Con hạc nằm nghỉ một lúc rồi chớp cánh đánh sang. Lam Hải Bình tung mình nhảy ra sau, cười khanh khách nói :
- Hay lắm! Hay lắm! Ta sống buồn bã trong rừng sâu núi thẳm mười mấy năm nay, giờ mới được gặp mi để đùa giỡn!
Dứt lời Lam Hải Bình liền chập chờn đứng lên ngồi xuống, tiếng cười sằng sặc kéo dài.
Con bạch hạc liền bay lướt qua vỗ cánh đập mạnh vào đầu Lam Hải Bình.
Lam Hải Bình hứng chí dùng ngay chiêu thuật vừa rồi, chộp được hai chân và cái cổ lêu nghêu của nó. Ông đè nó xuống đất, vỗ nhẹ vào mình, hỏi :
- Mi chịu thua chưa?
Con bạch hạc làm sao trả lời, chỉ vỗ cánh đành đạch, Lam Hải Bình cười nói :
- À! Mi chưa chịu phục! Được ta thả ra đó! Chúng ta đánh lại!
Cứ như vậy, Lam Hải Bình vừa bắt được con hạc lại thả ra. Cử chỉ của ông chẳng khác hổ vờn mồi. Từng chuỗi cười khanh khách vang dậy cả hang đá thâm u.
Đến lần thứ năm, sau khi được Lam Hải Bình thả ra, con hạc không vùng lên đánh nữa, cứ nằm duới đất kêu oang oác.
Lam Hải Bình tưởng nó khiếp phục mình nên cất tiếng cười khoan khoái, rồi chẳng cần để ý đến con hạc nữa, quay mình bỏ đi. Ông ta tiến tới đẩy cửa thạch thất, bước vào phòng của Thiên Cơ chân nhân và Tam Âm thần ni.
Lam Hải Bình rút cuốn Quy Nguyên mật tập giả bỏ vào hộp ngọc, đặt lại trên bàn đá, rồi thong thả trở ra đóng cửa lại, vòng qua trận hoa đến miệng hang. Ông ta vừa ngẩng mặt nhìn lên, bỗng giật mình kinh hãi. Sợi dây mây lúc nãy ông vừa xuống đã bị con gì cắn đứt mất rồi. Lam Hải Bình đứng đờ người, nhìn miệng hang sâu hơn trăm trượng thầm nghĩ :
- “Vách núi thẳng và láng bóng thế kia thì dẫu ta tập luyện hàng vài mươi năm nữa cũng khó mà ra khỏi nơi đây!”
Vừa lúc đó, chợt có cái gì chạm vào cánh tay ông, ông vội quay lại, thì ra con bạch hạc không biết tự khi nào đứng một bên.
Lam Hải Bình bỗng nảy ra một ý táo bạo :
“Con hạc này sức mạnh như thế, chắc có thể chở ta lên hang này được. ta phải thử một phen, nếu không được ra khỏi đây sẽ chết đói mất!”
Ông liền nhẹ nhàng ngồi lên lưng hạc. Con hạc này liền vỗ cánh tung bay lên vun vút.
Trong chốc lát con hạc đã chở Lam Hải Bình ra khỏi miệng hang, nhưng nó không chịu đáp xuống mà lại tăng thêm tốc lực bay vút lên cao. Lam Hải Bình kinh hãi thầm nhủ :
- “Thôi chết rồi! Bây giờ mà rớt xuống thì nát xương như chơi!”
Con hạc bay càng lúc càng cao, tiếng vỗ cánh vù vù. Nhưng thân hình nó rất cân bằng, không nghiêng qua lắc lại, nên dần dần Lam Hải Bình cũng giảm phần lo sợ. Một lúc sau thì ông hoàn toàn không còn sợ gì cả mà lại thích thú cất tiếng cười hăng hắc trên không. Ông muốn tìm cách làm sao cho con hạc thần phục vĩnh viễn bên mình.
Thình lình con hạc lớn xếp cánh lại, từ trên cao nghìn trượng cao rớt vù xuống.
Lam Hải Bình giật mình, vội nắm cổ con hạc nghĩ thầm :
- “Chết rồi! Nó kiệt sức mất! Từ trên này rơi xuống thì nát xương!”
Nhưng vừa lúc đó, con hạc xòe cánh ra, vỗ nhẹ vài cái đáp xuống một ngọn núi.
Lam Hải Bình hoàn hồn nhảy phóc xuống đất đảo mắt nhìn, thì ra đây là Truy Vân Nham, đỉnh của Bạch Vân Hiệp. Ông ta vui vẻ lấy Tạng Chánh đồ trong mình ra, tìm đến chỗ của Thiên Cơ chân nhân và Tam Âm thần ni đã giấu lúc trước để vào như cũ, rồi xoay tay khoan khoái, đắc ý cười thầm :
“Một ngày nào đó sẽ có người tìm gặp Tạng Chánh đồ, và sẽ hấp tấp đi tìm Quy Nguyên mật tập giả... ha ha!”
Quá thích thú, ông ta ngẩng mặt lên trời cười như điên dại, tay chân múa loạng choạng như người say.
Nhưng đến lúc Lam Hải Bình nhìn con hạc, nét mặt vui tươi bỗng biến mất, thay vào đó vẻ dàu dàu tư lự. Ông ta phân vân, tiếc rẻ, không biết làm cách nào điều khiển con chim thần này. Ông ta đưa tay ve vuốt lên mình con hạc. Khi tay ông sờ đến cổ nó, chợt thấy một cái gì cồm cộm mà lúc nãy đấu với nó trong hang ông cũng có đụng nhưng vì quá ham vui nên quên mất, giờ mới lần tay lấy ra.
Cái vật cộm ấy là một mắt trúc nhỏ, bịt kín hai đầu, có khoan một lổ nhỏ. Xuyên qua lổ nhỏ ấy có một sợi dây gân hổ được buộc dính vào cổ nó.
Lam Hải Bình ngạc nhiên, vận sức bóp nhẹ. Đoạn trúc vỡ ra, trong có một tờ giấy trắng viết chữ thảo :
Cự hạc huyền ngọc Thiên niên thần vật Tính đã thông linh Lực hạ long hổ Lưu tặng tân chủ Vận vọng hiền cổ Dưới viết :
Thiên Cơ chân nhân tặng người hữu duyên được Quy Nguyên mật tập.
Tiếp đó là những hàng chữ chi chích dạy về cách điều khiển con thần hạc.
Lam Hải Bình vỗ tay đánh đét một tiếng, chỗi cười khanh khách lại nổi lên vang động núi rừng.
Thế rồi, từ đó cứ chiều chiều sau khi luyện võ xong, ông ta lại ngất ngưởng trên mình hạc bay lượn trên không...
Vào một đêm nọ, Lam Hải Bình bỗng nhớ đến chuyện xưa, lòng thầm nhủ :
- “Ta rời Bắc Kinh đã mười mấy năm, chẳng biết những bạn xưa có còn khỏe mạnh không? Phải rồi! Con bạch hạc này một ngày có thể bay mấy ngàn dặm. Ta phải cởi về kinh đô một chuyến để trước bái kiến Thánh Hoàng, sau thăm bạn bè Cẩm Y Vệ và luôn tiện xem Thúy Điệp bây giờ ra sao?”
Thế là ngay đêm ấy, Lam Hải Bình cưỡi bạch hạc nhắm Bắc Kinh trực chỉ.
Con bạch hạc quả có sức khỏe phi thường. Suốt trên con đường biền biệt xa hằng mấy nghìn dặm mà ông ta chỉ nghỉ có một lần và qua ngày hôm sau thì đã đến Bắc Kinh.
Lam Hải Bình cho hạc bay lên không, còn mình ghé đến tửu điếm ăn uống. Khi đã no nê ông ta liền vào hoàng cung ngay đêm đó.
Hoàng cung tuy rộng, lối đi chằng chịt, nhưng nhờ trí nhớ nên Lam Hải Bình vẫn còn có thể nhìn được lối đi và chẳng thấy bỡ ngỡ trước cái vẻ huy hoàng tráng lệ của hoàng thành. Đầu óc ông ta luôn luôn nghĩ đến lúc gặp những người bạn cũ... những nét mặt vui vẻ đón chào... những mẫu chuyện vui buồn trong mười mấy năm qua... Thúy Điệp sẽ mừng rỡ khóc lên rưng rức...
Bỗng trong bóng tối có một tiếng quát hỏi :
- Ai đó! Đang đêm tăm tối dám ngang nhiên đột nhập hoàng cung.
Tiếp theo câu nói là một điểm sáng bắn vút vào mình Lam Hải Bình.
Lam Hải Bình khẽ đưa tay nắm gọn cây ngân băng đánh tới. Ông cứ ngỡ mình là viên đại vệ hầu cận bên Hoàng thượng, nên cười khánh khách rồi hách dịch hỏi :
- Tên nào mà dám phóng ám khí vào mình ta? Coi chừng ta cho một trận đòn nát đít bây giờ.
Nhưng chỉ nghe hai tiếng gió vù vù. Hai bóng người từ bên trong nhảy ra. Đó là hai Cẩm Y vệ sĩ.
Hai Cẩm Y vệ sĩ còn cách Lam Hải Bình chừng một trượng thì đứng khựng lại, trố mắt kinh ngạc nhìn ông.
Thì ra suốt mười mấy năm, Lam Hải Bình chỉ lo tập luyện võ công, không để ý đến mặt mũi nên râu ria rậm rạp, che kín cả mặt mày, chỉ chừa hai con mắt sáng xanh, tóc dài đến mấy thước. Manh áo rách tả tơi còn thảm não hơn cả một tên ăn mày, chỉ khác là có một thân hình to lớn, khỏe mạnh.
Cẩm Y vệ sĩ nắm đao đứng bên trên, cất tiếng cười khinh miệt nói :
- Ngươi ở núi nào đến đó? Hoàng cung đâu phải chỗ ngươi đi nhát con nít.
Cẩm Y vệ sĩ nắm mã tấu đứng bên phải vỗ vai bạn, cười ngặt nghẻo nói :
- Hắn đến nhát bọn mình đấy!
Rồi tên vệ sĩ cầm mã tấu quay lại cười với Lam Hải Bình nói tiếp :
- Có phải thế không lão?
Hai Cẩm Y vệ sĩ khoái chí cười rộ lên.
Lam Hải Bình quắt mắt giận dữ nói :
- Hừ! Chúng bay dám khinh thường ta! Này coi đây!
Nói vừa dứt, ông ta đã nhanh nhẹn tiếng tới tát vào mặt tên vệ sĩ cầm mã tấu. Người này chưa kịp chống đỡ, đã bị cái tát ấy vỡ sọ văng ra mấy thước chết ngay.
Chẳng những Cẩm Y vệ sĩ giật mình mà ngay cả Lam Hải Bình cũng sửng sốt. Trong lúc quá tức giận, ông ta định tát tên cầm mã tấu một cái cho hả giận, mà quên phức là mình có võ công cao diệu. Ông cứ ngỡ như ngày nào ở hoàng cung, cố ý cảnh cáo tên vệ sĩ hỗn láo kia. Không ngờ chỉ cái tát đó đủ cho hắn vỡ sọ chết toi.
Cẩm Y vệ sĩ còn lại ném đại thanh đao vào mặt Lam Hải Bình rồi tung mình bỏ chạy.
Nhưng đã trót giết người, Lam Hải Bình sợ tên kia tri hô lên thì mang trọng tội, nên vội vàng nhảy theo, tay trái bắt đao đang bay đến, đồng thời tay phải đánh mạnh ra một chưởng.
Một luồng kình lực như vũ bão đã ép đến sau lưng. Tên Cẩm Y vệ sĩ chưa kịp la lên thì đã “hự” một tiếng lăn lông lốc về phía trước mấy thước, nằm im bất động. Tai mắt mũi miệng đều rĩ máu bầm.
Lam Hải Bình đứng tần ngần nhìn hai xác chết, khẽ lắc đầu thở dài chán nản...
Bỗng ông ta cảm thấy cái gì lành lạnh ở sau lưng, vừa định quay đầu lại thì một giọng nói rợn người đã vang lên :
- Đứng im! Nếu chống cự ta giết ngay!
Tiếp theo là hai người kẹp chặt lấy hai tay ông. Lam Hải Bình chẳng cần chống cự, thản nhiên quay lại nhìn phía sau. Thì ra mấy người này là ba đại nội cảnh vệ.
Người lớn tuổi nhất đang kề đao sau lưng Lam Hải Bình hỏi :
- Có phải ngươi vừa giết hai người này không?
Lam Hải Bình thành thật đáp :
- Tại chúng hỗn lão quá nên ta cố ý dạy chúng một bài học, không dè lỡ tay...
Người vừa hỏi, nhìn thấy tướng mạo nửa người, nửa ngợm của Lam Hải Bình, khẽ “hừ” một tiếng nói :
- Ngươi biết đây là nơi nào không mà dám phá phách, giết người ngông cuồng như thế?
Lam Hải Bình cười khanh khách đáp :
- Sao ta lại không biết! Đây là nội phủ hoàng cung chớ xa lạ gì!
Rồi ông quay đầu hỏi :
- Nhưng tại sao ngươi bảo ta phá phách?
Người đại nội cảnh vệ gằn giọng :
- Đang đêm ngươi vào đây giết lính canh, không phải đáng tội chết sao?
Lam Hải Bình nói :
- Ta đã nói rồi. Ta chỉ muốn dạy cho chúng một bài học thôi...
Người kia ngắt ngang :
- Nhưng đây có phải chỗ ngươi được lui tới không?
Lam Hải Bình tức giận nói :
- Ta muốn gặp Hoàng thượng. Nếu không đến đây thì còn tìm ở đâu?
Người kia hừ một tiếng thét lên :
- Đồ nghịch thượng!
Vừa dứt lời, người đại nội cảnh vệ đẩy mạnh mũi đao vào lưng Lam Hải Bình.
- Ái!
Một tiếng thét vang lên...
Vì bị hai đại nội cảnh vệ nắm giữ hai tay, và đằng sau đã dí mũi dao sát vào lưng, nên lúc người đó ra tay thì không còn nghe tiếng gió. Lam Hải Bình không làm sao chống đỡ kịp.
Lúc này Lam Hải Bình đã luyện được môn võ công kỳ tuyệt là Huyền Môn Nhất Nguyên Khí Công. Tuy không có phòng bị, nhưng cái tuyệt cao của nội gia khí công ấy cũng có thể tự nhiên phản kích. Người cảnh vệ cầm đao định giết Lam Hải Bình. Nhưng khi vận sức đâm mạnh đến thì thấy da thịt ông ta mềm nhũn. Hắn cảm thấy như đâm nhằm vào khối bông gòn thì giật mình kinh ngạc, định thâu đao lại, nhưng đã muộn mất rồi. Một luồng kình lực âm nhu theo cán đao truyền vào cánh tay hắn, làm cho cánh tay hắn tê liệt. Thanh đao văng ra xa mấy thước, cả thân hình của hắn cũng lảo đảo thối lui. Thì ra tiếng “ái” vừa rồi chính là do miệng tên đại nội cảnh vệ cầm đao thốt ra.
Chẳng những thế, hai gã đại nội cảnh vệ còn cảm thấy như chúng ôm nhằm cục lửa, nên hết hồn rụt tay nhảy nhoài ra xa, quay mình bỏ chạy.
Lam Hải Bình cười ha hả, phất mạnh tay áo một cái, một cơn gió lốc cuốn sang. Hai tên đại nội cảnh vệ chạy đã cách xa hơn trượng, nhào sấp luôn xuống đất, chết ngay không kịp ú ớ một tiếng.
Tên cảnh y đại nội thấy thế hết hồn, quay mình chạy vụt vào bóng tối. Mới chạy vài bước hắn sợ quá lại quay đầu dòm chừng. Nhưng Lam Hải Bình đã không cánh mà bay đâu mất rồi. Tên cảnh y tuy sợ đến líu lưỡi, song cũng ráng đứng lại đảo mắt nhìn quanh. Ngoài bốn xác chết nằm im kia thì không thấy một bóng người nào nữa. Bất giác tên ấy cảm thấy hơi lạnh sau ót chạy dài xuống xương sống. Hắn tưởng Lam Hải Bình là một con quỷ hiện hình.
Nhưng tên cảnh y có ngờ đâu trong lúc hắn vừa quay gót chạy thì Lam Hải Bình đã nhún mình nhảy bay về phía trước lẩn mất vào khúc quanh.
Lam Hải Bình lo sợ, chỉ mong sao mau mau tẩu thoát khỏi hoàng cung, để cỡi hạc về núi. Nhưng cũng vì lòng hốt hoảng, nên ông cứ chạy đại không để ý. Quanh co một lúc qua mấy lớp nhà thì ông lạc mất phương hướng.
Lam Hải Bình vội vàng nhảy vèo lên mái ngói, ngẩng mặt nhìn trời trông sao để định hướng. Nhưng ác nỗi một vài ngôi sao le lói lúc đầu hôm lại bị mây đen che mất. Lam Hải Bình định thần nhìn lại, thấy bốn bên mái ngói hoàng cung san sát như kéo dài bất tận, và chỗ ông đang đứng thì lại gần cung cấm rồi.
Phía trước kia là vườn Thượng Uyển. Dãy lầu bên trái vườn Thượng Uyển là chỗ ở của Hoàng hậu. Đối diện với thâm cung của Hoàng hậu là một khu đất rộng lớn dùng làm hậu điện của nhà vua.
Lam Hải Bình còn tần ngần chưa biết chạy về phía nào.
Bỗng trong đêm tịch mịch của hoàng cung vang lên một tiếng chuông. Tiếp theo bốn mặt lần lượt có bốn tiếng chuông ngân vang như đáp ứng, rồi những ngọn đuốc sáng rực đang lục lạo phía sau.
Lam Hải Bình biết Cẩm Y vệ sĩ đi lùng bắt mình. Ông ta thầm nghĩ :
- “Nếu ta không nhanh chân ra khỏi nơi này để chúng bố trí gắt gao thì lúc ấy muốn ra cũng phải đánh một trận tơi bời nữa”.
Ông ta nhìn về phía dãy cung cấm, chợt nghĩ :
- “Phải rồi! Ta đến chỗ đó! Quanh qua khóm trúc kia, rồi lần ra hậu cung, kêu hạc bay về núi thì yên chuyện. Còn...”
Đang suy nghĩ bỗng ông ta nghe tiếng người nói ở dưới đất :
- Không được đâu! Gần đến cung cấm của Hoàng thượng rồi. Léng phéng đến đó thêm mang họa...
Tiếng của một người khác lạnh lùng tiếp :
- Lưu công công đã ra lệnh bất luận làm sao cũng phải bắt cho được người mới lén vào cung. Bổn phận của chúng ta chỉ biết tuân theo mệnh lệnh của Lưu công công, kể gì phòng cấm với không cấm...
Lam Hải Bình ẩn mình trên mái ngói nghe tiếng nói càng lúc càng nhỏ dần về phía vườn Thượng Uyển. Ông ta vừa trở mình dậy vừa nghĩ :
- “Lúc này mà ta xuất hiện thì nhất định không tránh khỏi trận giao tranh khủng khiếp. Nếu cao thủ trong cung liên tiếp đuổi đến thì ta khó cự được, dẫu thoát được cũng phải một phen cực nhọc”.
Lam Hải Bình nhẹ nhàng nhảy xuống đất, chạy vùn vụt đến khóm trúc bên cung của Hoàng hậu. Ông định lách mình vào khóm trúc để tìm lối đi, chợt nghe tiếng gió bay đến sau lưng, nên vội quay người lại vung tay gạt mạnh. Ba lằn sáng đang bay bị văng ra hai bên. Thì ra đó là ba ngọn phi đao Ông định thoát chạy ra phía hậu cung thì đã có hai người đứng chận trước mặt.
Lam Hải Bình thấy người đứng bên trái vừa cao vừa ốm, tay chân dài thòng như tay vượn. Người đứng bên phải lại to lớn mập mạp, hai tay cầm lăm lăm đôi Hổ Nha Cang Luân.
Hai người này là hai nhân vật khét tiếng trong nhóm cao thủ thuộc bọn Tây Xưởng Cảnh Vệ. Những tay cao thủ này không như bọn lính vác đuốc sáng trưng, đi đến đâu thì rầm rộ đến đó. Những cao thủ của Tây Xưởng Cảnh Vệ chỉ âm thầm phục kích tại những chỗ hiểm yếu. Vì thế nên Lam Hải Bình không ngờ được. Ông vừa chạy đến khóm trúc thì đã bị hai cao thủ này phát giác, phóng phi đao hãm hại. May mà ông có võ công cao diệu, không thì đã toi mạng rồi.
Người ốm chằm chặp nhìn Lam Hải Bình, rồi bất thình lình hắn nhảy đến vung tay mặt lên, điểm vào huyệt Phúc Kết phía bên ngực trái của Lam Hải Bình, đồng thời tay phải hắn dùng Cầm Nã thủ chộp vào vai của ông.
Người to con thấy đồng bọn ra tay, cũng vũ động cặp Hổ Nha Cang Luân nhất loạt bủa vào người Lam Hải Bình.
Từ ngày học được Quy Nguyên mật tập Lam Hải Bình chưa được gặp tay võ lâm cao thủ nào, giờ gặp hai người này thấy mới xuất chiêu đã ác liệt, nên ông ta hứng chí nói :
- Hay lắm! Hay lắm! Chúng ta đánh một trận cho vui!
Ông quên mất mình đang ở nơi tử địa, chẳng khác nào hùm thiêng sa lưới, cất tiếng cười ha hả, liền nhảy qua một bên tránh Hổ Nha Cang Luân tay trái xuất chiêu Bình Sa Lạc Nhạn, đánh vào người ốm. Chưởng phong ào ào ép đến.
Người ốm vội biến trảo thành chưởng, đánh mạnh ra truy cản.
Người ốm bị chưởng lực của Lam Hải Bình đẩy thối lui năm thước. May mà ông ta chỉ dùng có ba thành công lực. Nếu thêm vài thành lực nữa thì thì tên ốm tong chắc hộc máu chết tươi.
Lam Hải Bình cười một tiếng, thâu chưởng lại, xoay nửa vòng, rồi hai tay cùng loại tấn công. Tay phải chụp vào vai người cao lớn cầm Hổ Nha Cang Luân, tay trái dùng Cầm Nã thủ bắt tay người ốm vừa chớp mình định nhảy vào.
Ông giật mạnh một cái rồi lại thả ra, nhảy lui một bước. Đây là một tuyệt học ghi trong Quy Nguyên mật tập tên Hổ Báo Song Công.
Hai người kia dẫu võ công dù có cao diệu cũng khó mà tránh kịp cái chiêu ác độc nhanh nhẹn ấy.
Người to lớn bị chụp trúng vai, trong tức khắc thấy tê bại, bật ngửa về phía sau, cặp Hổ Nha Cang Luân rơi xuống đất.
Người ốm bị bắt nhằm Mạch Môn huyệt, toàn thân công lực tiêu tan, không làm sao phản kích được, nhào chúi mũi về phía trước, đụng nhằm người mập một cái. Cả hai người cùng ngã nhào xuống đất.
Hai người thử vận công thấy chưa bị hại nên vội tung mình đứng lên. Nhưng chúng đảo mắt nhìn quanh thì không thấy Lam Hải Bình đâu cả. Chúng vừa kinh ngạc vừa khiếp sợ.
Người to lớn lấy tay áo lau mồ hôi trên trán xong, phủi đất bụi trên quần áo, suy nghĩ một chút rồi nói :
- Thật là kỳ! Lão đệ hành tẩu giang hồ mười mấy năm chưa gặp ai tướng mạo như thế.
Tại sao hắn mới xuất một chiêu đã bắt được vai tôi.
Đây là lần thứ nhất lão bị ngã nhào một cách nhục nhã!
Người ốm đảo mắt nhanh một lần nữa rồi gằn giọng nói :
- Tất cả hoàng cung đều bao vây cẩn mật, chỉ trừ có cánh hắn mới thoát được thôi!
Tôi tin chắc hắn ẩn núp đâu đó chớ chưa thoát kịp đâu. Chúng ta huy động thêm người đi lùng soát ắt sẽ bắt được.
Lam Hải Bình tuy đánh ngã hai người, song ông có tính khôi hài nên chưa chịu đi xa.
Ông nhảy vào vườn Thượng Uyển, núp vào mấy bụi hoa rậm để xem thử hai gã bị đánh đang làm gì.
Khi nghe người ốm nói thế, ông mới giật mình lo lắng thầm nhủ :
- “Bốn bên đều bị địch bao vây, trời lại tối đen không biết hướng nào. Chạy trong lúc này chẳng khác nào làm đích cho chúng đuổi theo. Vậy ta cứ ngồi đây nghĩ một lát, gạt chúng tìm chỗ khác và đợi lúc trời trong sáng để định hướng mới có thể khỏi bị lạc lối như vừa rồi”.
Lam Hải Bình không phải là người nhiều tâm cơ nên mới nghĩ thế. Ông ta ngồi xếp bằng, nhắm mắt vận công.
Nhưng chẳng bao lâu chợt nghe một loạt chân người rầm rập chạy đến. Chớp mắt đoàn người đó đã đến vườn Thượng Uyển.
Lam Hải Bình giật mình, vội định thần chuẩn bị nghinh địch.
Đây là cái khổ của người vận công, lúc lưu hành chân khí dở dang mà bị kẻ khác quấy động sẽ bị tẩu hỏa nhập ma ngay, hơi đọng lại trên các huyệt mạch, không tan kịp, nhẹ thì bị thương, nặng thì sẽ bị tàn tật suốt đời.
Lam Hải Bình cũng vậy, trong lúc quá gấp rút nên quên mất cái tai hại khủng khiếp, vội đứng dậy giữa chừng. Hơi thở ông nặng thêm lên, cả mình mồ hôi nóng đổ ra ướt đẫm cả áo.
Những người mới đến phía ngoài vườn đều là những võ lâm cao thủ, tai mắt tinh lanh.
Họ phát giác ngay được hơi thở ồ ồ của Lam Hải Bình từ trong bụi hoa đưa ra.
Một cây đuốc giơ cao, ánh sáng chiếu lên mình Lam Hải Bình. Vì bận điều chỉnh khí huyết nên Lam Hải Bình đứng im không rục rịch.
Thình lình một lưỡi phi đao bay đến. Lam Hải Bình không thể vung tay tóm bắt, mà cũng không thể nhảy tránh.
Phi đao đã đến trước mặt ông...
Trong lúc thập tử nhất sinh, Lam Hải Bình vội há miệng dùng răng cắn được luỡi phi đao. Ông nhìn xuống thấy lưỡi phi đao phản chiếu ánh sáng xanh, biết đó là một loại ám khí có tẩm độc. Ông giật mình vội nhả ra.
Chân khí sắp quy tụ lại ở Đan điền liền bị cái giật mình ấy làm cho tán loạn. Chân mặt và cánh tay trái của Lam Hải Bình tê đi. Ông chưa điều hành nội lực thì đã nghe hai tiếng hét, một cây thiền trượng và cặp Hổ Nha Cang Luân đồng loạt đánh đến.
Lam Hải Bình dùng chân trái nhảy vọt lên tránh khỏi cây thiền trượng và Hổ Nha Cang Luân. Chưởng mặt đánh một chiêu Thăng Khấu Thiên Môn ép đến ngực người to lớn đang sử dụng cặp Hổ Nha Cang Luân.
- Hự!
Chỉ nghe nghe một tiếng ấy, người to lớn bị chưởng phong bay bổng lên bảy tám thước như quả cầu, rớt bịch ngoài xa hai trượng. Tai, mắt, mũi, miệng đều hộc máu ra chết tươi.
Lão cầm thiết thiền trượng là một hòa thượng, thấy đồng bọn bị hạ quá nhanh thì giật mình đứng ngơ ngẩn.
Lam Hải Bình dùng lực điểm chân trái xuống đất nhảy lên không, tay mặt bắt đuợc cây thiền trượng của đối phương đồng thời chân trái cũng đá ra.
Lão hòa thượng bị giật quá mạnh, không tự chủ được, thân mình nhào tới, vừa lãnh trọn ngọn cước của Lam Hải Bình, vỡ đầu văng ra mấy thước chết tốt.
Vì vận công lỡ dở nên bị nội thương, Lam Hải Bình tức giận tột độ, mỗi chiêu mỗi thế đưa ra đều là những tuyệt học hiểm độc. Ông lại dùng hết thành lực nên chỉ vài cái chớp mắt đã diệt trừ hai đối thủ lợi hại. Ông thét lên một tiếng, liệng cây trượng ra, chỉ nghe một tiếng kêu thê thảm vang lên, tức thì cây đuốc văng ra năm sáu trượng tắt ngấm.
Nhưng cũng vì mấy lần dụng sức làm cho chân khí trong thân thể Lam Hải Bình nổi lên ác hóa. Chân mặt và tay trái ông đều sưng vù lên, đau nhức khó chịu vô cùng. Ông lo sợ thầm nghĩ :
- “Nếu ta không tìm chỗ ẩn núp để điều hòa chân khí trở lại, rủi bọn chúng ùa đến nữa thì có nước ngồi đó chịu trói mất!”
Lam Hải Bình liền nhún mình nhảy mấy cái lần vào vườn hoa.
Sự việc vừa xảy ra nói thì lâu, nhưng chỉ vì xảy ra trong phút chốc. Trong vườn Thượng Uyển còn sáu bảy tay cao thủ Tây Xương đều không kịp truy cản Lam Hải Bình. Đến khi thấy ông chạy gần đến cuối vườn Thượng Uyển, họ mới sự tỉnh, dùng phi đao, phi tiêu, kiếm, đao đồng loạt đánh theo Lam Hải Bình.
Đợi một lúc không thấy động tĩnh, chúng mới dám phóng mình đuổi theo lục lạo, nhưng chỉ thấy hoa lá bị ám khí đánh tơ tả, còn địch nhân thì biến đâu mất, cả bọn đều sững sờ. Một người nói :
- Chúng ta chia ra hai tốp. Một tốp ở lại lo thu xếp những tử thi ở đây, một tốp tiếp tục tầm nã tên gian.
Luận về võ công thì bọn ăn hại này tuy cũng cao cường thật, nhưng cho dù huy động hết cả cao thủ Đông Tây Xưởng cũng khó mà bắt được Lam Hải Bình. Việc chúng lùng soát chỉ là việc làm lấy lệ theo lệnh của thái giám họ Lưu thôi.
Lại nói Lam Hải Bình cứ cắm đầu chạy một mạch về phía trước, được một khoảng xa, tự nhiên cảm thấy chân trái ông tê đi, ông ngã xụi xuống đất, lòng nghĩ khó mà thoát được cấm địa này, nên thở dài chán nản.
Ông ngẩng đầu nhìn lên, ngoài mấy trượng có một tòa lâu đài. Chợt ông sực nhớ nhủ thầm :
- “Con bạch hạc rất thông linh, tại sao ta không ráng dồn chân khí gọi nó đến đưa ta về Nam”.
Lam Hải Bình đâu ngờ chân khí trong mạch đã kết thành thương. Đốivới người luyện võ, công lực tinh thông chừng nào thì thương thế càng nặng chừng ấy. Toàn thân ông kinh mạch đã ứ đọng, đừng nói đến chuyện vận chuyển chân khí, ngay đến máu huyết cũng không thông.
Lam Hải Bình gắng gượng ngẩng đầu cất tiếng. Nhưng tiếng nói vừa mới phát ra thì nội phủ dã bị huyết xông lên, chân khí lập tức đứt đoạn.
Ông tuyệt vọng, nhắm mắt lại, từ từ lấy Quy Nguyên mật tập trong mình ra, nghĩ :
“Đêm nay chắc ta không thoát khỏi cung cấm. Cuốn kỳ thư này không hủy đi, để kẻ ác tâm chiếm được ắt sẽ gây tại họa khủng khiếp cho nhân gian. Nhưng bây giờ hủy đi thì quá uổng. Thiên Cơ chân nhân và Tam Âm thần ni đã phí công không biết bao nhiêu tâm huyết mới hợp chép ra được. Nếu ta chết và cuốn kỳ thư này cũng bị hủy luôn thì những võ học tuyệt thế sẽ thất truyền mất”.
Lam Hải Bình suy đi nghĩ lại nhưng không biết làm sao quyết định trước hai ngã đường.
Hủy kỳ thư thì sợ thất truyền võ học, còn để thì lại sợ kẻ ác cướp được thì gây sóng gió cho đời. Tay ông nắm kỳ thư mà nước mắt chảy ròng.
Thoạt nhiên từ xa vọng lại tiếng chân người rầm rập, càng lúc càng rõ dần. Lam Hải Bình biết đó là bọn Cảnh Y vệ sĩ đi tìm mình nên lòng càng thêm lo lắng. Trong lúc gấp rút, ông vội cất kỹ Quy Nguyên mật tập vào mình rồi lại cố sức chạy đến ngôi lầu kia.
Lam Hải Bình có ý muốn chạy tạt về phía hông cấm cung để ẩn núp vào hàng trúc, nhưng khi thấy trong cung có một cửa sổ đang mở, thì liền đổi ý, nhún mình nhảy vọt vào phòng, núp vào dưới một cái bàn có phủ khăn.
Tiếng chân người lúc nãy đi ngang qua rồi mất dần về phía hàng trúc.
Lam Hải Bình lại nghĩ về cuốn kỳ thư võ học, nên đưa tay lấy Quy Nguyên mật tập giở đến bài chữa thương. Mắt ông rất tinh, lại nhờ ánh đèn trong phòng nên xem rất rõ. Ông thầm đọc :
Trước khi học võ phải học phép cứu thương...
Bỗng bên ngoài nổi lên tiếng tung hô :
- Vạn tuế! Hoàng thượng giá lâm.
Lam Hải Bình hết hồn, vội cất Quy Nguyên mật tập, rồi lẹ làng chạy đến bàn sách.
Vừa ẩn thân xong, ông quay lại nhìn.
Cánh cửa sổ mở, hai người thái giám cầm đèn lồng đi sau một người mặc hoàng bào, khoảng hai mươi, hai mốt tuổi. Sau người này là một thái giám thứ ba mặc áo xanh, độ chừng ba mươi tuổi, mặt trắng, cặp mắt liếc ngang nhìn dọc.
Người mặc hoàng bào cười nói :
- Tất cả bọn mỹ nữ trong cấm cung dẫu có đẹp thật nhưng thiếu phần hương vị!
Thái giám mặc áo xanh cúi mình nói :
- Tiểu nô đã phái người ra ngoài thành tuyển mỹ nữ. Ngày gần đây ắt sẽ sung vào cung cấm nhiều mỹ nữ rành nghề.
Người mặc áo hoàng bào chép miệng như hối tiếp một cái gì, nói :
- Thúy Điệp quá cường ngạnh! Không biết mấy tháng nay nàng ra sao?
Vừa lúc đó có tiếng chân người và ánh sáng đi vào phòng. Đó là hai người tỳ nữ điệu đến một mỹ nữ.
Lam Hải Bình như người trên chín từng mây rớt xuống. May mà ông không nói được, nếu không ông đã kêu to rồi. Té ra mỹ nữ kia chính là cung nữ Thúy Điệp, người mà mười mấy năm trước vua Hiến Tôn đã ban cho ông.
Chuỗi ngày dĩ vãng bỗng hiện rõ trước mắt. Ông nghĩ đến mối tình tha thiết của Thúy Điệp đối với ông làm cho ông hối hận vô cùng...
- Bệ Hạ khỏi nhọc lòng! Việc này để tiểu nô lãnh mệnh. Chắc chắn không quá ba ngày, nàng sẽ thuận ý theo Bệ Hạ.
Người mặc hoàng bào gật đầu nói :
- Ta chưa hề gặp một mỹ nhân nào như thế! Khanh nhớ không được làm khó nàng nghe chưa?
Thái giám mặc áo xanh cúi mình tâu :
- Xin phụng mệnh!
Người mặc hoàng bào bước ra khỏi cấm phòng. Người thái giám đi sau không quên quắc mắt nhìn Thúy Điệp.
Sau khi đưa người mặc hoàng bào ra khỏi cửa, gã thái giám mặc sắc phục xanh bước vào nhìn người thái giám nhỏ tuổi cầm đèn nói :
- Đi lấy roi da đem ra đây. Ta xem thử coi có phải nó mình đồng da sắt không!
Thái giám cẩm đèn gục đầu đi ra. Một lúc hắn trở vào với cây roi da dài hơn hai thước.
Người thái giám áo xanh nhìn hai tỳ nữ nói :
- Lấy khăn nhét miệng nó lại!
Hai tỳ nữ riu ríu vâng lời. Chúng vội lấy khăn nhét vào miệng Thúy Điệp, xong lui ra xa.
Gã thái giám áo xanh tiếp roi da rồi hầm hầm vung tay quất đen đét vào mình Thúy Điệp.
Thúy Điệp đau quá muốn khóc mà không được, chỉ thấy vai nàng rung động. Bị đánh một lúc máu tươm đầy mình, nàng như điếng đi không còn quằn quại nữa.
Lam Hải Bình thấy người yêu cũ bị hình phạt dã man thì lòng đau đớn vô cùng. Từng tiếng roi quất vào người Thúy Điệp là từng mũi kim đâm vào tim ông.
Lam Hải Bình không thể nào chịu nổi nữa, định tung mình đến đánh gã thái giám một chưởng cho nát thành trăm mảnh. Nhưng vừa giơ tay lên thì khí huyết nội phủ đã ngưng lại, ông ta lại mê man bất tỉnh.
Lam Hải Bình vừa kể đến đây thì chợt nghe Tiểu Điệp khóc òa kêu lên :
- Hồi đó mẹ tôi không biết chút võ công làm sao chịu nổi?
Lý Thanh Loan đầm đìa nước mắt tiếp :
- Gã thái giám đáng tội chết! Ngày sau nếu gặp gã tôi sẽ cho một trận mềm xương.
Bạch Vân Phi cũng chảy nước mắt, cắn môi trố mắt nhìn Lam Hải Bình, như đang tưởng nhớ chuyện xưa...
Lam Hải Bình thở dài một tiếng nói :
- Vì ta bị thương, toàn thân khí huyết đảo lộn, nên bị mê man. Đến khi tỉnh lại thì thấy thái giám áo xanh đã ngưng tay. Ta sợ hãi, tưởng rằng Thúy Điệp bị đánh chết, nên ta định thần nhìn ra. Thì thấy một đứa bé gái độ ba tuổi, mặc áo gấm vàng đang nằm trên mình Thúy Điệp. Thái giám mặc áo xanh giơ roi da lên nhưng không dám đánh xuống, sợ làm cho đứa nhỏ bị thương. Ta đã từng ở trong cung, biết đứa bé ấy là bậc tôn quý. Vì vậy gã thái giám mới không hành hung Thúy Điệp nữa.
Tiểu Điệp giọng nói tức tưởi :
- Vị tỷ tỷ ấy rất tốt, ngày sau nếu tôi gặp được, tôi sẽ đền ơn người đã cứu mẹ tôi!
Lam Hải Bình nói :
- Điệp nhi! Đứa bé gái kia không phải ai xa lạ mà chính là Công chúa của Hoàng thượng. Nàng bây giờ đang ngồi bên mình con.
Thiếu nữ choàng khăn xanh quay lại nhìn Bạch Vân Phi, nói :
- Hồi nãy mới gặp tỷ tỷ, tôi có cảm tưởng như dã gặp ở đâu. Đến khi mở chiếc khăn trắng của mẹ để lại, tôi mới nghĩ đến hồi sinh thời mẫu thân tôi ngày nào cũng mở ra nhìn hình vẽ trên khăn một lúc lâu và bà thường bảo tôi rằng: “Sau này nếu con gặp được người vẽ trong khăn thì dầu có việc gì khó nhọc mấy con cũng phải luôn luôn tuân lời”. Ồ! Hình vẽ ấy chính là tỷ tỷ lúc còn nhỏ...
Rồi nàng vội đổi lối xưng hô, tiếp lời :
- Bây giờ Công chúa đã lớn rồi nên mới gặp tiện nữ, không ngờ đuợc...
Lúc này Bạch Vân Phi đã hiểu nhiều về hoàn cảnh, thân thế của mình nên lắc đầu nói :
- Lang Đại công chúa đã không còn trên đời này nữa. Điệp muội nên gọi ta là Đại tỷ tỷ đi!
Lam Hải Bình vừa vận công chữa thương vừa nói :
- Sau khi thấy Thúy Điệp bị đánh đập thảm thương, ta lại nổi lên cái ý cầu sinh. Chỉ có sống thì ta mới có thể cứu được nàng. Ta liền vận công theo bài chữa thương trên Quy Nguyên mật tập ghi là Đào Khí Quy Nguyên. Cứ theo nguyên tắc lưu hành chân khí một vòng thì thương thế lành lại nhiều. Ta mở mắt ra xem mới hay trời đã sáng. Té ra cuộc chữa thương này tốn hơn ba giờ. May mà người ta chưa phát giác nếu không thì mười mạng cũng khó sống được.
Bạch Vân Phi tiếp :
- Sau khi vận công xong sư phụ liền lên lầu thăm thương thế của Thúy bảo mẫu phải không?
Lam Hải Bình gật đầu :
- Không sai! Ta thử cử động tay chân, thấy đã hết tê, toàn thân kinh mạch tuy chưa được thông lắm, nhưng đã khá nhiều. Vì quá lo nghĩ đến Thúy Điệp nên ta quên mình đang ở cung cấm. Đến khi tới phòng nàng, ta giở ngói nhìn xuống chợt thấy có Công chúa và Hoàng thượng nên vội ẩn mình trên xà ngang trong phòng nàng...
Bạch Vân Phi nói :
- Phải rồi! Khi Phụ Hoàng đi xa rồi thì sư phụ từ trên xà ngang nhảy xuống làm con hoảng hồn ngất xỉu.
Lam Hải Bình lắc đầu nói :
- Không hoảng hồn ngất xỉu đâu. Nguyên do là vì lúc ta mới nhảy xuống đã điểm huyệt Công chúa. Hồi đó râu tóc ta trông rất dễ sợ, chẳng những Công chúa hoảng vía lên mà Thúy Điệp cũng tái mặt. Ta vội điểm lẹ vào huyệt của Thúy Điệp, rồi mới nói cho nàng biết ts là người nào.
Bạch Vân Phi buồn buồn nói :
- Sư phụ gọi con bằng Đại nhi đi! Hai tiếng Công chúa đó khó nghe quá!