Vương Toàn Tiết ra khỏi vòng vây. Suốt đêm chạy đến Nhữ Châu ra mắt quan Thái thú nói:
- Chúa thượng bị vây khốn tại Ngụy phủ, không ai dám ra đánh quân Phiên. Nay có chiếu sai tôi đến đây tìm Dương Diên Chiêu trở về cứu giá. Xin quan Thái thú tìm giùm cho được. Quan Thái thú là Trương Tế nói:
- Dương Diên Chiêu phạm tội, đã bị chặt đầu đem nạp về triều, nay còn khiến tôi đi tìm sao được. Xin tướng quân hãy về tâu lại. Vương Toàn Tiết than:
- Nếu không tìm được thì chúa thượng không thoát khỏi nạn này. Trương Tế nói:
- Thật là trái lễ! Lúc bình thường triều đình sai đi chặt đầu người nọ, chém đầu người kia, dù đó là kẻ trung thần, rồi đến lúc tai nạn lại bảo đi tìm người đã chết.
Vương Toàn Tiết nghe nói không biết làm sao, phải trở về Dương phủ, vào ra mắt Dương lịnh bà để bày tỏ việc ấy. Dương lịnh bà nổi giận mắng:
- Cái đầu con ta đã chôn lâu rồi, các ngươi hãy đào lên mà tìm nó.
Vương Toàn Tiết buồn bực phải trở ra Ngụy Châu tâu lại với vua Chơn Tông. Vua Chơn Tông nghe tâu, thở dài than:
- Nước Tống là một nước uy hùng, gặp cơn hoạn nạn chẳng ai dám ra cứu viện. Quần thần tâu:
- Nay chúa thượng đã mắc vào vòng vây của địch, dẫu có Tử Nha sống lại, cũng không tìm ra kế. Vua Chơn Tông bỏ ăn bỏ ngũ. Bát vương thấy vậy tâu:
- Việc đã quá gấp, tôi phải đích thân về Dương phủ mà hỏi thăm tin tức của Dương Diên Chiêu, nếu không được thì tôi phải đích thân đi khắp nơi để tìm cho được. Vậy Bệ hạ sai chư tướng giữ thành cho nghiêm ngặt. Vua Chơn Tông nói:
- Như khanh có đi thì phải cẩn thận.
Bát vương lãnh mệnh, sai Vương Toàn Tiết và Lý Minh bảo hộ ra khỏi vòng vây đi thẳng tới Dương phủ, ra mắt Dương lịnh bà, nói:
- Nay chúa thượng đang lúc lâm nguy, xin thỉnh Dương Diên Chiêu ra đây cho tôi thương nghị. Dương lịnh bà nói:
- Nay Bát vương đến đây, tôi không còn giấu giếm nửa.
Nói rồi sai người xuống một cái hầm kêu Dương Diên Chiêu lên. Dương Diên Chiêu vào ra mắt Bát vương và nói:
- Nếu ngày trước không nhờ điện hạ lập kế giải cứu thì nay Dương Diên Chiêu này đâu còn sống mà tìm. Tôi mang ơn điện hạ không biết lấy chi báo đáp. Bát vương nói:
- Nay chúa thượng bị vây nơi Ngụy phủ, nên phải tìm đến tướng quân để cầu cứu. Dương Diên Chiêu thưa:
- Muốn phá vòng vây quân Phiên phải có quân sĩ. Tôi nghe nói Tam Quan bây giờ binh tướng đều tan rã, vậy để tôi đến đó chiêu mộ binh tướng rồi mới hành động được. Bát vương nói:
- Nếu vậy chẳng nên chậm trễ. Ta sẽ về triều viết thơ tin cho các trấn thu thập binh mã sẵn sàng rồi hiệp với các tướng quân kéo đến giải vây một lượt.
Dương Diên Chiêu vâng mạng, vào bái biệt Dương lịnh bà, thẳng đến Tam Quan trại, lại trở qua Đăng Châu tìm Tiêu Táng hỏi thăm tin tức. Khi vừa đến Cẩm Giang, Dương Diên Chiêu thấy tốp thầy chùa vừa đi vừa cằn nhằn, Dương Diên Chiêu hỏi:
- Các ngươi đi đâu mà coi bộ bất bình như vậy? Mấy vị thầy chùa nói:
- Nơi đây có một thằng điên bắt thầy chùa chúng tôi đêm ngày đến tụng kinh chẳng ai dám nghịch mạng. Dương Diên Chiêu nghĩ thầm:
- Đây chắc là Tiêu Táng chẳng sai. Liền hỏi:
- Người ấy bây giờ ở đâu? Thầy chùa nói:
- Ở phía Tây thành Đăng Châu, nơi một cái miếu mới vừa lập lên đó. Dương Diên Chiêu nói:
- Vậy thì ta đi với các ngươi.
Mấy ông thầy chùa dắt Dương Diên Chiêu đến nơi, thấy Tiêu Táng đang nằm trên bàn thần ngủ ngáy pho pho. Dương Diên Chiêu bước lại gần, đập mạnh vào lưng Tiêu Táng. Tiêu Táng giật mình thức dậy, trợn mắt hét:
- Đứa nào dám cả gan đến phá giấc ngủ của ta vậy? Dương Diên Chiêu nạt:
- Quan chủ? Ngươi là người hay ma quỷ, đã bị chặt đầu sao còn hiện hình nhát ta? Dương Diên Chiêu cười nói:
- Đang giữa ban ngày mà ma quỷ đâu dám đến. Thôi, hãy theo ta ra ngoài ta kể chuyện cho mà nghe.
Mấy ông thầy chùa trông thấy rồi bụm miệng cười dắt nhau đi một. Lục sứ dẫn Tiêu Táng ra khỏi miếu, thuật lại mọi việc cho Tiêu Táng nghe. Tiêu Táng mừng rỡ nói:
- Tôi tưởng thượng quan đã bị triều đình chặt đầu nên lập miếu mà thờ, không dè sự việc như vậy. Dương Diên Chiêu nói:
- Nay việc binh rất gấp, hai ta phải ra Tam Quan cho sớm, chiêu tập binh sĩ giải vây cho chúa thượng.
Hai người vừa đi vừa nói chuyện thì đã đến bến đò Dương gia, bỗng thấy một lũ côn đồ chạy tới. Tiêu Táng nói:
- Để tôi giết hết lũ này trừ mối họa cho địa phương. Dương Diên Chiêu nói:
- Không nên, Chúng ta đang cần chiêu dụ binh lính, phải thu bọn chúng để dùng vào việc binh.
Người cầm đầu bọn lâu la này là Dương Thái Bảo, cùng họ với Dương Diên Chiêu, nên khi biết Dương Diên Chiêu thì quỳ gối phục tùng, mời Dương Diên Chiêu và Tiêu Táng về mở tiệc đãi đằng.
Lúc ấy nhằm tiết tháng tư, trời đang nóng nực, hai người đi trót nửa ngày, ngưng ngồi dưới gốc cây mà nghỉ mát. Tiêu Táng thưa:
- Thượng quan hãy ngồi đây để tôi đi tìm quán rượu giải khát.
Nói rồi ra đi, bỗng thấy một đám người khiêng rượu thịt đi ngang qua đó. Tiêu Táng hỏi:
- Các ngươi gánh rượu thịt đi đâu vậy? Bọn người ấy nói:
- Phía trước đây có cái miếu Dương Diên Chiêu, oai linh hiển hách, trong làng chúng tôi thường đến khấn vái, nên nay đem lễ vật đến cúng tế. Tiêu Táng cười lớn:
- Té ra ngươi đem rượu thịt đến tế Dương Diên Chiêu, vậy thì hãy theo ta đến gốc cây kia mà tế.
Tiêu Táng dẫn bọn người gánh rượu thịt đến nơi, rồi cười nói với Dương Diên Chiêu:
- Người gánh rượu thịt đến tế thượng quan đây. Dân làng thấy việc lạ, cúi đầu lạy và thưa:
- Bọn tôi ngỡ thượng quan đã chết nên lập miếu mà thờ. Chẳng ngờ thượng quan còn sống, vậy chúng tôi dâng vật cho thỏa lòng thành kính.
Tiêu Táng và Dương Diên Chiêu ăn uống xong thì đến Tam Quan. Nhạc Thắng và Mạnh Lương lúc này đang chiếm cứ Thái Hành sơn, nghe tin vội ra đón tiếp. Dương Diên Chiêu nói:
- Các ngươi phải sửa soạn binh mã sẵn sàng để theo ta đi về giải vây cho chúa thượng. Nay ta còn phải đi các nơi khác.
Nói rồi Dương Diên Chiêu và Tiêu Táng dắt nhau ra đi. Đi được nửa ngày, mặt trời đã chen núi, Dương Diên Chiêu bảo Tiêu Táng chỗ này là rừng núi, không có quán trọ, hãy nên kiếm nhà mà nghỉ đỡ. Tiêu Táng lãnh mạng đi một lúc, chẳng thấy nhà cửa ai hết, bỗng thấy nơi góc núi, có một ngôi nhà có một ông viên ngoại đang chong đèn ngồi một mình. Tiêu Táng bước vào hỏi:
- Tôi là người khách buôn, lỡ đường trời tối, xin ông cho tá túc một đêm. Ông lão đáp:
- Ở đây khó khăn lắm, xin quí khách tìm nơi khác. Tiêu Táng nói:
- Trời đã khuya, xin ông làm ơn cho chúng tôi tạm trú một đêm. Ông lão hỏi:
- Có cùng đi với ai nữa không? Tiêu Táng nói:
- Chỉ có một người nữa mà thôi. Ông lão nói:
- Nếu chỉ có hai người thì chẳng hề chi. Vậy xin mời vào phòng nghỉ tạm.
Tiêu Táng bèn trở ra kêu Diên Chiêu vào ra mắt. Ông lão thấy Dương Diên Chiêu tướng mạo khác thường, liền hỏi;
- Ông ở đâu mà đến đây? Dương Diên Chiêu đáp:
- Tôi là người ở Biện Kinh, muốn đến Thái Hành sơn có việc. Ông già nghe nói nhăn mặt đáp:
- Tôi nghe tới Thái Hành sơn mà thêm sầu não. Dương Diên Chiêu hỏi:
- Ông có việc chi xin cho tôi biết. Ông gì nói:
- Tôi ở đây xưa nay chỉ có việc ưa danh chuyện nghĩa, cả xóm này đều là họ Trần, vừa rồi có một vị thảo khấu trên Thái Hành sơn tên là Nhạc Thắng, một người nữa tên là Mạnh Lương, đem bộ hạ cướp phá xóm làng nhiễu hại lương dân. Tôi đã nửa đời người, chỉ sánh được có một chút gái, bị Mạnh Lương xem thấy, ép tôi phải gả con. Đêm nay Mạnh Lương đến làm rể, cực chẳng đã tôi phải vâng lời, nhưng đau đớn biết chừng nào. Dương Diên Chiêu cười nói:
- Ông chớ lo, Mạnh Lương là bạn cũ của tôi để tôi cản nó cho. Ông già nói:
- Nếu con tôi mà khỏi nhục thì ơn ông rất lớn. Tiêu Táng nói:
- Nếu Mạnh Lương muốn làm rể ông, thì tôi xin tình nguyện làm con gái ông để đón chàng rể quí.
Nói rồi mượn áo quần con gái mặc vào, rồi ra ngồi giữa bàn đón Chẳng bao lâu bên ngoài dẫn bọn tùy tùng đến vừa bước vào nhà đã thấy Tiêu Táng mặt đồ con gái bước ra thưa:
- Thiếp nghe tin trễ nên vội ra đón tiếp Mạnh phu quân xin tha tội.
Mạnh Lương trông thấy Tiêu Táng thì sửng sốt. Kế đó Dương Diên Chiêu bước ra thì Tiêu Táng đã chạy đến ôm chặt Mạnh Lương vào lòng, lôi vào phòng trong, rồi nói với Dương Diên Chiêu:
- Thượng quan đến đây lúc nào, xin ngài tha tội. Dương Diên Chiêu nói:
- Hãy mau trở về trại để cùng ta thương nghị.
Lời bàn: Lời xưa nói: "Thiện ác đáo đầu chung hữu báo.” (Lành dữ cuối cùng đều có trả) . Từ xưa đến nay, triều đình là chỗ cai trị dân, lúc nào cũng có kẻ nịnh, người trung. Kẻ nịnh chỉ thành công nhất thể, còn kẻ trung tuy gian nan cực khổ, nhưng cuối cùng vẫn được đền đáp công lao. Sở dĩ có nịnh trung là do tham vọng hưởng thụ, mà kẻ tham vọng hưởng thụ thì không thể trường tồn, chỉ có đạo nghĩa làm người mới vĩnh cửu mà thôi. Truyện Tàu lưu lại những tấm gương sáng cho những ai có trách nhiệm tri nước an dân, nhìn lại gương xưa mà học tập tránh những điều gian tà, chạy theo dục vọng cá nhân, làm trái đạo nghĩa làm người.-oOo-