Đêm hè tháng bảy, Ngọc Dao tỉnh giấc vì trời nóng. Dế kêu không ngừng, nhóc trằn trọc trở mình một lúc lâu, thở dài một hơi rồi bò dậy đẩy cửa đi ra ngoài.
Trong đình viện cũng chẳng mát mẻ là bao, trời đứng gió oi bức như một cái lồng hấp. Cỏ cây um tùm, côn trùng bay tán loạn, chẳng mấy chốc đã đốt thằng bé mấy nốt.
Nó muốn đi tìm cha, nhưng lại sợ làm phiền người. Nếu cha không bận việc, chắc chắn sẽ ở bên cạnh nó, quạt dỗ nó ngủ.
"Cha ơi, tại sao con lại sợ nóng như vậy. Đám Vương Kính không sợ đâu."
"Bởi vì Dao nhi có huyết mạch Tây U. Người Tây U sống trên thảo nguyên Tây Bắc, mùa hè ở đó ngắn, lại mát mẻ, còn mùa hè ở kinh đô đối với Dao nhi quả thật là quá nóng."
Ngọc Dao không hiểu cái gì gọi là huyết mạch. Đến tận bây giờ thằng bé cũng không biết viết chữ Tây U, nhưng cha bắt nó phải nhớ kĩ mình là người U, nên nó luôn ghi nhớ như thế. Thằng bé bắt đầu buồn ngủ vì cơn gió mát hiu hiu và chất giọng trầm dịu dàng của cha, nó mơ màng hỏi: "Năm sau Dao nhi đến thảo nguyên mát mẻ nghỉ hè được không ạ?"
"Được. Cha đồng ý với Dao nhi." Cha vuốt ve vầng trán của nó. Lòng bàn tay của cha luôn mát lạnh. Lúc Ngọc Dao sốt, cha ôm nó vào lòng, sờ trán nó, làm nó thấy chẳng còn khó chịu như lúc bệnh nữa.
Đáng tiếc không phải lần nào bị bệnh cha cũng ở bên cạnh. Cha bận rất nhiều việc. Lúc thì vào Nam, lúc thì ra Bắc, một lần đi tận mấy tháng trời. Ngọc Dao lại hay đổ bệnh, một năm mười hai tháng, nó bệnh gần hết chín tháng.
Lúc đổ bệnh không có ai ở bên cạnh lại rất tủi thân. Ngọc Dao bốn tuổi sẽ khóc to, nói: "Bạn nhỏ khác đều có cha có mẹ. Còn con không có mẹ, cha cũng không cần con nữa." Ngọc Dao lúc năm tuổi đã hiểu chuyện hơn. Nó được Thúy Thúy ca ca bế đến đài Điểm Tướng. Trên đài đại tướng, cha nó mang mũ giáp, uy nghi như thánh thần dưới ánh mặt trời. Ai nấy cũng ngẩng đầu lên nhìn người, ánh mắt sáng rỡ, mang đầy ngưỡng mộ và tin tưởng. Ngọc Dao chỉ là một trong số ngàn vạn đôi mắt kia, nó rất tự hào vì có một người cha thế này, nhưng nó vẫn hi vọng cha có thể ở bên cạnh nó nhiều hơn. Nguyện vọng trong sinh nhật lần thứ năm của Ngọc Dao chính là thiên hạ thái bình. Thiên hạ có thái bình, tướng quân mới có thể rảnh rỗi ở nhà.
Qua đêm nay, cha lại sắp đi xa. Ngọc Dao rất muốn ở với cha thêm một lúc.
Thằng bé rón rén đi tới cửa phòng cha, thấy có ánh đèn hắt lên cửa sổ, nó lại do dự. Nếu cha đã ngủ mà mình lẳng lặng chui vào lòng, chắc chắn cha sẽ không trách mình, cha sẽ chỉ lim dim cười nói: "Dao nhi sợ nóng mà còn bám cha à?". Nhưng bây giờ đêm đã khuya, đèn vẫn còn sáng mà cha vẫn bận quân vụ. Ngọc Dao chần chừ trước cửa một lúc, lại bị muỗi cắn mấy đốt, ngứa không chịu nổi. Thằng bé cúi đầu đẩy cửa. Cửa mở ra két một tiếng. Đây là Ngọc Dao đang thầm thông báo cho cha biết "Con đến rồi này", thế mà người cha trước giờ vẫn luôn cảnh giác chẳng đáp lại nó.
Ngọc Dao chậm rãi đi vào trong, nhìn thấy cha ngồi dậy ở đầu giường, nhoài người châm một muỗng phấn hương đen thùi. Sau đó ngã nằm lại giống như mất sức, suốt cả quá trình không hề nhìn thấy Ngọc Dao. Mùi hương kia mới đầu rất gay mũi, cha cũng khó chịu ho khan vài tiếng. Sau đó khói hương dần đậm lên, thần sắc cha thả lỏng, ánh mắt nhìn về phía hư không mông lung mà sáng rỡ như trong mộng. Qua một lúc, cha nở ra một nụ cười hoài niệm, khẽ gọi cái gì đó, nghe giống như tên người, gọi từng tiếng từng tiếng, càng gọi càng kéo dài, âm cuối khàn đặc, lặng lẽ sắp khóc.
Ngọc Dao chưa bao giờ nhìn thấy biểu cảm của cha nồng nhiệt như thế, tựa như vô cùng hạnh phúc, cũng giống như đau khổ tột độ.
Trong mắt Ngọc Dao, cha luôn nở nụ cười như gió thoảng mây trôi, không có gì làm khó được người. Cha là quân thần của Đại Cảnh, là trưởng quan nghiêm minh, là người cha hiền hậu, là trụ cột để mọi người dựa vào.
Ngọc Dao bỗng thấy hổ thẹn. Thằng bé cảm thấy giống như mình đã nhìn trộm một mặt mà cha không muốn người khác nhìn thấy. Nó muốn gây ra ít tiếng động, nhắc nhở cho cha về sự tồn tại của mình, nhưng hương thơm hắc ám ngọt ngào kia bất giác đã thâu tóm được nó. Cả người nó nhẹ bẫng, bệnh tình khỏe hẳn. Nó nhớ lại cánh đồng lúa mạch xanh ngát ở thành Bát Phương, cưỡi tiểu bạch mã, đi bên cạnh con hắc mã lớn của cha. Hai người thong dong thả ngựa trong cảnh xuân tươi đẹp.
"Cha ơi", thằng bé hào hứng, nói: "Nếu cứ được thế này mãi thì tốt quá."
"Dao nhi!" Nó nghe thấy tiếng quát kinh ngạc của cha, mơ màng mở to mắt, thấy cha giơ tay áo, phẩy đi khói hương.
"Mau ra ngoài!", cha trầm giọng nói: "Ra ngoài cửa đợi cha!"
Ngọc Dao hơi váng đầu, bước chân mềm nhũn, đi ra khỏi cửa. Cha nó rất nhanh đã tìm được, bế thằng bé lên, tóm lấy cổ tay nó bắt mạch. Mấy năm nay cha đã vì nó mà nắm được cơ bản y thuật.
"Mạch tượng vẫn chưa ổn định, nhưng không có gì đáng ngại." Thẩm Kính Tùng xoa ót Ngọc Dao, cười khổ nói: "Cũng may không làm hại đến Dao nhi."
Ngọc Dao ở trong lòng cha, thẹn thùng hỏi: "Cha ơi, đêm nay cha ngủ với con được không?"
Thẩm Kính Tùng cười đáp: "Tất nhiên là được."
Nửa đêm y đang dỗ Ngọc Dao ngủ, cửa nhè nhẹ mở ra, Thúy Thúy hỏi: "Có cần tôi bế nó đi không?"
Thẩm Kính Tùng mỉm cười lắc đầu.
Năm năm trước Thúy Thúy sống sót trở về từ Tây U. Chủ gánh hát chê hắn rơi vào tay địch không còn sạch sẽ nên không cần hắn nữa. Hắn nghe nói Thẩm Kính Tùng thu nhận rất nhiều Hợp loan nhi. Lúc chạy đến nhờ cậy vừa hay thấy Thẩm Kính Tùng mới làm cha đang bận đến mẻ đầu sứt trán. Thúy Thúy một tay nuôi lớn em trai, khá có kinh nghiệm trông trẻ, nên kiên quyết ở lại phủ giúp đỡ. Thẩm Kính Tùng đối đãi với hắn cũng nồng hậu, đại khái có thể xem như quản gia.
Thúy Thúy cắn môi: "Khi nãy ngài đang làm chuyện kia, chưa làm xong đúng không? Cắt ngang như thế lần sau sợ sẽ nghiện nặng hơn đấy."
***
Canh ba có mưa rơi, thổi bay đi cái nóng oi bức, mang đến một ngày mát mẻ hiếm có.
Rừng trúc trong Thương Lãng quán lạnh lẽo âm u, phất phơ yểu điệu, trên lá trúc xanh đôi lúc nhỏ xuống hạt sương, thấm ướt áo.
Thẩm Kính Tùng có một suy nghĩ làm người ta hơi mất hứng: Giả sử bờ sông phía Bắc đế đô cũng có một rừng trúc lớn thế này sinh sôi, chẳng biết phải hao phí bao nhiêu mới vừa.
Lúc này chủ nhân đã bước qua cầu son đi tới, chân rảo bước mà hoàn bội chẳng hề phát ra tiếng động, áo trắng mũ ngọc, xinh đẹp thanh thuần, môi nở nụ cười như tiết xuân ấm áp: "Tùng ca, huynh tới tìm ta có việc gì?" Mai Cựu Anh nói chuyện với mọi người đều lịch sự nho nhã, với Thẩm Kính Tùng lại không hề khách sáo.
Thẩm Kính Tùng cũng cười với hắn, trong mắt ý cười ấm áp: "Tiểu Anh, ta tới cáo biệt."
Mai Cựu Anh bất an, cười đáp: "Sao lại trịnh trọng thế?"
Thẩm Kính Tùng bình tĩnh nói: "Lần này nếu còn sống sót trở về từ sa mạc phía Tây, ta định cởi giáp."
Mai Cựu Anh nghe thấy thế liền ngẩn người, đầu óc hỗn loạn buột miệng nói: "Huynh gạt ta! Huynh nói sẽ gìn giữ Đại Cảnh ba mươi năm, bây giờ mới bao nhiêu năm?"
Thẩm Kính Tùng cẩn thận ngẫm lại: "Gần hai mươi năm rồi."
Mai Cựu Anh thẫn thờ đáp: "Đã lâu thế rồi sao..." Hắn nhìn lại nam nhân trước mặt, tuy thân hình vẫn anh tuấn như xưa, nhưng lúc cười lên khóe mắt đã in vết hằn.
Hai mươi năm tứ hải binh vẫn còn đó, tướng quân đã qua bao trận chiến sinh tử, cảnh vật bốn mùa thầm lo ngại.
Mai Cựu Anh khàn giọng nói: "Huynh đã mệt mỏi từ lâu rồi, đúng không?"
Thẩm Kính Tùng lúng túng, nói: "Ta không mệt. Nếu chỉ có mình ta, đến già đến chết vẫn làm việc. Nhưng Dao nhi đợi không được, ta muốn đưa nó đi tìm danh y chữa bệnh." Y cười buồn bã: "Nếu không chữa được, cũng có thể ở bên cạnh nó vài năm, cùng đi xem biển nam đất bắc... Ta không muốn phụ lòng nó nữa."
Mai Cựu Anh thì thầm: "Không sai, không thể phụ lòng nó nữa..."
Hôm đó rừng biến mất, núi hiện lên, cố nhân dắt ngựa đi xa.
Mai Cựu Anh nhìn bóng lưng của y, bỗng nhớ lại hai mươi năm trước. Gió xuân thổi đến đất nước phồn hoa, hắn cùng Thẩm Kính Tùng đến thăm chùa Đại Già Lam. Tuổi trẻ thích náo nhiệt, không thích nghe mấy lời Phật dạy trầm lắng, nên cứ đi tìm sạp xem bói lừa bịp người ta.
Mai Cựu Anh rút trúng một quẻ nhân duyên, có tên là "Xuân dành cho ai".
***
Bên bờ Tây Xích thủy.
Người đàn ông phương Đông tóc đen cởi giáp vàng, khoác lên bạch bào của Địch quốc. Hắn đeo mặt nạ vàng kim, tóc đen buông thõng, trên cổ và cổ tay đeo một chiếc vòng bạc. Cho dù không thấy mặt, dù cả ngày cũng chẳng nói một lời thì nhìn cử chỉ cũng thấy đây là một mĩ nhân phong độ tuyệt thế.
Hắn hóa trang thế này, lại thường lui tới ngự tiền, cho dù có chiến công hiển hách thì mọi người vẫn khó tránh nghĩ hắn có phải là nam sủng của Địch vương hay không. Nhưng Địch vương Mộ Lan tuy đã mười tám tuổi, lại chẳng cao ráo được mấy, trông xinh xắn như đóa hoa hồng, khiến người ta không đoán được ai làm nam nhân của ai.
Dưới đêm trăng, con suối trong hoa viên tuôn xuống ánh sáng màu bạc. Bên bờ suối nở đầy diên vĩ và hồng sim. Hắn đi chân trần vào giữa đình, ngang qua mấy cây cột màu trắng, ánh trăng hắt xuống chùm sáng trên hành lang vỡ vụn. Giữa lúc sáng tối chớp nháy, hắn tựa như một vị thần trên bức họa phương Đông, gió lướt trên mặt nước, hoang tàn suốt ngàn năm.
Mộ Lan nói: "Ta thích thơ ca của người Cảnh. Gặp ngươi rồi mới biết được thế nào là hờ hững vô tình cũng động lòng người."
Hắn quỳ một gối trước chỗ Mộ Lan, nghe thế chẳng nói chẳng cười, hoàn toàn chẳng hề động lòng.
Mộ Lan tháo mặt nạ của hắn xuống, ngón tay si mê di chuyển trên khuôn mặt tuấn tú không tì vết của hắn: "Đã ba năm rồi, tại sao không cười với ta một cái?"
Hắn thở dài nói: "Ngươi đúng là không biết tri ân đồ báo. Trước kia ngươi bị thương nặng như thế, cả thế gian này người có thể chữa khỏi cho ngươi cũng chỉ có mình ta."
"Nhát kiếm trên cổ chỉ là thứ yếu. Hóa ra sau chiến tranh ngươi đã không nhìn thấy gì. Lúc đó ta không phát hiện ngươi thế mà khóc tới mù mắt, đúng là đồ ngốc. Khó khăn lắm mới nhìn thấy lại, ngươi lại phát điên. Ta đành bổ đầu ngươi ra, xem xem có vấn đề ở chỗ nào không. Chữa trị suốt hai năm, mới miễn cưỡng dùng được ngươi."
"Nhưng vẫn còn hai điểm, ta chưa chữa được."
Mộ Lan một tay vuốt qua yết hầu của hắn: "Chỗ này, vết kiếm quá sâu, không thể phát ra tiếng được nữa", một tay vuốt lên ngực trái của hắn: "Chỗ này, tâm hỏng cả rồi."