Ngày mùng ba tháng mười năm Kiến An thứ năm, Tào Tháo khải hoàn trở về.
Thắng lợi của trận chiến Quan Độ đã giúp Tào Tháo ngồi vững ngôi vị bá chủ Hà Nam và cũng âm thầm vượt qua dấu tích của Viên Thiệu. Lúc này không còn ai kêu gào để Viên Thiệu và Tào Tháo cùng nắm giữ triều chính nữa. Một trận đại thắng của Tào Tháo đã chứng tỏ y mạnh hơn gấp trăm lần so với Viên Thiệu.
Hán Đế Lưu Hiệp dẫn theo một trăm quan lại ra ngoài thành nghênh đón.
Tào Tháo xuống ngựa, dập đầu bái lạy Lưu Hiệp, trình diễn vở kịch êm ái vua tôi hòa thuận.
Trên thực tế, khi Tào Tháo toàn thắng ở Quan Độ, người thất vọng nhất lại không phải là Viên Thiệu, mà là Hán Đế Lưu Hiệp. Hắn vốn trông mong Viên Thiệu đánh Tào Tháo thảm bại, sau đó hắn đứng ra với danh nghĩa là thiên tử Hán gia để ngăn cơn sóng dữ. Hắn hy vọng Viên Thiệu thắng nhưng lại không muốn Tào Tháo chết. Tào Tháo còn sống, mới có thể khống chế Viên Thiệu, còn Viên Thiệu sau khi thắng lợi cũng chắc chắn đại thương nguyên khí, đến lúc đó Lưu Hiệp có thể thu hồi quyền lực trong tay hai người này một cách hợp lý. Chỉ tiếc, chút tính toán nhỏ nhặt của Lưu Hiệp cuối cùng chỉ là giỏ trúc múc nước, công dã tràng mà thôi!
Viên Thiệu không đủ mưu trí!
Đây cũng là cảm nhận mạnh mẽ nhất trong lòng Lưu Hiệp.
Nghĩ lại Viên Thiệu nắm giữ bốn châu, dưới trướng có trăm vạn hùng binh, thuế ruộng quảng thịnh, dân cư đông đúc, kết quả lại bị Tào Tháo đánh cho gần như toàn quân bị tiêu diệt.
Người như thế khác nào đồ ăn hại.
Ít nhất ở trong lòng Lưu Hiệp, địa vị của Viên Thiệu đã tuột dốc thảm hại.
Tuy nhiên, Lưu Hiệp không thể bỏ qua như thế.
Trước khi nghênh đón Tào Tháo quay về Hứa Đô, hắn đã hạ chiếu gia phong Tào Tháo làm Thái phó.
Tào Tháo vốn đã giữ chức quan Tư Không, thuộc hàng Tam công. Còn Thái phó lại đứng trên Tam công, có chức trách khuyên nhủ thiên tử, ngày nào cũng làm những công việc thường vụ.
Chắc hẳn, Viên Thiệu nghe được tin này sẽ vô cùng khó chịu trong lòng!
Thiên tử đã hạ chiếu, dựa theo phép tắc, Tào Tháo phải ba lần xin thoái thác, rồi sau đó mới có thể chính thức tiếp nhận.
Nhưng chức thái phó này đã nắm chắc chín phần mười. Đối với Tào Tháo mà nói, thái phó chẳng có gì đáng kể, quan trọng là vấn đề thể diện.
Hậu thế thường nói, Tào Tháo thích lên mặt.
Sau đại thắng Quan Độ, cái đuôi của Tào Tháo lại càng vểnh lên...
Sau khi vào thành còn phải thực hiện lễ nghi rườm rà.
Đêm đó, Hán thiên tử Lưu Hiệp thiết yến mừng công Tào Tháo ở Kim Loan bảo điện, toàn bộ văn võ bá quan đều tham gia. Lưu Hiệp chỉ xuất hiện một lát rồi lui về. Trong lòng hắn không hề thoải mái, cũng là bất đắc dĩ phải mừng công cho Tào Tháo. Tuy nhiên muốn hắn làm bạn thì tuyệt đối không thể.
Sau khi Lưu Hiệp lui về, không khí buổi tiệc rượu đã lên tới cao trào.
- Chư công, chư công hãy nghe bản mỗ nói một lời.
Tào Tháo đột nhiên cao giọng nói, mọi người trong đại điện lập tức im lặng.
- Bản mỗ có một việc riêng muốn cùng bàn bạc với chư công.
Ngũ nhi nhà ta đã năm tuổi, đang lúc học vỡ lòng. Chỉ có điều không dễ mời thầy, không biết chư công có đề nghị nào hay đối với chuyện này không?
Trước đây, Hoàn phu nhân đã nhiều lần phái người đưa tin để bày tỏ thái độ của nàng.
Nàng hy vọng Tào Bằng sẽ làm thầy nhập môn cho Tào Xung.
Tuy nhiên, Tào Tháo lúc ấy còn bận chiến sự nên vẫn chưa quyết. Hơn nữa, y cũng không biết nên quyết định như thế nào về việc này. Tào Bằng thật ra là một ứng cử viên tốt. Cho dù thế nào, Tào Tháo cũng rất khen ngợi lòng trung thành và tài học của Tào Bằng. Tuy nhiên, đúng như lời Biện phu nhân đã nói, vấn đề lớn nhất của Tào Bằng nằm ở tuổi tác của hắn. Còn về chức quan của hắn, nói thật chả coi là cái quái gì...
Trước mắt tiêu điểm tranh luận cũng đều nằm ở tuổi tác của Tào Bằng.
Không phải Tào Tháo không rõ tâm tư của Hoàn phu nhân.
Nhưng y cũng không cho rằng Hoàn phu nhân có điều gì sai. Mấy đứa con của y đều còn nhỏ tuổi, đứa lớn nhất cũng mới gần mười bốn, việc lập đích vẫn còn sớm. Bản thân Tào Tháo cũng rất yêu quý Tào Xung, đương nhiên hy vọng tương lai sẽ có một người giúp đỡ và dìu dắt Tào Xung.
Còn việc có lập đích Tào Xung hay không, Tào Tháo vẫn chưa suy xét.
Y đang ở trong những năm tháng cường thịnh, suy xét vấn đề này hãy còn quá sớm. Hơn nữa, cho dù trợ giúp Tào Xung, cũng không có nghĩa là nhất định phải lập đích Tào Xung.
Tuy nhiên vấn đề là, y không nghĩ tới chuyện lập đích nhưng người trong nhà lại không cho là như vậy.
Tào Tháo đã nói với Quách Gia vài lần, nhưng Quách Gia cứ không chịu bày tỏ ý kiến của mình. Vì thế, Tào Tháo phải nêu ra chuyện này trong buổi tiệc mừng công, cũng là muốn nghe ý kiến của mọi người. Chỉ có điều, khi Tào Tháo nêu ra vấn đề này, cả đại điện lặng ngắt như tờ.
Đám đông nhìn nhau, không ai chịu mở lời.
Đây vốn là chuyện nhà của lão Tào ngươi, sao lại mang ra hỏi bọn ta?
Chuyện này liên lụy đến vấn đề hàng ngũ, nhỡ may đứng sai đội ngũ thì sẽ là sai lầm chết người.
-Có lẽ Tư Không cũng nghe được lời đồn đại của phường thị rồi.
Tào Tháo đã có lời, không trả lời chắc chắn không được. Vì thế mọi người đều nhìn vào cựu Thái úy Dương Bưu. Dương Bưu hiện giờ cũng là bạch thân, nhưng lại có tước vị, cho nên tiệc rượu hôm nay cũng mời hắn đến:
- Có lời đồn rằng, Tư Không có ý mời Tào Hữu Học làm thầy dạy vỡ lòng, e rằng chỉ là tin nhảm nhí. Không phải nói Tào Hữu Học làm sao, phẩm hạnh của hắn không kém, chỉ có điều tuổi vẫn còn nhỏ. Nếu lớn hơn vài tuổi nữa thì chắc chắn là sự lựa chọn phù hợp nhất, thế nhưng hiện giờ không thích hợp lắm.
- Đúng vậy, Tào Bát Bách tài tình xuất chúng, chỉ có điều tuổi còn nhỏ!
- Ừ, Tào Bằng quả thật có thực tài, nhưng tính tình không tránh được dễ bị kích động. Nếu để hắn làm thầy, chưa chắc đã thích hợp.
Cho dù là xuất phát từ ý tốt hay là có dụng ý khác, có người lên tiếng, những người khác đương nhiên sẽ nói theo, bàn tán sôi nổi...
Đề tài này chủ yếu vẫn xoay quanh độ tuổi của Tào Bằng. Đương nhiên cũng có một vài người khá bất mãn với hắn vì chuyện Tào Bằng đại náo phủ của Phụ Quốc tướng quân trước đây. Vì thế nhân cơ hội này, bọn họ không ngại giẫm hai chân lên. Tuy rằng chưa chắc có hiệu quả, nhưng lại có thể khiến người khác ghét bỏ Tào Bằng.
Mọi người mồm năm miệng mười, Tào Tháo rất chăm chú lắng nghe.
Trong tâm tư, y cũng hiểu tuổi của Tào Bằng hơi nhỏ...
Nhưng lại cảm thấy, chỉ là vỡ lòng mà thôi, đọc sách biết chữ thì có liên quan gì tới tuổi tác?
- Văn Chuyển, sao ngươi không nói lời nào?
Ánh mắt của Tào Tháo nhìn khắp đám đông trong đại điện, sau đó dừng lại ở Khổng Dung.
Bình thường gã là người hoạt ngôn (nhanh mồm lẹ miệng), hôm nay không biết vì sao lại không nói câu nào.
Nghe thấy Tào Tháo gọi tên mình, Khổng Dung ho khan một tiếng rồi đứng dậy. Trước đó, khi Dương Bưu trả lời vẫn không đứng lên. Tào Tháo hỏi việc riêng nên khi mọi người nói chuyện với nhau cũng đều ngồi mà nói. Khổng Dung đột nhiên trịnh trọng đứng lên như vậy khiến cho tất cả mọi người không khỏi sững sờ. Khổng Dung cũng không phải là người bình thường, thanh danh của gã rất lớn, được coi là đại diện cho danh sỹ thanh lưu..
Gã đứng lên như vậy, hẳn là có dụng ý gì?
Tào Tháo cũng ngẩn cả người!
Khổng Dung ngày thường là người không câu nệ tiểu tiết nhất, nói dễ nghe một chút gọi là tự nhiên, nói khó nghe một chút thì là không chừng mực.
Nói chuyện với Tào Tháo, gã rất ít biểu hiện thái độ trịnh trọng như thế. Trong lòng Tào Tháo không khỏi có chút tò mò, muốn nghe lý do thoái thác của Khổng Dung.
Khổng Dung lách qua bàn rượu, tiến tới chính giữa đại điện.
Chỉ thấy gã giống như đang tiến hiền quan, run rẩy nâng vạt áo, đi lên trước hai bước:
- Khổng Dung đang muốn đề cử người hiền cho Tư Không.
- Đề cử người hiền?
- Mấy ngày trước, Khổng Dung từng được tặng một quyển kỳ thư, muốn dâng lên cho Tư Không.
Nói rồi, Khổng Dung lấy một quyển sách ra, hai tay giơ lên cao quá đỉnh đầu.
- Duyệt Diệc cũng muốn đề cử người hiền cho Tư Không.
- Tuân Úc cũng muốn đề cử người hiền cho Tư Không.
- Trần Kỷ cũng muốn đề cử người hiền cho Tư Không.
Lập tức có bảy tám người đứng lên.
Hơn nữa nội dung nói đều như nhau.
Tào Tháo ngạc nhiên nhìn mọi người, cũng có chút mơ hồ.
- Văn Chuyển, các ngươi là...
- Tư Không hãy xem qua quyển "Tam Tự kinh" này đã, rồi tự nhiên sẽ hiểu.
Tào Tháo bước lên đỡ lấy quyển sách trong tay Khổng Dung.
Tập sách mỏng chứ không dày, mặt trước dùng chữ phi bạch thể thảo đãi, viết ba chữ "Tam Tự kinh", chữ ký đề tặng chính là Tào Bằng.
Vạn Lý Hầu nhà ta lại có tác phẩm mới sao?
Tào Tháo không nén nổi tò mò liền lật mở trang sách.
"Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tính tương cận, tập tương viễn... Nhất nhi thập, thập nhi bách. Bách nhi thiên, thiên nhi vạn... Viết xuân hạ, viết thu đông. Thử tứ thì, vận bất cùng... Địa sở sinh, hữu thảo mộc. Thử thực vật, biến thủy lục. Hữu trùng ngư, hữu điểu thú. Thử động vật, năng phi tẩu... Trường ấu tự, hữu dữ bằng. Quân tắc kính, thần tắc trung. Thử thập nghĩa, nhân sở đồng..."
Lúc đầu Tào Tháo chỉ đọc rất nhỏ.
Nhưng cứ đọc tiếp, âm thanh dần to hơn và ngân nga khắp trong đại điện.
Ba chữ một tổ, sáu chữ một câu, đơn giản rõ ràng mà lại lắng đọng sâu xa. Điều quan trọng nhất là những lời văn này khi đọc lên rất trôi chảy, có vần luật. Sau khi Tào Tháo đọc xong một lần, không ngờ đã nhớ được mấy trăm chữ. Từ xưa đến nay, chưa từng có bài văn nào như vậy.
Tào Tháo bắt đầu hiểu được, tại sao Khổng Dung gọi nó là 'Kỳ văn'.
- Bài này, duy chỉ có Bát Bách Tự Văn của Hữu Học là có thể sánh bằng.
Tào Tháo không kìm nổi liền lớn tiếng khen ngợi, thế nhưng nói xong chợt nhớ ra, bài văn này chẳng phải cũng chính do Tào Bằng viết ra hay sao?
- Văn Chuyển, các ngươi...
- Mấy ngày trước, Tào Bằng sai người đưa tới quyển sách này, lúc ấy Khổng Dung lại không để ý tới nên tiện tay ném sang một bên.
Cho đến khi trong phường thị đồn đại rằng Tào Bằng muốn làm thầy cho Ngũ công tử, Khổng Dung mới nhớ đến quyển sách này nên liền lấy ra xem, đúng là...
Khổng Dung cho rằng, tài sáng tác của Hữu Học đáng để làm thầy của người khác.
Cuốn "Tam Tự kinh" này đã làm thay đổi bộ mặt các áng văn. Khổng Dung cầm quyển sách này tới thăm các chư hiền, tất cả đều cho rằng bài văn này có thể truyền tới nghìn đời.
Cả đại điện như nín thở.
Tào Tháo vẫn chưa mở lời mà quay về chỗ ngồi, đọc lại một lần nữa.
Y đột nhiên mỉm cười!
- Bài viết này quả là tuyệt vời, không hề bình thường.
Y phát hiện ra, những người đứng ra nói này hoặc bản thân, hoặc tổ tiên đều được nhắc đến trong bài văn.
Ví như Khổng Dung, 'Dung tứ tuế, năng nhượng lê'... (Khổng Dung bốn tuổi đã biết nhường quả lê to cho các anh...)
Hay như Tuân Úc, Tuân Duyệt lại có Thục Thần Quân, vi tứ trường..."
Tào Tháo càng xem càng cảm thấy thú vị. Đọc đến phía sau còn phát hiện ra sự tích của tổ tông Tào Tham, càng khiến y sảng khoái cười ha hả.
Tên Hữu Học này, quả nhiên là thông minh.
Hắn viết bộ sách như vậy, tất cả những người được đề cập đến, dù là bản thân hay là con cái hậu thế, sao có thể không đồng ý?
Những cái khác không nói, nhưng những người này nhất định sẽ gắng hết sức phổ biến cuốn sách này.
Các ngươi không phải nói ta tuổi còn nhỏ, không phải nói ta không đủ tư cách sao? Ta dùng bài văn này đáp lại những nghi ngờ của các ngươi, xem các ngươi còn nói được gì nữa. Trừ phi, các ngươi muốn phủ nhận chính mình, hoặc phủ nhận câu chuyện về tổ tiên của mình. Nếu không chắc chắn sẽ tán thành...
Dáng vẻ bướng bỉnh của Tào Bằng dường như đã hiện lên trước mắt Tào Tháo.
Lúc trước lui binh ở Toan Tảo, Tào Bằng đề nghị Tào Tháo dẫn dân chúng của Toan Tảo cùng chuyển đi. Lúc ấy Tào Tháo không đồng ý, Tào Bằng lại quỳ tới quá nửa đêm ở đại sảnh của nha phủ, cuối cùng đã khiến cho Tào Tháo hồi tâm chuyển ý. Kết quả, Tào Tháo lại có được thu hoạch không ngờ tới.
Những dân chúng theo rút quân khỏi Toan Tảo đều mang ơn Tào Tháo.
Thế cho nên khi quân Viên Thiệu gần tới Quan Độ, dân chúng địa phương đều ra sức ủng hộ Tào Tháo.
Lòng dân, ý dân...
Trận chiến Quan Độ tất nhiên là thắng lợi do Tào Tháo bày mưu lập kế, nhưng cũng không hẳn không phải thắng lợi do lòng dân.
"Nước có thể đẩy thuyền lên, cũng có thể làm lật thuyền" dường như cũng đã diễn đạt được đầy đủ quan điểm của Tào Bằng. Tên tiểu tử này, lần này lại muốn chơi trội đây!
Tào Tháo thậm chí tin chắc rằng, khi cuốn "Tam Tự kinh" này được tung ra, chắc chắn sẽ nhanh chóng được phổ biến, thậm chí thay thế được cả "Thương Hiệt thư" từ đời Tần Hán đến nay, trở thành tác phẩm vỡ lòng lưu hành nhất sau này. Bởi vì, trong cuốn sách dường như đã bao hàm cả thế gia đại tộc trên đời này.
Có Trịnh Huyền, có Lô Oản, có Thôi Nghiệp...
Trong cuốn "Tam Tự kinh" này, Tào Bằng đã đưa ra đủ lợi ích cho những thế gia đại tộc đó.
Vì lợi ích này, bọn họ cũng phải tranh nhau phát triển.
Trên thực tế, Tào Tháo lại đoán sai.
Khi Tào Bằng trao quyển sách cho Khổng Dung, vẫn còn chưa truyền ra thông tin Hoàn phu nhân muốn mời hắn làm sư phụ cho Tào Xung. Sở dĩ hắn đưa cho Khổng Dung, là hy vọng có thể kéo gần mối quan hệ với Khổng Dung, để sau này có thể nắm trong tay khuynh hướng của dư luận. Tam Tự kinh này là một bước cờ đầu của Tào Bằng để tiến lên kết thân với đám danh sĩ thanh lưu. Muốn có được sự ủng hộ của toàn bộ danh sĩ thanh lưu, chỉ dựa vào mấy bài văn vẫn chưa được, mà cần hơn là mối quan hệ xã giao rộng lớn...
Tuy nhiên, quyển "Tam Tự kinh" này vừa xuất hiện đã đủ để chặn tận gốc những lời bàn bạc của mọi người.
Người có thể viết ra một tác phẩm vỡ lòng tuyệt vời như thế, chẳng lẽ còn không đảm đương không nổi vị trí một tiên sinh vỡ lòng hay sao? Bạn đang xem truyện được sao chép tại: