https://truyensachay.net

Sáp Huyết

Chương 10: Ninh Minh.

Trước Sau

đầu dòng
Khi quay trở về phòng giam, Địch Thanh vẫn còn cảm thấy không thể tin được. Chuyện khiến Địch Thanh bất ngờ quá nhiều. Bàng Tịch không ngờ lại nói giúp cho hắn. Tên đại thái giám La Sùng Huân kia rốt cuộc không làm gì được một tên tiểu cấm quân như hắn. Đại lão gia của phủ Khai Phong cũng đau đầu vì hắn.

Mà chuyện khiến Địch Thanh bất ngờ nhất là hắn phẫn nộ với hành vi của Mã Trung Lập. Hắn quay lại đánh gã để cứu người điên, nhưng không ngờ người được cứu lại là Bát Vương gia! Hắn cũng không biết điều này là phúc hay họa nữa, nhưng hắn ít nhiều cũng biết được một điều. Bát Vương gia khá tốt với hắn, ít nhất có thể làm chứng cho hắn.

Một lời nói của Bát Vương gia có tác dụng hơn vạn lời chứng của Chu Đại Thường. Có Bát Vương gia làm chứng thì e rằng ngay cả Mã Quý Lương cũng không dám làm càn. Nhưng vì sao Bát Vương gia lại đứng ra làm chứng cho tên cấm quân quèn này chứ? Y không sợ đắc tội với Thái Hậu sao? Bát Vương gia rốt cuộc có phải bị điên không? Địch Thanh không chắc chắn.

Càng khiến cho Địch Thanh khó hiểu chính là: Trình Lâm chỉ tạm giữ hắn để chờ xử lý, vậy mà lại giam hắn hơn nửa năm.

Trong nửa năm này, phủ Khai Phong vẫn chưa đưa ra kết luận gì về án của Địch Thanh, hắn cũng chỉ có thể ở trong lao mà chờ đợi. Hạ đi thu đến, thu đi đông đến, trong lao ngày nào cũng như ngày nào, nhạt nhẽo vô cùng. May mà Địch Thanh còn có huynh đệ, Trương Ngọc mỗi lần đến đây đều liên tục oán giận, giống như người ngồi tù là gã vậy. Phủ Khai Phong cứ rề rà kéo dài mãi, Trương Ngọc đâu thể có biện pháp gì? Trái lại, Địch Thanh phải an ủi Trương Ngọc, khuyên bảo huynh đệ hãy thoải mái. Rồi một ngày, Quách Quỳ mang quần áo mùa đông đến. Tuy ngoài miệng không nói gì nhưng Địch Thanh cũng hiểu được rằng: mùa đông này, hắn phải tiếp tục sống trong lao ngục rồi.

Khi nào được ra tù, Địch Thanh đã không còn mong mỏi quá mức. Trong lao ngục, lòng hắn tạm thời có sự tĩnh lặng. Cũng may là hắn còn có viên Ngũ Long, sự nhàm chán cũng giảm đi ít nhiều. Trong Ngũ Long này dường như có ẩn chứa một bí mật cực lớn, Địch Thanh xem xét rất nhiều lần mà mãi vẫn chưa tìm ra manh mối. Hồng long cũng không thấy xuất hiện nữa. Dù vậy, Địch Thanh biết đó không phải là ảo giác, nhưng bí mật rốt cuộc ở nơi nào?

Đến một ngày, khi mà Địch Thanh mong mỏi đến tuyệt vọng. Cửa lao chợt vang động, có ngục tốt đi vào nói:

- Địch Thanh, đến phủ nha thôi, có định án rồi.

Địch Thanh rất đỗi kinh ngạc. Hắn đi theo ngục tốt đến nha môn phủ Khai Phong. Dọc đường đi, hắn mới phát hiện tuyết đã phủ khắp kinh thành, bông tuyết tung bay, phủ Khai Phong có phần lạnh lẽo.

Tuyết rơi lả tả ngoài nha môn phủ Khai Phong, cảnh tượng quạnh quẽ thê lương vô cùng, không có dân chúng tụ tập như trước đây. Hiển nhiên, bọn họ cũng giống như Địch Thanh, không biết án này được kết vào lúc nào.

Địch Thanh đến đại đường phủ Khai Phong. Hắn phát hiện chỉ có hai tên nha lại uể oải đứng đấy. Phủ doãn Khai Phong - Trình Lâm ngồi sau công án, râu vẫn thưa thớt như ngày nào. Bàng Tịch đứng ở một bên, mặt vẫn đầy ưu sầu.

Địch Thanh lo sợ trong lòng, hắn đến trước công đường quỳ xuống. Trình Lâm nói:

- Địch Thanh, ngươi chẳng những mạo danh nha dịch làm việc mà còn phá hỏng xe củi của người ta, ngươi có biết tội của mình chưa?

Địch Thanh thầm nghĩ: ‘Sao lôi tới đây rồi? Vì sao không hỏi chuyện Mã Trung Lập?’ Nhưng không thể không đáp:

- Tiểu nhân thật sự có lỗi.

Trình Lâm trầm ngâm, nói:

- Tuy ngươi mạo danh nha dịch Khai Phong, nhưng may là không gây ra hậu quả gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, đánh nhau hung hãn thì không thể tha thứ dễ dàng. Án theo lệ, ta phạt ngươi tăng thêm năm năm Ma Khám, sau đó bồi thường tổn thất xe củi một lượng bạc cho ông lão là được ra tù, không biết ngươi có nhận tội không?"

(Ma Khám: thời gian thử thách, để có thể xét thăng quan tiến chức)

Mắt Địch Thanh giật giật, trong lúc nhất thời không biết trả lời ra sao. Phạt năm năm Ma Khám có nghĩa là trong vòng năm năm hắn không được thăng chức. Địch Thanh không bận tâm với chuyện này. Hắn cũng dễ dàng móc ra một lượng bạc để nộp. Nhưng án phạt như vậy thì thật là ‘đơn giản như đang giỡn’! Việc hắn đánh Mã Trung Lập bị thương thì tính thế nào?

Trình Lâm thấy Địch Thanh không trả lời, cau mày hỏi:

- Ngươi không phục án phạt sao?

Địch Thanh ậm ừ hỏi:

- Tiểu nhân nộp tiền phạt là có thể ra tù sao?

Bàng Tịch đứng ở bên cạnh nói:

- Đúng vậy.

Dứt lời, gã trao đổi ánh mắt với Trình Lâm, đều cùng nhìn ra sự bất đắc dĩ và mỏi mệt của đối phương.

Bọn họ rốt cuộc vì sao bất đắc dĩ, chẳng lẽ là vì mình mà mỏi mệt? Địch Thanh không cần nghĩ nhiều, kêu to:

- Tiểu nhân bằng lòng!

Nộp tiền phạt xong, Địch Thanh nhận quần áo trước kia lại. Hắn lặng lẽ bước ra khỏi lao ngục của phủ Khai Phong.

Hắn vào một cách mơ màng, đi ra cũng mông lung không hiểu. Lúc đi vào, cây liễu lả lướt; lúc đi ra, cành trơ trọi lá, tuyết trắng bám đầy. Hơi thở thành sương, mùa đông giá lạnh!

Địch Thanh không nhịn được xoa xoa hai tay, dậm dậm chân. Hắn vừa mới cất bước thì bỗng nhiên dừng lại. Phía trước có một người đang đứng lẻ loi, râu quai nón bám sương, rõ ràng là đã đứng trong tuyết rất lâu, y đang mỉm cười nhìn hắn.

Địch Thanh vui mừng vô hạn, chạy tới hỏi:

- Quách đại ca, sao huynh lại tới đây?

Quách Tuân quan sát Địch Thanh từ trên xuống dưới, nói:

- Ra được là tốt rồi.

Tiếp đó, gã vỗ vỗ bả vai Địch Thanh nói:

- Chuyện này, đệ không làm sai.

Sống mũi Địch Thanh chua xót, một dòng máu nóng bốc lên đầu. Hắn bị bọn người Mã Quý Lương vu oan, không sao cả. Hắn bị cô gái áo trắng hiểu lầm cũng không là gì, nhưng Quách đại ca thông cảm với hắn, lại làm cho hắn hổ thẹn khôn nguôi.

- Quách đại ca, đệ lúc nào cũng gây phiền phức cho huynh.

Quách Tuân thở dài, cười nói:

- Chúng ta là huynh đệ với nhau, cần gì nói ra những lời này? Huynh biết đệ có rất nhiều nghi vấn, vừa đi vừa nói nhé. Huynh còn muốn dẫn đệ đi gặp một người.

Địch Thanh không biết Quách đại ca muốn mình đi gặp ai, nhưng điều đó không ảnh hưởng gì. Cho dù Quách Tuân bảo hắn nhảy xuống hố lửa thì hắn cũng sẽ nhảy xuống.

Quách Tuân không bảo Địch Thanh nhảy vào hố lửa, hai người chỉ sóng vai đạp tuyết mà đi. Tuyết đóng thành băng, vỡ thành mảnh nhỏ vang lên tiếng lách tách cọt kẹt, giống như tâm tình của Địch Thanh vào lúc này.

- Huynh biết đệ nhất định rất kỳ quái, vì sao tự dưng được ra ngoài như vậy? Vì sao không ai đề cập đến chuyện Mã Trung Lập?

Ánh mắt của Quách Tuân sâu sắc, ngước nhìn mai vàng phía góc tường.

Địch Thanh vội vàng gật đầu đáp:

- Đúng vậy. Bọn chúng không phải loại buông tha đệ dễ dàng như vậy.

- Bọn chúng sẽ không bỏ qua cho đệ. Cho nên từ nay về sau đệ phải cẩn thận.

Quách Tuân bình thản nói tiếp:

- Nhưng chuyện này thì có điểm khác biệt. Mã Trung Lập đánh Bát Vương gia bị thương. Nếu như xử nặng đệ thì Mã Trung Lập chính là tội chết! Điểm này bọn họ hiểu rất rõ.

Địch Thanh rốt cuộc hiểu ra, nói:

- Cho nên bọn họ đành phải để phủ Khai Phong kết án qua loa, toàn bộ chuyện lớn đều hóa nhỏ?

Quách Tuân như nở nụ cười nơi khóe miệng, nói tiếp:

- Đệ nói không sai. Tội danh của đệ là đánh nhau hung hãn, lỡ tay làm người ta bị thương. Cho nên Mã Trung Lập cũng giống thế, vô tình làm Bát Vương gia bị thương. Đệ bị giam nửa năm, gã đó vẫn nằm liệt giường. Chuyện này chỉ cần Bát Vương gia không truy cứu và Thái Hậu không đề cập nữa, như vậy là được rồi.

Trong lòng thì thầm nghĩ: cách xử lý này vốn nằm trong dự liệu. Nhưng kỳ quái là Bát Vương gia vì sao lại đứng ra làm chứng cho Địch Thanh?

Địch Thanh thở dài, nói:

- Cuối cùng đệ cũng hiểu được tác dụng của quyền lực...

Hắn còn định nói tiếp cái gì đó, nhưng rồi lại không thốt ra câu nào.

- Địch Thanh, đệ sai rồi.

Quách Tuân dừng bước, xoay người nhìn Địch Thanh, ánh mắt sáng quắc, nói:

- Ở nơi này, quyền lực cũng không thể một tay che trời, cho dù là Thái Hậu cũng không thể muốn làm gì thì làm. Bởi vì, trong kinh thành còn có chí sĩ chính trực. Chuyện này đệ không có sai nên xử lý công bằng, đệ không cần bận tâm. Nhưng nếu đệ thật sự có lỗi, không ai có thể cứu đệ được.

Địch Thanh lẩm bẩm nói:

- Bốn chữ xử lý công bằng, nói thì dễ nhưng muốn làm không phải chuyện dễ dàng.

Hai mắt đột nhiên sáng ngời, hỏi:

- Quách đại ca, huynh muốn dẫn đệ đi gặp chí sĩ chính trực sao?

Quách Tuân tràn đầy vui mừng:

- Đệ không ngốc tí nào, huynh dẫn đệ đi gặp một người, tên là ...

Lời còn chưa dứt liền nghe thấy tiếng keeng keeng thật lớn, là tiếng thanh la truyền đến. Tiếng thanh la này cực kỳ vang dội, chẳng những cắt đứt lời Quách Tuân, mà còn chấn động làm tuyết đọng trên cành cây rơi xuống rào rào.

Quách Tuân chăm chú nhìn, trông thấy một cỗ kiệu dừng ở cách đó không xa. Địch Thanh vừa nhìn thấy cỗ kiệu kia thì kinh ngạc vô cùng, hắn chưa bao giờ trông thấy cỗ kiệu kỳ quái như thế. Cái này có thể gọi là kiệu sao? Còn không bằng gọi là cái giường đi, bởi vì nó không có nóc và không có cái kiệu nào lại rộng lớn đến như vậy. Nhưng gọi là kiệu cũng không sai vì chưa từng thấy ai khiêng một cái giường đi trên đường cái bao giờ cả!

Nơi cuối đường bỗng xuất hiện tám tên Lạt Ma (1), trong tay tám tên Lạt Ma cầm một bộ bạt(2) lớn, mỗi lần bước mười bước sẽ cùng nhau vỗ bạt một cái. Âm thanh vang dội mới vừa rồi, chính là tám bộ bạt cùng vỗ tạo nên, chẳng trách được muốn điếc cả tai.

(1) Lạt Ma (喇嘛): thầy tu ở Tây Tạng (cách gọi tôn kính các nhà sư theo đạo Lạt Ma ở Tây Tạng, Trung Quốc)

(2) Bạt (钹): xập xõa, não bạt, chập cheng (một loại nhạc khí) http://hudong.com/wiki/%E9%92%B9

Sau tám tên Lạt Ma này còn có mười sáu tên Lạt Ma đang khiêng cỗ kiệu rộng lớn kỳ quái kia. Trên kiệu chỉ ngồi một người. Người này cũng là Lạt Ma nhưng cởi trần nửa người. Tuy thân thể hơi gầy gò nhưng bắp thịt săn chắc như sắt. Ở trong tuyết lạnh gió rét, toàn thân người này vẫn tỏa ra nhiệt khí như có như không. Phiên tăng(3) miệng to, đầu to, lỗ mũi hếch lên trời, nhìn thoáng qua sẽ thấy cái lỗ mũi còn muốn to hơn cái mũi.

(3) Phiên tăng: tăng nhân người Thổ Phiên.

Địch Thanh cảm thấy tên Lạt Ma này rất quái dị, cảm nhận này khó nói bằng lời. Đường đường là Biện Kinh mà sao những Lạt Ma này lại càn quấy đến thế? Địch Thanh ở kinh thành đã nhiều năm nhưng chưa từng nhìn thấy Lạt Ma nào càn quấy như vậy.

- Quách đại ca...

Địch Thanh vốn định hỏi lai lịch của Lạt Ma này, đột nhiên phát hiện sắc mặt Quách Tuân cực kỳ khó coi, trong mắt lộ vẻ cảnh giác và hồi ức. Địch Thanh rùng mình, câu hỏi vừa đến đầu lưỡi liền nuốt trở xuống.

Những Lạt Ma này nhìn bước đi có vẻ chậm, nhưng thoắt cái đã đến bên cạnh Quách Tuân và Địch Thanh. Trời giáng tuyết lạnh, gió rét thấu xương, trên đường phố không người qua lại, cho dù có người thì khi nhìn thấy thanh thế này, cũng sớm tránh sang một bên mà đi. Quách Tuân kéo Địch Thanh lui về phía sau hai bước, y vẫn trầm mặc không nói gì. Lạt Ma trên kiệu đột nhiên hừ lên một tiếng, đôi mắt khép hờ bỗng nhiên mở ra, hắn quay qua nhìn Quách Tuân.

Đôi mắt ấy không ngờ lại có màu xanh biếc.

Địch Thanh cảm thấy trong đôi mắt ấy ẩn chứa bí mật vô cùng vô tận, thiếu chút nữa bị ánh mắt ấy hấp dẫn. Quách Tuân lập tức bước lên nửa bước chắn trước mặt Địch Thanh, che khuất tầm nhìn của hắn. Địch Thanh rùng mình một cái, nhất thời không hiểu vừa rồi bị gì. Ở trên kiệu, Lạt Ma nhìn chòng chọc Quách Tuân trong chốc lát, cỗ kiệu không dừng lại mà dần dần đi xa.

Nhưng ánh mắt thâm thúy và ý vị sâu xa của Lạt Ma kia, vẫn quanh quẩn trong đầu Địch Thanh giống như băng tuyết khó dứt. Sau khi cỗ kiệu biến mất ở đầu đường, Quách Tuân mới thu hồi ánh mắt, hừ lạnh một tiếng, lẩm bẩm nói: Là hắn sao? Sao hắn lại đến nơi này?

Địch Thanh không hiểu hỏi:

- Quách đại ca, Lạt Ma kia có lai lịch gì?

Quách Tuân lắc đầu, nói:

- Đệ không cần biết. Nhưng sau này, đệ đừng có đi trêu chọc kẻ này.

Trong giọng nói của gã tràn đầy vẻ đề phòng, lại như là nhớ tới chuyện gì đó. Đột nhiên nghe ở một bên có người nói:

- Aizz, còn ra thể thống gì nữa.

Quách Tuân nhìn sang, thấy có một người trông có vẻ như văn sĩ ở trên tửu lầu đang lắc lắc đầu. Ánh mắt Quách Tuân chớp động, quay qua nói với Địch Thanh:

- Đến tửu lâu uống vài chén đi.

Địch Thanh thấy Quách Tuân không nói rõ nên cũng không tiện hỏi nhiều. Hắn liền đi theo Quách Tuân lên tửu lầu.

Ngoài lầu băng đông tuyết lạnh, trong lầu lại ấm áp như xuân. Ở đại sảnh tửu lầu, sớm đã có tửu khách nghị luận ồn ào, Quách Tuân cũng không để ý tới, trực tiếp đi lên lầu hai.

Địch Thanh lên tới lầu hai, thấy có một người ngồi dựa vào cửa sổ gần đường phố, hai mắt không khỏi sáng ngời. Quần áo người này đơn sơ, giặt nhiều đến nỗi bạc màu. Vì quay lưng về phía này nên Địch Thanh nhìn không thấy diện mạo của y. Thân hình người này hơi mập, trên bàn chỉ có một bầu rượu và một đĩa muối thạch anh(4).

(4) Muối thạch anh: lấy ra từ mỏ khoáng thạch muối thạch anh thiên thiên. Thường dùng làm đèn, có ánh sáng nhu hòa đặc trưng và tạo nên vùng không khí rất tốt, có lợi cho sức khỏe.

Địch Thanh phát hiện người này là một tửu khách chân chính, bởi vì chỉ có tửu khách chân chính mới không cần đồ nhắm, chỉ dùng muối thạch anh để uống rượu, bọn họ không muốn để cho mùi vị khác làm ảnh hưởng đến hứng thú phẩm rượu. Người này không hề nghèo, bởi vì đĩa muối thạch anh kia không rẻ chút nào. Nhưng nhìn vào quần áo thì lại giống như một thư sinh nghèo. Đây rốt cuộc là dạng người gì? Địch Thanh thầm nghĩ trong lòng, đây là người mà Quách đại ca muốn dẫn mình đi gặp sao? Người này có năng lực gì chứ?

Người này đang nhìn ngắm đường phố, tuy y hơi mập nhưng nhìn bóng lưng lại có cảm giác rất cô độc. Quách Tuân vừa định cất bước thì đột nhiên thấy người đó cầm một cây đũa trúc trên bàn, sau đó gõ nhẹ lên cạnh đĩa sứ men xanh, tiếng đinh đinh đang đang vang lên. Âm thanh này dù không bì được với tiếng đàn êm tai của Trương Diệu Ca, nhưng rất có khí khái.

Quách Tuân bỗng nhiên dừng lại không bước nữa. Y đứng yên lắng nghe âm hưởng này. Địch Thanh không hiểu chút nào, không biết Quách Tuân rốt cuộc định làm gì.

Lúc này người đó lẩm bẩm đọc:

Nhân thế vô bách tuế,

Khuất chỉ tế tầm tư,

Dụng tẫn cơ quan,

Đồ lao tâm lực.

Niên thiếu si,

Lão thành tiều tụy,

Chích hữu trung gian kinh niên,

Xuân phong đắc ý,

Nhẫn bả phù danh khiên hệ?

(Đời người không trăm tuổi, bấm đốt tay nghĩ kỹ, dùng hết cơ mưu, uổng phí tâm lực. Tuổi trẻ si, tuổi già tiều tụy, chỉ có khoảng giữa cuộc đời, tinh lực tràn trề, nhưng lại vương vấn hư danh?)

Sau khi đọc xong, y bèn nhấp một hớp rượu, khẽ thở dài, hình như đang có chuyện khó xử gì đó. Giọng y u buồn, giống như đã nếm trải đủ mùi đời. Giọng người này tuy trầm thấp, nhưng Quách Tuân và Địch Thanh đều nghe được rõ ràng. Quách Tuân đầy thất vọng, dáng vẻ đăm chiêu.

Địch Thanh nghe xong, không ngờ lại ngây cả người. Hắn cảm thấy bi thương trào dâng, chỉ muốn khóc òa một trận. Thưở nhỏ, hắn rất thích dốc sức đánh nhau, rất ít đọc sách. Mà mẫu thân thì rất kỳ vọng vào hắn nên dạy hắn biết chữ. Vì vậy, Địch Thanh cũng không phải nhìn chữ mà không biết đọc, nhưng nếu bàn tới văn chương thì như đuôi ngựa xuyên đậu hũ - không cần đề cập đến.

Dù vậy hắn vẫn hiểu được ý trong bài từ này, bởi vì bài này chỉ có người khổ tâm mới hiểu. Ý người này nói: đời người không quá trăm năm, thưở nhỏ thì không biết xét đoán, tuổi già lại quá hiểu chuyện, chỉ có giữa khoảng này là có nhiệt huyết nhất, đáng tiếc lại chìm trong mưu cầu danh lợi, lầm lỡ cả đời.

Tuổi trẻ si, tuổi già tiều tụy, chỉ có khoảng giữa cuộc đời, tinh lực tràn trề, nhưng lại vương vấn hư danh? Chỉ mấy lời hờ hững đã nói hết đời người ngắn ngủi, Địch Thanh suýt nữa rơi lệ.

Tuy Quách Tuân cũng bị gợi lên chuyện xưa, nhưng dù sao vẫn còn nhớ mục đích đến đây. Gã vừa định cất bước đi qua thì thấy một văn nhân đã ở trên lầu từ sớm đến trước người đó, khẽ gật đầu chào nói:

- Hi Văn huynh cho mời, không biết có gì chỉ giáo?

Người ngâm từ đứng lên thở dài nói:

- Tống đại nhân chịu đến đây, hạ quan cảm kích khôn cùng.

Tống đại nhân khoát tay nói:

- Hôm nay chỉ luận thơ phẩm rượu, không bàn việc công. Không biết Hi Văn huynh mời tại hạ đến đây, có định cùng tại hạ đạp tuyết tìm mai(5) không?

(5) Đạp tuyết tìm mai (踏雪寻梅): đề cập đến một thú vui tao nhã của văn nhân, thi sĩ: vừa ngoạn cảnh vừa đàm luận, sáng tác thơ văn.

Hi Văn huynh đổi cách xưng hô nói:

- Tuy Tống huynh không muốn bàn việc nước, nhưng thật không dám giấu diếm, tại hạ lần này mời huynh đến đây, chính là có quan hệ tới việc nước.

Sắc mặt của Tống đại nhân khẽ biến, Hi Văn huynh nói tiếp:

- Tống huynh còn nhớ bốn chữ ‘Vi thần bất trung’ không?

Tống đại nhân tức giận không vui nói:

- Thì ra Hi Văn huynh gọi tại hạ đến đây, chỉ muốn châm biếm tại hạ?

Địch Thanh nghe không hiểu, quay qua nhìn Quách Tuân, thấy y dõng tai lắng nghe nên không tiện dò hỏi. Hắn đành phải nhẫn nại tiếp tục nghe.

Hi Văn huynh lắc đầu nói:

- Cũng không phải, tại hạ chỉ cảm thấy mình 'bất trung' mà thôi.

Sắc mặt Tống đại nhân biến đổi không ngừng, hồi lâu mới hỏi:

- Vì sao Hi Văn huynh nói ra lời này?

Hi Văn huynh rót cho Tống đại nhân một chén rượu nói:

- Tống huynh chắc hẳn biết chuyện Giao Tự (6) vào mấy ngày sau?

(6) Giao Tự (郊祀): lễ cúng tế trời đất ở ngoài thành. Phía nam thành cúng trời, phía bắc thành cúng đất.

Tống đại nhân nói:

- Hiện giờ, văn võ trong triều đều biết việc này. Thánh Thượng, Thái Hậu tế bái thiên địa, cầu phúc cho muôn dân, đây là chuyện may mắn của quốc gia.

Hi Văn huynh thản nhiên hỏi:

- Tống huynh nghĩ thế thật sao?

Tống đại nhân cau mày hỏi lại:

- Hi Văn huynh có ý gì?

Hi Văn huynh nói:

- Nếu thật như Tống huynh nói thì đúng là chuyện may mắn của quốc gia. Nhưng Tống huynh có lẽ biết rõ, lần này cũng giống như lễ Trường Ninh, Thánh Thượng sẽ dẫn văn võ bá quan đến điện Hội Khánh chúc thọ Thái Hậu, sau đó mới đến điện Thiên An tiếp nhận triều bái.

Tống đại nhân chậm rãi nói:

- Đó là sự hiếu thuận của Thánh Thượng, hình như...hình như...

Hắn vốn định nói gì đó, nhưng thấy Hi Văn huynh nhìn hắn trân trân. Trên mặt lộ ra vẻ hổ thẹn, rốt cuộc nói không nên lời.

Hi Văn huynh hỏi:

- Hình như cái gì? Sao Tống huynh không nói tiếp? Tưởng Thiên tử hữu sự thân chi đạo, vô vi thần chi lễ; hữu nam diện chi vị, vô bắc diện chi nghi. Nhược phụng thân vu nội, hành gia nhân lễ khả dã! (Khi Thiên tử bày tỏ đạo hiếu, thì không dùng lễ bề tôi; đã ngồi hướng Nam, thì đừng quay hướng Bắc. Nếu phụng dưỡng người thân bên ngoại, thì có thể dùng lễ người nhà vậy!) Nhưng đằng này, Thánh Thượng và bách quan tề tựu, hướng Thái Hậu triều bái, mất quân thể, giảm chủ uy, không thể làm gương cho hậu thế. Cứ thế mãi, thiên hạ đại loạn không còn xa nữa.

Tuy Hi Văn huynh vẫn bình tĩnh, nhưng giọng điệu hùng hồn dọa người.

Địch Thanh nghe được không hiểu gì hết. Hắn thầm nghĩ: hai người này chắc là đang bàn chuyện tế thiên của tiểu hoàng đế và Thái Hậu, Hoàng đế muốn nhân dịp tế thiên đến điện Hội Khánh mừng thọ Thái Hậu, vậy tại sao Hi Văn huynh không đồng ý nhỉ? Hi Văn huynh nói cái gì ‘thiên hạ đại loạn không còn xa nữa’, khiến hắn cũng có chút buồn lo vô cớ.

Tống đại nhân cười lạnh nói:

- Hi Văn huynh nói với tại hạ có tác dụng gì? Chẳng lẽ muốn tại hạ đến nói Thánh Thượng làm không đúng?

Hi Văn mỉm cười nói:

- Tại hạ đúng là có ý nghĩ này.

Tống đại nhân cười ha ha nói:

- Vậy Hi Văn huynh muốn tại hạ làm chuyện gì đây? Chẳng lẽ nghĩ khoe tài miệng lưỡi như Tô Tần(8) sao?

Hi Văn huynh chậm rãi nói:

- Những lời của tại hạ hôm nay, ngày hôm qua đã trình lên Lưỡng Phủ.

Tống đại nhân cứng miệng, mặt hiện lên vẻ xấu hổ. Hi Văn huynh nói:

- Hôm nay mời Tống huynh đến đây, tại hạ không muốn làm khó, chỉ cầu Tống huynh nhớ chuyện 'Vi thần bất trung' ngày đó, có thể hoàn toàn giác ngộ, rửa sạch nỗi nhục lúc trước. Đó chính là hạnh phúc của thiên hạ, hạnh phúc trong triều đình. Tại hạ biết mình không có tư cách nổi giận, nhưng nhìn văn võ cả triều, không người nào dám nói, nay từ bỏ hư danh, bị giáng chức là điều chắc chắn. Tại hạ chỉ mong có thể dùng vài câu làm cho chí sĩ tri thức trong triều thức tỉnh, dù chết cũng không hối tiếc.

Lời của Hi Văn huynh càng lúc càng hùng hồn, nói năng rất khí phách, Tống đại nhân dường như xấu hổ, hồi lâu không nói gì. Không biết qua bao lâu, Tống đại nhân rốt cuộc nói:

- Hi Văn huynh, tại hạ cũng muốn kể cho huynh nghe một câu chuyện.

Hi Văn huynh khôi phục lại bình tĩnh, nói:

- Tống huynh, mời kể.

Tống đại nhân nói:

- Cây rừng sum suê, có chim ẩn nấp trong đó. Khi thợ săn đi qua, muôn chim yên lặng, không con nào dám lên tiếng. Nhưng có một chú chim không chịu im lặng, nó hót ríu ra ríu rít nên bị thợ săn phát hiện dấu vết, một mũi tên bắn xuyên qua, lập tức toi mạng. Con chim đó không ngờ mình nhiều chuyện lại gặp tai họa này. Nếu nó chịu im lặng như những con chim khác thì có lẽ đã sống thêm được mấy năm, Hi Văn huynh, huynh nghĩ xem có đúng không?

Hi Văn huynh thở dài nói:

- Đa tạ Tống huynh nhắc nhở. Nhưng thà hót mà chết, không im mà sống!

Giọng nói này tuy trầm thấp, Quách Tuân nghe xong, thân hình vạm vỡ chấn động, trong mắt biểu lộ sự kính trọng. Tuy Địch Thanh không rõ ràng cho lắm, nhưng nghe thanh âm này vang lên hùng hồn, vô cùng có khí phách, chẳng biết tại sao trong lòng cũng sôi trào nhiệt huyết.

Thà hót mà chết, không im mà sống! Tám chữ này mạnh mẽ sắc bén, đâm thẳng vào lòng khiến cho khuôn mặt Tống đại nhân tái nhợt. Nó cũng phá đi sự yên lặng khó tả trong tửu lầu, còn khuấy động làm khí phách hăng hái không lùi bước thức tỉnh khỏi cơn ngủ mê.

Tiếng gió rét ngừng lại, trên lầu im ắng tĩnh lặng. Chỉ còn tuyết nhẹ nhàng bay, giống như bóng lưng cô độc kia, không lời ----- nhưng cố chấp như mùa đông.

Trong mắt Tống đại nhân cuối cùng hiện lên vẻ tôn kính. Y dường như bị tám chữ kia kích động tâm tình, trầm ngâm thật lâu mới nói:

- Hi Văn huynh sẽ không lẻ loi!

Nói xong câu này, y uống cạn chén rượu rồi đứng dậy đi xuống lầu.

Hi Văn huynh cũng không ngăn lại và cũng không đưa tiễn, y chỉ thở dài một tiếng rồi nhấc chén rượu lên, sau đó trầm mặc. Lúc này, Quách Tuân mới đi qua ôm quyền nói:

- Phạm đại nhân, Quách Tuân có lễ.

Hi Văn huynh nghe thấy, xoay người nhìn lại, khóe miệng nở nụ cười, nói:

- Thì ra là Quách chỉ huy sứ.

Nhìn thoáng qua Địch Thanh bên người Quách Tuân, Hi Văn huynh hỏi:

- Đây là Địch Thanh sao?

Địch Thanh lúc này mới nhìn thấy dung mạo Hi Văn huynh. Khuôn mặt này vô cùng trắng trẻo, nhưng có chút ảm đạm. Khóe mắt đã có nếp nhăn, tràn đầy gian khổ. Lần đầu tiên nhìn thấy Hi Văn huynh, Địch Thanh cảm thấy người này rất cô đơn, nhưng khi nhìn đôi mắt người này, Địch Thanh lại phát hiện mình đã sai, rất sai.

Đôi mắt sáng ngời cố chấp này, ôn nhu đa tình, làm cho người ta sau khi nhìn thấy sẽ đột nhiên phát hiện ra. Thì ra con người đa tình này sở dĩ u sầu thở than, tuyệt không phải vì bản thân. Y không cần người ta cảm thông, bởi vì y đang thương cảm đến chính người đời.

Quách Tuân nói tiếp:

- Phạm đại nhân đoán không sai, hắn chính là Địch Thanh. Lần này hắn có thể ra ngoài, còn phải rất cảm ơn Phạm đại nhân dâng thư nói thẳng, minh oan cho Địch Thanh.

Địch Thanh sửng sốt, ngơ ngác nhìn Phạm đại nhân. Hắn có phần không thể tin nổi. Một người như vậy, không quen biết gì với hắn, lại không sợ đắc tội với Thái Hậu, dâng thư kêu oan cho hắn?

Phạm đại nhân nở nụ cười, nói:

- Chỉ huy sứ không cần cảm tạ, đây là bổn phận của ta mà thôi.

Quách Tuân xúc động nói:

- Nếu trên đời này ai cũng như Phạm đại nhân thì....

Phạm đại nhân khoát khoát tay cắt đứt lời Quách Tuân, nhấc bầu rượu lên rót đầy ba chén nói:

- Hôm nay từ biệt, không biết lúc nào gặp lại, một ly rượu nhạt, hẹn ngày tái ngộ.

Y uống cạn chén rượu, rồi gật gật đầu chào, sau đó đi xuống lầu. Quách Tuân bưng chén rượu lên, cất giọng nói:

- Phạm đại nhân, gió mạnh tuyết lạnh, mong người bảo trọng!

Phạm đại nhân gật đầu rồi đi xuống lầu, chẳng mấy chốc đã khuất bóng vào màn đêm. Quách Tuân cau mày, chán nản ngồi xuống. Địch Thanh bây giờ mới có dịp hỏi:

- Quách đại ca, Phạm đại nhân này rốt cuộc là người nào? Vừa rồi bọn họ đang thảo luận chuyện gì thế?

Quách Tuân phục hồi lại tinh thần, uống một hơi cạn sạch rượu trong chén, giải thích nói:

- Phạm đại nhân tên là Phạm Trọng Yêm, hiện nay đang giữ chức Giáo lý(9) của Bí Các(10). Tống đại nhân tên là Tống Thụ, hiện đang là Hàn Lâm học sĩ của triều đình.

(9) Giáo lý (校理): chức quan quản lí các sự vụ về Bí Các, như chỉnh lí, khảo đính.

(10) Bí các (秘閣): Tàng Thư, là nơi cất chứa sách vở, thư họa... của triều đình Trung Quốc xưa.

Địch Thanh đem tên của Phạm Trọng Yêm nhớ thật kỹ, không nhịn được nói:

- Chức vị Giáo lý của Bí Các thua kém hơn nhiều Hàn Lâm học sĩ, nhưng thoạt nhìn đối với Phạm đại nhân, Tống Thụ rất … tôn kính?

Hắn trong lúc nhất thời không tìm được từ phù hợp, ngược lại cảm thấy Phạm Trọng Yêm giống như là cấp trên của Tống Thụ.

Quách Tuân dõi mắt nhìn Địch Thanh nói:

- Đệ phải hiểu một điều, muốn nhận được sự tôn trọng của người khác thì không thể nào dựa vào quyền thế và quan chức, mà phải nhìn vào cách đối nhân xử thế của người đó. Quyền thế và quan chức chỉ có thể khiến cho người ta e ngại, chứ không thể khiến cho người ta kính trọng!

Địch Thanh lặng yên nghiền ngẫm lời mà Quách Tuân nói, rồi cảm thấy có chút giác ngộ.

Quách Tuân tự rót cho mình một chén rượu, nói tiếp:

- Phạm đại nhân dù quan vị thấp kém, nhưng trong kinh thành được rất nhiều người kính trọng. Nếu bảo huynh đánh giá Phạm đại nhân, huynh chỉ có thể dùng tám chữ để hình dung, 'Lòng lo thiên hạ, vì nước quên thân!'

Quách Tuân hiếm khi đánh giá người khác, nhưng khi nói đến Phạm Trọng Yêm, trong mắt tỏ vẻ tôn kính.

Lòng lo thiên hạ, vì nước quên thân, Địch Thanh nghe đến tám chữ này, hồi lâu mới hỏi:

- Quách đại ca, người này thực sự xứng với lời bình này sao?

Quách Tuân bưng chén rượu, ngắm tuyết bay, một lúc sau mới nói:

- Y vốn tên là Chu Thuyết, Phạm Trọng Yêm là tên sau này của y. Phụ thân y mất sớm, mẫu thân vì là thiếp nên bị người Phạm gia do tranh giành gia tài mà đuổi ra khỏi nhà, nàng tái giá đến Chu gia. Y thuở nhỏ hiếu học, đến khi biết thân thế chân chính của mình thì hổ thẹn vì đổi họ nên bỏ đến phủ Ứng Thiên cầu học. Huynh nghe nói khi đó y cực kỳ bần hàn, vào mùa đông, dựa vào cháo nóng mà sống qua ngày. Mỗi ngày y cho cháo đông lại rồi chia thành bốn phần, mỗi ngày hai bữa, mỗi bữa thì ăn hai phần. Lúc tiên đế tại vị, y vượt qua khảo thí khoa cử trở thành tiến sĩ, từ đó theo đường quan trường. Sau đó y đón mẫu thân lên phụng dưỡng, cũng sửa trở lại họ Phạm, tự lập môn hộ.

Địch Thanh cảm khái nói:

- Phạm đại nhân ý chí kiên cường, khiến cho người ta kính nể.

Quách Tuân ảm đạm cười nói:

- Một người như vậy, cho dù có chút căm ghét thế tục, nhưng huynh nghĩ cũng có thể cảm thông. Dù tuổi thơ y bất hạnh và gặp nhiều trắc trở, nhưng sau khi tham chính thì thanh liêm như nước, cứu tế thiên hạ. Chỉ cần gặp chuyện bất bình, mặc cho đối thủ là ai. Y đều muốn chống lại đến cùng. Vì thế tuy y có tài cao, nhưng tại quan trường chìm nổi vẫn thủy chung khó mà được triều đình trọng dụng. Khi y bị giáng chức đến Thái Châu, thấy đê biển không được tu sửa liền dẫn người xây đắp mấy trăm dặm đê biển, giúp cho ngàn vạn dân chúng tránh khỏi cảnh cửa nát nhà tan. Khi y đến phủ Ứng Thiên dạy học thì trợ giúp vô số thư sinh nghèo khổ, bản thân quanh năm chỉ mặc một bộ quần áo. Y mặc dù có quan vị thấp kém nhưng khi gặp bất bình sẽ phản đối, tuyệt không lặng yên mà sống. Như chuyện của đệ vậy, mặc dù rất nhiều người biết đệ oan uổng, nhưng thật sự dám dâng thư, đắc tội Thái Hậu, trong triều chỉ có một mình y!

Tâm tình Địch Thanh kích động, hối hận nói:

- Khi nãy, đệ quên cảm tạ người rồi. Dường như người đang gặp chuyện rất khó khăn, lúc đó nói với Tống Thụ cái gì mà ‘Vi thần bất trung’, nghĩa là gì vậy?

Quách Tuân giải thích:

- Năm đó, Thái Hậu mới vừa nhiếp chính, nịnh thần Đinh Vị nắm hết quyền hành. Hắn liền ra lệnh cho Tống Thụ, lúc đó là Tri Chế cáo(11), khởi thảo chiếu thư vu cáo tất cả các đối thủ chính trị như danh thần Khấu Chuẩn, Lý Địch, sau đó giáng chức đuổi khỏi kinh thành. Khi đó, văn võ bá quan toàn triều đều khuất phục dưới bạo quyền của Đinh Vị, Tống Thụ cũng không ngoại lệ. Tuy Tống Thụ biết Khấu Chuẩn và Lý Địch đều là trung thần, nhưng trên chiếu thư lại khiển trách Khấu Chuẩn là "Vi thần bất trung" , còn phê bình Lý Địch là "Phụ hạ tế ác”(12). Tống Thụ tự cho mình là thanh liêm chính trực, nên chuyện này có thể nói là nỗi nhục cả đời của hắn. Phạm công đề cập đến chuyện "Vi thần bất trung", cũng không phải là muốn vạch trần vết sẹo của Tống Thụ mà quá nửa là muốn khích lệ Tống Thụ, lần trước không kiên định nên để lại tiếc nuối cả đời, hi vọng lần này hắn có thể kiên định.

(11) Tri Chế cáo (知制诰): Chức vị thời xưa, người khởi thảo chiếu lệnh.

(12) “Phụ hạ tế ác”: bao che cấp dưới làm chuyện ác.

Địch Thanh không hiểu hỏi:

- Phạm đại nhân muốn Tống Thụ khuyên Hoàng Thượng đừng chúc thọ Thái Hậu sao? Điều này cũng đâu có vấn đề gì đâu?

Quách Tuân nhìn quanh bốn phía, thấy xung quanh không còn tửu khách nào nữa mới nhỏ giọng nói:

- Địch Thanh, có rất nhiều chuyện đệ chưa biết. Bây giờ, tuy Thái Hậu buông rèm chấp chính, nhưng Thiên tử đã trưởng thành. Rất nhiều người đều hi vọng Thái Hậu sớm trao trả triều chính cho Thiên tử, nhưng Thái Hậu dường như không hề có ý định này. Vì vậy rất nhiều người lén lút rỉ tai nhau, Thái Hậu muốn làm Hoàng đế.

Địch Thanh rùng mình, nhớ tới lời của Trương Ngọc đã nói ở Tây Hoa môn trước đây, bừng tỉnh hỏi:

- Cho nên Thái Hậu thà chết chứ không dùng Khấu Chuẩn, chỉ dùng người thân tín là vì muốn chuẩn bị để cướp ngôi sao?

Quách Tuân thở dài nói:

- Thái Hậu rốt cuộc có cướp ngôi hay không, không ai biết rõ ràng. Nhưng mấy năm gần đây, Thái Hậu khi vi hành đều dùng Ngọc Lộ của Thiên tử, quy cách triều bái cũng càng ngày càng giống lễ nghi của Thiên tử. Mấy ngày nữa là triều đình tổ chức cúng tế đầu Đông, Thiên tử muốn dẫn quần thần đến chúc thọ Thái Hậu trước, sau đó mới cúng tế. Điều này chắc chắn sẽ làm cái bóng của Thái Hậu bao trùm lên người Thiên tử càng lớn. Thái Hậu được một tấc lại muốn tiến một thước, từng bước dò xét suy nghĩ của quần thần. Phạm công sợ Thái Hậu soán vị sẽ làm cho thiên hạ sẽ đại loạn, cho nên dâng thư phản đối việc này. Bây giờ quần thần trong triều đều ‘giữ miệng’, chỉ có Phạm công mới dám đứng mũi chịu sào. Huynh dẫn đệ đến đây chính là muốn đệ trò chuyện với y vài câu.

(13) Lộ: một loại xe lớn thời xưa. – Ngọc Lộ: Xe ngọc của vua dùng khi vi hành

Địch Thanh chợt hiểu, nói:

- Quách đại ca sợ đệ sa sút tinh thần nên muốn lấy chuyện Phạm công cổ vũ đệ?

Hắn giờ mới biết được dụng tâm sâu xa của Quách Tuân, trong lòng rất cảm kích.

Quách Tuân cười cười, thầm nghĩ: Địch Thanh cuối cùng trưởng thành rồi. Haiz, hy vọng sau này đệ ấy ít phải chịu khổ. Cả hai người đều có suy nghĩ riêng. Địch Thanh uống cạn chén rượu, cảm động nói:

- Mấy ngày nữa, đệ nhất định phải đến phủ Phạm công bái tạ. Người như vậy, thật đáng để kính trọng.

Quách Tuân lắc đầu nói:

- Không cần! Huynh nghĩ chẳng bao lâu nữa y phải rời khỏi kinh thành rồi.

Địch Thanh cả kinh nói:

- Vì sao?

Quách Tuân buồn bã nói:

- Vừa rồi, chẳng lẽ đệ không nghe thấy lời Tống Thụ nói sao? Chim đầu đàn luôn chết trước. Lần này, Phạm công dâng thư phản đối chuyện Thiên tử dẫn văn võ bá quan đến chúc thọ Thái Hậu, e rằng không đến hai ngày nữa y sẽ bị tống cổ khỏi kinh thành! Vừa rồi, lúc y xướng: 'nhưng lại vương vấn hư danh?', huynh đã biết rõ dụng ý của y.

Địch Thanh kinh ngạc hỏi:

- Ý huynh là Phạm công biết mình sẽ bị giáng chức, nhưng vẫn muốn dâng thư?

Đột nhiên nghĩ đến lúc sắp chia tay, Phạm Trọng Yêm có nói: "Hôm nay từ biệt, chẳng biết lúc nào gặp lại." Địch Thanh rốt cuộc hiểu rõ, nhớ tới bóng lưng cô độc kia, trong lòng bỗng dưng thấy chua xót.

- Đúng vậy, đây chính là Phạm Trọng Yêm, một Phạm Trọng Yêm liêm chính!

Quách Tuân đặt chén rượu đã cạn xuống, gõ nhẹ lên bàn thở dài:

- Người như thế, đệ nên gặp mặt một lần. Đó cũng là lí do hôm nay huynh dẫn đệ đến đây.

Gã đứng dậy bỏ chút bạc vụn xuống, cất bước đi xuống lầu. Chẳng bao lâu sau, có một cấm quân vội vàng chạy đến, mừng rỡ nói:

- Chỉ huy sứ, quả nhiên người ở chỗ này, Thái Hậu triệu người vào cung gấp.

Quách Tuân ngạc nhiên, không biết Thái Hậu tuyên triệu có chuyện gì. Quay đầu nói với Địch Thanh:

- Đệ về trước đi, huynh vào trong cung.

Địch Thanh gật đầu. Hắn thấy gió tuyết đầy đường, dõi mắt nhìn Quách Tuân rời đi, khi bóng đã khuất mới xoay người cất bước về hướng Quách phủ. Hắn uống chút rượu, mượn cảm giác say, nhớ lại những chuyện đã phát sinh trong quán rượu mới nãy, lúc thì tâm tình kích động, lúc thì đau lòng xót dạ.

Tuổi thơ của hắn vốn gắn liền với miền thôn quê, bản tính thiện lương, hắn dựa vào chút bản lãnh, khi gặp phải chuyện bất bình rất thích dây vào. Nhưng sau mấy lần gặp tai họa, tính cách đã thay đổi rất nhiều. Hắn có phần căm ghét thế tục, có phần ăn năn hối hận, nhưng hôm nay biết chuyện của Phạm Trọng Yêm, đột nhiên nghĩ tới Phạm đại nhân nhiều lần trải qua trắc trở, nhưng lòng vẫn lo cho thiên hạ, cớ gì mình phải cam chịu chứ?

Vừa nghĩ đến đây, Địch Thanh cảm thấy phấn chấn, gió tuyết phả vào mặt không cảm thấy rét lạnh, trái lại còn hào hứng bừng bừng. Mượn men rượu, hắn ưỡn ngực cao giọng ngâm: "Đời người không trăm tuổi, bấm đốt tay nghĩ kỹ, dùng hết cơ mưu, uổng phí tâm lực. Tuổi trẻ si, tuổi già tiều tụy, chỉ có khoảng giữa cuộc đời, tinh lực tràn trề, nhưng lại vương vấn hư danh?" Địch Thanh không thích thơ văn, nhưng thích ý cảnh thê lương của bài từ này. Đang đạp tuyết trở về, vừa tới bên cạnh một ngõ hẻm nhỏ, gió tuyết lấp đường. Hắn bỗng thấy trên một cây đại thụ ở bên kia tường hẻm có con diều giấy mắc vào.

Con diều được làm vô cùng khéo léo, phía trên có vẽ chú chim. Chú chim này có cánh hoa lệ, mỏ chim màu đỏ, hai cánh lại có lốm đốm đỏ vàng. Cả kinh thành chìm trong màu trắng xóa khiến nó tỏ ra rất rực rỡ. Địch Thanh vừa nhìn thấy con chim đó, dù không biết tên nó là gì nhưng cũng cảm thấy rất ưa thích.

Hiện giờ không phải là mùa thích hợp để chơi diều, nhưng sao lại có con diều mắc trên cành cây? Địch Thanh đột nhiên nghĩ đến, thời tiết thế này mà chơi diều, người này cô quạnh y chang con diều này. Không nghĩ thêm nữa, Địch Thanh quyết định vượt tường trèo lên cây lấy con diều xuống. Vừa định hành động, đột nhiên hắn nghe thấy có tiếng cô gái nào đó gọi:

- Này, ngươi giúp chúng ta lấy con diều xuống được không?

Địch Thanh quay đầu nhìn lại, trong lòng run lên, ở đầu ngỏ bên kia đang đứng hai cô gái. Người vừa lên tiếng là ả nha hoàn, nha hoàn này đứng bên cạnh một cô gái đang kinh ngạc nhìn hắn. Nàng mặc áo lông màu trắng, da trắng mịn màng như ngọc, bông tuyết đầy trời như những cánh hoa đang nhảy múa quanh người nàng, tôn lên khuôn mặt xinh đẹp như tranh, đôi mắt lóng lánh có thần, giống như một bức tranh sơn thủy, tuyệt diệu vô cùng.

Địch Thanh ngẩn ngơ không thốt nên lời, không ngờ còn có thể gặp lại nàng. Người này không phải ai khác, chính là cô gái mà hắn vô tình gặp được ở điện Thiên Vương.

Cô gái trước là kinh ngạc, sau đó vui vẻ hỏi: "Huynh... huynh ra rồi? Hóa ra...." Nàng bỗng đỏ mặt, mới nhớ tới mình và Địch Thanh không quen không biết, bèn khép miệng lại, về phần "hóa ra" cái gì, rốt cuộc không có nói ra.

Địch Thanh ậm ừ nói:

- Vừa mới ra không bao lâu.

Hắn đột nhiên cảm thấy tự ti mặc cảm, nghĩ mình không xứng để nói chuyện cùng nàng. Cô gái này thanh cao như thế, mình chỉ là tên cấm quân quèn, lại còn từng bị nhốt trong lao, mà các nàng trước đây còn coi mình là người không ra gì đi tranh giành nhân tình với người khác. Khi đó, mình còn đâm đầu vào nàng, làm nàng bị thương. Mặt nàng xấu hổ, có phải là cảm thấy hối hận vì đã nói chuyện với mình hay không?

Nghĩ tới đây, Địch Thanh quay đầu định đi, cô gái ấy vội gọi: "Địch Thanh, huynh chờ chút."

Địch Thanh dừng lại, trầm ngâm một lúc rồi mới quay đầu lại hỏi: "Sao cô biết tên tôi?"

Cô gái lại có chút xấu hổ, cúi đầu không nói. Nha hoàn bèn nói:

- Ở kinh thành có ai mà không biết tên ngươi chứ? Một tên cấm quân quèn mà lại dám tranh giành nữ nhân, đánh hoàng thân quốc thích trọng thương.

Cô gái quát khẽ nói:

- Nguyệt nhi, đừng nói bừa.

Nàng ngẩng đầu lên nhìn Địch Thanh đáp:

- Địch Thanh, em ấy chỉ nói đùa với huynh, mong huynh đừng trách.

Địch Thanh cười giễu, nói:

- Tại hạ có tư cách gì mà quở trách người khác chứ? Vị cô nương này, nếu như không có chuyện gì khác, tại hạ xin đi trước.

Lần đầu gặp gỡ thì sợ hãi, lần tiếp theo thì hiểu lầm, gặp lại lần nữa thì ngỡ ngàng, tất cả đều hóa thành mây khói theo tiếng cười này.

Cô gái thấy Địch Thanh muốn đi, vội hỏi:

- Huynh có thể gỡ giúp con diều đó xuống rồi hãy đi, được không? Cây này cao quá, muội lấy xuống không được.

Địch Thanh nhìn con diều, hỏi:

- Cô làm con diều này?

Thấy nàng gật đầu, Địch Thanh không nói thêm nữa, đi tới vài bước, một chân đạp lên tường, vọt lên, lại nhảy tiếp, bắt lấy cành khô, đứng ở chóp tường. Tường này cao khoảng một trượng, Địch Thanh lại có thể dễ dàng trèo lên. Hắn cảm thấy bất ngờ với thân thủ nhanh nhẹn của mình. Đồng thời cũng có chút ngạc nhiên, hắn dùng sức như thế, vậy mà trong đầu không hề đau đớn. Bệnh đau đầu tra tấn hắn nhiều năm, lẽ nào ở trong lao ngục hơn nửa năm, bây giờ nó trở nên tốt hơn rồi?

Lòng bàn tay đau rát, Địch Thanh mới phát hiện mình chỉ tập trung leo tường, tay đã bị nhánh cây quẹt chảy máu lúc nào không biết. Nhưng vết thương nhỏ này đối với Địch Thanh mà nói, thật sự không đáng bận tâm. Cẩn thận trèo lên cây, tốn một lúc lâu hắn mới gỡ được con diều xuống. Địch Thanh từ trên cây nhảy xuống, chìa tay đưa con diều cho cô gái: "Của cô."

Cô gái vừa muốn nhận con diều, đôi mắt đẹp khẽ chuyển, chợt che miệng thốt lên:

- Tay huynh chảy máu rồi!

Nàng loạng choạng mấy cái, dáng vẻ giống như sắp té xỉu đến nơi. Địch Thanh vội đỡ lấy nàng, hỏi:

- Cô không sao chứ?

Đột nhiên cảm thấy có chút không ổn, lại thấy ả nha hoàn nhìn mình lom lom, hắn vội vàng buông tay ra nói: "Nàng... Ngươi mau đỡ nàng."

Nha hoàn hừ lạnh một tiếng, đỡ cô gái nói:

- Tiểu thư, nơi này lạnh, chúng ta trở về nhà đi.

Cô gái nhìn Địch Thanh nói:

- Cám ơn huynh.

Nhìn thấy tay Địch Thanh vẫn còn chảy máu, nàng đột nhiên nói:

- Tay huynh bị thương kìa, phải băng bó lại.

Nàng nói xong, không để ý tới ánh mắt kinh ngạc của nha hoàn, không đợi Địch Thanh từ chối. Nàng lấy ra lấy ra một chiếc khăn lụa, giữ chặt tay Địch Thanh, cúi đầu băng bó vết thương cho hắn.

Địch Thanh cúi nhìn xuống, thấy làn tóc đen như mực chảy xuôi theo cái cổ mảnh khảnh trắng như tuyết, trong lòng hơi loạn, vội nghiêng đầu đi không dám nhìn nữa. Hơi thở nàng như hương lan, ngón tay có chút lạnh buốt và khăn lụa mềm mại chạm vào bàn tay, khiến Địch Thanh run rẩy sững sờ như vách đá.

Không biết qua bao lâu, cô gái cuối cùng thở ra một hơi nhẹ nhỏm, nàng nói:

- Đã băng bó kỹ rồi.

Địch Thanh vội hỏi:

- Trời lạnh, cô mau trở về đi thôi, coi chừng cảm lạnh.

Cô gái khẽ cười xinh xắn, nhận lấy con diều từ trên tay nha hoàn, dịu dàng nói:

- Cảm ơn huynh. Còn ... Cảm ơn hoa của huynh.

Nàng nói xong, khuôn mặt như bạch ngọc hơi ửng hồng, lập tức xoay người rời đi.

Địch Thanh muốn giữ lại, nhưng không có cớ gì. Hắn chợt hận miệng mình kém cỏi, khi nhìn thấy con diều kia, trong lòng chợt động, kêu lên:

- Cô nương, con chim này tên là gì vậy?

Vừa nói xong, hắn lại có chút hối hận, hối hận vì sao mình lại không hỏi tên của nàng. Nhưng hắn cất tiếng hỏi một câu này, khí lực đã giống như chảy hết ra khỏi cơ thể, thốt không nổi câu hỏi thứ hai.

Thân hình cô gái dừng lại, bóng lưng dường như thẹn thùng, nói:

- Con chim này.... gọi là .... Hồng Chủy Ngọc.

Dứt lời, bước nhanh rời đi.

Địch Thanh ngơ ngác nhìn hình bóng của nàng, lẩm bẩm nói: "Hồng Chủy Ngọc? Tên không tệ." Thật ra, hắn biết mình muốn gì, nhưng không có dũng khí tiếp tục bắt chuyện. Không biết qua bao lâu, hắn chợt cảm thấy toàn thân rét lạnh, không khỏi rùng mình một cái. Hắn phát hiện tuyết đã phủ dầy trên người. Trông hắn giống như người tuyết....

--------------------------

Chú thích:

(1) Lạt Ma (喇嘛): thầy tu ở Tây Tạng (cách gọi tôn kính các nhà sư theo đạo Lạt Ma ở Tây Tạng, Trung Quốc).

(2) Bạt (钹): xập xõa, não bạt, chập cheng (một loại nhạc khí) http://hudong.com/wiki/%E9%92%B9.

(3) Phiên tăng: tăng nhân người Thổ Phiên.

(4) Muối thạch anh: lấy ra từ mỏ khoáng thạch muối thạch anh thiên thiên. Thường dùng làm đèn, có ánh sáng nhu hòa đặc trưng và tạo nên vùng không khí rất tốt, có lợi cho sức khỏe.

(5) Đạp tuyết tìm mai (踏雪寻梅): đề cập đến một thú vui tao nhã của văn nhân, thi sĩ: vừa ngoạn cảnh vừa đàm luận, sáng tác thơ văn.

(6)

Nhân thế vô bách tuế,

Khuất chỉ tế tầm tư,

Dụng tẫn cơ quan,

Đồ lao tâm lực.

Niên thiếu si,

Lão thành tiều tụy,

Chích hữu trung gian kinh niên,

Xuân phong đắc ý,

Nhẫn bả phù danh khiên hệ?

(Đời người không trăm tuổi, bấm đốt tay nghĩ kỹ, dùng hết cơ mưu, uổng phí tâm lực. Tuổi trẻ si, tuổi già tiều tụy, chỉ có khoảng giữa cuộc đời, tinh lực tràn trề, nhưng lại vương vấn hư danh?)

Đời người trăm tuổi mấy ai

Lao tâm khổ tứ một ngày trôi xuôi

Tuổi trẻ khờ dại đã rồi

Già thì tiều tụy da mồi tóc sương

Thanh niên đang tuổi huy hoàng

Lại đem tự trói vào đường hư danh

(7) Giao Tự (郊祀): lễ cúng tế trời đất ở ngoài thành. Phía nam thành cúng trời, phía bắc thành cúng đất.

(8) Tô Tần ( 蘇秦)

(9) Giáo lý (校理): chức quan quản lí các sự vụ về Bí Các, như chỉnh lí, khảo đính.

(10) Bí các (秘閣): Tàng Thư, là nơi cất chứa sách vở, thư họa... của triều đình Trung Quốc xưa.

(11) Tri Chế cáo (知制诰): Chức vị thời xưa, người khởi thảo chiếu lệnh.

(12) “Phụ hạ tế ác”: bao che cấp dưới làm chuyện ác.

(13) Lộ: một loại xe lớn thời xưa. – Ngọc Lộ: Xe ngọc của vua dùng khi vi hành.

alt
Thiếu Niên Có Đôi Mắt Kỳ Lạ Và Thứ Nữ Hầu Phủ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Cổ Đại
Bà Chủ Trọ Muốn Được Yêu
Ngôn tình Sắc, Đô Thị
(Cao H) Dạy Dỗ Phu Quân
cao H, kết 1v1, ngôn tình
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc