Cao Hoài Đức khi tỉnh hồn vía, không biết chuyện gì, thất kinh nên quỳ xuống. Hoàng Cô và Cao Quân Bảo kể chuyện động lòng, lụy nhỏ dầm dề tức tối nói không ra tiếng. Còn Quân Bảo kể chuyện đầu Đường đem binh về khiêu chiến, mắng chúa phá thành. Cao Hoài Đức nghe thuật đi lại thì sững sờ, thất kinh lạy Thái Tổ và tâu:
- Tôi làm con giặc, xin bệ hạ chiếu theo phép nước luật vua xử trảm cho rồi, kẻo các quan noi gương phản quốc!
Tống Thái Tổ nghe tấu, động lòng rơi lụy, bước xuống kim giai đỡ Cao Hoài Đức dậy phán:
- Hoàng đệ có tội chi mà hành phạt ấy là tại tà thuật của yêu đạo nó làm cho Hoàng đệ hôn mê, thiếu chút nữa trẫm mất một tôi lương đống! Chẳng những mất tôi lương đống, cũng như rụng hết tay chân. Nay nhờ trời đặng hiệp, thiệt rủi mà may. Hoàng đệ hãy ngồi, kẻo vợ con buồn bực.
Cao Hoài Đức tạ ơn rồi ngồi xuống, hỏi thăm việc nhà cửa và gia ơn vợ con Lý phu nhân và các phu nhân đồng vào ra mắt, thuật chuyện các việc trước sau, lúc ấy Hoài Đức mới hay Trịnh Ấn còn sống và vâng lệnh đi viện năm vị phu nhân.
Lúc đó Cao Quân Bội và Cao Quân Bảo vào làm lễ. Triệu Hoàng Cô cũng thuật chuyện Cao Quân Bảo sánh duyên cùng Lưu Kim Đính nên có dâu đến cứu giá và cứu cha chồng. Cao Hoài Đức nghe rồi trách rằng:
- Sao con lại làm rể tôn thờ vua Bắc Hớn? Ấy là con kết duyên cùng gái giặc mà không thưa với mẹ cha, tội ấy lẽ nào dung đặng? Thái Tổ phán:
- Nếu không có Lưu Kim Đính trợ chiến thì vua tôi chồng vợ cha con thân thích họ hàng sao đặng sum vầy? Cuộc đoàn viên hôm nay đều nhờ sức cháu dâu có công giúp nước, chẳng những cứu Hoàng đệ, lại trị bệnh cho Hoàng Cô, đáng lẽ nội nhà phải cám ơn Lưu Kim Đính! Hoàng Cô bị phi đao gần chết, nếu không nhờ thuốc của Lưu Kim Đính thì đã bỏ mạng rồi. Trẫm đã đứng chủ hôn, khanh chẳng nên quở cháu! Triệu Hoàng Cô bèn tiếp nói:
- Nội nhà mình đều mang ơn Lưu Kim Đính, nhờ có nàng mà cha con chồng vợ sum hợp. Huống chi nàng tài phép cao kỳ, cũng đáng một tôi lương đống.
Cao Hoài Đức nghe vợ nói, liền đổi giận làm vui, lúc ấy Lưu Kim Đính mới dám ra ngoài làm lễ cha chồng. Lúc Tống Thái Tổ truyền dọn tiệc đãi Cao Hoài Đức, và nội thành bá quan văn võ. Đang ăn uống Cao Hoài Đức giận đỏ mặt và nói:
- Dư Hồng nó hại tôi. Dầu sống thác cũng cam, tức có một điều là nó buộc chữ phản cho tôi, làm cho danh trung nghĩa của tôi bấy lâu nay trôi theo dòng nước, để tiếng sau lại muôn đời, thật là thù yêu đạo ví tợ biển sâu! Mai tôi sẽ hỗn chiến với Dư Hồng quyết một còn một mất. Lưu Kim Đính nghe nói, bước ra thưa:
- Xin bệ hạ với công công xét lại, chẳng nên đấu lực với Dư Hồng chỉ có một mình Nhữ Nam vương dám cự mà thôi, nếu công công ra trận ắt bị tà thuật nữa. Để mai tôi ra trận đánh báo cừu cho công công, may nhờ hồng phúc của trời mà thắng đặng nó chớ công công bị bùa mê, bệnh chưa thuyên giảm, xin công công phải tịnh dưỡng trong mười ngày, thì mới dứt hậu hoạn. Tống Thái Tổ nghe nói bèn khen:
- Lời cháu luận phải lắm! Trẫm cũng nhậm ngôn.
Nói rồi, Vua tôi ăn uống no say, đến khuya mới nghỉ. Đêm ấy, Cao Hoài Đức vợ chồng con cái mừng rỡ, kể chuyện đến canh tư.
Sáng sớm, Lưu Kim Đính nai nịt vào xin lãnh binh mã của Đông Bình vương đặng ra trận. Cao Hoài Đức cấp cho tiểu thơ một muôn hai ngàn rưỡi. Lưu Kim Đính lãnh binh, từ tạ kéo rầm rộ ra thành. Trước khi Cao Hoài Đức chưa bị bắt về thì mẹ con Hoàng Cô đánh binh Đường chạy rót. Quân ấy về báo với Nam Đường. Vua Nam Đường hỏi quân sư:
- Nay quân sư toan liệu lẽ nào? Dư Hồng nói:
- Tôi nhắm Tống bắt đặng Cao Hoài Đức về thành, cũng như cướp đặng một đứa điên, khôn hồn không tánh chắc Tống Thái Tổ bắt tội Hoài Đức phản chúa nghịch quân, rồi cũng xử tử. Vậy là trừ đặng một tướng rồi, chắc Tống Thái Tổ cũng làm tội tới vợ con. Nếu không có Lưu Kim Đính thì bao nhiêu binh tướng Tống cũng phải thua ta.
Vua Nam Đường nghe quân sư nói vậy thì tin bằng lời. Rạng ngày, quân vào báo:
- Có nữ tướng là Lưu Kim Đính đến khiêu chiến, kêu đích danh vua Nam Đường với quân sư ra đối địch. Vua Nam Đường nghe tin kinh hãi. Dư Hồng thấy vua sợ sệt nói:
- Có khi con khốn đó coi ra biết có lá bùa trên đầu!
Nói rồi Dư Hồng cỡi cọp mắt vàng ra trận, có đem theo một vạn binh. Ra trận đã gặp Kim Đính đánh một hồi không phân thắng bại Dư Hồng nghĩ rằng:
- Mình phải ra tay trước, chẳng nên mê trận mà thất cơ!
Nghĩ rồi Dư Hồng thối lui lại, giở bầu phép và niệm chú, tức thì một bầy quạ lửa nho nhỏ ở trong bầu bay ra thẳng lên mây rồi hóa ra lửa hơn mấy vùng, bay xuống đốt binh Tống. Thiệt là:
"Thình lình lửa dậy thiêu binh Tống
Vụt vụt gió giông giúp tướng Nam."
Lưu Kim Đính thấy Dư Hồng hóa phép cười, nói:
- Biến hóa ngũ hành là phép sơ học, người đừng múa búa trước cửa Lỗ Bang!
Rồi Kim Đính rút gươm báu chỉ về hướng Bắc, niệm thần chú lâm râm, tức thì trận giông nổi dậy lên, thổi ngọn lửa trở lại, Dư Hồng hóa lửa mà đốt binh Tống, không ngờ lửa trở lại đốt binh mình, quân sĩ thất kinh chạy tứ tán, Dư Hồng nổi giận, mau mau thâu lửa lại mà cứu quân, rồi lấy thần đao quăng lên, bỗng hóa ra muôn muôn ngàn ngàn thần đao ấy chém binh Tống. Lưu Kim Đính cũng quăng bưu kiếm, lên hóa ra liền vạn phi đao mà cự với thần đao. Thần đao của Dư Hồng bị bửu kiếm của Kim Đính đánh sa xuống hết. Kim Đính bèn thâu bửu kiếm lại. Dư Hồng tức giận hét lớn:
- Con khốn này dữ thiệt, dám phá thần đao của ta!
Nói rồi quăng cây gậy lên, nó hóa ra muôn ngàn con rít chúa bay cắn binh Tống. Kim Đính xem thấy liền lấy xâu chuỗi bồ đề quăng lên niệm chú hóa ra con cú dài hơn hai trăm thước bắt nuốt hết bầy rít chúa, không còn sót con nào, rồi cây gậy Dư Hồng cũng sa xuống đất. Dư Hồng thâu gậy lại và ngẫm nghĩ rằng:
- Mình hóa phép chi, đều bị con này phá hết! Còn có một bửu bối nữa của Xích Minh lão tổ, phép ấy chẳng hiền, nếu quăng ra thì phạm tội sát sánh. Vì cái chuông "Hóa huyết kim chung" đó, dẫu thần tiên chụp nhằm cũng tiêu ra tro bụi. Chẳng những là người phàm, vì muốn khỏi thất danh, nên phải chịu phạm sát sánh mới đặng!
Nghĩ rồi Dư Hồng quăng chuông Hóa huyết lên chiếu ra muôn đạo hào quang gần chụp đầu Kim Đính. Kim Đính biết vật ấy chẳng hiền, liền lấy trái cầu Nhật Nguyệt trấn yêu của Thánh mẫu quăng lên, hiện ra hào quang sáng giới, đỡ cái Hóa huyết kim chung, nên chuông ấy lững đứng nửa chừng, chụp xuống không đặng. Dư Hồng kinh hãi nghĩ thầm:
- Con này thiệt có nhiều phép thần thông quá! Không biết lấy vật chi mà trừ nó!
Lúc ấy hai báu vật chiến hào quang nửa chừng dằn quay chống trả với nhau, không báu vật nào chịu sút. Dư Hồng thấy vậy niệm chú thâu chuông, liền cất vào túi. Lưu Kim Đính cũng ngoắt trái cầu xuống mà cất đi. Dư Hồng lại nghĩ:
- Mình không còn phép gì mà trị Kim Đính. Thà thừa dịp binh mình chưa bại, lui trước kẻo hư danh.
Nghĩ rồi truyền quân lui binh, giục cọp mắt vàng chạy mất. Còn Lưu Kim Đính quyết bắt cho đặng Dư Hồng, trước trả thù cho cha chồng, sau nữa trừ hậu hoạn cho yên nhà lợi nước nên liền đốt bùa niệm chú. Bỗng trên trời hiện ra bốn vị thần tướng giáng hạ tức thì. Bốn ông ấy tóc râu đỏ hoét, ông cầm roi, ông cầm búa, ông cầm kích, ông cầm chùy, đến trước Lưu Kim Đính mà hầu việc. Lụn Kim Đính cảm tạ nói:
- Bốn vị tôn thần giáng hạ, tôi rất cảm ơn Bởi vua Nam Đường không thuận theo lòng trời, lại rước đạo triệt giáo là Dư Hồng, phong cho làm chức quân sư mà cự với Tống. Tội Dư Hồng đáng đày xuống địa ngục Phong Đô. Nay nó đã chạy qua phía đông Nam, vậy xin bốn vị tôn thần theo bắt giùm nó lại.
Bốn vị vâng lệnh giã từ Kim Đính, theo đuổi Dư Hồng. Dư Hồng cỡi cọp đang đi, không biết gì cớ gì mà con cọp hộc lên và đứng ngừng lại. Dư Hồng thấy cọp không đi nữa và hộc tiếng ghê, thì biết có điềm bất lợi. Bèn ngó quanh quất, thấy bên hữu có thần Bạch Hổ, tả có thần Thanh Long, phía trước thần Huỳnh Phan, phía sau thần Báo Vĩ. Bốn thần mặc giáp vàng, cầm khí giới, bốn bề áp lại trợn con mắt ngó Dư Hồng lườm lườm. Dư Hồng xem thấy kinh hãi, nghĩ rằng:
- Phải hay cãi trời chẳng đặng, thì không sát sánh làm chi cho phạm tội, mà nay phải mắc nạn này. Thiệt là mình làm khôn mà hóa vụng. Nghĩ rồi Dư Hồng liền bái bốn vị thần, nói:
- Tôi vâng lệnh thầy xuống vây Thái Tổ, trước phạt tội giết Trịnh ân, sau nữa bảo hộ cho cõi Giang Nam, cho nhà Đường còn chút hương lửa. Bấy lâu nay giữ phép, không hại một vị tướng Tống nào. Thiệt tình vây cầm chừng, kẻo Nam Đường mang hại. Nay chư thần xuống đây tôi xin trở lại non tiên giữ phận tu hành, không màng việc thế nữa. Xin chư thần vị tình thầy tôi mà dung thứ một phen. Bốn thần tướng nghe nói, nổi giận đáp:
- Thầy ngươi giận Tống Thái Tổ giết Trịnh Ân nên sai ngươi vây cho bộ ghét, lại cấm ngươi sát sánh. Nay ngươi đã không vâng lời thầy dặn, tham giàu sang mà phạm tội sát sánh. Muốn đặng đại danh, không gìn ngũ giới, tuy chưa hại tướng, song đã giết binh, dư muôn vạn thác oan, ngươi không thương xót, chẳng nghĩ trời che đất chở, làm cho quỷ giận thần hờn. Sao ngươi dám phò Nam Đường là nước hết thời mà đánh đại Tống là vua trở mặt, đến nay cùng đường hết nẻo mới là xuống nước cầu hòa? Chúng ta đã có lệnh bắt người, không lẽ vị tình tha đặng. Quyết đưa ngươi xuống Phong Đô mới đành tội nghịch!
Dư Hồng nghe bốn thần vừa nói, chắc là tánh mạng không còn. Nghĩ lại giận thầy sao sai mình phò Đường làm chi cho bị đọa, rất uổng công tu luyện. Đang suy nghĩ vụt nhớ lời thầy dặn:
Nghĩ vậy Dư Hồng liền lấy cây ấy trương ra hào quang chiếu sáng. Bốn vị thần kinh hãi, đồng bay thẳng về trời. Dư Hồng mừng dường như chết đi sống lại. Trong cờ nhỏ đó có hình bà Đầu mẫu, quyền cai trị các thần, nên khi bốn vị thần thấy cờ đó thì thất kinh bay đi hết. Dư Hồng khỏi nạn, liền độn thổ về đinh, bỏ hai vạn binh Đường tại trận. Lưu Kim Đính chắc bắt được yêu đạo, không dè nó còn có phép làm cho thần tướng phải lui.
Ấy cũng bởi Tống Thái Tổ chưa mãn hạn bị đầy đó. Khi ấy Lưu Kim Đính đánh đuổi binh Đường chạy tứ tán rồi thâu quân vào thành, Kim Đính đắc thắng vào thành, liền tâu cho vua hay và thưa cho cha chồng rõ. Tống Thái Tổ mừng rỡ, truyền dọn tiệc thưởng công. Mặc dầu thắng trận, song Lưu Kim Đính còn lo, vì sợ không bắt được Dư Hồng, thì chẳng biết ngày nào hết giặc, tuy ngồi vào bàn tiệc chớ trong dạ không vui, Tống Thái Tổ biết ý, liên lấy lời an ủi, ban rượu ngự tửu giải lao. Cao Quân Bảo thấy vua trọng đãi Kim Đính mừng thầm. Trong bà con bên chồng đều phục tài Lưu Kim Đính.
Nói về Dư Hồng độn thổ về tới Nam Đường, vua Nam Đường nghe nói Dư quân sư không đánh lại nữ tướng thì hoảng kinh và phán hỏi:
- Thật trẫm không dám ỷ phép nữa, tuy không tổn tướng chớ cũng hao binh, chi bằng dâng sớ chịu làm tôi cũng không mất một phương cõi Lẽ nào yếu không nhường mạnh, châu chấu chống xe sao nổi, làm cho cha thác bỏ con, chồng chết bỏ vợ. Ấy là tội trọng mười phần Từ nay vê sau, xin quân sư đừng nói chi chiến thủ nữa. Nếu còn nói chiến thủ nữa, ấy là làm họa cho Nam Đường.
Dư Hồng bị vua Nam Đường nói nhục mấy điều thì hổ thẹn chịu không nổi, nghĩ:
- Cũng tại mình khi trước cậy phép thần thông, cản Nam Đường không cho đầu Tống, ban sơ ra binh trận nào cũng thắng, nên vua Đường hậu đãi mười phần. Nay thua một người con gái mà lui về thì mặt mũi nào còn ngó thầy cho đặng? Nghĩ rồi Dư Hồng gắng gượng tâu:
- Xin bệ hạ đừng phiền não! Bên Tống có một mình Lưu Kim Đinh dám cự với tôi, song muốn giết nó cũng không khó, ngặt thầy tôi dặn chẳng sát sanh, nếu giết mạng người thì sau không thành chánh quả Nay Lưu Kim Đính nó ỷ quá, tôi nhịn hoài. Nếu hại nó thì uổng công tu luyện của tôi. Còn nếu giúp bệ hạ đặng thái bình mà đền ơn tri ngộ, tôi dẫu bỏ mình cũng đành thửa dạ! Lúc đó các tướng võ bên Đường nghe nói, đồng tâu:
- Quân sư đã tận tâm, vậy xin bệ hạ chớ ngã lòng đầu Tống. Binh còn trăm vạn, tướng mạnh dư ngàn, dầu Lưu Kim Đính có phép mầu, thì cậy có quân sư cự địch. Lẽ nào bại một trận mà xếp giáp đầu hàng?
Vua Nam Đường thiệt tình không muốn đầu Tống, chẳng qua là mượn lời thoái chí nói khích Dư Hồng đó thôi, mà các tướng ngỏ thiệt nên nhiều người can gián. Vua Nam Đường nghe các tướng tâu như vậy, liền nhận lời rồi ngự vào cung. Rạng ngày, các tướng đến xin quân sư trừ Lưu Kim Đính. Dư Hồng nghe nói than:
- Thôi thôi, đã đành bỏ công tu luyện ngàn năm, không lẽ tiếc nữa!
Nói rồi truyền dọn bàn hương án, thắp bốn mươi chín ngọn đèn. Dư Hồng bổn thần cầu thần chiếm quẻ, tra ra ngày sánh tháng đẻ của Lưu Kim Đính, biết tướng tinh nàng là Thiên Ma nữ đầu thai, nhắm không dùng phép độc thì trừ không đặng. Chiêm quẻ xong Dư Hồng đọc thần chú truyền cho Huỳnh Nguyên Tế rằng:
- Nay là ngày Quỷ Hợi, ngươi phải đem năm trăm binh đến núi Thanh Lưu là nơi kỵ với họ Kim Đính, cứ theo họa đồ ta vẽ, mà cất một cái đài bằng cây, đến giờ Ngọ mai ta sẽ đến đó làm phép.
Huỳnh Nguyên Tế vâng lệnh đi liền, Dư Hồng lại sai Lý Huy Phụng lấy cỏ bện bù nhìn làm hình Lưu Kim Đính, gắn tóc người thiệt, cho bận áo thiệt, trang điểm rỡ ràng cho kịp giờ Ngọ mai làm phép. Lại sai Tống Kế Tụ sắm sửa cái chậu và kiếm gà ô chó mực, đợi trưa mai lấy huyết làm phù. Các tướng nghe nói nửa tin nửa nghi, song không dám cãi lệnh, đồng lo sấm sửa các món cho kịp giờ.
Rạng ngày, vua Nam Đường chúa tôi đồng đến coi quân sư làm phép. Quân sư sắp đặt xong rồi, đợi tới canh hai lên đài đốt bùa niệm chú, giây phút triệu một vị cầu hồn giả quỷ vương đến đứng trước đài. Lúc ấy nhằm đêm rằm tháng bảy (Trung Nguyên) trăng tỏ như ban ngày. Dư Hồng mới hét lớn:
- Vong quỷ nghe ta dặn: Ngươi hãy vâng lệnh đến Thọ Châu ở một bên Lưu Kim Đính, đợi khi nào ta bắn tên phép thì thâu hồn đem nạp tại đài.
Vong quỷ vâng lệnh đi lập tức! Lúc Dư Hồng bỏ tóc xõa, cầm gươm làm phép trên đài một hồi sao Nữ Ma sa xuống, nghe rổn rảng hào quang chiếu sáng. Dư Hồng lấy sao ấy đựng vào một cái mái, đậy nắp thật kín mà để trên đài, xung quanh có bốn mươi chín ngọn đèn, dùng máu chó mực, máu gà ô mà thấp. Trên nắp mái ấy, cũng niêm phong bằng giấy vàng nhúng máu chó mực gà ô, lại đem bù nhìn lấy lòi tói cột cổ vào cây trụ, dưới chân đóng hai cây đinh, rồi lấy cung tên bắn con mất bên tả, làm phép tới canh năm mới thôi.
Làm như vậy bảy đêm, mỗi đêm bắn bảy mũi tên, nếu bắn đủ bốn mươi chín mũi thì dầu Lưu Kim Đính da đồng xương sắt cũng phải chết. Dư Hồng lại chọn ba mươi sáu người đồng tử, làm thiên can giữ gìn, đừng cho kẻ tục ngó vào, nếu trái lệnh thì xử trảm. Ba mươi sáu người đồng tử vâng lệnh ở giữ đài. Còn Lưu Kim Đính là học trò của Lê Sơn Thánh mẫu biết ngũ độn ngũ lôi, hô phong hoán võ, sái đậu thành binh tàng hình đổi xác, phép nào cũng tinh thông, duy có một điều là không biết trước đặng người làm trù mình.
Thiệt là: "Trước mặt còn dễ đỡ, Sau lưng khó giữ gìn." Đêm ấy, vợ chồng Cao Quân Bảo ngủ mê man, rạng ngày Lưu Kim Đính thức dậy sao bị trẹo cổ, mình mẩy như dần, nhức và đau hai bàn chân, và con mắt bên tả xốn như kim chích, cổ đơ như bị trói, con mắt tả không thấy người, không rõ vì cớ nào lạ vậy. Kim Đính thất kinh thuật chuyện lại với chồng. Cao Quân Bảo sảng sốt bàn:
- Hay là mình chinh chiến nhiều nên đau mình? Khi tôi mới vào Thọ Châu cũng bệnh như vậy, ngặt một điều đau con mắt không rõ cớ gì để ta bẩm với mẹ cha sẽ tâu với Thiên tử, đặng cho Thái y viện điều trị thuốc thang, mình hãy dưỡng cho mạnh lành chẳng nên làm động dạng.
Nói rồi Quân Bảo ra thưa tự sự cho cha mẹ tỏ tường. Vợ chồng Cao Hoài Đức nghe tấu trong lòng không an, truyền đòi quan Thái y đến chẩn mạch trừ bệnh. Đêm sau, Cao Quân Bảo nằm không an giấc, qua canh năm Lưu Kim Đính vùng la lớn:
- Con mắt bên hữu cũng đau nữa!
Thương hại cặp mắt mây che mù mịt chẳng thấy đường đi. Cao Quân Bảo ngồi đứng không yên, vào ra than thở, rạng đông vào bẩm với cha mẹ rồi đồng vào tâu với vua. Tống Thái Tổ thất kinh, truyền đòi mười lăm vị ngự y tới, hỏi thăm căn bệnh thế nào? Các thái y đồng tâu rằng:
- Bệnh Lưu phu nhân rất kỳ lạ! Vì mạch không phù, trầm, trì, sát, chẳng biết cớ nào mà có bệnh nơi chân, cổ và con mắt, chúng tôi xem không phải là bệnh khí huyết, nên không dám đầu thang, xin bệ hạ dung tình thứ tội!
Lời bàn: Tình người chứa trong mọi hành động, chẳng phải bằng lời nói. Cao Quân Bảo chưa có sự thỏa thuận của vua, và mẹ cha, sớm thành hôn với Lưu Kim Đính. Đó là lỗi tới đạo làm con. Tuy nhiên, Lưu Kim Đính đã tỏ lòng trung thành của mình đối với cha chúa thì lỗi ấy đã tỏ rõ và lòng trung thành đã vượt qua mọi tội lỗi khác bằng hành động của mình. Nếu Lưu Kim Đính không giải giá được Thọ Châu thì cuộc tình duyên với Cao Quân Báo chưa chắc đã tác thành. Lòng người chỉ phát xuất từ hành động, chứ không phái bằng lời nói. Đời nay, nhiều người chỉ đem lời nói suông để bảo vệ cho giá trị của mình, thì đó là những lời phỉnh phờ, chỉ dùng đưa đẩy cho qua chuyện mà thôi, thực tình trong lòng họ, chưa chắc đã như vậy. Cho nên, giá trị của lòng người phải bằng hành động, chứ không phải bằng lời nói.-oOo-