Thế nào là thơ thể "tao"? Chuyện này phải nói từ thời Chiến quốc. Thể thơ "tao" xuất hiện lúc đó về cơ bản là thể thơ tứ ngôn (bốn câu), cũng là một dạng dân ca kiểu "Thi kinh nhất quốc phong". Chỉ có điều, tiết tấu của thể tứ ngôn nhỏ, đơn điệu, khô khan, dung lượng cũng có hạn. Khi diễn tả về cuộc sống xã hội phức tạp, thể thơ này luôn có rất nhiều hạn chế. Mãi đến thời Chiến quốc, thi nhân nổi tiếng Khuất Nguyên chịu lời gièm pha, bị bắt đi đày, lòng ngập tràn bi phẫn và thống khổ. Chỉ có điều, khi ông muốn dùng thi từ để gửi gắm tâm tình, sự hạn hẹp của thể tứ ngôn khiến ông không thể chịu nổi. Vì thế, Khuất Nguyên mới học tập tục ngữ, ca dao trong dân gian, không câu nệ theo thể tứ ngôn nữa, mà chọn dùng thể ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn nhưng vẫn giữ lại ngữ điệu vịnh xướng, nối bằng chữ "Hề". Đó cũng chính là hình thức ban đầu của thể thơ "tao". Bài thơ nổi tiếng nhất chính là Ly Tao.
Đến thời Hán, ngay các tác phẩm nổi tiếng của Lưu Bang cũng thuộc thể thơ "tao".
Bài thơ trên mảnh lụa trắng Tào Bằng đang cầm trên tay cũng thuộc thể thơ "tao".
Xem cách dùng từ và luật thì dường như đây là thủ bút của nữ nhân, hơn nữa là một nữ nhân rất xuất chúng, rất có học thức.
Cách dùng từ đặt câu cực kỳ xuất sắc.
Hai năm nay Tào Bằng vất vả học nhạc phủ, cách luật, ngẫu nhiên cũng có thể làm ra một hai bài thi từ do chính hắn sáng tác, nhưng so ra thì thi từ của hắn chỉ là thứ vớ vẩn so với bài thi theo thể "tao" này. Càng quan trọng hơn là, Tào bằng có cảm giác rất kỳ lạ là tác giả thể thơ "tao" này sử dụng bút pháp rất quen thuộc, dường như là thể Phi Bạch?
-Đây là…
-Hữu Học có biết Thái Bá Dương không?
Tào Tháo ngẩng đầu lên, gương mặt đau khổ.
Tào Bằng hoảng sợ. Phải biết rằng Tào Tháo là người có địa vị rất cao, sớm đã không còn vui buồn ra mặt nữa. Bất kể gặp chuyện gì, y đều rất ít khi tỏ thái độ ra ngoài mặt, nhưng xem ra Tào Tháo đang thật sự có chuyện. Tào Bằng thậm chí còn thấy được trong mắt Tào Tháo mơ hồ có chút nước, khiến hắn giật mình.
-Thái Bá Dương chẳng phải là Thái Tễ tiên sinh sao? Sao điệt nhi có thể không biết được?
-Bài thi này là do Thái Diễm làm.
-Thái Diễm ư?
-Chính là con gái của Thái Bá Dương, Chiêu Cơ.
Thái Diễm, Thái Chiêu Cơ. A, đó chẳng phải là Thái Văn Cơ sao?
Nhưng mãi sau này Thái Văn Cơ mới đổi lại tên. Nàng vốn tên là Thái Chiêu Cơ, chỉ có điều sau này Tư Mã thị soán ngôi nhà Ngụy, để tránh tục danh của Tư Mã Chiêu, nàng mới đổi thành Thái Văn Cơ. Sau đó, thế nhân quen miệng gọi nàng là Thái Văn Cơ.
Thái Văn Cơ vốn tên là Thái Diễm.
Chiêu Cơ là tự của nàng. Cả đời Thái Bá Dương có hai con gái nhưng vận mệnh lại rất khác nhau.
Trưởng nữ Thái Diễm là tài nữ hiếm có, vận mệnh lênh đênh.
Khi nàng còn trẻ, tài văn cao siêu, thi phú rất giỏi, tinh thông âm luật, từng coi Ban Chiêu làm thần tượng, từ nhỏ đã chú tâm đọc điển tích, thông hiểu kinh sử, từng đọc cả Hán ký. Chỉ có điều, vận mệnh của nàng rất long đong, lần đầu tiên nàng xuất giá là đến nhà Vệ thị ở Hà Đông. Trượng phu Vệ Trọng Đạo vốn là sĩ tử nổi tiếng. Lúc ấy, tài tử giai nhân khiến không biết bao nhiêu người ghen tị. Đáng tiếc chưa đến một năm, Vệ Trọng Đạo ho ra máu mà chết, Thái Diễm bị Vệ gia ghét bỏ, nói nàng khắc tử hại chết trượng phu, là người xui rủi. Thái Diễm vốn là tài nữ danh môn, tâm cao khí ngạo, sao có thể chịu cho người làm nhục. Nàng giận dữ, trở về nhà. Từ đó về sau đoạn tuyệt quan hệ với Vệ gia, không qua lại nữa.
Chỉ có điều, Vệ gia vẫn không ngừng căm giận Thái Diễm.
Đổng Trác vào Tuy Dương, bắt đầu sử dụng Thái Ba.
Chẳng bao lâu sau, Đổng Trác bị giết, Thái Ba cũng bị Vương Doãn hại. Lý Thôi, Quách Dĩ tấn công thành Trường An, chiến loạn Quang Trung kéo dài liên miên. Lúc này, Khương Hồ thừa cơ xuất binh, dẹp bỏ Quan Trung. Thời đó có ghi chép: "Người Trung thổ yếu ớt, đến đâu cũng chỉ thấy binh Khương Hồ vây thành ấp, nhìn đã biết hưng vong."
Đầu đàn ông, con trai bị treo trên đầu ngựa, con gái bị trói sau lưng ngựa kéo về Nam Hung Nô. Cũng chính thời điểm này, Thái Diễm nằm trong số rất nhiều cô gái bị bắt đi, mang về Nam Hung Nô.
Kể từ đó về sau, thiên hạ đại loạn, chiến sự liên miên.
Nào còn ai nhớ tới một nữ nhân yếu đuối nữa?
Muội muội của Thái Diễm tên là Thái Trinh Cơ, vận mệnh hoàn toàn khác Thái Diễm.
Tài học của Thái Trinh Cơ kém xa Thái Diễm, tướng mạo cũng không xinh đẹp như Thái Diễm. Nhưng cả đời nàng lại bình an, được gả cho một nam tử tên Dương Nha. Có lẽ, rất nhiều người không biết Thái Trinh Cơ là ai, nhưng Thái Trinh Cơ lại có một người con rất xuất chúng, rất nổi danh ở thời hậu thế, Dương Hộ.
Bậc thầy tiểu thuyết võ hiệp đời sau Kim Dung cũng từng nhắc đến Dương Hộ trong tác phẩm của mình.
Câu nói "Việc trên đời không như ý, là do muốn mười mà làm bảy, tám" chính là do Dương Hộ nói ra.
Tào Bằng ngẩng đầu, hạ giọng nói:
-Đây là do Thái Diễm làm?
Tào Tháo hít sâu, gật đầu, rồi lại lộ vẻ cô đơn.
Thái Ung vừa là thầy vừa là bạn của Tào Tháo, giao tình cũng rất thắm thiết.
Tào Tháo nói:
-Lần này chinh phạt Hà Bắc, ta ngẫu nhiên tìm được sáng tác của Bá Dương, còn có thiên Bi phẫn thi này nghe nói là do Chiêu Cơ sau khi bị bắt đi Mạc Bắc đã làm ra. Ta nhìn thấy bài thơ này mà xúc động. Nhớ năm xưa, Bá Dương tài tình xuất chúng, ít người có thể sánh bằng. Giờ thi cốt của tông sư không còn thì không nói, ngay đến tiểu tài nữ năm xưa cũng chịu nhiều đau khổ.
Sau khi Vương Doãn giết Thái Ung, liền vứt xác ông ngoài đường. Sau đó không lâu, Lý Thôi, Quách Dĩ tấn công Trường An, giết người vô số. Cuối cùng, không ai biết được thi thể Thái Ung chôn ở nơi nào. Sau Lý Thôi, Quách Dĩ, Tào Tháo làm chủ Quan Trung, nhưng vẫn không thể tìm được thi thể của Thái Ung.
Y ngẩng đầu, hạ giọng nói:
-A Phúc, ta muốn đưa Chiêu Cơ về.
Nói thật, Tào Bằng không mấy quan tâm đến Thái Văn Cơ.
Bởi ở thời hậu thế, danh tiếng của Thái Văn Cơ cũng không vang dội lắm. Nguyên nhân có lẽ bởi nàng đã ba lần lập gia đình.
Lần đầu tiên là Vệ Trọng Đạo, lần thứ hai là người Hung Nô. Tuy nói gả cho người Hung Nô không phải là mong muốn của Thái Diễm, nhưng đó vẫn trở thành cái cớ cho người đời sau công kích. Có người nói nàng không biết giữ trinh tiết, nếu là liệt nữ đã không sống tạm bợ như thế. Nếu đã sống như thế thì cũng đừng trở về. Nàng lại sinh hai người con trai, đến khi trở về Trung Nguyên, nàng lại bỏ rơi hai người con ấy.
Tóm lại, trong mắt những kẻ sĩ có tư tưởng cổ hủ thì Thái Văn Cơ đúng là kẻ làm bại hoại thuần phong mỹ tục.
Nhưng thực ra, năm đó vào thời Đông Hán, lòng người không nghĩ như thế. Hôn nhân không nên bị trói buộc bởi tam tòng tứ đức, càng không thể lấy tiết liệt để ràng buộc danh tiết. Cái gọi là tiết liệt đại khái bắt đầu từ khi thời Tống Minh hưng thịnh. Chu Hi lão nhân đem quan niệm của bản thân mình áp đặt cho cổ nhân từ hơn ngàn năm trước quả đúng là sai lầm lớn nhất, vô lý nhất trong thiên hạ.
Tào Bằng ghét Chu Hi, nhưng không có nghĩa là hắn thích Thái Văn Cơ.
Cho nên, khi Tào Tháo nói muốn đưa Thái Văn Cơ về, bản thân hắn không có phản ứng gì.
Ngươi muốn đưa Thái Văn Cơ về thì đưa đi, nói với ta làm gì? Ngươi đường đường là Tư không, muốn đưa người về cần gì phải nói với ta?
Tào Bằng nghi hoặc nhìn Tào Tháo, lại thấy Tào Tháo đang giương đôi mắt sáng quắc lên theo dõi hắn.
Tào Bằng run lên, có dự cảm không lành.
-Ý của thúc phụ là…
-Sau khi Viên Thiệu chết, chiến sự ở Hà Bắc vẫn còn rất kịch liệt, ta không thể tấn công toàn lực trong thời gian ngắn được. Ta không thể đích thân làm thì chỉ có thể tìm người đi tới Mạc Bắc tìm kiếm Chiêu Cơ thôi. Ngươi cũng biết giờ Khương Hồ ở Mạc Bắc chém giết ác liệt. Hung Nô, Tiên Ti liên tục hỗn chiến. Nếu cử những người không có vũ dũng đi thì chỉ sợ khó có thể tìm được người. A Phúc, ta muốn ngươi thay ta đi sứ sang Hung Nô, đón Chiêu Cơ về nhà Hán. Chuyện này có rất nhiều khó khăn, không biết ngươi có đồng ý đi không?
Bảo ta đi Mạc Bắc, đón Thái Văn Cơ về nhà Hán sao?
Tào Bằng dù đã có chuẩn bị trước nhưng nghe xong vẫn choáng váng đầu óc.
Sao lại bảo ta đi sứ?
Hắn nhìn Tào Tháo, lại thấy y vẫn nhìn hắn, đôi mắt sáng quắc.
Trong đầu hắn chợt lóe lên một ý nghĩ. Hắn mở to mắt, nhìn Tào Tháo, một lúc lâu sau mới hạ giọng nói:
-Thúc phụ, chẳng lẽ muốn điệt nhi…
Tào Tháo gật đầu.
-Ta không gạt ngươi. Ta đã suy nghĩ cặn kẽ rồi mới quyết định bảo ngươi đi Mạc Bắc. Ngươi hẳn cũng rõ, từ thời Hán ta đến nay, bọn người Hồ không ngừng quấy nhiễu. Trước đây là Hung Nô, sau lại là Tiên Ti, giờ còn có bọn dị tộc Ô Hoàn, Hàn Cúc luôn rình rập như đám hổ đói rình mồi. Đặc biệt dị tộc Ô Hoàn có quan hệ rất mật thiết với Viên Thiệu. Trước đây khi còn ở Quan Độ, ta chỉ thấy thiết kỵ của Ô Hoàn lẫn trong quân Viên Thiệu. Nhưng nay ta đã dẹp yên Hà Bắc, Ô Hoàn dù sao cũng trở thành mối hiểm họa với ta. Cho nên, lần này ngươi đi Mạc Bắc, đầu tiên là để nghênh đón Chiêu Cơ về nhà Hán, chuyện thứ hai cũng là chuyện quan trọng nhất chính là để tra xét Mạc Bắc, phá hủy mối quan hệ giữa dị tộc Mạc Bắc và Ô Hoàn.
Nghênh đón Thái Văn Cơ là chuyện tư.
Phá hủy mối quan hệ giữa dị tộc Mạc Bắc và Ô Hoàn mới là chuyện công.
Nhưng lão Tào ngươi chẳng phải quá ưu ái ta rồi sao, chuyện lớn như thế mà giao cho ta làm, chẳng sợ ta sẽ làm hỏng sao?
-Ý của thúc phụ là muốn điệt nhi làm sứ giả ư?
-Đương nhiên không phải thế. Lần này ngươi đi không có thân phận gì hết.
-Không có thân phận ư?
-Lần này đi tới Mạc Bắc, chính sứ là Trung cung phó Chu Lương.
A.
Tào Bằng chợt hiểu ra.
Trung cung phó thật ra chính là thường thị, hoặc nên gọi là thái giám, hoạn quan.
Vì sao lại bảo ta đi theo một thái giám đến Mạc Bắc? Ai chẳng biết Trung cung phó là chức quan đại trường thu, mà mộc trường thu lại là hoạn quan thận cận nhất bên cạnh Hán Đế. Tào Bằng thật sự u mê, chẳng lẽ chuyện này có liên quan đến trong cung ư?
Tào Tháo như không phát hiện ra ánh mắt của Tào Bằng, chỉ làm bộ u oán, tự nói tự nghe:
-Chu Lương là lão nô của bệ hạ từ khi còn ở Trường An. Lần này, bệ hạ lệnh lão đi Mạc Bắc cũng là lấy danh nghĩa của bệ hạ để hỏi thăm Thiền vu Hô Trù Tuyền của Nam Hung Nô. A, có lẽ ngươi không rõ chuyện này lắm. Hô Trù Tuyền là con trai của Khương Cừ và là em trai của Thiền vu đời trước Ư Phu La. Người này xưa nay vốn đem lòng ngưỡng mộ Hán thất ta, trước đây, khi bệ hạ chuyển về Hứa Đô, Hô Trù Tuyền cũng đã góp rất nhiều công sức.
Tào Bằng dường như đã hiểu!
Hán Đế giờ phái Trung cung phó đi tới Mạc Bắc e rằng có chuyện đáng ngờ. Chính vì thế Tào Tháo lấy cớ tìm Thái Diễm để hắn hộ tống đi theo đoàn người. Nhiệm vụ của Tào Bằng không chỉ là tìm kiếm Thái Diễm, phá hủy mối quan hệ dị tộc của Mạc Bắc mà quan trọng hơn nữa chính là giám thị Chu Lương.
Trách nhiệm quá lớn!
Đừng tưởng Tào Bằng bề ngoài luôn ra vẻ hoành tráng này kia, nhưng bản thân có mấy cân lượng hắn hiểu rất rõ.
Tào Tháo để Tào Bằng làm chuyện này, chứng tỏ y rất tín nhiệm hắn.
Hơn nữa, Tào Tháo biết Tào Bằng và trong cung bất hòa với nhau, cho nên y cũng không cần lo lắng hắn sẽ cấu kết với trong cung.
Quan trọng nhất là Tào Bằng rất thận trọng.
Hắn từng phá rất nhiều đại án, thế nên Tào Tháo tin rằng Tào Bằng có thể thực hiện nhiệm vụ này.
Còn những người khác thì sao?
Mục tiêu quá rõ ràng.
Hai năm nay Tào Bằng không quá nổi bật, luôn ở trong nhà, thế nên không ít người thậm chí đã quên mất sự tồn tại của hắn.