Bại binh của Mã Thục Mưu về báo Lý Mật. Lý Mật cả kinh dâng sớ về kinh tâu sự thể, và giục Chu Sán đốc thúc việc khai sông.
Cách thành Tào Châu hai mươi dặm, có Tống Nghĩa thôn của một viên ngoao giàu không kém Thạch Sùng, Vương Khải nuôi hàng nghìn gia nhân, đày tớ. Viên ngoại đó tên là Mạnh Hải Công tức là cậu ruột Chương Nghĩa, năm xưa cứu Tần Quỳnh ở Đồng Quan.
Mạnh Hải Công nuôi một tiên sinh tên là Bích Thuận trí rộng mưu nhiều đủ tài văn võ, hiểu biết âm dương. Mạnh Hải Công có ba người vợ. Vợ cả là Mã Trại Phi quen dùng hai mươi tư ngọn phi tiêu đao lá liễu. Ngôi thứ hai là Hắc phu nhân. Người thứ ba là Bạch phu nhân đều võ nghệ cao cường. Mạnh Công có ý muốn xưng vương nên vẫn ngầm chiêu binh tập mã, may sẵn khôi giáp, trữ sẵn gươm đao, bao nhiêu đầu trộm đuôi cướp đều nuôi hết.
Có người đến báo cho viên ngoại biết người ta khai sông sắp phạm đến ngôi mả tổ Mạnh Công. Công hy vọng vào ngôi mả ấy lắm, vì đã nhiều thầy địa lý bảo Mạnh Công nhờ ngôi mả ấy săp được làm vua.
Nay nghe biết tín dữ, Mạnh Công giật nảy mình. Bích Thuận nói :
- Chúa công cứ an tâm. Chu Sán đốc thúc việc xẻ sông địa phận này là bạn tôi. Tôi xin bảo hắn chừa chỗ phần mộ ấy ra.
Bích Thuận đem ba nghìn lạng bạc đến biếu Chu Sán, cậy nhờ việc ấy. Chu Sán nhận bạc, vâng lời. Mạnh Công yên trí lắm, lại tự viết thư cảm ơn Chu Sán.
Cách ba hôm sau, phu đào tới nơi, không biết làm ra sao mà thần báo mộng cho Mạnh Công rằng con rồng ở huyệt đứt một cái móng.
Rồng đau quằn quại cựa mình khiến ngôi mả tổ kia đã bật lên. Nước sông kéo vào như thác, ba vạn dân cư vì thế mà chết đuối gần hết. Nước rót vào địa phận Dương Châu hóa thành một dải sông to.
Hải Công thấy Chu Sán nhận lễ lại còn đào huyệt tổ mình, giận lắm bèn cùng ba vợ đem gia binh kéo đánh Tào Châu giết quan tri châu, tự xưng là Tống Nghĩa vương, phong Lương Nghĩa làm Nguyên soái, Bích Thuận làm quân sư.
Lý Mật đã khai xong sông về triều phục chỉ. Vì thế mà thiên hạ giặc cướp nổi như ong, dân tình đói nheo nhóc, mất nhà mất cửa, oán hận thấu trời. Lại các vương bá phản triều đình tứ phía. Cộng cả thảy mười tám phản vương, và kể thêm cả sáu mươi tư xứ trộm giặc giết dân gian rất thảm.
Đây nói chuyện Đường công Lý Uyên nhận được chỉ bắt làm Tấn Dương Cung trong ba tháng phải xong thì phiền muộn lắm. Lý Uyên họp bốn con cùng thương nghị.
Con lớn là Kiến Thành, thứ hai là Thế Dân, thứ ba là Nguyên Cát, thứ tư là Nguyên Bá.
Lý Nguyên Bá mới mười hai tuổi, đầu nhọn tai rụt, mặt như ma đói, chân tay khô như củi, sức khỏe lay chuyển nổi một thành trì, dùng đôi chùy sắt nặng ngàn cân, cỡi ngựa vạn lý vân thật là thiên hạ không ai dám đọ, kể vào anh hùng bậc nhất đời Tùy đó.
Đường công đã nhìn thấu suốt cơ mưu cửa Võ Văn Hóa Cập xúi Tùy Dạng Đế hại mình, bảo các con :
- Ta mà làm không xong vương cung thì trái mệnh vua mà làm xong thì Hóa Cập sẽ khép ta vào tội mưu làm phản nên lập sẵn cung điện xưng vương. Đã đến nước này thì thôi đành mang tội bất trung, không làm cho rảnh rồi sẽ liệu.
Lý Nguyên Bá tròn xoe mắt nói :
- Cha chớ lo phiền. Cứ chừ chúng nó đến đây, con cho mỗi đứa một chùy rồi cha lên làm Hoàng đế.
Đường công quát mắng con không được nói năng vô lễ, rồi vào phòng nghỉ. Cách một đêm sau, nghe thiên hạ ồn ào về việc Đường công đã nhờ phép thần tiên dựng có một chớp mắt xong Vương cung trên bãi sông rất nguy nga lộng lẫy. Tin đó đến tai Đuờng công, Công kinh ngạc chưa biết ra sao thì nghe báo có Phủ doãn Viên Thiên La và Huyện doãn Lý Thuần Phong xin vào yết kiến. Đường công ra nghênh tiếp.
Hai người ghé tai Đường công nói thầm :
- Tấn Dương Cung chúng tôi đã vì chúa công mà hô thần dựng để đền đáp chút ơn tri ngộ.Thôi xin tạm biệt. Mai kia còn gặp gỡ.
Nói rồi lui ra ngay. Đường công ngơ ngẩn cả người cùng bốn con ra xem Vương cung, quả là một công trình vĩ đại cao chín tầng chót vót, cột rồng mái phượng vàng son rực rỡ. Cây cổ thụ từ đâu mọc um tùm, chung quanh có suối có hoa, có hạc múa thông reo, có cá ngũ sắc múa lượn trong hồ bán nguyệt, và chim kêu vượn hót vang cả ngàn tùng xanh biếc.
Tùy Dạng Đế để con thứ hai là Đại vương Hưu ở lại nắm quyền triều chính, phong Vô địch tướng quân Võ Văn Thành Đô làm Bảo giá tướng quân, đem Tiêu Phi và tam cung lục viện với Hóa Cập và một lũ cận thần lên loan giá đi Thái Nguyên.
Tới nơi, thấy Tấn Dương Cung đẹp có bề hơn cả cung điện Tràng An thì xiết bao vui thích. Hóa Cập ghé tai :
- Tháng thượng quên mất sự nghĩ bụng rồi à?
Dạng Đến gật đầu, trở mặt quát :
- Trói Lý Uyên phản thần lại cho trẫm. Sao dám tự tiện lập vương cung mưu phản triều đình, tội ấy đáng bêu đầu.
Ngự lâm quân trói Đường công lại, dẫn ra. Vừa lúc đó Thế Dân chạy vào thấy vậy kêu ầm lên. Dạng Đế cúi nhìn thấy người trẻ tuổi đó giống hệt như người mặc áo Thiên tử đứng giữa quỳnh hoa trong giấc chiêm bao, vội hỏi :
- Ngươi là ai?
Thế Dân tâu :
- Hạ thần là con thứ hai Đường công, tên gọi Thế Dân, xin vào yết giá, kính chúc Ngô hoàng vạn tuế.
Dạng Đế nói :
- Cha ngươi mưu làm phản, tội ấy đáng tru di.
Thế Dân ung dung đáp :
- Thần trái thánh ý là bất trung, làm theo thánh ý thì mang tội phản. Nay phụ thân hạ thần bị giết thì trong thiên hạ còn ai dám vì bệ hạ mà trung nữa. Nếu bệ hạ nghi ngờ thì sai nhổ một cái đanh ra xem, làm từ tróc thì đanh hoen rỉ, nhược bằng mới làm xong thì đanh còn sáng.
Dạng Đế khen phái, truyền thị vệ nhổ đanh. Thị vệ nhổ một chiếc đanh mang trình Ngự lãm. Thấy đanh sáng bóng, Dạng Đế sai tha Lý Uyên. Cha con Uyên vào lạy tạ. Dạng Đế hỏi :
- Ngươi có mấy con?
Uyên tâu :
- Hạ thần có bốn con trai.
Rồi kể tên tuổi. Dạng Đế trỏ người thứ hai nói :
- Trẫm muốn dùng Thế Dân làm con nuôi, ngươi có thuận không?
Uyên lạy tạ, Thế Dân cũng lạy tạ. Dạng Đế phong ngay Thế Dân làm Tần vương. Sau đó, Dạng Đế truyền dâng yến, đãi cả cha con Lý Uyên. Tan tiệc, Uyên tâu :
- Bệ hạ đi xem hoa quỳnh chẳng hay người nào bảo giá?
Dạng Đế nói :
- Có anh hùng vô địch trong thiên hạ là Võ Văn Thành Đô hộ giá.
Lý Nguyên Bá ngẩng nhìn Thành Đô rồi cười khanh khách nói :
- Ôi chao, thế kia mà dám khoe khoang là vô địch. Có phải ngươi đó chăng?
Thành Đô cúi nhìn cậu bé ma đói mới đứng đến bụng mình, trừng mắt quát vang như hổ rống :
- Chính ta đây!
Nguyên Bá càng cười dòn tan :
- Ta thương cho người lắm. Mắt ngươi chỉ nhìn quanh bàn tay của ngươi chứ chưa mở mắt nhìn ra ngoài thiên hạ.
Thành Đô cả giận, cúi xuống quát to :
- Có ai địch nổi ta, thằng bé con kia bảo tới đây cho ta xé xác.
Nguyên Bá cười ngặt nghẹo rồi vỗ ngực :
- Còn ai nữa, chính lão gia đây.
Thành Đô ngẩn ra một lát, rồi mắt tròn, râu dựng ngược, đập mạnh tay xuống vế đùi.
- Thằng nhãi con vô lễ. Muốn sống lui ngay kẻo ta búng một cái thì tan ra cám đó.
Lý Nguyên Bá càng ngửa mặt cười :
- Con nhặng dám đòi lay đổ núi Thái Sơn! Ta thương ngươi lắm.
Muốn sống thì lạy ta tám lạy ta tha cho để thiên hạ khỏi cười rằng anh hùng vô địch mà bị lão gia đây đánh chết.
Thành Đô túc giận quát vang như sấm, Tùy Dạng Đế nói :
- Nguyên Bá nói vậy tất là có bản lĩnh khác thường. Trẫm cho hai người thi sức.
Nguyên Bá tâu :
- Hạ thần chỉ cần giơ thẳng một cánh tay này ra, nếu Thành Đô lay cho nhúc nhích được một tý thì mới đáng gọi anh hùng vô địch..
Nói rồi giơ thằng cánh tay khẳng kheo như que củi ấy ra.
Thành Đô chỉ muốn bóp chết thằng bé con như bóp muỗi, bèn từ ghế cao nhảy xuống, nắm lấy tay Nguyên Bá. Tưởng rằng khẽ bẻ một cái thì gẫy vụn ra, ngờ đâu Thành Đô dùng hết sức bình sinh lấy hết nội công đứng tấn mà lay cũng không sao chuyển chẳng khác gì con muỗi bám cột lâu đài bằng đá.
Thấy Thành Đô cứ ỳ ạch mãi, xoay trước, quay sau, lấy tấn lấy đà đánh đu cả cái mình to lớn như voi như cọp vào mà cái cành củi khô kia cứ trơ trơ. Nguyên Bá quát vang một tiếng, hất tay lên. Tức thì Thành Đô bị ném bổng lên cao, dốc ngược đầu xuống đất. Mọi người cười rộ, vỗ tay reo.
Thành Đô giận điên cuồng, nói :
- Thế chưa là hảo hán. Ngoài cửa ngọ môn có hai con sư tử bằng đồng, mỗi con nặng ba nghìn cân, ngươi nhấc được lên ta mới cho là giỏi.
Hai người ra cửa ngọ môn. Các quan hộ giá ra xem hai tướng đua tài. Nguyên Bá cười nói :
- Ngươi nhấc thử ta coi.
Thành Đô yên trí rằng thằng bé con không nhấc nổi, nên muốn gỡ cái nhục ban nãy bèn một tay vắt sau lưng, một tay nắm chân con sư tử nhấc bổng lên đi vào tới đền, lại đi ra đặt xuống chỗ cũ.
Đô bước lên thềm, kiêu hãnh nhìn Nguyên Bá :
- Nào thằng bé kìa nhấc ta xem!
Nguyên Bá bước xuống, chẳng cần lấy gân lấy sức gì, hai tay nhấc bổng đôi sư tử đá lên, thoăn thoắt bước lên chín bậc thềm đến đứng trước mặt Tùy Dạng đế giơ cao mười lần rồi nhẹ nhàng bước xuống chỗ cũ đặt sư tủ ngay ngắn như trước, sắc mặt không hề thay đổi.
Dạng Đế và bá quan tướng sĩ kinh hồn táng đởm. Dạng Đế hoan hỉ nói :
- Trẫm chưa từng thấy ai khỏe đến thế bao giờ. Thật là thiên thần xuất thế.
Thành Đô tức điếng người :
- Sức khỏe đâu phải là anh hùng, còn thập bát ban võ nghệ. Thằng bé con có dám địch với ta không?
Nguyên Bá cười khanh khách :
- Ta thương cho ngươi lắm, châu chấu đá sao nổi thái sơn. Thôi ta tạm cho về dinh trại, rồi mai lão gia cho về âm phủ.
Thành Đô trừng mắt nhìn Nguyên Bá đến rách mi ra, râu dựng ngược, muốn đánh ngay, nhưng lại có ý sợ, đành nín lặng nhìn theo Nguyên Bá theo cha bước ra đường.
Hôm sau Hóa Cập bàn với Thành Đô, rồi dặn các tướng tá đem quân vây kín giáo trường, hễ Thành Đô bại thì xô ra giết Nguyên Bá.
Bọn gia tướng hăng hái vâng lời.
Đoạn Thành Đô mặc giáp đồng, xách lưu kim đang lên ngựa, tới giáo trường đã thấy Lý Nguyên Bá đang nhởn nhơ đùa nghịch trên bãi cỏ.
Trên võ đài, Tùy Dạng Đế đã ngồi chứng kiến cuộc tranh hùng của hai mãnh tướng.
Ba hồi chiêng trống khua vang, rồi nổ ba tiếng súng. Thành Đô múa vũ khí xông vào đánh trước. Nguyên Bá cả người cả ngựa mới chấm đến bụng Thành Đô. Hàng vạn người xem, từ Dạng Đế trở xuống ai cũng lo cho cậu bé con. Cây kim đang vèo vèo phóng tới, Nguyên Bá ung ung giơ chùy đỡ, một tiếng “choang” nảy lửa cây kim đang quặt sang một bên suýt rơi xuống đất.
Thành Đô chột dạ kêu lên :
- Ôi chao thằng bé con này giỏi!
Lại phóng lưu kim đang dùng hết sức bình sinh đánh, trông chừng thành lở núi tan, vậy mà Nguyên Bá chỉ khẽ đỡ, lửa tóe ra, kim đang gãy làm hai đoạn, tay Thành Đô rời rụng, máu chảy tóe ra.
Thành Đô hoảng hốt thúc ngựa tìm đường trốn. Nguyên Bá thét một tiếng xé trời, với cánh tay vượn khẳng khiu nắm đai giáp Thành Đô, nhấc bổng cái mình to lớn ấy lên như nhấc nắm rơm khô, toan xé làm hai mảnh.
Võ Văn Hóa Cập run lập cập kêu ầm ĩ.
- Thiên tử mau phán cho Nguyên Bá buông tha kẻo con tôi chết mất.
Dạng Đế vội truyền cho mấy tương chạy theo xin Nguyên Bá buông tay. Nghe có thánh chỉ, Nguyên Bá sực nhớ năm xưa sư phụ dặn không được hại tính mệnh người cầm lưu kim đang, bèn cười khanh khách tung Thành Đô lên tít trên cao. Thương hại cho Thành Đô sức mạnh như hùm,thân thể như beo dữ, thế mà lúc đó chỉ còn là cái đồ chơi của cậu bé nghịch tinh. Bị ném lên, Thành Đô lộn bốn năm vòng ở giữa trời rồi rơi xuống đầu ngựa Nguyên Bá Bá giơ hai tay hứng lấy nói to :
- Con ơi, từ nay trông thấy lão gia ở đâu thì mau lùi lại mà lạy, chớ có ngông nghênh nhé!?
Nói rồi xé nát hai lá cờ nhỏ thêu hàng chữ “anh hùng vô địch “ đoạn ném bịch Thành Đô xuống đất, nằm thẳng cẳng.
Gia tướng của Hóa Cập thấy thế kinh hồn bạt vía xô nhau lủi hết.
Dạng Đế vời Nguyên Bá lên võ đài mừng ba chén ngự tửu, phong cho làm Tây phương triệu trấn thủ Thái nguyên.
Hai hôm sau, thuyền rồng đã làm xong. Tùy Dạng Đế cùng tam cung lục viện lưu lại Tấn Dương, giao Thái Nguyên lại cho cha con Nguyên Bá, duy có Thế Dân thì điều đi Giang Đô.
Được ngày xuân ấm áp, thuyền rồng bắt đầu rời bến, chiếc đầu có Dạng Đế và mấy cung phi được sủng ái riêng; Chiếc thứ hai có Tần vương Thế Dân. Chiếc thứ ba có Võ Văn Hóa Cập và Bảo giá tướng quân Thành Đô (Thành Đô từ khi bị xé cờ không dám xưng là vô địch nữa); Chiếc thứ tư là bá quan văn võ và quân sĩ. Cánh buồm may bằng gấm vóc, đầu thuyền kết bông nhuộm sặc sỡ thành đầu rồng, thân thuyền bọc lụa ngũ sắc. Hai bên bờ, hàng mấy nghìn thiếu nữ xiêm áo lụa các màu buộc những tấm lụa dài vào thuyền mà kéo, xiêm y lụa mỏng bay trong gió xuân phơ phất như một đám tiên nữ chốn thiên tiên.
Dạng Đế vui sướng lắm, rượu la đà, suồng sả ôm các cung phi. Ở đầu khoang, mỹ nữ tấu nhạc vang lừng. Ban ngày thuyền đi đến đâu các cung nữ rắc hoa đến đấy. Buổi tối thì thả đèn ngũ sắc sáng rực cả lòng sông. Dạng Đế say, cười nói ngả nghiêng, mũ rơi áo tuột nằm lẫn vào lòng các cung phi, không còn ra thể thống một vị Thiên tử nữa.Trong hàng văn quan cũng có người thấy cảnh nhơ nhuốc đó, biết rằng vận nhà Tùy chẳng còn được bao lâu thì ngậm ngùi chán ngán chứ không dám nói.
Đây nói về Tông Nghĩa vương ở Tào Châu là Mạnh Hải Công nghe tin hôn quân vô đạo đến Giang Đô dự hội tất phải qua Tứ Lãng Sơn, liền viết mười tám bức thư gửi đi các xứ mời cất quân hội nhau ở Lãng sơn bắt hôn quân mà giết.
Lý Tử Thông, khi đó xưng Thọ Châu vương từ Hà Bắc nhận được thư vội vời Ngũ Vân Thiệu lên điện nói :
- Hôn quân tự dẫn xác đến Giang Đô, đó là một dịp cho Nguyên soái trả thù. Nhân có thư của Mạnh Hải Công mời hội tướng ở Tứ Lãng sơn, vậy ta không nên bò lở cơ hội này.
Vân Thiệu cả mừng lĩnh mệnh, cử binh đến Lãng sơn hội tướng.
Khi đó, Vân Thiệu đưa thư đến La Đà trại, cử Ngữ Thiên Tính làm tiên phong cùng đến Lãng sơn một chuyến Ở Ngõa Cương Trình Giảo Kim cũng vui mừng điểm năm vạn hùng binh đi hội kiến với phản vương mười tám sứ. Tần Thúc Bảo làm Nguyên soái, Bùi Nguyên Khánh làm Tiên phong, Từ Mậu Công làm Quân sư, Khâu Thụy ở lại giữ thành trì. Các tướng đều đi hết.
Hỗn Thế Ma vương đến Lãng sơn trước nhất. Mạnh Hải Công ra tiếp đón. Sau đó, các phản vương lục tục đến dần: Tế Nam vương Đường Bích ở Sơn Đông. Kinh Châu vương ở Hồ Quảng, Đại Lương vương ở Giang Nam Mạnh Hải Công thấy hết thảy mọi người họp mặt tất cả năm chục vạn hùng binh đóng chật đất vang trời thì mừng lắm, sai giết trâu bò khoản đãi.
Giữa tiệc, Hải Công đứng dậy cung kính nói :
- Hôn quân giết cha, giết anh, lấy dì ghẻ, hoang dâm vô độ, trong triều đầy những gian thần, ngoài cõi đầy giặc dã, trong thành dân chúng lầm than, oán khổ. Nay chúng ta họp sức giết hôn quân đó là làm thuận lòng trời thể đúng ý người. Các vương huynh có điều gì dạy bảo Hải Công này chăng?
Hải Công đề nghị bầu minh chủ điều khiển thiên binh, chúng vương vui vẻ bầu Trình Giảo Kim làm minh chủ.
Mậu Công lại nói :
- Võ Văn Thành Đô sức địch muôn người, ta bầu một tướng tiên phong đối địch với hắn.Ngữ Vân Thiệu tình nguyện làm tiền bộ tiên phong.
Chúng vương thấy Vân Thiệu mặt mũi phương phi, mắt sáng, da trắng nõn, râu ba chòm, mình mặc khôi giáp trắng.
Lý Tử Thông đứng lên giới thiệu :
- Đây là Nam Dương hầu Ngữ Vân Thiệu con quan Hữu bộc sĩ Ngữ Kiến Chương đã tử trận năm xưa. Nay Vân Thiệu làm tiên phong sẽ không lo ngại nữa.
Chúng vương đồng thanh cử Ngữ Vân Thiệu làm tiên phong.Vân Thiệu vừa tạ ơn thì một tướng vai hùm lưng gấu, râu quai nón bước ra xin làm phó tiên phong. Đó là Hùng Khoát Hải Trình Giảo Kim ưng thuận. Sau đó Ngữ Vân Thiệu, Thiên Tích, Khoát Hải đem nhau về trại riêng, cùng trò chuyện trước sau. Thiên Tích nói :
- Nay anh em ta có ấn chánh phó tiên phong, mai quyết bắt Thành Đô cho chúng vương biết sức.
Rồi lại bày tiệc rượu uống đến khuya mới nghỉ.
Ở Đăng Châu, Cô Sơn vương Dương Lâm nghe tín thánh giá sang chơi thành Giang Đô, thì giật mình kinh hãi, Tức khắc mặc giáp lên yên, đem năm nghìn binh mã đuổi theo thuyền rồng bảo giá. Chưa đầy một tháng đã đến Tứ Lãng sơn. Dạng Đế đang vui chơi ở trên sông, có thám tử vào quỳ báo :
- Có mười tám phản vương, sáu mươi tư sứ trận giặc kéo quân họp tập ngọn núi trước mặt chặn đường.
Dạng Đế sai Võ Văn Thành Đô ra đánh. Thành Đô lĩnh chỉ vác cây lưu kim đang lên ngựa kéo năm nghìn quân ra, quát vang trời :
- Những tên nào phản chúa ra đây cho ta hỏi tội!
Ngữ Vân Thiệu, Hùng Khoát Hải, Ngữ Thiên Tích cùng kéo quân xuống núi thét to :
- Thằng mạt tướng ôm chân nấp bóng đứa hôn quân không biết thế nào là nhục sao còn dám vênh vang thế?
Thành Đô nhận ra Ngữ Thiên Tích liền nổi giận :
- Thằng phản thần này, bấy lâu nay ta vẫn có ý định giết mày thì hôm nay dẫn đầu đến cho ta lấy.
Vân Thiệu không đáp, phóng kích đâm luôn. Thành Đô gạt kích quay lưu kim đang đánh Vân Thiệu trúng hai cánh tay, vì lưu kim đang nặng vô cùng mà sức Thành Đô quả lời đồn không sai, mạnh như hùm.
Vân Thiệu cố sức bình sinh đánh Thành Đô, nhưng tay mỗi lúc một tê dại thêm, mồ hôi vã ra như tắm. Đứng ngoài, Thiên Tích không nhịn được, vác hỗn kim đang nhảy vào đánh. Thành Đô thản nhiên tạt kích, chặn hỗn kim đang, chống với hai người không chút sợ hãi. Hùng Khoát Hải thấy hai người không đánh đổ Thành Đô cũng vác búa xông vào trợ chiến. Đô vẫn coi thường. Thiên Tích và Khoát Hải giận lắm cuồng lên như hai con hổ đói. Trống đánh vang trời. Ba người quay tròn Thành Đô vào giữa khiến cát bụi lầm mặt đất.
Trận đại chiến từ giờ thìn kéo đến hết giờ ngọ. Cô Sơn vương Dương Lâm thấy Thành Đô bị vây, lại nghĩ rằng Hóa Cập xưa nay vẫn cậy có con uy dũng, tất sẽ mưu phản nghịch, nhân dịp này nhờ người khác giết đi nên cứ sai quân giục trống trợ oai chứ không chịu đánh cồng thu tướng.
Thành Đô càng đánh càng hăng, cây kim đang vun vút như cơn bão quấn lấy binh khí ba anh em Vân Thỉệu. Khỏe như Khoát Hải, Thiên Tích mà cũng chồn sức, thở phì phò, ráng hết sức mà đón đỡ không kịp lại mấy lần suýt chết.
Khoát Hải biết chừng không đánh nổi đành quay ngựa chạy trước.Vân Thiệu, Thiên Tích cũng chạy theo, nói :
- Ngày mai ta sẽ quyết tử chiến một phen.
Thành Đô không chịu buông tha, thúc ngựa đuổi đến.
Đến sau núi, lại thấy một cậu bé con vác đồng chùy to nặng. Đô dụi mắt trông lầm là Lý Nguyên Bá, nhưng tới gần thì không phải. Tiểu tướng thét như sấm sét :
- Thằng giặc nịnh hót này có biết Bùi Nguyên Khánh con Nguyên soái Bùi Nhân Cơ đây không? Hôm nay ta xé xác mày đó.
Thành Đô cũng đã nghe tiếng Bùi Nguyên Khánh bé mà khỏe lắm bèn giơ lưu kim đang đánh hết sức binh sinh, tưởng rằng cậu bé tan ra tro bụi. Ngờ đâu, đồng chùy vừa khẽ giơ lên thì Thành Đô bật ngửa người về phía sau.Tiện tay, Nguyên Khánh chập cả đôi chùy đánh, Thành Đô hai tay năm chắc lưu kim đang giơ lên đỡ, cả mình Thành Đô sụm xuống, xương thịt tưởng như gãy vụn ra. Thành Đô kêu lên một tiếng :
- Thằng bé này cũng giỏi đến thế cơ à?
Rồi nằm rạp trên yên mà trốn, nhìn đến cây lưu kim đang thì cong vút như một chiếc cung. Nguyên Khánh đuổi sát sau lưng, chỉ một với là nắm được.
Dương Lâm vẫn sai thúc trống. Hóa Cập mặt tái mét tâu với Dạng Đế rằng :
- Con hạ thần giao chiến suốt từ sáng mệt lắm rồi, xin cho con thần được nghỉ.
Dạng Đế truyền chỉ thu binh. Dương Lâm được chỉ, thở dài một tiếng đành phải đánh cồng.
Thành Đô về đến đầu thuyền rồng, không kịp cởi giáp, ngã nhào xuống chết ngất đi, máu miệng hộc ra.
Hóa Cấp buông tiếng khóc. Các tướng xúm lại gọi một hồi lâu mới tỉnh, ôm vào trong khoang thang thuốc.
Hóa Cập tâu với Dạng Đế lui thuyền năm mươi dặm, Dạng Đế lo sợ hỏi bá quan :
- Thành Đô bị ốm, làm sao lui được chúng phản vương?
Đáp rằng :
- Muốn đánh tan rã các phản vương, chỉ còn có cách đến Thái Nguyên vời cha con Lý Nguyên Bá mà thôi. Ngoài người ấy ra tất không ai đánh được thiên binh vạn mã ấy.
Dạng Đế vội giáng chỉ sai Sài Thiệu đi vời Nguyên Bá cấp tốc đi cứu giá. Đường công tiếp được thánh chỉ ngẫm nghĩ.
- Trong các phản vương, có ân nhân ta là Tần Thúc Bảo ta biết xử trí ra sao. Chỉ lo con ta hùng dũng, lỡ tay thì lão phu hối hận cả một đời.
Còn đang lưỡng lự, thi sứ thần giục giã. Đường công bất đắc dĩ cho Nguyên Bá đi. Nguyên Bá cúi đầu lạy biệt, rồi vác chùy lên ngựa đi cứu giá.
Nguyên Bá vừa đi vài dặm thì có gia tướng đuổi theo mời quay lại.Trở về, thấy bà Độc Cô thái thái đang niệm Phật, gọi cháu đến xoa đầu nói :
- Cháu đi cứu giá là một việc phải của đạo thần tử, bà không dám giữ, nhưng có điều quan trọng, nên phải gọi cháu về dặn một câu: ở Tứ Lãng sơn có thiên binh vạn mã, cháu tha hồ tung hoành ngang dọc, duy có binh mã Ngõa Cương thì cháu không nên động đến người nào hết.
Nguyên Bá kinh ngạc hỏi :
- Thưa bà tại sao lại thế?
Lão bà đáp :
- Vì có một Nguyên soái là đại ân nhân của nhà ta. Đó là ông Tần Thúc Bảo, Rồi lão bà đem chuyện cả nhà bị Tấn vương mưu hại thế nào, được Thúc Bảo cứu cho toàn gia sống sót thế nào.
Kể hết rồi tiếp :
- Nếu không có Tần ân nhân thì cả nhà đã làm quỷ không đầu rồi, còn làm gì có cháu ngày nay nữa cháu nên khắc ghi vào lòng mời được, kẻo trái đạo làm người đó cháu.
Đoạn Độc cô thái thái trỏ bức tranh treo trên án dưới có bài vị để ngày ngày thờ sống. Nguyên Bá ngắm kỹ thấy tranh vẽ một đại tướg mặt vàng, mắt sáng, râu ba chòm, tay cầm kim giản, dưới đề “Ân Công Tần Thúc Bảo”.
Xem xong, Nguyên Bá nói :
- Thưa bà, cháu đã nhớ kỹ mặt Tần ân công rồi, cháu xin ghi nhớ lời bà dạy bảo.
Rồi quỳ lạy, chạy ra nhảy tót lên yên. Sài Thiệu vẫn đợi ở bên đường. Hai người phi như gió, thấm thoát đã tời Tứ Lãng sơn, Lại nói, Từ Mậu Công đang cùng các tướng thương nghị thì bỗng kêu lên :
- Nguy to rồi! Nguy to rồi!
Mọi người cả sợ hỏi cớ sao. Mậu Công đáp :
- Có đại bằng giáng sinh nay đến cứu Tùy Dạng Đế. Trong chúng ta không ai địch nổi, thế là việc bắt hôn quân hỏng mất rồi.
Đoạn gọi Vương Bá Dương ghé tai nói nhỏ. Bá Dương vâng lệnh đi đón đường Nguyên Bá.
Sài Thiệu và Nguyên Bá đang phi ngựa thì thấy một bọn đứng chắn đường reo ầm ĩ như điên dại. Sài Thiệu nhận được Bá Dương là bạn cũ, đoán là có ý chi đây, bèn bảo Nguyên Bá rằng :
- Hiền đệ đi sau, để ta lên hỏi lũ điên kia làm gì thế.
Nói rồi vỗ ngựa tiến lên nghiêng mình chào Bá Dương rồi hỏi nhỏ :
- Công tử thứ tư họ Lý đã đến cứu giá. Đại huynh mau về bảo bọn ta ai nấy đeo một lá cờ vàng nhỏ ở sau lưng để giữ toàn tính mạng, kẻo cặp chùy kia giết hết.
Bá Dương cảm tạ, dẫn quân đi. Sài Thiệu quay lại, Nguyên Bá hỏi :
- Chúng làm gì thế?
Thiệu cười nói :
- Chúng là bọn cày ruộng ở thôn trang, thấy chúng ta ta đi cứu giá đòi theo làm lính, nhưng cái bọn ma đói ấy làm gì được. Ta đã cho chúng ít tiền chúng về đong gạo ăn rồi!
Hai người cùng sóng ngựa rẽ sang con đường tắt qua rừng, Sài Thiệu nói :
- Chắc hiền đệ đã xem bức tranh ân công Tần Thúc Bảo ở nhà.
Không những nhà ta thờ cúng hàng ngày, mà ở Thái Nguyên bá phụ còn lập đền thờ sống cùng các Phật. Cái đó đủ biết bá phụ coi cái ân nghĩa đó nặng biết bao. Vậy em ra trận chớ nên xâm phạm đến Tần ân công nhé! Bá phụ để em đi, vì trung mà đau ruột bỏ tình riêng, nên không muốn xin em điều đó. Nhưng anh cần phải bảo em kẻo trái đạo trời em đã nhớ chưa.
Nguyên Bá nói :
- Em đã tạc dạ rồi, tổ mẫu cũng đã gọi em trở lại mà ân cần thêm.
Sài Thiệu nói :
- Tần ân nhân tuy sức khỏe kém em những giản pháp như thần.
Ông ta có nhiều bạn bè lắm, người nào cũng có hiệu riêng là chiếc cờ vàng nhỏ cắm sau lưng. Em thấy cờ vàng thì không nên đánh.
Nguyên Bá nhất nhất nghe lời.
Một lát tới thuyền rồng. Dạng Đế cả mừng vời Nguyên Bá xuống, ban ngự tửu.
Đây nói Bá Dương lên núi, nói lại lời Sài Thiệu dặn. Mậu công bèn khẽ rỉ tai các tướng của Ngõa Cương, ai nấy đều cắm cờ vàng. Duy có Bùi Nguyên Khánh thì cười khanh khách nói :
- Tôi đi trận từ năm lên bảy, nay đã mười bốn tuổi, đôi chùy này chưa biết nể ai, đã từng giết thiên binh vạn mã. Cái thằng Lý Nguyên Bá có chịu nổi được một chùy của tôi không mà phải sợ. Thà chết chứ thằng Khánh này không chịu nhục. Nay xin đem binh đi bắt nó về đây cho quân sư biết!
Mậu Công khuyên ngăn mải, Khánh không nghe. Mậu công dặn Thúc Bảo :
- Nguyên Bá ghê gớm lắm, nhưng tướng quân cũng cứ sức cản để giữ gìn cho binh tướng của ta, có nên lùi tránh.
Thúc Bảo vâng lời Hôm sau, mặt trời vừa mọc, Nguyên Bá lên trên bộ, không cần đem theo một tên quân, vác chùy thúc ngựa đến Tứ Lãng sơn.
Thúc Bảo đem quân xuống núi, đi đầu các tướng Bảo mặc giáp dày, cầm hổ đầu thương, lưng gài kim giản. Thấy Nguyên Bá, Thúc Bảo hỏi to :
- Có phải Chiêu vương Lý Nguyên Bá đó chăng?
Nguyên Bá thấy rõ ràng trong tranh thì vái lạy :
- Nếu phải Tần ân công thi xin hạ binh lại cháu không dám giao tranh.
Nói rồi vác chùy đánh các phản vuông. Thúc Bảo đuổi theo bén gót.
Chạy đến phía đông, thấy Trương Công Cẩn, Sử Đại Nại có cờ vàng biết là bạn ân công Nguyên Bá lại rẽ ngựa phía tây, Thúc Bảo giơ thương đánh, Nguyên Bá né mình tránh dễ dàng như bỡn, nói to :
- Ân công nên đi chỗ khác, cháu vâng lời tổ mẫu nhường ân công thương đó. Xin ân công biết thế cho.
Dứt lời phi ngựa chạy về phía bắc, thấy Tề Quốc Viễn, Lý Như Khuê cũng có cắm cờ vàng, Nguyên Bá chạy về phía nam, lại gặp Bá Dương, Đơn Hùng Tín cũng có cắm cờ vàng Nguyên Bá kêu lên :
- Sao ân công ta nhiều bạn thế này, biết đánh ai cho được.
Quay trở lại gặp Tần Thúc Bảo. Số là Thúc Bảo theo kế Từ quân sư cứ lẩn quẩn theo sát Nguyên Bá để trong khi ấy các phản vương và quân sĩ của mình rút dần về Ngõa Cương cho thoát.
Gặp Tần Thúc Bảo. Nguyên Bá lại rẽ ngựa chạy đi, bất ngờ Nguyên Bá thấy xa xa có đám quân đang rầm rộ chạy, Nguyên Bá toan thúc ngựa duỗi theo để giết, Thúc Bảo lo sợ cho đám quân kia, nên cầm thương đâm Nguyên Bá, khiến Bá không đuổi bọn quân kia nữa. Ngọn thương của Thúc Bảo phóng ra mạnh quá, Nguyên Bá không kịp né mình, bất đắc dĩ phải giơ chùy khẽ gạt. Hai binh khí chạm nhau choang một tiếng. Cây thương nặng tám chục cân bật văng đi, không biết đi đàng nào, mà cánh tay Thúc Bảo sái hẳn đi không cựa được nữa.
Lý Nguyên Bá vội nhảy xuống đất, vái mà rằng :
- Ân công tha tội cho cháu. Không khi nào cháu dám vô lễ với ân công.
Thúc Bảo cũng xuống ngựa đáp lễ Nguyên Bá, rồi đi tìm cây thương, trông thấy bắn xa vài mươi thước, nhặt lên thì đã cong như một cánh cung, Nguyên Bá đỡ lấy kéo thẳng ra, lại dài hơn một tấc, rồi đưa Tần Thúc Bảo.
- Xin ân công về ngay Ngõa Cương, đừng ở đây làm gì nữa.
Thúc Bảo cảm tạ, rồi rẽ ngựa đi lối khác. Nguyên Bá ngoặc về đường cũ, thấy một tướng lớn tuổi hơn mình một tý, củng cầm chùy nặng, mà trên lưng không có cờ vàng, Nguyên Bá chẳng nói chẳng rằng múa chùy đánh luôn.
Nguyên Khánh giơ chùy đỡ, lạng cả người đi. Nguyên Bá đánh luôn chùy nữa, Nguyên Khánh lại đỡ, con ngựa chúi đầu suýt khuỵu, mắt Nguyên Khánh hoa lên, Nguyên Bá lại bồi thêm chùy thứ ba, Nguyên Khánh lần này phải giơ thẳng hai tay cầm ngang chùy sắt nghiến răng mà đón, hai cánh tay buốt nhức, mắt như tóe lửa, mồ hôi ướt đầm áo giáp Nguyên Khánh biết không còn sức chịu thêm chùy thứ tư bèn kêu lớn :
- Quả Nguyên Bá là tay lợi hại! Ta chịu nhường ngươi chức anh hùng vô địch ở đời này.
Rồi quay ngựa chạy. Nguyên Bá gọi to lên :
- Em ơi, thiên hạ chưa từng có một hảo hán nào chịu nổi ba chùy của anh, nay mới có em là một, anh khá khen em đó.
Nguyên Bá không đuổi nữa, rẽ sang đường khác.
Khi đó Vân Thiệu, Thiên Tích, Khoát Hải, ba con hổ xám thấy nguyên Bá bé tí, khẳng kheo, lại thường nghe đồn là khỏe lắm, liềm xúm vào cùng đánh thử xem.
Nguyên Bá thấy ba người cũng cắm cờ, nên chỉ khẽ giơ chùy đỡ. Ba thứ binh khí bạt cả đi, sáu bàn tay toạc hổ khẩu, anh em Vân Thiêu nằm rạp trên yên hô nhau chạy trốn.
Nguyên Bá phóng ngựa thẳng đến Tứ Lãng sơn, thấy các phản vương và quân mã đông như kiến cỏ mà chẳng ai cắm cờ vàng. Bá múa tít đồng chùy, đi đến đâu thịt nát xương tan đến dấy. Thương thay, một trận tiểu tướng tung hoành, khiến thây chất như non, máu tuôn như suối.
Chúng phản vương mạnh ai nấy chạy, mặt không còn hột máu. Thế là trong chớp mắt, Nguyên Bá dẹp tan mười tám phản vương, hai mươi vạn quân mã bốn phương tụ tập.
Bùi Nguyên Khánh vẫn tự cho mình là anh hùng bậc nhất trong thiên hạ, nay chịu khuất phục Lý Nguyên Bá thì buồn rầu lủi thủi đi.
Bất đồ thấy Cô Sơn vương Dương Lâm kéo quân ra ngăn cản, Nguyên Khánh đang tức bực xông ngay vào đánh Dương Lâm. Lão tướng cũng vốn coi mình là tay bách chiến, coi thường cậu nhỏ, ngờ đâu vừa giơ cây long tu bổng đỡ thì chỉ kịp kêu một tiếng “ối chao khỏe quá!”
cây long tu bổng gãy làm hai đoạn, bàn tay đẫm máu suýt ngã nhào xuống đất.
- Chiến mã ơi, ngươi đưa ta về Đăng Châu kẻo ta chết mất.
Tuấn mã như nghe biết, tìm con đường nhỏ thẳng về phương nam mà phi như gió cuốn mây bay.
Các phản vương đã chạy đi hết, chỉ còn xương máu ngập sa trường.
Lý Nguyên Bá giết sướng tay, giáp trụ đầy máu đỏ,tính ra đập vỡ sọ tan xương năm mươi viên đại tướng, còn quân sĩ thi không sao kể cho xiết được.
Do trận ấy mà đại danh Lý Nguyên Bá vang trong thiên hạ, các phản vương nghe thấy là phách lạc hồn bay.
Nguyên Bá về thuyền rồng phục chỉ :
- Tâu bệ hạ, gịăc đã lui hết rồi.
Dạng Đế mừng rỡ lại sai ba ngàn gái đẹp kéo thuyền đi và lại đàn hát vang sông, tưởng như lúc thiên hạ thái bình thịnh trị.
Thấm thoát tới Giang Châu. Dạng Đế truyền Thế Dân vào thành sai người sửa soạn Quỳnh hoa quán để sáng mai thánh giá ngự xem hoa.
Tần vương lĩnh chỉ vào thành, trước hết xem dị hoa đó ra sao. Quả nhiên là một loài hoa lạ, to bằng hai cánh tay ôm, cao ba trượng, mùi thơm đi ba mươi dặm, năm sắc huyền ảo lóng lánh như mây, trên đài hoa có tám cánh lớn, phía dưới có sáu mươi tư cánh nhỏ, quay chầu vào mặt Tần vương. Gió xuân rung động, Quỳnh hoa gật hai mươi tư gật lạy chào.
Đến đây, ta phải nói rằng dị hoa đã nở hơn ba tháng mà vẫn thắm tươi, bởi vì dị hoa từ thiên cung giáng xuống để chầu Chân chúa. Hoa chờ Chân chúa đến nên cứ giữ sắc hương. Nay Chân chúa đến kia rồi, hoa làm lễ triều kiến, hai mươi tư lạy rồi ngay đêm hôm ấy gió lộng tuyết rơi mù mịt trời đất, khiến quỳnh hoa rào rào rụng cánh, đến khi trời sáng thì cánh hoa lẫn vào với tuyết chất cao chót vót tới mây.
Dạng Đế hôm sau vào ngự lãm dị hoa, chỉ còn trơ núi tuyết, thì trong lòng buồn bực, hỏi các quan rằng :
- Ở đây có nơi nào thắng cảnh thì đưa trẫm đi du ngoạn.
Hóa Cập đề nghị đến Kim Sơn, ở đấy sông núi đẹp như nơi tiên động.
Dạng Đế hài lòng lại xuống thuyền tới Kim Sơn. Ngắm xem phong cảnh, thấy núi sông hoa cỏ như gấm vóc, thuyền bè qua lại như lá tre.
Dạng Đế lấy lành vui lắm.
Đêm ấy, ngủ trong hành cung, vào khoảng canh hai trăng thượng tuần vừa lặn thì Dạng Đế bỗng mở mắt ra thấy phụ vương Văn Đế và Thái tử Dương Dụng. Bộc sạ Ngữ kiến Trương, theo sau hàng vạn oan hồn rên rỉ. Người nào cũng mặt đầy máu, kẻ cụt kẻ què chửi rủa Dạng Đế mà đòi mạng. Dạng Đế đang luống cuống thì có một con chó vàng xổ ra đuổi cắn, quỷ ma tan đi hết.
Canh năm, Dạng Đế vời Hóa Cập vào kể mộng. Hóa Cập tâu :
- Chó vàng là Kim khuyển ứng vào Lý Mật. Chúa công mau về Giang Đô trừ kẻ ấy đi, kẻo cái vạ tày đình sẽ đến.
Hôm sau truyền thuyền ngự về Giang Đô, ba nghìn gái đẹp lại hò hát kéo thuyền. Lý Mật cỡi ngựa đi trên bờ hộ giá. Tiên hậu đang gõ phách ngọc ca cho Dạng Đế nghe, bỗng giở tay vén rèm hoa ngó ra sông nước. Lý Mật thấy Tiên hậu mặt đẹp như hoa tóc như mây, mắt như sóng gợn, thì chú ý nhìn. Tiên hậu nổi giận hỏi rằng :
- Người nào cỡi ngựa kia, sao nhìn ta vô lễ thế?
Hóa Cập đứng hầu ở ngoài khoang, nhân dịp ấy nghĩ ngay đến oán thù, bèn khom mình đáp :
- Tâu quốc mẫu đó là Ngụy quốc công Lý Mật.
Dạng Đế nổi giận đùng đùng :
- Đó là tội khi quân, phải giết nó mới xong.
Rồi để bụng, tới Giang Đô, Dạng Đế sai Đậu Kiến Đức bắt Lý Mật đem xử giảo, mà chẳng kể tội lỗi gì chỉ còn chờ giờ ngọ khai đao.
Sắp đến giờ trả nợ dời, Lý Mật ứa nước mắt bảo Kiến Đức rằng :
- Tình tôi với lão huynh như ruột thịt, nhìn máu tôi đổ xuống đại huynh chẳng đau ư? Sao không có một lời can xin!
Kiến Đức nói :
- Đây là mưu của gian thần, nhưng đại huynh không lo, tiểu đệ nỡ nào cắt ruột thịt mình cho thiên hạ cười là bất nghĩa.
Kiến Đức nói vậy, vì đã bàn cùng Chu Sán lập mẹo cứu Lý Mật rồi.
Khi đó Quỳnh hoa thái thú là Vương Thế Sung vẫn có ý làm phản, nên đã ngầm mộ được mấy ngàn quân. Bấy lâu nay chờ cơ hội khởi sự, nhưng chưa có dịp nào, nay tự nhiên thấy Lý Mật sắp bị chết oan, mà chính mình được làm thôi binh quan, bèn vội cầm cờ nhỏ chạy ra pháp trường.
Thế Sung ra hiệu cho Chu Sán cắt dây trói cho Lý Mật, rồi cả bốn người đem gia tướng bỏ Giang Đô phi ngựa chạy.
Dạng Đế nghe tin cả giận, sai Nguyên Bá, Sài Thiệu đi đuổi bắt về.
Nhưng bọn Lý Mật đã đi xa, Nguyên Bá, Sài Tiệu đành phép trở về không.
Lý Mật ngày đêm chạy về Thái nguyên lẩn tránh.
Đậu Kiến Đức trốn đến Minh Châu gặp bạn cũ là Lư Hắc Thát, Tô Định Phương, Sài Kiến Phương, Lương Đình Phương, đã sẵn nhiều quân mã, bèn họp lực đang đêm chiếm đoạt Minh Cháu, giết quan trấn thủ là Trương Xứng Kim.
Kiến Đức tự xưng là Hạ Minh vương, phong các bạn làm đại tướng.
Còn Vương Thế Sung chiếm Lạc Dương. Chủ quản Đoàn Đạt giúp sức. Thế Sung tự xưng là Lạc Dương vương, phong Pháp Tự làm quân sư, Đoàn Đạt làm Nguyên soái, Vương Lâm làm đại tướng.
Lại kể đến Chu Sán trốn đến Sở Châu là Cao Sĩ Đạt vô đạo bị bộ hạ giết chưa biết tìm ai lên thay.
Nhân một hôm chúng đi săn, thấy Chu Sán ngủ trong vòng hào quang sáng rực, biết là quý nhân, chúng rước ngay về tòa làm Nam Dương vương.
Nhắc đến Lý Mật trốn về Thái Nguyên ở một dạo lại bỏ đến Lễ Dương, gặp Việt Quốc công Dương Tố là bạn chí thân. Lý Mật đã ở trong phủ mười hôm mà chẳng thấy Dương Tố bước ra ngoài đại đường.
Mật hỏi tại sao Tế nói :
- Tôi cứ ngồi là thấy quỷ sứ lôi đầu xé áo, nên sợ mà chẳng dám dò ra nữa.
Lý Mật nói :
- Hôm nay tôi xin ra đứng sau lưng thiên tuế, hễ có ma quỷ tôi trừ ngay đi chúng sẽ không dám quấy nhiễu.
Hai người cùng ra đại đường. Dương Tố ngồi một lát đã thấy gió thổi vù vù ở quanh nhà, rồi quỷ ma xõa tóc nhe răng xúm quanh Dương Tố mà đánh xé...
Lý Mật tuốt ngay kiếm nhằm đúng con quỷ mặt xanh chém mạnh.
Quỷ chẳng thấy dâu, chỉ thấy Dương Tố chết nằm gục bên văn án. Đó là vì Dương Tố là Ngũ quỷ tinh ra đời, ngày nay tận số nên bi Lý Mật giết.
Dương Hiếu Cẩm thấy vậy hô gia đinh mấy trăm kẻ trói Lý Mật bỏ tù xa đem giải kinh đô lập tức.
Đây nói chuyên Trình Giảo Kim làm vua đã thấy chán, một hôm ra chầu kêu lên rằng :
- Ta làm Hoàng đế mệt lắm rồi, sáng dậy sớm, tới khuya mới nghỉ, lại phải mũ áo lôi thôi lếch thếch. Ta chỉ thèm như ngày xưa cởi trần dẫm đất chạy nhông ngoài chợ, rượu thịt tha hồ, ngứa tay thì đánh nhau chơi, như thế là sướng nhất. Thôi ta không làm vua nữa.
Nói rồi bỏ mũ vất áo trả mọi người. Mậu Công biết rằng cái số Giảo Kim chỉ làm vua có ba năm, nay đã hết hạn rồi. Trong quân chưa có người thay, còn đang suy nghĩ bỗng nói to :
- Đã có Chân chúa tới Ngõa Cương, mau đi cứu giá.
Mọi người kinh ngạc hỏi :
- Chân chúa ở đâu mà cứu?
Mậu Công đáp :
- Chân chúa sắp bị giải qua con đường này, mau ra rước vào đây để lên ngôi báu.
Giảo Kim nhảy ngay xuống hăm hở nói :
- Nếu vậy thì ta xin đi đón.
Tức khắc cầm búa chạy xăm xăm ra cửa, vẫn để cả mũ áo ngổn ngang trên đất, mình chỉ vận chiếc áo cộc đỏ, chân không giày dép gì cả, vừa chạy vừa thét :
- Mở cửa mau cho ta đi cứu giá. Ta chán làm vua lắm rồi, phen này đi đánh nhau cho thỏa thích đây.
Quân sĩ sợ hãi tưởng là chúa công điên dại, giạt cả sang hai bên đường, buồn cười nhưng cứ phải bưng miệng lại.
Mậu Công cũng đem các tướng ra ngoài thành cứu giá.
Được một quãng, đã thấy Giảo Kim quát tháo trước một toán công sai và quân sĩ ở bên chân núi. Dương Hiếu Cẩm đứng trước tù xa Lý Mật múa giáo đánh Giảo Kim. Kim giơ búa đỡ thuận tay xả một nhát Hiếu Cẩm đứt làm hai đoạn Kim bổ vỡ tù xa, dắt Lý Mật ra. Bọn Mậu Công cũng vừa kéo đến, mời Lý Mật lên kiệu về quan ải.
Tới nơi, mọi người sụp lạy :
- Chúa công đã tới nơi, xin lên ngôi báu để chúng tôi phò tá mưu đại sự.
Lý Mật ngạc nhiên nói :
- Tôi là một kẻ tử tù, được các ông cứu sống, chỉ xin làm một tên lính hầu dưới trướng đã là may, dám đâu vô lễ thế?
Mậu Công nói :
- Đó là ý thiên đình. Xin Chúa công đừng từ chối nữa.
Đoạn lấy mũ bình thiên, áo long bào dâng lên. Lý Mật ngần ngại không muốn mặc. Giảo Kim nóng nảy chạy ngay đến chụp mũ, khoác áo hbo Lý Mật nói ầm lên :
- Chúng tôi đã mời thì ông cứ làm vua chơi một chuyến như lão gia đây, cần gì mà khiêm nhường mải. Bao giờ chán lại thôi.
Lý Mật đành chịu ngồi lên ghế vua. Mọi người tung hô vạn tuế.
Lý Mật đổi hiệu là Tây Ngụy vương, đổi Ngõa Cương trại thành Kim Dung thành, Lý Mật phong Mậu Công làm quân sư, Ngụy Trưng làm thừa tướng, Tần Quỳnh làm Phi hổ tướng quân, Hùng Tín làm Liệt hổ tướng quân, còn các tướng khác đều làm Thất phiến bát mãnh.
Yến tiệc linh đình đủ ba ngày Dân chúng mở hội mừng Chân chúa. Quân sĩ hò reo, vang cả chốn ải quan.
Ngày thư tư, Lý Mật thiết triều thương nghị việc tiến quân đánh năm ải tới thẳng Giang Đô bắt hôn quân vô đạo phong Thúc Bảo làm binh mã Đại nguyên soái, Giảo Kim làm tiên phong, Mậu Công làm hành quân sư Khâu Thụy, Hùng Tín, Nguyên Khánh làm vận lương quan.
Đại binh kéo tới Lâm Dương cách thành năm dặm thì hạ trại.
Nghỉ một ngày, Giảo Kim liền đi khiêu chiến. Tướng Lâm Dương là Thượng Tư Đồ nghe báo tức thì vác cây đề la thương, cỡi ngựa hô lôi báo ra đối địch. Thượng Tư Đồ thấy Trình Giảo Kim mắng rằng :
- Thằng ngu ngốc kia sao đang làm vua mà lại ra đây chịu chết?
Kim đáp :
- Ta không thích làm vua nữa, ta đến đây lấy đầu mày thích tay hơn, can chi mày nói lôi thôi, muốn sống xuống ngựa lạy ta thì được sống.
Thượng Tư Đồ thúc ngựa đánh liền. Giảo Kim giơ búa bổ. Tư Đồ biết Giảo Kim có ba búa đầu thì vô dụng, nên gạt đỡ xong ba búa, Tư Đồ nắm mớ lông đầu hổ lôi báo giật luôn mấy cái.Lôí báo chồm lên, phun ra khói. Ngựa Giảo Kim ngã lăn quay, hất Giảo Kim xa một trượng. Tư Đồ sai quân sĩ trói Giảo Kim đem vào trong quan ải.
Thúc Bảo toan ra tay cứu thì Khâu Thụy vừa đi tải lương về. Khâu Thụy nói :
- Tư Đồ vốn là bạn học một thầy với lão, để lão ra lấy lời dụ dỗ cho hắn bỏ hôn quân mà theo ta, xin Nguyên soái cứ bình tâm.
Nói rồi xuất trận, Thấy Tư Đồ, Khâu Thụy xá dài trên mình ngựa :
- Lão phu mặc giáp không xuống đất lạy chào, xin lão đại huynh miễn tội cho.
Tư Đồ thi lễ nói :
- Chẳng hay lão huynh vì lẽ gì mà lại làm một kẻ phản thần theo giặc, cái danh trung nghĩa của lão huynh từ thuở trẻ bây giờ mất hết.
Lão huynh có tuổi thành ra xử sự lầm lẫn quá, tôi lấy làm thương tiếc lắm.
Khâu Thuỵ vuốt chòm râu bạc, mỉm cười :
- Chúa thượng vô loài, giết cha hại anh, làm điều vô luân vô đạo, phải đâu là minh chúa để tôi trung dốc lòng thờ, ngày nay thiên hạ bất bình mà nổi loan, giặc cướp nổi như ong. Khí số hôn quân chẳng còn bao nhiêu nữa, đại huynh chẳng biết sao còn trách lão phu, chi bằng bỏ tối tìm nơi sáng, bỏ bá đạo theo vương đạo, về đây với lão phu trọn cái tình bạn cũ, đại huynh nghĩ thế nào?
Thượng Tư Đồ nổi giận :
- Lão già này loạn óc, đen lòng, theo giặc tội đã đáng giết rồi lại còn đem lời mê hoặc lòng trung can này nữa, càng đáng chết hơn. Tức thì nắm bờm ngựa giật, lôi báo quen lệ thết như hổ rống, phun khói đen ra khiến ngụa Khâu Thụy ngã lăn vật nlgã Khâu Thụy xuống. Tư Đồ phóng thương đâm trúng cổ Khâu Thụy.
Thế là lão tướng một phút sa cơ đã bỏ cả một đời trung dũng chốn sa trường.
Thúc Bảo được tin nhảy ngay lên ngựa ra trận trả thù cho lão tướng.
Thúc Bảo cả giận quát to :
- Tư Đồ là một tên hèn hạ, thân làm đại tướng phải dùng võ nghệ thi cao thấp sao lại cứ bám chặt vào mớ lông đầu ngựa mà hại kẻ anh hùng, như thế thì ta khinh ngươi hơn con vật đó.
Tư Đồ tức lắm nhưng cũng cười nhạt đáp :
- Đã thế thì không dùng ngựa nữa, mũi thương này chỉ ba hiệp lấy đầu ngươi.
Bảo nói :
- Như thế mới là hảo hán. Ta lại muốn cho quân sĩ lui xa để tránh sự nghi kỵ hại ngầm nhau.
Tư Đồ bằng lòng cho binh lui về quan ải. Đoạn Thúc Bảo nói :
- Ta ngờ rằng chỉ chừng ba hiệp ngươi không địch nổi ta lại dùng lông ngựa, vậy có thực là tay anh hùng không cần bám vào con vật thì cùng ta xuống ngựa tử chiến một phen.
Tư Đồ tức khí nhận lời, sau đó hai ngựa buộc hai nơi Tư Đồ dùng roi sắt, Thúc Bảo múa đôi kim giản như lá rụng mưa rào. Nhưng Thúc Bảo đã dụng cơ mưu, cứ đánh một hiệp lại lùi năm bước dứ cho Tư Đồ đuổi mãi đến chỗ sườn núi che khuất hẳn con ngựa lôi báo kia đi.
Từ Mậu Công ghé tai bảo nhỏ Bá Dương.
Dương vâng lệnh đến chỗ buộc ngựa, nhảy ngay lên yên lôi báo, nhổ cả cây đề la thương phóng vào trong ải.
Thúc Bảo đưa mắt trông rõ lại dứ Tư Đồ về chỗ cũ rồi cười khanh khách :
- Ngựa của túc hạ đã mọc cánh bay lên trời rồi!
Tư Đồ biết mắc mưu đỏ mặt nói :
- Thật là quân cường đạo ăn cắp ngựa ta. Thôi thế đem Giảo Kim ra đổi vậy.
Rồi gọi quân sĩ giải Giảo Kim ra.Bên này Bá Dương cũng đem lôi báo và đề la thương trả lại, đón Giảo Kim về.
Hai bên cùng thu quân vì trời đã tối. Vào ải, Thúc Bảo dặn nhỏ Bá Dương như thế như thế...
Bá Dương lĩnh mệnh đang đêm đem quân ra phía tây sau núi dào một cái hố rất dài. Bá Dương ngồi trong đó, bảo quân sĩ lấy chiếu phủ lên trên, rồi trải cỏ và đất Sớm hôm sau, Thuc Bảo khiêu chiến, đánh năm sáu hiệp rồi chạy về cái hố đào sẵn. Thúc Bảo dừng ngựa nói :
- Nếu Tư Đồ vẫn là anh hùng thì chớ nên dùng lông ngựa nhé.
Tư Đồ nghiêm mặt nói :
- Trượng phu có bao giờ thèm nói dối. Ta chỉ thấy các ngươi lừa ta, chứ khi nào ta cần lừa lại đâu.
Thúc Bảo đề nghị lại xuống đất đánh nhau Tư Đồ cười đáp :
- Tần Quỳnh muốn ta mắc mưu lần nữa đó chăng?
Bảo đáp rằng :
- Ở đây quãng trống đồng không, chung quanh hàng mười dặm không có một nóc nhà, một bóng người, còn có ma nào hiện ra ăn cắp ngựa của nhà ngươi nữa.
Tư Đồ nhìn quanh rồi xuống đất, lại cắm cây đề la thương xuống, buộc ngựa vào đó.
Thúc Bảo lại dùng kim giản, Tư Đồ dùng roi, hai bên đánh nhau vô cùng hăng hái. Thúc Bảo lại vừa đánh vừa lùi mãi. Bá Dương ở dưới hố gần lôi báo thấy Thúc Bảo nhử Tư Đồ đã xa bèn chui lên, nhảy lên lưng hổ lôi báo chạy một mạch về quan ải.
Lát sau, Tư Đồ về nơi buộc ngựa quát vang lên :
- Lại có kẻ cắp ngựa của ta rồi!
Thúc Bảo cười đáp :
- Cái thằng bạn của tôi lạ quá. Hắn thích con ngựa của túc hạ nên cứ cố lấy cho kỳ được. Thôi kính chào túc hạ. Mai lại quyết một trận thư hùng nữa.
Rồi ra roi cho ngựa chạy bay vào ải quan. Tư Đồ đỏ mặt tía tai, hầm hầm đi bộ về bản trại.
Thúc Bảo lấy được ngựa quý, mở tiệc ăn mừng. Giảo Kim rượu say vào buồng ngủ trước. Đến canh ba thức dậy chợt nghĩ đến con lôi báo, nhớ lúc ngã chổng kềnh suýt chết thì nổi giận, vùng ngay dậy. Ra tàu ngựa, Kim một tay nắm bờm, một tay đấm luôn lấy cái, khiến lôi báo gầm lên như sấm. Mấy trăm ngựa chung quanh ngã lăn, phòi cả bọt mép ra. Kim giật nảy mình cũng ngã nhào xuống đất. Đứng lên cáu tiết vớ nắm lông mà giựt rồi nhảy lên phóng ra ngoài ải.
Con lôi báo càng phóng Kim càng dứt bờm làm cho đám lông thần trụi nhẵn.Lôi báo đau quá đứng ngóc đầu lên,Giảo Kim lăn đi mấy vòng không ngóc lên được nữa Lôi báo thẳng đường về ải Lâm Dương với chủ cũ.
Tư Đồ thấy ngựa quý về mừng lắm, xem đến bướu thì thấy mất cả nắm lông. Đồ làm cách nào nó cũng như câm điếc (từ đấy về sau, tới khi Thúc Bảo dành phá Đồng Kỳ nó mới gầm một tiếng. Sau gầm một tiếng ở Dương Châu trong trận cướp Trạng nguyên, trận ở Mỹ Lương châu Uất Trì Cung, Đại chiến lại gầm một tiếng. Khi qua bể Chinh Đông lại gầm một tiếng sau cùng).
Thấy mất lôi báo, Thúc Bảo cả giận thét lôi Giảo Kim ra trảm, Giảo Kim la ầm ĩ :
- Tần huynh coi ta sao không bằng con vật. Chẳng ra gì ta cũng đã là một ông vua, xưa lại là ân nhân của nhà ngươi. Nay giết ta vì tiếc ngựa, ta chết cũng đành, chỉ lo cho thiên hạ cười chê ngươi là bất nghĩa.
Thúc Bảo vội thân cởi trói, vái lạy mà rằng :
- Trình đại huynh xá lỗi cho. Đó là vì quân lệnh. Vì tình riêng thì quân pháp bất nghiêm, còn dám dạy ai được nữa. Đại huynh xét kỹ cho.
Dứt lời, có tín báo Tư Đồ cỡi lôi báo đến thách đánh nhau, Thúc Bảo sai nổ pháo, đem tướng sĩ ra ngoài ải.