Cơ ngơi nhà Melekhov ở ngay rìa thôn. Phía sân nuôi gia súc có cái cổng nhỏ mở về hướng bắc, hướng sông Đông. Chỉ xuống một đoạn dốc đứng dài tám xa- gien 1 nằm giữa những tảng đá phấn đầy rêu xanh là tới ngay khoảng bờ sông lấm tấm những vỏ trai ốc óng ánh như xà cừ. Những đợt sóng âu yếm hôn hít dải đất ngoằn ngoèo đầy những hòn đá trứng ngỗng màu xám xám. Nhìn ra xa nữa là thấy đoạn sông Đông chảy xiết, sôi sục dưới làn gió, với những vệt sóng gợn màu thép biếc. Về phía đông, sau những rặng liễu đỏ trồng làm hàng rào quanh sân đập lúa là con đường của các ghết- man 2, những đám ngải cứu lốm đốm trắng như những làn tóc hoa râm, những bụi cỏ xa tiền um tùm màu hung hung bị vó ngựa dẫm nát.
Chỗ ngã ba có ngôi nhà thờ nhỏ, và sau nhà thờ là những đồng cỏ chìm trong làn sương mù uyển chuyển. Về phía nam, trập trùng những sống núi đá phấn. Phía tây, có một dãy phố xuyên qua một cái bãi rồi chạy thẳng ra bãi cỏ hoang bên sông.
Trong chiến dịch Thổ nhĩ kỳ lần trước 3, chàng Cô- dắc Prokofi họ Melekhov lại trở về thôn. Ở đất nước Thổ nhĩ kỳ về, Prokofi mang theo người vợ, một người đàn bà nhỏ bé, từ đầu đến chân trùm khăn choàng. Người ấy luôn luôn giấu mặt, năm thì mười hoạ mới để lộ hai con mắt âu sầu và man rợ. Tấm khăn choàng lụa toả ra những mùi hương xa xôi huyền bí, và những đường hoa thêu ngũ sắc trên lụa đã làm đám đàn bà trong thôn phải ghen tị. Người đàn bà Thổ nhĩ kỳ bị bắt trong chiến trận hết sức lảng tránh họ hàng của Prokofi, vì thế chẳng bao lâu ông già Melekhov đã phải cho con trai ra ở riêng. Ông không sao nguôi được giận, cho nên đến chết cũng không bước chân đến nhà Prokofi nữa.
Chẳng bao lâu Prokofi đã thu xếp xong nơi ăn cnốn ở: căn nhà đã có những người thợ mộc dựng cho, còn sân nuôi gia súc thì Prokofi tự tay quây lấy, và đến khi trời sắp sang thu thì anh chàng đưa người vợ dị chủng có cái lưng gù gù về cơ ngơi mới. Khi hai vợ chồng đi theo chiếc xe bò chở gia tài vốn liếng qua thôn, tất cả già trẻ lớn bé đều ùa ra phố xem. Bọn đàn ông Cô- dắc chỉ cười mỉa mai một cách kín đáo sau những chòm râu, nhưng bọn đàn bà thì cứ gọi nhau ơi ới, và một bầy lóc nhóc những thằng Cô- dắc con nhớp nhúa cứ lẵng nhẵng chạy theo Prokofi mà "lêu lêu". Tuy vậy Prokofi vẫn hiên ngang ngẩng cao cái đầu cạo dành một bờm tóc màu nhạt trước trán, phanh tà áo trermen 4, bước lững thững như đang đi trên luống cày. Bàn tay đen thủi của anh nắm chắc bàn tay mảnh dẻ của vợ. Chỉ thấy những hòn tròn tròn lồi lên, chạy đi chạy lại dưới hai gò má và những giọt mồ hôi toát ra giữa hai hàng lông mày bao giờ cũng y nguyên, bất động như tạc đá.
Từ ngày ấy, ít khi có ai gặp Prokofi trong thôn, và ngay đến bãi họp việc làng, anh cũng không bước chân ra nữa. Prokofi sống cô độc như một con sói đực bỏ đàn, trong ngôi nhà của anh ven sông Đông. Xóm làng đồn đại thật nhiều điều kỳ quặc về Prokofi.
Những đứa trẻ chăn bê rong trên đồng cỏ kể lại rằng ngày ngày, hễ ráng chiều sắp bạc màu là chúng lại thấy Prokofi bế vợ đến nấm kurgan 5 Tatarsky. Anh ta đặt vợ ngồi trên đỉnh nấm kurgan, lưng quay về tấm đá đã bị bao thế kỷ mài mòn và ăn thủng lỗ chỗ, rồi ngồi xuống bên cạnh, và hai người cứ thế đăm đăm nhìn ra đồng cỏ rất lâu. Họ nhìn cho tới khi ráng chiều tắt hẳn, rồi Prokofi lại bọc vợ bằng tấm áo choàng và bế về nhà. Cả thôn moi óc tìm duyên cớ của những hành động quái dị ấy, nhưng không làm thế nào đoán được. Bọn đàn bà bận bàn ra tán vào về chuyện vợ chồng nhà nầy nên chẳng còn đâu thì giờ bới lông tìm vết lẫn nhau nữa. Về người vợ của Prokofi thì mỗi người nói một phách: có người nói chắc chắn rằng người ấy có sắc đẹp khác thường, có người lại nói khác hẳn. Tất cả chỉ vỡ lẽ sau khi Mavra, một ả vợ lính vắng chồng liều lĩnh không ai bằng đã mượn cớ xin men rượn mới để đến nhà Prokofi. Trong khi Prokofi xuống nhà hầm để lấy men rượn, ả đã kịp nhìn kỹ và thấy người vợ Thổ nhĩ kỳ mà Prokofi vớ được là một ả xấu đến mức không ai có thể xấu hơn.
Chỉ một lát sau ả Mavra đã quang quác trong ngõ với một đám đàn bà, mặt ả đỏ bừng bừng, chiếc khăn bịt đầu xệch hẳn sang bên.
- Các bà các chị yêu quý ạ, chẳng hiểu thằng cha ấy thấy được nó đẹp nó ròn ở chỗ nào? Đàn bà thì ít nhất cũng phải có đủ lệ bộ của đàn bà mới được, nhưng đằng nầy… ngực chẳng có, mông thì không, thẳng đuồn đuỗn. Bọn con gái vùng chúng ta còn có da có thịt hơn nhiều. Người cứ thắt lại như con ong búng cái là gãy. Hai con mắt thì đen ngòm ngòm, to đến là to, trợn lên cứ như quỷ dữ Xa- tăng, lạy Chúa tha tội cho. À, mà đúng là nó đang có mang, thật đấy!
- Có mang à? - Bọn đàn bà ngạc nhiên.
- Nào tôi có còn con gái con đứa gì nữa đâu, một nách nuôi ba đứa con chứ còn ít ỏi gì!
- Thế mặt mũi nó ra sao?
- Mặt nó ấy à? Vàng như nghệ ấy, hai con mắt nom thật thảm, xem ra sống nơi đất khách quê người thì còn sung sướng nỗi gì? à, mà các bà, các chị ạ, tôi quên không nói rằng nó lại còn… còn mặc quần của Prokofi nữa.
- Sao? Thật thế à?… - Bọn đàn bà kinh ngạc đồng thanh kêu lên.
- Chính mắt tôi trông thấy mà! Nó mặc quần thật đấy, chỉ có điều là quần không có nẹp thôi 6. Có lẽ nó đã vớ được cái quần Prokofi mặc ngày thường. Nó mặc một cái áo sơ mi dài, quần bên trong áo, ống quần lại luồn vào trong bít tất. Tôi cứ nhìn nó mà lạnh cả gáy.
Trong thôn bắt đầu có những lời rầm rì nói rằng vợ Prokofi là phù thuỷ. Con dâu nhà Astakhov (nhà Astakhov ở gần nhà Prokofi nhất) thề sống thề chết rằng ngày thứ hai của lễ Ba Ngôi 7, trước lúc trời rạng, ả có thấy vợ Prokofi tóc trần, chân không, sang vắt sữa một con bò trong sân nuôi gia súc nhà ả. Từ ngày ấy, vú con bò teo lại chỉ còn bằng nắm tay trẻ con rồi cạn sữa dần và chẳng bao lâu con bò đã chết.
Năm ấy đã phát ra một nạn dịch gia súc tai hại chưa từng thấy. Trên khoảng đất chăn bò bên sông Đông, ngày nào bãi cát cũng ngổn ngang những xác bò lớn bò con. Rồi nạn dịch lan sang cả ngựa. Các đàn ngựa nuôi rong trên bãi cỏ thuộc địa phận củạ trấn mỗi ngày thưa đi. Vì vậy, trong ngõ và ngoài phố bắt đầu lưu truyền một tin đồn ma quái…
Sau cuộc họp toàn thôn, bọn đàn ông Cô- dắc kéo nhau đến ngay nhà Prokofi.
Chủ nhà bước ra thềm, cúi chào:
- Thưa các cụ bô lão, các cụ có việc gì mà bận tâm quá bước đến nhà tôi thế?
Đám người lặng thinh lừ lừ tiến tới bên thềm.
Cuối cùng một lão già chếnh choáng hơi men quát lên đầu tiên:
- Lôi cổ con mụ phù thuỷ nhà anh ra đây cho chúng tôi! Bà con sẽ đem nó ra xử đây!
Prokofi chạy bổ vào trong nhà, nhưng vừa tới phòng ngoài đã bị đuổi kịp. Gã pháo thủ lực lưỡng, biệt hiệu là Liusnhia 8, nắm lấy đầu Prokofi đập vào tường mà bảo:
- Đừng làm rầm lên, có gì mà làm rầm lên như thế? Bà con không động đến anh đâu, nhưng con vợ anh thì chúng tôi sẽ cho nó ăn đất. Hoá kiếp nó đi còn hơn để cả thôn phải chết vì không có bò ngựa. Nầy cẩn thận không có thằng nầy ghè đầu anh vỡ toang ra bây giờ!
- Con chó cái ấy đâu, lôi cổ nó ra ngoài sân nầy! - Đám người ngoài thềm gào lên.
Một gã Cô- dắc trước kia cùng đơn vị với Prokofi đưa một tay xoắn lấy tóc người đàn bà Thổ nhĩ kỳ, còn tay kia bịt chặt cái miệng đang mở hoác ra trong một tiếng gào. Gã vừa chạy vừa lôi sềnh sệch vợ Prokofi ra phòng ngoài rồi ném vật xuống chân đám người. Một tiếng rú xé màng tai át cả tiếng đám người gầm thét.
Prokofi hất ngã được sáu gã Cô- dắc rồi nhảy vào buồng trong, giật thanh gươm treo trên tường. Bọn Cô- dắc xéo lên nhau chạy dạt ra khỏi phòng ngoài. Prokofi lao mình trên thềm xuống, thanh gươm múa loang loáng, quay vù vù trên đầu. Đám người rung chuyển, chạy tản ra khắp sân.
Gã pháo thủ Liusnhia chậm chân chỉ chạy được đến bên nhà thóc thì bị Prokofi đuổi kịp, cho luôn một nhát xả đôi người, chếch từ vai trái xuống tới thắt lưng. Bọn Cô- dắc đã bắt đầu nhổ cọc hàng rào, thấy thế bèn chạy xối qua sân đập lúa ra đồng cỏ.
Nửa giờ sau, đám người lấy lại được can đảm, lại mon men đến nhà Prokofi. Hai tên được phái đi thăm dò, rón rén lẻn vào phòng ngoài. Vợ Prokofi đang nằm trên vũng máu bên ngưỡng cửa nhà bếp, đầu ngoặt sang bên với một dáng rất lạ lùng, cái lưỡi bị cắn thè lè giữa hai hàm răng nhe ra nom hết sức đau khổ. Còn Prokofi thì bế đứa bé đẻ non, một cục thịt nhỏ bọc trong cái áo lông cừu, chốc chốc lại oe oe khóc. Đầu anh ta lắc lư, hai con mắt đờ đẫn.
Người vợ của Prokofi tắt thở ngay tối hôm ấy. Bà của đứa bé, tức là mẹ của Prokofi, thương hại đứa cháu đẻ non, đem nó về nuôi.
Thằng bé được ủ bằng cám hấp hơi nước, nuôi bằng sữa ngựa, và một tháng sau, khi đã chắc rằng thằng bé da bánh mật, mặt hơi mang nét Thổ nhĩ kỳ nầy có thể sống được, người ta đem nó đến nhà thờ làm lễ rửa tội sơ sinh và lấy tên người ông là Panteley đặt cho nó.
Sau mười hai năm khổ sai, Prokofi lại trở về. Với chòm râu hung hung xén tỉa ngay ngắn đã điểm vài sợi bạc và bộ quần áo kiểu Nga, nom Prokofi khác hẳn, không còn ra một anh chàng Cô- dắc nữa. Prokofi đem con về nuôi và bắt tay vào xây dựng cơ nghiệp.
Panteley lớn lên, thành một thằng bé đen thui thủi, liều lĩnh, nghịch ngợm. Nó hao hao giống mẹ ở khuôn mặt và dáng người dong dỏng. Prokofi cưới cho con một cô gái Cô- dắc, con nhà láng giềng.
Từ ngày ấy, dòng máu Thổ nhĩ kỳ tiếp tục hoà lẫn với dòng máu Cô- dắc, đem lại cho thôn xóm những tay Cô- dắc họ Melekhov mũi khoằm, có một vẻ đẹp hơi man rợ, mà người ta thường gọi bằng cái biệt hiệu "Thổ nhĩ kỳ".
Sau khi chôn cất cho bố xong, Panteley tự tay quán xuyến công việc làm ăn: ông lợp lại nhà, mua thêm cho dinh cơ nửa đê- xi- a- chin 9 đất hoang, xây những nhà kho và một nhà thóc lợp tôn. Theo ý ông chủ, người thợ lợp mái tôn đã lấy những mảnh tôn thừa cắt thành cặp gà trống, mắc lên mái nhà kho. Cái dáng vô tư lự của hai con gà đã làm cho cơ ngơi nhà Melekhov nom vui vui, thậm chí dương dương tự đắc, ra vẻ có của ăn của để.
Năm tháng qua lúc nào không biết. Càng có tuổi, Panteley Prokofievich 10 càng đẫy đà thêm: người ông thêm to ngang, lưng có gù xuống một chút, nhưng dù sao nom vẫn là một ông già quắc thước. Tạng người ông vốn to xương, chân đi khập khiễng (hồi còn trẻ, nhân dịp hoàng đế duyệt binh, ông dự cuộc đua ngựa và bị gãy chân trái). Ông đeo bên tai trái một chiếc hoa tai bằng bạc hình bán nguyệt, già rồi mà râu tóc vẫn đen như mun, hễ nổi nóng lên là chẳng còn biết trời đất phải trái gì nữa. Có lẽ chính vì thế mà ông đã làm cho bà vợ già trước tuổi. Bà là một người béo núng nính, xưa kia rất đẹp gái, nhưng nay những vết nhăn trên mặt đã nhằng nhịt như mạng nhện.
Petro, con cả của Panteley Prokofievich, đã có vợ và hao hao như mẹ: vóc người anh ta không to lớn, mũi hếch, tóc rậm bù xù vàng như lúa chín, mắt màu hạt dẻ. Người con thứ, Grigori lại giống bố như đúc; tuy kém anh sáu tuổi, nhưng Grigori cao hơn Petro hẳn nửa cái đầu. Cũng như cha, Grigori có cái mũi nhòm mồm nom như mỏ diều hâu, cặp mắt quả trám sáng bừng bừng, hơi xếch và thoáng có ánh biếc, gò má cao nhọn nhô lên dưới làn da nâu hồng. Grigori cũng gù gù như cha và cả trong nét cười hai cha con cũng đều có chung một cái gì hơi man rợ.
Dunhiaska, con gái yêu của ông Panteley Prokofievich, là một cô bé tay dài, mắt mênh mông. Ngoài ra trong nhà còn có Daria, vợ của Petro và một đứa con nhỏ. Đó là tất cả gia đình Melekhov.
--------------------------------
1Một xa- gien bằng 2,134m (ND). 2Tên gọi các thủ lĩnh quân sự thời xưa do dân Cô- dắc tự bầu ra (ND). 3Tức là cuộc chiến tranh Nga- Thổ nổ ra vùng Ban- căng năm 1879 (ND). 4Một thứ áo mặc ngoài của dân Kavkaz (Cápcadơ), chẽn lưng (ND). 5Tên gọi những ngôi mộ cổ đắp rất to ở Ukraina và vài miền khác ở Đông Âu (ND). 6Đàn ông Cô- dắc mặc quần có những nẹp màu khác nhau tuỳ theo từng quân khu, đàn bà Cô- dắc thì mặc váy không mặc quần, còn đàn bà Thổ nhĩ kỳ thì mặc quần không mặc váy. 7Tức là lễ Thánh thần giáng lâm (Pentecote), ngày Thánh thần xuống với các thánh tông đồ (ND). 8Tên nầy nghĩa lả cái gọng chữ đinh mắc ở đầu những chiếc xe kiểu cổ ở Nga để thắng song song hai con bò (ND). 9Một đê- xi- a- chin bằng 1,0925 héc- ta (ND). 10Người Nga không những có họ, tên, mà còn có tên theo bố nữa. Panteley Prokofievich nghĩa là ông Panteley, có bố là Prokofi. Những người nhiều tuổi hay có cương vị xã hội, được kính trọng thì được gọi bằng tên riêng kèm theo tên bố (ND).