Bấy giờ Gia Luật Tà Chuẩn về an dưỡng nơi Kế Châu, nghĩ càng giận Dương Nghiệp, nên nhóm chúng tướng muốn kéo binh trở lại quyết tử chiến một lần nữa. Gia Luật Hưu Ca nói:
- Xưa nay xuất trận thắng bại là lẽ thường, Nguyên soái chẳng nên hổ thẹn làm chi. Bây giờ ta nên dâng sớ về kinh và xin binh đến giúp, như vậy mới mong phá được binh Tống.
Tà Chuẩn nghe lời, viết tờ sớ sai quân về đại thành tâu tự sự. Thái Hậu xem xong hỏi sứ giả:
- Vậy chớ Tống tướng đó tên chi? Mà dụng binh hay như vậy? Sứ giả thưa:
- Tống tướng là người Hà Đông, ở San Hậu Thành, lên là Dương Nghiệp. Tiêu hậu nói:
- Ta vẫn nghe tên ấy đã lâu, thiên hạ gọi là Dương vô địch. Nếu người này cầm binh cho Tống đế, thì binh ta khó thắng.
Tiêu hậu nói xong sai Gia Luật Hề Để đem theo mười muôn binh cứu ứng với Gia Luật Tà Chuẩn. Dương Nghiệp hay tin liền hỏi chư tướng
- Nay tướng Liêu là Gia Luật Hề Để đem binh cứu ứng, mà mình thì lương thảo đã gần hết, biết làm sao chống đỡ. Theo ý ta hôm nay sai một người về Biện Kinh, tâu việc Liêu binh cho Thánh hoàng rõ, và vận lương cho đủ, mới dám cùng nó giao tranh. Lưu Đình Hàng nói:
- Nguyên soái tính rất hay, vậy xin cho người đi gấp mới đặng.
Dương Nghiệp liền sai Thái Nhạc về triều trình tấu. Thái Nhạc vâng lời ra đi không bao lâu đã về đến kinh thành, yết kiến vua Thái Tông tâu rõ tự sự. Thái Tông nghe nói muốn thân chinh, nhưng các quan hết lời can gián. Quan đại thần Triệu Phổ bước ra tâu:
- Xin Bệ hạ giáng chỉ đòi Dương Nghiệp về, và sai người đến trấn thủ các ải địa đầu, thì nước Liêu chúng nó không làm khó dễ chúng ta. Vua Thái Tông nhận lời, liền sai người ra đòi Dương Nghiệp. Bấy giờ Dương Nghiệp được chiếu triệu về kinh nên hội chư tướng nói:
- Nay có lệnh triều đình dạy ta ban sư, vậy các ngươi mau sắp đặt phòng ngừa binh Liêu theo quấy rối. Diên Đức nghe nét liền thưa:
- Nay tướng Liêu đã khiếp vía kinh hồn, mà chẳng thừa dịp này đánh vào U Châu, lại triệu tướng hồi trào thật quá uổng. Dương Nghiệp nói:
- Ta cũng có ý như vậy, song lệnh vua đã ban ra, không thể làm trái.
Dương Nghiệp nói xong lựa người ở lại giữ Ngõa Kiều Quan, còn bao nhiêu binh mã thì kéo về Trường An phục chỉ. Người sau có làm bài thơ hối tiếc như sau:
"Công đã gần nên, chiếu triệu hồi,
Tiếc thay cư hội uổng công tôi.
Dương gia thật đáng lòng trung nghĩa.
Muôn thuở người nghe tức giận đời.”
Cha con Dương Nghiệp về đến kinh, vua Thái Tông liền hối quân dọn ăn mừng, đãi đằng như tướng đi chinh Liêu về. Hôm sau, Triệu Phổ vào chầu, dâng sớ xin từ chức Thừa tướng. Vua Thái Tông nghe nói ngơ ngẩn, lấy làm lạ hỏi:
- Ta với khanh từ thuở nhỏ đã tri ngộ với nhau, nhờ khanh giúp đỡ việc trị nước, nay khanh từ chức là ý gì? Triệu Phổ tâu:
- Không có việc gì hết. Tôi thấy nhân lúc thái bình mà xin từ chức để về an dưỡng, xin Bệ hạ xét lại.
Thái Tông thấy Triệu Phổ muốn về an nghỉ, nên nhận lời. Triệu Phổ bái tạ lui về dinh.
Hôm sau, bá quan vào chầu, vua Thái Tông tỏ ý thương tiếc Triệu Phổ có công với triều đình. Tống Ký thấy vậy liền tâu:
- Ơn đức của Bệ hạ không ai không cảm mến. Nhưng Triệu Phổ cũng đã già nua, trở về dưỡng lão cũng là chuyện bình thường.
Năm ấy, triều Tống cải niên hiệu là U Hy năm đầu, vua Thái Tông nhớ đến ông Trần Đoàn, liền cho sứ lên núi Hoa Sơn mời xuống yến ẩm. Trần Đoàn được tin vua triệu, liền xuống núi vào ra mắt Thái Tông. Vua Thái Tông rất hậu đãi, mở tiệc linh đình, cùng Trần Đoàn ăn uống.
Bấy giờ nhân dịp trong ngoài yên lặng, đâu đó bình an, vua Thái Tông hạ chỉ cho dân chúng ở kinh đô, mọi nhà đến bày một cuộc vui ba bữa, đèn đuốc rực trời. Vua Thái Tông ngự giá đi xem, hết cuộc vui này đến cuộc vui nọ rất nên hoan hỉ. Sau đó, vua Thái Tông về triều ra lệnh đòi các tướng và quan cận thần đến xem hoa uống rượu, vui chơi cả ngày. Vua Thái Tông nói:
- Lúc này khí xuân đang ấm, thiên hạ thái bình, cỏ cây tươi tết, các khanh làm thi phú, góp vui cho trẫm.
Sau đó mỗi người làm một bài thơ, vua Thái Tông xem bài nào cũng khen hay và nói:
- Nay nước nhà lạc nghiệp an dân, nhưng nếu bỏ việc võ nghệ sau này khó xây dựng lại. Nay trẫm đòi hết các võ thần và chư tướng đến võ trướng cỡi ngựa bắn tên, cùng nhau tỷ thí cho trẫm xem. Tống Ký tâu:
- Nếu Bệ hạ có lòng lo lắng điều ấy thiệt là phước cho nước Tống đó.
Vua Thái Tông liền khiến làm một trường xạ tiễn gần nơi vườn hoa rồi ra lệnh cho các tướng mang cung cỡi ngựa đến hầu lệnh. Vua Thái Tông phán:
- Nếu ai vào trường, bắn trúng hồng tâm, thì trẫm thưởng ngựa hay áo tốt, còn bắn không trúng thì thôi, trẫm không trách phạt.
Lệnh vừa ban ra, bỗng có một thiếu niên tên Vương Đình Mỹ xông ra cỡi ngựa giương cung nhắm hồng tâm bắn ra một mũi, tức thì trống đổ chuông rung, các quan đều vỗ tay khen ngợi. Đình Mỹ rất vui mừng, quày ngựa đến trước ngự tiền chờ lệnh. Vua Thái Tông khen:
- Ngày nay cháu được như vậy mới đáng con nhà Vương tướng.
Thái Tông nói xong liền thưởng một cái hồng bào và một con bạch mã. Đình Mỹ lạy tạ ơn lui ra đứng một bên.
Bỗng có một tướng xông ngựa ra, giương cung nhắm hồng tâm bắn trúng một mũi nữa. Ai nấy đều ngợi khen, xem ra là đại tướng Tào Bân. Tào Bân liền xuống ngựa, đến trước ngự tiền lãnh thưởng. Vua Thái Tông cũng khen, và ban cho áo và ngựa.
Hôm ấy, vua tôi ăn uống cả ngày. Khi ấy Tần vương đi ngang qua ngõ Sở vương Nguyên Tá. Nguyên Tá là con lớn của vua Thái Tông, hồi thuở nhỏ Tần vương rất thông minh và tướng mạo giống như vua chẳng khác, nên Thái Tông yêu mến lắm. Rủi một ngày kia mang bệnh, lúc này mới hết, nên vua không cho đi tỷ thí. Khi Tần vương về ngang qua đó, biết được việc tỷ thí vừa rồi, lẩm bẩm, nói:
- Người khác đều đến dự hội yến, lãnh thưởng, còn ta không đặng dự tiệc, mà không ai hỏi han đến.
Tần vương nói rồi đi đập phá khắp nơi, và sai quân hầu lấy rượu uống, rồi nửa đêm một mình lén đi chất lửa đốt cung thất. Dân trong thành xem thấy khói lửa bay lên ngùn ngụt đều thất kinh, còn quân sĩ chạy tới cứu chữa cũng chẳng tất. Vua Thái Tông gạn hỏi duyên cớ mới biết rõ là Tần vương làm như vậy bèn hạ chỉ truất phế Nguyên Tá ra làm dân và cho ở quận Châu An Tại. Lệnh vua đã ban, Nguyên Tá lấy làm hồ thẹn, ăn năn thì việc đã rồi.
Lời bàn: Trong vui chơi, bao giờ cũng có cái buồn, nếu cuộc vui không đem lại nguồn vui chung. Vua Thái Tông chinh phục các nơi, đem lại thái bình thạnh trị, thiên hạ vui, thì nguồn vui ấy là mối vui chung của mọi người. Nhưng ở đời, nguồn vui nào cũng phát xuất những cái buồn không lường trước được. Kẻ đã vui còn muốn được vui nhiều hơn, để chiếm nguồn vui của thiên hạ, bởi vì nguồn vui là một phương tiện để hưởng thụ, mà trong hưởng thụ ai cũng muốn tranh đoạt cho mình. Đến nỗi anh em trong nhà khi vui cũng cảm thấy lẽ bất công trong niềm yêu thương ruột thịt Tâm trong con người là thế, tâm trạng nảy sinh nhiều biến cố để dẫn dắt sự buồn bực đến với niềm vui.-oOo-