https://truyensachay.net

Thạch Kiếm

Chương 76: Họa vô đơn chí

Trước Sau

đầu dòng
Đền Mitsumine có nuôi một đàn chó chừng hai chục con để bảo vệ kho tàng cổ ngoạn. Chúng hung ác vô cùng, nghe nói pha giống chó miền bắc với loài sơn cẩu vùng hoang địa Chichibu nên chịu được lạnh và rất dai sức. Đàn chó thường thả rông, sục sạo khắp nơi, xông cả vào trại của nông phu dưới chân núi phá phách và bắt gia súc ăn thịt. Nhưng cư dân không dám động đến. Họ coi chúng là những sinh vật do thần linh sai khiến để giám hộ tài sản của đền nên chỉ biết dựng rào cao để ngăn chặn.

Đàn chó được giao cho một lão tráng thủ hộ. Lão tuổi chừng năm mươi, mặt hơi rỗ, tuy phục sức tươm tất, áo màu dà, quần gai bó chẽn nhưng ăn nói lỗ mãng, điệu bộ hung hăng chẳng thua gì đàn sơn cẩu.

Đêm hành lễ, đi tuần, lão dẫn theo một con chó lông đen to như con bê con. Con chó quả thật dữ tợn. Đi bên lão, nó cứ hực lên gần như lúc nào cũng chỉ muốn chồm tới cắn người. Tuy khỏe mà lão phải cố gắng lắm mới ghìm lại được, sợi dây xích căng thẳng tưởng chừng muốn đứt. Con vật ghê gớm quá, chẳng ai dám đến gần. May mà người giữ chó dẫn nó xa xa ở vòng ngoài nên cũng không gây náo loạn gì mấy.

Đang đi, bỗng lão dừng bước, lánh xa đám đông rồi suỵt chó lẩn vào một đường rẽ.

Đến nơi có vài quán nhỏ lẫn mấy căn lều gỗ mới dựng, bày bán lèo tèo những đồ tế tự hoặc kỷ vật thô sơ bằng tre cho khách thập phương, lão đi chậm lại đưa mắt nhìn các bảng hiệu. Khách đã thưa, phần lớn có mặt ở đám lễ trên đền. Đèn nến cũng bớt sáng, tiếng cười nói ồn ào chỉ còn văng vẳng. Bên gốc cây, một cặp vợ chồng già ngồi quanh ngọn lửa chăm chú nấu món ăn tối trong chiếc nồi đất. Mùi đậu đỏ lẫn với mùi khói củi còn tươi bốc lên hắc và hơi ngọt. Thấy con chó tiến đến bên, người vợ sợ hãi nép vào bên chồng. Lão dắt chó giật mạnh sợi dây xích, suỵt con vật rồi hỏi một câu sẵng:

- Quán trà mụ Ôkô ở phía nào ?

- Dạ, đằng kia. Trước quán có treo lồng đèn.

Vừa chỉ, người chồng vừa kéo vạt áo che ngực.

Chẳng cảm ơn mà cũng chẳng hỏi gì thêm, lão xăm xăm dẫn chó đi sâu vào con đường tối. Đến một căn nhà gỗ nghèo nàn, trước cửa treo hai cây đèn lồng đề bốn chữ “Thanh Sơn lữ điếm” nhưng một cây đã tắt nến, lão bước vào:

- Chủ quán đâu ?

Ngồi ngủ gật bên quầy, đứa hầu gái giật mình tỉnh giấc, dụi mắt. Nhìn người và vật, cả hai đều có dáng hung dữ như quỷ âm ty, nó sợ hãi líu lưỡi:

- Dạ ... dạ ...

- Dạ cái gì ? Ta hỏi chủ ngươi đâu ?

Chưa hoàn hồn, đứa bé sụp xuống lạy. Vừa lúc ấy, Ôkô bước vào. Mụ già đi nhiều.

Son phấn không che được hết các nếp nhăn trên mặt. Cặp lông mày giả tô đậm, vẽ cao gần chân tóc và bộ y phục diêm dúa khiến Ôkô trông giống như một đào thương trên sân khấu tuồng Nô. Nhìn khách, mụ reo lên:

- A ! Chu lão gia !

Quả vậy, lão chính là Chu Kế Phong Tất Đạt, người thợ rèn ở xóm Ujii đã có lần Thạch Đạt Lang tha chết. Chính lão đã chế ra thiết liêm cầu, một thứ võ khí cổ quái gồm có quả cầu sắt móc vào sợi dây xích cùng với cây gậy ngắn giấu kín một lưỡi dao cong và có răng cưa như lưỡi liềm. Chu Tất Đạt đã dùng thứ võ khí cổ quái này nhiều lần giết hại những khách bộ hành xem ra có máu mặt chẳng may lạc đường vào xóm lão ở. Nhưng sau thấy nghề đạo tặc chẳng kiếm được bao nhiêu, mà nghề thợ rèn lương thiện thì không đủ nuôi sống vợ con nên lão giải nghệ, lang bạt đến vùng Edo này tìm kế khác sinh nhai. Dịp may, có người giới thiệu vào làm ở đền Mitsumine. Nhờ tài sử dụng món võ khí cổ quái thiết liêm cầu, lão thắng bọn côn đồ đến cướp phá và từ đó giữ chức trưởng toán an ninh phòng vệ, kèm thêm việc chăn đàn chó dữ.

- Chu lão gia đến có việc gì thế ?

Ôkô hỏi:

- Báo một tin quan trọng.

Ôkô hạ thấp giọng:

- Có đúng nó không ?

- Đích thị ! May mà mụ nhìn ra nó sớm.

- Bây giờ phải làm gì ?

Tất Đạt không đáp. Lão vốn ít nói và cẩn thận nên hỏi lại, lửng lơ:

- Hồ Định đâu ?

- Không biết. Mới về ! Chắc ở nhà trong.

Mụ quay sang con hầu:

- Lại ngủ phải không ?

- Dạ, đâu có.

- Ta không bảo ngươi. Ta hỏi ông chủ kìa !

- Ông chủ ? Vâng, ông chủ ngủ trong nhà.

Ôkô lầu bầu:

- Đồ ăn hại ! Ngày lễ ngày lạc, chẳng để ý đến việc gì cả ! Chỉ rượu với ngủ. Thảo nào cửa hàng ế chơ ế chỏng.

Nói đoạn, xăm xăm bước đến sau tấm bình phong, kéo tuột chăn của một người đang nằm trên chiếc ghế dài gần đó.

- Này dậy đi ! Ngủ gì ngủ lắm thế !

Bị đánh thức thình lình, người đang ngủ nhỏm dậy, mắt hấp háy:

- Gì thế ?

Ôkô lùi lại, ngạc nhiên, đoạn cười lên sằng sặc:

- Trời ơi, ta lầm rồi ! Ta tưởng thằng chồng trời đánh chứ !

Tấm chăn rớt xuống chân ghế. Người kia nhặt lên trùm kín mặt, sửa lại chiếc gối gỗ rồi ngủ tiếp. Bên cạnh chỗ gã nằm, lăn lóc cái bát với đôi đũa, sát tường dựng một đôi dép cỏ loang lổ bùn, một túi hành trang bạc phếch, một cái nón nan cũ và cây gậy tre lớn đã lên nước bóng loáng.

- Chắc là khách trọ ?

Đứa hầu gái đáp:

- Dạ. Ông khách chỉ đủ tiền trả tiền cơm nên xin ngủ nhờ, mai đi sớm.

Chu Tất Đạt ghé tai mụ thì thầm:

- Con chó này kềnh càng dễ gây chú ý. Để ta mang nó về, lát nữa trở lại. Mụ gọi chồng mụ dậy.

Ôkô gật. Đợi cho Chu Tất Đạt ra khỏi cửa, mụ mới bước vào phòng, Hồ Định đã tỉnh giấc nhưng còn nằm nán trên chiếu. Cũng như ở Ôkô, thời gian đã in lên thể chất và tinh thần Hồ Định những vết tàn phá càng ngày càng rõ nét. Qua nhiều năm cực nhọc và sa đọa, nhất là sau lần thoát chết trên đồi Hòa Đa, đồ đảng tan rã, gã trở thành một lão già bạc nhược, nhút nhát, không còn chút phong độ nào của một kiếm sĩ trước đây được coi như rường cột của phái Hoa Sơn. Thú vui duy nhất của gã bây giờ là ngày ba bữa rượu rồi ngủ vùi. Mọi việc phó mặc Ôkô lo liệu. Lữ điếm nghèo nàn của vợ chồng gã mở ra kiếm tiền độ nhật mỗi năm một suy tàn trông thấy. Hồ Định không ngờ gã đang bước theo vết chân của Mãn Hà Chí và chẳng bao giờ quan tâm xem mình hiện đang ở nấc thang nào của sự trụy lạc.

Hồ Định tung chăn bước ra, chân xiêu vẹo và quần áo xốc xếch. Gã đến bên vại nước. Nhìn dáng khom khom của chồng, mụ Ôkô nhổ nước bọt. Gã múc một gáo nước đầy uống ừng ực rồi đổ chỗ còn lại lên đầu, dùng tay mặt vuốt tóc. Nước lạnh làm gã tỉnh táo đôi chút.

- Này Hồ Định ! May cho ông lắm đấy ! Bữa nay mà còn la cả ở quán rượu thì chết mất xác rồi !

Hồ Định cau mặt:

- Nói cái gì ?

- Tôi nói từ giờ ông phải cẩn thận. Ông biết thằng Thạch Kinh Tử hiện đang ở vùng này không ?

Mặt Hồ Định nghệch ra:

- Thế à ? Mụ trông thấy hắn à ?

- Phải. May mà tôi nhìn thấy và báo cho Chu Kế Phong biết. Chút nữa lão trở lại.

Hồ Định thừ người rồi bước vội vào phòng. Qua mặt vợ, gã nói nhỏ:

- Khe khẽ chứ. Vào đây, nói gì thì nói.

- ...

- Tắt đèn đi. Đừng để nó biết mình mở quán ở đây.

- Xì ! Ông thì nhát như cáy ngày. Định trốn trong buồng cả đời sao ?

- Thế mụ không nhớ chuyện xảy ra trên đồi Hòa Đa à ? Thằng ấy nguy hiểm lắm, mình suýt chết thiêu về tay nó.

- Nhớ chứ sao không. Nhưng việc gì mà sợ quá thế ? Đây là cơ hội tốt mình trả cái hận đó. Lại còn mối thù môn phái.

Mụ khích thêm:

- Ông là người của Hoa Sơn. Nó tàn sát cả tông môn, đến thằng bé con cũng giết mà ông không có phản ứng gì. Không biết nhục !

Thật ra khi cuộc giao chiến giữa Hoa Sơn và Thạch Đạt Lang xảy ra dưới gốc cổ tùng mấy năm trước, Hồ Định không có mặt. Nhưng được tin chưởng môn cùng bao anh em đồng đạo chết thảm khốc, gã áy náy vô cùng và lấy làm hổ thẹn đã hèn nhát bỏ đi.

Một lần, lừa được Thạch Đạt Lang vào tròng tại căn nhà sàn chứa thuốc ở đồi Hòa Đa, tuy không phải hoàn toàn chỉ vì mục đích trả hận cho môn phái, gã đã hy vọng diệt được kẻ thù không đội trời chung ấy. Nhưng Thạch Đạt Lang không mắc bẫy. Không những thế, hắn còn quật ngược lại, trói vợ chồng gã vào gốc cây rồi nổi lửa thiêu sống.

“Thằng đó ghê gớm quá !”. Hồ Định nghĩ thầm. Bản năng tham sống sợ chết của gã nổi dậy càng làm gã thêm khiếp nhược.

- Ở Hòa Đa, băng đảng nhiều mà còn không làm gì được. Huống chi bây giờ chỉ còn ta với mụ !

- Sao lại chỉ còn ông với tôi ? Lão Chu Kế Phong cũng hận nó không kém, có thể hợp tác với ta được !

Ôkô bèn đem chuyện Thạch Đạt Lang giết em Chu Kế Phong Tất Đạt là Chu Kế Phong Thử Mạch trên đồi Ibuki ra kể cho Hồ Định nghe. Gã mừng lắm, vì không những lão biết sử dụng thuần thục thứ võ khí cổ quái thiết liêm cầu mà còn đứng đầu bọn tuần vệ nữa. Bề nào cũng trông cậy vào lão được rất nhiều.

- Hay lắm ! Vậy mụ đã bảo với lão chưa ?

- Dĩ nhiên là rồi.

- Lão nói sao ?

- Chút nữa trở lại Hồ Định bỗng giật mình. Gã đưa mắt ra nhà ngoài nhìn kẻ ngủ trên ghế dài rồi hỏi nhỏ vợ:

- Ai thế ?

- Khách trọ !

- Bảo nó dậy đi đi !

Ôkô gọi đứa hầu gái đến đánh thức khách, mời ra khỏi quán. Tuy lẩm bẩm phản đối nhưng người khách trọ cũng không nài ở lại, khoan thai đeo hành trang, cầm gậy bước ra cửa.

Vóc gã thô kệch nhưng dáng đi mềm mại mà vững vàng, khác với dáng dấp của phần đông khách hành hương thường thấy. Ôkô hơi thắc mắc, hỏi con hầu về số tiền cơm. Thấy nói khách đã trả đủ, mụ bỏ qua không lý đến nữa, đoạn bảo nó tắt đèn và đóng cửa quán.

Chừng nửa đêm, Chu Kế Phong Tất Đạt trở lại, mang theo một bọc vải dài. Ôkô ra mở cửa dẫn vào. Lão tháo dép ngồi bên Hồ Định. Khay rượu đã dọn sẵn. Cả ba yên lặng một lúc dường như còn ngại ngùng chưa biết mở đầu thế nào. Họ uống rượu hết đĩa này đến đĩa khác.

Mãi sau, Ôkô mới hỏi:

- Lão có kế hoạch gì chưa ?

- Hồi tối đi tuần, ta nghe nói nó với một đứa nhỏ sáng mai chúng nó vào hậu điện.

Cứ phục ở dọc đường, thế nào cũng giết được nó.

- Chỉ có ta với lão sợ không đủ sức !

Chu Tất Đạt cười ghê rợn, quả quyết:

- Cứ tin ta. Nó không thoát được đâu !

Rồi thấp giọng:

- Ta đã bảo mấy đứa thân tín cầm giáo dài núp ở ven suối.

Đoạn hất hàm về phía Hồ Định:

- Còn lão huynh dùng cái này !

Chu Tất Đạt mở bọc vải lấy ra cây súng hỏa mai đưa cho gã:

- Thấy nó thì bắn ngay. Bọn ta sẽ nhất tề xông vào, nó có mười chân cũng chẳng thoát được.

Hồ Định mừng rỡ đập tay xuống chiếu:

- Hoàn hảo quá ! Phen này thằng ấy đến số rồi !

Tất Đạt cười hềnh hệch, không đợi mời, chìa đĩa để Hồ Định rót thêm rượu. Ngồi kế bên, Ôkô góp ý. Cả ba châu đầu vào nhau thì thầm bàn bạc mãi đến khuya mới giải tán.

Tinh sương hôm sau, bọn Hồ Định đã tề tựu bên bờ suối. Trăng hạ huyền lơ lửng trên thung lũng, bên cạnh ngôi sao mai còn lấp lánh trong bầu trời mực loáng. Ven núi, sương phủ mờ mờ, rừng cây chỗ đậm chỗ nhạt như nổi lềnh bềnh trên biển khơi.

Tất Đạt gọi thuộc hạ:

- Anh em đủ mặt cả chưa ?

- Đủ.

- Bao nhiêu ?

- Mười ba.

Lão cắt đặt:

- Thằng Y Lâm dẫn bốn đứa bố trí dọc theo bờ đường, sau tảng đá lớn đằng kia. Số còn lại núp vào các bụi cây trước mặt. Giáo đặt nằm dưới đất cho khỏi lộ hình tích. Hễ nghe tiếng súng nổ là nhất tề xông ra đâm chết nó, chớ để nó thoát.

Mọi người gật đầu y kế tản ra, thoáng cái đã mất hút.

- Còn Hồ lão huynh ! Xem lại mồi thuốc súng đừng để ẩm. Nạp đạn sắn đi, núp ở triền dốc cao này, thấy nó thì bắn liền, chậm là khốn đấy.

Đoạn rút thiết liêm cầu ra, lão men theo bờ đường, tìm chỗ nấp kín đáo ngồi đợi.

Bình minh ló dạng. Ba đỉnh núi Kumotori, Shiraiwa và Myoho đã bắt đầu in hình rõ rệt trên nền trời ửng hồng buổi sớm. Cảnh trí huy hoàng như tranh vẽ. Vượn hú trong tàn cây, chim vỗ cánh rời tổ, cành lá rung động xào xạc khiến không khí sinh động hẳn.

Con đường dốc hiện ra lờ mờ, ngoằn ngoèo như dải lụa, một đầu mất hút trong sương. Đầu kia, từ dưới chân núi đi lên, thầy trò Thạch Đạt Lang thong dong bước.

Thấy mặt trời vừa hé, Hạo Nhiên xòe tay ra đón. Những kẽ tay nó hồng rực lên dưới ánh dương quang. Hạo Nhiên cười thích thú:

- Thầy ơi ! Máu con đây này. Đỏ như ánh mặt trời !

Thạch Đạt Lang gật đầu:

- Phải. Thần Thái Dương là tổ chúng ta, tự ngàn xưa truyền huyết lực cho dân tộc Nhật và sẽ còn truyền mãi cho đến những đời sau. Con phải nhớ thế mới được !

Liên tưởng đến ý nghĩa bài lễ ca, Hạo Nhiên nghe văng vẳng từ những từng mây ngũ sắc trên cao, vọng xuống tiết điệu thần bí, trang nghiêm của khúc nhạc tế đền. Cảm động, nó ngước nhìn thầy, thấy trong lời dạy của sư phụ có một cái gì thiêng liêng như chính đó là những lời truyền dạy của thần linh. Nó nắm chặt tay thầy, lòng tràn ngập biết ơn và tôn kính.

Đến lưng chừng núi, Thạch Đạt Lang nhận thấy ở bên đường, nhiều chỗ cỏ bị dẫm nát. Trực giác báo cho biết có sự chẳng lành, hắn lập tức ôm đồ đệ nhảy vào bụi rậm.

Ngay lúc đó, súng nổ chát chúa vang động cả khu rừng. Vượn kêu, chim đập cánh bay tán loạn, mùi thuốc súng khét lẹt. Những tiếng thét xung trận “Giết ! Giết !” dội vào vách đá tứ phía, không còn phân biệt được ở đâu và của ai nữa.

Bình minh chưa rạng hẳn. Lẫn trong bóng tối của những tảng quái thạch, thầy trò Thạch Đạt Lang nép mình thật sát vào một hốc đá nông. Chỗ núp chật hẹp, Thạch Đạt Lang không rút được kiếm. Hắn ghé tai đồ đệ, thì thầm:

- Nằm im, có bị dẫm lên cũng đừng ...

- Úi cha ! Có người !

Một ngọn giáo đâm tới, gió rít nghe “vù”. Không kịp tránh, Thạch Đạt Lang bắt luôn ngọn giáo giật chếch sang bên đồng thời phóng cước đá một phát như trời giáng về phía trước. Một tiếng “hự”, tên cầm giáo tung lên, đầu đập vào đá giấy đành đạch.

Chỉ ba bước, Thạch Đạt Lang đã ra khỏi chỗ nấp, song kiếm tuốt trần, mắt đổ lửa.

Đột nhiên có tiếng thét đau đớn nổi dậy ở dưới thung lũng. Thạch Đạt Lang ngạc nhiên không hiểu chuyện gì và kẻ địch bao nhiêu người. Hắn chưa xuất thủ, không hiểu sao lại có tiếng thét ? Hay chúng sát hại lẫn nhau như đã xảy ra trước kia ở đồng cỏ Hannya ? Thạch Đạt Lang bối rối, nhưng vội gạt đi ngay những suy luận vô ích. Rối trí là chết ! Hắn cẩn trọng di chuyển đến gần một gốc cổ thụ, lợi dụng gốc cây to để đỡ mặt sau.

- Các ngươi là ai ? Muốn gì ? Chốn trang nghiêm, ta không muốn có đổ máu, nhưng nếu không khai rõ danh tính hoặc rút lui thì đừng trách ta tàn ác.

Đáp lại lời cảnh cáo của Thạch Đạt Lang, ba bóng đen cầm trường thương hiện ra, chậm chạp tiến về phía hắn. Cả ba đều mặc tăng bào màu vỏ dà, quấn khăn bịt mặt và quần da bó chẽn. Chúng không nói lới nào, mũi thương chĩa về phía trước, bước những bước trầm trọng. Hai bóng đen khác sử kiếm, tản ra hai bên tả hữu, xem chừng muốn vây Thạch Đạt Lang vào giữa.

Vừa lúc ấy từ hốc đá, Hạo Nhiên thình lình chạy vụt ra, theo sau là một bóng đen khác đuổi rất gấp. Thấy đồ đệ lâm nguy, Thạch Đạt Lang thét một tiếng long trời lở đất, đạp chân vào gốc cây mượn đà nhảy tới như chim cắt bắt mồi. Kiếm quang lóe sáng, chân chưa chạm đất, thủ cấp tên kia đã lăn lông lốc trên đám loạn thạch.

Nhìn địch thủ ra tay quá nhanh và dũng mãnh, bọn mặc tăng bào sợ hãi khựng lại.

Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, chúng lại hăng hái cầm thương phóng tới. Sự đụng độ mãnh liệt tựa hai ngọn cuồng phong nhưng ở đây không có lá rơi cành gãy mà chỉ có máu bắn tung tóe. Thạch Đạt Lang xuất chiêu thần tốc, trở ngược lưỡi kiếm, tiện đứt phăng ba đầu ngọn thương chĩa về phía hắn, rồi song kiếm phối hợp, liên tiếp đâm chém nhanh, gọn như người chặt chuối. Cả ba gục ngã không kịp kêu một tiếng, đứa mất nửa đầu, đứa thủng bụng.

Hai tên còn lại kinh hãi tột độ, chém bậy vài chiêu rồi hè nhau tháo chạy. Vừa say máu, vừa cho tụi này là quân cường đạo đón đường cướp người lương thiện, Thạch Đạt Lang quyết ra tay trừ khử. Hắn đuổi theo. Chỉ chớp mắt, cả hai đã hồn lìa khỏi xác. Máu phun loang đỏ mặt đường, bắn vào mặt Thạch Đạt Lang lấm tấm. Hắn đưa tay gạt.

Thình lình tiếng kim khí chạm nhau lách cách, rồi một quả cầu sắt tung ra quấn ngay lấy thanh trường kiếm của hắn. Phản ứng tự nhiên khiến Thạch Đạt Lang giữ chặt chuôi kiếm. Quay lại, bộ mặt rỗ hoa của một kẻ lùn và vạm vỡ hiện ra cách hắn chừng hơn một trượng. Tay trái gã cầm cây gậy ngắn buộc sợi xích sắt có quả cầu đang quấn lấy kiếm Thạch Đạt Lang; tay phải:

một thứ võ khí kỳ dị hình lưỡi liềm. Gã cười gằn:

- Súc sinh họ Thạch ! Phen này ta móc bụng ngươi để trả thù cho em ta !

Dứt lời, cây liềm nhằm cổ Thạch Đạt Lang phóng tới.

Trong nháy mắt, Thạch Đạt Lang ý thức ngay được sự lợi hại của món võ khí cổ quái thiết liêm cầu. Thì ra tên này là Chu Kế Phong Tất Đạt ! May sao, tay trái hắn còn thanh đoản kiếm. Bèn trầm mình xuống, đưa mũi kiếm thẳng vào bụng địch thủ. Kinh hoảng, gã thợ rèn thu liềm về, cố sức giật trường kiếm của Thạch Đạt Lang chứ không dám đến gần hắn nữa.

Thạch Đạt Lang nghĩ thầm, nếu không dùng song kiếm thì lúc này chắc hắn đã mất mạng rồi ! Hai địch thủ vờn nhau, kẻ liềm người kiếm đâm bên tả, móc bên hữu chỉ bằng một tay, tìm nhược điểm của nhau mà tiêu diệt. Trong khi đó cả hai đều vận dụng hết công lực giật võ khí của nhau, nhất là Tất Đạt. Cổ gã bạnh ra, gân nổi phồng to như chiếc đũa, gã kéo mạnh dây xích nhưng giật được võ khí khỏi tay Thạch Đạt Lang chẳng phải dễ dàng gì.

Cuộc giao tranh dã man một cách khác thường. Võ khí đã cổ quái mà những chiêu thức cũng kỳ lạ không ra lề lối gì, dù người có kinh nghiệm về võ học cũng khó mà đoán được kết quả ra sao, ai thắng ai bại.

Thạch Đạt Lang đã phạm vào hai lầm lỗi:

Thứ nhất, chiến đấu ở chỗ trống khi không biết rõ số địch quân là bao nhiêu, thành ra có thể bị tập hậu dễ dàng trong lúc bận giáo tranh ở mặt trước. Thứ hai, sơ suất để bị tấn công bất ngờ, vì vậy thanh trường kiếm, món võ khí sinh tử của hắn, trở thành vô dụng.

Bỗng âm thanh trầm của một giọng đàn ông cất lên, thân mật:

- Thạch đại hiệp ! Có tại hạ Ở phía này !

Không biết ai nói, nhưng bất luận là ai, người nói câu ấy phải là bằng hữu. Thạch Đạt Lang cảm thấy như cất được gánh nặng. Nhìn nụ cười ác độc trên khuôn mặt đẫm mồ hôi của Chu Kế Phong Tất Đạt, hắn thấy ngay lối thoát:

hy sinh thanh trường kiếm để đoạt lại thế công chớp nhoáng hắn vẫn thường áp dụng. Thạch Đạt Lang mỉm cười.

Hắn chờ cơ hội.

Phía bên kia, nụ cười trên môi Tất Đạt cũng không tắt. Lão biết khóa được kiếm của Thạch Đạt Lang là đã thắng được nửa phần, làm vô hiệu sự di động thần tốc của hắn. Nhưng lão còn muốn hơn thế nữa:

đoạt kiếm của địch thủ. Lão vận toàn công lực kéo sợi dây xích, xích thẳng căng như sắp đứt.

Bỗng “phựt” một cái, Thạch Đạt Lang thình lình buông tay, cả quả cầu và sựoi dây xích không gì kềm giữ, quật ngược lại quấn vào mình Tất Đạt. Lão mất đà ngã ngửa.

Thạch Đạt Lang chỉ đợi có thế ! Nhanh như cắt, hắn chồm tới, dẫm chân lên tay cầm liềm của lão, mũi đoản kiếm thọc sâu vào cổ họng đưa ngược lên đến óc. Tất cả chỉ trong chớp mắt. Mắt Chu Kế Phong mở lòi tròng, máu ở mũi và miệng ứa ra. Lão giẫy vài cái, đoạn nằm ngay đơ như khúc gỗ.

Thạch Đạt Lang lùi lại, tay còn cầm đoản kiếm vấy máu đến tận chuôi. Sau hắn, Lâm Bằng đã đứng đó tự bao giờ. Thạch Đạt Lang trố mắt nhìn chàng hiệp sĩ đất Kiso, người ba năm trước đã để lại một kỷ niệm khó quên bằng trúc côn trên ngực hắn.

Vóc dáng thô kệch của anh chàng này đối với Thạch Đạt Lang bấy giờ thật không gì đẹp hơn. Cây trúc côn vẫn nằm trong tay Lâm Bằng, đầu côn vấy máu. Hắn mừng rỡ:

- Thì ra tiếng nói lúc này là tiếng của các hạ đấy ! Xin vạn tạ !

- Có gì mà đại hiệp phải bận tâm !

Đoạn cúi xuống bên xác Chu Kế Phong Tất Đạt, Lâm Bằng cầm cây thiết liêm cầu lên xem, nói lảng:

- Thật là thứ võ khí quái dị ! Nếu tại hạ bị tấn công bằng thứ này, chắc chết rồi !

Thạch Đạt Lang gật đầu:

- Nguy hiểm thật ! Trước đây, tại hạ đã có dịp được coi vợ tên này biểu diễn.

Nhưng coi là một việc mà chống lại nó lại là việc khác.

Đoạn chùi kiếm tra vào bao, Thạch Đạt Lang hỏi:

- Sao các hạ biết tại hạ Ở đây mà tiếp cứu ?

- Cũng là ngẫu nhiên. Nhân qua địa phương này, nghe nói đền Mitsumine mở hội, tại hạ đến nghỉ chân ở lữ quán Thanh Sơn, tình cờ nghe được chuyện ám muội của vợ chồng chủ quán toa rập với mấy kẻ khác mai phục ám sát một khách hành hương, bèn theo dõi. Không ngờ nạn nhân lại chính là đại hiệp.

Lâm Bằng nói đến đấy, lắc đầu:

- Thời buổi nhiễu nhương, giặc cướp lộng hành quá !

- Các hạ biết vợ chồng chủ quán là ai không ?

- Không. Nhưng người chồng chính là tên bắn súng hỏa mai. Tại hạ đã đập chết ngay sau khi tên đó bắn phát súng đầu tiên.

Thạch Đạt Lang cùng Lâm Bằng ra lật xác tên cầm súng. Thì ra là Hồ Định !

Thạch Đạt Lang bấy giờ mới vỡ lẽ, không ngờ Hồ Định chưa chết sau vụ hỏa thiêu đồi Hòa Đa. Lần này tuy không trực tiếp giết gã, hắn linh cảm mối thù của Hoa Sơn phái đối với hắn vẫn chưa dứt.

- Các hạ biết chúng bao nhiêu đứa không ?

- Không biết có đứa nào chạy thoát chăng, riêng tại hạ đã giết năm đứa, kể cả tên chủ quán.

Sực nhớ đến Hạo Nhiên, Thạch Đạt Lang hỏi:

- Tại hạ có một tiểu đồ đi theo, không biết giờ này nó trốn đâu ?

- À, có một thằng bé chừng mười bốn, mười lăm trốn trong hốc đá. Tại hạ bảo nó trèo lên cây cho được an toàn hơn. Phải nó chăng ?

- Chắc nó đấy.

Bèn bắc loa gọi. Lát sau Hạo Nhiên chạy tới, tuy không còn sợ hãi nhưng nét mặt vẫn đượm vẻ lo âu. Thấy sư phụ bình yên, nó mừng rỡ hỏi han tíu tít.

Cả ba theo chân nhau xuống suối gột hết vết máu bắn vào quần áo. Thạch Đạt Lang thu hồi được thanh trường kiếm bị văng mất lúc nãy. Thấy lưỡi kiếm vẫn còn nguyên không sứt mẻ, hắn gật gù:

- Kiếm tốt thật ! Vương Chính quả có mắt tinh đời. Thật là bảo kiếm !

Lại hỏi thăm gia cảnh Lâm Bằng, mới rõ Lâm lão bá đã quy tiên, Lâm Bằng cũng bỏ nghề nông, bán trang trại đi giang hồ hành hiệp.

Chuyện chưa vãn, bỗng nghe tiếng ngựa hí vang. Một đoàn tuần cảnh giáo dài, giáp sắt, có cả hỏa mai và cung nỏ, rần rần đổ dốc vây chặt lấy ba người.

- Ba tên này, tên nào là Thạch Đạt Lang ?

- Chính ta !

- Bắt trói nó lại.

Cả ba sửng sốt. Mặc dầu phản đối, Thạch Đạt Lang cũng bị trói gô như bó củi vất lên lưng ngựa tải đi, song kiếm bị đoạt mất.
alt
Thiếu Niên Có Đôi Mắt Kỳ Lạ Và Thứ Nữ Hầu Phủ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Cổ Đại
Đàn Anh Cứ Muốn Tôi
Sắc, Sủng, Nữ Cường, Nam Cường
Cô Nàng Livestream Web Người Lớn
Ngôn tình Sắc, Sủng
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc