghé làng hỏi thăm chút chuyện. Con gái các vị đây, bé không sao cả, chúng tôi không phải người xấu!
Hai vợ chồng kéo La La về phía mình, cảnh giác cao độ nhìn bọn họ. Lúc này phía cuối làng có tiếng chó sủa, rồi khoảng chừng 5- 6 người đem gậy gọc chạy tới. Một số nhà khác thấy đông người cũng dũng cảm hơn, mở cửa đi ra nhìn. Đừng đầu là một lão nông phu có vẻ là già làng, tay cầm lưỡi liềm cắt cỏ. Mà nổi bật hơn cả là ông ta đeo một vòng củ tỏi, trên ngực dán bùa, búi tóc bạc cắm ba cây nhang, rất ư buồn cười!
Thấy đám đông lăm le muốn đánh nhau, người thiếu phụ vội vã giữ lấy hai con, thành khẩn nói với họ
- Không, không! Chúng tôi chỉ là người từ xa tới hỏi thăm đường, không có ý gì hết! Các vị xin bình tĩnh…
Dân làng đánh giá bá mẹ con. Phụ nữ và trẻ em có vẻ vô hại. Họ ăn mặc giống người đi buôn phương xa, nhưng cũng giống phu nhân, thiếu gia nhà quan. Điều đáng nghi là bọn họ rất đẹp, vẻ đẹp không thể nhìn thấy ở vùng lam lũ hẻo lánh này. Trưởng làng tuổi lớn nhất, mắt nhìn đời cũng thấu đáo nhất. Sau khi nhìn kĩ chiếc trâm ngọc quý giá và bộ váy tím trang nhã của người phụ nữ, lão cẩn trọng hỏi:
- Không biết phu nhân đây muốn hỏi hang cái chi?
- Ta muốn hỏi đường tới biên giới Bắc Sở!
- Đi hướng Tây, phải qua một dãy núi và một thác ghềnh.
- Sao lại xa như vậy? Còn đường nào khác không?
- Còn nhưng phải xuyên qua U Minh Uyển, không thể đi!
- U Minh Uyển?
- Là cánh rừng phía trước làng!
- À… cảm ơn các vị, chúng tôi sẽ đi đường rừng!
Nàng lịch sự cúi chào rồi nắm tay hai con trai rời đi. Dân làng không phản ứng kịp, nhất thời đờ ra.
- Cái này… vị phu nhân này… tuyệt đối không nên!
Thiếu phụ dừng bước, đôi mắt đẹp đầy nghi vấn
- Chả là… rừng đó rất nguy hiểm, ai đi vào rồi cũng không ra được. Vùng này có yêu ma tách quái. Làng chúng tôi gần đây mất tích không biết bao nhiêu là nam nhân và nam hài tử…. Mời thầy mo về làm phép cũng không tác dụng…
Trưởng làng nhìn xuống hai cậu bé đáng yêu
- Tôi chân thành khuyên phu nhân đừng liều lĩnh!
Thiếu phụ nọ không tỏ ra sợ hãi hay hoang mang như họ định liệu, nàng chỉ hơi chau mày nghĩ ngợi. Đứa trẻ bên trái đột nhiên ngẩng đầu nói:
- Không sao, ta có thể bảo vệ mẹ!
Hài tử kia gật đầu đồng tình
- Đệ cũng vậy!
Thiếu phụ hạnh phúc tươi cười, dẫn hai cậu bé tiếp tục hướng rừng mà đi.
Dân chúng phía sau kinh ngạc dõi theo. Cho dù trong rừng không có yêu quái thì dã thú cũng đầy rẫy, một nữ nhân và hai hài tử thì làm được gì? Hai vợ chồng nhà nuôi tằm cũng rất bàng hoàng, anh chồng sực nhớ ra mình đã làm bị thương người vô tội, vội quay sang nói với vợ:
- Nữ nhân kia lúc nãy bị rìu chém phải… liệu có sao không?
Trong lúc mọi người căng mắt kích động và lo âu nhìn theo ba cái bóng đã khuất dần sau rặng cây, cô bé La La ôm chân mẹ cất tiếng nói non nớt
- Chắc chắn họ là thần tiên ông trời phái xuống giúp chúng ta rồi!
Nhiều năm về sau, dân làng Hạ cũng thật sự tin như thế. Khu rừng U Minh Uyển không còn nguy hiểm như ngày xưa nữa. Những vị mất tích không tái diễn, thậm chí có người đã vào rừng đốn gỗ và trở về bình an. Ngôi làng từ đó làm ăn phát đạt hơn, họ mở đường mòn để thông qua biên giới Bắc Sở trao đổi hàng hóa. Chuyện gì xảy ra với ba mẹ con người thiếu phụ xinh đẹp năm đó không có ai biết rõ. Họ chỉ phát hiện ra một khoảng rừng bị tàn phá nghiêm trọng, tựa như chiến trường một cuộc ẩu đả giữa hai con dã thú. Còn đối với một bộ phận Ma tộc thường ẩn trốn ở những khu vực lân cận, chúng hay nhắc nhở lớp con cháu về sau tuyệt đối đừng xem thường tiểu hài tử. Những thứ càng có vẻ vô hại, càng đáng yêu, thịt càng mềm thì càng có sức phá hoại khó tưởng tượng!