https://truyensachay.net

Sao Đen

Chương 17: CÔ ĐƠN GIỮA BIỂN NGƯỜI

Trước Sau

đầu dòng
Quân Mỹ ồ ạt kéo vào liền Nam như củi lụt. Johnson quyết định giành thắng lợi bằng quân sự. Không phải hai trăm ngàn như Taylor dự kiến mà tướng Davis coi là quá nhiều. Weotmoneland đã nâng lên mãi ba trăm rồi bốn trăm ngàn. Cũng không phải chỉ nhảy vào tạo ra sự có mặt để buộc đối phương thay đổi mục tiêu chiến lược như Antonio mong đợi mà quân Mỹ đã phải thực sự tham chiến và chịu đựng những thương vong nặng nề. Cuộc ném bom miền Bắc vẫn tiếp tục leo thang ngày càng ác liệt. Đã có lúc Johnson tin rằng đối phương đã ngấu đòn đang tìm cơ hội để bỏ cuộc nên y đã cho ngừng ném bom một tháng và đọc bài diễn văn ở Balitimore, Johnson giơ cái gậy và củ cà rốt ra để khuyến khích đối phương đến bàn hội nghị.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ ngày đêm nhai nhải một luận điệu đại loại như sau:

"- Các ông chống trả đến như thế là dũng cảm lắm rồi. Nhân danh một cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới, chúng tôi tỏ lòng kính trọng các ông. Nhưng xin các ông đừng vì thế mà có ảo tưởng là cứ chịu đựng, cứ phiêu lưu một chút nữa là các ông có thể giành được một tư thế nào đó tốt hơn hiện nay. Thực tình chúng tôi phải tự kiềm chế, phải lết sức giới hạn những khả năng của mình, vì chúng tôi không mưu tìm một chiến thắng quân sự. Chúng tôi chỉ cầu nguyện sớm đi đến một nền hòa bình trong danh dự cho cả đôi bên. Chúng tôi chỉ yêu cầu các ông đừng xâm lược Nam Việt nữa. Các ông ngừng thâm nhập, vấn đề mất ổn định ở Nam Việt chúng tôi sẽ thu xếp với nhau. Thế là một nền hòa bình sẽ đến với các ông ngay. Thậm chí chỉ trong vài giờ. Chúng tôi nghĩ rằng các ông tuyên bố điều này ra cũng chẳng khó khăn gì vì từ xưa đến nay đã có lần nào các ông thừa nhận là mình xâm lược, mình đưa quân vào Nam Việt đâu. Còn như nếu các ông ngượng, các ông không nói gì cũng được, chỉ xin các ông cho chúng tôi một tín hiệu thiện chí, thông qua một đường ngoại giao bí mật hoặc gián tiếp tuỳ các ông chọn. Chúng ta sẽ hiểu được nhau thôi và một nền hòa bình sẽ đến với quý vị, có thể nó sẽ chậm hơn một chút.

- Một khi tin chắc là các ông đã từ bỏ mục tiêu của mình, Chính phủ Hoa Kỳ sẵn sàng bỏ ra một tỷ đô-la để xây dựng lại những nơi bị tàn phá. Một tỉ đô-la không phải là ít đâu. Các ông chưa bao giờ có số tiền lớn như thế trong tay nên các ông không hình dung nổi sức mạnh của nó. Nếu một người nào đó đếm từng đồng đô-la để đến được con số một tỉ thì cả trăm năm cuộc đời họ cũng không đủ để làm việc đó đâu! Chắc chắn các thứ các ông bị mất đi chưa đến một tỉ đô-la. Thế là các ông còn lời ra được một số kha khá. Các ông sẽ dùng để xây dựng chủ nghĩa xã hội của các ông, xin tuỳ, chúng tôi hoàn toàn không can thiệp.

- Nếu có kẻ xấu mồm nào đó chửi các ông là đầu hàng thì xin các ông đừng tin. Có kẻ đầu hàng nào không phải nộp vù khí không bồi thường chiến phí mà còn được lĩnh thêm một tỉ đô-la viện trợ bao giờ đâu! Các ông cũng chẳng phản bội ai. Không ai có thể nói mình phản bội mình. Quay một trăm tám mươi độ là quyền thiêng liêng của mỗi con người khi anh ta nhận thấy phía trước là vô vọng, là tử lộ. Ngay như chúng tôi nhiều lúc cũng phải điều chỉnh chính sách, cũng phải uyển chuyển cho phù hợp với thực tiễn. Các ông học chủ nghĩa Mác mãi, học phép biện chứng mãi, các ông lạ gì điều này!...".

Tôi nhớ những luận điệu của địch không nguyên văn, nhưng ý của nó trắng trợn như vây đấy. Sống trong vùng địch tôi phải đọc nhiều báo chí của chúng, chỗ nào cũng thấy cái giọng, điệu ngạo mạn trên. Đó là thời kỳ giới cầm quyền Mỹ tin tưởng vào thắng lợi quân sự hơn bao giờ hết. Vừa xây dựng được xã hội vĩ đại lại vừa chặn đứng hiểm họa cộng sản. Johnson sẽ trở thành một tổng thống vi đại, một con người hùng của lịch sử hiện đại.

Một số bè bạn ta, một số người có thiện chí cũng khuyên ta nên đàm phán - "Hòa với chúng đi. Chúng chúng biết điều rồi đấy! Ăn non một chút không sao! Không thắng nổi chúng đâu!...". Các bạn thành thực thương ta, lo cho ta chứ không phải có ý xui dại ta.

Không phải chúng ta điếc không sợ súng. Chúng ta cũng có những điều đáng sợ. Chúng giơ chiếc gậy buộc ta run sợ từ bỏ chân lý: nước Việt Nam là một dân tộc Việt Nanh là một. Chúng ném cho ta củ cà rốt để ta vồ lấy nhai ngấu nghiến nuốt trôi đi cái nỗi nhục ứ trong cổ họng! Ôi đó mới là điều đáng sợ. Sợ hơn cái chết cho chính bản thân ta. Sợ hơn trận đại hồng thủy mà không có con thuyền Nô-ê, sợ hơn cả ngày tận thế.

Đảng ta, Chính phủ ta và quân dân cả nước ta tỉnh táo biết bao trong những ngày gian khổ ác liệt đó! Trừ có bọn bán nước, không người Việt Nam có lý trí nào lại có thể lọt tai được những điều kiện của chúng. Đó là liều thuốc bức tử. Ta chưa bị chúng lừa, nhưng chúng lừa ai, ta đều đã biết. Ta không quen thuật ngữ: "đầu hàng trong danh dự" vì không thể tìm thấy danh dự trong sự đầu hàng. Một khi ta tỏ ra mềm yếu, kẻ thù sẽ lấn tới ngay để tước đoạt đến cái cuối cùng của niềm hy vọng. Kẻ nào đáng giá một tỷ đô-la sẽ bị kẻ có một tỷ linh một đô-la đánh bại. Đó là chân lý thông thường. Chúng đánh giá và muốn mua chúng ta bằng một tỷ đô-la!

- Không!

- Một trăm tỷ?

- Một ngàn tỷ cũng không, độc lập tự do của một dân tộc không có giá nào để mặc cả.

Chúng ta nói ngược lại. Mỹ rút quân: người Việt Nam sẽ giải quyết với nhau. Một nền hòa bình chân chính sẽ đến. Đó là tín hiện của chúng ta. Tín hiệu duy nhất, sắt đá mà chúng ta biểu hiện cho đến tàn cuộc.

...

Khi đội quân viễn chinh tăng lên gần đến mức kỷ lục, cuộc ném bom leo thang đến mức bão hòa thì chính trong nội tình những kẻ xâm lược lại nảy sinh vấn đề. Nhân dân Mỹ, những người có đầu óc minh mẫn trong chính quyền đã chống lại cuộc chiến tranh vô vọng và phi lý này.

Antonio sang Việt Nam vào thời điểm đó. Anh điện cho tôi biết trước và vợ chồng tôi đã ra đón anh ở sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng tôi giữ phép xã giao. Khi anh chưa nổ súng vào đồng bào tôi với tư cách cá nhân tôi vẫn coi anh như một người bạn cũ.

Chúng tôi mời người Mỹ này về nhà dùng bữa trưa. Chúng tôi mở sâm-banh nâng ly chúc tụng anh. Tôi vẫn còn kỳ vọng ở anh một con người thông minh, nhạy cảm và nhiệt thành một cái gì khác với những quan điểm anh đã có. Sau vài phút xã giao, anh vui vẻ tâm sự với chúng tôi.

- Tất cả mọi con đường đều dẫn tới Giê-ruy-da-lem. Việt Nam đã có thể cạnh tranh với đất thánh để trở thành Giê-ruy-da-lem của thời đại. Bao nhiên cuộc hành hương đều dẫn đến đây, xét cả về hai phía. Cùng bay với tôi ở Kansas City có mấy người Mỹ đi Hà Nội. Họ tuyên bố sẽ vận động đưa vài trạm trẻ em Mỹ sang để ngăn chặn chiến dịch ném bom của Thông thống. Còn tôi thì bay đến Sài Gòn đến với các bạn.

- Cảm ơn thiếu tá. Chúng tôi vô cùng biết ơn Chính phủ Mỹ, biết ơn các quân nhân Hoa Kỳ đã sang đây cứu giúp đất nước đau thương của chúng tôi. - Anh tôi đáp lễ rất lâm ly.

- Dĩ nhiên là có thêm tôi,tình hình không vì thế thà thay đổi. Ba tôi lại bảo tôi không nên đi nữa, không phải ông sợ nguy hiểm mà theo ông, đã có quá nhiều đi tìm kiếm vinh quang rồi. Dù sao ông cụ cũng không muốn người ta làm một cái gì vượt quá Normandie.

- Riêng trong trường hợp này thì lời khuyên của ông cụ là đúng. Tôi rất vin mừng được gạp anh, nhưng không muốn anh phải dính líu vào cái bãi lầy của chúng tôi.

- Đằng nào cũng phải tham gia chiến tranh! - Anh ta nháy mắt cười - Ở Mỹ cũng đang có một cuộc chiến tranh thực sự. Riêng cuộc tấn công hòa bình ở Chicago có tới bảy trăm thương vong, hàng trăm xe cộ, nhà cửa bị đốt phá! Nhưng cuộc chiến tranh tiến hành ở Mỹ là của những người hèn nhát. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam dành cho những người cũng cảm. Tôi đã lựa chọn nó như lựa chọn danh dự.

Antonio thích thú đến ngây thơ vào sự lựa chọn của mình.

Anh được điều về căn cứ Bình Đức.

Một tháng sau Antonio trở về Sài Gòn với một bộ mặt khác. Anh ta mất hết nhuệ khí.

- Anh có điều gì không vui? - Tôi hỏi.

- Chẳng có ai để mà đánh nhau cả. Tôi mới sang không thấy Vi-xi đã đành, nhưng khi tôi hỏi binh sĩ trong một đại đội cũng chưa ai thực sự nhìn thấy Vi-xi đâu. Đúng là họ đã nhìn thấy xác chết, nhưng không có giấy tờ hay vũ khí để mà đoán chắc đó là Vi-xi. Đại dội cũng đã có nhiều thương vong nhưng không ai nhìn thấy đối thủ bắn mình! Có cách gì khiêu thích họ để họ xuất hiện tiến hành chiến tranh quy ước với chúng ta không nhỉ?

- Có rất nhiều cách. Một khi anh ở tư thế yếu hơn họ thì họ sẽ xuất hiện ngay. Lúc đó họ không thèm bắn anh đâu, họ sẽ bắt sống! Chúng ta thường có những đòi hỏi vô lý. Trong khi chúng ta có đầy đủ máy bay thừa thãi bom đạn và hóa chất độc dược che chắn bằng vỏ thép dày chúng ta lại muốn tước đi cái ưu thế nhỏ nhoi của họ, đó là sự tránh đòn. Sự thách thức của chúng ta là bất công, là một mưu đồ xấu. Một trận đấu như vậy là gian lận, không có danh dự và đáng xấu hổ. Nếu bây giờ họ nêu ra một quy ước: quân số bằng nhau, vũ khí như nhau, liệu chúng ta có vui lòng chấp nhận trận đấu không?

John Antonio cảm thấy lúng túng và thất vọng.

- Cứ tiến hành kiểu này thì bao giờ ngã ngũ? Oét-ti có xin đến một triệu quân cũng không đủ khả năng giành thắng lợi. Chính vì thế mà tôi không muốn anh sang đây. Anh dính líu vào công việc của chúng tôi chỉ thêm khổ anh thôi. Tôi thành thực tin ở thiện chí của anh, nhưng anh đã đặt thiện chí đó vào một chỗ không thích hợp.

Antonio bỏ tất cả thời gian của hai ngày nghỉ để viết một bài gửi cho một tờ báo Mỹ. Anh rất vất vả vì đây là lần đầu, một công việc xa lạ với anh. Nhưng John cảm thấy cần gào thét lên cái suy nghĩ của mình cho mọi người nghe thấy. Chính cái nhiệt tình đó giúp anh vượt qua những khó khăn về kỹ thuật. Tên bài báo là "Cuộc đánh lộn của hai thằng mù". Anh mô tả cuộc chiến tranh này là vô bổ, là điên rồ, chỉ gây ra tàn phá. Cả hai phía đều mù quáng về mục đích, ảo tưởng về thắng lợi và cuối cùng sẽ có chung thất bại. Đã thế họ còn phá nát những gì quanh họ và gây tổn thương cho cả nhân loại. Quan điểm của anh là bi thảm.

Là tiếng nói của một sĩ quan ở chiến trường, bài báo có tiếng vang rộng lớn và gây bất bình trong giới lãnh đạo quân sự. Vài viên tướng chỉ trích anh làm cho anh càng nổi tiếng càng muốn tranh cãi.

Tôi không đồng tình với anh đến quá nửa. Nhưng tôi chấp nhận anh bởi lẽ anh chưa thể có nhận định sâu khi anh mới thực sự bước vào cuộc chiến có vài tuần.

Gần cuối năm 1967 tôi mới lại gặp viên thiếu tá. Anh nhanh nhẹn và vui tươi hơn lần trước.

- Đã được nhìn thấy Vi-xi chưa? - Tôi hỏi Antonino.

- Rồi. Được nhìn thấy rất nhiều, rất nhiều - Anh vui vẻ kể - Căn cứ của bọn mình được chăng kín dây thép gai, những bãi mìn, máy nghe tiếng động, kính ngắm hồng ngoại, ra-đa phát hiện và định vị trận địa pháo binh. Thế mà ban đêm Vi-xi vẫn đột nhập và quăng những gói thuốc nổ vào nhà giết chết hai mươi hai GI's1 (Lính Mỹ). Khi đơn vị hồi tỉnh để đối phó thì họ đã biến mất. Chiến tranh diễn ra bất cứ lúc nào và ở đâu. Nay một viên đạn bắn lén làm gãy tay viên thượng sĩ tuần tra. Mai một viên đạn chui vào lỗ châu mai giết chết một binh nhì đứng gác. Họ còn dùng súng cối thỉnh thoảng nện vài viên. Khi ra-đa kịp chuyển hướng để định vị trận địa thì Vi-xi lại không bắn nữa. Họ muốn biến đây thành địa ngục để xua đuổi bọn mình vì họ không đủ sức tràn ngập căn cứ. Bọn mình đáp lại cũng không nhẹ tay. Họ bắn ba viên cối mình trả lời một ngàn viên 105. Mình mất hai mươi hai người, một kho nhiên liệu. Họ mất bao nhiêu? Không biết. Mình quyết định bay đến khu vực vừa pháo kích. Một ấp nhỏ trơ trụi, những người dân đang thu dọn sự đổ vỡ. Vài người ngồi khóc lóc bên ba xác chết: một em bé, một ông già và một thiếu nữ. Họ nhìn bọn mình bằng cặp mắt rực lửa. Không thấy dấu vết gì của một trận địa súng cối. Đúng như bạn nói: chúng mình đã cứu vớt họ bằng cách mở cửa cho họ đến thiên đường quá sớm.

Một lần khác may mắn sao ra-đa định vị chắc chắn được trận địa súng cối của họ. Mình không bắn trả ngay mà quyết định đưa một tiểu đoàn không vận đổ ngay xuống khu vực này. Đó là một ấp nhỏ cách căn cứ chừng hơn một dặm. Sự phản ứng nhanh chóng đã vây gọn Vi-xi trong ấp. Nhưng cũng phải chiến đấu chín mươi phút mời chiếm được cái ấp đó. Tất cả dân làng được tập trung lại một chỗ. Không thấy còn tên Việt cộng nào. Ngay cả những xác chết cũng không thể phân biệt được với mọi người thường dân khác.

"Việt cộng đâu" - Tôi hỏi qua viên thông dịch người Việt. Anh ta dịch lại câu trả lời của tất cả mọi người.

"- Không biết".

"- Sao lại không biết? Chúng ở trong làng bắn lại quân Mỹ liền chín mươi phút cùng với các người, tại sao lại không biết".

"- Khi các ông bắn, chúng tôi ngồi nấp trong hầm. Cách đây chín mươi phút Việt cộng làm chủ ở đây. Bây giờ đến lượt các ông".

Những người Việt Nam này đều trả lời như vậy bất chấp những cực hình tra tấn. Người phiên dịch bất lực giải thích cho tôi:

"- Tất cả bọn chúng là Vi-xi. Có thể đem bắn tất mà không sợ lầm".

Câu nói thông minh của hắn làm tôi sướng điên lên. Thế là tôi đã được nhìn tận mắt thấy Vi- xi rất đông, từ đứa trẻ ẵm ngửa đến ông già tóc bạc. Tất cả là Vi-xi, tôi thành thật tin là như vậy. Tôi đến đây để tiêu diệt họ, để cứu người Việt Nam bị họ thống trị, đầy đọa khủng bố. Những người Việt Nam đó là những tướng lĩnh, những chính khách, những nhà buôn, những chủ tiệm rượu và chủ sòng bạc những chủ hãng xuất nhập khẩu và tàu buôn... Họ sống trong những bin-đinh sang trọng, uống rượu sâm-banh Pháp, nghe máy nhạc Nhật, ti-vi Mỹ và đi những chiếc xe de luxe. Họ sống sung túc hơn nhiều người Mỹ bình thường! Lạy Chúa, thật là thú vị. Sự hy sinh của nhưng người Mỹ mới thật đáng giá! - John Antonio cười chua chát.

- Tôi đã nói với anh từ ngày ở trại Olivơ kia mà. Cứ để chúng tôi thu xếp với nhau tiện hơn. Các bạn không đáng đổ máu cho cuộc chiến tranh này.

Antonio viết bài báo thứ hai thật xúc động:

"Tôi đã nhìn thấy Việt Cộng

Tôi đã nhìn thấy kẻ thù".

Anh đã bị viên tư lệnh lữ đoàn kiện trước tòa về tội thóa mạ mục tiêu chiến đấu của quân đội Mỹ. Báo chí đã bênh vực anh. Những người trước kia được anh gọi là hèn nhát đã dũng cảm biểu tình, thuê mượn luật sư bào chữa cho anh. Antonio vô tội. Anh từ bỏ quân đội và trở lại Việt Nam ngay ngày hôm sau. Vợ chồng tôi không đón anh ở sân bay nhưng đã có cuộc gặp gỡ thân tình ở Khách sạn Phoenic.

- Cuộc hành hương đến đất thánh của tôi lần này không nhằm vào mục tiêu "cứu vớt" các bạn. Tôi mong muốn các bạn tự thu xếp với nhau đừng ảo tưởng vào những giải pháp từ bên ngoài. Tôi cần đến với những người bạn Mỹ của chúng tôi. Họ đang lặn ngụp trong cái vũng lầy của các bạn đã đành, tệ hơn nữa họ còn bị chìm đắm trong sự lừa gạt dối trá. Họ cần phải biết điều đó.

Mùa xuân năm 1968 đã đến.

Chiến tranh đang ở vào những cung bậc cao nhất của nó. Viễn cảnh hòa bình mờ nhạt. Quân Mỹ tăng lên xấp xỉ năm trên ngàn. Nước Mỹ đã bước đến giới hạn phải gọi quân trù bị.

...

Ngày 15 tháng 1, chúng tôi nhận được điện của Trung tâm thay đổi giờ lên máy nhận tin từ không giờ ba mươi ngày chẵn sang hai mươi ba giờ ngày lẻ. Cậu Đức còn cho tôi mật khẩu khi có ngươi đến gặp trực tiếp tại nhà. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được bắt liên lạc với một người ở nhà mình. Đó là một ngoại lệ, một sự khinh suất mà trong nghề nghiệp chúng tôi rất kỵ. Chắc là có chuyện gì đặc biệt đây?

Đêm giao thừa Sài Gòn thật tưng bừng, pháo nổ ran. Một làn khói xanh lam tràn ngập thành phố. Dưới ánh điện muôn màu, những bộ quần áo sang trọng nhất được đem ra trưng diện. Ô tô bóng loáng nối đuôi nhau trên các đại lộ. Vợ chồng tôi và cháu nhỏ cũngg lướt trên đường phố với dòng người hân hoan này. Hai mươi ba giờ chúng tôi đã có quạt ở nhà để kịp lên máy nhận tin. Bức điện ngắn ngủi: "Đêm nay nếu cần sẽ có người tìm cháu bàn việc. Mật khẩu: Cháu nói số a bất kỳ. Người đó trả lời b sao cho a + b = 15".

Thế là tôi phải sẵn sàng thức để chờ đợi một sự việc quan trọng.

Vào giờ này Đỗ Thúc Vượng vẫn còn quanh quẩn ở nhà anh tôi. Từ sau những thảm họa gia đình và xã hội to lớn, anh ta đã kiệt sức tưởng không sao sống nổi, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của bạn bè, Vượng đã khỏe mạnh và ổn định tinh thần trở lại. Anh chưa quay lại hoạt động chính trường nhưng hình như những khát vọng bị tàn lịu lâu nay bỗng lại phục hưng cùng thể xác. Anh ta đã bắt đầu viết báo và giao du với một số phần tử Đại Việt. Anh ta hay đến đây thứ nhất là vì tình bạn lâu năm với anh tôi. Thứ hai là anh ta độc thân, đến đây ăn uống cho xong bữa. Nhưng tôi phát hiện ra lý do thứ ba: Anh đang muốn cầu hôn với Bạch Kim.

Từ ngày chồng chết, Kim sống tự do, bạn bè lại đông đúc. Hàng tá đàn ông quanh quẩn bên người "quả phụ" xinh đẹp đó. Người có vinh hạnh được Kim tiếp nhiều và lâu nhất là Đỗ Thúc Vượng. Anh ta không biết hát tình ca, không đọc thơ, cũng chẳng nghe âm nhạc hay bình luận hội họa bao giờ. Anh ta thích nói chuyện triết học. Anh ta nói say sưa nhiệt thành với người đẹp như khi anh đứng trước giảng đường. Còn Bạch Kim thì cứ tròn mắt ra nghe. Có lẽ Bạch Kim cũng thích thú những thứ này nên cô không bao giờ cắt lời anh hay bỏ dở buổi thuyết trình. Nhưng đôi lúc cô cũng đưa ra một câu hỏi bất ngờ hắc búa làm cho nhà hùng biện phải lúng túng. Những chủ đề anh trình bày thường rất khó hiểu. Không hiểu nội dung bản chất của vấn đề là khó biểu hay do cách trình bày của. anh. Tôi có cảm giác là anh ta mê say sự cao siêu, sự trừu tượng mờ ảo của vấn đề. Tôi nhớ một lần anh ta thuyết trình chủ nghĩa hiện sinh của Kiếc-cơ-gô. Anh ta cho rằng sự ra đời của con người và sự tồn tại của thế giới là cái phi lý tuyệt đối không sao hiểu được. Vì vậy con người phải chấp nhận phi lý, chịu đựng những bi kịch thì mới có tự do. Khi phát triển chủ để trên anh nhấn mạnh đến sự phục tùng số mệnh, thích nghi hoàn cảnh, chịu đựng lo âu đau khổ. Nhưng trên một bình diện khác của chủ đề này, anh lại coi con người bị ném vào cuộc sống nên nó phải dấn thân, nổi loạn hành động để tạo cho mình một cuộc sống thực sự nó mới có tự do. Ở đây anh lại nhấn mạnh đến tính tích cực, tính nổi loạn không buông xuôi chấp nhận định mệnh. Tóm lại, tôi thấy sự truyền bá tư tưởng của anh mang tính nguỵ biện mâu thuẫn. Hình như anh chỉ muốn đưa ngườỉ nghe vào một mê cung thần bí. Triết học của anh lại gần với những tà giáo. Đối với Bạch Kim có lẽ động cơ của anh cũng khác. Anh đang cố dẫn dắt trái tim cô đơn này vào mê cung của tình ái. Nhưng Kim cũng là cô gái bướng bỉnh. Cái hay, cái đẹp đối với cô phải là cái hiểu được.

Sự có mặt dai dẳng của anh ta ở đây hôm nay làm tôi sốt ruột, tôi không muốn anh giáp mặt với người khách của tôi. Tôi không nghi ngờ anh nhưng là người cẩn thận bao giờ tôi cũng muốn bịt kín mọi kẽ hở, tôi đành phải phá ngang cuộc nói chuyện của họ.

- Bạch Kim ơi! Ít phút nữa có điện gọi anh đi trực thì Dung phải đưa anh đi. Nhờ Bạch Kim coi Tô tô giúp anh ít phút nhé. Anh sợ pháo nổ chát giật mình tỉnh dậy không có ai nó khóc ầm lên thì dông cả năm đấy.

- Anh yên tâm. Em lên ngay bây giờ đây!

Thực ra Kim cũng mong có cơ hội này để thoát khỏi ông khách ngồi dai. Cô đã mệt mỏi rã rời vì đi chơi quá nhiều...

Không giờ mười lăm phút bỗng thấy tiếng súng rộ lên. Lúc đầu còn lẫn tiếng pháo, nhưng sau đó những tiếng nổ lớn làm rung cả cửa kính. Tôi không rõ chuyện gì xảy ra cụ thể nhưng cũng đoán được là quân ta đã khởi sự tiến công vào một vị trí nào đó.

Nửa giờ sau có một người đỗ hon-đa trước cửa vào bấm chuông. Tôi ra mở cửa. Sau khi trao đổi mật khẩu, anh nói với tôi:

- Anh chị đến gặp đồng chí Đức có nhiệm vụ gấp.

Anh cho tôi địa chỉ rồi phóng xe đi gọi người khác. Tôi bảo Dung nhờ Kim xuống với Tô tô và dặn Kim nếu thấy điện Bộ Tổng tham mưu gọi thì trả lời giúp là tôi vừa đi rồi.

Hai phút sau tôi đã cho xe ra khỏi ga-ra. Dung lái, tôi cầm súng cảnh giới. Xe chúng tôi lao về phía Cầu Bông, tôi nghe thấy tiếng súng nổ dữ dội phía đài phát thanh. Ngoài đường lúc đó rất vắng người. Xác pháo còn ngập bên vỉa hè. Vài phút sau tôi đến điển hẹn. Không thấy ai dừng chờ, Dung xuống xe đến bấm chuông một hiệu ăn đã đóng của. Cô dùng mật khẩu và đã bắt được liên lạc. Chúng tôi theo một cô gái đi sâu vào trong hẻm đến nhột ngôi nhà ba tầng. Chúng tôi lên tầng hai và gặp cậu Đức.

Cậu bắt tay chúng tôi nhưng nhìn vẻ mặt của cậu có vẻ bận rộn như có điều gì không thanh thản nên chúng tôi chỉ ngồi chờ. Năm phút sau cậu mới nói:

- Đêm nay chúng ta mở cuộc tiến công vào thành phố. Có năm mục tiêu quan trọng, trong đó có Bộ Tổng tham mưu. Tình hình ở đó hiện nay không thuận lợi. Quân ta không tiến công được vào hướng cổng Phi Long. Đã có hiệp đồng với nhân mối nhưng bộ đội đến chậm mất một giờ nên không còn bắt được liên lạc. Kiểm lại những người có mặt ở đây chỉ có cháu là quen biết địa hình ở đó. Bộ chỉ huy giao cho cháu dẫn đường đánh vào hướng cổng phụ. Khi quân ta chiếm được đầu cầu, cháu phải trở về đây ngay, cháu thấy thế nào?

- Cháu quen biết địa hình ở đây. Chỉ có mặt bố phòng thì cháu không đi sâu vì chưa được báo để chuẩn bị trước. Tuy vậy cháu cũng có thể giúp ích cho anh em được nhiều. Xin cậu cho cháu đi ngay.

- Cháu cũng xin đi! - Dung hăng hái xung phong.

- Tất cả đều có việc. Bây giờ Nghĩa đến chỗ trung đội một đại đội ba ở khu tập kết hai. Đồng chí liên lạc sẽ dẫn cháu đi. Nhanh kẻo gần sáng mất rồi.

Tôi bắt tay Dung rồi chạy ra xe chở đồng chí liên lạc đi. Tiếng súng trong thành phố nổ rất quyết liệt pháo binh địch đã hồi tỉnh bắt đầu bắn dữ dội vào các tuyến mà chúng nghi quân ta tiến quân vào. Tôi đến khu tập kết hai thì gặp đơn vị dự bị có mặt ở đây đang chờ. Sau khi được giới thiệu với đồng chí chỉ huy tôi trình bày ngay cách đánh mà tôi vừa dự kiến trên đường đi thì Sở chỉ huy đến đây.

- Tôi sẽ lái xe này vào thẳng cổng để xin vào làm việc theo lệnh gọi. Khi bọn gác ra mở cổng xem giấy thì đồng chí ngồi trong xe lia đạn vào chúng và chiếm bốt gác, mở cửa cho quân ta ào vào.

Ý kiến của tôi được anh em chấp nhận. Lúc này yếu tố bất ngờ chỉ còn trông vào mẹo vặt. Quân địch báo động. Tiểu đoàn tổng hành dinh đã triển khai bố phòng nghiêm mật. Chắc chắn chúng không cho ta nhưng khe hở lớn để đột nhập.

Trung đội một tiếp cận cổng phụ lúc một giờ ba mươi tám phút. Khoảng cách của hai bên chừng bảy mươi mét. Đó là những chiến sĩ đặc công nên họ giữ đợc bí mật hành động. Tôi để một đồng chí nằm trong xe với khẩu AK. Tôi bật pha sáng từ xa và lao thẳng xe về phía cổng phụ.

- Đứng lại! - Có tiếng quát từ phía cổng và tiếng lên đạn lạch cạch. Tôi dừng xe cách cửa chừng chục mét.

- Cho tôi vào làm việc. Tôi là sĩ quan ở Bộ Tư lệnh hành quân tác chiến - Nói xong tôi cho xe tiến lên gần sát cổng tắt đèn pha và nhảy xuống. Thấy có mình tôi, tên lính gác mở cửa bên, tiến ra. Theo sau có hai tên nữa. Chúng hỏi mật khẩu, tôi quát luôn:

- Mật khẩu cái mẹ gì. Tôi đang nghỉ phép, có lịnh gọi thì phải vào. Tôi có trực đâu mà biết mật khẩu. Chỉ có chứng minh thư thôi, cho vào thì cho. Nếu không ký cho tôi một chữ tôi về.

Một tên tiến lên sát mặt tôi xem giấy. Tôi nổ súng ngay. Đồng chí trong xe cũng kịp phối hợp hành động. Không tên nào thoát chết. Đồng chí chiến sĩ quăng vào chòi gác một quả lựu đạn tấn công. Tôi đẩy bật cửa phụ và cả hai chúng tôi nhảy được vào trong. Tiểu đội gác bị tiến công bất ngờ, chúng chạy tóe vào phía trong, quay súng bắn lại. Lúc đó toàn trung dội đã ào lên nhanh chóng chiếm được cổng phụ, bốt gác và cán buồng trực bên trong. Có B.40, anh em dập tắt được mấy hỏa điểm, chuẩn bị phát triển tiếp. Tôi báo với đồng chí trung đội trưởng tôi phải về Sở chỉ huy nhận nhiệm vụ khác. Tôi quay ra, chiếc xe bị trúng nhiều vết đạn nhưng may là máy vẫn nổ. Vừa lái tôi vừa nghĩ cách giải thích nhưng vết đạn trên xe nếu như tôi còn phải tiếp tục hoạt động công khai.

Tôi bào cáo tình hình với cậu Đức và đề nghị phải có lực lượng tiếp viện thì trung đội mới phát triển được. Cậu Đức đăm chiêu suy nghĩ vì trong tay Bộ Chỉ huy không còn bao nhiêu lực lượng dự bị. Cậu cho tôi biết Dung đi với bộ phận tiếp viện cho mũi Đài phát thanh, chưa có tin gì báo về. Tôi ngồi ở căn phòng chờ của Sở Chỉ huy lòng như lửa đốt. Cậu Đức cũng rất bận nên không tiếp chuyện tôi.

Ba giờ ba mươi cậu chạy bổ ra phía tôi.

- Dung hy sinh rồi Nghĩa ơi!

- Trời ơi, bây giờ Dung ở đâu, cậu cho cháu ra với Dung ngay.

Một nỗi đau đớn đột ngột giáng vào tôi. Thần kinh tôi choáng váng như muốn gục xuống. Tôi không ngờ cách đây hai giờ đồng hồ chúng tôi đã bắt tay nhau lần cuối cùng. Tôi không nói được gì nữa và cứ ngồi câm lặng.

- Thôi, đau khổ cũng không thay đổi được cháu ạ, chiến đấu là phải có hy sinh, tổn thất. Nhưng tổn thất này là quá lớn, ở cương vị chỉ huy cậu cũng đã có lường trước, có đắn đo, nhưng do bức bách cửa tình hình, lực lượng dự bị cạn, cậu đã tung tình báo viên chiến lược vào nhiệm vụ tác chiến chiến thuật. Bài học này đã phải trả bằng máu. Nhưng thôi, bây giờ chưa phải là lúc rút kinh nghiệm. Chúng ta phải tính giải quyết hậu quả. Nhiệm vụ của cháu vẫn là phải hoạt động hợp pháp. Vì vậy phải tìm cách giải thích hợp lý những gì đã xảy ra...

Mười phút sau đấy, đơn vị đã đưa thi hài Dung về. Nhìn vợ, lòng tôi đau như cắt, tôi như muốn ngất đi.

Dung được đặt lên chiếc xe của tôi để chứng tỏ cô bị đạn khi lái xe cho tôi đến Bộ Tổng tham mưu. Tôi giật mình vì cái chứng minh thư của tôi còn trong tay tên ngụy bị giết. Không biết có ai nhặt giúp tôi không. Sơ xuất này đẩy tôi đến một tình thế khó khăn. Tôi phải tạo ra một kịch bản đủ bịt kín lỗ hổng đó.

Bốn giờ ba mươi tôi đưa xác vợ về nhà. Tự tay tôi lái chiếc xe trong hoàn cảnh tinh thần bị tổn thương lớn lao. Tôi lại còn lo đối phó với kẻ địch. Cả nhà đều bàng hoàng trước tin đau đớn này. Bạch Kim giữ chặt chán Trung trong buồng để cháu khỏi nhìn thấv hình ảnh mẹ trong lúc đó. Nhưng tôi vẫn phải bế con ra để cháu được vĩnh biệt mẹ, để cháu in sâu suốt đời hình ảnh đau thương này.

Tôi gọi điện báo về Bộ Tổng tham mưu toàn bộ tình tiết như sau:

"- Lúc mười hai giờ mười làm phút nghe tiếng súng nổ dữ dội, tôi đoán là có biến. Tôi nóng ruột muốn trở về nhiệm sở. Tôi gọi điện hỏi tin nhưng đường dây bị hỏng. Mười hai giờ bốn mươi lăm phút tôi bảo vợ lái xe đưa tôi đến cổng Phi Long... nhưng chiến sự đã diễn ra ác liệt khiến tôi không sao vào được. Tôi chờ đợi đến một giờ hai mươi tình hình vẫn không rõ rệt. Tôi lái xe về cổng phụ, một giờ ba mươi tôi trình giấy xin vào. Người gác đang xen thì lột loạt đạn đã bắn vào chúng tôi. Người lính gác trúng đạn. Tôi nhảy xuống. Địch bắn dữ dội và tôi kẹt giữa luồng đạn của đôi bên. Cửa phụ đóng kín, tôi bò ra phía xe nhìn vào thì vợ tôi đã bị trúng đạn nhưng chưa tắt thở. Tôi nhảy đại lên xe nổ máy quay xe định chở vợ đến một bệnh viện nào gần đấy. Nhưng hai phút sau vợ tôi tắt thở. Tôi xin phép được nghỉ để mai táng".

Đám tang được đưa vội vàng trong điều kiện thành phố còn tiếng súng. Dung hy sinh không những tôi mất một người vợ hiền, một người bạn đời yêu thương gắn bó mà còn mất một người chỉ huy sáng suốt, một người đồng chí trung thành tận tụy, thông minh gan dạ. Không gì có thể bù đắp nổi cho tôi tổn thất to lớn này. Với tôi, đó là những ngày đau đớn nhất trong đời. Kể từ nay tôi sẽ một mình vừa nuôi dạy con vừa chiến đấu. Tôi sẽ phải câm lặng cô đơn giữa biển người trong tất cả những lúc tình thế khó khăn phức tạp. Con tôi còn nhỏ quá, cháu làm sao có thể cùng tôi chia sẻ nỗi lòng.

Dung mất đi cũng làm cho chuyện kinh doanh của anh chị tôi sút kém. Chị Ngọc tôi không đủ sức quản lý nhiều cơ ngơi như vậy. Những lợi thế thu thập tin tức của chúng tôi ở các khách sạn, cư xá sẽ bỏ ngỏ.

Nỗi đau của tôi to lớn nhưng tôi cũng có một nguồn an ủi: Sự hy sinh của Dung đã đóng góp một phần nhỏ cho thắng lợi vĩ đại của Tết Mậu Thân. Trên toàn miền Nam, Mỹ ngụy bị giáng một đòn mạnh mẽ chưa từng có. Cuộc tiến công làm chấn động thế giới. Nước Mỹ kinh hoàng. Phong trào phản chiến bùng lên như núi lửa. Ý chí xâm lược của kẻ thù bị lung lay. Johnson tuyên bố ném bom hạn chế và không dám ra tranh cử tổng thống một lần nữa. Nhân dân ta giành được một thắng lợi mang ý nghĩa chiến lược. Tuy vậy cuộc chiến đấu trước mắt vẫn còn vô cùng gay go ác liệt.

...

Đêm đêm chờ cho cháu Tô tô ngủ ngon, tôi lại mò dậy một mình âm thầm tóm tắt những tin tức quan trọng để điện đi, đồng thời cũng nhận những chỉ thị mới. Trung tâm đã cho anh Hai Bền trực tiếp liên lạc và cộng tác với tôi. Chúng tôi có hòm thư mật và những cuộc gặp gỡ ở bảy địa điểm. Mỗi lần cần gặp, chúng tôi nói lóng qua điện thoại để hẹn nhau. Hai Bền có nhiệm vụ bảo vệ tôi trong trường hợp bất trắc hoặc tôi phải từ bỏ bộ đồ sĩ quan rút vào bí mật.

Khi còn sống Dung cho tôi biết cô đã lập được một bộ sưu tập rất đặc biệt. Đó là những tin tức cô thu thập, tinh giản trong nhiều năm khi chúng tôi xa nhau. Có cả những tin cô mới kiếm được nhưng chưa trực tiếp giúp cho công việc của chúng tôi cô cũng góp lại. Cô chưa cho tôi hay vì sợ sự suy luận của tôi mất khách quan khi bị những tin đó chi phối. Dung ghi lại trong những bộ phim, cho vào lọ thủy tinh gắn xi và chôn ở ngoài vườn. Nắm được những tài liệu đó, hoặc ít ra là danh mục của nó lúc này đối với tôi là điều cần thiết vì "chiếc thư viện sống" của tôi không còn nữa. Đó là di sản quý báu Dung để lại cho tôi. Đêm đêm tôi lại đào lên để đọc. Tôi giật mình vì tài năng của Dung. "Ôi, nếu em còn sống, em sẽ còn giúp ích cho đất nước được bao nhiêu. Với cái vốn giàu có này, với bộ óc nhạy cảm và tài phân tích sắc sảo này, em sẽ trở thành một chiến sĩ tình báo tầm cỡ".

Hàng ngày đi làm, tôi để cháu ở nhà với Kim, Kim cũng thương cháu, cô lại không bận việc gì nên cháu cũng quấn bên cô, nghe cô kể chuyện cổ tích, xem cô vẽ, cô đánh đàn...

Một bữa tôi đi làm về không thấy Tô tô ra đón. Vào buồng tôi thấy mình Bạch Kim ngồi đó.

- Kim đấy à. Cháu đâu?

- Tô tô di chơi với bác Ân rồi.

Bạch Kim khép cửa lại nhìn tôi mỉm cười làm cho tôi chẳng hiểu gì.

- Em có chuyện này muốn nói với anh. Anh làm việc bận lắm phải không?

- Cũng bình thường thôi Bạch Kim ạ. Con mọn thì đã có anh chị Ân và Kim săn sóc dạy bảo giúp rồi. Có gì bận đâu.

- Đêm đêm anh vẫn phải làu việc khuya mà.

- Đâu mà! Kể ra đôi lúc cùng có đọc sách ít phút.

Bạch Kim cười:

- Tôtô khoe với em là một bữa nó bừng tỉnh, nó thấy ba đang mở cái máy quay đĩa ra ba ghịch. Nó kêu tích tích hay lắm. Thế rồi nó bắt trước anh mở máy ra đấy. May mà nó chỉ mới khoe với em thôi!

Tôi toát cả mồ hồi, nhưng vẫn trấn tĩnh:

- Ồ, đó chỉ là một trò chơi thôi mà!

- Anh ạ. Cứ coi như một trò chơi đi, nhưng em cũng vẫn cẩn thận. Em đã cấm Tôtô không được kể chuyện đó với ai. Nó đang ở tuổi tò mò mà. Anh để nó ở bên không tiện đâu. Từ nay anh cho cháu lên ở hẳn với em anh nhé. Hay anh thương cháu không muốn xa con thì anh gửi các thứ "đồ chơi" này lên phòng em. Khi nào anh muốn "chơi" thì anh lên "chơi". Xin cứ tự nhiên, em không tò mò đâu.

- Cảm ơn Bạch Kim nhiều lắm - Tôi cầm lấy bàn tay cô. Im lặng lồi lâu. Tôi không thể giấu được cô gái thông minh này khi mà sự việc đã vỡ lở như vậy - Bạch Kim ạ. Anh không sợ em tò mò đâu. Nhưng anh chẳng muốn đưa thứ đồ chơi này đến buồng em. Cái trò chơi này rất nguy hiểm. Nguy hiểm hơn cả phóng ô tô đua, hơn cả bay ở độ cao trong những đêm không sao...

- Em muốn chia sẻ với anh những nguy hiểm đó.

- Còn anh, anh chỉ muốn chia sẻ với Bạch Kinh niềm vui chứ không phải sự nguy hiểm. Em trông nom dạy bảo Tôtô cho nó nên người giúp anh.

- Em hiểu anh. Em sẽ coi Tôtô là con em. Thực đấy. Nếu anh tin ở em, anh cần gì ở em, em sẵn sàng giúp anh.

Tháng 4 năm 1968 Antonio về thăm tôi. Anh chia buồn cùng tôi khi biết tin Dung mất.

- Tất cả rồi sẽ kết thúc. Cái bướu của lịch sử sẽ vỡ tung ra. Tôi đã đến với binh lính Mỹ ở Huế. Họ đã phá tan cả một thành phố thơ mộng có một không hai đó. Các bạn được cứu giúp như thế đấy.

- Anh đến chỗ nguy hiểm đó làm gì?

- Tôi cần những tấm ảnh. Công chúng Mỹ phải biết con em họ làm gì ở đấy. Tôi còn theo họ lên thung lũng A Sầu. GI's gọi đó là cái "bánh nhồi thịt". Westmoreland muốn gỡ thể diện cho dịp tết Mậu Thân, ông ta mở cuộc hành quân Pegasus.

- Chắc anh đã gặp chiến tranh quy ước.

- Không, ở đây vẫn là những cuộc bắn lén, - nhưng bằng đại bác 130 và rốc két 122. Tôi cũng đã xem những trận đánh trả máy bay trực thăng. Việt cộng đã cho chúng ta biết tài đập ruồi của họ! Cuộc chiến tranh quy uớc đã diễn ra ở Khe Sanh.

- Anh cũng đến đấy?

- Tôi là khách của đại tá Cusman. Ông ta dành cho nhà báo một cuộc phỏng vấn trên chiến hào. Chúng ta đã mở một đợt ném bom ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh. Chiến dịch thác bom Niagara do B.52 đảm nhiệm lớn gấp bốn lần "Meeting house" ở Tô-ki-ô và gấp tám lần Lai-pơ-xích. Xung quanh cái thung lũng rộng lớn này toàn là màu đất đỏ. Nhưng lính cổ da vẫn phải sống cuộc đời chuột chũi. Sự đe dọa khủng khiếp đối với các loại máy bay Hercule Caribou, duy trì sự sống cho căn cứ này không hề suy giảm. Chuyến bay trước lúc tôi về đã lao xuống rừng rậm. Lính Mỹ viết lên mũ sắt bốn chứ U, những câu chửi tục cả tướng Oét lẫn tổng thống của họ. Tôi sẽ chẳng phải chú thích thêm cho những tấm ảnh của mình.

Anatonio chào tạm biệt tôi. Anh sẽ bay về Mỹ ngày mai. Anh cho rằng những bài báo và ảnh của anh đăng lên mặt báo có thể làm anh bị trục xuất.

Tôi gửi lời chào đến vợ chồng tướng Davis cùng tiểu thư Theresa và gửi biếu cô chiếc bình gốm Đà Lạt. Anatonio cũng hy vọng sẽ đưa tôi đi săn nai trong cánh rừng miền Olive. Chúng tôi bắt chặt tay nhau tạm biệt.
alt
Hẹn Tình Với Người Nổi Tiếng
Ngôn tình Sắc, Sủng, Tổng Tài
Thiếu Phụ Khuê Phòng Và Thiếu Gia Hắc Đạo
Ngôn tình Sắc, Đô Thị, 1x1
Cậu Thật Hư Hỏng
Ngôn tình Sắc, Sủng, Hào Môn
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc